GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 20/7/2005

 

1) ĐTC GPII: 4 thách đố chính yếu của thế giới tân tiến ngày nay

2) Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Lý Do, Ý Nghĩa và Cấu Trúc

3) Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời (tiếp)

 

ĐTC GPII: 4 thách đố chính yếu của thế giới tân tiến ngày nay

Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã nâng tổng số quốc gia chính thức bang giao với Tòa Thánh Rôma từ 85 lên 174, vào ngày Thứ Hai 10/1/2005, trong cuộc gặp gỡ chúc mừng tân niên nhau (lần cuối cùng của mình) theo truyền thống hằng năm giữa vị giáo hoàng Rôma là thủ lãnh Quốc Đô Vatican với ngoại giao đoàn chư quốc trên thế giới, đã cho thấy thế giới càng ngày càng bị khủng hoảng trầm trọng về 4 phương diện chính yếu đó là sự sống, lương thực, hòa bình và tự do: Sự sống liên quan đến văn hóa; lương thực liên quan đến kinh tế; hòa bình liên quan đến chính trị; và tự do liên quan đến tôn giáo nói riêng và ý hệ thời đại nói chung. Sau đây là những lời ngài nói về 4 thách đố chính yếu cần phải đương đầu này:

“… Tai ương khủng khiếp xẩy ra vào ngày 26/12 là những gì đã giáng họa xuống cho những quốc gia khác nhau ở Đông Nam Á, kéo dài tới cả những miền duyên hải ở Đông Phi Châu. Nó làm cho năm vừa qua đi đây một kết thúc đớn đau: một năm còn bị hoạn nạn bởi những tai họa thiên nhiên khác nữa, như những cơn lốc tàn hại ở Ấn Độ Dương và Antilles, và nạn châu chấu đã làm hoang tàn những miền rộng lớn ở vùng Tây Bắc Phi Châu. Những thảm trạng khác cũng giáng xuống trên năm 2004, như các hành động khủng bố dã man đẫm máu ở Iraq và các quốc gia khác trên thế giới, cuộc tấn công tàn bạo ở Ma Ní (Tây Ban Nha), cuộc khủng bố tàn sát ở Beslan (Nga), những hành động bạo lực phi nhân bản hành hạ nhân dân ở Darfur (Sudan), những hành động hung dữ tàn bạo diễn ra tại vùng Đại Hồ ở Phi Châu”. (khoản 2)

“Thách đố thứ nhất là thách đố về sự sống…. Thách đố xẩy ra cho sự sống vẫn đang leo thang và khẩn trương trong những năm gần đây. Nó đặc biệt liên quan tới lúc bắt đầu của sự sống, khi mà con người ta đang yếu đuối nhất và cần được bảo vệ nhất. Những quan điểm đối nghịch đã từng được đề ra liên quan tới vấn đề phá thai, vấn đề trợ truyền sinh, vấn đề sử dụng các thân bào từ phôi bào để nghiên cứu khoa học, và vấn đề tạo sinh sao bản…

“Thách đố xẩy ra cho sự sống cũng xuất phát liên quan đến chính cung thánh của sự sống là gia đình. Ngày nay, gia đình thường bị đe dọa bởi những áp lực về xã hội và văn hóa là những gì có khuynh hướng làm suy yếu đi tính chất bền vững của nó; thế nhưng, ở một số quốc gia, gia đình còn bị đe dọa bởi việc lập pháp nữa, một thứ lập pháp có những lúc trực tiếp làm khó dễ cấu trúc tự nhiên của gia đình, một cấu trúc là và cần phải là cấu trúc của mối hiệp nhất giữa một người nam và một người nữ bắt nguồn từ hôn nhân” (khoản 5).

”Thách đố thứ hai đó là thách đố về lương thực. Thế giới này, một thế giới được Đấng Hóa Công của nó làm cho phì nhiêu phong phú, có một số lượng đầy đủ cùng với những thực phẩm khác nhau cho tất cả mọi dân cư của nó, hiện nay cũng như mai hậu. Tuy nhiên, thống kê về tình trạng đói khổ trên thế giới lại thê thảm: cả hằng trăm triệu con người đang trải qua cảnh mạo dưỡng trầm trọng, và mỗi năm có cả hằng triệu trẻ em chết vì đói hay bởi ảnh hưởng của đói….” (khoản 6)

”Cũng có cả thách đố về hòa bình nữa. Là một sự thiện cao cả và là điều kiện để đạt được nhiều sự thiện thiết yếu khác, hòa bình là giấc mơ của hết mọi thế hệ. Tuy nhiên, có biết bao nhiêu là những cuộc chiến tranh và xung đột võ trang đang tiếp tục diễn ra, giữa các Quốc Gia, các nhóm sắc dân, các dân tộc và những nhóm người sống ở cùng một lãnh thổ. Từ đầu này tới đầu kia của thế giới, những cuộc chiến tranh và xung đột vũ khí ấy đang đòi mạng của vô số những nạn nhân vô tội và đang làm phát sinh ra rất nhiều thứ sự dữ khác! Chúng ta tự nhiên nghĩ đến những quốc gia khác nhau ở Trung Đông, Phi Châu, Á Châu và Mỹ Châu Latinh, nơi mà việc sử dụng các thứ vũ khí và bạo lực chẳng những gây ra thiệt hại khôn lường về vật chất, mà còn làm bùng lên hận thù và tăng thêm những nguyên do căng thẳng, bởi đó, gây khó khăn hơn trong việc tìm kiếm và áp dụng những giải quyết có thể hòa giải những thiện lợi hợp lý cho tất cả mọi phía trong cuộc. Ngoài những thứ sự dữ thê thảm này còn có hiện tượng khủng bố dã man phi nhân bản, một tai họa đã có một chiều kích toàn cầu chưa hề xẩy ra cho các thế hệ trước đây” (khoản 7)

“Còn một thách đố khác tôi cũng muốn đề cập tới nữa, đó là thách đố về tự do. Tất cả quí vị đều biết đây là thách đố quan trọng đối với tôi là chừng nào, nhất là vì lịch sử dân tộc bản quốc của tôi, nhưng nó cũng hệ trọng với mỗi một người trong quí vị nữa….

“Ở nhiều Quốc Gia, quyền tự do tôn giáo là một quyền lợi chưa được nhìn nhận trọn vẹn hay xứng hợp. Tuy nhiên, nỗi mong ước được tự do tôn giáo vẫn không thể nào bị áp đảo: Bao lâu con người còn sống thì nó bao giờ cũng có đó và đòi hỏi….

”Không nên sợ rằng quyền tự do tôn giáo hợp lý sẽ làm hạn chế các quyền tự do khác hay sẽ làm tổn thương đến đời sống xã hội dân sự. Trái lại, cùng với quyền tự do tôn giáo, tất cả mọi quyền tự do khác được phát triển và thăng hoa, vì tự do là một sự thiện bất khả phân ly, là đặc quyền của con người và là phẩm vị của họ. Cũng không được sợ rằng quyền tự do tôn giáo, một khi được ban cho Giáo Hội Công giáo, sẽ là những gì xâm nhập vào lãnh giới của tự do chính trị cũng như pha mình vào các năng quyền xứng hợp với Quốc Gia, bởi vì, Giáo Hội thực sự đã thận trọng phân biệt được rằng những gì thuộc về Cêsa khác với những gì thuộc về Thiên Chúa (x Mt 22:21)”. (khoản 8)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Chuyển dịch từ

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/speeches/index_spe-dip-corps.htm


 

TOP


ĐTCGPII: Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Lý Do, Ý Nghĩa và Cấu Trúc

Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, con người nam cũng như nữ tự nhiên hướng về Thiên Chúa, khao khát Thiên Chúa và tìm kiếm Thiên Chúa, cho đến khi gặp được Ngài trong tinh thần và chân lý họ mới được hoàn toàn mãn nguyện và hạnh phúc.

Thế nhưng, cảm nghiệm Kitô hữu cho thấy, con người nói chung và giới trẻ nói riêng, không thể nào gặp được Thiên Chúa Toàn Chân, Toàn Thiện và Toàn Mỹ ngoài một mình Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa thật và là Người thật, là Thiên Chúa làm Người ở giữa chúng ta.

Để giới trẻ có thể dễ dàng gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, từ năm 1985, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ngỏ ý định muốn tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới cho họ. Chính ngài đã minh định mục đích và ý nghĩa chính yếu của ngày này liên quan đến việc giới trẻ gặp gỡ Chúa Kitô như sau:

·         ’Ngày Giới Trẻ’ đúng nghĩa là cuộc tiến lên đón gặp Thiên Chúa, Đấng đã đi vào lịch sử loài người qua Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô”.

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Huấn Từ cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới chung lần thứ I tại Rôma, 25/3/1986, tuần san L’O sservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, phát hành ngày 1-4-1986, trang 9)

Tuyên Xưng Đức Tin

Tuy nhiên, để thực sự giúp cho giới trẻ có thể gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, cũng theo Đức Thánh Cha, Ngày Giới Trẻ nói chung phải có làm sao để giới trẻ tham dự có thể ý thức và mạnh mẽ cùng với Giáo Hội tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô:

 ·         “Giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang tụ họp lại để tuyên xưng đức tin của Giáo Hội là: chỉ có trong Chúa Kitô chúng ta mới có thể đạt đến trọn vẹn sự thật về thân phận con người chúng ta cùng với định mệnh đời đời của chúng ta. Chỉ có ở nơi Chúa Kitô con người nam nữ mới có thể tìm thấy những giải đáp cho những vấn nạn tối hậu làm họ bối rối. Chỉ có ở nơi Chúa Kitô họ mới có thể hoàn toàn hiểu được phẩm giá của họ như là những con người được Thiên Chúa dựng nên và yêu thương”.

 (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Huấn Từ ngỏ với Hội Đồng Giới Trẻ Quốc Tế tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới VIII tại Denver, Hoa Kỳ ngày 14-8-1993; The Pope Speaks, Vol.39, 3-4/1994)

 ·          “Giới trẻ thân mến, các con cũng là những người lãnh nhận và là những người đảm nhận gia sản này: ‘Đó là đức tin của chúng ta. Đó là đức tin của Giáo Hội. Và chúng ta hãnh diện tuyên xưng đức tin ấy, trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta’. Chúng ta sẽ cùng nhau công bố gia sản này vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới tới đây, ngày mà Cha hy vọng là sẽ có rất nhiều người trong các con tham dự”. 

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Sứ Điệp gửi Giới Trẻ nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới XV, 8/2000, Tuần San L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 7/7/1999) 

Lời Chúa và Thập Giá

Kitô hữu nói chung và giới trẻ Công giáo nói riêng chỉ có thể cùng với Giáo Hội ý thức và mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô, ở chỗ tìm gặp Người nơi Thập Giá của Người cũng như nơi Lời của Người.

 ·          “Giới trẻ tìm Chúa nơi tâm điểm của mầu nhiệm vượt qua. Mầu nhiệm của Thập Giá hiển vinh trở nên một tặng ân cao cả cho họ và thành một dấu chứng đức tin trưởng thành... Giới trẻ thân mến, các con hãy hân hoan đi gặp Chúa Kitô, Đấng làm hoan lạc tuổi trẻ của các con. Các con hãy tìm gặp Người bằng việc gắn bó với lời của Người và với sự hiện diện mầu nhiệm của Người trong Giáo Hội cũng như trong các bí tích. Các con hãy sống với Người bằng tấm lòng trung thành với Phúc Âm của Người: đúng, Phúc Âm thì đòi hỏi ngặt nghèo nhưng đồng thời cũng là nguồn hy vọng duy nhất và là nguồn hạnh phúc đích thực”. 

(Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá 28/3/1999 cho Ngày Giới Trẻ XIV, tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ, 31/3/1999)

 Đó là lý do tại sao Giáo Hội tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới nào ở khắp nơi trên thế giới ngay từ đầu cho tới nay bao giờ cũng có hai việc nồng cốt đặc biệt không thể thiếu, đó là việc giới trẻ Học Hỏi Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo và Đi Đường Thánh Giá..

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL)

  

TOP

 

 

Biện Pháp của Giáo Hội Công Giáo Trong Việc Giúp Đỡ Thành Phần Phụ Nữ Bụi Đời

(Tiếp 19 Thứ Ba)

Những Đúc Kết: Một số điểm chính

1. Việc làm điếm là một hình thức nô lệ tân tiến.

Cần phải nhìn nhận là việc khai thác tình dục, làm điếm và buôn người tất cả đều là những hành động bạo lực phạm đến nữ giới và vì thế là những gì phạm đến phẩm giá nữ giới và trầm trọng vi phạm đến nhân quyền. Con số nữ giới bụi đời đã gia tăng kinh khủng khắp thế giới vì những lý do phức tạp khác nhau về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Ở một số trường hợp thành phần nữ giới trong cuộc đã bị vi phạm một cách bệnh hoạn hay bị lạm dụng tình dục từ thuở bé. Có những người bị đẩy đến chỗ làm điếm để có đủ phương tiện sinh sống cho mình hay gia đình của mình. Một số tìm kiếm hình ảnh một người cha hay một thứ liên hệ yêu thương với một nam nhân. Kẻ khác đang cố gắng trang trải những khoản nợ nần vô lý. Một số rời bỏ tình trạng nghèo khổ xứ sở của mình, tin rằng việc làm được cung cấp ở ngoại quốc sẽ làm thay đổi đời sống của họ. Vấn đề hiển nhiên đó là việc khai thác tình dục nữ giới đang thấm nhập vào tầng lớp xã hội trên thế giới này là hậu quả của nhiều hệ thống tổ chức bất công.

Nhiều người nữ bụi đời, thành phần làm điếm ở thế giới được gọi là Thế Giới Thứ Nhất xuất thân từ các miền Thế Giới Thứ Hai, Thứ Ba và Thứ Tư. Ở Âu Châu và các nơi khác, nhiều người trong số nữ giới đến từ các thế giới không phải thế giới thứ nhất ấy được buôn bán từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ gia tăng. Tuy nhiên, không phải là tất cả mọi người được buôn người ấy đều làm điếm và không phải tất cả những điếm nữ đều là thành phần bị buôn người. Tình trạng con người nô lệ không phải là vấn đề mới mẻ. Tổ Chức Lao Công Quốc Tế ILO (International Labor Organization) ước lượng là hiện nay có 12.3 triệu người nô lệ đang bị bắt buộc phải lao động, và khoảng 2.4 triệu người trong số này là nạn nhân của thứ “kỹ nghệ” buôn người, một kỹ nghệ kiếm được lợi tức hằng năm ở vào khoảng 10 tỉ Mỹ kim.

2. Mối Liên Hệ giữa Vấn Đề Di Dân, Nhân Quyền và Buôn Người

Dần dần người ta đã thấy được mối liên hệ giữa vấn đề di dân, nhân quyền và buôn người, và đã nhận ra và phân tách các hình thức bao rộng của việc buôn người (như việc ràng buộc nợ nần, nô lệ, khai thác tình dục hoặc lao công). Định nghĩa về vấn đề buôn người được sử dụng trong Nghị Định của LHQ trong Vấn Đề Ngăn Ngừa và Triệt Hạ cùng Trừng Phạt Việc Buôn Người Nhất Là Phụ Nữ và Trẻ Em là một trong những câu định nghĩa đáng được chấp nhận nhất. Bản Nghị Định này, cũng như Bản Nghị Quyết của Hội Đồng Âu Châu về Hoạt Động Chống Việc Buôn Người, thấy việc này như là một thứ vi phạm nặng nề đến nhân quyền và là một vi phạm đến phẩm giá con người.

Vì vấn đề những người di dân đáp ứng được những nhu cầu về kinh tế trong khi đó những người bị lậu chuyển hay buôn chuyển lại gặp nhiều tổn thương nói chung, mới có những vấn đề khác nhau quan trọng giữa việc di dân và buôn người cùng lậu người. Những chính sách phát triển đại thể thực sự thường để cho nữ giới rơi vào tình trạng nợ nần và thất nghiệp. Họ di dân để kiếm sống và giúp đỡ gia đình hay cộng đồng của họ. Dù sao các nỗ lực để ngăn chặn việc buôn người và lậu người cũng không được coi thường ước muốn của nữ giới trong việc họ di dân để cải tiến cuộc sống của họ cũng như của gia đình cùng con cái của họ.

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 11/7/2005

  

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ