GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 21/12/2005

Trước Giáng Sinh

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 14/12/2005 - Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 138 (139) “Một Bài Ca Tin Tưởng Cậy Trông: Thiên Chúa luôn ở với chúng ta

   ĐTC Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II – Một Chiều Kích Thánh Mẫu với Hai Hình Ảnh Tương Phản  

?  Trào Lưu Duy Nhân Bản: Bản Hiến Chương Vô Thần của John Dewey

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 14/12/2005 - Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh 138 (139) “Một Bài Ca Tin Tưởng Cậy Trông: Thiên Chúa luôn ở với chúng ta

 

1.         Trong hai giây phút đặc biệt, Phụng Vụ Giờ Kinh Tối – phụng vụ giờ chúng ta đang suy niệm về các bài thánh vịnh và ca vịnh đây – chúng ta thấy có một bài đọc về một bản thánh ca khôn ngoan với nét đẹp trong sáng và đầy những cảm xúc, đó là bài Thánh Vịnh 138 (139). Hôm nay chúng ta có được phần nhất của bài thánh vịnh này (1-12), tức là hai đoạn đầu tiên tôn tụng một cách thứ tự về sự toàn tri của Thiên Chúa (1-6) và sự toàn hiện của Ngài trong không gian và thời gian (7-12).

 

Các hình ảnh và những lời diễn tả có tính cách nhấn mạnh ấy là để chúc tụng đấng tạo hóa. Một tác giả Kitô giáo thời thế kỷ thứ 5 là Theodoret ở Cyprus  đã khẳng định là: “Nếu các công trình được tạo dựng nên là những gì rất ư vĩ đại thì đấng hóa công cao cả biết mấy” ("Discorsi sulla Provvidenza," 4: "Collana di Testi Patristici," LXXV [Discourse on Providence: Compilation of Patristic Texts] Roma 1988, p. 115). Việc suy niệm của thánh vịnh gia đây trước hết tìm cách thấm nhập vào mầu nhiệm của Vị Thiên Chúa siêu việt, Đấng đồng thời lại gần gũi với chúng ta.

 

2.         Nội dung của sứ điệp này rất rõ trước mắt chúng ta, đó là Thiên Chúa biết hết mọi sự và Ngài ở với tạo vật của Ngài, chúng ta không thể nào tránh né được Ngài. Sự hiện diện của Ngài không phải là một cái gì đó có tính cách đe dọa hay kiểm soát, cho dù ánh mắt của Ngài nghiêm trọng khi nhìn thấy sự dữ, những gì Ngài không thể nào làm ngơ.

 

Tuy nhiên, vấn đề chính yếu của Ngài ở đây là sự hiện diện cứu độ, một hiện diện có khả năng ôm ấp tất cả mọi hữu thể và trọn vẹn lịch sử. Tóm lại, đó là một phối trí linh thiêng được Thánh Phaolô ám chỉ nơi những gì ngài nói ở Công Nghị Nhã Điển, bằng cách trích lời của một thi sĩ Hy Lạp: “Trong Ngài chúng ta sống động và hiện hữu” (Acts 17:28).

 

3.         Đoạn thứ nhất (1-6), như Thánh Vịnh gia nói, là việc chúc tụng sự toàn tri thần linh: Thật vậy, những động từ về kiến thức như “thăm dò”, “quen thuộc”, “hiểu biết”, “phân biệt” và “nhận biết” là những động tự được lập đi lập lại. Như vốn thấy, kiến thức của thánh kinh còn sâu xa hơn cả việc học biết và hiểu biết thuần túy của lý trí nữa; nó là một thứ hiệp thông giữa tri giả (the knower) và tri thức (the known): bởi vậy mà Chúa là Đấng tiềm mật với chúng ta, ở trong tâm tưởng và hành động của chúng ta.

Đoạn thứ hai của bài thánh vịnh chú trọng tới sự toàn hiện thần linh (7-12). Nơi những câu thánh vịnh này, ý muốn viễn vông của con người trong việc né tránh sự hiện diện của Thiên Chúa là những gì được diễn tả một cách phập phồng. Tất cả không gian đều được bao phủ: trước hết là chiều dọc giữa “trời cao với vực thẳm” (câu 8), rồi tới chiều ngang, bao gồm hết mọi sự từ hừng đông, tức từ Phía Đông, cho tới cả ở “bên ngoài biển khơi” là vùng Địa Trung Hải, tức là Tây Phương (câu 9). Thiên Chúa đều hiện diện một cách chủ động ở mỗi một lãnh vực không gian này, kể cả những gì kín mật nhất.

 

Thánh Vịnh gia cũng nói đến một thực tại khác trong đó chúng ta lặn ngụp đó là thời gian, một thực tại được biểu hiệu bằng đêm đen và ánh sáng, bằng bóng tối và ban ngày (câu 11-12). Cho dù đêm tối là môi trường khó tiến bước và thấy được, đều được xuyên thấu bởi ánh mắt và sự hiện diện của Vị Chúa của hữu thể và thời gian. Ngài bao giờ cũng muốn nắm lấy tay chúng ta để dẫn đắt chúng ta bước đi trên con đường trần thế (câu 10). Bởi vậy mà đây không phải là một thứ gần gũi của một vị thẩm phát khiến phải lo âu sợ hãi mà là một thứ đỡ nâng và tự do.

 

Như thế, chúng ta mới có thể hiểu được nội dung tới hậu chính yếu của bầ thánh vịnh này. Nó là một bài ca tin tưởng cậy trông: Thiên Chúa ở với chúng ta. Ngay cả trong những đêm đen của cuộc đời chúng ta, Ngài cũng không bỏ rơi chúng ta. Ngay cả trong những lúc khốn khó, Ngài vẫn hiện diện ở đó. Và ngay cả trong đêm tối cuối cùng, trong cảnh lẻ loi cô đơn cuối cùng là lúc không một ai có thể ở  bên chúng ta, trong đêm tối của chết chóc, Chúa vẫn không bỏ chúng ta. Ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta nữa trong tình trạng đơn độc cuối cùng của đêm tối tử thần ấy.

 

4.         Chúng ta bắt đầu với lời trích dẫn của một tác giả Kitô giáo là Theodoret ở Cyprus. Chúng ta giờ đây cũng kết thúc với ông và với “Cuộc Bàn Luận Thứ Tư về Việc Quan Phòng” của ông, vì đây là đề tài chính yếu của bài thánh vịnh này. Ông đã suy nghĩ về câu thánh vịnh thứ 6, câu thánh vịnh được thánh vịnh gia kêu lên rằng: “Một kiến thức như thế là những gì vượt xa tôi, quá vời vợi cho tôi với tới”. Ông Theodoret nhận định về câu này bằng việc phân tích một cách sâu xa cái bên trong nội tâm của mình cùng với cảm nghiệm riêng của mình rồi khẳng định rằng: “Khi suy tư và đi sâu vào nội tâm của mình, khi tách mình ra khỏi cảnh ồn ào ngoại tại, tôi muốn dìm mình vào việc chiêm ngưỡng bản tính của mình… Khi suy nghĩ về điều ấy và nghĩ về việc hòa hợp giữa bản tính hữu tử và bất tử, tôi cảm thấy hoảng hồn trước cái lạ lùng này, và khi tôi không thể chiêm ngưỡng mầu nhiệm này thì tôi nhìn nhận là tôi bất lực; còn nữa, khi tôi công bố cái hiển vinh nơi kiến thức của Đấng Hóa Công và cất tiếng hát chúc tụng Ngài thì tôi kêu lên rằng: ‘Kiến thức ấy vượt xa tôi, quá xa vời cho tôi với tới’” ("Collana di Testi Patristici" [Compilation of Patristic Texts] LXXV, Rome, 1988, pp. 116, 117).

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Hôm nay chúng ta chú ý tới bài Thánh Vịnh 138 là bài suy niệm về Thiên Chúa là Đấng ở khắp mọi nơi và biết hết mọi sự. Việc suy niệm về Chúa này và về việc tạo dựng của Ngài là những gì chúc tụng mầu nhiệm về Vị Thiên Chúa siêu việt là Đấng cũng gần gũi chúng ta.

 

Thật vậy, sự hiện diện cứu độ này là nền tảng và có khả năng bao gồm tất cả mọi hữu thể và trọn vẹn lịch sử. Kiến thức được bài thánh vịnh này nói tới vượt lên trên sự hiểu biết về lý trí. Đó là một kiến thức của Thánh Kinh, một kiến thức là mối hiệp thông giữa người được biết và Đấng hiểu biết: bởi thế mà Chúa là Đấng có liên hệ mật thiết với chúng ta khi chúng ta suy nghĩ và bất cứ khi nào chúng ta tác hành.

 

Thiên Chúa hiện diện ở tất cả không gian lẫn thời gian: Ngài ở trên trời cũng như dưới vực thẳm của trái đất; ngài ở trong ánh sáng lẫn bóng tối. Chúng ta kết thúc bằng việc chiêm ngắm những lời của ông Theodoret ở Cyprus, người đã nhận thấy rằng ngay cả khi tuyên bố sự khôn ngoan của Đấng Hóa Công, chúng ta vẫn không thể nào không nhìn nhận bản chất siêu vời của đức khôn ngoan Chúa là những gì quá cao vời đối với sự hiểu biết của chúng ta. “Nếu cái tạo vật còn vĩ đại như thế thì Đấng Tạo Thành còn vô cùng cao cả đến đâu”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày
14/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

?  ĐTC Biển Đức XVI với Công Đồng Chung Vaticanô II – Một Chiều Kích Thánh Mẫu với Hai Hình Ảnh Tương Phản

 

Bài Giảng Kỷ Niệm 40 Năm Bế Mạc Công Đồng Chung Vaticanô II Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: tại Đền Thờ Thánh Phêrô 8/12/2005

 

(tiếp 20 Thứ Ba)

 

Thế nhưng, giờ đây chúng ta cần phải tự hỏi mình rằng: “Maria, Vị Vô Nhiễm Tội” đây nghĩa là gì? Phải chăng tước hiệu này có một cái gì đó muốn nói cho chúng ta? Hôm nay, phụng vụ chiếu tỏ nội dung của những lời này cho chúng ta nơi hai hình ảnh lớn lao.

 

Trước hết là trình thuật tuyệt vời về biến cố truyền tin cho Mẹ Maria là Vị Trinh Nữ Nazarét biết đến việc Đấng Thiên sai tới. Lời chào của Vị Thiên Thần được đan kết với những chi tiết của Cựu Ước, nhất là của Tiên Tri Zephaniah. Tiên tri này cho thấy rằng Mẹ Maria, người thôn nữ tầm thường xuất thân từ một giòng dõi tư tế và mang nơi mình gia sản tư tế cao cả của dân Yến Duyên, là “truyền nhân thánh hảo” của dân Yến Duyên, thành phần được các tiên tri nói tới trong tất cả mọi giai đoạn thử thách và tăm tối.

 

Nơi Mẹ hiện diện một Sion đích thực là chốn cư ngụ tinh tuyền, sống động của Thiên Chúa. Chúa cư ngụ nơi Mẹ, Ngài tìm thấy nơi Mẹ chốn nghỉ ngơi của Ngài. Mẹ là gia cư sống động của Thiên Chúa, Đấng không cư trú ở các dinh thự bằng đá nhưng ở trong lòng trí của con người sống động. Mẹ là chồi nẩy lên gốc Đavít trong một đêm đông tăm tối của lịch sử. Những lời của Thánh Vịnh đã được nên trọn nơi Mẹ: “Mặt đất đã sản sinh ra hoa trái của nó” (Ps 67:7). 

 

Mẹ là cái chồi từ đó mọc lên cây cứu chuộc và thành phần được cứu chuộc. Thiên Chúa đã không thất bại, như thể trước đây đã xẩy ra vào lúc mở màn lịch sử với Adong và Evà, hay như trong giai đoạn lưu đầy ở Babylon, và như được tái diễn vào thời của Mẹ Maria, lúc mà dân yean Duyên đã trở thành một dân chẳng có giá gì ở trong một vùng bị chiếm cứ, với rất ít dấu hiệu cho thấy thánh đức của dân này.

 

Thiên Chúa đã không thất bại. Trong cảnh hèn mạt của ngôi nhà ở Nazarét có một con người Yến Duyên thánh hảo, một truyền nhân tinh tuyền. Thiên Chúa đã cứu độ và đang cứu độ dân của Ngài. Từ một thân cây đổ xuống, lịch sử của Yến Duyên đã lại chiếu ngời, trở thành một quyền lực sống động hướng dẫn và thấm nhập thế giới. Mẹ Maria là nhân vật Yến Duyên thánh hảo: Mẹ thưa “vâng” cùng Chúa, Mẹ hoàn toàn phó mình cho Ngài sử dụng, nhờ đó trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa.

 

Hình ảnh thứ hai là hình ảnh khó hiểu hơn nhiều và mập mờ hơn nhiều. Hình ảnh ẩn dụ này của Sách Khởi Nguyên nói với chúng ta từ một khoảng cách lịch sử rất xa xôi và chỉ có thể hiểu được một cách khó khăn; chỉ có thể hiểu được sâu xa hơn những gì nó muốn nói tới qua giòng lịch sử mà thôi.

 

Điều được báo trước là sẽ xẩy ra một cuộc tranh đấu giữa nhân loại và con rắn, tức là giữa con người và các lực lượng sự dữ, sẽ tiếp tục xẩy ra suốt giòng lịch sử. Tuy nhiên, điều cũng được báo trước là “miêu duệ” của một người nữ có ngày sẽ chiến thắng và sẽ đạp chết đầu con rắn; điều được báo trước rằng miêu duệ này của người nữ ấy – và nơi miêu duệ này người nữ cũng chính là người mẹ ấy – sẽ chiến thắng và như thế, qua con người, Thiên Chúa sẽ vinh thắng.

 

Nếu chúng ta cùng với Giáo Hội tin tưởng nguyện cầu lắng nghe bài Sách Thánh này chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu được thế nào là nguyên tội, là nhiễm tội, và thế nào là việc bảo vệ cho khỏi cái nhiễm tội ấy và thế nào là ơn cứu chuộc. 

 

Đoạn Sách Thánh này cho chúng ta thấy hình ảnh ra sao? Con người không tin tưởng Thiên Chúa. Bị con rắn cám dỗ, họ tỏ ra nghi ngờ rằng cuối cùng Thiên Chúa sẽ lấy đi một cái gì đó khỏi cuộc sống của họ, rằng Thiên Chúa là một tay đối thủ cướp mất tự do của chúng ta, và chúng ta sẽ thành một con người trọn vẹn chỉ khi nào chúng ta loại trừ Ngài đi; tóm lại, chỉ có thế chúng ta mới hoàn toàn chiếm đạt quyền tự do của mình mà thôi.

 

Con người sống trong sự nghi ngờ là tình yêu Thiên Chúa tạo nên một thứ lệ thuộc và họ cần phải dứt mình ra khỏi sự lệ thuộc ấy nếu họ muốn hoàn toàn là mình. Con người không muốn lãnh nhận từ Thiên Chúa việc hiện hữu của họ và tầm vóc viên trọncủa đời sống họ.

 

Chính họ muốn từ cây biết lành biết dữ chiếm được quyền năng hình thành thế giới này, biến mình thành chúa tể, nâng mình lên tầm cấp Thiên Chúa, và chế ngự sự chết và tối tăm bằng nỗ lực riêng của mình. Họ không muốn cậy dựa vào tình yêu là những gì đối với họ không đáng tin cậy, họ chỉ tin  tưởng hoàn toàn vào kiến thức riêng của họ, vì nó ban cho họ quyền lực. Thay vì tin tưởng vào tình yêu thì họ lại tin tưởng vào quyền lực là những gì họ muốn sử dụng để tự động nắm trong tay sự sống của họ. Làm như thế là họ tin tưởng vào sự dối trá hơn là vào chân lý, do đó họ nhận chìm sự sống của họ vào cái trống rỗng, vào sự chết chóc. 

 

Tình yêu không phải là một thứ lụy thuộc mà là một tặng ân làm cho chúng ta sống. Tự do của con người là thứ tự do của một hữu thể hữu hạn, bởi thế tự bản chất nó cũng hữu hạn. Chúng ta có thể chiếm hữu được nó chỉ như là một thứ tự do chia sẻ mà thôi, một thứ tự do hiệp thông mà thôi: Chỉ khi nào chúng ta sống một cách đúng đắn, với nhau và cho nhau, thì tự do mới có thể phát triển mà thôi.

 

Chúng ta sống một cách đúng đắn nếu chúng ta sống theo sự thật của hữu thể chúng ta, tức là sống hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Vì ý muốn của Thiên Chúa đối với con người không phải là một thứ luật lệ bị áp đặt từ bên ngoài và là những gì kềm kẹp họ, mà là cái chuẩn mức nội tại thuộc bản tính của họ, một chuẩn mức đã được in ấn trong họ và làm cho họ trở thành hình ảnh Thiên Chúa, nhờ đó, thành một tạo vật tự do.

 

Nếu chúng ta sống ngược với tình yêu và nghịch lại sự thật này – phản lại Thiên Chúa – thì chúng ta hủy hoại lẫn nhau và hủy hoại thế giới. Để rồi chúng ta không tìm thấy sự sống mà là tác hành theo những xu hướng của chết chóc. Tất cả những điều này là những gì lập lại các hình ảnh mãi tồn tại nơi lịch sử sa ngã từ ban đầu của con người cũng như nơi việc con người bị loại trừ khỏi vườn Địa Đường trần gian.

 

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2005/documents/hf_ben-xvi_hom_20051208_anniv-vat-council_en.html

 

(những tiểu đề là do người dịch bản Việt ngữ này tự động thêm vào)

 

 

TOP

 

 

? Trào Lưu Duy Nhân Bản: Bản Hiến Chương Vô Thần của John Dewey

Như đã đề cập đến ở ngay trong chương 11 cuốn Hận Thù Quyết Thắng bàn về "Hai Mãnh Thú" này (trang 188-189), "trào lưu luân lý nhân tạo" là một triệu chứng hiển nhiên nhất, cũng là một hiện tượng sôi nổi nhất trong thế giới tân tiến hiện nay, nói lên một thảm trạng có thể nói là duy nhân bản. Thật ra, nhân bản tự bản chất vốn tốt lành, như chính phẩm giá của con người, yếu tố nền tảng làm nên những gì gọi là nhân bản (nhân tính và nhân vị), hay làm nên những gì liên quan đến nhân bản (nhân quyền và nhân cách).

Bởi thế, nếu bỏ nhân bản đi, không đặt con người làm trọng tâm của và là cùng đích cho mọi hoạt động trần thế của mình, xã hội loài người, một là sẽ trở về thời bán khai sống theo luật rừng, mạnh được yếu thua, không hơn gì loài thú, hai là sẽ duy vật, như chủ trương của cộng sản thuyết, dùng con người như một sở vật vô sản, chẳng khác gì một bộ phận trong guồng máy chế độ để quay cuồng sản xuất một cách vô hồn và vô vọng...

Tuy nhiên, nhân bản đáng giá và đáng tôn trọng không phải là chỉ vì mối liên hệ xã hội giữa loài người với nhau mà thôi. Nếu nhân bản chỉ dựa trên cảm thức và cảm nghiệm là: tôi cần phải tôn trọng anh vì nếu không anh sẽ không tôn trọng tôi, thì thứ nhân bản này vẫn còn quá tiêu cực và thiếu sót, không có tính cách đại đồng và siêu việt đúng như nguồn gốc có tính cách thần linh của nó. Và vì thế mà, cuối cùng, thứ duy nhân bản này cũng sẽ lại đưa con người trở về với luật "mắt đền mắt, răng đền răng", mà kết cục là "khôn sống mống chết", không hơn luật rừng là bao nhiêu, hay ai mạnh thì sống, như chủ trương đấu tranh giai cấp theo chủ thuyết cộng sản vô thần.

Bởi thế, duy nhân bản là chủ thuyết hay khuynh hướng tôn sùng con người thái quá, đến nỗi, coi con người là chủ tể duy nhất, ngoài ra không còn thượng đế, không còn thần linh, không còn Thiên Chúa nào khác. Từ đó và bởi đó, tất cả những gì con người nghĩ là đúng, muốn là tốt. Điển hình nhất là trào lưu luân lý nhân tạo ngày nay, một trào lưu luân lý chủ quan, bất chấp những nguyên tắc luân lý phổ quát, một trào lưu sống theo lương tâm của mình, tự "biết lành biết dữ" (KN. 3:5), ở chỗ cái gì mình cho là tội mới có tội.

Như thế, có thể nói, nếu "phản Kitô" là tinh thần của thần dữ, thành phần chống đối, không chấp nhận Thiên Chúa như Ngài là và từ đó muốn nên bằng hay hơn Thiên Chúa, thì "duy nhân bản" là tinh thần trần tục của con người là loài cũng muốn chẳng những nên giống như mà còn thay Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, theo thời gian, chủ nghĩa duy nhân bản có sau tinh thần "phản Kitô", vả lại, theo nguồn gốc, lại do chính tên "phản Kitô" đầu đảng trá hình trong "con cựu xà" mà có. Thế nên, theo tính cách của mình, chủ thuyết duy nhân bản chính là "hình ảnh của con mãnh thú thứ nhất" (KH 13:15). Và, theo tiến trình, chủ nghĩa duy nhân bản phát triển là nhờ "con mãnh thú thứ hai ban sự sống cho" (KH 13:15). Để rồi, nhờ môi trường hết sức béo bở ngày nay, như đã đề cập đến ở trang 189, là ý thức nhân quyền cao độ và quyền năng kỳ diệu nơi khoa học và kỹ thuật của con người, chủ nghĩa duy nhân bản hầu như đã đạt đến tầm vóc viên trọn quá cỡ, thậm chí quá ư là kệch cỡm, của mình.

Thế nhưng, theo bản chất, duy nhân bản là tự thần linh hoá bản thân, mà ai cũng cho mình và muốn mình là Chúa, là đầu của nhau và muốn làm đầu nhau. Bởi vậy, không lạ gì xã hội loài người đã mọc lên vô số đầu mục, như "con khổng long" hay "con mãnh thú từ biển tiến lên" cả hai đều "có 7 đầu" (KH 12:3' 13:1). Mà bởi vì "không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt.6:24), nên kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay là thời điểm lịch sử loài người đang ở vào giữa thập niên 1990 trước khi kết thúc kỷ nguyên thứ hai, thế giới đã, đang và còn trở thành một bãi chiến trường, để các đầu mục giành nhau ngôi báu, bằng cách tàn sát lẫn nhau. Và cuộc chiến duy nhân bản này sẽ kéo dài cho đến khi, theo quan điểm trần gian và đà hướng chính trị, sẽ có và phải có một trật tự thế giới mới (New World Order), được lãnh đạo bởi một đầu óc độc tài chuyên chế nhất và bằng một bàn tay sắt máu nhất.

Sau đây là một bản hiến chương tiêu biểu nhất về chủ thuyết duy nhân bản (humanism) trong "Humanist Manifesto I", chủ trương 15 tuyên ngôn đã được một triết gia người Hoa Kỳ là John Dewey (1859-1952) và các đồng chí của ông ta ký kết vào năm 1933.

1. "Những nhà nhân bản về tôn giáo coi vũ trụ này như tự mình hiện hữu chứ không phải là được dựng nên.

2. "Chủ thuyết nhân bản tin rằng con người là thành phần của thiên nhiên và xuất thân như thành quả của một tiến trình liên tục.

3. "Theo quan niệm cấu trúc về sự sống, những nhà nhân bản thấy rằng cần phải phủ nhận quan niệm truyền thống chủ trương có hai phần là tâm trí và thể xác.

4. "Chủ thuyết nhân bản nhận thức rằng văn hóa và văn minh hữu thần của con người... là một sản phẩm tiệm tiến gây ra do cuộc tiếp xúc của con người với hoàn cảnh thiên nhiên cũng như với gia sản xã hội của mình...

5. "Chủ thuyết nhân bản cho rằng bản chất của vũ trụ được khoa học tân tiến phác họa làm cho những bảo toàn về siêu nhiên hay vũ trụ nơi các giá trị nhân bản không thể nào chấp nhận được... đường lối để ấn định sự hiện hữu và giá trị của bất cứ hay tất cả mọi thực tại là nhờ ở việc thăm dò sáng suốt ... tôn giáo phải hình thành các hy vọng cũng như những dự án của mình trong ánh sáng của tinh thần và phương pháp khoa học.

6. "Chúng tôi xác tín rằng chủ trương hữu thần, chủ trương thần linh đã hết thời rồi.

7. "Tôn giáo bao gồm những hành động, những mục đích và những kinh nghiệm có một ý nghĩa nhân bản... Việc phân biệt giữa linh thánh với trần tục không còn nữa.

8. "Chủ thuyết nhân bản về tôn giáo coi việc nhận thức trọn vẹn về nhân vị con người là cùng đích (mục tiêu) của đời sống con người, rồi tìm cách phát triển và hoàn trọn nó ở trên đời hiện tại này. Đây là... nhiệt tính xã hội (của chúng ta).

9. "Thay cho những thái độ cổ hủ liên quan đến việc phụng thờ và cầu nguyện, nhà nhân bản tìm thấy những xúc động đạo đức của mình được diễn đạt nơi cảm thức cao vời về cuộc sống cá nhân cũng như trong nỗ lực hợp tác để cổ vhành cho nền an sinh xã hội.

10. "Thế nên, cho đến nay, sẽ không còn những cảm xúc và thái độ đạo đức đặc thù nào liên hệ đến niềm tin vào siêu nhiên.

11. "Con người sẽ học biết cách đối đầu với những khủng hoảng của cuộc sống bằng kiến thức của mình... Những thái độ nhân bản và hợp với lý lẽ sẽ được bồi dưỡng bằng việc giáo dục... chủ thuyết nhân bản sẽ chọn con đường lành mạnh về tâm thần cũng như về xã hội, và sẽ ngăn chặn những niềm hy vọng có tính cách cảm tình, không thật và mộng tưởng.

12. "... Những nhà nhân bản về tôn giáo nhắm đến việc bồi dưỡng tính cách sáng tạo nơi con người

13. "Chủ thuyết nhân bản về tôn giáo chủ trương rằng tất cả mọi hiệp hội hay cơ cấu hiện hữu là để thực hiện việc làm cho đời sống của con người được viên trọn.. Tất nhiên, những tổ chức về tôn giáo (như Giáo Hội Kitô Giáo), những thể thức về lễ nghi của họ, những phương pháp của giáo hội và những hoạt động cộng đồng phải được tái tạo cấp thời theo như kinh nghiệm cho phép...

14. "Những nhà nhân bản mạnh mẽ xác tín rằng cái xã hội tham hưởng và thiên lợi hiện tại vẫn tỏ ra chưa trọn đủ, cần phải thiết lập một cuộc thay đổi tận gốc nơi việc kiểm soát, nơi các phương pháp cũng như nơi các động lực. Cần phải thiết định một trật tự kinh tế hỗ tương được xã hội hoá.

15. "Chúng tôi nỗ lực để thiết định những điều kiện cho tất cả mọi người có được một cuộc sống thoải mái..." (NWO trang 43-44)

 (còn tiếp)

 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ