GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 14/11/2006

 TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

 

?  “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Biểu lộ một đức tin ‘tuân phục’

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gặp Triết Gia Hồi Giáo Mustapha Cherif người Algeria

?   Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 4: Lúa Mục Nát

 

 

? “Thành Phần Chứng Nhân của Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng cho Thế Giới”: Biểu lộ một đức tin ‘tuân phục’

ĐTC Biển Đức XVI: Huấn Từ cho Công Nghị Toàn Ý Quốc Về  Giáo Hội Lần 4 ở Trung Tâm Triển Lãm Verona 19/10/2006

(Tiếp 12 Chúa Nhật tiểu đoạn 1 "Chúa Kitô Phục Sinh: Tâm điểm của đời sống"; 13 Thứ Hai tiểu đoạn 2 "Việc phục vụ của Giáo hội Ý")

 

Anh chị em thân mến, bây giờ chúng ta phải tự hỏi chính mình: cách nào, và dựa vào cơ sở nào, chúng ta có thể hoàn thành được một công việc như vậy? Ở Hội nghị này, quý vị đã có lý chủ trương là không thể châm chước được việc cống hiện một nội dung cụ thể khả thi cho chứng từ Kitô giáo, cứu xét về cách thức có thể thực hiện và phát triển công việc ấy trong mỗi một lĩnh vực lớn lao thuộc cảm nghiệm của con người.

 

Vì thế, sẽ thuận lợi nếu trong hoạt động mục vụ chúng ta không lãng quên sự liên kết giữa đức tin và đời sống thường nhật, giữa huấn thị của Tin Mừng với những mối lo toan và nguyện vọng mà đa số con người ta đang ôm ấp. 

 

Bởi vậy, trong những ngày này, quí vị đã chia sẻ về đời sống cảm xúc và gia đình, về công việc và ngày nghỉ, về giáo dục và văn hóa, về hoàn cảnh nghèo đói và bệnh tật, về trách nhiệm và bổn phận trong đời sống xã hội và chính trị.

 

Trước hết, về phần mình, tôi muốn nhấn mạnh rằng, làm thế nào, qua việc làm chứng đa dạng này, tiếng ‘xin vâng’ cao cả đã xuất hiện, một tiếng xin vâng Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, đã nói với con người cũng như với cuộc sống của họ, với tình yêu của con người, với niềm tự do của chúng ta và với trí óc của chúng ta; và bởi vậy, làm thế nào niềm tin vào Thiên Chúa có dung diện con người có thể mang niềm vui đến cho thế gian.

 

Quả thực, Kitô giáo là những gì cởi mở đối với tất cả mọi người ở các nền văn hóa cũng như ở một xã hội công bằng, chân thực và tinh tuyền, đối với tất cả những gì làm hân hoan, an ủi và kiên cường cuộc sống của chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Philliphê đã nói: “Những gì là chân thật, những gì là cao quý, những gì là chính trực, những gì là tinh tuyền, những gì là đáng yêu, những gì là nhân ái, nếu có những gì là hảo hạng, những gì đáng ca ngợi, thì anh em hãy nghĩ tới những điều ấy” (4,8).

 

Bởi thế, các môn đệ của Đức Kitô nhận ra và hân hoan đón nhận các thứ giá trị đích thực nơi văn hóa của thời đại chúng ta, ví dụ kiến thức khoa học và sự phát triển kỹ thuật, nhân quyền, tự do tôn giáo, và dân chủ. Tuy nhiên, họ không bỏ qua hay coi thường tính cách mềm yếu nguy hiểm nơi bản tính của con người vốn là một mối đe dọa cho sự tiến bộ của nhân loại trong hết mọi môi trường lịch sử; đặc biệt là họ không lơ là với những căng thẳng và mâu thuẫn nội tâm của thời đại chúng ta.

 

Vì thế, việc truyền bá phúc âm hóa không bao giờ chỉ là một thứ thuần túy thích nghi với văn hóa, nhưng bao giờ cũng là một cuộc thanh tẩy, một cuộc can đảm tách biệt giúp trưởng thành và chữa lành, một sự cởi mở làm nẩy sinh một “tạo vật mới” (II Cor 5,17; Gal 6,15) là hoa quả của Chúa Thánh Thần.

 

Như tôi đã viết trong Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, ở cốt lõi của việc làm người Kitô hữu – và do đó ở cốt lõi của việc chúng ta làm chứng với tư cách là thành phần tín hữu – không có vấn đề về việc quyết định theo đạo lý hay vấn đề có những ý tưởng hay ho, mà là vấn đề của cuộc gặp gỡ Con Người Giêsu Kitô, “Đấng cống hiến cho cuộc sống một chân trời mới và một đường hướng nhất định” (số 1).

 

Kết quả của sự gặp gỡ này cũng được biểu lộ một cách kỳ lạ và mới mẻ nơi môi trường nhân bản và văn hóa thực tiễn, nhất là trong mối tương quan với lý trí là cái mang lại sức sống cho khoa học hiện đại và các thứ kỹ thuật liên hệ. Thực vậy, một đặc điểm chính yếu của kỹ thuật đó là việc sử dụng một cách có phương pháp các thứ dụng cụ theo toán học để có thể hoạt động với thiên nhiên trong việc khai thác các năng lực lớn lao cho việc phục vụ của chúng ta.

 

Như thế, toán học là những gì do trí óc của chúng ta tạo nên: sự tương ứng giữa cấu trúc của nó với các cấu trúc thực sự trong vũ trụ – một tương ứng là những gì giả định của tất cả mọi phát triển của khoa học và kỹ thuật hiện đại, đã được Galileo Galilei công thức hóa một cách rõ ràng bằng một câu khẳng định nổi tiếng là cuốn sách thiên nhiên được biết bằng ngôn ngữ toán học – khiến chúng ta phải khâm phục  và suy nghĩ nhiều.

 

Thực vậy, nó hàm ý rằng chính vũ trụ được kết cấu một cách khôn ngoan sáng suốt, vì thế mới có một sự tương ứng sâu xa giữa lý trí chủ quan của chúng ta và lý tính khách quan của thiên nhiên.

 

Bởi vậy chúng ta không thể không tự hỏi mình rằng phải chăng không có một lý trí nguyên thủy duy nhất là nguồn mạch chung cho cả hai thứ lý trí trên đây hay sao.

 

Vì thế, chính việc suy tư về vấn đề phát triển khoa học đưa chúng ta đến với Lời Hóa Công. Khuynh hướng lấy làm chính yếu tính cách vô tri, ngẫu nhiên tình cờ, và sự tất yếu là những gì đang bị lật đổ, cũng là những gì dẫn lý trí của chúng ta và quyền tự do của chúng ta về với vấn đề phát triển khoa học đưa chúng ta đến với Lời Hóa Công. Dựa vào những cơ sở ấy, lãnh vực về tính cách hữu lý của chúng ta lại có thể được nới rộng, có thể tái mở ra cho nó những vấn nạn bao rộng hơn về sự thật và sự thiện, có thể nối kết thần học, triết học và khoa học với nhau, trong sự hoàn toàn tôn trọng các phương pháp hợp với chúng, cũng như hợp với tính cách độc lập hỗ tương của chúng, nhưng đồng thời cũng nhận thức được mối hiệp nhất nội tại liên kết chúng lại với nhau.

 

Đó là công việc trước mắt chúng ta, một cuộc phiêu lưu cuốn hút đáng công sức chúng ta bỏ ra, để cống hiến cho văn hóa của thời đại chúng ta tác lực mới, và phục hồi vai trò trọn vẹn của niềm tin Kitô giáo.

 

Khi nhắm đến mục tiêu này, “dự phóng về văn hóa” của Giáo Hội Ý quốc chắc chắn là một trực giác tốt đẹp và có thể trở thành một đóng góp rất quan trọng.

 

(bài huấn từ dài này còn tiếp 3 ngày nữa)

 

Rev Lê Ngọc Đức Phúc, SVD, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/october/documents/hf_ben-xvi_spe_20061019_convegno-verona_en.html

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gặp Triết Gia Hồi Giáo Mustapha Cherif người Algeria

 

Hôm Thứ Bảy 11/11/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gặp triết gia Mustapha Cherif người Algeria, vị được tiếng là chống lại những hận thù về tôn giáo, và là một chuyên gia về Hồi Giáo ở Đại Học Algiers. Sau cuộc hội kiến riêng tư với Đức Giáo Hoàng, ông đã bày tỏ nhận định với mạng điện toán toàn cầu Zenit như sau: “Tôi lấy làm cảm kích trước việc ngài gặp gỡ tiếp đón và chăm chú lắng nghe”.

 

Vị triết gia 50 tuổi này đã xin được yết kiến ngài trước khi xẩy ra những phản ứng của tín đồ Hồi Giáo với bài nói của ngài ở Đại Học Regensburg Đức quốc hôm 12/9/2006. Đức Thánh Cha đã đọc lời kêu gọi đối thoại của vị này trên một tờ nhật báo ở Balê là tờ Le Monde.

 

Vị giáo sư người Algeria này cũng bày tỏ mối quan tâm sau khi ĐTC quyết định tái bổ nhiệm cùng vị hồng y lãnh đạo Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn và Hội Đồng Tòa Thánh Về Văn Hóa. Thành phần lãnh đạo tín đồ Hồi Giáo cho rằng hành động của ngài như thiếu tế nhị đối với vấn đề đối thoại liên tôn, làm suy yếu đi tầm quan trọng và căn tính của phân bộ Vatican này.

 

Về cuộc hội kiến, vị giáo sư triết gia này nói rằng Đức Thánh Cha bảo đảm là tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo là ‘đồng minh và bạn hữu’. Tuy nhiên, ông nói tiếp, ‘việc trở lại với tình trạng hận thù về chủng tộc và tôn giáo, về chủ nghĩa bài sắc dân Sơ Mít - Semitism (biệt chú của người dịch: sắc dân nói tiếng Sơ Mít cổ xưa này bao gồm cả Do Thái lẫn Ả Rập ở Trung Đông), đặc biệt nhắm đến tín đồ Hồi Giáo, là một mối đe dọa cho tất cả mọi người’.

 

Ông còn nói: ‘Hơn ai hết, Đức Thánh Cha biết rằng, ở lãnh vực đạo lý, một trong những sứ vụ của Giáo Hội đó là thực hiện việc chống lại con thú dơ bẩn này, chống lại thứ lý lẽ kiểu Faustian (biệt chú của người dịch: dường như ở đây vị giáo sư này muốn nói tới một thứ lý lẽ cuồng si, như được một huyền thoại Đức quốc là Faust legend, kể về một chiêm tinh gia muốn bán linh hồn cho quỉ để đổi lấy sự trẻ trung, kiến thức và ma thuật) và những chính sách háo chiến mạo ái quốc, tình trạng làm biến dạng các tôn giáo.

 

‘Tôi nói với ngài rằng tín đồ Hồi Giáo chúng tôi tin rằng Đức Thánh Cha sẽ nói những gì xác đáng liên quan tới những vấn đề của thế giới, nhờ đó đẩy lui những gì là bất công và duy chủng. Ngài đã hoàn toàn đồng ý là chúng ta cần có tâm tưởng nghiêm chỉnh khách quan và những dấu hiệu huynh đệ’.

 

Vị này còn cho biết khi ông bày tỏ quan điểm của Hồi Giáo thì ‘Đức Giáo Hoàng ân cần lắng nghe tôi nói… Về vấn đề bạo lực, tôi đã giải thích rằng Hồi Giáo yêu cầu mỗi một tín đồ của mình hãy thứ tha khi đối diện với đối phương, hãy nhẫn nại và xót thương.

 

‘Về trách nhiệm chung đương đầu với những thứ hung hăng tấn công, để tránh vấp phải lập luận về sói với chiên, cũng như để bênh vực quyền hiện hữu của các dân tộc, Hồi Giáo cho phép sử dụng một phương tiện ‘chiến tranh chính đáng’ một cách triệt để – một thứ chiến tranh được Vị Tiên Tri diễn tả như là một cuộc ‘tiểu’ thánh chiến – như việc tự vệ hợp pháp’.

 

Vị này cắt nghĩa thêm là nguyên tắc ‘chiến tranh chính đáng’, chứ không phải là ‘thánh chiến’, là những gì bao gồm ‘việc không bao giờ trở thành một kẻ tấn công, việc bảo vệ dân chúng – và theo những đan sĩ Kitô Giáo đặc biệt thì đó là thành phần yếu kém – bảo vệ môi trường và bao giờ cũng vô tư công bằng’.

 

‘Thánh Âu Quốc Tinh cũng nói như thế. Đức Giáo Hoàng đã đồng ý với tôi bằng một nụ cười. Cuộc đại thánh chiến là một nỗ lực tự chủ, hướng tới việc thăng hóa tinh thần, hướng tới những công việc đẹp đẽ. Định nghĩa này đối với ngài hình như là một thứ sáng tỏ hữu ích cần phải được biết tới’.

 

Triết gia người Algeria này đã cắt nghĩa thêm là ‘nhiệm vụ của chúng ta là ở chỗ chỉ trích những thứ sát nhập một cách thiếu tế nhị giữa Hồi Giáo và chủ nghĩa cực đoan. Cộng đồng Hồi Giáo có thể tự phục hồi và giúp thế giới tân tiến, một thế giới đang trải qua một thời điểm thảm thương, cho dù có những tiến bộ kỳ diệu về khoa học, trong việc tái sáng tạo một nền văn minh mới rất ư là cần thiết’.

 

Vị này cho biết rằng Đức Giáo Hoàng ‘bảo tôi là một trong những vấn đề của thời đại chúng ta đó là tình trạng tục hóa thái quá và chúng ta cần phải là chứng nhân can đảm và sáng suốt cho chiều kích tôn giáo nơi cuộc sống’.

 

Vị giáo sư triết gia này nói rằng ông đã đề nghị với Đức Thánh Cha 3 điều: 1) ‘tổ chức một cuộc hội luận liên tôn về đề tài chiến đấu với tình trạng hận thù tôn giáo’; 2) ‘nhậy cảm hóa cộng đồng quốc tế về tính chất đáng bị lên án nơi thành phần vi phạm và những cuộc tấn công phạm tới những biểu hiệu linh thánh của các tôn giáo’, và tôn trọng quyền ‘tự do phát biểu và bình luận’; 3) ‘nới rộng những nhóm hội và tổ chức thân hữu, đối thoại và nghiên cứu nơi tín đồ Hồi Giáo và Kitô Giáo trên khắp thế giới’.

 

‘Đức Thánh Cha đã nói với tôi rằng ngài hoàn toàn đồng ý với những quan tâm của chúng tôi, và hoàn toàn ủng hộ những mục tiêu cao quí ấy. Đây là một cuộc đối thoại không thể nào quên được về niềm tin và tư tưởng, hướng về người khác, chống lại tất cả mọi thứ hận thù, là một dấu hiệu của niềm hy vọng’.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/11/2006

 

 

TOP

 

 

?  Truyền Giáo "Cho Muôn Dân - Ad Gentes": Ở Trong Thế Gian - Bối Cảnh 4: Lúa Mục Nát

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dẫn nhập

 

(tiếp 24 Thứ Ba bài "Bột Thế Gian", 31 Thứ Ba bài Men Đức Tin, 7 Thứ Ba bài Bột Dậy Men)

 

Tuy nhiên, vì Phúc Âm Kitô giáo dạy những điều hoàn toàn đi ngược lại với đường lối và chủ trương tự nhiên của thế gian, do đó, Phúc Âm mang thân phận giống như một hạt lúa miến cần phải bị mục nát đi để có thể sinh muôn vàn hoa trái (x.Jn.12:24). Thực tế đã cho thấy hạt lúa miến Phúc Âm đã bị mục nát đi nơi những cuộc bắt bớ, tiêu diệt ngay từ đầu, tại chính nơi phát xuất ra Kitô giáo là Thành Thánh Gia-Liêm. Để rồi, từ đó, về thời gian cũng như không gian, máu của vị tử đạo tiên khởi là Thánh Stêphanô đã liên tục chảy đến tất cả mọi xứ truyền giáo, nhất là đến vùng đất Á Đông, từ thế kỷ 16 đến 19, như Đại Hàn, với 103 vị tử đạo được Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1984, và Việt Nam, với 117 vị tử đạo cũng được cùng vị Giáo Hoàng phong thánh năm 1989, thậm chí cho tới thế kỷ 20, đặc biệt vào hạ bán thập niên 1990 của cuối thế kỷ 20 này, một thời điểm loài người văn minh tột bậc mà máu tử đạo vẫn còn loang chảy tại Phi Châu.

               

Tuy nhiên, vì Phúc Âm là hạt giống thần linh, "một hạt giống không hư nát" (1Pt.1:23), nên Phúc Âm không thể bị quyền lực thế gian tiêu diệt, trái lại, hơn lúc nào hết, Phúc Âm nhờ đó càng sáng tỏ trên thế gian. Thực tế đã cho thấy, trong tất cả mọi tôn giáo chỉ có Kitô giáo là tôn giáo dễ bị bắt bớ nhất, bị bắt bớ nhiều nhất, bị bắt bớ lâu nhất, bị bắt bớ ở mọi đời và khắp mọi nơi. Đến nỗi, có thể nói, Chúa Kitô không tử nạn không thực là Chúa Kitô thế nào, thì Kitô giáo không bị bắt bớ không là Kitô giáo như vậy.

               

Thế mà, càng bị thế gian bắt bớ, Kitô giáo chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại, như có đà, Kitô giáo càng phát triển hơn nữa, phát triển đến "tất cả mọi tạo vật" (Mk.16:15), "đến tận cùng thời gian" (Mt.28:20), một tầm mức phát triển đúng như ý nguyện của Đấng Sáng Lập Kitô giáo khi Người sai các môn đệ của mình đi "như chiên giữa sói rừng" (Mt.10:16), một phát triển "vĩ đại nhất"  (Mt.13:32) và kiên vững nhất (x.Mt.7:24-25), một phát triển vượt trội hơn hết mọi thứ cây tôn giáo, thể chế và ý hệ, một phát triển không lấn át trần gian song thu hút trần gian cho đến khi đạt được sứ mệnh của mình là làm cho trần gian dậy men Phúc Âm thần linh.

               

Hiện nay, trước ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, kể từ thập niên 1960, Phúc Âm không phải chỉ bị một thể chế, một quyền lực hay một địa phương nào đàn áp nữa, mà là đang bị cả một trào lưu văn hóa trần tục ở khắp nơi, nhất là văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo và mang tinh thần Kitô giáo, chống đối, áp đảo và muốn hoàn toàn triệt hạ, bằng những luật pháp cho phép phá hủy đi những giá trị luân lý phổ quát làm nên nhân phẩm con người, (như luật cho phép mang thai mướn và cấy thai trong ống nghiệm), làm nên yếu tính hôn nhân, (như luật cho phép hôn nhân đồng phái tính), và làm nên cơ cấu gia đình, (như luật cho phép ly dị và phá thai).

               

Tuy nhiên, hiện tượng băng hoại nơi các nền văn hóa nói chung, nhất là nơi nền văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa thăng hoa bởi Phúc Âm Kitô giáo qua bao thế kỷ và cũng là một nền văn hóa ảnh hưởng khắp thế giới cho đến nay nhờ các cuộc truyền giáo, không phải là vì Phúc Âm Kitô giáo đã đến lúc hoàn toàn bị lỗi thời, nhất là vào thời của khoa học và kỹ thuật, thời của tự do và nhân quyền. Bởi vì, như thực tế cho thấy, hiện tượng duy nhân bản trong tân thời đại khoa học thực nghiệm này chẳng những không làm con người thăng tiến về mặt tâm linh là yếu tố làm nên con người đích thực, mà càng văn minh con người lại càng cảm thấy bất nhất (về thể chế xã hội theo chủ thuyết cộng sản  ngược lại với chủ nghĩa tư bản), bất an (về mối lo sợ thế chiến thứ ba xẩy ra sẽ tiêu diệt cả loài người bằng chính những sản phẩm khoa học do con người tạo ra là bom nguyên tử và bom khinh khí), bất hòa (với những cuộc Thế Chiến I và II, cùng các cuộc chiến dằng dai ở khắp nơi dọc suốt thế kỷ 20 này, như các cuộc Chiến Tranh Việt Nam, Chiến Tranh Đại Hàn, Chiến Tranh Trung Đông, chiến tranh ở Phi Châu, chiến tranh ở Âu Châu), và bất hạnh (với những đứa trẻ mồ côi bất đắc dĩ vì cha mẹ ly dị nhau, những thai nhi vô tội bị giết chết ngay trong bụng mẹ, những thanh thiếu niên nam lập băng đảng phạm pháp, những thanh thiếu nữ chửa hoang, những người tàn tật và bị bệnh vô phương cứu chữa trở thành gánh nặng cho xã hội cần phải thanh toàn món nợ của mình, những người đồng tính luyến ái bị triệu chứng Aids là triệu chứng hoại kháng tố v.v.).

               

Như thế, nếu trong giai đoạn lịch sử của nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kitô giáo đang còn được Phúc Âm hóa xưa kia không hề xẩy ra những hiện tượng băng hoại càng ngày càng lở loét như một căn bệnh ung thư bất trị khắp nơi như được đề cập trên đây, cho đến thời khoa học và kỹ thuật, thời tự do và duy nhân bản mới có, thì không phải hay sao, đó là bằng cớ hiển nhiên và hùng hồn nhất nói lên rằng, khoa học và kỹ thuật, tự do, và duy nhân bản không phải là chúa tể hay là cứu chúa của con người, hơn là một con bò vàng ngẫu tượng mà con người sùng bái mà thôi.

               

Nếu con người hạ bệ Phúc Âm, loại trừ Phúc Âm ngàn đời ra khỏi văn hóa của mình, làm cho văn hóa nhạt mất chất mặn của muối Phúc Âm (x.Mt.5:13), con người đã, đang và sẽ như "cá không ăn muối cá ươn" thế nào thì hiện tượng con người văn minh băng hoại ngày nay đúng là một cuộc trắc nghiệm chứng thực là chỉ được Phúc Âm hóa, văn hóa của con người mới thực sự là văn hóa sự sống mà thôi.

 

(xin xem tiếp mục Truyền Giáo này vào các ngày thứ ba hằng tuần, được bắt đầu từ sau Ngày Thế Giới Truyền Giáo 80, 22/10/2006)

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ