GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 17/12/2005

Tuần III Mùa Vọng

 

?   Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Phục Vụ Con Người

   ĐTC Biển Đức XVI: Tâm Nguyện Tôn Kính Mẹ Maria Dịp Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005 Theo Truyền Thống ở Tháp Trụ Piazza di Spagna Rôma

?  Vấn Đề Diệt Chủng Do Thái: Tòa Thánh và Thế Giới phản đối Tổng Thống Iran

 

?   Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói những gì để bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II? - Một Công Đồng Phục Vụ Con Người

 

(tiếp 13 Thứ Ba, 14 Thứ Tư, 15 Thứ Năm 16 Thứ Sáu)

 

Chủ nghĩa nhân bản thế tục, khi cho thấy thực tại chống giáo sĩ kinh hoàng của nó, ở một nghĩa nào đó, đã tỏ ra bất chấp công đồng này. Thứ đạo giáo của Vị Thiên Chúa hóa thân làm người đã gặp gỡ thứ đạo giáo (thật sự là như thế) của con người muốn làm Thiên Chúa. Thế rồi những gì đã xẩy ra? Đã xẩy ra một cuộc đụng độ, một trận chiến, một vụ lên án hay chăng? Đó là những gì có thể, nhưng lại chẳng có gì xẩy ra cả. Câu truyện xưa về người Samaritanô đã là mô thức cho linh đạo của công đồng này. Một xúc động cảm thông vô biên đã thấm đậm toàn thể công đồng. Điều công đồng của chúng ta chú trọng tới đã được thu hút bởi việc khám phá ra các nhu cầu của con người (những nhu cầu tăng phát hợp với tầm mức cao cả được con cái loài người cảm thấy là họ nắm trong tay). Thế nhưng, chúng ta kêu gọi những ai tự gán cho mình là thành phần nhân bản gia tân tiến, và những ai từ bỏ giá trị siêu việt của các thực tại tối hậu, hãy cảm nhận nơi công đồng này ít là về một tính chất duy nhất, và hãy nhìn nhận cái kiểu mẫu mới mẻ về nhân bản của chúng ta, ở chỗ, thật vậy, cả chúng ta nữa, hơn bất cứ một ai khác, chúng ta cũng tôn vinh nhân loại.

 

Cuộc hội nghị long trọng này đã nghiên cứu khía cạnh nhân bản nào đây? Công đồng đã đề ra cho mình mục đích nào theo thần hứng đây? Công đồng cũng chú ý tới chiều kích luôn có hai mặt của nhân loại, đó là tình trạng con người khốn khổ và cao cả, tình trạng hết sức yếu hèn của họ – một tình trạng không thể chối cãi và tự họ bất khả chữa trị – và cái sự thiện tồn tại nơi họ là những gì cho thấy một vẻ đẹp kín đáo và một thứ thanh thản bất khả chiếm đoạt. Thế nhưng, người ta cần phải nhận thấy rằng công đồng này, một công đồng con người có thể nhận định, đã chú trọng rất nhiều đến phương diện tích cực của con người hơn là phương diện tiêu cực của họ. Thái độ của công đồng là một thái độ rất ư là lạc quan cân nhắc. Hãy nhận biết những gì công đồng này tỏ ra cảm mến và cảm phục đối với thế giới tân tiến của nhân loại. Thật ra những lồi lầm đã bị lên án, vì đức bác ái cũng như sự thật đòi phải làm như thế, song đối với chính con người thì chỉ cần cảnh báo, tôn trọng và yêu thương mà thôi. Thay vì những chẩn đoán buồn thảm là những phương thức phấn chấn; thay vì những điềm báo thảm thương là những lời lẽ tin tưởng được công đồng gửi cho thế giới hiện đại. Các giá trị của thế giới tân tiến này là những gì chẳng những được tôn trọng mà còn được tôn vinh nữa, những nỗ lực của nó được chấp nhận, những ước vọng của nó được thanh tẩy và chúc phúc.

 

Chẳng hạn, quí huynh thấy đó, vô vàn ngôn ngữ của các dân tộc ngày nay đã được tham phần vào việc diễn đạt phụng vụ trong vấn đề con người giao tiếp với Thiên Chúa và Thiên Chúa giao tiếp với con người: Đối với con người, như thế là nhìn nhận điều đòi hỏi căn bản của họ trong việc họ muốn được hoan hưởng tất cả quyền sở hữu các thứ quyền hạn của họ cùng với định mệnh siêu việt của họ. Các ước vọng cao cả của họ về sự sống, về phẩm vị con người, về quyền tự do chính đáng, về văn hóa, về việc cải tiến lãnh vực xã hội, về công lý và hòa bình đều là những gì đã được thanh tẩy và cổ võ; và lời mời gọi mục vụ và truyền giáo để làm rạng ngời Phúc Âm là những gì đã được ngỏ cùng tất cả mọi người.

 

Giờ đây chúng ta chỉ nói rất vắn tới rất nhiều vấn đề bao rộng, liên quan đến phúc lợi của con người là những gì được công đồng bàn tới. Công đồng không cố ý giải quyết tất cả mọi vấn đề của đời sống tân tiến; một số những vấn đề này cần phải được nghiên cứu hơn nữa, những vấn đề Giáo Hội có ý trình bày chúng theo những chiều hướng rất giới hạn và tổng quan, và đó là lý do chúng cần được nghiên cứu hơn nữa và cần được đem ra áp dụng một cách khác nhau.

 

Thế nhưng, ở đây cần phải ghi nhận một điều là quyền giảng dạy của Giáo Hội, cho dù không muốn ban hành những tuyên bố về tín lý đặc biệt, quyền này cũng là những gì đã hoàn toàn cho thấy việc giảng dạy có uy tín của mình về một số các vấn đề ngày nay đang đè nặng trên lương tâm và hoạt động của con người, có thể nói đang tiến tới chỗ đối thoại với họ, song bao giờ cũng bảo toàn thẩm quyền và quyền lực của mình; quyền giảng dạy này đã nói bằng một giọng điệu thân tình thích ứng của một đức ái mục vụ; mọi người đều đã nghe thấy và hiểu được ước muốn của quyền giảng dạy ấy; nó không chỉ chú trọng tới việc hiểu biết về tri thức mà còn tìm cách bày tỏ chính mình một cách đơn thành, cập nhật hóa và đối thoại, được xuất phát từ kinh nghiệm thực sự cũng như từ một đường lối chân tình là những gì làm cho nó sống động hơn, thu hút hơn và đáng phục hơn; nó đã nói với con người tân tiến như họ là. 

 

Chúng ta cũng cần phải nhấn mạnh đến một điểm khác ở đây là: Tất cả giáo huấn phong phú này chỉ hướng về một chiều hướng duy nhất, đó là chiều hướng phục vụ nhân loại, một nhân loại thuộc mọi thân phận, đầy yếu hèn và thiếu thốn của nó. Bởi thế Giáo Hội đã tuyên bố mình là tôi tớ của nhân loại, vào chính lúc việc Giáo Hội thi hành vai trò giảng dạy và việc quản trị mục vụ của mình, nhờ tính cách trọng đại của công đồng, đã trở nên rạng ngời hơn và mạnh mẽ hơn: Ý tưởng về phục vụ đã trở thành vấn đề chính yếu.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 8/12/2005

 

  TOP

 

   ĐTC Biển Đức XVI: Tâm Nguyện Tôn Kính Mẹ Maria Dịp Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2005 Theo Truyền Thống ở Tháp Trụ Piazza di Spagna Rôma

 

Trong ngày được giành cho Mẹ Maria này, lần đầu tiên, với tư cách Thừa Kế Thánh Phêrô, con đến chân tượng Mẹ Vô Nhiễm ở Piaoãa di Spagna đây, để tiếp tục một cách tốt lành cuộc Hành Hương đã được các vị Tiền Nhiệm của con thực hiện này. Con cảm thấy rằng con được đồng hành bởi lòng sùng mộ và cảm mến của Giáo Hội hiện hữu ở thành phố Rôma đây cũng như trên toàn thế giới.  Con mang đến những nỗi âu lo và niềm hy vọng của nhân loại hiện đại để đặt chúng dưới chân Mẹ thiên đình của Đấng Cứu Chuộc.


Trong ngày quan trọng nầ, ngày kỷ niệm 40 năm bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II, con nghĩ đến ngày 8/12/1965, ngày mà, vào ngay đoạn cuối của Bài Giảng trong Thánh Lễ ở Quảng Trường Thánh Phêrô, Người Tôi Tớ Chúa Phaolô VI đã bày tỏ ý nghĩ của mình cùng Mẹ Maria là “Mẹ Thiên Chúa và là linh Mẫu của chúng con,… một tạo vật hoàn toàn phản ảnh ngời sáng hình ảnh Thiên Chúa, chứ không bị méo mó lệch lạc như xẩy ra nơi hết mọi con người khác”.

 

Đoạn vị Giáo Hoàng này đặt vấn đề là “Chẳng lẽ không phải hay sao khi hướng mắt về người nữ này, vị là người chị em khiêm hạ của chúng ta đồng thời cũng là Mẹ và là Nữ Vương của chúng ta, là tấm gương tinh tuyền và thánh hảo phản ảnh vẻ đẹp vô cùng, mà chúng ta có thể (bắt đầu) công việc hậu công đồng của chúng ta? Không phải hay sao vẻ đẹp của Mẹ Maria Vô Nhiễm đã trở thành cho chúng ta một mô phạm phấn khởi, một niềm hy vọng an ủi?

 

Thế rồi ngài kết luận: “… Chúng tôi nghĩ nó là như thế đối với chúng tôi cũng như đối với anh chị em. Và đó là điều ước muốn cao cả nhất của chúng ta, và nếu đẹp ý Chúa, là ước muốn chia tay lên đường giá trị nhất của chúng ta” (cf. "The Teachings of Pope Paul VI," III, 1965).

 

Nhớ đến nhiều biến cố đánh dấu 40 năm qua, làm sao chúng con hôm nay lại không nhớ tới những giây phút khác nhau đánh dấu cuộc hành trình của Giáo Hội trong giai đoạn này chứ?

 

Trong 4 thập niên này, Mẹ Maria đã hỗ trợ các vị Mục Tử, nhất là các vị Thừa Kế Thánh Phêrô, trong thừa tác vụ cam go của các vị để phục vụ Phúc Âm; Mẹ đã hướng dẫn Giáo Hội tiến tới chỗ hiểu biết và áp dụng một cách trung thành các văn kiện của công đồng này.


Đó là lý do, đại diện cho toàn thể Cộng Đồng Giáo Hội, con xin cám ơn Trinh Nữ Rất Thánh, và con hướng về Mẹ bằng cùng một niềm cảm mến đã tác động các Vị Nghị Phụ Công Đồng giành cho Mẹ chương cuối cùng của Hiến Chế Tín Lý ‘Ánh Sáng Muôn Dân’ để nhấn mạnh đến mối giây bất khả phân ly thắt kết Đức Trinh Nữ với Giáo Hội.

 

Vâng, con xin cám ơn Mẹ, hỡi Vị Nữ Trinh Thiên Mẫu và là Mẹ chí ái của chúng con, về việc Mẹ chuyển cầu cho thiện ích của Giáo Hội. Mẹ, vị ôm ấp ý muốn thần linh không chút chần chừ đã tận lực hiến mình cho con người và công cuộc của Con Mẹ, xin dạy cho chúng con biết giữ lấy trong lòng mà âm thầm suy niệm, như Mẹ, các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô. 

 

Chớ gì Mẹ là vị đã tiến lên Đồi Canvê, được liên kết sâu xa hơn bao giờ hết với Con Mẹ là Đấng từ Thập Giá đã ban Mẹ cho Gioan như một người mẹ, cũng làm cho chúng con cảm thấy được việc Mẹ cận kề trong mỗi một giây phút cuộc đời, nhất là trong những lúc đen tối và thử thách.

 

Mẹ là vị đã cùng với các Thánh Tông Đồ nguyện cầu vào Ngày Lễ Ngũ Tuần để xin tặng ân Thánh Linh xuống cho Giáo Hội sơ sinh, xin giúp cho chúng con biết trung thành theo Chúa Kitô. Chúng con tin tưởng hướng ánh mắt của chúng con về Mẹ “như dấu hiệu của niềm hy vọng và ủi an vững chắc”, “cho tới khi Chúa đến” (Ánh Sáng Muôn Dân, 68).

 

Lạy Mẹ Maria, Mẹ được tín hữu khắp thế giới liên lỉ kêu cầu để Mẹ, vị được tôn vinh trên tất cả mọi thần thánh, chuyển cầu trước Con Mẹ cho chúng con, “cho tới khi tất cả mọi gia đình chư dân, dù họ được vinh dự mang danh Kitô hữu hay vẫn chưa nhận biết Đấng Cứu Thế, được diễm phúc cùng nhau tụ hợp lại trong an bình và hòa thuận thành một Dân Chúa duy nhất, cho vinh quang của Ba Ngôi Chí Thánh Duy Nhất” (ibid., 69). Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/12/2005

  

 

TOP

 

 

? Vấn Đề Diệt Chủng Do Thái: Tòa Thánh và Thế Giới phản đối Tổng Thống Iran

 

Mới đây, cách 2 tháng, vào Tháng 10/2005, vị tân Tổng Thống Iran (từ Tháng 6/2005) là Mahmoud Ahmadinejad lên tiếng muốn “xóa bỏ Do Thái khỏi bản đồ thế giới”, nay lại tuyên bố về biến cố diệt chủng Do Thái do Nazi thực hiện là một câu truyện hoang đường vô thực.

 

Đó là lý do, ĐHY Walter Kasper, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo kiêm lãnh đạo Ủy Ban Tòa Thánh về Các Mối Liên Hệ với Người Do Thái, trong khi nhận phần thưởng của Hiệp Hội Chống Bôi Nhọ hôm Thứ Sáu 16/12/2005 đã nói rằng:

 

“Thật là rợn người khi nghe thấy phát ra từ môi miệng của vị tổng thống lãnh đạo một quốc gia có nền văn hóa cổ kính và đáng kính… những lời bày tỏ về việc bài Do Thái không thể chấp nhận đối với mọi người”.

 

Đúng thế, hôm Thứ Tư 14/12/2005, lời nhận định này của vị tổng thống Iran đã khiến cho Do Thái, Hoa Kỳ và Âu Châu lên án tức khắc, và cảnh giác là thái độ của ông làm tổn hại tới vị thế của Iran trong việc giải quyết những ngờ vực về dự án nguyên tử của nước này.

 

Trong cuộc du hành ở miền tây nam nước Iran là Zahedan, ông đã nói trên truyền hình trực tiếp trình chiếu rằng nếu những người Âu Châu cứ nhất định cho rằng việc Diệt Chủng Do Thái là sự kiện xẩy ra thật thì họ phải chịu trách nhiệm và trả giá cho chủ trương của họ:

 

“Ngày nay, nhân danh cuộc Diệt Chủng Do Thái họ đã tạo ra một câu truyện hoang đường và coi nó trên cả Thiên Chúa, tôn giáo và các vị tiên tri. Nếu quí vị phạm cái tội đại ác này thì tại sao quốc gia Palestine bị áp bức lại phải trả giá như thế vậy?

 

“Đây là chủ trương của chúng tôi, đó là, nếu các người đã phạm tội ác thì hãy cống hiến một phần đất đai của các người ở Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada hay Alaska cho họ để những người Do Thái có thể thành lập quốc gia của họ”.

 

Các vị lãnh đạo Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang gặp nhau ở Brussels đã cảnh cáo trong một bản văn được soạn thảo hôm Thứ Sáu 16/12/2005 là lời phát biểu của vị tổng thống này có thể là nguyên cớ cho những biện pháp trừng trị mà Iran phải chịu:

 

“Những nhận định này hoàn toàn bất khả chấp và không có chỗ đứng trong cuộc tranh luận chính trị có tính cách văn minh”.

 

Trong nội quốc Iran, thành phần ôn hòa kêu gọi hàng giáo sĩ lãnh đạo Hồi giáo hãy chế ngự vị tổng thống này. Vì cuộc bầu ông lên đã làm ngưng đọng tình trạng suy thoái lâu dài của trào lưu cải cách Iran, một trào lưu đã làm bớt đi rất nhiều thứ ngôn từ chống Do Thái và Hoa Kỳ của cuộc Cách Mạng Hồi Giáo năm 1979 để tìm cách thiết lập các mối liên hệ quốc tế.

 

Các quốc gia trên thế giới đã lên án lời phát biểu của vị tổng thống này. Tòa Bạch Ốc đã cho biết những lời lẽ của ông “chỉ làm sáng tỏ lý do tại sao thật là quan trọng vấn đề cộng đồng thế giới cần phải tiếp tục cùng nhau làm việc để cầm chân Iran khỏi chế tạo các loại vũ khí nguyên tử”.

 

Ngoại Trưởng Do Thái nói rằng những lời phát biểu ấy chứng tỏ cho thấy “tâm địa của bè lũ cầm quyền ở Tehran và rõ ràng cho thấy những mục đích của chính sách cực đoan quá khích nơi chế độ này”.

 

Ủy viên liên hệ ngoại bộ Khối Liên Hiệp Âu Châu là Benita Ferrero-Waldner, đã gọi quan điểm của vị tổng thống Iran này là những gì “hoàn toàn vô trách nhiệm”. Việc chối bỏ cuộc Diệt Chủng Do Thái – một cuộc diệt chủng đã làm cho 6 triệu người Do Thái bị tàn sát bởi tay Đảng Nazi – là một tội ác ở một số quốc gia Âu Châu.

 

Trung Hoa là quốc gia vốn có liên hệ tốt với cả Do Thái và Iran, qua phát ngôn viên Qin Gang của vị Ngoại Trưởng hôm Thứ Năm đã cho biết những lời phát biểu ấy là những gì có thể làm suy yếu đi tình trạng vững vàng của thế giới: “Chúng tôi không hài lòng với bất cứ lời phát biểu nào gây tác hại cho sự bền vững và hòa bình. Do Thái là một quốc gia chủ quyền”.

 

Nga sô không trực tiếp phê phán vị tổng thống Iran nhưng lên án bất cứ nỗ lực nào chối bỏ cuộc Diệt Chủng Do Thái và khẳng định rằng cần phải lập lại “chủ trương theo nguyên tắc” của Nga sô, như vị Ngoại Trưởng Nga nói: “Việc suy đoán về những đề tài này là những gì phản nghịch lại với các nguyên tắc của Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cũng như ý nghĩ của cộng đồng thế giới”.

 

Các chính quyền Ả Rập tỏ ra lưỡng lự lên án tổng thống Iran. Ở Saudi Arabia, các tờ nhật báo do chính quyền kiểm soát có trích lại lời lẽ của ông từ các cơ quan tín vụ quốc tế nhưng không phê phán gì cả.

 

Khi nói bên lề của hội nghị Nhã Điển về vấn đề di dân, ông Mostafa Pur Mohammadi đã nói với hãng thông tấn AP rằng “Thật ra vụ này đã bị hiểu lầm mà thôi. (Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad) không có ý đưa vấn đề này ra. Ông muốn nói rằng nếu có ai gây ra trục trặc cho cộng đồng Do Thái thì họ phải trả giá chứ không phải kẻ khác phải chịu thay”.

 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo Zenit 15/12/2005 và CNN ngày 16/12/2005 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ