GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 24/3/2006

 TUẦN III MÙA CHAY

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Hồng Y Đoàn về 3 Đề Tài áp Mật Nghị dịp tân 15 Hồng Y

?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

?  ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế tại Hall of Blessings ngày 11/3/2006 Nhân Dịp 40 Năm Sắc Lệnh Về Truyền Giáo ‘Ad Gentes – Cho Muôn Dân’

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI với Hồng Y Đoàn về 3 Đề Tài áp Mật Nghị dịp tân 15 Hồng Y

 

Mật Nghị Hồng Y đầu tiên trong giáo triều Giáo Hoàng Biển Đức XVI, theo dự định, được diễn ra vào ngày 24/3/2006, áp Lễ Mẹ Thai Lời, một lễ được Đức Thánh Cha đương kim chọn để phong tước cho tân 15 hồng y.

 

Tuy nhiên, trước ngày Mật Nghị Hồng Y, tức vào ngày 23/3, Thứ Năm, ngài đã chủ tọa một cuộc họp của các hồng y để giải quyết một số những thách đố chính Giáo Hội đang phải đương đầu. Trong cuộc họp được bản th6ong báo của Tòa Thánh cho biết là “một giây phút suy tư và nguyện cầu”, ngài đã xin các vị hồng y nhận định về 3 đề tài đặc biệt quan trọng, đó là: “tình trạng của các vị giám mục hưu trí; rồi vấn đề gây ra Đức TGM Marcel Lefebvre cùng với việc canh tân phụng vụ theo ý muốn của Công Đồng Chung Vaticanô II; và cuối cùng là các vấn đề liên quan tới việc đối thoại giữa Giáo Hội với Hồi Giáo”. Ngoài ra, chính ĐTC còn cho biết là cuộc họp “cũng mở ra cho các đề tài khả dĩ khác nữa”.

 

ĐHY Angelo Sodano, chủ tịch Hồng Y Đoàn, là vị đã mở đầu cuộc họp. ĐHY Giovanni Battista Re, tổng trưởng Thánh Bộ Giám Mục, giải quyết vấn đề thứ nhất. ĐHY Darío Castrillón Hoyos, tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ và chủ tịch Ủy Ban Tòa Thánh ‘Ecclesia Dei’ dẫn giải vấn đề về thành phần theo ĐTGM Lefebvre. Có 20 vị hồng y lên tiếng góp ý vào cuộc họp ban sáng, một cuộc họp được bắt đầu từ 9 giờ 30 tại Synod Hall.

 

Vào cuộc họp ban chiều từ 5 đến 7 giờ tối, được tiếp tục về vấn đề đối thoại với Hồi Giáo, qua các góp ý của ĐHY Francis Arinze, tổng trưởng Thánh Bộ Phượng Tự và chủ tịch hưu trí của Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn. ĐHY Sodano cũng góp ý trong cuộc họp ban chiều này.

 

Mở đầu cho cuộc họp này, ĐHY chủ tịch Hồng Y Đoàn Angelo Sodano, vị chủ tịch thay cho ĐHY Joseph Ratzinger mới nắm giữ chức này ở cuộc mật nghị lần trước, đã nhân danh các vị hồng y hiện diện cám ơn ĐTC về việc mời gọi các vị qui tụ lại trong ngày nguyện cầu này để “liên kết hoạt động hơn nữa trong việc đương đầu với những thách đố về mục vụ của thời hiện đại”.

 

Theo vị hồng y chủ tịch này thì cuộc họp hôm nay “chứng tỏ tầm quan trọng được ĐTC qui cho Hồng Y Đoàn. Về phần mình, chúng ta cần phải trung thành với sứ vụ Giáo Hội mong đợi nơi chúng ta”.

 

Ngoài ra, vị hồng y chủ tịch này còn nhắc lại cách thức các vị hồng y giúp đỡ Đức Giáo Hoàng “cả khi hội họp theo đoàn tính, lẫn khi tác hành theo cá nhân trong Giáo Triều Rôma”. Vị hồng y này cũng nhấn mạnh tới ‘tính cách bổ xung” giữa hai cơ cấu tham vấn trong tay của vị Giáo Hoàng, đó là Thượng Nghị Giám Mục và Hồng Y Đoàn.

 

Cuối cùng vị hồng y đã giới thiệu Đức Thánh Cha về những gì ngài muốn hồng y đoàn bàn tới như sau: “Tâu Đức Thánh Cha, giờ đây xin cho chúng con biết những đề tài Đức Thánh Cha muốn nghe ý kiến của chúng coni và muốn hội kiến. Với tư cách chủ tịch, con xin hân hạnh gửi đến Đức Thánh Cha lời chào sùng mến của tất cả mọi phần tử thuộc Hồng Y Đoàn vắng mặt vì những công vụ khẩn trương hay vì lý do sức khỏe – chẳng hạn như ĐHY Bernardin Gantin, vị chủ tịch hồi hưu – và những vị hiện diện trong tinh thần”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit và VIS phổ biến ngày 23/3/2006

 

 

 

TOP

 

 ?  ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II - VỊ GIÁO HOÀNG “TOTUS TUUS” CỦA “MẸ ĐẤNG CỨU CHUỘC”

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,

Tưởng niệm đầy năm băng hà của Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu

 

(Đây là loạt bài thứ ba tiếp theo hai loạt bài trước: Vị GH của Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnVị GH Vui Mừng và Hy Vọng: 'Đừng Sợ')

 

(tiếp 23 Thứ Năm)

Trong cuốn “Tặng Ân Và Mầu Nhiệm (ấn bản Anh Ngữ, 1996, trang 28-30), ngài tự thuật rằng:

“Khi tôi còn ở Cracow, Debniki, tôi đã gia nhập nhóm ‘Kinh Mân Côi Sống’ thuộc giáo xứ Thánh Salesiô. Tại đây, đặc biệt là lòng tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ở Debrini, ở vào lúc ơn gọi linh mục đang triển nở trong tôi, thì như tôi đã đề cập tới, chịu ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi đã đổi thay việc hiểu biết của mình về lòng tôn sùng Người Mẹ của Thiên Chúa. Tôi vốn đã thâm tín rằng Mẹ Maria là vị dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, thế nhưng, vào lúc ấy, tôi cũng bắt đầu nhận thấy rằng Chúa Kitô dẫn chúng ta tới với Mẹ của Người nữa. Có dạo tôi đã bắt đầu đặt vấn đề về lòng tôn sùng Mẹ Maria, với ý nghĩ rằng, nếu lòng tôn sùng này trở nên quá trớn thì có thể dẫn tới chỗ làm loãng đi tính cách thượng tôn của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô. Bấy giờ, tôi đã được trợ giúp rất nhiều bởi một tác phẩm của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mang tên Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ. Ở đó, tôi đã tìm thấy những giải đáp cho các vấn nạn của tôi. Phải, Mẹ Maria thực sự mang chúng ta lại gần hơn với Chúa Kitô; Mẹ thực sự dẫn chúng ta tới với Người, nếu chúng ta sống mầu nhiệm của Mẹ trong Chúa Kitô. Luận phẩm này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort có thể là một cái gì hơi chướng, vì kiểu cách đánh bóng và kỳ dị của nó, thế nhưng, không thể chối cãi được rằng nó chất chứa những chân lý thần học thiết yếu. Tác giả là một thần học gia nổi tiếng. Tư tưởng về khoa Thánh Mẫu Học của ngài được bắt nguồn từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như mầu nhiệm Nhập Thể của Lời Thiên Chúa…

 

“Đây là nguồn gốc của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu này xuất phát từ Thánh Louis Marie Grignion de Montfort. Nó là hai chữ viết tắt của toàn thể mẫu tận hiến cho Mẹ Thiên Chúa như thế này: Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi Tuum, Maria.

 

“Bởi thế, nhờ Thánh Louis, tôi đã bắt đầu khám phá ra những kho tàng dồi dào của lòng tôn sùng Thánh Mẫu theo các quan điểm mới…”

 

·         Trong Tông Thư về cuốn “Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ

 

Thật vậy, trong Tông Thư đề ngày 8/12/2003 gửi Gia Đình các Hội Dòng do Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) thành lập, nhân dịp kỷ niệm 160 năm xuất bản tác phẩm Thánh mẫu thời danh của vị thánh này, một tác phẩm đã ảnh hưởng sâu xa đến lòng sùng kính Thánh Mẫu của mình, Đức Gioan Phaolô II đã tự thú ở ngay đoạn mở đầu như sau:

 

“Một tác phẩm được viết để làm tác phẩm cổ điển về linh đạo Thánh Mẫu đã được xuất bản cách đây 160 năm trước. Thánh Louis Marie Grignion de Montfort đã viết cuốn Luận Về Lòng Thành Thực Sùng Kính Đức Trinh Nữ vào đầu thế kỷ 18, thế nhưng, trên thực tế, bản thảo đã không được biết đến trên một thế kỷ. Cuối cùng, hầu như là tình cờ, nó đã được tìm thấy vào năm 1842 và xuất bản vào năm 1843, tác phẩm này đạt được thành quả ngay, cho thấy hiệu năng phi thường của việc truyền bá ‘lòng thành thực sùng kính’ đối với Vị Trinh Nữ Rất Thánh này. Chính tôi, trong những năm còn trẻ, đã tìm được hỗ trợ rất nhiều khi đọc tác phẩm này. ‘Tôi đã thấy ở đó những giải đáp cho các vấn nạn của mình’, vì có lúc tôi sợ rằng nếu việc tôi tôn sùng Mẹ Maria ‘trở thành quá đà thì sẽ đi đến chỗ làm tổn thương tới tính cách tối thượng của việc tôn thờ giành cho Chúa Kitô’ (Dono e Mistero, Libreria Editrice Vaticana, 1996; English edition: Gift and Mystery, Paulines Publications Africa, p. 42). Với sự hướng dẫn khôn ngoan của Thánh Louis Marie, tôi đã nhận ra rằng nếu ai sống mầu nhiệm Mẹ Maria trong Chúa Kitô thì không có vấn đề nguy cơ này. Thật thế, tư tưởng Thánh Mẫu của vị Thánh này ‘đã bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và từ sự thật Nhập Thể của Lời Thiên Chúa’ (ibid.).

 

“Từ khi được hạ sinh, nhất là vào những lúc khó khăn nhất của mình, Giáo Hội đã thiết tha chiêm ngưỡng biến cố Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô được Thánh Gioan đề cập tới, đó là: ‘Đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu có Mẹ của Người, và chị của Mẹ Người là Maria, vợ ông Clopas, cùng với Maria Mai Đệ Liên. Khi Chúa Giêsu thấy Mẹ của mình và môn đệ Người yêu đứng gần thì Người nói với Mẹ mình rằng: Hỡi Bà, này là con của bà! Đoạn Người nói với người môn đệ rằng: Này là người mẹ của con! Và từ lúc đó người môn đệ ấy mang Người về nhà mình’ (Jn 19:25-27). Qua giòng lịch sử của mình, Dân Chúa đã cảm nghiệm được tặng ân này của Chúa Giêsu tử giá, đó là tặng ân Mẹ Người. Mẹ Maria Rất Thánh thực sự là Mẹ của chúng ta, vị đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình đức tin, đức cậy và đức mến, tiến tới chỗ càng được hiệp nhất nên một hơn với Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ và là Trung Gian cứu độ duy nhất (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, các số 60, 62).

 

“Như đã quá rõ, cầu vai áo choàng giáo phẩm của tôi cho thấy một cách tượng trưng câu Phúc Âm được trích dẫn trên đây; câu khẩu hiệu Totus tuus là câu được gợi hứng bởi giáo huấn của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (cf. Gift and Mystery, pp. 42-43; Rosarium Virginis Mariae, n. 15). Hai chữ này diễn tả việc hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria: ‘Tuus totus ego sum, et omnia mea tua sunt’, Thánh Montfort đã viết như thế và ngài chuyển dịch sang ngôn từ của mình như sau: ‘Tất cả con là của Chúa, và tất cả những gì con có là của Chúa, Ôi Chúa Giêsu rất dấu yêu, nhờ Mẹ Maria, Người Mẹ rất thánh của Chúa’ (Treatise on True Devotion, n. 233)”.

 

Trong bài giảng cho lễ an táng Đức Gioan Phaolô II tại Quảng Trường Thánh Phêrô, một lễ an táng tràn đầy niềm vui hơn thương tiếc, với những tràng pháo tay vang rền và những lời hoan hô chúc tụng một vĩ nhân thế giới của Giáo Hội Công Giáo vừa vĩnh viễn nằm xuống, Đức Hồng Y chủ tịch Hồng Y Đoàn Joseph Ratzinger đã nhận định về vị mà ngài không ngờ sau bài giảng này 13 ngày (6-19/4/2005) sẽ trở thành vị kế nhiệm của ngài.

 

“Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

?   ĐTC Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Hội Nghị Quốc Tế tại Hall of Blessings ngày 11/3/2006 Nhân Dịp 40 Năm Sắc Lệnh Về Truyền Giáo ‘Ad Gentes – Cho Muôn Dân’

Quí Hồng Y,

Chư Huynh Khả Kính trong Hàng Giáo Phẩm và Linh Mục,

Anh Chị Em thân mến,

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em tham dự Hội Nghị Quốc Tế được Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Chư Dân và Đại Học Tòa Thánh Urban nhân dịp 40 năm kỷ niệm Sắc Lệnh Ad Gentes của Công Đồng Chung Vaticanô II.

Trước hết tôi xin chào ĐHY Crescenzio Sepe, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm Hóa Chư Dân, và cám ơn ngài về những gì ngài ngỏ cùng tôi thay cho anh chị em. Tôi xin chào các vị Giám Mục và linh mục hiện diện nơi đây cùng tất cả những ai tham dự vào hội nghị này, một hội nghị hợp thời hơn bao giờ hết trong việc đáp ứng với nhu cầu cần phải tiếp tục đào sâu kiến thức về các giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticanô II, hầu thể hiện cái quyền năng mãnh liệt được khóa họp Công Đồng này mang lại cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội.

Thật vậy, việc chuẩn nhận bản Sắc Lệnh Ad Gentes ngày 7/12/1965 này đã mang lại một tác lực mới cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Các cơ sở về thần học của việc dấn thân truyền giáo đã được rõ ràng nêu lên, cùng với giá trị và tính cách hợp thời của nó trước những đổi thay trên thế giới cũng như những thách đố của đời sống tân tiến đối với việc rao giảng Phúc Âm (x đoạn 1).

Giáo Hội đã có được một nhận thức rõ ràng hơn bao giờ hết về ơn gọi truyền giáo bẩm sinh của mình, khi nhìn nhận nó là yếu tố làm nên chính bản tính của mình.

Vì tuân theo lệnh truyền của Chúa Kitô, Đấng đã sai các môn đệ đi rao giảng Phúc Âm cho tất cả mọi dân nước (x Mt 28:18-20), cộng đồng Kitô hữu trong thời đại của chúng ta nữa cũng cảm thấy mình được sai đi đến với những con người nam nữ của đệ tam thiên niên, để làm cho họ quen thuộc với sự thật của sứ điệp Phúc Âm, nhờ đó giúp họ có thể tiến vào con đường cứu độ.

Và điều này, như tôi đã nói, không phải là một chọn lựa mà là một ơn gọi xứng hợp với Dân Chúa, một nhiệm vụ được úy thác cho Dân Chúa bởi lệnh truyền của chính Chúa Giêsu Kitô (x Evangelii Nuntiandi, đoạn 5).

Thật ra việc loan báo và làm chứng cho Phúc Âm là việc phục vụ tiên khởi Kitô hữu có thể mang đến cho hết mọi người cũng như cho toàn thể nhân loại, thành phần Kitô hữu được kêu gọi để truyền đạt cho tất cả mọi người tình yêu của Thiên Chúa đã được hoàn toàn tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của thế giới.

Việc ban hành Sắc Lệnh Ad Gentes của Công Đồng mà anh chị em đã giành ra để suy niệm này đã đề cao hơn nữa căn gốc nguyên thủy nơi sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, tức là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, mạch nguồn được các Ngôi Vị Thần Linh tuôn đổ tác động yêu thương xuống trên nhân loại. Tất cả đều xuất phát từ Trái Tim của Chúa Cha trên trời, Đấng đã quá yêu thương thế gian đến ban Người Con Duy Nhất của mình để những ai tin vào Con thì không bị chết song được sự sống đời đời (x Jn 3:16).

Với mầu nhiệm Nhập Thể, Người Con Duy Nhất này đã trở thành Vị Trung Gian đích thực và tối cao giữa Chúa Cha và con người nam nữ. Nơi Đấng đã chết đi và sống lại, niềm trìu mến quan phòng của Chúa Cha vươn tới hết mọi người qua các hình thức và đường lối chỉ có Ngài biết mà thôi.

Phận sự của Giáo Hội là thông truyền tình yêu thần linh này ra không ngừng qua hành động sống động của Thánh Linh. Thật vậy, Thần Linh chính là Đấng biến đổi đời sống của người tín hữu, giải thoát họ khỏi tình trạng làm tôi cho tội lỗi và sự chết, khiến họ có thể làm chứng cho tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng muốn làm cho nhân loại trở thành một gia đình duy nhất nơi Con của Ngài (x Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, đoạn 19).

Ngay từ đầu, Dân Kitô Giáo đã rõ ràng thấy được tầm quan trọng của việc chia sẻ những kho tàng của tình yêu thương này với những ai chưa biết Chúa Kitô, bằng hoạt động truyền giáo liên lỉ.

Nhu cầu cần phải tái khẳng định việc dấn thân này đã được cảm thấy thậm chí mãnh liệt hơn trong những năm gần đây, vì ở giai đoạn tân tiến này, như Vị Tiền Nhiệm yêu dấu Gioan Phaolô II của tôi đã nhận định, the mission ad gentes – truyền giáo cho muôn dân đôi khi đã dường như bị trì trệ bởi những khó khăn vì các đổi thay nơi những bối cảnh về nhân loại học, văn hóa, xã hội và tôn giáo của nhân loại.

Ngày nay, Giáo Hội được kêu gọi để đương đầu với những thách đố mới và để sẵn sàng đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo khác, cùng với thành phần thiện tâm tìm cách xây dựng việc đồng chung sống giữa các dân tộc.

Như thế, lãnh vực mission ad gentes – truyền giáo cho muôn dân được vươn rộng một cách đáng kể và không thể được ấn định chỉ nguyên về địa dư hay luật lệ; thật vậy, hoạt động truyền giáo của Dân Chúa không phải chỉ có ý nhắm tới các dân tộc không phải Kitô Giáo và những miền đất xa vắng, mà trước hết nhắm đến các môi trường và trung tâm về xã hội và văn hóa.

Việc thực thi lệnh truyền này một cách trung thành đòi phải nhẫn nại và nhìn xa trông rộng, can đảm và khiêm nhu, lắng nghe Lời Chúa và ý thức được ‘các dấu chỉ thời đại’. Sắc lệnh ‘Ad Gentes – cho muôn dân’ của Công Đồng này cho thấy việc Giáo Hội ý thức là, để ‘những gì Chúa Kitô hoàn tất cho phần rỗi của tất cả mọi người, qua giòng thời gian, có thể đạt được thành quả đại đồng (đoạn 3), cần phải đi con đường như Chúa Kitô đã đi, con đường dẫn đến cái chết trên cây thập tự giá.

Thật thế, hoạt động truyền bá phúc âm hóa “cần phải bước đi con đường được chính Chúa Kitô bước đi, con đường nghèo khó và tuân phục, con đường phục vụ và tự hiến cho tới chết, một cái chết từ đó Người trở thành vinh thắng… (ibid đoạn 5). Phải! Giáo Hội được kêu gọi để phục vụ nhân loại trong thời đại của chúng ta, bằng việc tin tưởng vào một mình Chúa Kitô, khi để cho Giáo Hội được Lời Ngài soi chiếu và bắt chước Người trong việc quảng đại tự hiến mình cho anh em. Giáo Hội là một dụng cụ trong tay Người, chính vì thế Giáo Hội làm những gì có thể, ý thức rằng Đấng làm hết mọi sự là Chúa.

Anh chị em thân mến, cám ơn anh chị em về những suy tư anh chị em đã khai triển trong những ngày này, đào sâu kiến thức của anh chị em về nội dung và cung cách của hoạt động truyền giáo trong thời đại của chúng ta, và suy nghĩ đặc biệt tới việc làm sáng tỏ vai trò thần học, một vai trò cũng đào sâu một cách có phương pháp về các khía cạnh khác nhau của việc Giáo Hội truyền giáo.

Nhờ việc góp phần của tất cả mọi Kitô hữu, việc loan báo Phúc Âm chắc chắn sẽ là những gì khả thức  và hiệu quả hơn bao giờ hết. Xin Mẹ Maria, Minh Tinh Truyền Bá Phúc Âm Hóa, hỗ trợ và nâng đỡ những ai ở nhiều miền đất trên thế giới đang hoạt động ở tiền tuyến Truyền Giáo.

Về vấn đề này, làm sao người ta quên được những vị, cả các vị mới đây nữa, đã hiến mạng sống mình vì Phúc Âm? Chớ gì việc hy sinh của các vị đạt được một mùa xuân mới, phong phú nơi hoa trái tông đồ cho việc truyền bá phúc âm hóa. Chúng ta hãy cầu nguyện cho vấn đề này, ký thác cho Chúa tất cả những ai làm việc qua những đường lối khác nhau ở đại vườn nho của Chúa.

Với những cảm thức ấy, tôi ban Phép Lành Tòa Thánh cho anh chị em đang hiện diện nơi đây, và tôi thân ái gửi phép lành Tòa Thánh cho các người thân yêu của anh chị em, cũng như cho các Cộng Đồng Giáo Hội anh chị em thuộc về.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/march/documents/hf_ben-xvi_spe_20060311_ad-gentes_en.html

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ