GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 13/5/2006

 TUẦN IV PHỤC SINH

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI Huấn Dụ Học Viện Gioan Phaolô II Đặc Trách Nghiên Cứu Về Hôn Nhân Và Gia Đình

?  Ý Nghĩa Nhiệm Mầu Nơi Con Số 13 Ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima

?  Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống (tiếp)

 

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI Huấn Dụ Học Viện Gioan Phaolô II Đặc Trách Nghiên Cứu Về Hôn Nhân Và Gia Đình

 

(tiếp 12 Thứ Sáu)

 

Trong thông điệp mới đây của mình, tôi đã muốn nhấn mạnh đến cách thức làm thế nào thực sự nhờ yêu thương mà ‘hình ảnh của Thiên Chúa nơi Kitô hữu cùng với hình ảnh của nhân loại bởi đó cùng với định mệnh của nó’ được thể hiện (‘Thiên Chúa Là Tình Yêu’, đoạn 1). Tức là, Ngài đã sử dụng đường lối yêu thương để mạc khải mầu nhiệm sự sống Ba Ngôi của mình.

 

Ngoài ra, mối liên hệ sâu xa giữa hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu và tình yêu nhân loại làm cho chúng ta có thể hiểu được rằng ‘hôn nhân một vợ một chồng tương xứng với hình ảnh của vị Thiên Chúa độc thần. Hôn nhân được đặt trên một tình yêu chuyên nhất và tận tuyệt trở thành hình ảnh cho mối liên hệ giữa Thiên Chúa với Dân của Ngài và ngược lại, đường lối yêu thương của Thiên Chúa trở thành chuẩn mực cho tình yêu thương của nhân loại’ (ibid. 11). Nhận định này vẫn còn là một lãnh vực rộng lớn cần phải được khai phá thêm.

 

Như thế, công việc được tóm lại như sau: Học Viện Đặc Trách Nghiên Cứu Về Hôn Nhân Và Gia Đình, qua tất cả cấu trúc hàn lâm của mình, cần phải làm sáng tỏ sự thật về sự sống như một cách thức làm phong phú tất cả mọi hình thức hiện hữu của con người. Cái thách đố lớn lao của việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa được Đức Gioan Phaolô II đầy tâm huyết phác họa, cần phải được hỗ trợ bởi một ý thức sâu xa đíùch thực về tình yêu con người, vì tình yêu này là một đường lối đặc biệt được Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra cho thế giới, và qua tình yêu thương này Ngài kêu gọi thế giới đến với mối hiệp thông sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Đường lối ấy cũng giúp cho chúng ta có thể thắng vượt quan niệm thu hẹp vào một thứ tình yêu thường thuần riêng tư là một thứ yêu thương rất ư là thịnh hành phổ thông ngày nay. Tình yêu thương chân thực là những gì được biến đổi thành một thứ ánh sáng hướng dẫn cả cuộc sống tiến đến chỗ phong phú, phát sinh một xã hội được nhân bản hóa cho con người. Mối hiệp thông sự sống và yêu thương là hôn nhân, nhờ đó, trở thành một sự thiện đích thực cho xã hội. Việc tránh lánh sự lẫn lộn với các kiểu hiệp nhất khác xuất phát từ thứ yêu thương yếu hèn là một điều đặc biệt khẩn trương ngày nay. Chỉ có tảng đá yêu thương trọn vẹn và bất khả hủy bỏ giữa người nam và người nữ mới có thể làm nền tảng cho một xã hội trở thành nhà cho tất cả mọi dân tộc.

 

Tầm quan trọng mà công cuộc của học viện này có được trong sứ vụ của Giáo Hội cho thấy cái hình dạng của nó: Thật vậy, Đức Gioan Phaolô II đã phê chuẩn một tổ chức duy nhất có những chi nhánh khác nhau trải khắp năm châu, để tổ chức này có thể chia sẻ cái phong phú của sự thật duy nhất nơi tính cách đa dạng của các nền văn hóa.

 

Mối hiệp nhất về nhãn quan nơi việc nghiên cứu và giáo huấn, mặc dù có tính cách đa dạng về nơi chốn và cảm thức, tiêu biểu cho một thứ giá trị anh chị em cần phải canh giữ, bằng việc phát triển những kho tàng được chôn giấu nơi mọi nền văn hóa. Đặc tính ấy của tổ chức này đã tự chứng tỏ cho thấy là đặc biệt thích hợp với việc học hỏi về một thực tại như hôn nhân và gia đình. Công cuộc của anh chị em là những gì có thể tỏ cho thấy làm thế nào để tặng ân thiên nhiên được thể hiện ở các nền văn hóa khác nhau này đã được ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu thăng hóa.

 

Để có thể thi hành sứ vụ của anh chị em một cách tốt đẹp như thành phần trung thành thừa hưởng của vị sáng lập học viện này, Đức Gioan Phaolô II của chúng ta, tôi mời anh chị em hãy chiêm ngưỡng Mẹ Maria Rất Thánh là Mẹ của Tình Yêu Tuyệt Mỹ. Tình yêu cứu chuộc của Lời nhập thể, đối với mỗi một cuộc hôn nhân và mỗi gia đình, cần phải trở thành ‘những nguồn nước sự sống giữa một thế giới khát khao’ (Deus Caritas Est, 42). Tôi xin gửi đến những lời chúc tốt đẹp nhất, kèm theo một phép lành đặc biệt đến tất cả anh chị em, đến quí vị giáo sư thân mến, đến các sinh viên hôm qua và hôm nay, đến toàn thể nhân viên của học viện, cũng như đến các gia đình thuộc học viện của anh chị em.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 11/5/2006

 

 

TOP

 

 

 ?  Ý Nghĩa Nhiệm Mầu Nơi Con Số 13 Ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima

 

Thắc mắc về vấn đề về con số 13 ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, cũng chẳng khác gì thắc mắc về những ý nghĩa mầu nhiệm của các số khác trong Thánh Kinh, chẳng hạn con số 40 (40 ngày lụt đại hồng thủy thời Noe, 40 năm Dân Do Thái băng qua sa mạc về Đất Hứa, 40 ngày Moisen lên núi Horeb cầu nguyện để lãnh nhận hai bia đá thập giới, 40 ngày tiên tri Êlia lên núi Horeb và được thiên thần mang của ăn đường đến dưỡng sức cho ông, 40 ngày đêm Chúa Giêsu chay tịnh và bị cám dỗ trong hoang địa v.v.), hay con số 7 (7 ngày trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, 7 quỉ, 7 xừng v.v.), hoặc 12 (12 chi họ Do Thái, 12 đạo thiên binh, 12 tông đồ v.v.). Riêng về con số 12, trong bài giáo lý thứ sáu trong loạt bài về Mầu Nhiệm Giáo Hội Hiệp Thông, cho buổi triều kiến chung hằng tuần hôm Thứ Tư 3/5/2006, Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chú giải con số 12 tông đồ như thế này:

 

Các vị lãnh đạo của thành phần dân Yến Duyên cánh chung – họ cũng có 12, như các chi tộc của Dân Tuyển Chọn – các vị tông đồ đã tiếp tục ‘cuộc gặp gỡ’ được Chúa Kitô khởi đầu và trước hết các vị đã làm như thế bởi việc trung thành truyền đạt tặng ân được lãnh nhận là Tin Mừng của Nước Trời đến với con người qua Chúa Giêsu Kitô. Con số của họ chẳng những thể hiện việc liên tục với nguồn gốc thánh hảo là dân Yến Duyên 12 chi tộc, nhưng cũng có mục đích phổ quát nơi thừa tác vụ của họ, một thừa tác vụ mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Nó được thể hiện bằng một giá trị tiêu biểu nơi con số ở thế giới Semitic: 12 là tích số của việc nhân 3, một con số hoàn toàn, với 4, một con số ám chỉ tới 4 điểm chính, do đó bao gồm cả thế giới”.

 

Đó là lý do Giáo Hội Chúa Kitô là Giáo Hội Công Giáo, và Kitô Giáo là tôn giáo có tính cách toàn cầu, vì Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô là Ơn Cứu Độ cho toàn thể nhân loại. Công Giáo đây không có nghĩa là tôn giáo của mọi người hơn là tôn giáo cho mọi người.

 

Còn con số 13 ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima thì sao? Để hiểu được cái ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm của con số này, chúng ta nến lưu ý 14 điểm liên quan đến Biến Cố Thánh Mẫu Fatima thứ tự như sau:

 

1.-        Biến Cố Thánh Mẫu Fatima là một biến cố vĩ đại nhất và quan trọng nhất trong tất cả mọi Biến Cố Thánh Mẫu từ trước đến nay (có thể nói là cả sau này nữa nếu còn một Biến Cố Thánh Mẫu nào khác xẩy ra trong lịch sử loài người), hơn cả Biến Cố Thánh Mẫu Lộ Đức là nơi nổi tiếng nhất về Phép Lạ.

 

2.-        Sở dĩ Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vĩ đại nhất và quan trọng nhất là vì biến cố này liên quan tới vận mệnh của lịch sử thế giới cũng như tới vai trò của Giáo Hội hoàn vũ.

 

3.-        Biến Cố Thánh Mẫu Fatima liên quan tới vận mệnh của lịch sử thế giới là vì nó liên quan tới biến cố Nước Nga trở lại và hòa bình thế giới.

 

4.-        Biến Cố Thánh Mẫu Fatima liên quan tới vai trò của Giáo Hội hoàn vũ là vì, để Nước Nga có thể trở lại, tức để họ có thể từ bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản, một việc không thể nào có thể thực hiện nổi theo sức loài người, thì vị lãnh đạo Giáo Hội là Đức Thánh Cha phải hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới, tức hiệp với tất cả mọi giám mục trên thế giới, để hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, theo ý muốn của Thiên Chúa, như được Mẹ Maria tỏ cho chị Lucia biết vào đêm 13/6/1929, tại nguyện đường tu viện dòng Đôrôthêu của chị ở thành Tuy nước Tây Ban Nha.

 

5.-        Thế nhưng, việc hiến dâng này lại là việc còn khó hơn cả việc Nước Nga trở lại nữa. Tại sao? Bởi vì, làm thế nào Đức Thánh Cha là vị lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, vị giữ vai trò củng cố đức tin cho anh chị em của mình, cho Kitô Giáo, lại có thể dễ dàng chấp nhận làm một việc được xuất phát từ một mạc khải tưkhông buộc phải tin như thế, trái lại, việc ấy còn rất ư là nguy hiểm đến tận nền tảng đức tin của Giáo Hội Kitô Giáo.

 

6.-        Ở chỗ, nếu Đức Thánh Cha quả thực mau mắn hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, mà chẳng thấy Nước Nga trở lại gì, thì có phải là ngài đã làm một việc nhảm nhí, dị đoan hay chăng. Đó là lý do chúng ta thấy việc hiến dâng quyết liệt này, một việc làm mà đối với số người ngoại cuộc cho rằng dễ như trở bàn tay ấy, đã phải kéo dài 44 năm trời, từ ngày chị Lucia viết thư đệ trình Đức Thánh Cha Piô XII đề ngày 24/10/1940, cho đến ngày 25/3/1984 là ngày Đức Gioan Phaolô II trọn vẹn đáp ứng điều kiện được Trời Cao đòi hỏi.

 

7.-        Bởi đó, để hai vị giáo hoàng được tiền định liên quan đến Biến Cố Thánh Mẫu Fatima này có thể dám làm một việc ngoại lệ và phi thường liên quan đến vận mệnh của lịch sử thế giới ấy theo đúng như ý muốn của mình, chính Trời Cao đã phải rat ay, đã phải nhúng tay vào cuộc.

 

8.-        Phải, chính vì toàn bộ Bí Mật Fatima bao gồm 3 phần là ở chỗ “Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới”, chứ không phải chỉ ở Bồ Đào Nha hay trong nội bộ Giáo Hội Công Giáo thôi, mà Thiên Chúa đã làm một việc lạ lùng trước mắt chúng ta, trước mắt thế giới, một việc mà khối tư bản đứng đầu là Hoa Kỳ vĩnh viễn không thể nào làm nổi, và đã phải bàng hoàng kinh ngạc khi thấy nó xẩy ra quá chớp nhoáng và êm đẹp nơi Biến Cố Đông Âu vào cuối năm 1989, mở đường cho chính Liên Bang Sô Viết vào chính ngày Lễ Giáng Sinh 25/12/1991, qua việc nhà lãnh đạo cuối cùng của chế độ này chính thức từ chức.

 

9.-        Và dấu chỉ thời đại cho thấy việc Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng Thần linh nhúng tay vào lịch sử thế giới và làm chủ lịch sử loài người, đến nỗi Ngài có thể biến những điều dữ do con người tự do gây ra thành thiện ích cho chính con người, theo ý định vô cùng khôn ngoan và toàn năng của Ngài, đó là dấu chỉ liên quan tới con số 13.

 

10.-      Con số 13 đây là con số của ngày 13 tháng 5 năm 1917, ngày Đức Thánh Cha Piô XII bấy giờ mới được tấn phong làm giám mục ở Ý Quốc, trùng ngay vào đúng ngày giờ Đức Mẹ hiện ra ở Fatima.; và con số 13 đây cũng là con số của ngày 13 tháng 5 năm 1981, ngày Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bị ám sát song không chết ở Quảng Trường Thánh Phêrô.

 

11.-      Đúng thế, nếu Thiên Chúa không trực tiếp nhúng tay đúng đến chính cuộc đời hay sự sống của nhị vị Giáo Hoàng này thì dám quả quyết rằng sẽ chẳng bao giờ có cái chuyện hoang đường Giáo Hoàng hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cả.

 

12.-      Chính sự kiện trùng hợp khít khao giữa biến cố được tấn phong lên hàng giáo phẩm của ngài với Biến Cố Thánh Mẫu Fatima lần đầu tiên ở Bồ Đào Nha đã là nguyên do chính thúc đẩy Đức Piô XII thực hiện việc hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria hai lần, lần đầu vào ngày 31/10/1942, dịp kỷ niệm ngân khánh 25 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, và lần thứ hai vào ngày 7/7/1952, ngày Lễ Kính Thánh Cyrilô và Mêthôđêô, quan thày của sắc dân Slav, một sắc dân bao gồm cả dân tộc Balan và Nga Sô; vào lần dâng thứ hai này, Đức Piô XII đã có ý dâng Nước Nga chứ không phải chỉ dâng chung loài người mà thôi như lần đầu.

 

13.-      Và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, chỉ sau khi bị ám sát ngày 13/5/1981, ngài mới đọc Bí Mật Fatima phần 3 là phần chưa bao giờ được Tòa Thánh tiết lộ, trong đó ngài đọc thấy hình ảnh vị giám mục mặc áo trắng bị ám sát chết trong phần bí mật này, và ngài cảm thấy hình ảnh này ứng nghiệm nơi bản thân ngài là vị giám mục Rôma cũng mặc áo trắng vào lúc bị ám sát. Đó là lý do khiến ngài đã lập tức đáp ứng điều Thiên Chúa đòi hỏi, đó là hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Ngài đã thực hiện việc này đến 3 lần: lần thứ nhất vào ngày 7/6/1981, tức bốn tuần sau khi bị ám sát, tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma; lần thứ hai vào ngày 13/5/1982, tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima, kỷ niệm một năm bị ám sát; và lần ba vào ngày 25/3/1984, ngày bế mạc Năm Cứu Chuộc, tại chính Giáo Đô Vatican, trước Thánh Tượng Mẹ Fatima được đưa từ Fatima về.

 

14.-      Lạ lùng thay, những gì Thiên Chúa hứa đều được thực hiện một cách nhanh chóng. Tức là, đúng một năm sau, tức tháng 3/1984 Nước Nga được Đức Gioan Phaolô II hợp cùng với toàn thể hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, thì tháng 3 năm 1985, vị lãnh đạo cuối cùng của chế độ Cộng Sản Đông Âu là Gorbachev xuất hiện tại Nga, để rồi, với chính sách cải tổ và cởi mở của ông, một con người được Đấng Quan Phòng Thần Linh bất ngờ sai đến, (như Đức Gioan Phaolô II cũng đột ngột xuất hiện từ một nước Cộng Sản Balan Đông Âu), Bức Tường Bá Linh là tiêu biểu cho cuộc chia rẽ Âu Châu thành Đông và Tây đã tự động sụp đổ!

 

15.-      Nếu con số 13 liên quan trực tiếp đến nội bộ của Giáo Hội Công Giáo nói chung và bản thân của hai vị Giáo Hoàng Piô XII và Gioan Phaolô II nói riêng thế nào, thì con số 6, tức 6 lần Đức Mẹ hiện ra vào ngày 13 như Đức Mẹ định, từ tháng 5 tới tháng 10, lại liên quan trực tiếp đến Nước Nga như vậy. Ở chỗ, Biến Cố Thánh Mẫu Fatima từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1917, lọt vào giữa biến cố Cách Mạng Thánh Mưới ở Nga từ tháng 4 là thời điểm lãnh tụ Lenin từ hải ngoại về Nga để bắt đầu cuộc cách mạng, đến tháng 11 là thời điểm Cách Mạng Tháng Mười thành công.

 

16.-      Không biết con số 13 này còn liên quan tới một biến cố nào khác nữa trong lịch sử loài người hay chăng, nhưng nếu để ý chúng ta còn thấy có hai sự trùng hợp sau đây: Trùng hợp thứ nhất đó là, vào năm 2017 là thời điểm kỷ niệm 500 năm biến cố cải cách do nhà khởi xướng Luthêrô phát động ở Đức Quốc vào năm 1517 và kỷ niệm đúng 100 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima; trùng hợp thứ hai đó là vị đương kim Giáo Hoàng của chúng ta, vị chủ trương tối ưu tiên vấn đề đại kết Kitô Giáo trong giáo triều của mình, vị hết sức quan tâm tới hiện trạng khủng hoảng văn minh Âu Châu, lại lấy danh hiệu giáo hoàng là Biển Đức, tên một vị Thánh Quan Thày của Âu Châu, vị khởi công xây dựng và phát triển văn minh Âu Châu từ thế kỷ thứ 5, cũng là danh hiệu của vị Giáo Hoàng từ thời điểm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, đó là Giáo Hoàng Biển Đức bắt đầu giáo triều của ngài từ năm 1914.

 

17.- Phải chăng sự trùng hợp 500 năm phong trào cải cách và 100 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào năm 2017 sẽ xẩy ra một biến cố nào đó, chẳng hạn biến cố Đại Kết Kitô Giáo hay biến cố Giáo Hội công bố Tín Điều Mẹ Maria Đồng Công Cứu Chuộc và Trung Gian Ân Sủng, một tín điều đã được chất chứa nơi danh xưng của Mẹ ở Fatima: “Ta là Đức Mẹ Mân Côi”, một tước hiệu liên quan đến tước hiệu Mẹ Thắng Trận có từ sau cuộc chiến thắng Hồi Giáo năm 1571, một tôn giáo đang trở thành một hiện tượng dính liền với các cuộc khủng bố từ biến cố 911 ở Hoa Kỳ tới nay, càng ngày càng dữ dội hơn.

 

18.-      Nếu Fatima là tên của người con gái của giáo tổ Mohammed và nếu biến cố Đại kết Kitô Giáo thật sự xẩy ra vào năm 2017 như dự đoán thì phải chăng đó là dấu chỉ thời đại cho thấy chỉ có một khối Âu Châu hiệp nhất hay một Khối Aâu Châu trở về với căn gốc Kitô Giáo của mình (qua và nhờ mối đại kết Kitô Giáo) mới có thể chẳng những chống lại với lực lượng Hồi Giáo vốn kỵ Kitô Giáo và văn minh Tây Phương, mà còn làm cho cả dân tộc Do Thái nhận biết vị Giáo Tổ Giêsu Nazarét của Kitô Giáo thực sự là Đấng Thiên Sai của họ hằng mong đợi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

?   Hiện Tượng Hồi Giáo Nổi Loạn: Nguyên Nhân và Nội Dung của Vấn Đề – Làm sao để phòng chống

 

(tiếp 10 Thứ Tư, 11 Thứ Năm, 12 Thứ Sáu)

 

Vấn:    Với chủ trương của Tây Âu ngày nay, một chủ trương bị tục hóa và đôi khi chống tôn giáo, thì đâu là những khó khăn gây ra cho đại đa số người Hồi Giáo đang muốn cố gắng để sống bằng an với xã hội chung quanh họ?

 

Đáp:   Đại đa số người Hồi Giáo thực sự muốn giữ mình cho khỏi dính dáng vào các đảng phái tôn giáo. Thế nhưng, đa số của cái đa số này, trong khi không muốn chiến đấu trong cuộc thánh chiến, sẽ lại tỏ ra bênh vực những ai làm điều ấy, và đây là những gì rất quan trọng cần phải hiểu biết.

 

Trong khi chỉ có 15% dân số là bị cực đoan hóa theo Hồi Giáo, thì quí vị có cả một đa số người khác lại tỏ ra hết sức muốn dấu giếm họ, muốn bảo vệ họh, muốn cấp dưỡng cho họ, và thậm chí nếu không chủ động tham gia với họ thì cũng chăm sóc cho họ. Đó là những gì được Tony Blankley nghiên cứu trong tác phẩm ‘Cơ Hội Cuối Cùng của Tây Phương’. Đó là một cái gì đó rất ư là khó khăn.

 

Những người Hồi Giáo ôn hòa đang cố gắng sống an bình ở xã hội chung quanh họ vẫn gặp phải một số khó khăn.

 

Một trong những lý do của nó đó là Hồi Giáo không hướng chiều về dân chủ hay về chủ nghĩa duy trần thế. Không có thứ ý nghĩ như vậy về một xã hội trần tục nơi Hồi Giáo. Một cách nào đó, ai cũng phải liên hệ với thực tại tôn giáo và đó là những gì tỏ ra hiểu biết Thiên Chúa. Bởi vậy mà đa số người Hồi Giáo vẫn không thể nào thích ứng với một xã hội trần tục chung quanh họ ở Âu Châu.

 

Vả lại, họ sẽ bị áp lực bắt họ một là gia nhập vào Hồi Giáo cực đoan, hai là một căng thẳng khác đó là phải nâng đỡ thành phần cực đoan. Và đó là lý do tại sao một số học giả Hồi Giáo và lãnh tụ Hồi Giáo ở Tây Phương và Âu Châu nói rằng những người Hồi Giáo không được bỏ phiếu – các thứ tuyển cử là những gì không phải là Hồi Giáo, bởi thế không có vấn đề tín đồ Hồi Giáo đi bầu. Họ bị áp lực không được tham gia bầu cử. 

 

Họ cũng được khuyên là đừng lập gia đình với thành phần không phải Hồi Giáo, ngoại trừ lấy vợ, người được khuyên là theo đạo Hồi cùng với con cái của mình. Thế nhưng bình thường họ đưa con cái của mình về quê hương đất nước để lấy vợ Hồi.

 

Đó là những gì cho thấy thành phần Hồi Giáo ôn hòa thích ứng vào thế giới không phải Hồi Giáo một cách ít oi là chừng nào, và vấn đề này sẽ là một tình trạng cứ tiếp diễn mãi như thế. Tôi nghĩ rằng đó là kiểu cách của những người Hồi Giáo dấn thân cho Hồi Giáo mạnh mẽ hơn dấn thân cho chính quyền địa phương của họ.

 

Chỉ có một nhóm duy nhất khác biệt mà thôi, đó là nhóm Druze. Nhóm Druze này tin rằng họ buộc phải tuân theo bất cứ một vai trò lãnh đạo nào trong chính quyền địa phương và tỏ ra trung thành với thành phần đóng vai trò lãnh đạo ấy. 

 

Thế nhưng, ngoài nhóm Druze – dù sao thì Druze cũng là một giáo phái và không được những người Hồi Giáo khác coi là Hồi Giáo cho lắm – còn những người Hồi Giáo khác tự nhiên sẽ không cảm thấy họ thuộc về thế giới ấy và đó sẽ là một vấn đề khó khăn.

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 2-3/5/2006

 

 

TOP

 

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ