GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 19/7/2005

 

1) Tòa Thánh tại LHQ về Những Bài Học Từ Cuộc Biển Động Sóng Thần Tsunami

2) ĐTCBĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 17/7/2005 về Giá Trị của Việc Nghỉ Hè

3) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

 

 

Tòa Thánh tại LHQ về Những Bài Học Từ Cuộc Biển Động Sóng Thần Tsunami


(tiếp 17 Chúa Nhật)

 

Theo chiều hướng này, Tòa Thánh tin rằng việc hỗ trợ về tôn giáo và tinh thần thích hợp với việc chữa lành về nhân bản, mặc dù nó là một khía cạnh rất thường bị coi thường. Chúng tôi quyết tâm trong mọi hoàn cảnh tôn trọng những sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa, cũng như hoạt động một cách thân tình để dễ dàng hóa việc tin tưởng hơn nơi các tín hữu thuộc mọi niềm tin và nơi thành phần vô tín ngưỡng. Việc hợp tác liên tôn cùng với các việc khởi công xây dựng hòa bình sẽ tiếp tục làm nên một yếu tố quan trọng cho hoạt động của Giáo Hội ở những địa điểm ấy.


Bởi vậy, nhận định theo từ phản ứng đáng chú ý khắp thế giới đối với cuộc khủng hoảng này, thì bài đọc đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học đó là vấn đề thiện tâm dồi dào của thành phần thường dân thường chưa được khai thác hết. Mối liên kết tự nhiên và chân thành của các dân tộc trên thế giới vốn có đó như tất cả mọi người đều thấy, đồng thời, khi truyền thông thế giới giúp vào việc làm cho thế giới này càng trở nên như một ngôi làng hoàn vũ, thì phải chân nhận là có một cảm quan sâu xa về cộng đồng nhân loại đã được thể hiện một cách mau mắn và tích cực đối với thành phần sống sót của thảm họa này. Khi cộng đồng thế giới giúp cho dân chúng thực sự ở trong những trường hợp thực sự cần giúp đỡ thì đã rõ ràng cho thấy, với một cảm tính rộng rãi và tôn trọng những hoàn cảnh về văn hóa và tôn giáo khác nhau của dân chúng, một ý thức về vị thế chính yếu của con người.


Một bài học khác cần phải học đó là bài học nơi phương diện ngân quĩ cứu trợ và phát triển. Với một số tiền khổng lồ thực sự như thế trong tay và với một nhu cầu khẩn trương trong việc cứu trợ, bao giờ cũng có một khuynh hướng bất khả tránh trong việc sử dụng những nguồn tài trợ quí hóa mà không được hoạch định xứng hợp. Về vấn đề này, các cơ quan và tổ chức của chúng tôi ở các vùng bị nạn động đất sóng thần đó đã đặc biệt xem xét những đường lối tránh lánh việc gây nên một thứ bệ vệ quan liêu trong việc giải quyết vấn đề cấp cứu, để bảo đảm việc cung cấp những số lượng ngân quĩ tối đa vào mục tiêu thích hợp của nó. Việc tổ chức cho có lớp lang và vấn đề điều hợp là những gì hệ trọng cần phải có để tránh được việc phân phối một cách bất cẩn những nguồn tài trợ.


Cũng cần phải đề cập tới nhu cầu gia tăng việc hợp tác quốc tế để thiết lập và củng cố guồng máy ở quốc gia, ở vùng nhỏ, vùng lớn và quốc tế hầu tránh né, sửa soạn và làm giảm bớt đi những thứ tai họa thiên nhiên. Cần phải hoan hô việc tái dấn thân áp dụng những khởi công thực hiện việc cải tiến khả năng cảnh báo ban đầu.


Sau hết, chúng tôi ghi nhận rằng thảm trạng này, một thảm trạng đã gây nhiều chú ý, thiện tâm và hỗ trợ về tài chính, thực sự đã chứng tỏ cho các chính quyền và nhân dân bị nạn thấy được một cơ hội chưa từng có về vấn đề tái thiết và phát triển. Việc hợp tác nội tại, song phương, bắc nam và nam nam, một việc hợp tác có lúc trở thành một thứ tuyên ngôn, không được phí phạm mà phải được xậy dựng cho thiện ích của cả thành phần sống sót lẫn tất cả mọi dân tộc trong vùng ấy.
Cám ơn Ông Chủ Tịch

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 14/7/2005


 

TOP


 

ĐTCBĐXVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 17/7/2005 về Giá Trị của Việc Nghỉ Hè

 

Chúa Nhật XVI Quanh Năm tuần này, có 6 ngàn người đến khu vực đang nghỉ hè của ĐTC BĐXVI là làng Alpine để nguyện kinh Truyền Tin với ngài. Theo thường lệ, trước khi nguyện kinh Thánh Mẫu này vào buổi trưa, ngài đã ban mấy lời huấn từ như sau:

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Tôi đã ở đây được mấy ngày rồi, nơi vùng núi tuyệt vời của Val d’Aosta, nơi vẫn còn hình ảnh sống động của vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Đức Gioan Phaolô II, người đã đến đây một số năm để nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe.

 

Việc nghỉ ngơi mùa hè năm nay thực sự là một tặng ân quan phòng của Thiên Chúa, sau những tháng đầu thi hành việc mục vụ cần thiết tôi đã được Thiên Chúa Quan Phòng ủy thác cho. Tôi xin chân thành cám ơn đức giám mục ở Aosta là Đức Ông Giuseppe Amfossi cũng như tất cả những ai đã giúp thực hiện việc này, cùng những ai hy sinh cẩn thận và dấn thân điều hành mọi sự cho trôi chảy. Ngoài ra, tôi cũng xin cám ơn dân chúng địa phương và thành phần du lịch về việc tỏ ra thân tình tiếp đón tôi.

 

Trong một thế giới chúng ta đang sống đây, hầu như cần phải lấy lại sức lực về tinh thần cũng như thể xác, nhất là cho những ai sống trong thành phố, nơi mà điều kiện sống thường náo nhiệt ít có chỗ cho việc thinh lặng, suy tư và thảnh thơi sống với thiên nhiên.

 

Hơn thế nữa, những ngày nghỉ là những ngày có nhiều giờ hơn để cầu nguyện, đọc sách và suy niệm về ý nghĩa sâu xa của cuộc đời, trong một bầu khí bình an của gia đình cùng với những người thân yêu của mình.

 

Thời gian nghỉ hè là cơ hội đặc biệt để dừng chân trước những phong cảnh thiên nhiên nâng tâm hồn lên, một “cuốn sách” tuyệt vời trước mắt mọi người, ngưới lớn cũng như trẻ em. Khi giao chạm với thiên nhiên, con người tái khám phá ra chiều kích đích thực của mình, tái khám phá ra mình là một thụ sinh, nhỏ bé nhưng đồng thời lại đặc thù, với một “khả năng hướng về Thiên Chúa” vì nội tâm của họ hướng về Vĩnh Hằng. Được thúc đẩy bởi tấm lòng chân thành tha thiết muốn tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, họ nhận thấy nơi thế giới quanh mình dấu hiệu thiện hảo và Đấng Quan Phòng Thần Linh, và tự nhiên như muốn chúc tụng và nguyện cầu. 

 

Khi cùng nhau nguyện kinh Truyền Tin ở địa phương Alpine đẹp đẽ này, chúng ta hãy xin Trinh Nữ Maria hãy dạy cho chúng ta biết cái bí mật của thứ thinh lặng trở thành lời chúc tụng, cái bí mật của thứ suy tư là điều kiện để suy niệm, cái bí mật của thứ lòng yêu thích thiên nhiên nở ra lòng biết ơn Thiên Chúa. Nhờ thế chúng ta mới có thể dễ dàng lãnh nhận hơn nữa nơi tâm trí chúng ta ánh sáng Chân Lý và thực hành nó trong tự do và yêu thương.

 

Chiều Chúa Nhật này, trong thời gian ở đây, ĐTC BĐXVI đã đến viếng thăm bảo tàng viện kính Đức Gioan Phaolô II ở Les Combes, một bảo táng cách nhà chòi ĐTC ở khoảng 500 thước. Bảo tàng viện này được bắt đầu từ năm 1996, nơi trưng bày những vật dụng tư riêng của Đức GPII, cũng như những hình ảnh cho thấy ngài đi giầy tuyết và đội mũ của tay leo núi. Trước khi về lại nhà chòi của mình, ĐTC đã ghé cầu nguyện tại một ẩn viện tu gần đó.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 17/7/2005


 

TOP

 

 

Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

Sau đây là bản văn đúc kết của Hội Nghị Quốc Tế đầu tiên về Việc Chăm Sóc Mục Vụ Để Giải Thoát Nữ Giới Bụi Đời, một hội nghị được tổ chức và diễn tiến ở Rôma trong thời khoảng 20-21/6/2005, do Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Giúp Thành Phần Di Dân và Du Hành khởi xướng.

Biến Cố Diễn Tiến

Cuộc hội nghị này được tổ chức ở Rôma tại Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Giúp Thành Phần Di Dân và Du Hành. Ngoài các vị cao cấp của hội đồng này, còn có sự tham dự của 5 viên chức thuộc Phân Bộ này; 2 vị Giám Mục; các vị linh mục, tu sĩ và giáo dân; các đại biểu thuộc các Hội Đồng Giám Mục thuộc 19 quốc gia ở Âu Châu: Albania, Germany, Belgium, Bosnia-Herzegovina, the Czech Republic, Denmark (Nordic countries), Scotland, Slovenia, Spain, Estonia, Holland, Hungary, England, Ireland, Italy, Montenegro, Poland, Portugal và Switzerland; các đại biểu thuộc các châu lục khác, bao gồm cả các chuyên gia, từ Democratic Republic of Congo, India, Nigeria và Thailand. Hiện diện trong hội nghị này còn có các vị đại biểu thuộc Hiệp Hội Chư Bề Trên Tổng Quyền USG (Union of Superiors General) và Hiệp Hội Quốc Tế Chư Bề Trên Tổng Quyền IUSG (International Union of Superiors General); CELAM; Hiệp Hội Chư Cộng Đồng Gioan XXIII; Đạo Binh Đức Mẹ; các vị đại diện thuộc các hiệp hội khác đang thi hành việc tông đồ về lãnh vực này; và 1 vị đại diện từ cơ quan Bác Ái Quốc Tế Caritas Internationalis.

Sauk hi ngỏ lời nồng hậu chào đón, vị Chủ Tịch của Hội Đồng này làĐHY Stephen Fumio Hamao, đã khai mạc tiến trình hội nghị bằng cách nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề, một vấn đề kêu gọi chú trọng và hoạt động mục vụ của Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo Hội riêng.

ĐTGM Agostino Marchetto, Bí Thư của Phân Bộ này đã trình bày chủ đề và các vấn đề của hội nghị, đồng thời cũng nêu lên tiêu chuển thẩm định cùng các khóa mục vụ hoạt động liên quan đến vấn đề của hội nghị. Trong bài diễn từ của mình, với nhan đề “Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời Ngày Nay, Một Thách Đố Về Mục Vụ”, ngài đã nhấn mạnh đến cả một lãnh vực tông đồ bao rộng và quan trọng, một việc tông đồ cũng đòi hỏi những tác nhân mục vụ mới. Ngài đồng thời đề cập tới mối quan tâm về con người mà trong số đó có nhiều người đang sống trong một tình trạng không được tôn trọng về các thứ nhất quyền tối thiểu của họ, cũng như trình trạng thân thể của họ trở thành đối tượng cho việc buôn bán và buôn người.

Những bài nói sau đó được trình bày bởi thành phần tham dự viên tham dự hội nghị đã gây chú ý tới những khía cạnh khác nhau về tình trạng hiện nay của thành phần phụ nữ bụi đời. Giáo Hội nhìn họ bằng một tấm lòng cảm thương và một cảm quan đón nhận của Kitô giáo, và nêu lên việc quan tâm đến các giá trị về tinh thần cũng như về thần học cho một việc dấn thân về mục vụ chứng tỏ cho thấy Thiên Chúa rộng lượng bao dung đối với họ, vì mọi người đều biết đến nhiều thảm trạng nằm sâu dưới tầng lớp cảm nghiệm ấy. Điều này đã gây nên mối quan tâm đặc biệt đối với tình trạng gia tăng thê thảm nơi số nữ giới và em gái bị khai thác tình dục, tạo nên một nhu cầu khẩn trương đối với hoạt động mục vụ vượt ra ngoài cả những khởi động chấp nhận đáng khen và bao dung hiện nay cũng như tình trạng khó khăn hiện tại bao gồm những hoạt động ấy nơi các cơ cấu giáo hội đang có. 

Bà Mariette Grange, đại biểu của Ủy Ban Di Dân Công Giáo Quốc Tế ICMC (International Catholic Migration Commission), đã khai triển đề tài “Việc Buôn Người, Đặc Biệt Chú Trọng Đến Nữ Giới Bị Buôn Bán Làm Điếm”, trong khi đó thì bản tường trình của Giáo Sư Mario Pollo về “Nhãn Quan Toàn Diện Từ Một Cuộc Soạn Dọn Nghiên Cứu”, đã cho thấy tổng quan về tình hình này, một bản tường trình đúc kết từ những hồi đáp cho bản thẩm vấn được gửi đến cho thành phần tham dự viên. Kết quả cho thấy là thiếu hụt một cách nào đó về khía cạnh mục vụ đặc biệt hơn. Sau hết, cha Oreste Benzi, lãnh đạo Hiệp Hội Chư Cộng Đồng Gioan XXIII đã góp ý kiến về đề tài: “Đối Với Một Thừa Tác Mục Vụ Cứu Chuộc và Giải Phóng”.

Sáu chuyên viên đã tham dự vào hội nghị bàn tròn là dì Eugenia Bonetti, ISMC ở IUSG; cha Ottavio Cantarello, SC, Giám Đốc Cộng Đồng “Samuel”, đại diện Hội Đồng Chư Bề Trên Chính Ý Quốc; Cô Nile Ní Chochlín, thuộc Hội Đồng Đạo Binh Đức Mẹ; dì Lalini Gunawardene, RGS; dì Michelle Lopez, RGS thuộc Trung Tâm Mạch Nguồn Sự Sống, và bác sĩ Paolo Ramonda, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Chư Cộng Đồng Gioan XXIII. Cuộc họp bàn tròn này đặc trách việc viết bản “hướng dẫn việc chăm sóc mục vụ đặc biệt”.

Vào cuối cuộc hội nghị này, một hội nghị bao gồm việc trao đổi tin tức, ý kiến mục vụ, kinh nghiệm làm việc và những cuộc điều tra sâu rộng, còn cứu xét và công nhận những sáng kiến hay ho chú trọng tới những tình trạng khác nhau đang xẩy ra ở các quốc gia khác nhau. Khi tái xác nhận ý hướng của mình trong việc theo đuổi hoạt động được đúc kết trong những ngày gặp gỡ này, bằng tinh thần hợp tác và mức độ điều hợp, thành phần tham dự viên đã xem xét các mẹo mực và sách lược cho tương lai, và những phương pháp học cùng với các mục tiêu được tóm lại ở những đúùc kết và khuyến dụ sau đây:

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ