GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 18/3/2006

 TUẦN II MÙA CHAY

 

?  GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI CẢM NHẬN  VỀ MẸ MARIA

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ” (tiếp)

?  Trao Đổi Văn Thư giữa Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Thượng Phụ Chính Thống Nga Alexis II

? CÁO PHÓ của VĂN PHÒNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

 

?  GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI CẢM NHẬN  VỀ MẸ MARIA

 

(Tiếp ngày 4 Thứ Bảy, 11 Thứ Bảy)

 

Maria Mang Lấy Chúa là Đấng Nâng Đỡ Maria

 

(Bài Giảng Chúa Nhật IV Mùa Vọng 18/12/2005 cho Giáo Xứ “Santa Maria Consolatrice” Giáo Phận Rôma)

 

“Chữ thứ hai tôi muốn suy niệm là một lời khác của Thiên Thần nói: ‘Hỡi Maria, đừng sợ’. Thật vậy, Mẹ có lý để mà sợ, vì đó là một gánh rất nặng phải mang vác thế giới trên mình, là làm Mẹ của Vị Vua hoàn cầu, là làm Mẹ của Con Thiên Chúa: thật là một gánh nặng biết bao! Đó là một gánh quá nặng đối với sức chịu đựng của loài người! Thế nhưng Thiên Thần nói: ‘Đừng sợ! Phải, cô là người gánh vác Thiên Chúa song Thiên Chúa lại là Đấng gánh vác cô. Chớ có lo âu sợ hãi!’.

 

“Những lời ‘Đừng sợ’ phải là những lời sâu xa thấu nhập vào lòng Mẹ Maria. Chúng ta có thể mường tượng thấy Mẹ đã phải nghe lại những lời ấy ra sao nơi các trường hợp khác nhau bắt Mẹ phải suy nghĩ về những lời này.

 

“Vào lúc ông Simêon nói cùng Mẹ rằng: ‘Con trẻ này là mục tiêu cho nhiều người trong dân Yến Duyên sa ngã và chỗi dậy, là một dấu hiệu chống đối – và chính cô sẽ bị một lưỡi gưỡm đâm thâu’, là chính lúc Mẹ không thể nào không sợ hãi này, Mẹ Maria đã nhớ lại những lời của Thiên Thần và cảm thấy những lời ấy âm vang trong lòng Mẹ: ‘Đừng sợ, Thiên Chúa là Đấng gánh vác cô’. Thế rồi, khi xẩy ra những phản khắc chống lại Chúa Giêsu trong cuộc đời công khai của Người và khi nhiều người nói “Hắn là một thằng khùng”, thì một lần nữa lòng Mẹ lại nghĩ tới những lời của Thiên Thần ‘Đừng sợ’ để tiến bước. Sau hết, trong cuộc gặp gỡ trên đường lên đồi Canvê và sau đó ở dưới chân cậy Thập Giá, khi mà tất cả dường như bị hủy hoại, thì một lần nữa Mẹ lại nghe thấy những lời của Thiên Thần vang lên trong lòng Mẹ ‘Đừng sợ’. Bởi thế Mẹ đã can đảm đứng bên Người Con đang hấp hối của mình, và được đức tin nâng đỡ, Mẹ đã hướng tới Phục Sinh, tới Hiện Xuống, tới việc thành lập tân gia Giáo Hội”.

 

Mẹ Maria loan báo Ơn Cứu Chuộc

 

(Bài Giảng Ngày Thế Giới Đời Tận Hiến Tu Trì 2/2/2006)

 

“Con người đầu tiên được liên kết với Chúa Kitô trên con đường tuân phục, con đường chứng tỏ niềm tin và thông phần đau khổ là Maria Mẹ của Người. Bài Phúc Âm phác tả Mẹ nơi tác động hiến dâng Con của Mẹ: một việc vô tư hiến dâng liên quan tới chính bản thân Mẹ.

 

“Mẹ Maria là Mẹ của Đấng là ‘vinh hiển của Yến Duyên dân Người’ và là ‘ánh sáng chiếu soi Dân Ngoại’, thế nhưng, cũng là ‘dấu hiệu chống đối’ (x Lk 2:32,34). Và nơi linh hồn vô nhiễm của mình, chính Mẹ đã bị lưỡi gươm sầu thương đâm thâu, bởi thế cho thấy rằng vai trò của Mẹ nơi lịch sử cứu độ không chấm dứt ở mầu nhiệm Nhập Thể mà được hoàn tất nơi việc tham dự yêu thương lẫn sầu thương vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Con Mẹ.

 

“Mang Con mình lên Giêrusalem, Người Trinh Mẫu này đã hiến dâng Người lên Thiên Chúa như là một Con Chiên thực sự xóa tội trần gian. Mẹ trao Người cho ông Simêon và bà Anna như tác động loan báo ơn cứu chuộc; Mẹ trao tặng Người cho tất cả mọi người như ánh sáng cho cuộc hành trình an toàn trên con đường chân thật và yêu thương”.

 

Mẹ Maria Gắn Liền Với Lịch Sử Cứu Độ

 

(Buổi Triều Kiến Chung hằng Tuần Thứ Tư 15/2/2006 về bài Ca Vịnh Ngợi Khen)

 

“Linh hồn của lời nguyện cầu này là việc cử hành ân sủng thần linh được ban cho tâm can và cuộc đời của Mẹ Maria, biến Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Kitô. Chúng ta thực sự nghe thấy tiếng của Vị Trinh Nữ này nói về Đấng Cứu Độ Mẹ như thế, Đấng đã làm nơi hồn xác Mẹ những điều cao trọng.

 

“Cấu trúc sâu xa nơi bài ca vịnh nguyện cầu này của Mẹ đó là lời ngợi khen chúc tụng, tri ân cảm tạ, hân hoan biết ơn. Thế nhưng, việc chứng từ cá nhân này không phải là những gì lẻ loi và tư riêng, hoàn toàn cá nhân, vì Trinh Nữ Maria ý thức rằng Mẹ có một sứ vụ cần phải thực hiện cho nhân loại, và cuộc sống của Mẹ được gắn liền với lịch sử cứu độ. Bởi thế Mẹ mới nói: ‘Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia đối với những ai kính sợ Ngài’ (câu 50). Bằng lời ca ngợi Chúa này, Vị Trinh Nữ lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật được cứu chuộc sau tiếng ‘Xin Vâng’ của Mẹ, thành phần được Thiên Chúa xót thương qua hình ảnh của Chúa Giêsu do Vị Trinh Nữ này hạ sinh”.


(xin coi tiếp vào Thứ Bảy tuần tới)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

 

TOP

 

 ?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG CỦA “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”: “ĐỪNG SỢ”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Triết Gia Nhân bản

(tiếp 14 Thứ Ba, 15 Thứ Tư, 16 Thứ Năm, 17 Thứ Sáu)

3)         Con Người Hiện Đại - làm sao có thể được cứu khỏi sự dữ???

 

Tuy nhiên, con người tự bản chất đã yếu đuối, giờ đây, trước tình trạng “vì sự dữ gia tăng mà lòng của hầu hết con người ta trở nên nguội lạnh” (Mt 24:12), mà, theo vị Giáo Hoàng qua đời vào đêm 2/4/2005, tức vào ngày áp Lễ Chúa Tình Thương (3/4/2005), và qua đời sau Thánh Lễ Chúa Tình Thương được cử hành tại phòng của ngài, một Lễ đã được ngài chính thức thiết lập khi tuyên bố trong bài giảng phong Thánh cho Nữ Tu Faustina là người đồng hương của ngài ngày 30/4/2000, thì Con Người Hiện Đại ấy chỉ có thể được cứu chuộc bởi chính Lòng Thương Xót Chúa mà thôi, vì Tình Thương Chúa, căn nguyên và động lực của Mầu Nhiệm Cứu Chuộc, chính là giới hạn chặn đứng sự dữ đang lộng hành hầu như chưa bao giờ có trong lịch sử loài người này. 

 

Thật vậy, cũng trong tác phẩm “Hồi Niệm Và Căn Tính”, vị Giáo Hoàng này đã nói thêm về Mầu Nhiệm Cứu Chuộc là phản ảnh Lòng Thương Xót Chúa liên quan tới Con Người Hiện Đại, ở chương 4, chương có tựa đề “Việc Cứu Chuộc Là Giới Hạn Thần Linh Chế Ngự Sự Dữ” (ấn bản Anh Ngữ, trang 19-21), như sau:

 

Không thể nào nghĩ tới giới hạn do chính Thiên Chúa ngăn chặn đối với các hình thức khác nhau của sự dữ mà lại không qui chiếu về mầu nhiệm Cứu Chuộc.

 

“Có thể nào mầu nhiệm Cứu Chuộc đáp ứng nổi trước sự dữ về lịch sử, một sự dữ mà, qua những hình thức khác nhau, tiếp tục tái diễn nơi các việc làm của con người hay chăng? Dường như, sự dữ của các trại tập trung, của các phòng hơi ngạt, của cái dã man nơi nhân viên công an cảnh sát, của toàn bộ chiến tranh, của các chế độ đàn áp – một sự dữ tương phản một cách có tổ chức với sứ điệp của Thập Giá – như tôi nói, dường như sự dữ này mãnh liệt hơn cả sự thiện nữa. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn kỹ hơn nữa vào lịch sử của các dân tộc và các quốc gia đã chịu đựng cuộc thử thách với những chế độ độc tài cũng như những cuộc bách hại đức tin, chúng ta khám phá ra rằng đó chính là nơi rạng ngời nhất cho việc hiện diện hiển vinh của Thập Giá Chúa Kitô. Cái bối cảnh thê thảm ấy lại càng làm nổi bật việc hiện diện này hơn nữa. Đối với những ai chịu đựng cái sự dữ có mưu đồ này thì chỉ còn duy Chúa Kitô và Thập Giá của Người là nguồn mạch tự vệ thiêng liêng mà thôi, như một hứa hẹn chiến thắng vậy. Không phải hay sao việc hy sinh của Maximilian Kolbe trong trại diệt chủng ở Auschwitz đã trở thành dấu chỉ chiến thắng trên sự dữ? Và cũng không phải tương tự như thế hay sao khi nói tới Edith Stein – một đại tư tưởng gia thuộc trường phái Husserl – người đã bị chết trong phòng hơi ngạt ở Birkenau, nhờ đó chia sẻ số mệnh với nhiều người con nam nữ khác của dân tộc Do Thái? …

 

Mầu nhiệm Cứu Chuộc của Chúa Kitô đã ăn sâu vào đời sống của chúng ta. Đời sống tân tiến là một thứ văn minh bị chi phối bởi kỹ thuật, thế nhưng, cả ở nơi đời sống tân tiến này nữa, mầu nhiệm này cũng lưu lại dấu vết hiệu nghiệm của mình, như Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở chúng ta:

 

“’Đối với vấn đề làm thế nào để tình trạng bất hạnh này có thể được chế ngự, Kitô giáo trả lời rằng, tất cả mọi hoạt động của con người, những hoạt động hằng ngày bị tác hại bởi lòng kiêu căng và bởi tự ái quá độ, cần phải được Thập Giá và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô thanh tẩy và hoàn hảo hóa. Được Chúa Kitô cứu chuộc và được Thánh Thần làm nên một tạo vật mới, con người có thể, đúng hơn, họ cần phải yêu mến những sự được Thiên Chúa tạo dựng: chính từ Thiên Chúa con người đã lãnh nhận chúng, và chính vì chúng từ bàn tay Thiên Chúa ban cho mà họ phải ân cần và tôn trọng chúng. Con người tri ân cảm tạ Vị Ân Nhân thần linh này của mình về tất cả những sự ấy, họ sử dụng chúng và hoan hưởng chúng bằng tinh thần khó nghèo và tự do: nhờ đó, họ mới tiến tới chỗ thực sự chiếm hữu được thế giới, như thể chẳng có gì mà lại có hết mọi sự vậy’….

 

Nếu Việc Cứu Chuộc đánh dấu giới hạn thần linh trên sự dữ, thì chính vì lý do duy nhất này: đó là vì thật sự sự dữ bị chế ngự bởi sự thiện, hận ghét bởi yêu thương, chết chóc bởi phục sinh”.

 

(còn tiếp) 

 

TOP

 

 

?   Trao Đổi Văn Thư giữa Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Thượng Phụ Chính Thống Nga Alexis II

 

Thứ Sáu 17/3/2006, Tòa Thánh đã phổ biến hai văn thư trao đổi giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Thượng Phụ Chính Thống Nga Alexis II xẩy ra trong Tháng 2/2006.

 

Thật vậy, tại một cuộc họp ở Moscow Nga Sô vào ngày 20/2/2006, Đức Hồng Y Cardinal Roger Etchegaray, đương kim phó chủ tịch hồng y đoàn, và là chủ tịch hưu trí của Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý Và Hòa Bình, đã trao cho Đức Thượng Phụ Alexis II một bức thư của Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhân dịp mừng sinh nhật và quan thày của vị thượng phụ giáo chủ Giáo Hội Chính Thống Nga này, kèm theo một huy chương vàng của giáo triều đương nhiệm.

 

(Biệt chú của người dịch bản tin này là ngay từ đầu vị đương kim Giáo Hoàng đây chủ trương thực hiện những việc cụ thể về đại kết, chẳng hạn như việc gửi thiệp chúc mừng sinh nhật và quan thày vị giáo chủ chính thống Nga lần này).

 

Để đáp lễ, sau phụng vụ trọng thể được cử hành hôm 24/2/2006 ở vương cung thánh đường Chúa Cứu Thế Thánh ở Moscow nhân dịp lưỡng mừng này, Đức Alexis II đã trao cho Đức Hồng Y bản văn của mình cùng với một cây Thánh Giá đeo trước ngực cho Đức Thánh Cha.

 

Trong sứ điệp gửi vị giáo chủ chính thống Nga, ĐTC Biển Đức XVI viết rằng “những cử chỉ và ngôn từ của tình huynh đệ đổi mới của thành phần chủ chiên đoàn chiên Chúa cho thấy rằng việc hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết trong chân lý và bác ái là những gì góp phần vào việc gia tăng tinh thần hiệp thông là những gì cần phải hướng dẫn những bước tiến của tất cả thành phần lãnh nhận Phép Rửa”.

 

Trong sứ điệp của mình, vị giáo chủ chính thống Nga đã ngỏ lời cám ơn cùng với những lời chia sẻ như sau: “Trong thời điểm của chúng ta đây, trước việc phát triển nhanh chóng chiều hướng tục hóa, Kitô Giáo đang phải đương đầu với những thách đố quan trọng đòi phải tỏ ra chứng từ chung. Tôi tin rằng một trong những ưu tiên ngày nay của các Giáo Hội chúng ta, những ưu tiên có cùng một nhãn quan về nhiều vấn đề hiện đang chi phối thế giới tân tiến, cần phải là việc bênh vực và khẳng định trong xã hội những giá trị Kitô Giáo là những gì nhờ đó nhân loại đã sống trên một ngàn năm. Tôi hy vọng rằng việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề còn đó giữa hai giáo hội của chúng ta cũng góp phần vào mục đích này”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được VIS phổ biến ngày 17/3/2006

 

TOP

 

?

CÁO PHÓ

 

TRONG NIỀM TÍN THÁC VÀO ĐỨC KITÔ PHỤC SINH

 

VĂN PHÒNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

KÍNH BÁO

 

ĐỨC CHA ANRÊ NGUYỄN VĂN NAM

Nguyên Giám mục Giáo Phận Mỹ Tho

 

đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ sáng, ngày 16 tháng 3 năm 2006

tại Trung tâm chỉnh hình Tp. Hồ Chí Minh

Hưởng thọ  84  tuổi 

 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

 

- 17 GIỜ NGÀY 16 THÁNG 3 NĂM 2006 : NGHI THỨC TẨM LIỆM

-   9 GIỜ NGÀY 20 THÁNG 3 NĂM 2006 : THÁNH LỄ AN TÁNG

SẼ ĐƯỢC CỬ HÀNH TẠI KHUÔN VIÊN NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ GIÁO PHẬN MỸ THO, DO ĐỨC HỒNG Y GIOAN BAOTIXITA PHẠM MINH MẪN CHỦ SỰ.

Kính xin Quý Hồng y, Quý Đức cha, Quý cha, Quý Tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu thương cầu nguyện cho linh hồn Đức cố Giám mục Anrê Nguyễn Văn Nam.

 
Trân trọng kính báo

Văn Phòng Thư Ký HĐGM VN, NGÀY 16 / 3 / 2006

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ