GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 1/10/2006

 TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

?  Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

?   Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Giáo Hội / Dies Ecclesiae - Các cộng đồng Chúa Nhật thiếu linh mục... Truyền thanh và truyền hình

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Văn Hóa Tây Phương trong Chuyến Tông Du Bavaria Đức Quốc

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 30 Thứ Bảy)

 

Nội dung sứ điệp về Văn Hóa Tây Phương:

 

“Dân chúng ở Phi Châu và Á Châu cảm phục khả năng về khoa học và kỹ thuật của chúng ta, thế nhưng đồng thời họ sợ hãi trước một thứ hình thức của lý trí hoàn toàn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi nhãn quan của con người, như thể hình thức đó là hình thức cao nhất của lý trí, và là một hình thức cần phải được áp đặt trên cả các nền văn hóa của họ nữa. Họ không thấy mối đe dọa thực sự cho căn tính của họ nơi đức tin Kitô Giáo, nhưng trong việc tỏ ra khinh thường Thiên Chúa và việc ngạo mạn coi vấn đề chế diễu sự linh thánh là việc thực hành quyền tự do, và chủ trương thực dụng là qui chuẩn tối hậu về luân lý cho tương lai của việc nghiên cứu khoa học.

 

“Các bạn thân mến, cái ngạo mạn này không phải là một thứ nhân nhượng và có tính cách cởi mở về văn hóa được dân chúng trên thế giới tìm kiếm và tất cả chúng ta đều muốn! Sự nhân nhượng chúng ta hết sức cần đến bao gồm cả lòng kính sợ Thiên Chúa – tôn trọng những gì người khác cho là linh thánh. Việc tôn trọng đối với những gì người khác cho là linh thánh ấy đòi hỏi là chính chúng ta cần phải học biết lại việc tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa. Cảm quan tôn trọng này có thể được tái sinh nơi thế giới Tây Phương chỉ khi nào niềm tin tưởng vào Thiên Chúa được phát sinh, chỉ khi nào Thiên Chúa một lần nữa trở nên hiện hữu đối với chúng ta và trong chúng ta.

 

“Chúng ta không áp đặt niềm tin này trên bất cứ một ai. Việc dụ giáo như thế là những gì nghịch lại với Kitô Giáo. Đức tin chỉ có thể phát triển trong tự do. Thế nhưng chúng ta muốn kêu gọi quyền tự do của con người nam nữ hãy hướng về Thiên Chúa, hãy tìm kiếm Ngài, hãy nghe tiếng của Ngài. 

 

“Thế giới cần đến Thiên Chúa. Chúng ta cần đến Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa như thế nào? Trong bài đọc thứ nhất, vị tiên tri nói với một người đang chịu áp đảo rằng: ‘Ngài sẽ đến báo oán’ (Is 35:4). Chúng ta có thể dễ dàng cho rằng tại sao con người nghĩ đến báo oán. Thế nhưng chính vị tiên tri này tiếp tục tỏ cho thấy những gì thực sự là, đó là sự thiện hảo chữa lành của Thiên Chúa. Lời giải thích cuối cùng nơi lời của vị tiên tri này được thấy nơi Đấng đã chết trên thập giá: Nơi Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể. ‘Việc trả oán’ của Người là thập tự giá: một tiếng ‘không’ đối với bạo lực và là ‘một tình yêu thương cho đến cùng’. Đó là vị Thiên Chúa chúng ta cần.

 

“Chúng ta không thôi tỏ lòng tôn trọng đối với những tôn giáo và văn hóa khác, việc sâu xa tôn trọng niềm tin của họ, khi chúng ta minh nhiên và dứt khoát loan truyền vị Thiên Chúa chống lại bạo lực bằng nỗi đớn đau của Người; Đấng trước quyền lực sự dữ tỏ ra tình thương của Người, để kìm hãm và chế ngự sự dữ”.

(còn tiếp) 

 

TOP

 

 

 ? Bí Mật Fatima phần 3 về Vị Giáo Hoàng bị ám sát chết…. và chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

 Chuyến Tông Du Thổ Nhĩ Kỳ 28/11-1/12/2006 – Liệu có hiện thực hay liều lĩnh chứng nhân? 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL: Hướng về chuyến tông du định mệnh của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI

(tiếp 30 Thứ Bảy)

 

Chuyến Tông Du liên quan tới đại kết: Một Thổ Nhĩ Kỳ… cạm bẫy giăng đầy?

 

Về phía tôn giáo, không cần biết đến ngầm ý hay dụng ý chính trị ấy có phải thực sự là như thế hay chăng, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI vẫnb được dịp để thực hiện chiều hướng đại kết Kitô Giáo của ngài, một chiều kích ngài đã tuyên bố ngay từ ban đầu, ngay sau khi được hồng y đoàn tuyển bầu làm Giáo Hoàng, một nguyện ước đã được ngài minh nhiên và mạnh mẽ bộc lộ trong thánh lễ đầu tiên với các vị tại nguyện đường Sistine hôm Thứ Tư 20/4/2005, tức ngay sau ngày ngài trúng cử giáo hoàng 19/4/2005, như sau:

 

·        Bằng tất cả ý thức và vào lúc mở đầu cho thừa tác vụ của mình ở Giáo Hội Rôma là nơi Thánh Phêrô đã tắm máu, vị Thừa Kế này lãnh nhận, như là quyết tâm chính yếu của mình, quyết tâm không ngừng hoạt động hướng đến việc tái thiết mối hiệp nhất trọn vẹn và hữu hình của tất cả mọi thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Đó là tham vọng của ngài, đó là nhiệm vụ bó buộc của ngài. Ngài biết rằng, để làm điều này, những bày tỏ về cảm tình thiện cảm mà thôi chưa đủ. Cần phải có những cử chỉ cụ thể để thấm nhập các tâm hồn và đánh động lương tâm, phấn khích mọi người tiến đến chỗ hoán cải nội tâm là điều căn bản cho tất cả mọi thứ tiến bộ trên con đường đại kết”.

 

Tuy nhiên, trong cuộc xuống đường dữ dội của thế giới Hồi Giáo vừa rồi, sinh mạng ngài đã bị đe dọa, nhất là từ nhóm khủng bố khét tiếng Al Qaeda, và được cảnh báo bởi nhân vật Thổ Nhĩ Kỳ đã từng ra tay ám sát Đức Gioan Phaolô II, thì liệu chuyến tông du thứ năm này có thể hiện thực hay chăng?

 

Nếu không thể rút lại nữa, vì thế giá của cả đôi bên, thì phải chăng chuyến tông du này là một cuộc mạo hiểm, là một cuộc liều mạng? Tình hình cho thấy, nếu Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ không bị áp lực của thành phần Hồi Giáo cực đoan trong nước chống đối việc tiếp rước vị giáo hoàng này, thì chắc chắn Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ không chịu bỏ cuộc, cho dù có thực sự nguy hiểm đến tính mạng của ngài đi nữa, và chuyến tông du của ngài đến Thổ Nhĩ Kỳ, nếu quả thực xẩy ra án mạng, thì chẳng khác gì như cuộc lên Giêrusalem của Chúa Kitô để tử nạn cứu thế vậy thôi.

 

Bí Mật Fatima phần thứ ba, liên quan đến cái chết thực sự của vị giám mục mặc áo trắng là Giáo Hoàng Rôma, (chứ không phải cái chết hụt của Đức Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981 ở Quảng Trường Thánh Phêrô bởi công dân Thổ Nhĩ Kỳ là Ali Agca), có thể đang treo lơ lửng trên đầu vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI?

 

Trong bài “Al Qaeda threat over pope speech”, mạng điện toán toàn cầu CNN ngày 18/9/2006, có trích lại lời của nhóm Al Qaeda như sau:

 

·        Tụi chúng mình sẽ bẻ gây cây thập tự giá và đổ tràn rượu ra…. Thiên Chúa sẽ giúp tín đồ Hồi Giáo chiến thắng Rôma…. Thiên Chúa để cho tụi chúng mình chặt cổ chúng, và làm cho tiền bạc của chúng cùng giòng dõi của chúng thành những gì tưởng thưởng cho thánh chiến quân”.

 

Trong cuộc bấn loạn của thế giới Hồi Giáo xẩy ra ngay sau chuyến tông du của vị lãnh đạo thế giới Công Giáo về thăm quê hương đất nước Bavaria Đức quốc của mình, Báo chí ở Thủ Đô Ankara Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng tải bức thư của Ali Agca là tay ám sát Đức Gioan Phaolô II trước đây, vẫn đang ngồi tù tại bản quốc của y sau khi được chính quyền Ý thả ra vào năm 2000 theo lời xin ân xá của vị giáo hoàng nạn nhân. Anh ta viết thư gửi vị giáo đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI để cảnh giác ngài rằng:

 

·        Ông nhất định đừng có mà đến Thổ Nhĩ Kỳ nghe. Ông có thể gặp nguy hiểm cho sinh mạng của ông đó. Thư này tôi viết cho ông là vì tôi đã nắm được hết đầu đuôi câu truyện này mà”.   

 

Về phía truyền thông ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo bài “Muslim fury at pope jihad comments” được tác giả Syed Mohsin Naqvi viết và được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến ngày Thứ Sáu 15/9/2006, cơ quan thông tin Anatolian quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã trích lại lời của vị lãnh đạo văn phòng Hướng Dẫn Chung Về Tôn Giáo Vụ ở Ankara là Ali Bardakoglu như thế này:

 

·        Những lời lẽ của vị giáo hoàng này hết sức là đáng tiếc, đáng quan ngại và bất hạnh liên quan tới thế giới Kitô Giáo và nền hòa bình chung của nhân loại. Tôi không thấy có ích lợi gì nơi một người đến viếng thăm thế giới Hồi Giáo lại nghĩ tưởng như thế về vị thánh tiên tri của Hồi Giáo”.

 

Theo bài “Muslim anger over papal comments grows” của Benjamin Harvey ngày Thứ Sáu 15/9 trên mạng điện toán toàn cầu CNN, thì nhân vật tên Salih Kapusuz, phó thủ lãnh đảng Hồi Giáo của Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói trên truyền hình quốc gia rằng những phát ngôn của giáo hoàng Biển Đức XVI một là ‘thành quả của sự thiếu hiểu biết đáng thương’ về Hồi Giáo và về vị tiên tri của đạo này, hay tệ hơn nữa, là một việc cố tình bóp méo sự thật. Nhân vật này nói:

 

·        Ông (giáo hoàng này) có một tâm thức đen tối được bắt nguồn từ Thời Trung Cổ tối tăm. Ông là một thứ sơ đẳng chưa học được tinh thần canh tân của thế giới Kitô Giáo. Dường như đây là một nỗ lực muốn làm sống lại tâm thức của các cuộc Đạo Binh Thánh Giá. Biển Đức, tác giả của những phát ngôn khốn nạn và xấc láo ấy, đang bị thụt lùi vào lịch sử bởi những lời lẽ của mình. Ông đang bị thụt lùi vào lịch sử cũng một kiểu như các nhà lãnh đạo Hitler và Mussolini”.

 

Cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ, giáo hoàng Biển Đức XVI còn bị yêu cầu là phải xin lỗi trước cuộc viếng thăm của ngài tới đây. Một đảng phái khác đã tổ chức một một xuống đường ở bên ngoài đến thờ lớn nhất Ankara, với một nhóm khoảng 50 người đã đến đặt một vòng hoa đen bên ngoài cơ quan sứ vụ ngoại giao của tòa thánh Vatican.

 

Theo mạng điện toàn cầu CNN cùng ngày Chúa Nhật 17/9/2006, qua bài “Muslims demand apology from pope” của Flavia Taggiasco, Hada Messia và Delia Gallagher, thì giáo hoàng Biển Đức XVI đã đích thân lên tiếng thanh minh về những gì ngài nói gây chấn động bất lợi nơi thế giới Hồi Giáo từ Thứ Năm 14/9 vừa rồi, song các vị lãnh đạo Hồi Giáo vẫn cho rằng chưa đủ và khăng khăng đòi vị giáo hoàng này phải đích thân lên tiếng xin lỗi mới được.

 

Riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng thông tấn AP, thì ông Bộ Trưởng Nội Vụ Mehmet Aydin đã nói với thành phần phóng viên báo chí ở Istabul rằng vị giáo hoàng này có vẻ tỏ ra xin lỗi về việc phản ứng giận dữ chứ không phải về chính những điều ông đã nhận định về Hồi Giáo: 

 

·        Quí vị một là nói lời ‘tôi xin lỗi’ này một cách thích đáng hai là chẳng nói gì hết. Quí vị xin lỗi về việc nói một điều như vậy hay về những hậu quả của điều ấy đây?”

 

Tuy nhiên, theo ông Bộ Trưởng Ngoại Giao của nước Thổ Nhĩ Kỳ này thì chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng này đến đất Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không có gì thay đổi. Các vị giám mục Công Giáo Thổ Nhĩ Kỳ, vào hôm Thứ Hai 18/9/2006, vẫn tiếp tục bàn đến các chi tiết cho việc cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha tại Thủ Đô Ankara.

 

Trong bài “Can pope's Turkey trip calm anger?” được mạng điện toán toàn cầu CNN phổ biến ngày 19/9/2006, đã phổ biến những nhận định của hai tờ báo. Trước hết là lời của vị chủ nhiệm tờ nhật báo Thỗ Nhĩ Kỳ The New Anotolian là IInur Cevik nhận định về chuyến viếng thăm của vị thủ lãnh thế giới Công Giáo tới đây như sau:

 

·        Cả chúng tôi nữa cũng muốn chuyến viếng thăm này được hiện thực, nhưng sẽ xẩy ra thế nào đây? Làm sao vị giáo hoàng này có thể sửa đổi và thuyết phục được đám đông quần chúng sống theo cảm thức đạo giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ rằng ông không phải là kẻ thù của Hồi Giáo và ông muốn hình thành một bầu khí chung sống với nhau? Đó là một công việc khó khăn cần vị giáo hoàng này thực hiện. Nếu ngài không làm nổi điều này thì nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ rất khó mà tỏ ra nồng hậu tiếp đón ông. Những gì ông giáo hoàng này làm là sai lầm. Tối thiểu là ông đã làm tổn thương tới những cảm quan đạo giáo của quần chúng Thổ Nhĩ Kỳ”.

 

Đúng thế, theo bài viết này thì lời trích dẫn của vị giáo hoàng chẳng những đã làm cho thành phần lãnh đạo Hồi Giáo hận tức, bao gồm cả giới chính quyền theo Hồi Giáo, mà còn gây ấn tượng cho thành phần không theo tôn giáo nào rằng ngài không tỏ ra thân thiện và vẫn còn tỏ ra chống lại việc nước này muốn xin gia nhập Khối Hiệp Nhất Âu Châu.

 

Đó là lý do, vị chủ nhiệm trên hy vọng rằng chuyến viếng thăm của vị giáo hoàng này là cơ hội để “chỉ cần đánh tan thành kiến của cả hai thành phần này” ở Thổ Nhĩ Kỳ:

 

·        Ông giáo hoàng cần phải thấy được sự kiện là một nước Thổ Nhĩ Kỳ theo chủ nghĩa trần thế có cả một khối dân Hồi Giáo khổng lồ có thể là những gì trở thành vốn liếng cho Khối Hiệp Nhất Âu Châu. Ông có thể đích thân thấy được rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một chiếc cầu nối tốt giữa các nền văn minh và tôn giáo … rằng đó là một xứ sở Hồi Giáo đặc thù theo cái nhìn của Tây phương”.

 

Tờ Turkish Daily News cũng đăng tải bài viết của Cengiz Aktar, đồng ý rằng vị giáo hoàng này có thể ban bố:

 

·        Một sứ điệp quan trọng nhất là làm thế nào nền hòa bình quí giá được tất cả chúng ta đang tìm kiếm sẽ là: Một nước Thổ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo trở thành hội viên của Khối Hiệp Nhất Âu Châu theo chủ nghĩa trần thế”. 

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

?  Ngày của Chúa / Dies Domini: Ngày của Giáo Hội / Dies Ecclesiae - Các cộng đồng Chúa Nhật thiếu linh mục... Truyền thanh và truyền hình

 

Tông Thư Dies Domini của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tài liệu của văn khố Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/apost_letters/documents/hf_jp-ii_apl_05071998_dies-domini_en.html

 

(loạt bài về Chúa Nhật cho các Chúa Nhật kể từ Chúa Nhật 23/4/2006)

 

Các cộng đồng Chúa Nhật thiếu linh mục

 

53.           Vẫn còn vấn đề giáo xứ không có thừa tác vụ linh mục để cử hành Thánh Thể Chúa Nhật. Đây thường là trường hợp ở các Giáo Hội trẻ, nơi chỉ có một vị linh mục duy nhất phải chịu trách nhiệm mục vụ cho thành phần tín hữu ở phân tán ở một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, những trường hợp khẩn trương cũng có thể xuất hiện ở các xứ sở có truyền thống Kitô giáo lâu đời, nơi con số giáo sĩ giảm sút khioến không thể bảo đảm được việc hiện diện của một vị linh mục nào đó nơi mọi cộng đồng giáo xứ. Ở những trường hợp không thể cử hành Thánh Thể, Giáo Hội khuyên là cộng đồng Chúa Nhật hãy đến với nhau cho dù thiếu linh mục (95), theo những ấn định và hướng dẫn của Tòa Thánh đã được ủy thác cho các Hội Đồng Giám Mục áp dụng (96). Tuy nhiên, mục tiêu bao giờ cũng vẫn là việc cử hành Hy Tế Thánh Lễ, cách thức duy nhất để làm cho Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô thực sự hiện hiện, việc hiện thực trọn vẹn duy nhất của cộng đồng Thánh Thể được vị linh mục chủ tế nhân danh Chúa Kitô, bằng việc bẻ bánh lời Chúa và Thánh Thể. Bởi thế, về lãnh vực mục vụ, cần phải thực hiện mọi sự để đảm bảo làm sao cho Hy Tế Thánh Lễ được thuận lợi thường xuyên bao nhiêu có thể cho tín hữu là thành phần thường bị hụt hẫng, hoặc bởi việc sắp xếp linh mục tùy theo từng lúc, hay bởi việc lợi dụng mọi cơ hội tổ chức qui tụ lại một nơi chính dễ dàng cho các nhóm ở phân tán.

 

Truyền thanh và truyền hình

 

54.           Sau hết, người tín hữu, vì bị bệnh, tật nguyền, hay những lý do hệ trọng nào khác, không thể tham dự, cần phải hiệp nhất bao nhiêu có thể với việc cử hành Lễ Chúa Nhật từ xa, nhất là bằng những bài đọc và những lời nguyện của Lễ hôm đó, cũng như bằng việc khao khát Thánh Thể (97). Ở nhiều xứ sở, truyền thanh và truyền hình giúp có thể tham dự vào việc cử hành Thánh Thể được truyền đi từ một nơi linh thánh nào đó (98). Dĩ nhiên là loại truyền thanh truyền hình này tự nó không làm trọn trách nhiệm Chúa Nhật, một trách nhiệm đòi phải tham gia với cộng đoàn huynh đệ ở một nơi có thể hiệp Lễ. Thế nhưng, đối với những ai không thể tham dự Thánh Thể và những ai bởi thế được miễn trừ trách nhiệm ấy, thì truyền thanh và truyền hình là một cách hỗ trợ quí báu, nhất là được kèm theo bằng việc phục vụ quảng đại của những thừa tác viên ngoại lệ mang Thánh Thể đến cho bệnh nhân, cũng như mang đến họ lời chào hỏi và tình đoàn kết của toàn thể cộng đoàn. Thánh Lễ Chúa Nhật nhờ đó cũng làm phát sinh những hoa trái dồi dào cho cả những Kitô hữu ấy nữa, và họ thực sự có thể cảm nghiệm Chúa Nhật là “Ngày Của Chúa” và là “Ngày Của Giáo Hội”.

 

(còn tiếp vào mỗi Chúa Nhật)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ