GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 29/1/2006

 Tuần 4 Thường Niên

 

?   MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA (tiếp) - 2.- MÙA XUÂN SAU NGUYÊN TỘI

?  ĐTC Biển Đức XVI: Thông Điệp "THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU" (tiếp) - MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ (6-8)

?  Sứ Điệp của Tòa Thánh cho Ngày Thế Giới Phong Cùi Thứ 53 cử hành Ngày 29/1/2006

 

 

 

?  MÙA XUÂN MUÔN THUỞ MARIA - 2.- MÙA XUÂN SAU NGUYÊN TỘI
 

(Tiếp 28 Thứ Bảy)

 

N

ếu "trước Nguyên Tội" đã có mùa xuân, thì phải chăng ngay "ban đầu" ấy trời đất cũng đã có 4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay?

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", theo cảm nghiệm tự nhiên, có thể ví như tâm trạng của trời đất được bộc lộ qua những dáng vẻ thay đổi định kỳ trong thiên nhiên.

"Xuân" là thời gian đầu năm "mới mẻ", hiển hiện qua không gian nẩy nở đầy "tươi trẻ", làm cho nhân gian sống trong không gian và thời gian cảm thấy hân hoan "vui vẻ".
"Hạ" là thời gian năng động, hiển hiện qua không gian thật căng thẳng và nóng nảy, làm cho nhân gian dễ cảm thấy hung hăng, không thể ngồi yên.

"Thu" là thời gian tàn tạ, hiển hiện qua không gian vàng úa và trống vắng, làm cho nhân gian dễ cảm thấy bâng khuâng, buồn buồn.

"Đông" là thời gian cô đọng (ngày ngắn đêm dài), qua không gian lạnh lẽo và tăm tối, làm cho nhân gian cảm thấy co ro, đơn độc, nhung nhớ, mang một mầu sắc chết chóc.

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", nếu quả thật "trước Nguyên Tội" đã có thì không biết tình trạng "trần truồng mà không biết xấu hổ" (STK 2:25) của hai nguyên tổ ra sao? Có thể lúc bấy giờ, khi còn ở trong tình trạng Công Chính Nguyên Thủy, tình trạng "vô tội" và không biết đến tội lỗi là gì, da thịt của ông bà được miễn nhiễm khỏi mọi bất hạnh trong đời sống, gây ra từ môi sinh hay chăng?

Thế nhưng, chính trong lúc "trước Nguyên Tội" này mà mối thân tình giữa "trời đất" và con người "làm chủ nó" không thể có gì ngăn cách. Bởi đó, nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, vì không có quần áo để ăn mặc theo "thời trang", thì da thịt "trần truồng" của hai ông bà chắc hẳn sẽ phải biến dạng theo "thời tiết": đỏ, vào "mùa xuân Mỹ Châu", đen vào "mùa hè Phi/Úc Châu", vàng vào "mùa thu Á Châu", và trắng vào "mùa đông Âu Châu". Nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, thì không biết hai nguyên tổ che đậy bản thân "trần truồng" của mình và trốn lánh Thiên Chúa làm sao được khi Nguyên Tội xẩy ra vào cuối "mùa thu lá bay", lúc mà Vườn Địa Đường đã trở thành một khu rừng thưa trần trụi?!?

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với bản chất luân chuyển theo tác động thời gian, được tỏ lộ qua hình dáng nơi không gian như thế, làm sao nó có thể xuất hiện ngay "từ đầu", khi mà "Thiên Chúa nhìn mọi sự Ngài đã làm và Ngài thấy nó rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", do đó, chỉ bắt đầu có kể từ "sau Nguyên Tội". "Trước Nguyên Tội", nếu có "mùa" thì chỉ duy có Xuân: Mùa Thái Hòa của Trời Đất, trong trật tự tạo dựng của Đấng Hóa Công, và nếu có "thời" thì chỉ là Thời Phúc Lộc Thọ của Con Người, trong yêu thương của "Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất" (kinh Tin Kính).

"Sau Nguyên Tội" ở đây tức là lúc "con cựu xà, gọi là ma qủi hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (KH 12:9), đã dùng chính miệng lưỡi thâm độc "không có sự thật trong mình" (Gioan 8:44) để sát hại con người "từ ban đầu" (Gioan 8:44).

"Sau Nguyên Tội" ở đây cũng là lúc hai nguyên tổ nghe theo "tên gian trá và là cha của những sự dối trá" (Gioan 8:44) "ăn cây (Thiên Chúa) cấm không được ăn" (STK 3:11), và "cả hai đã mở mắt ra, nhận thấy mình trần truồng" (STK 3:7), phải đan lá vả làm áo che thân mình và không dám đối diện với Thiên Chúa (x.STK 3:7,8).

"Sau Nguyên Tội" ở đây còn là lúc Bản Án Nguyên Tội được tuyên phán, minh định tình trạng băng hoại nơi cả hữu thể của "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6), cũng như nơi bản chất của tạo vật được dựng nên "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu" cho con người.

Theo Bản Án Nguyên Tội, hữu thể của con người bị băng hoại ở chỗ: "Ngươi sẽ đổ mồ hôi mới có của ăn... cho đến khi ngươi trở về bụi đất" (STK 3:19), và bản chất của tạo vật nói chung cũng vì con người mà bị băng hoại ở chỗ: "Vì ngươi (con người) mà khốn cho đất... Đất sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi" (STK 3:17). Phải, chính tình trạng bị biến dạng (deformation) có nghĩa tiêu cực này, chứ không phải tình trạng được biến hình (transformation) có nghĩa tích cực, nơi con người "làm chủ trái đất" và nơi "đất" ngay "từ ban đầu" như thế, mới sinh ra và mới có "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay": Xuân thường từ cuối tháng 12 tới cuối tháng 3, Hạ thường từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 6, Thu thường từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 9, Đông thường từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 12, và từ cuối mùa Đông sang đầu mùa Xuân thường có mưa để những gì chết chóc trong giá lạnh mùa Đông được hồi sinh tươi tốt trong ấm áp mùa Xuân.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" từ đó bắt đầu đi vào ngõ hẻm của lịch sử nhân gian, được mở màn bằng mùa hè "đổ mồ hôi" (STK 3:19), khi "Chúa là Thiên Chúa tống cổ con người ra khỏi Vườn Địa Đường, để cầy sới đất đai mà từ đó con người được hình thành" (STK 3:23). Cũng từ đó, mưa bắt đầu đổ xuống trái đất, chứ trước đó, ngay "ban đầu", "Chúa là Thiên Chúa chưa làm mưa xuống trái đất và chưa có con người cầy sới đất đai" (STK 2:5). Từ đó, không còn "Mùa Xuân Nguyên Thủy", Mùa Thái Hòa Trời Đất nữa. Cũng từ đó, trên trái đất, có nơi một năm có đủ bốn mùa, như ở miền Bắc Việt Nam, song cũng có nơi một năm chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa mưa, như ở miền Nam Việt Nam.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội", như thế, không phải là và không còn là Mùa Thái Hòa Trời Đất, Mùa mọi sự còn liên kết và hòa hợp với nhau như ý và theo ý Đấng Hóa Công. Nó cũng không còn là và không phải là Thời Con Người Phúc Lộc Thọ nữa, Thời con người còn sống trong Phúc được làm con cái Thiên Chúa "theo hình ảnh thần linh", hưởng Lộc tự do với quyền "làm chủ trái đất", và hưởng Thọ không "phải trở về bụi đất". Theo lịch sử nhân gian, "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" chỉ là một trong "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với thiên chức là mùa đầu trong một năm, và với sứ mạng là làm mới lại những gì đã phát triển trong "mùa hè đỏ lửa" song đã tàn tạ trong "mùa thu lá bay" và đã lịm chết trong "mùa đông nghĩa địa".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" đã trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người, vì hai lý do. Thứ nhất, vì còn giữ được nét xuân, qua hai trong ba yếu tố chính là "mới mẻ" và "tươi trẻ", tuy không nguyên tuyền như "ban đầu", "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" vẫn có thể làm cho con người "vui vẻ", vui xuân, hưởng xuân. Thứ hai, nhất là vì cái còn làm cho con người đã bị hư đi "vui vẻ" mừng xuân, đón xuân, không phải ở tại "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" còn "nét xuân", cho bằng niềm hy vọng ở ngay chính trong lòng người.

"Niềm Hy Vọng" này bắt đầu ló dạng trước khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường". Ngay trong Bản Án Nguyên Tội, Thiên Chúa là Đấng "yêu (con người) trước" (1Gioan 4:19) đã chẳng tự động loan báo cho họ một Tin Vui hay sao, khi nhưng không đoan hứa với con người: "Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi (ma qủi) và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ. Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi, trong khi ngươi rình cắn gót chân ngài" (STK 3:15).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng chẳng những cho con người mà còn cho chung cả tạo vật nữa. Kể từ khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường", Vườn Địa Đường vốn là thiên thai trần thế đã chẳng trở thành khu cấm địa hay sao (x.STK 3:24)? Bởi đó, thời tiết có 4 mùa định kỳ sau Nguyên Tội không phải là phản ảnh tâm trạng của trời đất hay sao, một tâm trạng "quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22) của "toàn thể tạo vật đang ngong ngóng đợi trông cuộc hiển linh của con cái Thiên Chúa" (Rm 8:19).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" sẽ mất hết ý nghĩa nếu con người sống trong lầm than và vô vọng. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du: Kiều): như mùa xuân hận thù đầy tang thương chết chóc với những ngày đầu năm khói lửa vào dịp Tết Mậu Thân 1968, hay như mùa xuân vô vọng tự trong lòng người, nơi các trại tị nạn Đông Nam Á, đối với thành phần Thuyền Nhân Việt Nam bị rớt thanh lọc, lo âu chờ đến phiên bị trả về với quê hương yêu dấu, nơi mà họ không còn tìm thấy an bình "vui vẻ".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" là bóng ma chập chờn, nếu con người chỉ quay cuồng với cuộc sống hiện sinh. Đối với thành phần "chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến kia" (Trần Tế Xương?), xuân không có gì là "mới mẻ", vì càng làm cho họ già thêm, không có gì là "tươi trẻ", vì càng làm cho họ tàn phai nhan sắc, không có gì là "vui vẻ", vì càng làm cho họ thất vọng về cuộc sống hiện sinh chẳng thể nào làm cho họ hoàn toàn thỏa mãn.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL  

 

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Thông Điệp DEUS CARITAS EST – THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU  (tiếp)

 

PHẦN NHẤT

 

MỐI LIÊN KẾT CỦA TÌNH YÊU NƠI VIỆC TẠO DỰNG VÀ NƠI LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

 

6.         Nói thực tế hơn thì con đường thăng hoa và thanh tẩy này bao gồm những gì? Làm thế nào cảm nghiệm tình yêu để nó có thể hoàn toàn hiện thực được những gì hứa hẹn về nhân bản và thần linh của nó? Ở đây chúng ta có thể thấy được một chi tiết trước hết và quan trọng nơi Sách Diễm Tình Ca, một cuốn sách Cựu Ước quá quen thuộc đối với những thần bí gia. Theo chiều hướng dẫn giải chung chung  ngày nay thì những bài thơ chất chứa trong cuốn sách này nguyên thủy là những bài tình ca, có lẽ được sáng tác cho lễ cưới của người Do Thái và để tôn tụng tình yêu phối ngẫu. Bởi thế cần phải nhận thức rằng, theo chiều hướng của cuốn sách ấy, có hai chữ Do Thái khác nhau được sử dụng để nói về “tình yêu”. Trước hết là chữ dodim, một chữ ở số nhiều, có ý nghĩa về một tình yêu vẫn còn bấp bênh, bất định và đang tìm kiếm. Chữ này được thay thế bằng chữ ahabà, chữ được bản Hy Lạp dịch có nghĩa giống như agape – từ ái, một chữ, như chúng ta biết, trở thành một diễn tả kiểu mẫu cho quan niệm của Thánh Kinh về tình yêu. Ngược lại với một thứ tình yêu bất định và đang tìm kiếm, chữ này diễn tả một cảm nghiệm về một tình yêu thực sự khám phá ra nhau, vượt ra ngoài tính chất vị kỷ là những gì nổi bật trước đó. Bấy giờ tình yêu trở thành mối quan tâm và chăm sóc cho nhau. Nó không còn tìm mình, một thứ chìm đắm vào tình trạng mê man hạnh phúc; thay vào đó, nó tìm kiếm thiện ích của người yêu: nó trở thành việc bỏ mình và nó sẵn sàng, thậm chí tình nguyện, hy sinh bản thân.

 

Chính vì việc tăng trưởng của tình yêu trong việc tiến tới một mức độ cao hơn cũng như đến việc thanh tẩy nội tâm mà bấy giờ nó tìm cách trở thành tận tuyệt, và nó làm như thế theo nghĩa lưỡng diện: cả theo nghĩa độc chiếm (chỉ con người đặc biệt này mà thôi) lẫn theo nghĩa “vĩnh viễn”. Tình yêu bao gồm toàn thể cuộc sống ở từng chiều kích của nó, bao gồm cả chiều kích thời gian. Khó lòng mà khác đi được, vì cái hứa hẹn của nó hướng tới đích điểm tận cùng của nó: yêu thương hướng đến vĩnh hằng. Tình yêu thực sự là “chất ngất”, không phải theo nghĩa đắm say chốc lát, mà như là một cuộc hành trình, một cuộc vượt thoát liên tục từ cái tôi khép kín tìm mình đến việc nó thanh thoát ban mình, nhờ đó, tới việc thực sự tự khám phá thấy bản thân mình và thực sự là khám phá thấy Thiên Chúa: “Ai tìm cách giữ lấy sự sống mình thì sẽ đánh mất nó, còn ai mất sự sống mình thì lại giữ được nó” (Lk 17:33), như Chúa Giêsu nói ở các Phúc Âm (x Mt 10:39, 16:25; Mk 8:35; Lk 9:24; Jn 12:25). Qua những lời này, Chúa Giêsu phác tả con đường của Người, một con đường dẫn qua Thập Giá tới Phục Sinh: con đường của hạt lúa miến rơi xuống đất mục nát đi, nhờ đó sinh nhiều hoa trái. Khởi đi từ thẳm cung của việc hy sinh của Người và của tình yêu nhờ đó tiến đến chỗ viên trọn, Người cũng, qua những lời ấy, phác tả yếu tính của yêu thương và thực sự là của chính đời sống con người. 

 

7.         Tự lý lẽ nội tại của mình, những suy tư khởi đầu có vẻ triết lý này về yếu tính của tình yêu giờ đây đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của niềm tin Thánh Kinh. Chúng ta bắt đầu đặt vấn đề phải chăng những ý nghĩa khác nhau, hay thậm chí nghịch nhau, của tiếng “yêu thương” cho thấy một mối hiệp nhất nền tảng sâu xa, hay phải chăng, ngược lại, chúng cần phải giữ tình trạng bất liên hệ, tình trạng sát cánh với nhau. Quan trọng hơn nữa, chúng ta đặt vấn đề là sứ điệp yêu thương được Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội công bố cho chúng ta có một số điểm nào đó liên hệ với cảm nghiệm yêu thương chung của loài người chăng, hay nó nghịch lại với cảm nghiệm ấy. Vấn đề này lại dẫn chúng ta tới hai chữ căn bản, đó là eros, như một từ ngữ ám chỉ tình yêu “trần thế” và agape, liên quan tới tình yêu được bắt nguồn từ đức tin và được hình thành bởi đức tin. Hai quan niệm này thường tương phản như thứ tình yêu “hướng thượng” và thứ tình yêu “hướng hạ”. Có những phân loại khác tương tự, như phân biệt giữa tình yêu chiếm hữu và tình yêu nhân ái (amor concupiscentiae – amor benevolentiae), một phân biệt đôi khi còn bao gồm cả thứ tình yêu tìm kiếm lợi lộc riêng mình nữa.

 

Trong cuộc tranh cãi về triết lý và thần học thì những phân biệt này thường đi đến chỗ cực đoan tới độ thiết lập một phản đề rõ ràng giữa chúng: tình yêu đi xuống, nhân ái – agape – là tiêu biểu cho Kitô Giáo, trong khi tình yêu đi lên, chiếm hữu hay tham lam – eros – là tiêu biểu cho văn hóa ngoài Kitô Giáo, đặc biệt là Hy Lạp. Nếu phản đề này đi đến chỗ cực đoan thì yếu tính của Kitô Giáo sẽ bị tách rời khỏi những liên hệ sống còn nồng cốt cho việc hiện hữu của con người, và sẽ trở thành một thế giới phân ly, có dù đáng khâm phục, song hoàn toàn tách biệt khỏi cơ cấu phức tạp của sự sống con người. Thế nhưng eros agape – tình yêu hướng thượng và tình yêu hướng hạ – không bao giờ hoàn toàn tách khỏi nhau. Hai tình yêu này, qua những khía cạnh khác nhau của chúng, càng liên kết với nhau một cách thích hợp trong một thực tại yêu thương duy nhất, thì bản chất thực sự của tình yêu nói chung càng hiện thực. Cho dù eros mới đầu thực sự là tham lam và hướng thượng, một thứ đắm say theo đuổi cái hứa hẹn mãnh liệt của hạnh phúc, thì trong việc tiến đến gần nhau, nó càng ngày càng ít quan tâm tới bản thân, càng tìm kiếm hạnh phúc của nhau, càng quan tâm tới người yêu, hiến thân và muốn “ở đó vì” nhau. Bởi thế yếu tố agapetừ ái thấm nhập vào tình yêu này, bằng không, eros – tình ái bị khô cằn, thậm chí mất đi bản chất của nó. Ngoài ra, con người không thể nào sống nguyên bởi tình yêu nhân ái, hướng hạ. Họ không thể nào luôn luôn ban tặng, họ cũng cần phải nhận lãnh nữa. Ai muốn trao ban tình yêu cũng lãnh nhận tặng ân yêu thương. Thật vậy, như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, người ta có thể trở thành nguồn mạch tuôn ra những giòng sông chảy nước sự sống (x Jn 7:37-38). Tuy nhiên, để trở thành một mạch nguồn như thế, người ta cần phải liên lỉ uống lại từ chính nguồn gốc nguyên thủy là Chúa Giêsu Kitô, Đấng có con tim bị đâm thâu tuôn trào tình yêu Thiên Chúa (x Jn 19:34).

 

Trong trình thuật cái thang của tổ phụ Giacóp, các Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy mối liên hệ bất khả phân ly giữa tình yêu hướng thượng và hướng hạ, giữa eros – tình ái là thứ tình yêu tìm kiếm Thiên Chúa và agape – từ ái là thứ tình yêu truyền đạt tặng ân được nhận lãnh, được tiêu biểu ở những cách thức khác nhau. Ở đoạn Thánh Kinh này, chúng ta đọc thấy Tổ Phụ Giacóp đã thấy trong giấc mơ, trên viên đá gối đầu, một cái thang bắc lên tới trời, trên cái thang này có các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống (x Gen 28:12; Jn 1:51). Trong văn kiện Pastoral Rule của mình, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã dẫn giải một cách đặc biệt  thu hút về thị kiến này. Ngài nói với chúng ta rằng vị mục tử tốt lành cần phải sâu xa chiêm niệm. Chỉ có thế, vị mục tử này mới có thể nhận lấy các nhu cầu của người khác và coi chúng như là của mình: “per pietatis viscera in se infirmitatem caeterorum transferat” (II, 5: SCh 381, 196). Thánh Grêgôriô nói theo chiều hướng của Thánh Phaolô, vị đã được nâng lên cao cả tới những mầu nhiệm siêu việt nhất của Thiên Chúa, và vì thế, khi trở xuống lại, ngài đã có thể trở nên tất cả mọi sự cho mọi người (x 2Cor 12:2-4; 1Cor 9:22). Ngài cũng đề cập tới gương của Moisen, vị đã tiến vào thời điểm nhà tạm, mà một lần nữa, nhờ việc duy trì trao đổi với Thiên Chúa, nhờ đó, khi trở lại ông mới có thể phục vụ dân của ông. “Trong (lều) ông được nâng lên cao nhờ chiêm niệm, trong khi đó bề ngoài ông lại hoàn toàn dấn thân giúp đỡ những ai khổ đau: intus in contemplationem repitur, foris infirmantium negotiis urgetur” (Ibid., 198).

 

8.         Như thế, chúng ta đã tiến đến việc giải đáp mở đầu cho dù vẫn còn có tính cách chung chung cho hai vấn nạn được nêu lên trước đây. Theo căn bản thì “yêu thương” là một thực tại duy nhất, nhưng có những chiều kích khác nhau; vào những lúc khác nhau, một chiều kích này hay chiều kích kia có thể nổi nang hơn. Tuy nhiên, một khi hai chiều kích hoàn toàn tách biệt khỏi nhau thì kết quả là một bức tranh hí họa, hay ít là một hình thức yêu thương cằn cỗi. Và chúng ta cũng đã thấy, một cách tổng hợp, là đức tin theo Thánh Kinh không tạo ra một vũ trụ song song, hay một vũ trụ ngược lại với cái hiện tượng nhân bản khởi nguyên là yêu thương, song chấp nhận toàn diện con người; đức tin này can thiệp vào việc họ tìm kiếm yêu thương để thanh tẩy nó cũng như để tỏ ra cho thấy những chiều kích mới của nó. Cái mới mẻ nơi niềm tin của Thánh Kinh này được tỏ ra chính yếu nơi hau yếu tố đáng được đề cao, đó là hình ảnh của Thiên Chúa và hình ảnh của con người.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ

 

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html

 

TOP

 

 

? Sứ Điệp của Tòa Thánh cho Ngày Thế Giới Phong Cùi Thứ 53 cử hành Ngày 29/1/2006

 

Sứ Điệp của Đức Hồng Y

Javier Lozano Barragán

Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe

Gửi Quí Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Các Quốc Gia

Và Quí Giám Mục Phụ Trách Chăm Sóc Mục Vụ Về Sức Khỏe

 

Ngày Thế Giới Phong Cùi

Chúa Nhật 29/1/2006

 

“Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa tôi lành sạch” (Mt 8:2).

 

1.         Trung thành với Thày mình và Chúa của mình là Đức Giêsu Kitô, Giáo Hội Công Giáo luôn bảo tồn ý thức sống động và sinh động về việc được sai vào thế giới để rao giảng Phúc Âm về Vương Quốc Thiên Chúa và để chữa trị thành phần đau yếu (x Mt 10:1; Mk 6:3; Lk 9:1-6, 10:9).

 

Như Chúa Giêsu là Đấng đã gặp con người bị phong cùi, đã nghe thấy họ kêu lên “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa tôi lành sạch” (Mt 8:2), đã chữa lành họ và đã trả họ về với đời sống xã hội (x Mt 8:2-4), vào Ngày Thế Giới lần thứ 53 giành cho Những Người Mắc Chứng Phong Cùi này, Giáo Hội muốn lắng nghe rất nhiều người trên thế giới vẫn còn đang bị chứng bệnh Hansen, tức là bệnh phong cùi, và, qua Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe, muốn lên tiếng cho tiếng kêu của họ xin giúp đỡ, để tất cả mọi người chúng ta cùng nhau cảm thấy mình cần phải tham gia theo khả năng và trách nhiệm khác nhau của mình vào việc dấn thân cống hiến những đáp ứng cụ thể cho các nhu cầu chăm sóc và chữa trị những ai bị phong cùi.

 

2.         Mặc dù thật sự là việc tiến bộ về khoa học, dược chất và y khoa ngày nay cho chúng ta có được những thứ thuốc men công hiệu và những hình thức chữa trị bệnh phong cùi ở các giai đoạn sơ khởi của nó, nhưng vẫn còn rất đông bệnh nhân và những miền đất rộng lớn trên thế giới này vẫn chưa có các khả năng ấy ở mức độ chữa trị bởi các nguyên nhân khác nhau cần phải được đem ra phân tích và thẩm định.

 

Một số bản thống kê được Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới trình bày giúp chúng ta cho thấy được rằng: Vào đầu năm 2005 những trường hợp bị phong cùi được xác nhận ở Phi Châu là 47.596, ở Mỹ Châu là 36.877, ở Đông Nam Á là 186.182, ở Đông Địa Trung Hải là 5.398, và ở Tây Thái Bình Dương là 10.010. May mắn là, theo Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới, một số bản thống kê hiện có cho thấy mức độ giảm bớt của chứng bệnh này, ít là theo các dữ kiện được công bố: từ 763.262 người bị phong cùi năm 2001 con số thụt xuống còn 407.791 năm 2004.

 

Việc thỏa đáng chính đáng và chung này trước thành quả chiếm đạt trong việc chiến đấu chống chứng bệnh Hansen này không có nghĩa là bớt dấn thân hơn, hay được bỏ quên các nhu cầu thường xuyên, những căn nguyên đặc hữu của chứng bệnh này, những thành kiến vẫn còn xẩy ra, và những lệch lạc khả dĩ ở lãnh vực tổ chức.

 

Việc suy giảm vấn đề chú trọng cần phải có đối với vấn đề này sẽ là những gì đặc biệt làm tổn hại ở vào lúc mà – nếu chúng ta rất cần đến nó – phải thực hiện một nỗ lực quyết liệt để hoàn toàn loại trừ đi chứng bệnh phong cùi này ở hết mọi phần đất trên thế giới.

 

3.         Việc dấn thân này chắc chắn đòi phải có sự hợp tác tốt đẹp hơn nữa và liên lỉ hơn nữa giữa các tổ chức quốc tế, các chính phủ quốc gia và trong vùng, những cơ quan không phải của chính phủ liên quan đến lãnh vực này, các Giáo Hội địa phương, và các nhóm hoạt động ở tầm cấp địa phương, đối với những chương trình đặc biệt và móc nối được đề ra để đáp ứng một cách hiêu nghiệm hơn với những nhu cầu hiện đại cũng như với việc chữa trị thành phần đang ở trong tình trạng có nguy cơ bị phong cùi hay những ai đã bị nhiễm chứng phong cùi.

 

Trong số những nhu cầu chúng ta ngày nay được kêu gọi đáp ứng, đó là, ngoài việc phát triển cơ cấu và các đường lối hiệu nghiệm hơn và bảo đảm hơn trong việc tự do phân phối thuộc men cùng với việc cẩn thận lưu tâm tới vấn đề vệ sinh, còn có nhu cầu kiến tạo và huấn luyện, trước hết ở các quốc gia và vùng đất khác nhau có bệnh phong cùi nhiều nhất, các nhóm cán sự xã hội hay sức khỏe có thể hoạt động ở các miền địa phương, chẩn bệnh đúng lúc chứng bệnh phát hiện và chữa trị nó ở những giai đoạn chớm phát và ở cả giai đoạn nó đang phát triển. 

 

Từ đó xuất phát ra, một đàng, là nhu cầu cần có những dự án huấn luyện được phác họa xứng hợp, và đàng khác, là nhu cầu cần phải có kiến thức xác đáng hơn về các thực tại và các vùng chưa được phục vụ đầy đủ hay chưa có những chương trình xã hội khác nhau và những chương trình chữa trị khác nhau.

 

4.         Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Chăm Sóc Mục Vụ Sức Khỏe muốn nói lên một tâm tư đặc biệt và trìu mến vào Ngày Thế Giới Thứ 53 của Những Ai Bị Phong Cùi cùng tất cả mọi cộng đồng Kitô hữu khắp nơi trên thế giới, cùng các vị mục tử của các cộng đồng này, và cùng tất cả mọi vị thừa sai nam nữ, để bày tỏ cùng họ lòng biết ơn sâu xà và huynh đệ về việc họ hết sức dấn thân chiến đấu chống lại thứ bệnh phong cùi này cũng như trong việc cung cấp vấn đề yêu thương chăm sóc cho những ai bị chứng bệnh này hành hạ. Thật vậy, người ta không thể nào quên được cách thức Giáo Hội luôn hoạt động nơi rất nhiều quốc gia trên thế giới bằng việc hoàn toàn dấn thân để đón nhận, chăm sóc và chữa trị, và để tái hội nhập vào xã hội những ai đang bị hay đã bị bệnh phong cùi.

 

Việc cử hành Ngày Thế Giới lần thứ 53 này, đối với tất cả mọi cộng đồng của chúng ta, cần phải trở thành một lời mọi gọi hãy canh tân việc dấn thân chung của chúng ta cho tình đoàn kết, cho việc cảm thức hóa vấn đề này, cho việc hỗ trợ những ai đang thi hành sứ vụ của chúng ta đặc biệt liên quan tới lãnh vực này, cũng như những ai hoạt động ở các lãnh vực khác nhau để chiến đấu chống lại chứng bệnh phong cùi ấy.

 

Đặc biệt là vào ngày 29/1, chúng tôi mời gọi các cộng đồng của chúng ta hãy “tưởng nhớ” trong Việc Cử Hành Thánh Thể đến Toàn Thân Chúa Kitô đang hiện diện nơi rất nhiều người cũng như các gia đình vẫn còn đang chịu đựng bởi chứng bệnh phong cùi này, hy vọng và mong muốn rằng Thánh Thể là hiện thực hóa và là thể hiện của tình yêu thương cứu độ và liên kết của Thiên Chúa đối với chúng ta cũng như với tất cả mọi người, trở thành một mạch nguồn yêu thương hơn nữa và đoàn kết hơn nữa đối với thành phần chịu đựng bởi và với chứng bệnh phong cùi, một mạch nguồn có thể xây đắp một nhân loại chấn chính hơn, huynh đệ hơn, một nhân loại an bình.

 

Đó sẽ là một đường lối cụ thể để tỏ ra rằng “Thiên Chúa là tình yêu cứu độ, là một Người Cha yêu thương muốn thấy con cái của Ngài nhìn thấy nhau như anh chị em, khi hoạt động một cách hữu trách trong việc sử dụng các tài năng khác nhau của mình để phục vụ công ích cho gia đình nhân loại. Thiên Chúa là mạch nguồn vĩnh viễn của niềm hy vọng hiến ban ý nghĩa cho đời sống cá nhân và cộng đồng” (Benedict XVI, Message for the Celebration of the World Day of Peace, 1 January 2006).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 18/1/2006



TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ