GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 19/4/2006

 BÁT NHẬT PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Đêm Lễ Vọng Phục Sinh 16/4/2006 về Ý Nghĩa Phục Sinh đối với đời sống tu đức Kitô Giáo

?  Mặt Trời Khổ Ải” (De Labore Solis): Đức Gioan Phaolô II - Vinh Quang Oliu” (Gloria Olivae): Giáo Hoàng Biển Đức XVI

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II (tiếp)

 

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Bài Giảng Đêm Lễ Vọng Phục Sinh 16/4/2006 về Ý Nghĩa Phục Sinh đối với đời sống tu đức Kitô Giáo

 

‘Các người tìm kiếm Giêsu Nazarét, Đấng đã chịu đóng đanh. Người đã sống lại rồi, Người không còn đây’ (Mk 16:6). Rạng ngời ánh sáng, sứ thần của Thiên Chúa đã nói những lời ấy với những người phụ nữ bấy giờ đang tìm kiếm thân xác của Chúa Giêsu trong mồ. Thế nhưng, Thánh Ký cũng nói những lời ấy với chúng ta vào đêm hôm nay đây: Chúa Giêsu không phải là một nhân vật trong quá khứ. Người đang sống và bước đi trước chúng ta như một vị đang sống, kêu gọi chúng ta theo Người, Đấng hằng sống, nhờ đó khám phá ra cho chính bản thân chúng ta con đường sự sống.

 

‘Người đã sống lại, Người không còn đây’. Khi Chúa Giêsu lần đầu tiên nói với các môn đệ về thập giá và phục sinh, lúc thày trò xuống Núi Biến Hình, các vị đã ngẫm nghĩ rằng ‘sống lại từ kẻ chết’ nghĩa là gì (Mk 9:10).

 

Chúng ta hân hoan mừng Phục Sinh vì Chúa Kitô không còn ở trong mồ, thân xác của Người không bị hư hoại; Người thuộc về thế giới của người sống chứ không thế giới của kẻ chết; chúng ta hân hoan vì Người là Alpha cũng là Omega, như chúng ta công bố trong nghi thức nến phục sinh; Người sống không những là hôm qua mà còn hôm nay và vĩnh hằng nữa (x Heb 13:8). Thế nhưng, dầu sao Việc Phục Sinh cũng ở một vị thế rất xa vời với chân trời của chúng ta, vượt ra ngoài tất cả mọi cảm nghiệm của chúng ta, để rồi, trở về với chính mình, chúng ta thấy mình tiếp tục lập luận của các vị môn đệ: ‘việc sống lại’ này thật sự ở tại những gì? Nó có nghĩa gì đối với chúng ta, với toàn thế giới và với tất cả lịch sử?

 

Một thần học gia Đức quốc đã có lần nói mỉa mai rằng phép lạ về một thi thể hồi sinh – nếu thực sự xẩy ra như thế thì ông ta cũng quả tình chẳng tin – sẽ là một cái gì đó hoàn toàn không liên hệ gì hết, chính vì nó chẳng có liên quan tới chúng ta. Đúng vậy, nếu vấn đề chỉ đơn giản là có ai đó hồi sinh, ngoài ra chẳng còn gì hơn thế nữa, thì cần gì chúng ta phải quan tâm tới điều ấy chứ?

 

Thế nhưng vấn đề ở đây là việc phục sinh của Chúa Kitô có một cái gì đó còn hơn thế nữa, có một cái gì đó khác hơn thế nữa. Nếu chúng ta vay mượn ngôn từ của thuyết tiến hóa thì nó là ‘thứ biến đổi’ vĩ đại nhất, hoàn toàn là những gì nhẩy vọt quan trọng nhất tới một chiều kích hoàn toàn mới mẻ chưa bao giờ có trong lịch sử sự sống và sự phát triển của sự sống, đó là một cái nhẩy vọt tới một trật tự hoàn toàn mới làm cho chúng ta phải quan tâm và liên quan tới tất cả lịch sử.

 

Vấn đề luận giải này, vấn đề luận giải được bắt đầu từ các vị môn đệ, do đó bao gồm những vấn nạn sau đây: Những gì đã xẩy ra ở đó? Đối với chúng ta, với toàn thế giới và với riêng bản thân tôi đây có nghĩa là gì? Trước hết là vấn đề cái gì đã xẩy ra? Đó là vấn đề Chúa Giêsu không còn ở trong mồ. Người hoàn toàn ở trong một sự sống mới. Thế nhưng làm sao điều ấy có thể xẩy ra được? Năng lực nào đã tác động vào việc này? Vấn đề chính yếu là ở chỗ không phải chỉ có một mình con người Giêsu này, Người không phải là một ‘cái tôi’ đơn độc. Người là một thực tại đặc thù duy nhất với Thiên Chúa hằng sống, bởi vậy Người hiệp nhất với Ngài để làm nên một ngôi vị duy nhất với Ngài.

 

Có thể nói Người thấy mình gắn bó kết liên với Đấng là chính sự sống, một kết liên gắn bó chẳng những ở mức độ cảm xúc mà còn là một liên kết gắn bó bao gồm và thấu nhập hữu thể của Người. Sự sống riêng của Người không phải chỉ là của riêng Người mà là một sự sống hiệp thông với Thiên Chúa, ‘một hữu thể được nhập’ vào Thiên Chúa, nhờ đó, sự sống của Người thực sự không thể bị lấy đi khỏi Người.

 

Vì yêu thương, Người có thể để cho mình bị sát hại, thế nhưng, chính vì làm như thế mà Người đã vĩnh viễn tiêu diệt sự chết, vì nơi Người là sự sống vĩnh viễn. Người là một thực tại đặc thù duy nhất có sự sống bất diệt, ở chỗ nó bung tỏa ra một cách mới mẻ qua sự chết. Một lần nữa chúng ta hãy nói lên điều này theo một khía cạnh khác. Đó là cái chết của Người là một tác động của yêu thương. Tại Bữa Tiệc Ly, Người đã nói trước tới cái chết của mình và đã biến nó thành việc trao hiến thân mình.

 

Mối hiệp thông sự sống của Người với Thiên Chúa là một mối hiệp thông sự sống một cách cụ thể với tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu này là một quyền năng thực sự chống lại sự chết, nó mạnh hơn cả sự chết. Phục Sinh giống như một cuộc bung tỏa của ánh sáng, một bừng nở của yêu thương làm tan biến đi cái thẩm thấu bất khả tan biến giữa ‘chết chóc và thành nên’. Nó dẫn đến một chiều kích mới của hữu thể, một chiều kích mới của sự sống, một chiều kích mà, theo một đường lối được biến đổi mới mẻ, cả vật chất nữa cũng được hội nhập vào, và là một chiều kích làm hiện lên một thế giới mới.

 

Tất nhiên biến cố này không phải chỉ là một thứ phép lạ nào đó trong quá khứ, một biến cố hoàn toàn chẳng có liên hệ gì tới chúng ta. Nó là một bước nhẫy vọt về phẩm chất trong lịch sử ‘tiến hóa’ và lịch sử sự sống nói chung hường về một sự sống mới trong tương lai, về một thế giới mới là thế giới, bắt đầu từ Chúa Kitô, đã liên tục thẩm thấu vào thế giới của chúng ta, biến đổi thế giới ấy và thu hút thế giới này đến với chính nó. Thế nhưng làm thế nào điều ấy có thể xẩy ra được? Làm thế nào biến cố này hiệu nghiệm vươn chạm tới tôi và lôi kéo đời sống của tôi lên tới nó đây?

 

Câu trả lời, có lẽ trước hết là câu trả lời gây ngạc nhiên song đích thực, đó là: Biến cố này đến với tôi nhờ đức tin và phép rửa. Đó là lý do phép rửa là một phần của Lễ Vọng Phục Sinh, như chúng ta rõ ràng thấy được nơi cuộc cử hành của chúng ta hôm nay đây, khi các bí tích nhập môn Kitô Giáo được ban cho một nhóm người lớn thuộc các quốc gia khác nhau. Phép rửa chính thực nhắm đến điều ấy, tức là chúng ta không liên hệ với một biến cố trong quá khứ mà là một bước nhẩy vọt về phẩm chất trong lịch sử thế giới tới tôi, chiếm lấy tôi để kéo tôi lại. Phép Rửa là những gì hoàn toàn khác với một tác động xã hội hóa giáo hội, khác với một nghi thức hơi thời thượng và phức tạp trong việc nhận lãnh người ta vào Giáo Hội. Nó cũng không phải chỉ là một việc thuần túy tẩy rửa, chỉ là một thứ thanh tẩy và kiều diễm hóa linh hồn con người. Nó thực sự là chết đi và sống lại, là việc tái sinh, là việc biến đổi thành một sự sống mới.

 

Làm sao chúng ta có thể hiểu được điều ấy? Tôi nghĩ rằng những gì xẩy ra nơi Phép Rửa có thể được giải thích dễ dàng hơn cho chúng ta hiểu nếu chúng ta để ý tới phần cuối cùng của đoạn tự thuật về đời sống thiêng liêng ngắn ngủi Thánh Phaolô bày tỏ cho chúng ta biết trong Bức Thư ngài gửi cho Giáo Đoàn galata. Những lời kết thúc của đoạn này chứa đựng cái tâm điểm của đoạn tự thuật ấy: ‘Không phải là tôi sống nữa mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (2:20). Tôi sống song không phải là tôi sống. Cái ‘tôi’, cái căn tính chính yếu của con người – cái căn tính của con người Phaolô này – đã được thay đổi. Ngài vẫn hiện hữu nay song ngài không còn sống nữa. Ngài đã vượt qua cái ‘không’ để giờ đây ngài gặp lại bản thân mình một cách liên tục nơi cái ‘không’ ấy: Tôi, nhưng không phải là tôi. Với những lời ấy, Thánh Phaolô đã không diễn tả một cảm nghiệm thần bí, một cảm nghiệm có lẽ đã được ban cho ngài, và là một cảm nghiệm một cách nào đó có thể gây cho chúng ta chú ý theo quan điểm lịch sử. Không phải thế, câu này là một lời diễn tả về những gì đã xẩy ra nơi phép rửa.

 

Cái ‘tôi’ được lấy đi khỏi tôi và được tháp nhập vào một chủ thể mới và cao cả hơn. Điều ấy có nghĩa là việc trở lại của cái ‘tôi’, nhưng bấy giờ nó đã được biến đổi, được thanh tẩy, được cởi mở nhờ được tháp nhập vào một cái tôi khác, nơi Người nó chiếm được tầm mức hiện hữu bao rộng mới mẻ của nó. Thánh Phaolô còn giải thích điều này một lần nữa cho chúng ta hiểu theo một khía cạnh khác, ở đoạn thứ ba của Bức Thư gửi Giáo Đoàn Galata, chỗ ngài nói về ‘lời hứa’, một lời hứa được ngỏ cùng một cá nhân – cùng một ngôi vị, đó là cùng Chúa Kitô. Chỉ có duy một mình Người mới mang trong Người tất cả ‘lời hứa’ ấy. Thế thì những gì xẩy ra cho chúng ta đây? Thánh Phaolô trả lời: Anh em đã trở nên một với Chúa Kitô (x 3:28). Không phải chỉ là một điều duy nhất, mà là một, duy một, một chủ thể mới duy nhất đặc thù.

 

Việc giải phóng cái ‘tôi’ này của chúng ta khỏi tình trạng cô lập của nó, cái tôi được tìm thấy này nơi một chủ thể mới nghĩa là việc tìm thấy mình trong cái vĩ đại của Thiên Chúa và được thu hút vào một sự sống bấy giờ đã được vượt ra ngoài giới hạn của ‘chất chóc và thành nên’. Cái đại bùng nổ này của Phục Sinh đã chiếm lấy chúng ta nơi phép rửa để tiếp tục lôi kéo chúng ta lại. Nhờ đó, chúng ta được liên kết với một chiều kích mới của sự sống là chiều kích, cho dù giữa những khổ ải của thời đại chúng ta đây, chúng ta cũng đã được tham phần với nó một cách nào đó. Sống sự sống riêng của mình như một việc liên tục tiến vào khoảng trống ấy: đó là ý nghĩa của việc lãnh nhận phép rửa, của việc làm Kitô hữu. Đó là niềm vui của Lễ Vọng Phục Sinh.

 

Phục Sinh không phải là một điều gì đó trong quá khứ, Phục Sinh đã vươn tới chúng ta và đã chiếm đoạt chúng ta. Chúng ta được chiếm hữu bởi Phục Sinh, chúng ta được Chúa Kitô phục sinh chiếm hữu, và chúng ta biết rằng Người chiếm lấy chúng ta một cách mạnh mẽ, cho dù bàn tay chúng ta có trở nên yếu nhược. Chúng ta nắm lấy tay của Người, nhờ đó chúng ta cũng nắm lấy tay nhau, và chúng ta trở thành một chủ thể duy nhất, chứ không phải là một vật duy nhất. Tôi song không còn là tôi: Đó là công thức của đời sống Kitô hữu được bắt nguồn từ phép rửa, một công thức Phục Sinh trong thời gian. Tôi không còn là tôi: Nếu chúng ta sống như thế, chúng ta biển đổi thế giới này. Nó là một công thức phản ngược lại với tất cả mọi ý hệ bạo lực, nó là một dự án nghịch lại với tình trạng băng hoại cũng như với tham muốn quyền lực và sở hữu.

 

‘Thày sống và các con cũng sẽ sống’, Chúa Giêsu đã nói như thế trong Phúc Âm Thánh Gioan (14:19) với các môn đệ, tức là với chúng ta. Chúng ta sẽ sống nhờ mối hiệp thông hiện hữu của chúng ta với Người, nhờ được tháp nhập vào Người, Đấng là chính sự sống. Sự sống trường sinh, sự bất tử diễm phúc, chúng ta không tự mình có được hay có được nơi bản thân mình, mà là nhờ một mối liên hệ – nhờ mối hiệp thông hiện hữu với Người, Đấng là sự thật và là tình yêu, nên là trường sinh vĩng cửu: là chính Thiên Chúa. Tính chất bất khả hoại thuần túy của linh hồn tự mình không có nghĩa gì đối với sự sống trường sinh cả. Nó không thể làm cho nó trở thành một sự sống thực sự. Sự sống đến với chúng ta vì chúng ta được yêu thương bởi Đấng là sự sống; nó đến với chúng ta từ việc sống với Người và yêu mến Người. Tôi song không còn là tôi: Đó là con đường thánh giá, con đường ‘vượt qua’ một sự sống chỉ biết khép kín với cái tôi, nhờ đó mở ra con đường hướng tới niềm vui chân thực và bền vững.

 

Như thế, cùng với Giáo Hội, chúng ta có thể tràn đầy vui mừng hát lên những lời của Bài Thăng Ca: ‘Hãy hát lên, hơi các ca đoàn thiên thần… hãy hân hoan Ôi trái đất!’ Phục Sinh là một biến cố vũ trụ, một biến cố bao gồm trời đất và liên kết chúng lại với nhau. Cũng bằng những lời của Bài Thăng Ca, chúng ta có thể công bố rằng: ‘Chúa Kitô… Đấng từ cõi chết sống lại và chiếu tỏa ánh sáng an bình của Người cho toàn thể nhân loại, Người là Con của Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời muôn kiếp’. Amen!


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/4/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Mặt Trời Khổ Ải” (De Labore Solis): Đức Gioan Phaolô II - Vinh Quang Oliu” (Gloria Olivae): Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, viết cho ngày kỷ niệm đầy năm 19/4/2005-2006 vị tân Giáo Hoàng được tuyển bầu 

 

Vào đầu tháng 4 năm ngoái 2005, tức vào ngày Thứ Bảy 2/4, cả thế giới đã chứng kiến thấy cảnh một vị Giáo Hoàng đi khắp thế giới qua 104 chuyến tông du của mình vĩnh viễn nằm xuống ở vào tuổi gần 85, sau 26 năm rưỡi làm giáo hoàng, và sau mấy tháng cuối đời bị kịch bệnh. Sau đó, vào Thứ Sáu 8/4, chỉ một tuần lễ sau, thế giới đã chứng kiến thấy một lễ an táng vĩ đại chưa từng thấy, đông đảo chưa từng thấy và nhất là vui tươi hớn hở chưa từng thấy, tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Thế rồi, vào ngày Thứ Hai 18/4 sau đó 10 ngày, thế giới hồi hộp theo dõi Mật Nghị Hồng Y bầu tân giáo hoàng. Chỉ sau một ngày, tức vào chiều ngày 19/4, thế giới đã ngỡ ngàng sửng sốt thấy một vị hồng y già lão có vẻ rất truyền thống và nghiêm ngặt được bầu làm Giáo Hoàng, đó là đức hồng y Đức quốc Joseph Ratzinger, 78 tuổi. Nhưng dù có bị thế giới truyền thông và trí thức Công Giáo lên tiếng mỉa mai chỉ trích đủ thứ với những giọng điệu đầy tiêu cực và yếm thế, vị tân Giáo Hoàng cũng đã chính thức đăng quang vào Chúa Nhật 24/4.

 

Sau mấy tháng làm giáo hoàng của vị thừa kế Đức Gioan Phaolô II, truyền thông vốn ồn ào về vị tân giáo hoàng này đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước những gì ngài âm thầm làm, và làm một cách không thể ngờ được. Chẳng hạn, nếu danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức được ngài chọn đã làm riêng Giáo Hội và chung thế giới lấy làm lạ lùng thế nào, thì việc ngài ban hành bức thông điệp đầu tay của ngài vào ngày 25/1/2006, Lễ Thánh Phaolô trở lại, một bức thông điệp hầu như lạc đề trước một thế giới đầy những vấn đề nóng bỏng về luân lý, cũng làm cho người ta cảm thấy nơi ngài hình như có một cái gì đó khác thường. Thế giới truyền thông như bị tẩu hỏa nhập ma không biết nói sao về ngài nữa. Thật ra, nếu họ biết chú ý tới dấu chỉ thời đại, họ sẽ thấy ngài và vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II có một mối liên hệ chặt chẽ thiên định liên quan tới vận mệnh thế giới.

 

Thật vậy, Nhị Vị Giáo Hoàng của chúng ta là Gioan Phaolô II và Biển Đức XVI có một mối liên hệ sâu xa theo Quan Phòng Thần Linh liên quan đến lịch sử thế giới hiện đại. Theo sấm truyền nổi tiếng (được phổ biến từ năm 1559) của vị Thánh Tổng Giám Mục Ái Nhĩ Lan được gọi là tiên tri Malachy (1095-1148) thì sau Đức Gioan Phaolô I, làm Giáo Hoàng 33 ngày, vị Giáo Hoàng được tiêu biểu như “nửa vầng trăng” (De Medietate Lunae), chỉ còn 3 đời giáo hoàng nữa là tới ngày cùng tháng tận của thế giới.

 

Vậy phải chăng Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đã đạt tới tột đỉnh vinh quang trong lịch sử Giáo Hội cũng là vị Giáo Hoàng bị ám sát hụt và chết một cách hết sức đớn đau, là “Mặt Trời Khổ Ải” (De Labore Solis), và Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị chủ trương ưu tiên thực hiện Đại Kết Kitô Giáo và Hòa Bình Thế Giới, là “Vinh Quang Oliu” (Gloria Olivae)?

 

Nếu Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng xuất thân từ một nước Cộng Sản Balan đã được bất ngờ sai đến để làm Bức Tường Bá Linh ở Đức tiêu biểu cho cuộc phân rẽ Âu Châu sụp đổ, thì phải chăng Giáo Hoàng Biển Đức XVI, vị Giáo Hoàng xuất thân từ Đức Quốc, một quốc gia đã gây ra 2 Thế Chiến ở Âu Châu trong thế kỷ 20, cũng là một nước đã xuất phát phong trào Thệ Phản Tin Lành từ thế kỷ 16, cũng được sai đến cho một Âu Châu Hiệp Nhất bằng cuộc Đại Kết của Kitô Giáo?

 

Năm 2017, 11 năm nữa, thời điểm kỷ niệm đúng 500 năm Phong Trào Thệ Phản Tin Lành, cũng đúng là năm kỷ niệm 100 năm Biến Cố Fatima, phải chăng chỉ là một trùng hợp ngẫu nhiên?

 

Nếu Bí Mật Fatima phần thứ ba tiết lộ cho biết là Vị Giáo Hoàng bị bắn chết, mà Đức Gioan Phaolô II bị bắn ngày 13/5/1981 song không chết, thì phải chăng vị Giáo Hoàng cuối cùng được sấm truyền Malachy tiên báo là “Phêrô Người Rôma” (Petrus Romanus) sẽ là vị Giáo Hoàng của Bí Mật Fatima phần thứ ba này?

 

Theo lịch sử, chúng ta thấy Nhị Vị của chúng ta có ít là 5 điểm tương dị sau đây:

 

1.      Đức Gioan Phaolô II là triết gia về nhân bản ngôi vị, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI là một thần học gia về Giáo Hội hiệp thông (nhận định này được chứng thực qua những tâm tưởng của ngài, như trong bài ‘Khoa Giáo Hội Học Hiệp Thông của Công Đồng Chung Vaticanô II’, được phổ biến trong cuốn ‘Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Vị Giáo Hoàng của Đại Kết Kitô Giáo và Cho Một Tân Âu Châu’, Cao-Bùi 2005, phần I, chương 4, trang 62-88; cũng như trong loạt bài giáo lý vào các ngày Thứ Tư hằng tuần, bắt đầu từ ngày 15/3/2006, về chủ đề mối liên hệ giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, nhất là bài thứ ba ngày 29/3/2006 về chính vấn đề hiệp thông của Giáo Hội)

 

2.      Đức Gioan Phaolô II thiên về mục vụ, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI thiên về giảng dạy;

 

3.      Đức Gioan Phaolô II thuộc về một quốc gia bị trị là Balan, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuộc về một quốc gia thống trị là Đức Quốc;

 

4.      Đức Gioan Phaolô II lên làm giáo hoàng khi còn trẻ với tuổi đời 58, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI lên làm giáo hoàng khi đã lão thành với tuổi đời 78;

 

5.      Đức Gioan Phaolô II nhận danh hiệu giáo hoàng mới mẻ hợp thời, còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI nhận danh hiệu cổ kính xa xưa.

 

Tuy nhiên, nhị vị Giáo Hoàng của chúng ta đây đều có liên quan tới Fatima, một vị hiển nhiên và một vị mặc nhiên. Vị hiển nhiên liên quan tới Fatima đây chính là Đức Gioan Phaolô II, vì ngài chẳng những đã bị ám sát vào ngày 13/5/1981, ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần đầu tiên, mà còn sau đó đã thi hành điều trời cao yêu cầu là hiệp cùng hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Ngoài ra, chính ngài đã cho công bố Bí Mật Fatima phần thứ ba.

 

Còn Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã mặc nhiên liên quan tới Fatima qua các sự kiện sau đây: trước hết, ngài đã được đọc Bí Mật Fatima phần thứ ba khi mới làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, như ngài tiết lộ cho biết trong cuốn Ratzinger’s Report, (trang 109), nhưng ngài không tiết lộ nội dung và cho biết lý do tại sao Đức Thánh Cha không tiết lộ (trang 110); sau nữa, vì chính ngài, với vai trò làm Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã viết lời dẫn giải phần Bí Mật Fatima thứ ba này trước khi nó được chính thức công bố ngày 26/6/2000; chưa hết, vì ngài lấy danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức XVI giống như vị Giáo Hoàng Biển Đức XV phục vụ Giáo Hội vào Thời Điểm Fatima mở màn; sau hết, vì ngài đã có một nhận thức Thánh Mẫu, rất hợp với linh cảm của chị Lucia, vị thụ khải Fatima đã viết Bí Mật Fatima và chú giải thêm là chỉ nên tiết lộ bí mật này sau năm 1960, tức chỉ nên tiết lộ vào thời điểm Công Đồng Chung Vaticanô II là công đồng chẳng những đề cao Mẹ (bằng cách giành hẳn 1 chương VIII cho Mẹ) trong Hiến Chế Tín Lý “Ánh Sáng Muôn Dân” về Giáo Hội, mà còn tuyên tụng Mẹ là Mẹ Giáo Hội khi công bố hiến chế chính yếu của công đồng này nữa.

 

Nếu Công Đồng Chung Vaticanô II, trong 16 văn kiện, có 4 văn kiện có một giá trị giáo huấn cao nhất là 4 Hiến Chế: Hiến Chế về Phụng Vụ “Thánh Công Đồng - Sacrosanctum Concilium” ban hành ngày 4/12/1963, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân – Lumen Gentium” ban hành ngày 21/11/1964, Hiến Chế về Mạc Khải “Lời Chúa - Dei Verbum” ban hành ngày 18/11/1965, và Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng – Gaudium Et Spes” ban hành ngày 7/12/1965, thì Đức Phaolô VI liên quan tới Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội “Vui Mừng Và Hy Vọng”, và Vị Giáo Hoàng Biển Đức liên quan tới hai Hiến Chế còn lại là Hiến Chế về Phụng Vụ và Hiến Chế về Lời Chúa.

 

Đức Phaolô VI liên quan đến Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội ‘Ánh Sáng Muôn Dân’, vì ngài là vị Giáo Hoàng chủ sự Công Đồng về Giáo Hội và chính ngài ban bố hiến chế này ngày 21/11/1964; ngoài ra ngài còn ban bức thông điệp đầu tiên của ngài về ‘Giáo Hội của Người’ (Ecclesiam Suam) ngày Lễ Chúa Biến Hình 6/8/1964, và ngài cũng qua đời vào chính ngày Lễ Chúa Hiển Sáng này năm 1978.

 

Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội ‘Vui Mừng Và Hy Vọng’, vì ít là 8 lý do sau đây: thứ nhất, ngài là một triết gia nhân bản; thứ hai, ngài xuất thân từ một quốc gia Balan bị trị bởi hai chế độ độc quyền ngoại bang là Nazi Đức Quốc và Cộng Sản Liên Sô thời Thế Chiến Thứ Hai; thứ ba, ngài ở trong ủy ban soạn thảo chính Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội này; thứ bốn, ngài đã kêu gọi con người trong bài giảng Lễ Đăng Quang 22/10/1978 là ‘Đừng Sợ, Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô’; thứ năm, ngài ban bố Thông Điệp ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần’ ngày 4/3/1979 để cho con người thấy rằng Người đã Vị Cứu Tinh duy nhất có thể cứu họ khỏi lo âu và sợ hãi bị tự diệt; thứ sáu, ngài cử hành Đại Năm Thánh 2000 để sửa soạn cho Giáo Hội tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô Giáo một cách ‘duc in altum – nước sâu thả lưới’ cho một mùa xuân mới của lịch sử loài người; thứ bảy, ngài tích cực hoạt động và giảng dạy cho công lý và hòa bình, nhất là thực hiện 104 chuyến tông du khắp thế giới, để củng cố đức tin Kitô Giáo, đối thoại liên tôn và cổ võ nền ‘văn hóa sự sống’ khắp nơi (thành ngữ nổi tiếng của ngài nay đã trở thành phổ thông khắp thế giới); thứ tám, ngài để lại cho thế giới tác phẩm ‘Hồi Niệm Và Căn Tính’ trước khi qua đời 1 tháng rưỡi (phát hành ngày 22/2/2005), cùng với tác phẩm ‘Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng’ năm 1994, để giúp con người giác ngộ trở về nguồn sống thần linh của mình. 

 

Sở dĩ Vị Giáo Hoàng Biển Đức XVI có liên quan tới hai Hiến Chế này là vì chủ trương ưu tiên hàng đầu của giáo triều ngài là vấn đề đại kết Kitô giáo, một vấn đề lại có liên quan đến cả hai Hiến Chế Phụng Vụ lẫn Lời Chúa này: Phụng Vụ thì liên quan tới các Giáo Hội Chính Thống là những Giáo Hội Đông Phương đã tách rời Giáo Hội Công Giáo Rôma từ thế kỷ 11, năm 1054, những Giáo Hội theo những truyền thống lễ nghi phụng vụ khác nhau; Lời Chúa thì liên quan tới các cộng đồng giáo hội thuộc Phong Trào Cải Cách được Việt Nam gọi là anh chị em Tin Lành, một phong trào bắt đầu từ đầu thế kỷ 16, năm 1517, một phong trào chủ trương sola scriptura – chỉ duy có Thánh Kinh, chỉ có Lời Chúa mà thôi, ngoài ra không có Thánh Truyền hay Huấn Quyền Giáo Hội gì hết.

 

Sự kiện ngài ban hành bức Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình vào Ngày Kết Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo không phải là một dấu chỉ thời đại cho thấy Kitô hữu cần phải trở về với căn tính đức ái trọn hảo, với “Thiên Chúa Là Tình Yêu” của mình mới có thể hiệp nhất nên một.

 

Tóm lại, sau một năm kỷ niệm Nhị Vị Giáo Hoàng này, chúng ta thấy được có một cái gì đó trùng hợp và liên tục giữa hai vị Giáo Hoàng ấy, như dấu chỉ thời đại cho thấy một chân trời lịch sử nhân loại sắp sửa xẩy ra, có thể tóm gọn như sau:

 

Thứ nhất, nếu Đức Gioan Phaolô II thuộc Đông Âu (ở một nước Balan bị trị bởi cả Đảng Nazi Đức Quốc lẫn Cộng Sản Liên Sô) được sai đến để làm cho Bức Tường Bá Linh ngăn cách Âu Châu sụp đổ, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI thuộc Tây Âu (ở một quốc gia Đức Quốc gây ra hai Thế Chiến I và II) được sai đến để tiếp tục làm cho Âu Châu hiệp nhất, một Âu Châu đang mất căn tính Kitô Giáo của mình chỉ có thể Hiệp Nhất một khi Kitô Giáo hiệp nhất ở Âu Châu, nhờ đó, Âu Châu theo Văn Hóa Kitô Giáo mới có thể “Hồi Niệm (lấy lại) Căn Tính” của mình, để trở thành một lực lượng chẳng những có thể chống lại Hiện Tượng Khủng Bố của những thành phần Hồi Giáo quá khích hiện nay chính yếu nhắm vào Tây Phương, mà còn làm cho Do Thái nhận thấy Đấng Thiên Sai của họ nơi Kitô Giáo, hầu trở về với Người là Đấng sẽ trở lại trong vinh quang để cứu độ những ai trông đợi Người và vĩnh viễn thiết lập Vương Quốc của Người trên trần gian. 

 

Thứ hai, nếu Đức Gioan Phaolô II liên quan tới Biến Cố Đông Âu nhờ lực lượng Công Đoàn Balan thế nào, thì Giáo Hoàng Biển Đức XVI cũng liên quan tới tình trạng Hiệp Nhất Âu Châu bằng lực lượng Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ở Đức Quốc như vậy, (nơi đã xuất phát ra phong trào Thệ Phản Tin lành từ năm 1517), một lực lượng đã thực hiện bản tuyên ngôn chung với Giáo Hội Công Giáo về Tín Lý Công Chính Hóa vào ngày 31/10/1999.

 

Thứ ba, nếu chuyến tông du hồi hương Balan lần đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II vào tháng 6/1979 là chuyến tông du lịch sử liên quan tới Biến Cố Đông Âu sụp đổ sau đó 10 năm (1989) thế nào, thì chuyến tông du hồi hương Đức Quốc đầu tiên của Giáo Hoàng Biển Đức XVI vào tháng 8/2005 cũng liên quan tới tình trạng Hiệp Nhất Âu Châu như vậy, vào thời điểm có thể vào năm 2017, thời điểm kỷ niệm đúng 500 năm phong trào Thệ Phản Tin Lành và 100 năm Biến Cố Fatima, thời điểm liên quan tới hai biến cố lịch sử trùng hợp này lại được gói ghém trong danh hiệu Giáo Hoàng Biển Đức, một danh hiệu Giáo Hoàng trở về với Thời Điểm Fatima, và là một danh hiệu Giáo Hoàng liên quan tới vị Thánh Biển Đức là đệ nhất Quan Thày của Âu Châu, vị Thánh đã khởi công phát triển văn minh Âu Châu cũng là văn minh Tây Phương. 


 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Năm Giáo Triều Thứ Nhất cảm nhận về Vị Tiền Nhiệm Gioan Phaolô II

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và tuyển dịch

 

(tiếp 13 Thứ Năm, 14 Thứ Sáu, 15 Thứ Bảy, 16 Chúa Nhật, 17 Thứ Hai, 18 Thứ Ba)

 

Nhận Định về Vị Tiền Nhiệm

Về Niềm Tin nơi Lòng Thương Xót Chúa của Vị Tiền Nhiệm 

Bài Giảng của ĐHY Joseph Ratzinger chủ tế Lễ An Táng ĐTC GPII 8/4/2005

“Ngài đã giải thích cho chúng ta mầu nhiệm vượt qua như là một mầu nhiệm của lòng thương xót Chúa. Trong tác phẩm cuối cùng của mình, ngài đã viết: Cái giới hạn áp đặt trên sự dữ ‘tối hậu là Lòng Thương Xót Chúa’ (Hồi Niệm và Căn Tính, trang 60-61). Và khi suy nghĩ về biến cố mạng sống ngài bị cố sát, ngài đã nói: ‘Trong việc hy hiến mình cho tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một trật tự mới, đó là trật tự của yêu thương… Chính cái đau khổ này đốt cháy và thiêu rụi đi sự dữ bằng ngọn lửa yêu thương và rút ran gay từ tội lỗi cả một cuộc bừng nở đầy những thiện hảo’ (cùng nguồn, trang 189-190). Được thôi thúc bởi nhãn quan ấy, vị Giáo Hoàng này đã chịu đựng khổ đau và đã yêu qúi việc hiệp thông với Chúa Kitô, nên đó là lý do tại sao sứ điệp về khổ đau của ngài cùng việc thinh lặng của ngài là những gì thất là sống động và hiệu năng.

”Lòng Thương Xót Chúa: Đức Thánh Cha đã thấy được cái phản ảnh thuần khiết nhất của tình thương Thiên Chúa nơi Người Mẹ Thiên Chúa. Ngài là người đã mồ côi mẹ từ nhỏ đã càng tỏ ra kính mến người mẹ thần linh này hơn nữa. Ngài đã nghe thấy những lời của Chúa Kitô tử giá như là lời nói với riêng ngài: ‘Này là Mẹ của con’. Bởi thế, ngài thực hiện như người môn đệ yêu dấu đã làm, đó là ngài đã đem Mẹ về nhà của ngài (eis ta idia: Jn 19:27) – ‘Totus Tuus – tất cả của con là của Mẹ’. Và từ người mẹ này, ngài đã học nên giống Chúa Kitô”.  

Diễn Từ Tất Niên với Giáo Triều Rôma ngày Thứ Năm 22/12/2005

“Trong cuốn sách cuối cùng của ngài là ‘Hồi Niệm và Căn Tính’ (Weidenfeld and Nicolson, 2005), ngài đã để lại cho chúng ta một dẫn giải về khổ đau không phải là một thuyết về thần học hay triết lý mà là một hoa trái chín mùi qua cuộc hành trình khổ đau của bản thân ngài, một cuộc hành trình khổ đau ngài đã quyết chịu bằng niềm tin tưởng vào Vị Chúa tử giá. Lời dẫn giải này, một việc dẫn giải được ngài khai triển bởi đức tin và là việc dẫn giải mang lại ý nghĩa cho khổ đau của ngài, một khổ đau được ngài chấp nhận trong mối hiệp thông với nỗi khổ đau của Chúa, là việc dẫn giải đã được vang lên qua thái độ âm thầm chịu đựng của ngài, khi ngài biến việc chịu đựng này thành một sứ điệp quan trọng.

 

“Cả ở phần mở đầu và lập lại một lần nữa ở cuối cuốn sách được đề cập tới trên đây, vị Giáo Hoàng này đã cho thấy rằng ngài cảm thấy rất thấm thía trước cảnh tượng diễn ra của quyền lực sự dữ, một quyền lực sự dữ chúng ta đã trải qua một cách thê thảm trong thế kỷ vừa chấm dứt. Ngài nói trong cuốn sách này rằng: “Sự dữ… không phải là một thứ sự dữ có tầm mức nhỏ hẹp… Nó là một sự dữ có những tầm vóc khổng lồ, một sự dữ được tổ chức đáng hoàng để thực hiện hoạt động gian ác của nó, một sự dữ trở thành một cơ cấu (trang 189).

 

“Phải chăng sự dữ là những gì bất khả thắng? Phải chăng nó là một quyền năng tối hậu của lịch sử?” Vì kinh nghiệm về sự dữ, mà đối với Giáo Hoàng Wojtyla, vấn đề cứu chuộc đã trở thành thiết yếu và là vấn đề trọng yếu trong đời sống của ngài và được suy tưởng như là một Kitô hữu. Có một giới hạn nào đó chống lại những gì bị quyền lực sự dữ này hủy hoại hay chăng? “Có đấy”, vị Giáo Hoàng này đã trả lời trong cuốn sách này của ngài cũng như trong Thông Điệp về việc cứu chuộc của ngài.

 

“Quyền năng hạn chế sự dữ này là Lòng Thương Xót Chúa. Bạo lực, hình thức thể hiện của sự dữ, bị Lòng Thương Xót Chúa chống lại trong giòng lịch sử. Chúng ta có thể nói theo Sách Khải Huyền là Con Chiên mạnh hơn con rồng.

 

“Ở cuối cuốn sách, bằng việc ôn lại quá khứ về cuộc tấn công vào ngày 13/5/1981, và dựa vào căn bản của kinh nghiệm nơi cuộc hành trình của ngài với Thiên Chúa cũng như với thế giới, Đức Gioan Phaolô II còn giải đáp vấn đề này một cách sâu xa hơn nữa.

 

“Cái hạn chế quyền lực sự dữ, cái quyền lực chế ngự nó, theo cách ngài nói, đó là nỗi khổ đau của Thiên Chúa, nỗi khổ đau của Người Con Thiên Chúa trên Thập Tự Giá: ‘Nỗi khổ đau của Vị Thiên Chúa Tử Giá không phải chỉ là một hình thức khổ đau duy nhất trong số những hình thức khổ đau khác…. Bằng việc hy sinh bản thân mình vì tất cả chúng ta, Chúa Kitô đã cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa mới, mở ra một chiều kích mới, một tầm vóc mới, đó là tầm vóc yêu thương…. Cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên Thập Giá là những gì cống hiến cho đau khổ một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ, biến đổi nó tự bản chất… Chính cái đau khổ này thiêu đốt và làm tiêu hao đi sự dữ, bằng ngọn lửa yêu thương…. Tất cả khổ đau của loài người, tất cả mọi đớn đau, tất cả mọi yếu đuối bạc nhược đều chất chứa nơi mình một hứa hẹn cứu độ; …. Sự dữ hiện diện trên thế giới một phần là để khơi động lên lòng yêu thương trong chúng ta, một tình yêu trao hiến bản thân mình trong việc phục vụ cách quảng đại và vô tư những ai bị khổ đau dằn vặt… Chúa Kitô đã cứu thế giới: “Chúng ta đã được chữa lành nhờ những vết thương của Người’ (Is 53:5)” (trang 189 và sau đó).

 

“Tất cả những điều này không phải chỉ là một thứ thuần kiến thức về thần học, mà là một bày tỏ của một đức tin sống động và trưởng thành qua đau khổ. Chắc chắn là chúng ta cần phải làm mọi sự có thể để giảm bớt khổ đau và ngăn ngừa tình trạng bất công là những gì gây cho thành phần vô tội khổ đau. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải làm mọi sự trong tầm tay để con người có thể khám phá ra ý nghĩa của khổ đau, nhờ đó, họ biết chấp nhận khổ đau của họ và liên kết nó với khổ đau của Chúa Kitô.

 

“Có thế, nó mới hòa nhập với tình yêu thương cứu chuộc và nhờ vậy trở thành một quyền năng chống lại sự dữ trên thế giới này”. 

Bài Giảng cho Giáo Xứ "DIO PADRE MISERICORDIOSO" trong Cuộc Viếng Thăm Mục Vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay 26/3/2006

“Khi suy niệm đến tình thương của Chúa, một tình thương được tỏ hiện một cách trọn vẹn và tận tuyệt ở mầu nhiệm Thập Giá, tôi nhớ đến bài huấn từ được Đức Gioan Phaolô II dọn cho việc ngài gặp gỡ tín hữu vào ngày 3/4 Chúa Nhật in Albis, Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh năm ngoái.

“Theo ý định thần linh, bài huấn từ này được viết vì ngài sẽ rời bỏ chúng ta vào áp ngày ấy, tức vào Thứ Bảy 2/4 – tất cả chúng ta đều nhớ đến nó một cách tường tận – và vì lý do đó, ngài đã không thể ngỏ những lời lẽ ấy cùng anh chị em. Giờ đây, anh chị em thân mến, tôi xin đọc những lời ấy cho anh chị em, đó là: ‘Chúa Kitô phục sinh đã cống hiến cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực của sự dữ, của thần tôi và của sợ hãi, tặng ân tình yêu thương của Người, một tình yêu thương tha thứ, hòa giải và tái cởi mở tinh thần hy vọng. Nó là tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình’.

“Vị Giáo Hoàng này, nơi bài huấn từ cuối cùng ấy, bài huấn từ giống như một lời di chúc, bấy giờ đã thêm là: ‘Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Tình Thương Thần Linh biết bao!’ (Huấn Từ Truyền Tin, được đọc bởi TGM Leonardo Sandri, Thay Thế Quốc Vụ Khanh, cho tín hữu qui tụ ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 3/4/2005; L'Osservatore Romano English Edition, 6 April, p. 1, n. 2)”.

(Cảm nhận của Giáo Hoàng Biển Đức về ‘bài huấn từ cuối cùng giống như một lời di chúc’ cũng là cảm nhận của người viết được bày tỏ trong cuốn ‘Đức Gioan Phaolô II: Sống là Chúa Kitô – Chết là Vinh Thắng’, Cao-Bùi 5/2005, trang 32 và 34: “Và để kết thúc một giáo triều có sứ mệnh mang con người về cho Lòng Thương Xót Chúa của mình, ngài đã gửi một tối di chúc thư cho nhân loại, một di chúc thư được đọc vào chính Ngày Chúa Nhật II Phục Sinh, ngày chính ngài đã thiết lập theo lời yêu cầu của Chúa Giêsu qua chị Thánh Faustina để Kính Lòng Thương Xót Chúa, ngày ngài mới qua đi vào đêm vọng hôm trước. Sứ điệp của tối hậu di chúc thư này như sau:… Theo di chúc hay ước nguyện cuối cùng này của mình, ĐTC GPII, vị giáo hoàng của ‘Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần – Redemptor Hominis’, thực sự muốn để lại cho cả Giáo Hội lẫn toàn thể nhân loại, ‘một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi’, đó là ‘thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!’ Thế nhưng, để được như vậy, để nhân loại có thể ‘chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa’, Giáo Hội nói chung và vị tân giáo hoàng nói riêng, phải trở thành Tông Đồ của Lòng Thương Xót Chúa, nhờ ‘việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ thánh tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria’”).

Bài Giảng Thánh Lễ Giỗ đầy năm băng hà của vị Tiền  Nhiệm Chiều Tối Thứ Hai 3/4/2006 tại Quảng Trường Thánh Phêrô

“Ở Bài Đọc Thứ Nhất theo Sách Khôn Ngoan, chúng ta được nhắc nhở về định mệnh đời đời đang đợi chờ thành phần công chính: một định mệnh tràn đầy hạnh phúc, một phần thưởng khôn sánh về những khổ đau và thử thách họ phải đương đầu trong cuộc sống của họ. ‘Thiên Chúa đã thử thách họ và thấy rằng họ xứng đáng với Ngài; Ngài đã thử thách họ như lửa thử vàng, và Ngài đã chấp nhận họ như một hiến lễ toàn thiêu’ (Wis 3:5-6).

 

“Chữ ‘lễ toàn thiêu’ ám chỉ sự hy sinh nạn nhân bị toàn thiêu, bị thiêu rụi đi bởi lửa; nhờ đó, nó là một dấu hiệu hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Lời diễn đạt này của Thánh Kinh nhắc nhở chúng ta về sứ vụ của Đức Gioan Phaolô II, vị đã biến cuộc đời của mình thành một tặng vật dâng lên Thiên Chúa cùng hiến cho Giáo Hội, và nhất là trong việc cử hành Thánh Thể, ngài đã sống trọn chiều kích hy hiến theo thiên chức linh mục của ngài.

 

“Trong số những lời kêu cầu được ngài yêu thích đó là lời xuất phát từ ‘Litanie de Gesù Cristo Sacerdote e Vittima’ ngài đã chọn cho vào phần kết của tác phẩm của mình, Tặng Ân và Mầu Nhiệm, xuất bản nhân dịp mừng 50 năm chịu chức linh mục của ngài (xem các trang 113-116): ‘Iesu, Pontifex qui tradidisti temetipsum Deo oblationem et hostiam – Ôi Giêsu, Vị Thượng Tế đã hiến mình cho Thiên Chúa như lễ vật và thí vật, xin thương xót chúng con’.

 

“Ngài đã thường lập lại lời khẩn cầu này biết bao! Nó diễn tả rõ ràng tính chất linh mục sâu xa của cả cuộc đời ngài. Ngài không bao giờ huyền hoặc hóa ước muốn của mình trong việc càng ngày càng nên một với Chúa Kitô Tư Tế qua Hy Tế Thánh Thể, nguồn mạch cho việc không ngừng dấn thân tông đồ.

 

“Dĩ nhiên, chính đức tin mới là căn nguyên của việc ngài toàn hiến này. Trong Bài Đọc Thứ Hai chúng ta vừa nghe, Thánh Phêrô cũng sử dụng hình ảnh lửa thử vàng và áp dụng hình ảnh này vào đức tin (x 1Pt 1:7). Thật thế, tính chất của đức tin nơi mỗi người chúng ta mới đặc biệt là những gì bị thử thách và thử nghiệm bởi những khốn khó của cuộc đời, để thấy được tính chất vững chắc của nó, tính chất tinh tuyền của nó, tính chất kiên trì của nó trong cuộc sống. Vậy, Đức Cố Giáo Hoàng, vị đã được Thiên Chúa trang bị cho nhiều tặng ân về nhân bản cũng như về thiêng liêng, đã càng ngày càng cho thấy ngài như một ‘tảng đá’ đức tin khi trải qua cuộc thử luyện trong việc vất vả hoạt động tông đồ và chịu đựng bệnh hoạn.

 

“Đối với những ai được dịp gần gũi với ngài thì đức tin vững mạnh và cương quyết này hầu như là những gì hiển nhiên. Nếu nó chẳng những làm cho thành phần cộng tác với ngài phải khâm phục, mà còn lan tỏa trong giáo triều dài của ngài cái ảnh hưởng thiện ích của ngài khắp Giáo Hội nữa, với một cường độ mạnh dần cho tới khi đạt tới tột đỉnh của nó vào những tháng ngày cuối đời của ngài.

 

“Nó là một đức tin xác tín, mãnh liệt, chân thực, không biết sợ hãi và thỏa hiệp của ngài, một đức tin đã tác động tới tâm can của nhiều người, cũng nhờ nhiều chuyến tông du khắp nơi trên thế giới, nhất là nhờ ‘cuộc hành trình’ cuối cùng ấy, cuộc thống khổ và cái chết của ngài”.

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ