GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 14/12/2006

 TUẦN II MÙA VỌNG NĂM C

 

?  Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thành công trong mục tiêu đối thoại liên tôn với Cộng Đồng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi” - 10- Văn Minh Tây Phương: “Không thể giải đáp những vấn nạn đang làm day dứt và khắc khoải tâm can”

?   Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Phẩm Vị của Việc Cử Hành Thánh Thể

 

 

? Chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Thành công trong mục tiêu đối thoại liên tôn với Cộng Đồng Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch 

(tiếp 11 Thứ Hai, 12 Thứ Ba 13 Thứ Tư)

 

II- Vị trí giao điểm về văn hóa và tôn giáo của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

 

2) Thổ Nhĩ Kỳ là giao điểm của các nền văn hóa và tôn giáo, thiên về thể chế dân chủ.

 

“Thổ Nhĩ Kỳ bao giờ cũng giữ vai trò như là một chiếc cầu nối giữa Đông và Tây, giữa Á Châu và Âu Châu, và như một giao điểm của các nền văn hóa và tôn giáo. Trong thế kỷ vừa qua, quốc gia này đã có cách để trở thành một đại Quốc Gia tân tiến, đáng kể ở chỗ chọn một thể chế trần thế, phân biệt rõ ràng giữa xã hội dân sự và tôn giáo, một bên có tính cách tự lập theo lãnh vực xứng hợp của mình mà vẫn tôn trọng lãnh vực của nhau. Sự kiện đa số dân chúng của xứ sở này là tín đồ Hồi Giáo là một yếu tố quan trọng trong sinh hoạt xã hội, một yếu tố mà Quốc Gia này không thể không chú trọng tới, tuy nhiên, Bản Hiến Pháp của Thổ Nhĩ Kỳ công nhận quyền lợi của hết mọi người công dân trong việc được tự do thờ phượng và được tự do theo lương tâm. Các quyền bính dân sự của hết mọi quốc gia dân chủ có phận sự phải bảo đảm quyền tự do hiệu lực này của tất cả mọi tín hữu và cho phép họ được tự do tổ chức sinh hoạt nơi các cộng đồng tôn giáo của họ.

 

“Dĩ nhiên là tôi hy vọng rằng các tín hữu, bất kể họ thuộc về cộng đồng tôn giáo nào, sẽ tiếp tục được hưởng lợi ích từ các quyền lợi ấy, vì tôi tin tưởng rằng quyền tự do tôn giáo là một biểu hiệu căn bản của quyền tự do làm người và việc hiện diện chủ động của các tôn giáo trong xã hội là một mạch nguồn cho sự tiến bộ và làm phong phú cho tất cả mọi người. Dĩ nhiên điều này bao gồm việc các tôn giáo không tìm cách hành xử trực tiếp quyền lực chính trị, vì quyền này không thuộc lãnh vực của các tôn giáo, và cũng bao gồm việc các tôn giáo hoàn toàn từ khước vấn đề sử dụng bạo lực như một biểu hiệu hợp pháp của tôn giáo. Về vấn đề này, tôi cám ơn hoạt động của cộng đồng Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhỏ về con số nhưng hết sức dấn thân cho việc hết sức góp phần vào việc phát triển xứ sở này, nhất là về vấn đề giáo dục giới trẻ, cũng như về việc xây dựng hòa bình và hòa thuận nơi tất cả mọi người công dân.

 

“Như tôi gần đây đã nhận định, ‘chúng ta rất cần đến việc thực sự đối thoại giữa các tôn giáo cũng như giữa các nền văn hóa, có khả năng hỗ trợ chúng ta, trong tinh thần hợp tác hiệu năng, thắng vượt tất cả mọi thứ căng thẳng’ (Address to the Ambassadors of Countries with a Muslim Majority, Castel Gandolfo, 25 September 2006). Cuộc đối thoại này cần phải khiến cho các tôn giáo khác nhau tiến đến chỗ hiểu biết nhau hơn và tôn trọng nhau, hầu hoạt động để làm mãn nguyện những khát vọng cao quí nhất của con người, trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và tìm kiếm hạnh phúc. Về phần mình, vào dịp viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ này, tôi muốn lập lại lòng sâu xa quí mến của tôi đối với tín đồ Hồi Giáo, xin họ hãy tiếp tục hoạt động với nhau, trong sự tôn trọng lẫn nhau, để cổ võ phẩm vị của hết mọi người và việc tăng trưởng của một xã hội, nơi quyền tự do cá nhân và việc chăm sóc cho người khác là những gì mang lại hòa bình và an vui cho tất cả mọi người. Có thế, các tôn giáo mới có thể đóng vai trò của mình trong việc đáp ứng nhiều thách đố xã hội chúng ta đang phải đối diện. Chắc chắc là việc công nhận vai trò tích cực của các tôn giáo trong cơ cấu xã hội có thể và cần phải thúc đẩy chúng ta khám phá sâu xa hơn nữa kiến thức của các tôn giáo về con người và tôn trọng phẩm vị của họ, bằng việc lấy họ làm tâm điểm của hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Thế giới của chúng ta cần phải tiến đến chỗ nhận thức rằng tất cả mọi người đều được liên hệ với nhau bằng tình đoàn kết sâu xa, và họ cần phải được khích lệ để gìn giữ những khác biệt về lịch sử và văn hóa của họ, không phải để cạnh tranh với nhau mà là để nuôi dưỡng sự tôn kính lẫn nhau...

 

“Thế giới đang trải qua một cuộc phát triển phi thường về khoa học và kỹ thuật, với những thành quả hầu hết liên quan tới y khoa, canh nông và việc sản xuất lương thực, mà còn tới cả việc truyền đạt kiến thức, tiến trình này không được thiếu hướng đi hay không qui chiếu về con người, khi việc phát triển ấy liên quan tới vấn đề sinh sản, giáo dục, đến cách thức sinh sống và hoạt động, đến tuổi già, hay đến sự chết. Cần phải đặt lại vị trí của tình trạng tiến bộ tân thời vào việc liên tục của lịch sử loài người chúng ta, nhờ đó hướng dẫn nó theo dự án đã được ghi khắc nơi bản tính của chúng ta đối với việc tăng trưởng của nhân loại – một dự án được diễn đạt theo những lời của Sách Khởi Nguyên như sau: ‘Hãy trổ sinh, hãy gia tăng, hãy tràn lan mặt đất và làm chủ nó’ (1:28)”.

 

Để thấy được phần nào những phản ứng tích cực bề ngoài nói lên sự kiện thành công nơi chuyến tông du của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, chúng ta hãy nghe những lời chia sẻ giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tại phi trường với vị đại diện chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, thống đốc hạt Istanbul là Muammer Guler, vị tiễn đưa ngài trở về lại Rôma:

 

“Thổ Nhĩ Kỳ là một chiếc cầu nối giữa Á Châu và Âu Châu.

 

“Tôi muốn cám ơn mỗi một vị và hết mọi vị thẩm quyền đã tiếp đón tôi một cách tốt đẹp nhất có thể. Tôi để lại một phần tâm can của tôi lại Istanbul. Tôi hy vọng cái năng lực liên kết của thành phố này sẽ mãi mãi tiếp tục.

 

“Istanbul là một thành phố Âu Châu thực sự, một chiếc cầu nối giữa Tây phương và Á Châu, trong việc mang lại gần nhau những thứ cấu trúc và những thứ tổ chức”.

 

Được biết rằng vào năm 2010, thành phố này sẽ là thủ đô về văn hóa của Âu Châu, ngài nói: “Nó thực sự là xứng đáng”, và giải thích bằng một nụ cười rằng: “thành phố bản xứ của ngài đã xin được công nhận như thế nhưng không được ban tặng.

 

Vị đại diện chính quyền tiễn đưa ngài đã cám ơn ngài với tư cách cá nhân về “những lời phát biểu của ngài liên quan tới Hồi Giáo làm cho chúng tôi cảm thấy vui mừng sung sướng”, những lời lẽ đã loại trừ đi “quá nhiều những giải thích xấu xa tệ hại”.

 

Ông thậm chí đã mời ngài trở lại Istanbul, ĐTC trả lời: “Tôi già rồi, tôi không biết Chúa còn ban cho tôi sống bao lâu nữa. Chúng ta hãy đặt hết mọi sự trong tay của Ngài”.

 

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone, đã công khai tỏ ra hài lòng mãn nguyện về việc tiếp đón Đức Thánh Cha ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời phát biểu qua điện  thoại với tờ nhật báo Avvenire rằng:

 

“Tôi nghĩ chuyến đi này xẩy ra tốt đẹp và đã mang lại những thành quả tích cực, cả ở lãnh vực hoàn toàn chính trị lẫn lãnh vực dư luận quần chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

“Có những đài truyền hình đã trình chiều nhiều về những bài nói và sứ điệp của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, có những đài khác nhau đã truyền hình sống những cuộc gặp gỡ của vị Giáo Chủ này.

 

“Nhiều người đứng dọc đường phố, bao gồm cả giới trẻ và học sinh, đã chào mừng và vỗ tay mừng Đức Giáo Hoàng. Một số trẻ em đã vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ và cờ Tòa Thánh Vatican”.

 (còn tiếp)

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI điểm mặt Văn Hóa Tây Phương: “tất cả những gì còn lại đó là một ít vết tích của vài ý nghĩ minh tri tân thời mà thôi” - 10- Văn Minh Tây Phương: “Không thể giải đáp những vấn nạn đang làm day dứt và khắc khoải tâm can”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 29 Thứ Tư, 11 Thứ Hai, 12 Thứ Ba 13 Thứ Tư)

 

10- Văn Minh Tây Phương: “Không thể giải đáp những vấn nạn đang làm day dứt và khắc khoải tâm can”

(Huấn dụ Sinh Viên Đại Học Gregorian hôm Thứ Sáu 3/11/2006)

 

“Hôm nay, cần phải chú ý tới cái thách đố của một nền văn hóa trần tục, một nền văn hóa ở nhiều phần đất trên thế giới có khuynh hướng càng ngày càng chối bỏ chẳng những hết mọi dấu hiệu của việc Thiên Chúa hiện diện trong sinh hoạt của xã hội và của con người, mà còn, qua một vài phương tiện, những phương tiện đánh lạc hướng và làm lu mờ đi lương tâm chính trực của con người, đang nỗ lực làm con người bị mất đi khả năng lắng nghe Thiên Chúa nữa…

 

“Không thể nào không lưu ý tới mối liên hệ với các tôn giáo khác, mối liên hệ chẳng những có tính cách xây dựng nếu nó tránh đi được tất cả những gì là mập mờ làm suy yếu đi nội dung thiết yếu của niềm tin tưởng của Kitô Giáo vào Chúa Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của toàn thể nhân loại, cũng như niềm tin tưởng vào Giáo Hội, bí tích cứu độ cần thiết để cứu độ toàn thể nhân loại...

 

“Không thể nào hoàn toàn hiểu được con người, cả trong nội tại cũng như ngoại diện, nếu họ không hướng về siêu việt thể. Không biết qui chiếu vào Thiên Chúa, con người không thể giải đáp những vấn nạn nồng cốt đang làm day dứt và mãi làm khắc khoải tâm can của họ liên quan tới cùng đích của cuộc đời họ và ví thế liên quan tới ý nghĩa cuộc sống của họ.

 

“Bởi thế, thậm chí họ không thể kết hiệp trong xã hội những thứ giá trị về đạo lý là những gì duy nhất có thể góp phần vào việc chung sống hợp với con người. Không dựa vào Thiên Chúa thì định mệnh của con người chỉ là những gì lẻ loi sầu khổ khiến họ thất vọng mà thôi…

 

“Chỉ khi nào biết căn cứ vào Vị Thiên Chúa Yêu Thương, Đấng đã tỏ mình ra nơi Chúa Giêsu Kitô, con người mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình và mới sống trong niềm hy vọng, bất chấp có trải qua những sự dữ làm tổn thương đến đời sống của họ và xã hội họ sống.

 

“Hy vọng là những gì giúp cho con người không khóa mình lại trong một thứ chủ nghĩa tuyệt mệnh tê liệt và cằn cỗi, mà là hướng về một cuộc hăng say dấn thân trong xã hội họ sống để có thể canh tân xã hội”.

 

(xin xem lại toàn bài Điểm mặt Văn Hóa Tây Phương)

 

 

TOP

 

 

?   Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Phẩm Vị của Việc Cử Hành Thánh Thể

 

(Thông Điệp GIÁO HỘI SỐNG BỞI THÁNH THỂ của ĐTC Gioan Phaolô II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003 - Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh http://www.vatican.va/edocs/ENG0821/_INDEX.HTM)

 

(tiếp 23 Thứ Năm 7 Thứ Năm)

47.       Khi đọc đoạn về việc thiết lập Thánh Thể trong các Phúc Âm Nhất Lãm, chúng ta thấy ngỡ ngàng trước tính cách vừa đơn sơ lại “long trọng” mà Chúa Giêsu trong tối Tiệc Ly đã tỏ ra khi thiết lập đại bí tích này. Có một đoạn đóng góp một cách nào đó như là một dạo khúc cho việc Người thiết lập này, đó là đoạn xức dầu ở Bêthania. Một người phụ nữ được Thánh Ký Gioan nhắc đến là Maria chị của Lazarô, đã đổ một lọ dầu quí trên đầu của Chúa Giêsu, một hành động khiến cho các môn đệ, đặc biệt là Giuđa (x Mt 26:8; Mk 14:4; Jn 12:4), tỏ thái độ bất mãn, như thể hành động ấy, trước nhu cầu của thành phần nghèo khổ, như là một thứ “phung phí “ không thể nào chấp nhận được. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại phản ứng hoàn toàn khác hẳn. Dù không thể nào làm phân rẽ nhiệm vụ bác ái đối với thành phần nghèo túng cần phải được các môn đệ bao giờ cũng phải tỏ ra quan tâm tới, “các con luôn có những người nghèo khó bên mình” (Mt 26:11; Mk 14:7; x. Jn 12:8), Người hướng hành động ấy đến cái chết và an tang sắp đến của Người, và thấy hành động xức dầu này như là một việc ngưỡng kính được tiếp tục tỏ ra đối với thân xác của Người cho dù sau khi qua đi, một thắt kết bất khả phân ly gắn liền với mầu nhiệm về bản thân của Người.

Ðoạn trình thuật theo các Phúc Âm Nhất Lãm ấy tiếp tục kể đến việc Chúa Giêsu trao trách nhiệm cho các môn đệ trong vấn đề cẩn thận sửa soạn “một căn thượng lầu rộng” để ăn Lễ Vượt Qua (x Mk 14:15; Lk 22:12), rồi tới việc thiết lập Thánh Thể. Phản ảnh ít là một phần các nghi thức bữa Vượt Qua của người Do Thái cho tới việc họ hát Hallel (x Mt 26:30; Mk 14:26), đoạn trình thuật này cho thấy tính cách trầm lắng và long trọng, dù có khác biệt về những truyền thống khác nhau, những lời được Chúa Kitô phán trên bánh và rượu, những lời Người cụ thể diễn tả việc Người trao nộp thân thể của Người cũng như việc Người đổ máu của Người. Tất cả những chi tiết này đều được các vị Thánh Ký, theo chiều hướng quen thuộc của việc “bẻ bánh” đã cẩn thận thiết lập trong thời Giáo Hội sơ khai. Thế nhưng, thực sự là từ thời của Chúa Giêsu trở đi, biến cố Ngày Thứ Năm Tuần Thánh đã cho thấy những dấu vết hữu hình về một thứ “cảm quan” phụng vụ được hình thành theo truyền thống Cựu Ước và hướng đến việc tái hình thành theo các việc cử hành của Kitô giáo trung thực phản ảnh nội dung mới mẻ của biến cố Phục Sinh.

48.       Như người phụ nữ xức dầu cho Chúa Giêsu ở Bêthania, Giáo Hội đã không sợ “vấn đề phung phí”, khi cống hiến những gì tốt đẹp nhất của mình để tỏ bày nỗi ngất ngây và việc tôn thờ của mình trước tặng ân Thánh Thể khôn sánh. Cũng như những vị môn đệ đầu tiên lãnh trách nhiệm sửa soạn “một căn thượng lầu rộng rãi”, Giáo Hội cũng cảm thấy nhu cầu, qua các thế kỷ cũng như nơi cuộc gặp gỡ của mình với các nền văn hóa khác nhau, cử hành Thánh Thể ở một khung cảnh xứng đáng với một mầu nhiệm thật là cao cả như thế. Phụng vụ Kitô Giáo đã được hình thành theo lời lẽ và hành động của Chúa Giêsu, cũng như dựa vào gia sản nghi lễ của Do Thái Giáo. Còn phương tiện nào đầy đủ hơn là cách này trong việc Giáo Hội tỏ ra chấp nhận tặng ân ban mình của vị Hôn Phu thần linh liên tục cống hiến cho Hôn Thê là Giáo Hội của Người, bằng Hiến Tế Người hiến dâng một lần vĩnh viễn trên Thập Giá cho các thế hệ tín hữu, nhờ đó trở thành của dưỡng nuôi tất cả mọi tín hữu hay chăng? Mặc dù ý tưởng “bữa tiệc” tự nhiên cho thấy tính cách gia đình thân thương, Giáo Hội vẫn không bao giờ chiều theo khuynh hướng tầm thường hóa “tính cách thân mật” với Vị Hôn Phu của mình, quên rằng Người cũng là Chúa của mình và “bữa tiệc” này bao giờ cũng là một bữa tiệc hy hiến được ghi dấu bằng máu Người đã đổ ra trên đồi Golgôta. Bữa Tiệc Thánh Thể thực sự là một bữa tiệc “linh thánh”, một bữa tiệc có tính cách đơn sơ về dấu hiệu nhưng lại chất chứa sự thánh thiện thăm thẳm của Thiên Chúa: sacrum convivium, in quo Christus sumitur! Tấm Bánh được bẻ ra trên bàn thờ của chúng ta, được cống hiến cho chúng ta như của ăn đàng trên đường lữ thữ trần thế, là bánh thiên thần, panis angelorum, một thứ bánh không thể tiếp nhận nếu thiếu lòng khiêm tốn của vị đại đội trưởng trong Phúc Âm: “Lạy Thày, tôi chẳng đáng Thày đến nhà tôi” (Mt 8:8; Lk 7:6).

49.       Bằng một ý thức cảm quan về vấn đề mầu nhiệm chúng ta mới hiểu ra sao việc Giáo Hội tin tưởng vào mầu nhiệm Thánh Thể đã được bày tỏ về phương diện lịch sử, chẳng những nơi nhu cầu đòi hỏi của lòng tôn sùng bề trong, mà còn ở cả những hình thức bề ngoài nhắm đến việc gợi lên và đề cao tính cách uy nghi của biến cố cử hành. Sự kiện này đã dần dần dẫn đến việc phát triển một hình thức riêng biệt của vấn đề qui định về phụng vụ Thánh Thể, theo những truyền thống giáo hội khác nhau được hợp lệ thiết định. Từ đó còn phát xuất cả một gia sản về nghệ thuật nữa. Kiến trúc, ảnh tượng, hội họa và âm nhạc, những gì được mầu nhiệm Kitô Giáo tác động, cũng tìm thấy nơi Thánh Thể rất nhiều hứng khởi, một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.

Chẳng hạn trường hợp như vậy đã xẩy ra với việc kiến trúc, một việc kiến trúc đã làm chứng cho tình trạng chuyển tiếp, một khi hoàn cảnh lịch sử cho phép, từ việc cử hành Thánh Thể đầu tiên ở domus hay ở các “căn nhà” của những gia đình Kitô hữu đến những đền thờ trang trọng ở những thế kỷ đầu, đến những vương cung thánh đường uy nghi ở thời Trung Cổ, rồi tới các nhà thờ, rộng hay hẹp, dần dần được lan tràn khắp nơi có sự hiện diện của Kitô Giáo. Những kiểu phác họa bàn thờ và nhà tạm trong Nhà Thờ thường không phải chỉ được tác động bởi nỗi hứng khởi về nghệ thuật mà còn bởi một ý thức tỏ tường về mầu nhiệm này nữa. Về thánh nhạc cũng thế, chúng ta chỉ cần nghĩ đến những điệu nhạc bình ca Grêgorian sinh động, cũng như đến nhiều nhạc sĩ, thường là đại nhạc sĩ, đã tìm cách làm hiện thực những bản văn phụng vụ Thánh Lễ. Tương tự như thế, chúng ta làm sao có thể bỏ qua được vô số những sản phẩm về nghệ thuật, từ những thứ thủ công nghệ nho nhỏ đến những công trình nghệ thuật thực sự, nơi lãnh vực làm các đồ dùng và áo lễ được sử dụng để cử hành Thánh Thể?

Có thể nói rằng Thánh Thể, trong việc hình thành Giáo Hội và linh đạo của Giáo Hội, cũng đã mãnh liệt ảnh hưởng cả đến “văn hóa” nữa, cách riêng đến nghệ thuật.

(các bài chủ đề về Thánh Thể vào các Thứ Năm hằng tuần bắt đầu từ ngày 17/8/2006)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ