GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 6/7/2005

 

1) Tòa Thánh: Đạo Luật Hôn Nhân Đồng Tính ở Tây Ban Nha là một “thảm bại đối với nhân loại”

2) Các Vị Giám Mục ngoài Tây Ban Nha: Đạo Luật Hôn Nhân Đồng Tính ở Tây Ban Nha là một “bước giật lùi”

3) Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui (tiếp)

4) Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc: Lời Ngỏ Mở Đầu (tiếp)

 

 

Tòa Thánh: Đạo Luật Hôn Nhân Đồng Tính ở Tây Ban Nha là một “thảm bại đối với nhân loại”


Hôm Chúa Nhật 3/7/2005, tờ L’Osservatore Romano, trong bài viết của Francesco Valiente, đã nhận định rằng đạo luật mới của Tây Ban Nha cho phép “hôn nhân” đồng tính là một “thảm bại đối với nhân loại”.


Bài báo này nhận định rằng việc Tòa Thánh chống vấn đề này không phải là một thứ “chiến tranh tôn giáo”, vì gia đình không phải là những gì bị Giáo Hội áp lực cho bằng bởi di sản của các nền đại văn hóa.


Bài báo viết: “Giọng điệu của thành phần chiến thắng được phát biểu bởi một số chính trị gia và trí thức gia ‘tiến bộ’ qua nhận định về đạo luật hợp pháp hóa các cuộc đồng tính hôn nhân, biến những cuộc hôn nhân đồng tính này ngang hàng với thứ hôn nhân dị tính, là những gì cho thấy tính cách ngờ vực hoài nghi và buồn thảm.


“Không phải chỉ có thành phần tín ngưỡng mà kể cả bất cứ một con người nào hiểu biết bình thường, không bị mù quáng bởi thiên kiến, đều không thể nào không nhìn nhận rằng hành động này là một thảm bại ô nhục cho nhân loại. Cho dù thành phần chính trị gia ‘tri thức’ có muốn hay không thì gia đình được thiết lập trên căn bản một nam một nữ cũng không phải là một thứ sáng kiến của những người Công giáo.


“Giá trị hôn nhân Kitô giáo, thay vì làm suy yếu giá trị sâu xa về nhân bản, lại làm cho vững mạnh và kiên cố nó nữa. Đó là lý do bất cứ nỗ lực nào muốn thay đổi dự án của Thiên Chúa về gia đình đều là những nỗ lực làm méo mó đi bộ mặt chân thực nhất của nhân loại.


“Những ai hôm nay đây hô hoán chiến thắng trước ‘mẫu thức truyền thống của gia đình bị áp đặt bởi Giáo Hội’ đã quên rằng đây không phải là một thứ chiến tranh tôn giáo. Gia đình là gia sản chung của các nền văn hóa cao cả trên thế giới.


“Nó thuộc về toàn thể nhân loại vì nó được in ấn nơi thiên nhiên ngày từ ban đầu. Và qua các thế kỷ nó đã tồn tại với các hệ thống triết lý, khoa học, nhân loại học và xã hội.


“Chỉ có quốc gia nào cho rằng mình ‘trần thế’ và ‘cấp tiến’ mới cố gắng áp đặt đường lối ý hệ của mình trên một thực tại phức tạp như thế.


“Hết mọi người, chứ không phải chỉ có thành phần tín ngưỡng, cần phải thực hiện việc ngăn cản tình trạng làm thoái hóa nhân loại này, bằng việc canh giữ ‘ngôn từ’ nguyên thủy về gia đình, về hôn nhân, về yêu thương đã được viết trong lịch sử các thế hệ qua bao thiên kỷ”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 4/7/2005

 

TOP



Các Vị Giám Mục ngoài Tây Ban Nha: Đạo Luật Hôn Nhân Đồng Tính ở Tây Ban Nha là một “bước giật lùi”


Nhiều vị giám mục Công giáo ngoài nước Tây Ban Nha đã công khai bày tỏ mối quan ngại sau khi nước này hợp pháp hóa vấn đề hôn nhân đồng tính và cảnh giác hậu quả của sự kiện này.


Tờ nhật báo Ý Avvenire hôm Thứ Sáu 1/7/2005 đã tường trình là ĐHY Renato Martino, chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình đã cảnh giác đạo luật mới này là “một thứ lệch lạc đối với các nguyên tắc xuất phát từ bản tính tự nhiên” và nhấn mạnh rằng quyết định ấy “không phản ảnh thực sự ý muốn của nhân dân Tây Ban Nha”.


ĐHY Alfonso López Trujillo, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Gia Đình đã gọi đường lối của Tây Ban Nha là một thứ “đạo luật phản đạo lý”. Vị hồng ý này nói với Đài Phát Thanh Quốc Gia Colombia là khó có thể hiểu được “làm thế nào đạo luật này có thể cổ võ gia đình”, vì nó bao hàm “việc hủy hoại” gia đình.


Cũng hôm Thứ Sáu, ĐHY Juan Luis Cipriani Thorne, TGM Lima và là giáo chủ ở Peru, trong một Thánh Lễ đã cảnh giác về một thứ độc tài của chủ nghĩa luân lý tương đối. Ngài nói:


“Sự dữ đội lốt sự thiện và bị áp đặt, và khốn cho ai không chấp nhận nó khi bị gán cho là ‘đồ cố chấp’. Tôi nói tất cả những điều này vì chúng tôi vừa nghe biết rằng … một xứ sở có một truyền thống Kitô giáo vĩ đại đã chấp thuận một thứ hôn nhân giả mạo và áp đặt trên xã hội một thứ méo mó, tức là một cuộc tấn công có tính cách giả tạo nhất”.


ĐGM José Hugo Garaycoa Hawkins ở Tacna-Moquegua, Peru, đã nói với cơ quan Fides của Tòa Thánh rằng nó là “một mối đe dọa nặng nề cho cơ cấu gia đình cũng như cho tương lai của thế giới”.


ĐTGM José Ríos Reynoso ở Arequipa, Peru, qua những nhận định gửi cho mạng điện toán Zenit đã nói rằng: “Chúng tôi tin rằng không thể nào chấp nhận một cách thụ động một cuộc tấn công trầm trọng như thế đối với đời sống hôn nhân chân thực cùng với những hậu quả đau thương và khổ đau cho các gia đình. Bởi thế, cần phải bênh vực gia sản lịch sử và luân lý” là những gì bị ảnh hưởng bởi đạo luật ấy. Những lý do tại sao loại bỏ đạo luật này không phải là để chống lại thành phần đồng phái tính, thành phần vì là người nên có cùng những quyền lợi như tất cả mọi người khác. Những gì chúng tôi muốn làm đó là bênh vực thực tại về nhân loại học và về xã hội nơi việc hợp hôn giữa nam nữ ở tính cách chuyên biệt của nó cũng như ở giá trị bất khả thay thế của nó đối với công ích”.


ĐGM Catalino Claudio Giménez Medina ở Caacupe, chủ tịch hội đồng giám mục Paratuayan đã nói với cơ quan Fides rằng: “Đối với nguyên ước muốn tỏ ra mình là một quốc gia đi tiên phong trong việc chà đạp lên các nguyên tắc căn bản, chính quyền Tây Ban Nha đã chấp thuận một đạo luật hợp pháp hóa một thứ hôn nhân được gọi là đồng tính. Không còn cái lầm lạc nào hơn cho một xã hội sống không có mục tiêu và chân trời, một tình trạng gây ra vấn đề lẫn lộn một cách sâu xa, hoa trái của một thế hệ cho thấy mình bị băng hoại hơn bao giờ hết”.


ĐTGM Gioan Baotixita Odama ở Gulu nước Uganda đã bày tỏ nhận định với cơ quan Fides rằng: “Tôi hy vọng là những quốc gia khác không theo gương của Tây Ban Nha. Âu Châu dường như đang mất đi cái hồn sống của mình và bị trở thành mồi ngon cho một thứ chủ nghĩa tương đối phi đạo lý”.


ĐTGM Theodore Adrien Sarr ở Dakar, chủ tịch hội đồng giám mục Senegalese đã than lên rằng: “Đạo luật này là một bước giật lùi chứ không phải là một bước tiến lên theo văn minh nhân loại, vì nó phản lại với lề luật tự nhiên. Những người Phi Châu thuộc tất cả mọi tín ngưỡng đều lấy làm bàng hoàng bỡ ngỡ trước đạo luật ấy, vì lề luật tự nhiên cắm rễ sâu vào văn hóa của châu lục chúng tôi”.


Cha Donald De Souza, tổng bí thư và là phát ngôn viên của hội đồng giám mục Ấn Độ cũng nói với cơ quan Fides là cơ quan truyền giáo của Tòa Thánh rằng: “Giáo Hội ở Ấn Độ cảm thấy bất đồng với việc chấp thuận đạo luật hợp pháp hóa ‘hôn nhân’ đồng tính ở Tây Ban Nha. Hội đồng giám mục Ấn Độ xin hoàn toàn liên kết với các vị giám mục Tây Ban Nha trong trận chiến đấu cho sự sống cũng như cho đời sống gia đình được các vị thực hiện. Không kể đến Kitô giáo, các truyền thống Ấn Độ cổ kính công nhận hôn nhân là vấn đề giữa nam và nữ chứ không thể nào hiểu là giữa hai người nam hoặc hai người nữ cả”.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo Zenit ngày 5/7/2005

  

TOP

 

 

Từ Đảng Viên Cộng Sản đến Việc Làm Linh Mục Chui

 

(Tiếp hôm qua Thứ Ba 5)

 

Sau đó ít lâu tôi bị bệnh. Tôi thường có những cơn ác mộng làm tôi thức giấc. Vào một đêm kia, tôi đã mơ thấy rằng tôi tìm thấy được một cái hộp; tôi đã mở ra và thấy một cuốn sách trong đó. Đó là một cuốn Thánh Kinh, sáng rực. Tôi tỉnh dậy và nhớ lại rằng bà của tôi là người duy nhất đã nói với tôi về Thánh Kinh. Tôi nhớ lời bà nói rằng Giêsu là đấng toàn năng.

 

Bởi thế tôi nghĩ rằng nếu Giêsu là đấng toàn năng thì ngài có thể chữa tôi lành. Và vì vậy tôi đã tìm đến một nhà thờ trong vùng và thấy một ngôi nhà thờ Tin Lành.

 

Tuy nhiên, một đảng viên cộng sản bị cấm không được tin tưởng vào bất cứ một tôn giáo nào. Nên tôi đã kín đáo đi gặp những người Tin Lành.

 

Vừa ra trường, nhờ Đảng đỡ đầu, tôi mau chóng tìm được một việc làm ngon lành ở một thành phố lớn. Trước khi nhận nhiệm vụ, hãng đó đã cho tôi lấy 1 tháng về thăm gia đình của tôi thuộc một miền khác.

 

Vào cuối tháng nghỉ hè này, có một người bạn – sau này tôi mới khám phá ra là Công giáo – đã trao cho tôi 10 cuốn băng nhựa ghi những bài giảng của một vị linh mục Trung Hoa. Sauk hi nghe những cuộc băng nhựa ấy, một trận chiến đã bắt đầu giằng co trong tâm khảm của tôi: tôi nghĩ rằng có lẽ Thiên Chúa thực sự hiện hữu; có lẽ Công giáo thực sự là một đạo đích thật…

 

Thế nhưng, đồng thời tôi nhớ đến tất cả mọi lý thuyết về vô thần đã được học hỏi ở học đường và đại học. Tôi bị khống chế bởi một cơn buồn thảm đồng thời sợ rằng nếu tôi chấp nhận đức tin Công giáo tôi sẽ liều mình mất việc làm của tôi.

 

Tôi không biết phải làm sao. Đó là ngày tôi phải trở về thành phố để thi hành công việc của mình. Tôi đã mua vé xe buýt rồi.

 

Lần đầu tiên trong đời tôi hướng về Đức Bà và nói cùng người rằng: “Hỡi Thánh Maria, nếu bà thực sự hiện hữu, nếu đức tin Công giáo là những gì chân thực, nếu bà muốn tôi trở thành người Công giáo, thì xin ban cho tôi một dấu hiệu, đó là, ngày mai, trong chuyến đi của tôi, hãy để cho một cái gì đó quan trọng xẩy ra, một tai nạn chẳng hạn, mà tôi còn sống sót, thì tôi sẽ tin”.

 

Giờ đây, tôi nghĩ rằng tôi đã rất ư là điên khùng khi thách đố Thiên Chúa, đã thử ngài kiểu đó. Thế nhưng, vào lúc bấy giờ thì đó là lời cầu nguyện duy nhất nẩy lên trong tâm trí tôi mà thôi.

 

Ngày hôm sau, một tai nạn thực sự đã xẩy ra, ở chỗ, bánh xe ở đằng trước phía bên phải của chiếc xe buýt nổ tung khi chúng tôi đang đi xuống dốc với tốc độ nhanh. Chiếc xe buýt đâm vào lề và lật ngược bốn bánh lên trời. Tất cả chúng tôi đều sống sót, thế nhưng chúng tôi đã phải gắng gõi hết sức để chui ra khỏi chiếc xe bẹp dúm qua những cửa sổ của nó. Tôi kinh hoàng trước tai nạn này, nhưng tôi không chú ý lắm tới dấu hiệu đó.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo Zenit ngày 26/6/2005

 

 

TOP

 

Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc

 

(Tiếp Thứ Hai 4 & Thứ Ba 5)

Văn kiện lịch sử hết sức quan trọng nàycó hai phần rõ rệt, phần Ý Thức và phần Xác Quyết. Phần Ý Thức cho thấy 7 lý do thúc đẩy Liên Hiệp Quốc phác họa Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền. Phần Xác Quyết gồm 30 khoản gồm tóm tất cả mọi quyền lợi bẩm sinh bất khả vi phạm của con người, xứng với phẩm giá làm người của họ, bao gồm đủ mọi lãnh vực về con người, như sự sống (khoản 3), phẩm vị (khoản 4, 12, 25), phát triển (khoản 22, 28, 29), kiện cáo (khoản 5-11), hôn nhân (khoản 16), giáo dục (khoản 26), di chuyển (khoản 13, 14, 15), sinh sống (khoản 22, 23, 24), sở hữu (khoản 17, 27), hành đạo (khoản 18), chính trị (khoản 21). Sau đây là toàn bản văn kiện Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền:

Xét rằng, việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh và những quyền lợi bình đẳng bất khả vi phạm của tất cả mọi phần tử thuộc gia đình nhân loại là nến tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới,

• Xét rằng, việc coi thường và khinh thị nhân quyền đã gây nên những hành động man rợ làm cho lương tâm con người uất hận, mà việc thăng tiến của một thế giới làm cho nhân loại được hoan hưởng quyền tự do phát biểu và tin tưởng, tự do an vui và thoải mái, đã được công nhận là một ước vọng cao nhất của chung con người,

• Xét rằng, nếu con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến việc nổi loạn như là phương tiện bất đắc dĩ để chống lại với bạo quyền và đàn áp, thì nhân quyền thực sự cần phải được qui luật pháp lý bênh vực,

• Xét rằng cần phải đẩy mạnh việc phát triển các mối liên hệ thân hữu giữa các dân nước,

• Xét rằng các dân tộc thuộc Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã tái xác nhận trong Bản Hiến Chương của mình về niềm tin của họ nơi các nhân quyền căn bản, nơi phẩm vị và giá trị của con người cũng như nơi quyền bình đẳng nam nữ, và đã quyết tâm phát động tình trạng tiến bộ về xã hội cùng với những qui chuẩn sống tự do thoải mái hơn,

• Xét rằng Các Quốc Gia Phần Tử đã tự hứa quyết cộng tác với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc trong việc đạt đến vấn đề cổ võ lòng tôn trọng phổ quát cũng như vấn đề tuân giữ nhân quyền và những quyền tự do căn bản,

• Xét rằng việc hiểu biết chung về những quyền lợi và tự do này có một vai trò hết sức quan trọng cho việc hoàn toàn thể hiện lời đoan quyết này,

Bởi vậy, giờ đây, Đại Hội Đồng xin tuyên bố

Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, như là một qui chuẩn chung đối với tất cả mọi dân tộc cũng như tất cả mọi đất nước, để giúp cho hết mọi người và hết mọi cơ cấu xã hội, khi liên lỉ ghi nhớ bản Tuyên Ngôn này, nỗ lực đạt đến mục đích ấy, bằng cách dạy dỗ và giáo dục để cổ võ lòng tôn trọng những quyền lợi và tự do này, cũng như bằng những biện pháp tân tiến, cả ở lãnh vực quốc gia lẫn quốc tế, để rõ ràng cho thấy họ thực sự nhìn nhận và tuân giữ một cách phổ quát và có tác hiệu, cả nơi dân tộc của Các Nước Phần Tử cũng như nơi dân tộc thuộc các lãnh địa thuộc phạm vi quyền hạn của họ.

1. Tất cả mọi con người được sinh ra có tự do và bình đẳng về phẩm giá cũng như quyền lợi. Họ được ban cho có trí khôn và lương tâm, và phải tác hành hướng về nhau trong tinh thần huynh đệ.

2. Hết mọi người đều có quyền hưởng tất cả mọi quyền lợi và tự do được Bản Tuyên Ngôn này phác họa, không phân biệt thứ loại, như giống nòi, mầu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, tư kiến chính trị ra sao, gốc gác quốc gia hay xã hội, của cải sản vật, hoàn cảnh sinh vào đời thế nào. Ngoài ra, không được phân biệt căn cứ vào vị thế chính trị, pháp vực hay quốc tế của xứ sở hay lãnh thổ con người thuộc về, cho dù độc lập, tùy thuộc, không tự trị hay bị bất cứ một giới hạn về quyền trị nào.

3. Hết mọi người đều có quyền sống, tự do và an ninh bản thân.

4. Không ai phải bị bắt làm nô lệ hay tôi mọi; tất cả mọi hình thức nô lệ và buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.

5. Không ai phải bị hành sử hay trừng phạt một cách tàn bạo hay dã man, nhục nhã và đê hèn.

6. Hết mọi người đều có quyền được nhìn nhận là một ngôi vị trước luật pháp ở khắp mọi nơi.

7. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được luật pháp bảo vệ như nhau. Tất cả mọi người đều được bảo vệ như nhau khỏi bất kỳ một kỳ thị nào phạm đến Bản Tuyên Ngôn này cũng như khỏi bất cứ một xui giục nào đưa đến một kỳ thị như vậy.

8. Hết mọi người đều có quyền được các pháp đình quốc gia thẩm quyền bênh chữa một cách hiệu lực đối với những hành động vi phạm đến các quyền lợi của họ theo hiến định hay luật định.

9. Không ai phải bị tù ngục, giam giữ hay đầy ải một cách độc đoán.

10. Hết mọi người đều được đầy đủ quyền lợi như nhau trong việc khiếu nại một cách công bằng và công khai để tòa án độc lập và vô tư phán quyết về các quyền lợi và trách vụ của họ, cũng như về tội trạng họ bị tố cáo.

11. 1) Hết mọi người bị cáo buộc phạm tội đáng bị trừng phạt đều được giả thiết là vô tội cho đến khi chứng minh thấy họ có tội theo luật pháp trước một phiên tòa công khai để họ có tất cả những bảo đảm cần thiết trong việc bênh chữa cho họ. 2) Không ai sẽ bị coi là có tội về bất cứ vi phạm đáng phạt nào, nếu bất cứ việc làm nào hay việc bỏ qua không làm nào vốn không phải là một vi phạm đáng phạt theo luật quốc gia hay quốc tế vào lúc xẩy ra vấp phạm đó. Cũng không được ra hình phạt nặng hơn hình phạt ở vào lúc tội phạm xẩy ra.

12. Không ai bị ngang nhiên xía vào đời tư, gia đình, nhà cửa hay thư tín của họ, cũng như bị tấn công đến danh dự và tiếng tăm của họ. Hết mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ khỏi những xía xỏ và tấn công này.

13. 1) Hết mọi người đều có quyền tự do di chuyển và cư trú trong ranh giới của mỗi một quốc gia. 2) Hết mọi người đều có quyền lìa bỏ bất cứ xứ sở nào, bao gồm cả quê hương xứ sở của mình, cũng như có quyền trở về xứ sở của mình.

14. 1) Hết mọi người đều có quyền tìm cách tị nạn và được hưởng tị nạn ở những xứ sở khác để lánh nạn bắt bớ. 2) Không được rút lại quyền này trong trường hợp những cuộc bắt bớ hoàn toàn gây ra bởi những tội ác phi chính trị nhưng lại trái với những mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

15. 1) Hết mọi người đều được hưởng quyền có một quốc tịch. 2) Không một ai sẽ bị tước đoạt một cách ngang xương quốc tịch của họ hay bị từ chối không cho họ thay đổi quốc tịch.

16. 1) Những con người nam nữ thành nhân, bất kể nòi giống, quốc tịch hay tôn giáo, đều có quyền kết hôn và lập gia đình. Họ có quyền ngang nhau trong việc kết hôn với nhau, trong việc sống đời hôn nhân với nhau cũng như trong việc hủy bỏ hôn nhân. 2) Việc hôn nhân phải được hai người muốn lấy nhau thực hiện một cách tự do và hoàn toàn chấp nhận nhau. 3) Gia đình là đơn vị nhóm theo tự nhiên và căn bản của xã hội và được hưởng quyền bảo vệ của xã hội và quốc gia.

17. 1) Hết mọi người đều có quyền sở hữu tài sản riêng của mình cũng như với những người khác. 2) Không một ai bị tước đoạt một cách ngang xương tài sản của họ.

18. Hết mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ, tự do theo lương tâm và tự do theo đạo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin của mình, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay niềm tin của mình qua giáo huấn, qua việc hành đạo, qua việc phượng tự cũng như qua việc giữ luật đạo, theo cá nhân hay với những người khác trong cộng đồng, một cách công khai hay âm thầm.

19. Hết mọi người đều được quyền tự do có ý kiến và phát biểu; quyền này bao gồm quyền tự do giữ ý kiến của mình mà không bị gây khó dễ, cũng như quyền được tự do tìm kiếm, lãnh nhận và truyền đạt tín liệu cũng như tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào, bất kể giới tuyến.

20. 1) Hết mọi người đều được quyền tự do hội họp với nhau một cách trật tự và gia nhập hiệp hội. 2) Không ai bị bắt buộc phải thuộc về một hiệp hội nào.

21. 1) Hết mọi người đều có quyền tham gia vào việc cai trị xứ sở của mình, một cách trực tiếp hay qua những vị đại diện được tự do tuyển chọn. 2) Hết mọi người đều có quyền ngang nhau trong việc hưởng dịch vụ công cộng nơi xứ sở của mình. 3) Ý của dân chúng phải là nền tảng cho quyền bính của chính phủ; ý dân này được thể hiện nơi những cuộc tuyển cử định kỳ và chuyên chính, bằng cuộc đầu phiếu chung và bình đẳng, cũng như bằng phiếu kín hay bằng những phương thức tự do bỏ phiếu tương đương.

22. Hết mọi người, với tư cách là phần tử của xã hội, đều có quyền được hưởng an sinh xã hội, và được quyền hiện thực những quyền lợi về kinh tế, xã hội và văn hóa bất khả thiếu đối với phẩm vị của họ cũng như đối với việc phát triển nhân cách của họ, nhờ việc nỗ lực của quốc gia cũng như việc hợp tác quốc tế, hợp với việc tổ chức và các nguồn lợi của mỗi Quốc Gia.

23. 1) Hết mọi người đều có quyền làm việc, có quyền tự do chọn công ăn việc làm, quyền chọn những điều kiện chính đáng và thuận lợi để làm việc, và quyền được bảo vệ cho khỏi bị cảnh thất nghiệp. 2) Hết mọi người không trừ ai đều được hưởng lương bổng đồng đều cho việc làm như nhau. 3) Hết mọi người làm việc đều có quyền được hưởng công thưởng chính đáng và bổng lợi hầu bảo đảm cho họ cũng như cho gia đình họ một cuộc sống xứng đáng với phẩm vị con người, và, nếu cần, họ còn được xã hội trợ cấp bằng những phương cách bảo vệ khác. 4) Hết mọi người đều có quyền thành lập và tham gia những nghiệp đoàn để bảo vệ những ích lợi của họ.

24. Hết mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và giải trí, bao gồm cả việc ấn định hợp lý về giờ giấc làm việc cũng như về những ngày nghỉ lễ vẫn có lương.

25. 1) Hết mọi người đều có quyền hưởng một tiêu chuẩn sống đầy đủ, bao gồm thực phẩm, quần áo, nhà cửa, dịch vụ ý tế, và những dịch vụ xã hội cần thiết, hợp với sức khỏe và tình trạng an lành của chính họ cũng như của gia đình họ, cũng như quyền hưởng an sinh trong trường hợp bị thất nghiệp, bệnh nạn, tật nguyền, góa bụa, giả cả, hay thiếu hụt khác của cuộc sống ở vào những hoàn cảnh xẩy ra ngoài ý muốn của họ. 2) Vai trò làm mẹ và làm con được quyền hưởng những chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ em, bất kể được sinh ra trong hôn nhân hay ngoại hôn, đều phải được xã hội bảo vệ như nhau.

26. 1) Hết mọi người có quyền được học hành. Việc giáo dục phải miễn phí, ít là ở những giai đoạn tiểu học và căn bản. Giáo dục ở bậc tiểu học là việc bắt buộc. Việc giáo dục về kỹ thuật và chuyên môn phải thuận lợi cho chung mọi người, và việc giáo dục cao cấp phải dễ dàng theo đuổi như nhau đối với tất cả mọi người có cùng một khả năng. 2) Việc giáo dục phải nhắm đến tình trạng phát triển trọn vẹn nhân cách của con người và việc củng cố lòng tôn trọng đối với các quyền lợi của con người cùng với các quyền tự do của họ. Nó phải cổ võ việc hiểu biết, lòng dung nhượng và tình hữu nghị nơi tất cả mọi dân nước, mọi nhóm chủng tộc hay tôn giáo, và phải làm phát triển những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo trì hòa bình. 3) Phụ huynh có quyền ưu tiên trong việc chọn lựa vấn đề giáo dục cho con em của mình.

27. 1) Hết mọi người đều có quyền tự do tham dự vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, hoan hưởng những nghệ thuật và tham phần vào những tiến bộ về khoa học cùng với những tiện ích của nó. 2) Hết mọi người có quyền được bảo toàn những ích lợi luân lý và thể lý phát xuất từ những sản phẩm về khoa học, văn chương hay nghệ thuật mà họ là tác giả.

28. Hết mọi người đều được quyền hưởng trật tự xã hội và quốc tế có thể giúp vào việc hoàn toàn thể hiện các quyền lợi và quyền tự do được phác họa trong Bản Tuyên Ngôn này.

29. 1) Hết mọi người có nhiệm vụ đối với cộng đồng giúp họ có thể hiện thực việc phát triển tự do và trọn vẹn nhân cách của họ. 2) Trong việc hành sử các quyền lợi và quyền tự do của mình, hết mọi người chỉ phải tùy thuộc vào những giới hạn luật định để bảo đảm việc nhìn nhận và tôn trọng những quyền lợi và quyền tự do của người khác, cũng như để đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của luân lý, của phạm vi công quyền cũng như của tình trạng an sinh chung trong một xã hội quân chủ. 3) Những quyền lợi và tự do này không bao giờ được hành sử nghịch lại với những mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

30. Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được cắt nghĩa như hàm ý giành cho một Quốc Gia nào, phái nhóm hay con người nào, quyền lợi tham gia vào bất cứ hoạt động hay thi hành bất cứ hành động nào nhắm vào việc hủy hoại bất cứ một quyền lợi và tự do được phác họa ở đây.

Điển hình của những gì Tổ Chức Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực để phục vụ Phẩm Giá Con Người liên quan đến Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền, thế giới có thể thấy được, đó là Cuộc Họp Thượng Đỉnh Thiên Kỷ của Liên Hiệp Quốc (United Nations Millennium Summit), một cuộc họp thượng đỉnh đông đảo chưa bao giờ có, với sự góp mặt của 150/159 đại diện các nước hội viên, diễn ra vào ngày 6-8/9/2000 tại Nữu Ước Hoa Kỳ, Tổng Hành Dinh của Liên Hiệp Quốc. Trong cuộc họp thượng đỉnh này, các vị lãnh đạo quốc gia tham dự viên đã quyết định những điều liên quan đến việc phục vụ Phẩm Giá Con Người như sau. Đó là, vào năm 2015, sẽ giảm một nửa số dân chúng trên thế giới đang sống ở mức kiếm được dưới 1 Mỹ kim một ngày; chặn đứng hay đảo ngược lại việc lan truyền khuẩn liệt kháng HIV, khuẩn gây ra Chứng Liệt Kháng AIDS; và đưa hết mọi trẻ em đến học đường.


(Tài liệu nghiên cứu và trích dịch trong bài này được lấy từ Bộ Bách Khoa World Book)


Vấn đề ở đây là tại sao con người đã ý thức được nhân quyền của mình, qua hai văn kiện lịch sử là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1776, nhất là Bản Tuyên Ngôn Chung Về Nhân Quyền của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc năm 1948, mà con người vẫn chưa thể sống trong công lý và hòa bình, trái lại, như lịch sử cho thấy, con người chẳng những càng ngày lại càng kỳ thị nhau hơn và xung khắc với nhau hơn bao giờ hết, giữa các chủng tộc với nhau, như ở Âu Châu sau Biến Cố Đông Âu 1989, nhất là ở cuộc Chiến Tranh Trung Đông, giữa các tôn giáo với nhau, như giữa Hồi Giáo và Kitô Giáo, giữa các chủ nghĩa với nhau, như giữa Tư Bản và Cộng Sản, giữa tôn giáo và văn minh, như giữa Hồi Giáo và Âu Mỹ, mà còn càng ngày càng biến loạn hơn bao giờ hết, với những thứ quyền lợi và quyền hạn được pháp luật chính thức công nhận, như quyền ly dị và phá thai, quyền đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân v.v. Tại sao? Phải chăng một khi lên đến tuyệt đỉnh văn minh về nhân quyền, con người bắt đầu đi xuống?? Thế nhưng, cái gì sẽ lên thay thế vị trí tuyệt đỉnh nhân quyền này???

 

Đaminh Maria Cao tấn Tĩnh, BVL
 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ