GIÁO HỘI HIỆN THẾ

Tháng 2/2005

Ý Chỉ Ðức Thánh Cha

 

Ý Chung: “Xin cho thành phần bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân bần cùng nhất, được quan tâm và săn sóc về y khoa xứng với nhân phẩm làm người”.

 

Ý Truyền Giáo: “Xin cho thành phần phụ trách việc truyền giáo mỗi ngày một ý thức hơn là việc loan truyền tin mừng hữu hiệu và thu phục lòng người nhờ ở lòng say mến Chúa Kitô ”.  

 

__________________

 NGÀY 20 CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

TRONG NĂM THÁNH THỂ

 

ĐTC GPII: Tông Thư về Ngày Của Chúa

 

Chương III

 

Ngày của Giáo Hội – Dies Ecclesiae

Cộng Đồng Thánh Thể: Tâm Điểm của Chúa Nhật

 

 

Sự hiện diện của Vị Chúa Phục Sinh

 

31.           “Thày mãi mãi ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28:20). Lời hứa này của Chúa Kitô sẽ không bao giờ thôi âm vang trong Giáo Hội như là bí mật làm phong phú đời sống của Giáo Hội và là mạch nguồn hy vọng của Giáo Hội. Là ngày Phục Sinh, Chúa Nhật chẳng những là việc tưởng nhớ một biến cố quá khứ, mà còn là một cử hành sự hiện diện sống động của Chúa Phục Sinh giữa dân của Người.

 

Để cho sự hiện diện này được công bố và sống một cách xứng hợp, thành phần môn đệ Chúa Kitô cầu nguyện tư riêng và bề trong tưởng niệm đến sự chết cùng Phục Sinh của Chúa Kitô, một cách thầm kín trong lòng mình mà thôi cũng chưa đủ. Những ai lãnh nhận ân sủng ân sủng phép rửa không được cứu với tư cách cá nhân mà là với tư cách là phần tử của Mình Mầu Nhiệm, trở nên thành phần Dân Chúa (38). Bởi thế, họ cần phải đến với nhau để bày tỏ trọn vẹn chính căn tính của Giáo Hội là ekklesia, tức là cộng đồng được kêu gọi qui tụ lại với nhau bởi Chúa Phục Sinh, Đấng đã hiến sự sống mình “để tái hiệp nhất con cái phân tán của Thiên Chúa lại với nhau” (Jn 11:52). Họ trở nên “một” trong Chúa Kitô (x Gal 3:28) bởi tặng ân Thần Linh. Mối hiệp nhất này trở thành hữu hình khi Kitô hữu qui tụ lại với nhau: chính vào lúc ấy họ mới cảm nghiệm được một cách sống động và chứng thực cho thế giới thấy rằng họ là thành phần dân được cứu chuộc, thành phần đến “từ hết mọi bộ tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia” (Rev 5:9). Cộng đồng môn đệ Chúa Kitô từ đời này đến đời kia làm hiện thực hình ảnh cộng đồng Kitô hữu tiên khởi được Thánh Luca nêu lên như một mô phạm trong Sách Tông Vụ, khi ngài trình thuật rằng thành phần tín hữu tiên khởi lãnh nhận phép rửa “chú tâm đến giáo huấn của các vị tông đồ cũng như đến mối hiệp thông, đến việc bẻ bánh và việc nguyện cầu” (2:42).

 

Cộng Đồng Thánh Thể

 

32.           Thánh Thể chẳng những là một diễn đạt hết sức rõ ràng về thực tại đời sống của Giáo Hội, mà còn, ở một nghĩa nào đó, “nguồn nước” của Giáo Hội nữa (39). Thánh Thể nuôi dưỡng và hình thành Giáo Hội: “Vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, chúng ta tuy nhiều cũng là một thân thể duy nhất, vì chúng ta tất cả đều lãnh nhận một tấm bánh duy nhất” (1Cor 10:17). Vì mối liên hệ sống còn này với bí tích Mình Máu Chúa Kitô mà mầu nhiệm Giáo Hội được nếm hưởng, loan báo và sống động một cách tuyệt vời nơi Thánh Thể (40).

 

Chiều kích giáo hội nội tại nơi Thánh Thể này được hiện thực ở hết mọi lần cử hành Thánh Thể. Thế nhưng, nó được thể hiện đặc biệt nhất vào ngày toàn thể cộng đồng qui tụ lại để tưởng niệm Việc Chúa Phục Sinh. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã trịnh trọng dạy rằng: “Việc cử hành Ngày Của Chúa và Thánh Thể của Người vào Chúa Nhật là tâm điểm của đời sống Giáo Hội” (41).

 

33.           Nơi Thánh Lễ Chúa Nhật, Kitô hữu sống lại một cách đặc biệt mãnh liệt cái cảm nghiệm của các vị Tông Đồ vào buổi tối Phục Sinh được Chúa Sống Lại hiện ra với các vị khi các vị đang qui tụ lại với nhau (x Jn 20:19). Ở một nghĩa nào đó, Dân Chúa ở mọi thời đại đều đã hiện diện nơi hạch nhân nhỏ bé thành phần môn đệ này, thành phần hoa trái đầu mùa của Giáo Hội. Nhờ chứng từ của các vị, mọi thế hệ tín hữu được nghe thấy lời chào của Chúa Kitô, đầy tặng ân bình an của Đấng Thiên Sai, một tặng ân chiếm được bằng máu của Người và được ban tặng cùng với Thần Linh của Người: “Bình an cho các con!” Việc Chúa trở lại với các vị “một tuần sau” (Jn 20:26) có thể được coi như một hình ảnh tiên báo thực sự về việc cộng đồng Kitô hữu qui tụ lại với nhau 7 ngày một lần, vào “Ngày Của Chúa” hay Chúa Nhật, để tuyên xưng đức tin vào sự Phục Sinh của Người cũng như để lãnh nhận phúc lành như Người đã hứa: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Jn 20:29). Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc hiện ra của Chúa Phục Sinh và Thánh Thể được gợi lên nơi Phúc Âm Thánh Luca trong câu truyện hai môn đệ đi Emmau, những người môn đệ được Chúa Kitô tiến đến để giúp cho họ hiểu đưoọc các lời Thánh Kinh rồi ngồi vào bàn với họ. Họ đã nhận ra Người khi “Người bẻ bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ” (24:30). Các cử chỉ của Chúa Giêsu trong đoạn trình thuật này là những cử chỉ Người đã làm ở Bữa Tiệc Ly, rõ ràng ám chỉ đến “việc bẻ bánh”, như Thánh Thể đã được thế hệ Kitô hữu tiên khởi gọi như thế.

 

Thánh Thể Chúa Nhật

 

34.           Thật vậy, tự mình, việc cử hành Thánh Thể Chúa Nhật không khác với việc cử hành Thánh Thể ở các ngày khác, hay có thể tách biệt khỏi toàn thể sinh hoạt về phụng vụ và bí tích. Theo bản chất của mình thì Thánh Thể là một thứ hiển linh của Giáo Hội (42), và điều này được thể hiện sống động nhất khi cộng đồng giáo phận qui tụ lại cùng nguyện cầu với vị Chủ Chăn của mình: “Giáo Hội thể hiện đặc biệt sáng ngời khi Dân Chúa, tất cả mọi người, chủ động và hoàn toàn tham dự vào cùng một việc cử hành phụng vụ, nhất là cùng một Thánh Thể, chia sẻ một việc nguyện cầu duy nhất tại một bàn thờ duy nhất được vị Giám Mục chủ sự có sự hiện diện của các vị linh mục và thừa tác viên của ngài” (43). Mối liên hệ với Giám Mục cũng như với toàn thể cộng đồng Giáo Hội này gắn liền với hết mọi việc cử hành Thánh Thể, cho dù vị Giám Mục không chủ sự, và bất kể ngày nào trong tuần. Việc đề cập đến vị Giám Mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể đã nói lên mối liên kết này.

 

Thế nhưng, vì tính cách long trọng đặc biệt của mình, cũng như vì sự hiện diện cần phải có của cộng đồng, và vì được cử hành “vào ngày Chúa Kitô chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta được thông phần sự sống bất tử của Người” (44), mà Thánh Thể Chúa Nhật thể hiện đặc biệt chiều kích giáo hội nội tại của mình. Thánh Thể Chúa Nhật trở thành mô phạm cho các cuộc cử hành Thánh Thể khác. Mỗi một cộng đồng, khi qui tụ tất cả mọi phần tử của mình để “bẻ bánh”, trở nên nơi hiện diện cụ thể của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong việc cử hành Thánh Thể, cộng đồng hướng về mối hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ (45), nài xin Chúa Cha “hãy nhớ đến Giáo Hội trên khắp thế giới” và làm cho Giáo Hội lớn lên trong mối hiệp nhất giữa tất cả mọi tín hữu với Đức Giáo Hoàng và với các vị Mục Tử ở Giáo Hội riêng, cho đến khi tình yêu nên tuyệt hảo.

 

Ngày của Giáo Hội

 

35.           Thế nên, Ngày Của Chúa cũng là Ngày Của Giáo Hội. Đó là lý do tại sao ở lãnh vực mục vụ, khía cạnh cộng đồng của việc cử hành Chúa Nhật cần phải được đặc biệt nhấn mạnh. Như tôi đã có lần nhận định là trong nhiều thứ sinh hoạt của một giáo xứ thì “không gì trọng yếu hay làm nên cộng đồng bằng việc cử hành Ngày Của Chúa và Thánh Thể của Người vào Chúa Nhật” (46). Nhận thức như thế, Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở rằng cần phải cố gắng để làm sao bảo đảm là có được “trong giáo xứ một cảm quan sống động về cộng đồng trước hết nơi việc cộng đồng cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật” (47). Các bản hướng dẫn về phụng vụ sau đó cũng nhấn mạnh như thế, khi yêu cầu vào các Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, việc cử hành Thánh Thể được thực hiện bình thường nơi các nhà thờ hay các nguyện đường cần phải được liên kết với việc cử hành tại nhà thờ của giáo xứ, để “nuôi dưỡng cảm quan cộng đồng Giáo Hội, một cảm quan được nuôi dưỡng và thể hiện một cách đặc biệt nơi việc cộng đồng cử hành Thánh Thể vào Chúa Nhật, hoặc quanh vị Giám Mục, nhất là ở vương cung thánh đường, hay ở cộng đoàn giáo xứ là nơi cha sở đại diện cho vị Giám Mục” (48).

 

36.           Cuộc qui tụ lại vào Chúa Nhật là một nơi đặc biệt của mối hiệp nhất: nó là môi trường để cử hành bí tích hiệp nhất sacramentum unitatis là những gì sâu xa đánh dấu Giáo Hội như là một dân được qui tụ lại “bởi” và “trong” mối hiệp nhất Cha, Con và Thánh Linh (49). Đối với các gia đình Kitô hữu thì cuộc qui tụ lại vào Chúa Nhật này là một trong những diễn đạt nổi bật nhất cho thấy cái căn tính của họ cũng như “thừa tác vụ” của họ như là “giáo hội tại gia” (50), khi cha mẹ chia sẻ với con cái mình ở cùng một Bàn tiệc duy nhất lời Chúa và Bánh Sự Sống. Về vấn đề này chúng ta cần phải nhắc lại rằng cha mẹ là thành phần đầu tiên cần phải dạy cho con cái mình biết tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật; trong vấn đề này chúng được hỗ trợ bởi các giáo lý viên, thành phần cần phải thấy rằng vấn đề khai tâm về Thánh Lễ là một phần trong việc huấn luyện trẻ em được ủy thác cho họ, bằng cách giải thích cho chúng biết những lý do quan trọng tại sao lại có luật buộc. Cũng về khía cạnh này, khi hoàn cảnh cho phép, việc cử hành Thánh Lễ cho Trẻ Em, tùy theo các điều khoản về qui tắc phụng vụ (51), là những gì hữu ích.

 

Ở các Thánh Lễ Chúa Nhật ở giáo xứ, vì các giáo xứ là “các cộng đồng Thánh Thể” (52), thường thấy có những nhóm hội khác nhau, phong trào, đoàn thể, thậm chí những cộng đồng tu trì ít oi hiện diện trong giáo xứ. Điều này giúp cho mọi người cùng nhau cảm nghiệm thấy được những gì chung sâu xa nhất, vượt ra ngoài cả những đường lối thiêng liêng riêng mang tính cách nổi bật một cách hợp tình hợp lý khi được thẩm quyền Giáo Hội nhận thức (53). Đó là lý do tại sao vào Chúa Nhật, ngày tụ họp, không nên khuyến khích có những Thánh Lễ cho nhóm nhỏ: bởi vì nó không phải chỉ là vấn đề bảo đảm rằng những cuộc qui tụ của giáo xứ không thể nào thiếu thừa tác vụ của các vị linh mục, mà còn để bảo đảm rằng sự sống và mối hiệp nhất của cộng đồng Giáo Hội được hoàn toàn bảo toàn và cổ võ (54). Việc ban phép những thứ châm chước có thể bị hạn chế một cách rõ ràng liên quan đến điều chỉ dẫn tổng quát này tùy thuộc vào sự nhận định khôn ngoan của các Vị Chủ Chăn nơi Giáo Hội riêng, khi các vị cứu xét tới những nhu cầu đặc biệt ở lãnh vực huấn luyện và chăm sóc mục vụ, cũng như chú ý tới thiện ích của cá nhân hay nhóm hội, nhất là những thiện ích mà các thứ châm chước ấy có thể mang lại cho toàn thể cộng đồng.  

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ văn khố điện toán toàn cầu của Tòa Thánh: http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

 

Bắc Hàn: Nguy Cơ Nguyên Tử

 

xin xem cả

 

Lực Lượng Vũ Khí Nguyên Tử Trên Thế Giới

 

 

Nhận định của thoidiemmaria: Lịch sử thế giới không bao giờ hoàn toàn lắng đọng. Nó luôn biến động, không chỗ này thì chỗ khác. Điển hình là Biến Cố Cộng Sản Đông Âu tự động sụp đổ một cách bất ngờ và nhanh chóng vào cuối năm 1989 vừa làm cho cả thế giới cảm thấy hân hoan hớn hở thì nhân loại lại bắt đầu quan tâm đến Bão Chiến Sa Mạc (Desert Storm) hay Cuộc Khủng Hoảng Vùng Vịnh Ba Tư (Persian Gulf crisis) gây ra do việc Iraq tấn công Kuwait ngày 2/8/1990.

 

Cũng thế, mở màn cho năm 2005, sau thiên tai biển động sóng thần Nam Á xẩy ra vào cuối năm 2004 ngày 26/12 thế giới vừa vui mừng về hai cuộc bầu cử dân chủ ở thế giới Ả Rập Hồi giáo vốn theo chế độ chuyên chế, một của nhân dân Palestine ở Thánh Địa vào ngày 9/1 và một của nhân dân Iraq vào ngày 30/1, thì lại bắt đầu lo âu về việc Bắc Hàn lần đầu tiên vào ngày Thứ Năm 10/2/2005 đã chính thức công khai công nhận mình có vũ khí nguyên tử.

 

Thật ra, hôm Thứ Năm 10/2/2004 là ngày Bắc Hàn chính thức tuyên bố mình có nguyên tử lực, chứ thế giới đã nghi ngờ Bắc Hàn có nguyên tử lực cả hơn 10 năm nay. Tài liệu của mạng điện toán toàn cầu CNN đã liệt kê những dữ kiện liên quan đến tình hình Bắc Hàn có nguyên tử lực như sau. Trước hết là lược sử biên niên diễn tiến tình trạng nguyên tử lực ở Bắc Hàn. Sau nữa là phản ứng của những phần tử trong cuộc là Bắc Hàn, nam hàn, Nhật Bản, Trung Hoa, Hoa Kỳ và Nga Sô.

 

Lược sử biên niên diễn tiến tình trạng nguyên tử lực ở Bắc Hàn

 

1993: Bắc Hàn tuyên bố ngưng Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử và đã khiến thế giới nghi ngờ nước này đang chế tạo nguyên tử. Nhưng sau đó nước này đã loại bỏ quyết định của mình.

 

1994: Bắc Hàn và Hoa Kỳ ký hiệp ước: Bắc Hàn hứa ngưng rồi dần dần hủy bỏ chương trình chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử để được thế giới viện trợ trong việc xây cất hai lò phản ứng cung cấp nguyên tử lực.

 

1998: Hoa Kỳ và Bắc Hàn bắt đầu nói chuyện ở Pyongyang về việc Bắc Hàn hình như đang kiến thiết một hầm cơ sở nguyên tử lực dưới lòng đất. Hoa Kỳ yêu cầu thực hiện việc thanh tra kiểm soát.

 

1999: Vào tháng 5, Nguyên Bộ Trưởng Quốc Phòng William Perry viếng thăm Bắc Hàn và cho biết Hoa Kỳ muốn thực hiện việc giải giới Bắc Hàn; ngày 13/9, Bắc Hàn hứa ngưng việc thử loại phi đạn tầm xa, ngày 17/9, Tổng Thống Bill Clinton nới tay thắt chặt về kinh tế với Bắc Hàn; Tháng 12, một nhóm quyền lực thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo ký một hợp đồng 4 tỉ 6 để Tây phương thực hiện hai lò phản ứng nguyên tử lực sản xuất thủy điện ở Bắc Hàn.

 

2000: Bắc Hàn đe dọa tái thực hiện chương trình nguyên tử lực nếu Hoa Thịnh Đốn không bồi thường cho việc mất điện gây ra bởi những trì hoãn xây cất các lò nguyên tử lực ở Bắc Hàn.

 

2001: Vào tháng 6, Bắc Hàn cảnh báo là họ sẽ xét lại việc ngưng thử phi đạn nếu chính phủ Bush không tài thực hiện những liên hệ nhắm đến việc bình thường hóa vấn đề ngoại giao; vào tháng 7, Bộ Nội Vụ tường trình việc Bắc Hàn tự động chế tạo phi đạn tầm xa; vào tháng 12, Tổng Thống Bush cảnh giác Iraq và Bắc Hàn rằng họ sẽ “phải chịu trách nhiệm” về việc họ chế tạo các thứ vũ khí đại công phá “được dùng để khủng bố các quốc gia”. 

 

2002: Ngày 29/1, trong bài ngỏ cùng quốc dân hằng năm của mình, Tổng Thống Bush gọi Bắc Hàn, Iran và Iraq là một “trục gian ác” (axis of evil): “Bằng việc tìm kiếm các thứ vũ khí đại công phá, những chế độ này gây nên một mối nguy hiểm càng trầm trọng hơn”; vào tháng 10, chính phủ Bush cho biết rằng Pyongyang đã công nhận đang ngầm chế tạo vũ khí nguyên tử, vi phạm tới hòa ước 1994, các viên chức Bắc Hàn đã công nhận sự kiện này sau khi bị các viên chức Hoa Kỳ hạch hỏi với những chứng cớ hiển nhiên; vào tháng 11, Mỹ, Nhật và Nam Hàn ngưng cung cấp dầu hỏa cho Bắc Hàn theo hiệp ước 1994; vào tháng 12, Bắc Hàn tháo gỡ các thứ niêm phong và máy chụp của Cơ Quan Nguyên Tử Lực Thế Giới IAEA ở những cơ sở nguyên tử lực của mình và tẩy chay thành phần thanh tra viên vũ khí nguyên tử của cơ quan này.

 

2003: Vào ngày 10/1, Bắc Hàn rút lui khỏi Hiệp Ước Thôi Leo Thang Nguyên Tử. Ngày 5/2, cơ quan tín vụ chính thức của Bắc Hàn cho biết nước này đã tái hoạt động ở các cơ sở nguyên tử lực. Ngày 12/2, Hội Đồng 35 phần tử Quản Trị Cơ Quan Nguyên Tử Lực Quốc Tế IAEA (International Atomic Energy Agency) tuyên bố Bắc Hàn vi phạm những việc bảo toàn về nguyên tử lực, cần phải được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc xét xử. Ngày 24/2, Bắc Hàn thử bắn một phi đan tầm xa cỡ từ đất liền ra ngoài tầu thủy vào vùng biển giữa Quần Đảo Đại Hàn và Nhật Bản. Ngày 26/2, Hoa Kỳ cho biết Bắc Hàn đã tái hoạt động ở lò phản ứng nguyên tử lực 5 magawatt ở Yongbyon. Tháng 3, Bắc Hàn thử bắn một phi đạn cỡ từ đất liền ra biển khơi hạ tầu thủy vào vùng biển Nhật Bản. Tháng 8, Hoa Kỳ, Bắc Hàn, Nam Hàn, Trung Hoa, Nhật Bản và Nga Sô gặp nhau để nói chuyện về nội vụ nguyên tử lực ở Bắc Hàn.

 

2004: Tháng 2, Sáu quốc gia lại gặp nhau để giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn nhưng không khả quan là bao, ngoài việc đồng ý gặp lại nhau một lần nữa. Tháng 6, sáu quốc gia này lại gặp nhau như đã ướ chẹn. Tháng 8, Bắc Hàn nói họ sẽ không tham dự các cuộc họp sửa soạn cho cuộc họp thượng đỉnh của 6 quốc gia vào tháng 9; Bắc Hàn đồng ý thôi chế tạo nguyên tử để được viện trợ, được giảm kinh tế phạt và khỏi bị liệt vào danh sách các quốc gia bảo trợ cho nạn khủng bố; Hoa Kỳ muốn Bắc Hàn cho biết tất cả mọi hoạt động nguyên tử lực của họ và phải để quốc tế thanh tra vũ khí. Tháng 9, cuộc hẹn hò giữa 6 quốc gia bị đình trễ vô hạn định vì Hoa Kỳ và Bắc Hàn trách cứ nhau về tình trạng bế tắc.

 

2005: Ngày 10/2, Ngoại Trưởng Bắc Hàn tuyên bố là “Hiệp Chủng Quốc tiết lộ việc họ cố gắng lật đổ guồng máy chính trị ở Cộng Hòa Nhân Dân Dân Chủ Đại Hàn DPRK (Democratic People's Republic of Korea) bằng bất cứ giá nào, đe dọa nó bằng một cái gậy đập nguyên tử. Điều này buộc chúng tôi phải sử dụng đường lối bồi đắp lò chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử để bảo vệ ý hệ, chế độ, tự do và dân chủ được nhân dân DPRK chọn lựa”. Trong cuộc điện đàm giữa Nội Trưởng Hoa Kỳ Rica, người đã gặp Ngoại Trưởng Nam Hàn Ban Ki-Moon cũng trong ngày hôm Thứ Hai 14/2/2005, và Ngoại Trưởng Trung Cộng Li Zhaoxing, vị ngoại trưởng Trung Cộng đã hứa với nội trưởng Hoa Kỳ rằng ông sẽ liên lạc với chính phủ Bắc Hàn cùng các quốc gia trong cuộc về vấn đề thương thảo.

 

Đây là lần đầu tiên Bắc Hàn tự động chính thức tuyên bố là họ có các thứ vũ khí nguyên tử lực. Bắc Hàn cũng cho biết họ không tham dự những cuộc gặp gỡ với 5 quốc gia trong cuộc như trước đây. Tuy nhiên, Bắc Hàn muốn nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ mà thôi, trong khi Hoa Kỳ cương quyết không chấp nhận đòi hỏi này và muốn cả 6 quốc gia cùng nhau giải quyết vấn đề. Ngày 11/2, đại sứ của Bắc Hàn ở LHQ là Han Sung Ryol cho một tờ nhật báo Nam Hàn biết rằng Bắc Hàn chỉ tham dự cuộc họp 6 quốc gia sau khi nói chuyện tay đôi với Hoa Kỳ mà thôi. Trong bài nói chuyện với quốc dân hằng năm của mình hôm 2/2, Tổng Thống Bush đã hạ giọng, so với bài nói chuyện với quốc dân năm 2002 gán cho Bắc Hàn thuộc vào “trục gian ác” với Iran và Iraq, cho biết Washington “đang hoạt động sát cánh với các chính quyền ở Á Châu để thuyết phục Bắc Hàn loại bỏ những tham vọng nguyên tử lực của họ”. Thế nhưng, Pyongyang quật lại bài nói của tổng thống Mỹ, cho rằng âm mưu quỉ quái của Hoa Kỳ muốn biến thế giới thành “một biển lửa chiến tranh”.

 

Phản ứng của thành phần trong cuộc: Bắc Hàn, Nam Hàn, Nhật, Tầu, Mỹ và Nga.

 

Bắc Hàn:

 

Người ta vẫn chưa biết rõ động lực nào đã thúc đẩy Bắc Hàn theo đuổi những tham vọng chế tạo các thứ vũ khí nguyên tử, một là để phòng vệ những cuộc tấn công hay là muốn cố ý sử dụng nó như là một thứ mặc cả cho vấn đề viện trợ của quốc tế. (Hình bên là Tổng Thống Kim Jong II)

 

 

Nam Hàn: Nam Hàn dân số đông hơn gấp đôi Bắc Hàn và kinh tế thịnh vượng gấp 20 lần Bắc Hàn. Hai miền nam bắc này vẫn kình địch nhau sau khi không ký thỏa ước từ khi Bắc Hàn bị xâm chiếm vào năm 1950. Mặc dù nghèo khổ, Bắc Hàn là một quốc gia có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới so với dân số, gấp đôi quân số so với Nam Hàn. Tổng Thống  Roh Moo-hyun (hình bên) đã cố gắng để cải tiến liên hệ với Bắc Hàn nhưng lại lưỡng lự trong việc đi ngược lại với Hoa Kỳ về vấn đề Bắc Hàn.

 

 

Tầu: Ngay từ Chiến Tranh Hàn Quốc vào đầu thập niên 1950, quân đội Trung Cộng đã một trong số ít đồng minh sát cánh với quân lực Bắc Hàn chiến đấu chống Hoa Kỳ. Quốc gia điều hành các cuộc nói chuyện 6 quốc gia trong cuộc liên quan đến vấn đề nguyên tử Bắc Hàn này là quốc gia cung cấp nhiều nhất cho chế độ Kim Jong II Bắc Hàn về thực phẩm và dầu hỏa. Thế nhưng, vì cũng giao thương với thế giới nữa, Trung Cộng mỗi ngày một quan tâm hơn về những diễn tiến nguyên tử ở Bắc Hàn. Bắc Hàn đang được coi là mối đe dọa an ninh cho vùng này cũng như nguy hiểm cho bang giao giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. (Hình bên là Tổng Thống Hu Jintao).
 
 

Nhật: Như Hiệp Chủng Quốc, Nhật Bản yêu cầu Pyongyang loại bỏ việc chế tạo các thứ vũ khí hạch nhân. Bắc Hàn đã phóng đi những làn sóng điện giật ngang qua miền này vào năm 1998 khi thử bắn một phi đạn tầm xa bay trên hải đảo chính của Nhật Bản, khiến cho Nhật Bản phải gia tốc nỗ lực kiến thiết một hệ thống phòng vệ phi đạn tầm xa. Trong quá khứ, Nhật đã nói rằng họ sẽ không bình thường hóa liên hệ với Bắc Hàn hay cấp viện trợ cho Bắc Hàn, trừ phi giải quyết vấn đề liên quan tới việc thám viên Bắc Hàn trong thập niên 1970 và 1980 đã bắt cóc những công dân của Nhật. (Hình bên là Thủ Tướng Junichiro Koizumi)

 

 

Nga: Nga Sô viện trợ nhỏ giọt cho Bắc Hàn và không mang đến bàn thương thảo gì lắm ngoài mối liên hệ chặt chẽ với nhà lãnh đạo Kim Jong II cô thế. Thế nhưng, quân đội của Nga Sô cũng như những quan tâm về an ninh trong vùng ở biên giới phía đông của nó lại dính dáng tới những tham vọng về nguyên tự lực của Bắc Hàn. Nga Sô cũng che đậy những tham vọng về kinh tế trong một vùng có thể được tăng bổ bởi một Quần Đảo Hàn Quốc hòa hợp sống chung. (Hình bên là Tổng Thống Vladimir Putin)

 

 

Mỹ: Tổng Thống Bush đồng ý với Tổng Thống Nam Hàn về vấn đề mau tái họp 6 quốc gia trong cuộc để giải quyết vấn đề nguyên tử Bắc Hàn. Sau ba lần họp bàn với ít thành quả vào năm 2003, Bắc Hàn đã không chịu cuộc họp thứ tư vào tháng 9/2004, viện lẽ Hoa Kỳ có chính sách “thù hằn”. Vào tháng 2/2005, Bắc Hàn loan báo ý định không tham gia hội bàn nữa, vì các thứ vũ khí là “để tự vệ trong việc đương đầu với chính sách bị lật tẩy của chính phủ Bush muốn cô lập hóa và triệt tiêu” chính phủ Bắc Hàn. Trong quá khứ Hoa Kỳ phản đối yêu cầu của Bắc Hàn muốn nói chuyện tay đôi về vấn đề nguyên tử. (Hình bên là Tổng Thống George Bush)

 

 

Những dữ kiện về Bắc Hàn

 

Bắc Hàn là một trong những quốc gia kín mật và chuyên chế nhất thế giới, với một nền kinh tế mang những tính cách khốc liệt sau nhiều thập niên quản thủ sai lầm.

 

Sau Thế Chiến Thứ II, quần đảo Đại Hàn cũng gọi là Triều Tiên, như Việt Nam, bị chia đôi, với miền bắc do Cộng Sản cai trị và miền nam theo đường lối Tây phương.

 

Bắc Hàn được gọi là Cộng Hòa Nhân Dân Dân Chủ Đại Hàn DPRK (Democratic People's Republic of Korea), một chính thể được thành lập như là một chính phủ xã hội chuyên chế từ năm 1948. Tổng Thống Kim Jong II đã lãnh đạo Bắc Hàn từ năm 1994, kế vị cha mình là Kim II Sung, nhà lãnh đạo tiên khởi của Bắc Hàn. Bắc Hàn lệ thuộc rất nhiều vào việc viện trợ quốc tế để nuôi dân cũng như cần nhiên liệu dầu hỏa cho một quân lực hằng triệu người.

 

Hội Đồng Dân Chúng Tối Cao đóng vai trò như ngành lập pháp của quốc gia và Pháp Viện Trung Ương đóng vai trò như ngành tư pháp. Đảng Lao Động Hàn Dân là đảng nắm vai trò chủ chốt của quốc gia. Bắc Hàn có một đặc phái thường trực ở Liên Hiệp Quốc nhưng không có đại diện ngoại giao ở Hiệp Chủng Quốc.

 

Dân số vào tháng 7/2003 là 22.5 triệu. Thủ đô là Pyongyang. Đa số theo Phật giáo và Khổng giáo. Tổng Sản Lượng hằng năm vào năm 2002 là 22.26 tỉ Mỹ kim.

 

Quân lực Bắc Hàn bao gồm cả bộ binh, thủy quân và không quân, với 1.08 triệu người đang tại ngũ và 4.7 triệu trừ bị. Những chi phí về quân lực chiếm 31.3% tổng sản lượng hằng năm của Bắc Hàn, biến Bắc Hàn thành một quốc gia quân phiệt nhất thế giới. Gần ¼ thành phần công dân phục vụ quân lực một cách nào đó.

 

Bắc Hàn được cho rằng có một chương trình chế tạo nhiều thứ vũ khí hóa chất. Một bản tường trình của Liên Hiệp Các Khoa Học Gia Hoa Kỳ cho biết Bắc Hàn dự trữ hóa chất ít là từ 180-250 tấn các thứ tác nhân được dự trữ làm vũ khí. Bắc Hàn cũng được cho biết là theo đuổi chương trình chế tạo các thứ vũ khí sinh trùng, đặt căn cứ ở Viện Nghiên Cứu Quốc Phòng và Hàn Viện Y Học. Chương trình chết tạo này chưa nhiều như chương trình chế tạo các thứ vũ khí hóa chất.

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ