GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 30/5/2006

 TUẦN VII PHỤC SINH

 

?  Tôi xin anh chị em hãy mãi là những người trung thành quản thủ kho tàng Kitô Giáo và truyền đạt nó cho các thế hệ mai hậu” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Tạ Từ tại Phi Trường Okecie ở Warszaw ngày Chúa Nhật 28/5/2006

?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan Tối Thứ Năm 25 tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw

?  Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki Sáng Thứ Sáu 26 tại Warsaw

 

 

?  Tôi xin anh chị em hãy mãi là những người trung thành quản thủ kho tàng Kitô Giáo và truyền đạt nó cho các thế hệ mai hậu

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Tạ Từ tại Phi Trường Okecie ở Warszaw ngày Chúa Nhật 28/5/2006

 

Ngài Tổng Thống Cộng Hòa Balan

Huynh Khả Kính Hồng Y Tổng Giám Mục Krakow

Anh Chị Em thân mến!

 

Đã đến lúc tôi phải lên tiếng nói lời tạ từ Balan rồi. Bốn ngày vừa rồi, tôi đã đi qua xứ sở của anh chị em như một người hành hương, viếng thăm các nơi đặc biệt quan trọng đối với căn tính lịch sử và thiêng liêng của anh chị em. Warsaw, Jasna Góra, Kraków, Wadowice, Kalwaria Zebrzydowska, Lagiewniki, Óswiecim – Những địa danh này đã gợi lên biết bao nhiêu là nhung nhớ! Chúng chất chứa biết bao nhiêu là ý nghĩa đối với nhân dân Balan!

 

Khi giã biệt quê hương của mình lần cuối cùng 4 năm trước đây, vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên nhủ quốc gia Balan hãy luôn theo đuổi những cảm thức xót thương, tình đoàn kết huynh đệ, và việc dấn thân cho công ích, và ngài bày tỏ niềm xác tín vững chắc rằng nhờ đó nước này mới chẳng những tìm thấy chỗ đứng thích hợp của mình trong một Âu Châu Hiệp Nhất, mà còn làm phong phú châu lục này cùng toàn thể thế giới bằng truyền thống của mình. Hôm nay đây, với sự hiện diện của anh chị em trong gia đình các Quốc Gia Âu Châu đang được liên tục củng cố, tôi muốn thật tình lập lại những lời lẽ hy vọng ấy. Tôi xin anh chị em hãy mãi là những người trung thành quản thủ kho tàng Kitô Giáo và truyền đạt nó cho các thế hệ mai hậu.

 

Hỡi nhân dân Balan thân mến! Tôi muốn ký thác cho anh chị em cuộc hành hương này, một cuộc hành hương tôi đã viếng thăm các địa điểm đặc biệt thân thương của Đức Gioan Phaolô II, nó đã thậm chí làm cho tôi gần gũi với anh chị em hơn, với đồng hương của anh chị em hơn. Tôi xin cám ơn về lời cầu nguyện anh chị em đã giành cho tôi từ ngày tôi được tuyển chọn. Trong các cuộc gặp gỡ với anh chị em, tại các cuộc triều kiến ở Vatican, tôi thường cảm thấy một mối liên kết gắn bó nguyện cầu và của lòng tự nhiên cảm mến. Tôi xin anh chị em tiếp tục nhớ đến tôi trong lời nguyện cầu của anh chị em, xin Chúa thêm sức mạnh cho tôi trong việc phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

 

Tôi cám ơn Tổng Thống Cộng Hòa Balan và Hội Đồng Giám Mục Balan đã ngở lời mới tôi đến viếng thăm. Tôi cám ơn vị Thủ Tướng về việc hợp tác tốt đẹp của Chính Quyền với những đại diện của Giáo Hội trong việc sửa soạn cho chuyến viếng thăm này. Tôi xin tri ân Thẩm Quyền các cấp về công việc khó nhọc, cả trước và trong cuộc viếng thăm của tôi. Tôi cám ơn các vị đại diện truyền thông xã hội về những nỗ lực họ đã thực hiện để quảng bá cuộc hành hương này. Tôi cũng xin tri ân cảm tạ về việc giữ trật tự, tri ân cảm tạ lực lượng quân đội, cảnh sát, đội binh chữa lửa, các nhóm chăm sóc sức khỏe cùng tất cả những ai giúp vào việc thành đạt cho cuộc gặp gỡ của vị Giáo Hoàng này với Ba Lan và dân cư Ba Lan.

 

Tôi xin kết thúc chuyến viếng thăm của tôi bằng những lời của Thánh Tông Đồ Phaolô đã đồng hành với cuộc hành hương của tôi ở lãnh thổ Ba Lan, đó là: ‘Hãy tỉnh thức đề phòng, hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em, hãy can trường, hãy mạnh bạo. Chớ gì tất cả những gì anh chị em làm đều được thực hiện trong yêu thương’ (1Cor 16:13-14). Tôi ban phép lành cho tất cả anh chị em!

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060528_farewell-poland_en.html

 

 

TOP

 

 

 ?  Chúng ta nhận thấy có nhiều tiến bộ nơi lãnh vực đại kết, song chúng ta vẫn luôn mong đợi hơn thế nữa.

 

GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Diễn Từ với Thành Phần Đại Kết Balan Tối Thứ Năm 25 tại Nhà Thờ Ba Ngôi Chí Thánh Warsaw

 

(tiếp 29 Thứ Hai)

 

‘Kìa, Người đang đến trên đám mây và mọi con mắt sẽ được trông thấy Người’ (Rev 1:7). Những lời này của Sách Khải Huyền nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đang hành trình tiến đến cuộc hội ngộ tối hậu với Chúa Kitô, khi Người tỏ mình ra trước mắt chúng ta cái ý nghĩa của lịch sử con người, một lịch sử có tâm điểm là Thập Tự Giá của hy tế cứu độ. Là cộng đồng môn đệ, chúng ta được hướng dẫn tới cuộc hội ngộ ấy, một cuộc hội ngộ đối với chúng ta là ngày cứu độ tràn đầy hy vọng và tin tưởng, ngày mà tất cả mọi niềm khát vọng của chúng ta được nên trọn, nhờ việc chúng ta sẵn sàng để mình được hướng dẫn bởi một đức ái hỗ tương là những gì do Thần Linh gợi lên trong chúng ta. Chúng ta hãy xây dựng niềm tin tưởng này không phải bằng công lênh của mình mà bằng việc nguyện cầu là việc Chúa Kitô nhờ đó tỏ cho thấy ý nghĩa về việc Người đến trên thế gian và về cái chết cứu độ của Người: ‘Lạy Cha, con muốn rằng cả họ nữa, thành phần Cha đã ban cho Con, cũng được ở với Con để chiêm ngưỡng vinh hiển Cha đã ban cho Con vì yêu Con trước khi tạo thành thế gian’ (Jn 17:24). Trong cuộc hành trình của chúng ta tiến tới cuộc hội ngộ với Chúa Kitô là Đấng ‘đang đến trên đám mây’, bằng đời sống của mình, chúng ta loan truyền việc Người chịu chết, chúng ta tuyên xưng việc Người sống lại, khi chúng ta đang đợi chờ Người lại đến. Chúng ta cảm thấy gánh nặng của trách nhiệm được tất cả những sự ấy bao gồm; thật vậy, sứ điệp của Chúa Kitô cần phải loan tới hết mọi người trên trái đất này, nhờ việc dấn thân của những ai tin vào Người và những ai được kêu gọi làm chứng rằng Người thực sự là Đấng được Cha sai (x Jn 17:23). Bởi thế, khi chúng ta loan báo Phúc Âm, chúng ta cần phải được tác động bởi ước vọng muốn vun trồng những mối liên hệ hỗ tương của đức ái chân tình, nhờ đó, căn cứ vào đấy, tất cả sẽ nhận biết rằng Cha đã sai Con và Ngài yêu thương Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta như Ngài đã yêu Con (x Jn 17:23). Công việc của thành phần môn đệ Chúa Kitô, công việc của mỗi người chúng ta, do đó, là hướng về mối hiệp nhất, bằng cách Kitô hữu chúng ta trở nên dấu hiệu hữu hình cho sứ điệp cứu độ của Người muốn ngỏ cùng hết mọi con người.

 

Xin cho tôi được nhắc lại một lần nữa về việc gặp gỡ đại kết đã xẩy ra tại nhà thờ này với sự tham dự của nhân vật đại đồng hương Gioan Phaolô II của anh chị em, cũng như về bài diễn từ của ngài, trong đó, ngài đã phác tả như sau nhãn quan của ngài về các nỗ lực nhắm đến mối hiệp nhất trọn vẹn của Kitô hữu: ‘Cái thách đố chúng ta đang phải đối đầu đó là việc thắng vượt những trở ngại từng bước một…. và là việc cùng nhau lớn lên trong mối hiệp nhất duy nhất ấy của Chúa Kitô, một mối hiệp nhất Người đã trang điểm cho Giáo Hội từ ban đầu. Tính cách hệ trọng của công việc này không cho phép tất cả những gì là hấp tấp hay bất nhẫn, nhưng nhiệm vụ cần phải đáp ứng ý muốn của Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta cứ vững mạnh trên con đường tiến đến bình an và hiệp nhất giữa tất cả mọi Kitô hữu. Chúng ta quá rõ là không phải chúng ta là người sẽ chữa lành những vết thương chia rẽ và tái thiết hiệp nhất; chúng ta chỉ là những dụng cụ tầm thường được Thiên Chúa sử dụng. Mối hiệp nhất giữa Kitô hữu sẽ là một tặng ân Chúa ban, vào thời điểm hồng ân của Ngài. Chúng ta hãy khiêm nhượng hướng về ngày ấy, bằng việc lớn lên trong tình yêu thương, trong việc thứ tha cho nhau và trong niềm tin tưởng lẫn nhau’.

 

Từ cuộc hội ngộ này đã có nhiều sự đổi thay. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thực hiện nhiều tiến bộ đối với vấn đề hiểu biết nhau và thân thiện với nhau. Xin cho tôi được nhắc lại một số biến cố đại kết đã xẩy ra trên thế giới trong thời gian ấy, đó là việc ban hành Thông Điệp Để Họ Được Hiệp Nhất Nên Một – Ut Unum Sint; những đồng ý về Kitô Học với các Giáo Hội tiền Chalcedonia; việc ký kết ở Augsburg bản ‘Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa’; việc gặp gỡ nhân dịp Đại năm Thánh 2000 và việc tưởng niệm đại kết các nhân chứng đức tin của thế kỷ 20; việc tái thiết cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo ở cấp hoàn cầu, lễ an táng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II với sự tham dự của hầu hết tất cả các Giáo Hội cùng các Cộng Đồng Giáo Hội. Tôi cũng nhận thấy sự kiện là cả ở Balan đây nữa, khát vọng của tình huynh đệ hướng về mối hiệp nhất có thể hãnh diện với những thành đạt cụ thể. Tôi xin nhắc lại nhân dịp này đó là việc ký kết vào năm 2000 tại chính ngôi nhà thờ này đây, giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Chư Giáo Hội thuộc Hội Đồng Balan Về Đại Kết, bản tuyên ngôn cùng công nhận tính cách hiệu thành của Bí Tích Rửa Tội; việc thiết lập Ủy Ban Về Đối Thoại của Hội Đồng Giám Mục Balan và của Hội Đồng Balan Về Đại Kết, một ủy ban bao gồm các Vị Giám Mục Công Giáo và các vị lãnh đạo Chư Giáo Hội khác; việc thiết lập các ủy ban đa phương cho cuộc đối thoại thần học giữa các tín hữu Công Giáo, Chính Thống, Lutherô, Giáo Hội Quốc Gia Balan, Mariavites và Adventists; việc phát hành bản dịch đại kết bộ Sách Tân Ước và Sách Thánh Vịnh; sáng kiến ‘Cứu Trợ Trẻ Em  Dịp Lễ Giáng Sinh’ do các tổ chức bác ái thuộc các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành cùng nhau thực hiện.

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2006/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20060525_incontro-ecumenico_en.html

 

TOP

 

 

?   Đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số các chân lý trừu tượng ... Đức tin là ở chỗ sống liên hệ thân mật với Chúa Kitô” - GH Biển Đức XVI Tông Du Balan 25-28/5/2006: Bài Giảng cho Thánh Lễ ở Quảng Trường Pilsudzki Sáng Thứ Sáu 26 tại Warsaw

 

Chúc tụng Chúa Giêsu Kitô!

 

Anh Chị Em thân mến trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta, ‘cùng với anh chị em tôi muốn hát bài thánh ca chúc tụng Đấng Quan Phòng thần linh đã cho tôi được đến đây như một người hành hương’. Hai mươi bảy năm trước đây, vị tiền nhiệm yêu dấu của tôi là Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mở đầu bài giảng của ngài ở Warsaw bằng những lời lẽ ấy. Tôi cũng xin mượn những lời ấy và tạ ơn Chúa là Đấng đã cho tôi có thể đến đây hôm nay tạo Quảng Trường lịch sử này. Ở nơi đây, vào ngày áp Lễ Hiện Xuống, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thốt lên những lời nguyện cầu quan trọng ‘Xin sai Thần Linh Chúa xuống và xin canh tân bộ mặt trái đất’. Rồi ngài thêm: ‘Bộ mặt của mảnh đất này’. Chính nơi này đây đã chứng kiến việc long trọng cử hành lễ an táng cho một vị đại Giáo Chủ Balan là Đức Hồng Y Stefan Wyszynski mà trong những ngày này cử hành 25 năm kỷ niệm biến cố ấy.

 

Thiên Chúa đã liên kết hai con người này lại với nhau chẳng những bằng cùng một đức tin, đức cậy và đức mến, mà còn bằng cùng những thăng trầm về nhân loại giống nhau nữa, những thăng trầm thắt kết mỗi người trong họ rất mãnh liệt với lịch sử của nhân dân này cũng như với lịch sử của một Giáo Hội ở giữa thành phần dân ấy. Vào đầu Giáo Triều của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết cho Đức Hồng Y Wyszynski như thế này: ‘Vị Giáo Hoàng Balan này hôm nay đây sẽ không ngồi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô, mở màn cho một tân Giáo Triều với đầy lòng kính sợ Thiên Chúa song cũng đầy lòng tin tưởng, nếu không có đức tin của ngài, một đức tin không chịu khuất phục trước cảnh tù ngục và khổ đau, không có đức cậy anh hùng của ngài, việc ngài tin tưởng cho đến cùng nơi Người Mẹ Giáo Hội; nếu không có Jasna Góra cùng tất cả giai đoạn lịch sử này của Giáo Hội ở quê hương chúng ta liên quan tới việc ngài phục vụ với tư cách là một vị Giám Mục và là Giáo Chủ’ (Letter of Pope John Paul II to the Polish People, 23 October 1978). Hôm nay đây làm sao chúng ta không tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì đã được hoàn thành nơi xứ sở của anh chị em cũng như trên toàn thế giới trong Giáo Triều của Đức Gioan Phaolô II chứ? Trước mắt của chúng ta là những thay đổi đã xẩy ra nơi toàn thể guồng máy chính trị, kinh tế và xã hội. Dân chúng ở các quốc gia khác nhau đã phục hồi lại được tự do và cảm quan về phẩm giá. ‘Chúng ta chớ há quên các việc kỳ công của Thiên Chúa’ (x Ps 78:7). Tôi cám ơn cả việc hiện diện của anh chị em cùng việc cầu nguyện của anh chị em nữa. Tôi cám ơn Đức Hồng Y Giáo Chủ về những lời lẽ ngài đã ngỏ cùng tôi. Tôi xin chào tất cả các vị Giám Mục đang hiện diện nơi đây. Tôi hân hạnh thấy Tổng Thống và các vị Thẩm Quyền quốc gia và địa phương đã đến đây. Tôi ấp ủ trong lòng mình tất cả nhân dân Balan cả ở quốc nội cũng như hải ngoại.

 

‘Hãy đứng vững trong đức tin của anh chị em’! Chúng ta vừa nghe những lời của Chúa Giêsu: ‘Nếu các con yêu mến Thày, các con sẽ tuân giữ các giới huấn của Thày. Và Thày sẽ cầu xin cùng Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác để mãi ở với các con, đó là Thần Chân Lý’ (Jn 14:15-17a). Với những lời ấy, Chúa Giêsu mạc khải mối liên hệ sâu xa giữa đức tin và việc tuyên xưng Chân Lý Thần Linh, giữa đức tin và việc dấn thân cho Chúa Giêsu trong yêu thương, giữa đức tin với việc thực hành một đời sống được tác động bởi những huấn giới. Tất cả 3 chiều kích đức tin là hoa trái của tác động Thánh Linh. Tác động này được bộc phát như một quyền lực nội tại làm hòa hợp tâm can của thành phần môn đệ với Con Tim của Chúa Kitô và làm cho họ có thể yêu thương như Người đã yêu thương họ. Bởi vậy mà đức tin là một tặng ân, đồng thời cũng là một công tác.

 

‘Ngài sẽ ban cho các con một Đấng An Ủi khác – là Thần Chân Lý’. Đức tin, một kiến thức và là việc tuyên xưng chân lý về Thiên Chúa và về con người, ‘được xuất phát từ những gì đã nghe, và những gì nghe thấy được xuất phát từ việc rao giảng về Chúa Kitô’ (Rm 10:17). Qua giòng lịch sử của Giáo Hội, các Vị Tông Đồ đã rao giảng lời của Chúa Kitô, cẩn thận truyền đạt lời của Người một cách nguyên tuyền cho những ai thừa kế các ngài, rồi những vị thừa kế này lại có phận sự truyền đạt lời Người cho các thế hệ sau đó cho tới thời của chúng ta đây. Nhiều nhà truyền giảng Phúc Âm đã phải bỏ mạng sống mình một cách đặc biệt vì trung thành với sự thật của lời Chúa Kitô. Và vì thế mà việc quan tâm tới chân lý đã làm phát sinh ra Truyền Thống của Giáo Hội. Như trong các thế kỷ trước đã xẩy ra thế nào, ngày nay cũng thế, dân chúng và các phái nhóm cũng đang làm lu mờ đi cái Truyền Thống của nhiều thế kỷ này, khi họ tìm cách làm sai lệnh đi Lời của Chúa Kitô và loại bỏ khỏi Phúc Âm các chân lý mà theo họ khiến cho con người tân tiến quá nhức nhối khó chịu. Họ cố gắng gây ấn tượng là hết mọi sự đều là những gì tương đối thôi: cho dù đó là các chân lý của đức tin cũng phải lệ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử và vào việc thẩm định của loài người. Tuy nhiên, Giáo Hội không thể bịt miệng Thần Chân Lý. Thành phần Thừa Kế Chư Tông Đồ, cùng với Vị Giáo Hoàng, đều có trách nhiệm với sự thật của Phúc Âm, và tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi để thông phần vào trách nhiệm này, bằng việc chấp nhận những ấn định theo thẩm quyền của các vị. Mọi Kitô hữu buộc phải liên tục đối chiếu các niềm xác tín riêng tư của mình với những giáo huấn của Phúc Âm cũng như Truyền Thống của Giáo Hội để nỗ lực tiếp tục trung thành với lời Chúa Kitô, cho dù lời của Người có gắt gao đòi hỏi, và có khó hiểu về phương diện con người trần gian chăng nữa. Chúng ta không được chiều theo khuynh hướng của tương đối chủ nghĩa hay của một thứ chủ quan và của việc dẫn giải Thánh Kinh tùy nghi. Chỉ có chân lý toàn vẹn mới hướng chúng ta về việc gắn bó với Chúa Kitô là Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của chúng ta mà thôi.

 

(còn 1 kỳ)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/homilies/2006/documents/hf_ben-xvi_hom_20060526_varsavia_en.html

 

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ