GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 10/8/2006

 TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Phải chăng việc nghiên cứu thân bào là việc phản luân thường đạo lý? (tiếp)

?   Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?

?  HÀNH TRÌNH VIỆT NAM (tiếp) - Bản Sắc Quê Hương

 

 

? Phải chăng việc nghiên cứu thân bào là việc phản luân thường đạo lý?

 

Đaminh Maria Cao Tn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 8 Thứ Ba 9 Thứ Tư)

 

Tới đây, chúng ta nên phân biệt một chút về từ ngữ “stem cell” trong tiếng Mỹ đang được Tiếng Việt dịch là “tế bào gốc”. Thế nhưng, theo tôi, cả về ngữ vựng lẫn ý nghĩa của việc nghiên cứu này, thì stem cell nên dịch và nên gọi là “tế bào thân” hay “thân bào”. Vì chữ “stem” ở đây, về danh từ có nghĩa là “thân” và về động từ có nghĩa là là “xuất phát”, “nẩy sinh”. Thật vậy, “stem cell” là một loại tế bào thân, tức một loại tế bào đưlợc xuất phát hay nẩy sinh từ một tế bào khác, như nguồn gốc của nó, như tế bào của cái nhau hay tế bào từ phôi thai bào con người. Tế bào của cái nhau hay tế bào của phôi thai nhân bào mới là tế bào gốc, chứ không phải “stem cell”, tức loại tế bào được con người chế tạo bởi các thứ tế bào gốc của nó.

 

Căn cứ vào chủ trương của Giáo Hội Công Giáo, qua các thẩm quyền thuộc hội đồng giám mục Hoa Kỳ, hội đồng giám mục Balan và chư hội đồng giám mục Âu Châu trên đây, thì:

 

1)      Việc nghiên cứu thân bào là điều tốt. Nhưng, cho dù được phép thực hiện như việc được ngừa thai, nhưng chỉ được ngừa thai tự nhiên chứ không theo nhân tạo thế nào, thì cũng không được thực hiện cuộc nghiên cứu này từ loại nhân bào phôi thai rồi hủy diệt nó đi, vì nhân bào phôi thai là một con người, bởi thế không thể trở thành một phương tiện để khoa học thí nghiệm, lại càng không thể bị hủy diệt đi, dù là mang lại lợi ích về sức khỏe hay sự sống cho kẻ khác.

 

2)      Việc nghiên cứu thân bào từ nhân bào phôi thai, cho đến nay, chưa thực sự và tỏ tường chứng minh được hiệu quả tốt đẹp của nó trong việc chữa trị các chứng bệnh nan y hay nguy tử, trong khi đó, việc nghiên cứu thân bào từ loại tế bào già hay tế bào trưởng thành (adult cell) lại mang đến công hiệu hiển nhiên, thì nên tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu thân bào từ loại thân bào già này, hơn là mạo hiểm với loại nhân bào phôi thai, một việc hoàn toàn phản luân thường đạo lý, phi nhân bản, trầm trọng phạm đến sự sống và phẩm giá con người.

 

 

TOP

 

 

 ? Lebanon: “Những Ngày Lịch Sử Cuối Cùng”?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Do Thái và Trung Đông: Dấu Chỉ Thời Đại?

Tại Lebanon, trong bài nói của mình vào ngày 11/5/1997, Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu một câu nói đã làm cho người viết khi vừa đọc thấy liền cảm thấy hết sức rùng mình, và giờ đây, trước tình hình xung đột đang dữ dội xẩy ra gần một tháng trời, giữa lực lượng quân sự Do Thái và nhóm dân quân Hezbollah ở Lebanon, chợt nhớ lại những lời này, tôi càng cảm thấy câu nói ấy có tính chất ‘dấu chỉ thời đại’ làm sao ấy. Câu nói đó là:

“Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng, và tất cả chúng ta đang nỗ lực sửa soạn đón Chúa Kitô đến để thiết dựng vương quốc của Thiên Chúa đã được Người loan báo - We are all living in the Advent of the last days of history, and all trying to prepare for the coming of Christ, to build the kingdom of God which he proclaimed” (L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 14/5/1997, trang 2).

Phải chăng những diễn tiến xung đột đang xẩy ra đặc biệt ở Lebanon cũng như tại Iraq nói riêng, và ở toàn bộ Trung Đông nói chung, một vùng đất có thể gọi là tam biên bao gồm cả tam châu lục là Âu Châu, Phi Châu và nhất là Á Châu (với các quốc gia Phi Châu như Ai Cập và Sudan; Âu Châu như Thổ Nhĩ Kỳ; Á Châu như Cyprus, Lebanon, Do Thái, Jordan, Iraq, Iran, Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Qatar, Syria, United Arab Emirates, Yemen Sana và Yemen Aden), cả hai nơi đều liên quan tới dân nước Do Thái, một thành phần mà cuối cùng sẽ được Giavê đoái thương ra tay cứu độ (x Rm 11:25-26), là ‘dấu chỉ thời đại’ cho thấy “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng?

Không ai có thể quả quyết rằng thực sự “Tất cả chúng ta đang sống trong Mùa Vọng của những ngày lịch sử cuối cùng?” Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hơn bao giờ hết, tình hình Trung Đông đang càng ngày càng căng thẳng, một tình hình căng thẳng càng ngày càng trầm trọng và lan rộng, hầu như không có một thẩm quyền quốc tế nào có thể can thiệp và giải quyết nổi. Điển hình nhất là ở Palestine từ năm 2000, và ở Lebanon từ ngày 12/7/2006.

Thế nhưng, tại sao lại có chuyện xẩy ra cuộc xung đột gay go dữ dội hình như bất khả chấm dứt từ đầu thế kỷ 20, giữa Do Thái và các nước trong vùng thuộc Khối Ả Rập Hồi Giáo nói chung, và giữa Do Thái với các nhóm dân quân khét tiếng khủng bố nói riêng, như nhóm Hamas ở Palestine và nhóm Hezbollah ở Lebanon?

 

(bài tiếp: Tình Hình Căng Thẳng giữa Do Thái và Các Nước Ả Rập Hồi Giáo ở Trung Đông)

 

 

 

TOP

 

 

?   HÀNH TRÌNH VIỆT NAM - Bản Sắc Quê Hương

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(tiếp 8 Thứ Ba9 Thứ Tư)

Bản Sắc Quê Hương 

Thế nhưng, cho dù nghèo nàn mấy đi chăng nữa, tôi cũng chỉ thấy một số rất ít người dân tôi đi “ăn xin”, ngoài mấy người tôi gặp, vì tật nguyền quả thực không còn làm gì được nữa mới đành vuốt mặt làm như thế. Bởi thế, tôi rất hãnh diện về tinh thần tự lực mưu sinh của dân tôi. Cho dù có phải đội thúng cát để xây cất trên đầu, rất nặng nề mệt nhọc, từ thuyền lên bờ như ở bến cảng Cát Bà, hay từ đồi xuống thung lũng, như ở Saba, không biết có được lấy một Mỹ kim một ngày hay chăng, song tôi cũng không thấy một người dân tôi lành lặn nào ở Việt Nam đứng đường “ăn xin” như ở Mỹ, vùng Los Angeles và Orange County California chẳng hạn, hầu như toàn Mỹ trắng, với tờ giấy giơ lên “work for food”. Trái lại, tôi đã gặp 2 em gái Hmong ở Saba, nhất định không lấy tiền cho không, mà chỉ lấy tiền bán đồ của các em mà thôi.

Thậm chí tôi cũng chẳng thấy, hoặc chưa thấy, những vụ cướp giật ngoài đường, suốt chuyến xuyên Việt của tôi. Trước khi về thăm quê hương, tôi đã được không ít người cảnh giác về tình trạng trộm cướp ở Việt Nam, nhất là nơi các thành phố. Họ khuyên chúng tôi mua sắm những thừ đeo cổ hay đeo bụng. Họ chỉ cho chúng tôi cách thức giấu tiền, giấu giấy tờ. Họ dặn chúng tôi đừng đi sát người nào hay để người nào đi sát mình. Đừng mở bóp hay ví trước mặt người khác v.v. Tôi cũng có nghe nói tới nạn mãi dâm trắng trợn và khiếp đảm ở các bờ biển nổi tiếng, như Đồ Sơn Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, và Vũng Tầu, cả 4 nơi tôi đều tới, nhưng chỉ chứng kiến, từ trên sân thượng lầu hai của khách sạn Cap Saint Jacques, một cảnh nam đánh nữ ở lề đường ven bãi biển của bãi sau Vũng Tầu vào đêm 6/7 mà thôi.

Trong chuyến xuyên Việt, tôi thấy ở bên đường, có những tấm bảng kêu gọi sử dụng bao cao su làm tình để tránh hội chứng liệt kháng, và kêu gọi mỗi gia đình chỉ được có một hay hai đứa con. Trái lại, tôi cũng thấy dân tôi rủ nhau làm đám cưới, linh đình lập gia đình. Vào hai ngày Thứ Bảy, một ở khách sạn Hải Yến Nha Trang, và một ở khách sạn Kim Đô Sài Gòn, tôi thấy hai đám cưới. Cũng trưng hình cô dâu chú rễ, như ở Mỹ, ngay trước cửa phòng tiệc. Cũng hát những bài tình ca, như ở Mỹ, như bài 60 năm cuộc đời hay bài đám cưới miền quê v.v. Hôm Chúa Nhật 9/7, ở Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng Sài Gòn, sau Thánh Lễ 8 giờ sáng, tôi thấy nhà thờ sửa soạn cho một lễ cưới tập thể 4 cặp sau đó.

Dù không có thống kê trong tay, tôi vẫn không tin dân tôi ly dị và phá thai nhiều như ở Mỹ. Tôi đã thấy một em người dân tộc Hmong ở Saba, chạc tuổi thiếu niên, đang ngồi trước nhà, vạch vú cho con bú một cách tự nhiên. Cách đây mấy năm, tôi đã nghe một người mẹ có con là thân chủ hơi bị chậm phát triển của tôi kể rằng, chị đã rủ một em Hmong dễ thương sang Mỹ để làm vợ đứa con này của chị, nhưng em đã khẳng khái từ chối, chỉ muốn ở lại bản (buôn/làng) với gia đình và họ hàng nghèo khổ của em. Nếu các em thanh thiếu nữ Việt Nam sống ở miền quê của tôi, ai cũng như người con gái Hmong ấy, hay như hai em Hmong cho tiền cũng không lấy kia, thì đâu còn nạn “dấn thân” đi làm vợ ngoại kiều ở Đại Hàn và Đài Loan, vô cùng thảm thương, như tôi vẫn thường nghe thấy tin tức ở Mỹ. Tuy nhiên, đó cũng là một hiện tượng cho thấy dân nước tôi như chiên thiếu chủ chăn vậy!

Dầu sao tôi cũng lấy làm hãnh diện, mặc dù không có chủ chăn, dân tôi vẫn cần cù sống, vẫn lam lũ sống,  tay làm hàm nhai, ít thấy cảnh ăn xin, và chưa thấy cảnh cướp giật như tin đồn. Tôi còn hãnh diện hơn nữa khi chứng kiến thấy cái tài tiểu công nghệ khéo léo của dân tôi. Ở Phố Cổ Hội An Đà Nẵng, trong một khu vực xe ô-tô và mô-tô không được phép chạy ồn ào vào ngày Thứ Bảy, tại xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ, tôi đã thấy một chị ngồi sử dụng mấy ngón tay, với một bộ phận máy xoay xoay, để làm một bộ ly tách và ấm uống trà trong vòng mấy phút, và thấy một anh ngồi đục khoét một gốc tre tua tủa rễ để làm đầu ông thọ, trông rất ư là truyền thần! Cũng ở khu Phố Cổ Hội An này, tại một xưởng tiểu công nghệ khác, tôi được hướng dẫn chẳng những xem cách dệt tơ kết sợi, từ lúc con tằm ăn dâu nhả tơ, đến khi thành những loại vải vóc, mà còn thấy những bàn tay khéo léo của các em nữ nhi dùng chỉ thêu thùa thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Cũng ở Đà Nẵng, tôi đã đến thăm khu Ngũ Hành Sơn, ngoài thắng cảnh 5 ngọn núi, còn là một nơi qui tụ các xưởng tiệm làm tượng đá, những pho tượng đá đủ kiểu, đủ cỡ, cả về nghệ thuật lẫn tôn giáo, rất đáng được trưng bày ở những đền chùa, thánh đường hay các ngôi nhà sang trọng. Bên bờ sông Tiền Giang, tôi đã ghé đến Lò Cốm Cửu Long gần khu chợ nổi, và thấy cách thức những hạt thóc được rang với cát nóng, nở ra thành những vụn cốm trắng, cho đến khi thành kẹo cốm và được cho vào bao nhựa. Ở đây, tôi còn thấy người ta làm bánh tráng, làm nón lá, làm nhãn xấy. Ở Đà Lạt, ghé thăm XQ Sử Quán, tôi đã ngất ngây trước những bức tranh thêu tuyệt mỹ, tuyệt kỷ, cả những bức truyền thần thật là sống động, lẫn những bức tranh đồng quê thật là truyền cảm.

Ngoài kỹ thuật và nghệ thuật tài khéo của dân tôi trên đây, tôi còn được thưởng thức các thứ nghệ thuật trình diễn đầy mầu sắc dân tộc nữa. Ở trung tâm giải trí Hàm Rồng Sapa Bắc Việt, trong vòng 45 phút đồng hồ, tôi đã thưởng thức đủ thứ vũ điệu của các thành phần dân tộc thiểu số thuộc vùng thượng du ở quê hương tôi. Rất dễ thương. Rất duyên dáng. Ở Huế, trên sông Hương, tôi đã được nghe hát hò và đàn ca thật chính gốc Huế, chưa bao giờ thấy, suốt 1 tiếng đồng hồ. Tôi cảm thấy văn hóa Việt Nam cô đọng đâu đây, đêm hôm ấy. Ở Cù Lao Minh, từ Cái Bè sang Vĩnh Long, tôi còn được thưởng thức những giọng ca, tiếng hát, điệu đàn. Thuần túy miền Nam. Thật xúc động. Nhất là ở vở bi kịch vọng cổ ép duyên kết thúc. Thành phần nữ giới trong nhóm của tôi đã không cầm được giọt lệ. Phải chăng dân nước tôi cũng đang bị ép duyên, sống với một người chồng “vô duyên đối diện bất tương phùng”?!

Chưa hết, tính chất và bản sắc văn hóa dân tộc bốn ngàn năm văn hiến của tôi còn được bộc lộ và thể hiện qua các món ăn thức uống nữa. Phải thú thật, suốt cả cuộc đời gần lục tuần của mình, chưa bao giờ, trong gần ba tuần lễ liền, tôi đã được ăn uống thịnh soạn như thế. Cho dù 3 tháng sống đời tị nạn năm 1975 (10/5-8/8) trước khi được định cư tại Hoa Kỳ, tuy thảnh thơi xơi nước, chỉ ăn chơi nói chuyện suốt ngày chẳng làm gì, ngoài việc chính yếu là xếp hàng ba bữa, cũng không bằng 3 tuần du lịch Việt Nam 2006. Với bữa điểm tâm với mấy chục món, ăn theo kiểu buffet, tha hồ chọn, trong đó hầu như bao giờ cũng có cả các món chính như sôi, phở, bánh cuốn, bánh mì v.v. Với bữa trưa và tối, bữa nào cũng gần cả chục món, toàn là các món đặc sản quê hương ở mỗi địa phương. Ăn không hết. Nhớ không nổi. Cũng cá, thịt, tôm, cua, rau, trái v.v. nhưng mỗi miền, mỗi nơi làm một kiểu, nấu một cách. Thật là đặc sản. Thật là đặc thù. Chưa từng thấy. Chỉ biết rằng ngon thật là ngon. Lạ thật lạ.

Qua dịp này, ở Đà Lạt, tôi mới được nếm thử món ếch chiên và heo rừng, ở Bảo Lộc món thỏ, và ở Sài Gòn món nai. Món thịt chó tôi thấy đầy giẫy ở các tiệm miền Bắc. Món tôi đã từng nếm từ lâu. Còn về thức uống, tôi không thể quên được hương vị trà, đắng lưỡi ngọt cổ, thật là đậm đà, ở khu Trà Tiên Phong Quán Bảo Lộc, nằm trên quốc lộ 20, cách Đà Lạt 100 cây số về phía nam. Nơi đây, sau khi dùng bữa trưa ở Khu Vườn Ẩm Thực, tại một trong ba ngôi nhà sàn cổ của người dân tộc, khách du lịch được đưa tới một quần thể kiến trúc bao gồm hơn 5 ngôi nhà cổ Hội An lớn nhỏ, và một khu sân vườn đậm đà bản sắc Việt Nam. Tại một trong 5 ngôi nhà này, Tịnh Tâm Trà, Tri Kỷ Trà hay Vọng Nguyệt Trà v.v. gì đó, tôi không nhớ rõ, tôi đã được thấy tận mắt một cô gái trẻ duyên dáng, vừa thuyết vừa biểu diễn, nghệ thuật pha trà, dụng cụ pha trà, nước pha trà, câu truyện về trà và cách thưởng thức trà. Thật lạ đối với tôi. Đầy hương vị quê hương tôi chưa từng cảm nghiệm.

(mai tiếp: Tinh Thần Phục Vụ)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ