GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 28/12/2005

Bát Nhật Giáng Sinh

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Balan về Gương Làm Giám Mục của Đức Cố Gioan Phaolô II và lời vị đại diện mời Ngài viếng thăm Balan

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Đại Học Thánh Tâm ngày 25/11/2005: “Không thể làm suy giảm căn tính ‘Công Giáo’” (tiếp)

?  Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: (3) Luật Nhân Đạo Quốc Tế

 

 

?   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Các Vị Giám Mục Balan về Gương Làm Giám Mục của Đức Cố Gioan Phaolô II và lời vị đại diện mời Ngài viếng thăm Balan

 

Trong năm 2005, ĐTC Biển Đức XVI đã gặp gỡ hai đợt các Vị Giám Mục Balan nhân dịp các vị viếng thăm Tòa Thánh Ngũ Niên, đợt nhất và ngày 26/11 và đợt hai vào ngày 3/12.

 

Với các vị Giám Mục Balan đợt 1, ngài nhấn mạnh đến vấn đề giáo dục Kitô giáo theo chiều hướng của Tông Huấn Giáo Hội Tại Âu Châu, như Đức Gioan Phaolô II kêu gọi châu lục này “hãy chú trọng hơn nữa vào việc huấn luyện đức tin cho giới trẻ”, với những ý chính tiêu biểu như sau:

 

“Việc giáo dục đức tin trước hết ở tại việc phát triển những gì tốt lành nơi con người…. Trong các hoạt động về giáo dục của Giáo Hội, cũng thật là thích đáng …. Trong việc giúp cho trẻ em và giới trẻ làm quen với việc cầu nguyện…. Trong số các hình thức nguyện cầu, phải đặc biệt chú trọng tới phụng vụ. Ở Balan, giới trẻ tham dự một cách chủ động và đông đảo Lễ Chúa Nhật”.

 

Về vấn đề giới trẻ Balan tham gia các hoạt động tông đồ giáo dân, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cập tới phong trào “Ánh Sáng và Sự Sống”: “Linh đạo của phong trào này chú trọng tới việc gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Kinh và trong Thánh Thể”.

 

Với các vị Giám Mục Balan đợt 2, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến vấn đề tân truyền bá phúc âm hóa theo chiều hướng của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở bài ngài giảng trong lần về thăm quê hương đầu tiên của ngài (cf. Homily, Nowa Huta, No. 3, June 9, 1979; L'Osservatore Romano, English edition [ORE], July 16, p. 11):

 

“Từ Cây Thập Giá ở Nowa Huta xuất phát cuộc tân truyền bá phúc âm hóa, một cuộc truyền bá phúc âm hóa của thiên kỷ thứ hai. Giáo Hội này là chứng nhân và là khẳng định cho việc này. Nó xuất phát từ một đức tin sống động ý thức và Giáo Hội cần phải tiếp tục phục vụ đức tin. Việc truyền bá phúc âm hóa cho tân thiên niên kỷ cần phải qui chiếu về giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II. Như Công Đồng dạy, nó cần phải là việc chung của các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, của thành phần cha mẹ và giới trẻ”.

 

Thế rồi, vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhận định về chiều hướng tân truyền bá phúc âm hóa của vị tiền nhiệm của mình như sau:

 

“Vào lúc ấy, đây là một trong những Lên Tiếng Kêu Gọi đầu tiên, nếu không muốn nói là tiên khởi, của vị đại tiền nhiệm của tôi về đề tài tân truyền bá phúc âm hóa. Ngài nói về đệ nhị thiên kỷ, nhưng chắc chắn là ngài bấy giờ đang nghĩ tới đệ tam thiên kỷ.

 

“Dưới sự hướng dẫn của ngài, chúng ta đã tiến vào tân thiên kỷ Kitô Giáo, càng ý thức hơn về cái hợp thời của lời ngài kêu gọi thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa. Với những lời ngắn ngủi này ngài đã nêu lên mục đích cần phải nhắm tới, đó là phục hồi một đức tin “sống động, ý thức và hữu trách”. Sau đó ngài nói rằng đó là công việc chung của các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

 

“Hôm nay tôi muốn chia sẻ về đề tài này với an hem, hỡi chư huynh thân mến. Chúng ta biết rõ là nhân vật chính có trách nhiệm với công việc tân truyền bá phúc âm hóa là giám mục, thành phần gánh vác ‘tria munera’ là ngôn sứ, tư tế và mục vụ.

 

“Trong cuốn sách của mình, ‘Hãy Đứng Lên, Nào Chúng Ta Lên Đường!’ và đặc biệt là ở các chương ‘Vị Mục Tử’, ‘Ta Biết Chiên Ta’ và “Việc Ban Phát Các Bí Tích’, Đức Gioan Phaolô II đã phác họa cuộc hành trình của thừa tác vụ giáo phẩm theo kinh nghiệm của ngài, nhờ đó, thừa tác vụ này có thể mang lại hoa trái.

 

“Chúng ta không cần đề cập đến ở đây diễn tiến của những gì ngài chia sẻ. Tất cả chúng ta đều cần tới cái gia sản ngài đã để lại cho chúng ta và có thể rút tỉa dồi dào từ chứng từ của ngài. Chớ gì ngài là mô phạm cho chúng ta và chớ gì cảm quan của ngài về trách nhiệm đối với Giáo Hội cũng như đối với tín hữu được trao phó cho việc chăm sóc của giám mục trở thành niềm phấn khích cho chúng ta.

 

“Theo sự hướng dẫn của ngài, chúng ta đã tiến vào ngàn năm mới Kitô giáo, với ý thức về tính cách hiệu năng liên lỉ của lời ngài kêu gọi hãy thực hiện việc tân truyền bá phúc âm hóa”.

 

Căn cứ vào kinh nghiệm của Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II người Balan này, những kinh nghiệm được ngài chia sẻ trong cuốn “Đứng lên, nào chúng ta đi” ấy, tác phẩm được xuất bản nhân dịp mừng 40 năm làm giám mục của ngài, vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã nhắn nhủ các vị Giám Mục Balan về nhiệm vụ và tinh thần của các vị đối với hàng linh mục của mình, nhất là việc huấn luyện cho thành phần chủng sinh, đối với thành phần tu sĩ nam nữ và đối với giáo dân.

 

Nói về thái độ của vị giám mục với hàng giáo sĩ của mình, Giáo Hoàng Biển Đức đã trích lại lời của Đức Gioan Phaolô II đã viết trong tác phẩm trên như sau:

 

“Bằng lối sống của mình, vị giám mục cho thấy rằng Chúa Kitô ‘là Mô Phạm’ vẫn sống và hằng nói với chúng ta hôm nay đây. Người ta có thể nói rằng một giáo phận phản ảnh lối sống của vị giám mục của mình.

 

“Các nhân đức của ngài – trong sạch, tinh thần nghèo khó và cầu nguyện, lòng chân thành, cảm thức lương tâm – có thể nói được ghi khắc trong tâm hồn của các linh mục thuộc về ngài. Về phần mình, họ sẽ chuyển đạt những giá trị ấy cho thành phần tín hữu họ chăm sóc, và nhờ đó giới trẻ sẽ được dẫn dắt đến chỗ đáp ứng quảng đại lời kêu gọi của Chúa Kitô” ("Rise, Let Us Be on Our Way!", Paulines Publications Africa, 2004, p. 129).

 

Nói về thái độ của vị giám mục với đời sống tu trì nam nữ trong giáo phận của mình, Giáo Hoàng Biển Đức cũng đã trích lại lời của Đức Gioan Phaolô II viết trong tác phẩm trên như sau:

 

“Các dòng tu không bao giờ khiến tôi phải lo lắng, và việc tôi liên hệ với tất cả các dòng tu này đều rất tốt đẹp. Họ gíup tôi rất nhiều trong sứ vụ làm giám mục. Tôi cũng nghĩ tới cả các nguồn lực thiêng liêng bị lớn lao ở các dòng tu chiêm niệm nữa” (ibid., p. 120).


Nói về thái độ của vị giám mục với thành phần giáo dân trong giáo phận của mình, Giáo Hoàng Biển Đức cũng đã trích lại lời của Đức Gioan Phaolô II viết trong tác phẩm trên như sau:

“Những lời của vị đại tiền nhiệm của tôi dẫn chúng ta tới chỗ suy nghĩ về vai trò của thành phần giáo dân nơi công cuộc truyền bá phúc âm hóa: ‘Giáo dân có thể hoàn thành ơn gọi thích hợp của mình nơi trần thế và nên thánh chẳng những bằng việc chủ động tham gia giúp đỡ thành phần nghèo nàn và thiếu thốn, mà còn bằng việc làm cho xã hội thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo khi họ thi hành các nhiệm vụ chuyên môn của họ và cống hiến một gương mẫu của đời sống gia đình Kitô Giáo’ ("Rise, Let Us," p. 115).

 

“Vào những thời điểm khi mà Đức Gioan Phaolô II viết: ‘Văn hóa Âu Châu hiện lên như một thứ ‘âm thầm bỏ đạo’ nơi một thành phần dân chúng chủ trương có tất cả những gì họ cần và họ sống như thể không có Thiên Chúa’ ("Ecclesia in Europa," No. 9), Giáo Hội không bao giờ thôi loan báo cho thế giới biết rằng Chúa Giêsu Kitô là niềm hy vọng của mình. Nơi công việc này, vai trò của giáo dân là những gì bất khả hoán vị. Chứng từ đức tin của họ đặc biệt trở thành sống động và hiệu nghiệm vì nó xuất phát từ thực tại thường nhật và ở những lãnh vực linh mục khó lòng mà tới được”.

 

Sauk hi nghe huấn từ của Đức Thánh Cha, ĐTGM Stanislaw Dziwisz, TGM Krakow, vị bí thư riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II 40 năm trời, đã đại diện chư vị giám mục Balan đợt 2 thân thưa cùng ngài để chẳng những ngỏ lời cám ơn ngài mà còn chính thức lên tiếng mời ngài viếng thăm Balan như sau:

 

“Có một lý do chúng con xin bày tỏ niềm tri ân cảm tạ của chúng con, đó là việc Đức Thánh Cha gắn bó với con người và công cuộc của Người Tôi Tớ Chúa Gioan Phaolô II.

 

“Trước hết, chúng con xin cám ơn Đức Thánh Cha về việc hợp tác khôn ngoan, thông thạo và trung thành suốt giáo triều phong phú và quan trọng này. Chúng con chỉ có thể nghĩ được về việc tham vấn khôn ngoan quí hóa biết bao của Đức Thánh Cha đối với Đức Gioan Phaolô II, cả nơi những vấn đề về thần học khó khăn nhất lẫn những vấn đề liên quan tới sinh hoạt hằng ngày của Giáo Hội Hoàn Vũ.

 

“Chúng con xin cám ơn về việc Đức Thánh Cha dấn thân hỗ trợ vị tiền nhiệm thân yêu của Đức Thánh Cha trong những ngày cuối đời của ngài và về chứng từ của Đức Thánh Cha với tư cách là chủ tịch Hồng Y Đoàn trong lễ an táng.

 

“Chúng con cũng không quên việc Đức Thánh Cha liên tục nhắc lại giáo huấn và gương lành của Đức Gioan Phaolô II nơi các bài nói và hoạt động mục vụ của Đức Thánh Cha.

 

“Và chúng con lại không thể nào không cám ơn Đức Thánh Cha về việc Đức Thánh Cha quyết định giảm bớt thời gian khai mở việc điều tra phong chân phước cho vị Giáo Hoàng thân yêu của chúng ta? Xin cám ơn Đức Thánh Cha!

 

“(Nhân dân Balan) đang nao nức tiếp đón Đức Thánh Cha. Tất cả chúng con đang chờ đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha ở xứ sở của chúng con cũng như ở một Giáo Hội mến yêu Đức Thánh Cha và liên lỉ nguyện cầu hỗ trợ Đức Thánh Cha. Xin Đức Thánh Cha hãy tin tưởng vào những niềm cảm mến này.

 

“Như Đức Thánh Cha biết, Đức Gioan Phaolô II thân yêu của chúng ta không bao giờ tìm cách thắt buộc người ta với con người riêng tư của ngài, mà là với Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Dân nhân của chúng con dứt khoát hiểu được quan niệm này; họ không thôi mến yêu Đức Cố Giáo Hoàng mà cũng mến yêu vị thừa kế ngài như thế nữa.

 

“Con cũng cảm thấy cần phải thưa cùng Đức Thánh Cha rằng nhất là giới trẻ là thành phần đã yêu cầu chúng con hãy tâu cùng Đức Thánh Cha rằng họ mong được gặp gỡ Đức Thánh Cha trong cuộc Đức Thánh Cha viếng thăm Balan. Thật hân hạnh cho con nếu cuộc gặp gỡ này xẩy ra ở Krakow”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp theo mạng điện toán toàn cầu Zenit và

 
http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/index_en.htm

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại Đại Học Thánh Tâm ngày 25/11/2005: “Không thể làm suy giảm căn tính ‘Công Giáo’”.

 

Ngài Viện Trưởng,

Quí Tôn Vị Chủ Tịch và Giáo Sư

Quí Vị Tiến Sĩ và Phụ Tá,

Quí Sinh Viên,

 

(tiếp 27 Thứ Ba)

 

Bởi thế mà Đại Học Công Giáo là một phòng thí nghiệm rộng lớn, nơi mà, tùy theo với các phân ngành khác nhau, những lãnh vực nghiên cứu vốn mới mẻ được phát triển theo cuộc đối đầu đáng khích lệ giữa đức tin và lý trí, một cuộc đối đầu nhắm đến chỗ tái nhận thức được cái tổng luận hòa hợp được Thánh Tôma Aquinas và các đại tư tưởng gia Kitô Giáo khác chiếm đạt, một tổng luận, tiếc thay, đã bị thử thách bởi những trào lưu quan trọng của khoa triết lý tân tiến.

 

Hậu quả của cuộc tranh đấu này, như qui chuẩn của tính cách hợp tình hợp lý, đó là cái chứng cớ theo kinh nghiệm của việc thí nghiệm đã trở nên càng rõ ràng hơn nữa. Các vấn đề về con người nống cốt – đó là những vấn đề sống làm sao và chết thế nào – bởi vậy như đang bị loại trừ ra khỏi phạm vi lập luận và rơi vào lãnh vực chủ quan tính.

 

Bởi đó, vấn đề làm cho các đại học có lý do để hiện hữu – vấn đề về sự thật và sự thiện – cuối cùng bị biến mất để được thay thế bằng vấn đề có tính cách khả thi.

 

Thế nên đó là một sự thách đố lớn cho các đại học đường Công Giáo: trong việc truyền đạt kiến thức theo quan điểm có tính cách hợp lý chân thực, khác với tính cách hợp lý của ngày hôm nay đang nắm phần thắng thế, hợp với một lý trí hướng về vấn đề chân lý cũng như về những giá trị lớn lao được in ấn nơi chính hữu thể, làm cho hữu thể cởi mở trước siêu việt thể, trước Thiên Chúa.

 

Vậy chúng ta biết rằng điều này chỉ có thể thực hiện theo ánh sáng mạc khải của Chúa Kitô, Đấng liên kết nơi bản thân mình cả Thiên Chúa lẫn con người, cả vĩnh hằng lẫn thời gian, cả tinh thần lẫn thể chất. “Từ ban đầu đã có Ngôi Lời”, đã có Logos, đã có lý trí sáng tạo…. và “Lời đã hóa thành nhục thể” (Jn 1:14).

 

Logos thần linh, lý trí hằng hữu, là nguồn gốc của vũ trụ này và được liên kết một lần là tất cả với nhân tính, với thế giới và với lịch sử, nơi Đức Kitô. Theo ánh sáng của chân lý chính yếu của đức tin và đồng thời cũng của lý trí này, một lần nữa, vẫn có thể, trong 2 ngàn năm, hòa hợp đức tin và kiến thức.

 

Hoạt động hằng ngày của đại học đường Công Giáo, tôi cần phải nói là, diễn tiến theo chiều hướng ấy. Đây không phải là một cuộc mạo hiểm hào hứng hay sao? Đúng thế, quả là như thế, vì con người khám phá, khi di chuyển theo chân trời của ý nghĩa, mối hiệp nhất nội tại liên kết các ngành khác nhau của kiến thức: thần học, triết lý, y khoa, kinh tế, hết mọi phân khoa, ngay cả những ngành kỹ nghệ chuyên môn nhất, bởi mọi sự đều được liên hệ với nhau.

 

Chọn một đại họ Công Giáo nghĩa là chọn theo đường hướng này, một đường hướng, bất chấp những hạn hữu về lịch sử bất khả tránh, làm nên đặc tính của văn hóa Âu Châu, vì chẳng phải tự nhiên xẩy ra việc hình thành của các đại học đường, mà theo lịch sử là “ex corde Ecclesiae - từ lòng Giáo Hội” và đã thực hiện được việc đóng góp thiết yếu.

 

Bởi thế, các bạn thân mến, bằng lòng ham ước mới mẻ trong việc tìm kiếm chân lý và con người, các bạn hãy thả lưới ở chỗ nước sâu, thả lưới oơ những vùng biển kiến thức rộng mở, bằng việc tin tưởng vào lời của Chúa Kitô, ngay cả khi xẩy ra việc các bạn cảm thấy mệt nhoài và chán nản vì chẳng “bắt được” gì hết.

 

Trong một biển cả mênh mộng văn hóa, Chúa Kitô luôn cần đến “những tay đánh cá người”, tức là, cần đến thành phần hiểu biết và đầy đủ khả năng để mang các năng khiếu chuyên môn của mình phục vụ thiện ích, trên hết là phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa.

 

Nếu công việc nghiên cứu nơi đại học đường được thực hiện theo quan điểm đức tin thì nó cũng thuộc về việc phục vụ cho Vương Quốc này và cho nhân loại vậy! Tôi đang nghĩ đến tất cả mọi cuộc nghiên cứu được thực hiện ở nhiều học viện của Đại Học Đường Công Giáo: nó nhắm đến việc tôn vinh Thiên Chúa và việc phát động cả tinh thần lẫn vật chất của nhân loại.

 

Vào lúc này đây, tôi đang đặc biệt nghĩ tới học viện về khoa học được câu lạc bộ khoa học của các bạn muốn cống hiến cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hôm 9/11/2000, dịp ngài viếng thăm nơi này để long trọng khai mạc niên học ấy.

 

Tôi xin nói là tôi cũng rất yêu thích “Học Viện Khoa Học Quốc Tế Phaolô VI Nghiên Cứu về Việc Thái Nghén Con Người và Bất Thai Nghén” liên quan tới vấn đề sinh sản hữu trách (cf. L'Osservatore Romano, English edition, Nov. 22, 2000, p. 7). Thật vậy, vì các mục đích tổ chức của mình, học viện này chứng tỏ cho thấy nó là một mô phạm sống động về caiù tổng luận chân lý và yêu thương là những gì làm nên cốt lõi sống còn của văn hóa Công Giáo.

 

Học viện này, một học viện được hình thành để đáp ứng lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong thông điệp “Sự Sống Con Người”, một thông điệp khuyên dạy trong việc cống hiến căn bản về khoa học vững chắc cho vấn đề ngừa thai tự nhiên trong việc thai nghén của con người, cũng như cho việc dấn thân thắng vượt vấn đề bất đậu thai có thể xẩy ra khi sử dụng phương pháp ngừa thai tự nhiên.

 

Tôi xin hợp với việc vị tiền nhiệm đáng kính của mình tri ân cảm tạ hoạt động khoa học này, tôi hy vọng rằng nó sẽ có thể tìm thấy sự nâng dỡ ca2â thiết để thực hiện các hoạt động nghiên cứu quan trọng của mình. 

 

Các tôn vị giáo sư và các sinh viên thân mến, năm học chúng ta đang khai mạc hôm nay đây là năm thứ 85 của lịch sử Đại Học Công Giáo Thánh Tâm. Thật vậy, các bài học được bắt đầu giảng dạy ở Milan vào Tháng 12 năm 1921, với 100 sinh viên ghi danh học hai phân khoa là xã hội học và triết học.

 

Trong khi tôi xin tạ ơn Chúa cùng với các bạn về cuộc hành trình lâu dài và trung thành này được hoàn trọn, tôi xin các bạn hãy trung thành với tinh thần của thuở ban đầu cũng như với những qui chế làm nên nền tảng thành lập cơ cấu này. Nhờ đó các bạn mới có thể đạt được một tổng luận tốt đẹp và hòa hợp giữa căn tính Công Giáo với việc hội nhập trọn vẹn vào hệ thống đại học Ý quốc, theo dự phóng của Giuseppe Toniolo và Cha Agostino Gemelli.

 

Niềm hy vọng tôi ngỏ cùng tất cả các bạn hôm nay đây đó là: Xin các bạn hãy nhiệt thành và hân hoan tiếp tục xây dựng Đại Học Công Giáo Thánh Tâm mỗi ngày. Tôi hỗ trợ các bạn bằng lời nguyện cầu và phép lành tòa thánh đặc biệt.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 24/12/2005

 

 

 

TOP

 

 

? Sứ Điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2006: Luật Nhân Đạo Quốc Tế

 

(tiếp 26 Thứ Hai 27 Thứ Ba) 

 

7.         Hòa bình đích thực cũng cần phải chiếu giãi ánh sáng thiện hảo của mình ra thậm chí ngay giữa thảm trạng chiến tranh. Các vị Nghị Phụ của Công Đồng Chung Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ “Vui Mừng và Hy Vọng”, đã vạch ra rằng “không phải là mọi sự đều tự động được phép hành động giữa đôi bên hận thù nhau một khi chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc” (khoản 79). Là phương tiện giới hạn bao nhiêu có thể những hậu quả tàn hại của chiến tranh gây ra, nhất là cho thành phần dân sự, cộng đồng thế giới đã thiết lập một khoản luật nhân đạo quốc tế. Ở các trường hợp khác nhau cũng như nơi các môi trường khác nhau, Tòa Thánh đã bày tỏ việc ủng hộ của mình về khoản luật nhân đạo này, và đã yêu cầu tôn trọng nó và mau mắn áp dụng nó, vì Tòa Thánh xác tín rằng sự thật của hòa bình hiện hữu thậm chí ngay cả giữa chiến tranh nữa. Luật nhân đạo quốc tế cần phải được coi như là một trong những bày tỏ đẹp đẽ nhất và hiệu lực nhất đối với những đòi hỏi nội tại của nền hòa bình đích thực. Chính vì lý do này mà việc tôn trọng đối với luật này cần phải được coi như là những gì ràng buộc tất cả mọi dân tộc. Cần phải cảm nhận được giá trị của nó và bảo đảm việc áp dụng đúng đắn của nó; cũng cần phải cập nhật hóa những qui chuẩn cho xác đáng để áp dụng vào những tình trạng thay đổi của những cuộc xung khắc võ trang ngày nay cũng như vào việc sử dụng các thứ vũ khí mới mẻ hơn và phức tạp hơn.

 

8.         Ở đây tôi muốn bày tỏ niềm tri ân đối với các tổ chức quốc tế cũng như với tất cả những ai hằng ngày dấn thân vào việc áp dụng luật nhân đạo quốc tế. Tôi cũng không quên đề cập tới nhiều quân sĩ đang tham gia vào công việc tinh tế để giải quyết các cuộc xung đột và phục hồi những điều kiện cần thiết cho hòa bình. Tôi muốn nhắc nhở họ bằng những lời của Công Đồng Chung Vaticanô II: “Tất cả những ai nhập ngũ để phục vụ quê hương đất nước của mình cần phải coi mình như là những bảo quản viên an ninh và tự do cho đồng hương của mình, và khi thi hành nhiệm vụ của mình một cách tương xứng, họ cũng góp phần vào việc thiết lập hòa bình nữa vậy” (cùng nguồn vừa dẫn). Các vị Bản Quyền quân đội của Giáo Hội Công Giáo thi hành hoạt động mục vụ của mình ở lãnh vực đòi hỏi này: Tôi xin cả các vị Bản Quyền quân đội lẫn các vị tuyên úy quân đội, ở mọi trường hợp và hoàn cảnh, hãy là những người trung thành loan báo hòa bình đích thực.

 

(còn tiếp)

 

Tại Vatican ngày 8/12/2005

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20051213_xxxix-world-day-peace_en.html

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ