GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 22/7/2006

 TUẦN XV THƯỜNG NIÊN

 

?  Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: Tống Cựu Nghinh Tân - Tại sao Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chọn  tân thay cựu?

?   Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Ba Thiếu Nhi Fatima

?  BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT 

 

 

? Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh: Tống Cựu Nghinh Tân - Tại sao Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chọn tân thay cựu?

 

Hôm 22/6/2006, văn phòng báo chí của Tòa Thánh đã loan tin Đức Thánh Cha Biển Đức XVI  bổ nhiệm vị thay thế Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh đương nhiệm Angelo Sodano sẽ về hưu theo tuổi tác, đó là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Tổng Giám Mục ở Genoa, nguyên thư ký Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thời Đức Hồng Y Joseph Ratzinger làm tổng trưởng, và là vị đã đại diện Tòa Thánh gặp Chị Lucia về Bí Mật Fatima phần thứ ba trước khi bí mật này được tiết lộ vào ngày 26/6/2000. Ngày vị tân quốc vụ khanh chính thức thi hành trách vụ là ngày 15/9/2006, ngày Đức Thánh Cha đã xin vị đương nhiệm tiếp tục nhiệm vụ cho tới lúc ấy.

 

Sau thông báo chính thức này, ĐHY Sodano đã phổ biến những lời phát biểu để bày tỏ: “lòng biết ơn với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, vị đã bất chấp những hạn hẹp về tuổi tác của tôi muốn lập lại niềm tin tưởng được cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giành cho tôi, khi gọi tôi lãnh nhận trách nhiệm này 15 năm trước đây. Từ nay trở đi, tôi hướng lời chúc mừng thân tình nhất tới vị thừa nhiệm mai này của tôi là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, vị tôi có được những liên hệ lâu dài trân trọng và thân tình”.

 

Đức Hồng Y Sodano, 78 tuổi, là trưởng Hồng Y Đoàn, thay thế Đức Hồng Y Joseph Ratzinger sau khi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tạ thế và tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI đăng quang. Là khâm sứ Tòa Thánh ở Chí Lợi từ năm 1977 đến 1988, ngài đã thành công trong việc làm môi giới của Đức Thánh Cha giữa Chí Lợi và Á Căn Đình nơi cuộc tranh chấp về đất đai lãnh thổ có thể đưa đến chiến tranh. Vào tháng 5/1988, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài vào chức vụ thư ký của cơ quan Tòa Thánh bấy giờ được gọi là Hội Đồng Công Vụ của Giáo Hội. Từ tháng 3/1989, qua tông hiến ‘Pastor Bonus’, ngài mang tước hiệu là bí thư văn phòng liên hệ chư quốc. Vào tháng 12/1990, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm vị phò bí thư quốc vụ khanh, và vào ngày 29/6/1991 làm quốc vụ khanh sau ngày được thăng hồng y. Ngày 30/4/2005, tân Giáo Hoàng Biển Đức XVI tái xác định vị trí của ngài cho đến khi chính ngài xin từ nhiệm về hưu.

 

Đức Hồng Y Bertone, 71 tuổi, quê quán ở Piedmont Ý quốc. Ngài sinh ra ở Romano Canavese, là con thứ 5 trong gia đình 8 người con. Từ nhỏ ngài đã ham mê ơn gọi dòng Don Bosco và đã được lãnh chức linh mục ở dòng này năm 25 tuổi.

 

Vào năm 1989, ngài được bổ nhiệm làm viện trưởng Đại Học Salêsiô dòng của ngài, và năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm TGM Vercelli, Ý Quốc. Vào năm 1995, ngài lại được cùng vị giáo hoàng bổ nhiệm làm thư ký của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin. Vào năm 2002, ngài được bổ nhiệm làm TGM ở Genoa và được thăng hồng y vào năm sau đó.

 

Để biết được lý do tại sao ngài được vị giáo hoàng đương nhiệm Biển Đức XVI chọn vào vị thế đứng thứ hai sau Giáo Hoàng về hành chánh của Quốc Đô Vatican này, chứ không chọn ngài vào chức vụ Tổng Trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thay Hồng Y Joseph Ratzinger đã trở thành Giáo Hoàng Biển Đức XVI, chúng ta hãy cùng nhau đọc bức thư Giáo Hoàng Biển Đức XVI gửi cho tín hữu giáo phận Genoa của vị tân quốc vụ khanh Tòa Thánh, nguyên văn như sau:

 

Tín Hữu Genoa thân mến,

Chúc Bình An và Phép Lành Tòa Thánh!

 

Tôi viết cho anh chị em nhân dịp chính thức công khai thông báo về việc bổ nhiệm vị tổng giám mục của anh chị em làm tân Quốc Vụ Khanh.

 

Trong 3 năm vừa qua, thời gian ngài đã dẫn dắt Giáo Hội ở Genoa, anh chị em đã cảm nhận được những tặng ân và phẩm chất cho thấy ngài là một vị mục tử trung thành, nhất là khả năng dung hợp việc chăm sóc mục vụ với đức khôn ngoan về tín lý.

 

Chính vì những tính chất ấy, cùng với việc hiểu biết và tin tưởng nhau chúng tôi đã có được trong những năm chúng tôi cùng nhau phục vụ tại Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, là những gì đã khiến tôi chọn ngài vào công việc cao quí và tinh tế này, hầu phục vụ Giáo Hội hoàn vũ ở Tòa Thánh.

 

Tôi biết rằng tôi đã đòi hỏi một hy sinh lớn lao nơi Hồng Y Bertone; tôi biết rằng thành phần tín hữu được ký thác cho ngài chăm sóc ở Genoa cũng không nhỏ nhoi gì, song tôi tin tưởng rằng lòng cảm mến của ngài và những lời nguyện cầu của ngài cho cộng đồng của anh chị em sẽ được mang đến ad Petri sedem.

 

Lịch sử giáo phận của anh chị em đã cho thấy được một tấm lòng quảng đại trung thành với vị Đại Diện của Chúa Kitô, một tấm lòng quảng đại trung thành tôi xin kêu gọi, cũng vì danh hiệu tôi đã chọn cho thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô của tôi, danh hiệu theo Vị Giáo Hoàng người Genoa trước đây (biệt chú của người dịch: ở đây Đức Biển Đức XVI có ý nói tới Đức Biển Đức XV), vị Giáo Hoàng rất sùng mộ Đức Bà Our Lady della Guardia. Tôi xin ký thác mọi người cho Mẹ vào thời điểm chuyển tiếp này đây, một thời điểm khó khăn song đầy ân sủng, vì bào giờ ‘Thiên Chúa cũng làm mọi sự cho thiện ích của những ai mến yêu Ngài’ (Rm 8:28).

 

Chính vì lòng quảng đại trung thành và tuân phục của anh chị em đối với Tòa Thánh mà tôi sửa soạn cống hiến sớm bao nhiêu có thể việc bổ nhiệm một vị thừa kế mới cho Giáo Tòa Thánh Syrus.

 

Tôi xin anh chị em hãy hợp với tôi để nguyện xin Thần Linh là Đấng sẽ giúp chúng ta trong việc nhận thức này, và từ lúc này, tôi hứa tưởng nhớ và ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả mọi thành phần ở Giáo Hội Genoa: cho các vị mục tử, cho những con người sống đời tận hiến, cho các gia đình, cho giới trẻ và cho bệnh nhân.

 

Tại Vatican ngày 22/6/2006

 

Giáo Hoàng Biển Đức XVI

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 22/6 và 18/7/2006

 

 

TOP

 

 

 ? Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Ba Thiếu Nhi Fatima

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Loạt bài về Thánh Mẫu Fatima vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần từ 27/5/2006)

 

“Phải, ‘đạo binh dàn trận’ của Đức Mẹ Mân Côi, của Đức Mẹ Thắng Trận, mở màn cho Thời Điểm Fatima chính là 3 Thiếu Nhi Fatima nhỏ bé này. Các em đã ‘dàn trận’ khi thưa ‘vâng, chúng con sẵn lòng’. Để rồi, các em đã được vị Nữ Tướng Chỉ Huy Trưởng của các em trao cho các em một thứ khí giới vô cùng lợi hại, một thứ khí giới ma quỉ sợ nhất, một thứ khí giới ma quỉ đã phải qui hàng, đó là Thập Giá, là khổ đau. Thật ra, trên danh nghĩa, các em Thiếu Nhi Fatima ở Bồ Đào Nha ấy không trực tiếp dàn trận để chiến đấu với ma quỉ cho bằng để hy sinh ‘chấp nhận chịu khổ’ hầu đền tạ Chúa nhờ đó cứu các tội nhân mà thôi. Tuy nhiên, một khi các em cứu các tội nhân là các em đương nhiên trở thành kẻ thù không đội trời chung của ma quỉ. Cũng như chính ma quỉ, hắn không trực tiếp chống lại và không thể nào chống lại được với Chúa Cứu Thế hay với Mẹ Maria, nhưng chúng vẫn có thể gián tiếp phá hủy công ơn cứu chuộc do hai Mẹ Con này lập được, bằng việc hủy hoại các linh hồn, nhất là thành phần đã lãnh nhận phép rửa, đã được hưởng hoa trái ơn cứu chuộc. Vậy thì ba em Thiếu Nhi Fatima đã dàn trận như thế nào?”

       Trên đây là đoạn gợi ý trong bài  “Fatima: Đạo Binh Dàn Trận – Đức Gioan Phaolô II”, (được phổ biến trong 3 Thứ Bảy vừa rồi). Bài này bắt đầu nói chung đến 3 Thiếu Nhi Fatima đã cùng nhau dàn trận theo ơn gọi chung của các em, và các bài sau sẽ đề cập tới từng em đã anh dũng chiến đấu trong Đạo Binh Dàn trận này theo ơn gọi riêng của từng em.  

      Trước hết, căn cứ vào nội dung và tinh thần của lời hiệu triệu của Mẹ Maria thì ơn gọi chung của cả 3 em Thiếu Nhi Fatima này là Hy Sinh Tự Hiến như một Tế Vật. Thật thế, chị Lucia đã thuật lại những gì 3 em đã sống Ơn Gọi Hy Tế này trong Hồi Ký Thứ Nhất như sau.

 

       “Vào một ngày nắng gắt, sau khi cho đi bữa ăn trưa của mình, theo quyết định chung với nhau từ trước, hễ thấy các trẻ nghèo thì cho họ đồ ăn trưa của mình, 3 trẻ cảm thấy khát, song không còn một giọt nước để uống. Đầu tiên các em dâng hy sinh khát nước vì Chúa cho các tội nhân như thường lệ. Sau đó, không chịu khát được nữa, với sự đồng ý của Phanxicô và Giaxinta, Lucia đã ghé vô một nhà ở gần đó để xin nước uống. Thế nhưng, số nước xin được lại bị đổ xuống khe đá cho chiên uống, vì cả ba ai cũng nhất định hy sinh chịu khát để cầu cho các tội nhân. Sau cùng, cơn khát làm cho Giaxinta khó chịu đến nỗi em đã nói với Lucia bảo các tiếng dế và ếch nhái đang kêu im đi vì chúng làm ‘em nhức đầu khủng khiếp’. Nhưng, sau khi nghe Phanxicô nhắc: ‘Em không muốn chịu đựng cho các tội nhân à?’, Giaxinta liền lấy hai bàn tay ôm đầu, mà nói: ‘Có chứ. Thôi để chúng kêu đi!’.”


       Căn cứ vào các việc và các cách hy sinh của các em, mà, theo như Đức Mẹ đã cho các em biết vào lần hiện ra thứ 5, 13/9/1917, là “Thiên Chúa hài lòng với những hy sinh của các con”, thì “những hy sinh” đã làm đẹp lòng Thiên Chúa của các em có thể phân tách và tóm lược như sau:


       Hy sinh là quên mình. Lúc mới bắt đầu tập hy sinh, các em đã đồng ý với nhau là đem đồ ăn trưa của mình cho đàn vật ăn, hay cho các trẻ nghèo mà các em gặp được ăn.

 

       Hy sinh là hãm mình. Các em thắt một đoạn giây thừng ở chung quanh bụng cho thân xác của các em luôn luôn cảm thấy khó chịu và đau đớn, trừ ban đêm như Đức Mẹ dặn.


       Hy sinh là cầm mình. Biết anh Phanxicô đang bị bệnh, theo tình anh em tự nhiên, Giaxinta rất muốn sang thăm anh của mình, song em đã cầm mình lại và không làm như thế: “Mẹ em đi khỏi rồi, em muốn sang thăm anh Phanxicô nhiều lần, song em đã không đi” (Hồi Ký Lucia 1).

 

       Hy sinh là ép mình. Giaxinta đã tâm sự với Lucia: “Đêm qua, em đau đớn quá sức, và vì em muốn dâng hy sinh cho Chúa, em đã không trở mình trên giường, làm cả đêm em không ngủ được” (Hồi Ký Lucia 2).

 

       Hy sinh là ẩn mình. Trong thời gian cả Phanxicô và Giaxinta bị bệnh, Giaxinta thường được Lucia vào phòng thăm trước Phanxicô, Gianxinta hay nói với Lucia là “Thôi chị sang thăm anh Phanxicô đi. Em sẽ hy sinh ở đây một mình”.

 

       Hy sinh là dấn mình. Các em vốn không thích, trái lại, còn cảm thấy bị làm phiền và khổ tâm khi người ta cứ tuốn đến hạch hỏi các em về việc Đức Mẹ hiện ra với các em, nhưng, trong khi, theo tính tự nhiên, Lucia và Giaxinta chạy trốn mỗi khi thấy bóng người ta, thì Phanxicô đã đứng lại để tiếp họ.

 

      Hy sinh là bỏ mình. Vốn không thích uống sữa một tí nào cả, thế mà, sau lần từ chối ly sữa mẹ em đưa cho em uống khi em bị bệnh, sau đó, được Lucia nhắc cho, Gianxinta đã ngoan ngoãn uống nó mỗi khi Mẹ của em đưa cho em uống.

 

       Hy sinh là liều mình. Thay vì hy sinh chịu khát, có một lần, Giaxinta đã uống cho đỡ khát, song nước mà Giaxinta uống cho đỡ khát đó không phải là nước ngon lành gì, mà là nước ao hồ bẩn thỉu, nước mà dân chúng vẫn giặt quần áo và thú vật vừa uống vừa lội trong đó.

 

       Hy sinh để đền bù cho tha nhân. Dù đang bị bệnh, Giaxinta cũng cứ đi lễ ngày thường để bù lại việc bỏ lễ Chúa Nhật của các tội nhân, hay cũng vì bị bệnh, Giaxinta cần ăn uống nhiều hơn, song em đã nhịn ăn để bù lại tội tham ăn của các tội nhân.


       Hy sinh trong tất cả mọi sự. “Giaxinta quan tâm đến vấn đề hy sinh cầu cho tội nhân ăn năn hối cải đến nỗi em không chịu bỏ qua một dịp hy sinh nào” (Hồi Ký Lucia 1).


       Tóm lại, nguyên tắc và đường lối hy sinh của 3 Thiếu Nhi Fatima gương mẫu tiên khởi này đã thực hiện đúng y như lời Thiên Thần dạy các em vào lần hiện ra thứ hai năm 1916, khi các em hỏi Thiên Thần rằng: “Chúng con phải hy sinh như thế nào?”, đó là “làm mọi sự có thể để hy sinh”.


       Ba Thiếu Nhi Fatima tiên khởi chẳng những tìm hy sinh theo hoàn cảnh riêng có thể của mình, còn cùng nhau hy sinh, (như trường hợp điển hình được đề cập đến đầu tiên), nhắc nhau hy sinh và nhất là nhắc nhau hy sinh vì yêu Chúa nữa.

 

      Cùng nhau hy sinh: Mặc dầu vốn thích hát những bài hát dân ca lành mạnh, nhưng, dù được người ta mến và yêu cầu hát, các em đã không hát nữa, theo đề nghị của Phanxicô: “Chúng ta đừng hát bài hát đó nữa. Chúa chúng ta chắc chắn không muốn chúng ta hát những điều như thế này” (Hồi Ký Lucia 3).

 

       Nhắc nhau hy sinh: “Một ngày kia, khi con đến, Giaxinta hỏi con: ‘Chị có nhiều hy sinh hôm nay không? Em có nhiều lắm.’” (Hồi Ký Lucia 1).

 

       Nhắc nhau hy sinh vì yêu Chúa: “Kể từ ngày Đức Mẹ dạy chúng con dâng hy sinh của chúng con cho Chúa Giêsu, thì bất cứ lúc nào chúng con chịu đựng, hay đồng ý hy sinh, Giaxinta đều hỏi: ‘Chị có nói với Chúa Giêsu là Chị làm vì yêu Chúa không?’ Nếu con nói chưa, em liền nói: ‘Vậy em sẽ thưa với Người’, rồi em chắp ta lại, mắt ngước lên trời: ‘Oâi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa và cho các tội nhân ăn năn hối cải’”.


       Vẫn biết lời hiệu triệu “dàn trận” của Mẹ Maria trên đây là ơn gọi chung của ba em Thiếu Nhi Fatima - ơn gọi hy sinh: ở chỗ chịu khổ để đền tạ Chúa và cứu các tội nhân.

 

       Tuy nhiên, theo Hồi Ký của chị Lucia thuật lại, thì trong ơn gọi chung này, mỗi em lại được kêu gọi sống ơn gọi chuyên biệt của mình nữa. Căn cứ vào cuộc đời của các em, cũng như căn cứ vào thứ tự của lời Mẹ Maria hiệu triệu các em ngay từ ban đầu của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima có tính cách chiến đấu tính ấy, chúng ta thấy ba em đã dàn trận khi sống ơn gọi chuyên biệt của mình để hoàn thành ơn gọi chung là hy sinh này, theo kiểu lớn trước bé sau như sau:

 

       Thiếu Nhi Fatima Lucia 10 tuổi “chấp nhận mọi đau khổ”;

       Thiếu Nhi Phanxicô 9 tuổi “đền tạ những xúc phạm”;

       Thiếu Nhi Giaxinta 7 tuổi “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại”.

 

       Ôi, cuộc sống của ba Thiếu Nhi Fatima dễ thương và đáng khâm phục là chừng nào, một gương sống đạo có lẽ đã làm cho nhiều Kitô hữu thành niên hay lão thành cảm thấy hết sức xấu hổ. Thậm chí không thể tin được.


       Theo Đức Tổng Giám Mục Jose Saraiva Martins, Bộ Trưởng Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh, thì vụ án phong thánh cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta đã được bắt đầu từ năm 1952 tại giáo phận Leiria-Fatima. Thế nhưng, tiến trình phong thánh này đã bị trì hoãn là vì vấn đề phong thánh cho các em là trẻ em liên quan đến tín lý và giáo luật, ở chỗ, các em chưa ở vào tuổi thiếu niên hay tuổi dậy thì. Trong khi đó, Thánh Bộ Cứu Xét Phong Thánh lại nhận được 180 khẩn nguyện thư thuộc 44 quốc gia trên thế giới, từ các vị hồng y, giám mục, đặc sứ tòa thánh và linh mục coi xứ trình bày cho thấy những lợi điểm của việc phong thánh cho hai em đối với giới trẻ trong thế giới hiện đại.

 

       Cuối cùng, chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã rút ngắn tiến trình phong thánh cho hai em, bằng việc công nhận nhân đức anh hùng của hai Đấng Đáng Kính (venerable) này ngày 13/5/1989, một biến cố không ngờ đã xẩy ra như điềm báo trước biến động Đông Âu sau đó ở Balan ngày 19/8/1989 (cũng là ngày kỷ niệm Mẹ Maria hiện ra ở Fatima lần thứ 4 tại Valinhos, chứ không phải ở cây sồi như các lần khác trên đồi Cova da Iria vào ngày 13 như Mẹ muốn ngay từ đầu, vì việc nhúng tay can thiệp của chính quyền địa phương). Mười năm sau, ngày 28/6/1999, hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta lại được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban bố một sắc lệnh công nhận phép lạ của hai Đấng Đáng Kính này làm, để hai vị có thể được Giáo Hội tuyên phong Á Thánh.

 

       Trong bài giảng phong chân phước cho hai Thiếu Nhi Fatima Phanxicô và Giaxinta tại chính Linh Địa Thánh Mẫu Fatima ngày 13/5 Đại Năm Thánh 2000, ĐTC GPII, (ở đoạn 6), đã nhắn nhủ thành phần thiếu nhi như sau:

 

       “Cha muốn nói những lời cuối cùng với các em nhỏ: các em trai em gái thân mến, Cha thấy nhiều người trong các em trang phục giống như Phanxicô và Giaxinta vậy. Các em mặc đẹp lắm! Thế nhưng, chút nữa đây hay ngày mai các em sẽ cởi những thứ y phục này ra và... những nhỏ mục đồng ấy không còn nữa. Các nhỏ mục đồng ấy không được mất đi phải không các em? Đức Mẹ cần tất cả các em trong việc an ủi Chúa Giêsu, Đấng buồn phiền vì nhiều điều xấu xa gây ra cho Người; Người cần đến những lời cầu nguyện cũng như những hy sinh cho tội nhân của các em. Các em hãy xin cha mẹ và thầy cô của mình ghi danh của các em vào ‘trường’ của Đức Mẹ, để Đức Mẹ có thể dạy các em nên giống như các bé mục đồng này, những bé mục đồng đã cố gắng làm theo những gì Mẹ xin họ. Cha muốn nói cho các em biết là ‘nhờ phục tùng và lệ thuộc vào Mẹ Maria, trong một thời gian ngắn người ta sẽ tiến bộ hơn là cả bao nhiêu năm theo những sáng kiến cá nhân khi cậy dựa vào mình’ (Thánh Long Mộng Phố – Louis de Montfort, Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn số 155). Đó là lý do tại sao các bé mục đồng ấy đã nên thánh rất nhanh như vậy. Có một người đàn bà tiếp đãi Giaxinta ở Lisbon, khi nghe nhỏ gái này có những lời khuyên răn rất hay ho và khôn ngoan thì hỏi ai đã dạy em điều ấy, em trả lời rằng: ‘Chính là Đức Mẹ’. Bằng tất cả lòng quảng đại của mình trong việc chuyên tâm sống theo đường hướng của một Vị Thầy tốt lành như vậy, Giaxinta và Phanxicô đã sớm đạt tới đỉnh trọn lành”.

 

(còn tiếp vào mỗi Thứ Bảy hằng tuần)
 

 

TOP

 

 

?   BẢN TUYÊN NGÔN CHUNG VỀ TÍN LÝ CÔNG CHÍNH HÓA Giữa Liên Hiệp Lutherô Thế Giới và Giáo Hội Công Giáo: 2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT 

 

(Tiếp 18 Thứ Ba, bài "Giáo Phái Methodist Thế Giới chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Chung về Tín Lý Công Chính Hóa được Liên Hiệp Luthêrô Thế Giới ký nhận với Giáo Hội Công Giáo năm 1999", 19 Thứ Tư bài họp báo giới thiệu, 20 Thứ Năm bài Dẫn Nhập mở đầu; 21 Thứ Sáu bài  1- SỨ ĐIỆP CỦA THÁNH KINH VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA)

 

2- TÍN LÝ VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA LÀ VẤN NẠN CỦA VIỆC ĐẠI KẾT 

13.    Nguyên nhân chính gây ra chia rẽ nơi Giáo Hội Tây Phương, đưa tới cả việc lên án nhau về tín lý vào thế kỷ 16, đã phản lại các điều dẫn giải và áp dụng của sứ điệp thánh kinh về việc công chính hóa. Bởi thế, dứt khoát cần phải cùng nhau tìm hiểu về việc công chính hóa để vượt qua tình trạng chia rẽ này. Bằng việc chấp nhận những cái nhìn thấu đáo từ các cuộc tìm hiểu thánh kinh cận đại, cũng như bằng việc rút lấy những cứu xét tân thời về lịch sử thần học và tín điều, cuộc đối thoại đại kết hậu Công Đồng Chung Vaticanô II đã dẫn đến một điểm đồng qui về việc công chính hóa, nhờ đó, Bản Tuyên Ngôn Chung này mới có thể phác họa nên việc đồng thuận về các sự thật căn bản liên quan đến tín lý công chính hóa. Theo chiều hướng đồng thuận này, những điều lên án nhau về khoản tín lý liên hệ thuộc thế kỷ 16 không còn áp dụng cho đôi bên hiện nay nữa.

 

(xin xem tiếp: 3. KIẾN THỨC CHUNG VỀ VIỆC CÔNG CHÍNH HÓA)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch theo VIS 5/9/2000

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ