GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 6/9/2006

 TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

?  Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Chủ Đề Chuyến Tông Du Thứ Bốn về Đức Quốc: “Ai Tin Tưởng Thì Không Bao Giờ Cảm Thấy Bị Lẻ Loi Đơn Độc”

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  23/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 16: Tông Đồ Gioan, 'Vị Thụ Khải Đảo Patmô'

 

 

? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Cuộc Phỏng Vấn với Nhóm Ký Giả Đức Quốc về đủ mọi vấn đề hiện đại liên quan tới ngài và Giáo Hội 

 

(tiếp 5 Thứ Ba)

 

Vấn:    Tâu Đức Thánh Cha, đây là câu hỏi về tình hình liên quan tới vấn đề chính trị ngoại giao. Những niềm hy vọng hòa bình ở Trung Đông trong mấy tuần lễ qua đã bị cụt hứng: ĐTC thấy gì nơi vai trò của Tòa Thánh liên quan tới tình hình hiện nay? ĐTC có thể thực hiện những ảnh hưởng tích cực nào đối với tình hình này, đối với những biến chuyển ở Trung Đông hay chăng?

 

Đáp:   Tất nhiên là chúng ta không có một ảnh hưởng chính trị nào và chúng ta không muốn có bất cứ quyền lực chính trị nào. Thế nhưng, chúng ta thực sự muốn kêu gọi tất cả mọi Kitô hữu, cũng như tất cả những ai cảm thấy được tác động bởi những lời lẽ của Tòa Thánh, hãy giúp vào việc vận động với tất cả mọi lực lượng trong vấn đề nhìn nhận rằng chiến tranh là một giải pháp tệ hại nhất đối với đôi bên. Nó chẳng mang lại thiện ích gì hết, thậm chí cho cả những kẻ hiển nhiên thắng trận. Chúng ta quá hiểu điều này ở Âu Châu sau hai trận thế chiến. Mọi người ai cũng cần đến hòa bình.

 

Ở Lebanon có một cộng đồng Kitô hữu mạnh mẽ, có những người Kitô hữu giữa những người Ả Rập, có những người Kitô hữu ở Do Thái. Kitô hữu trên khắp thế giới đều dấn thân để giúp đỡ những xứ sở rất thân thương với tất cả chúng ta đây. Có những mãnh lực luân lý đang tác động để giúp con người hiểu được rằng làm sao tất cả chúng ta chỉ có một giải pháp duy nhất để cùng nhau chung sống mà thôi.

 

Đó là những động lực luân lý chúng ta muốn động viên: Vấn đề ở đây là các chính trị gia phải làm sao tìm cách để cho điều này xẩy ra sớm bao nhiêu có thể, nhất là trong việc làm cho nó được tồn tại. 


Vấn:    Là một Giám Mục Rôma, ĐTC là vị thừa kế Thánh Phêrô. Làm thế nào để thừa tác vụ Phêrô này có thể thể hiện một cách thích hợp trong thế giới ngày nay? Và ĐTC thấy như thế nào về những căng thẳng và quân bình giữa một bên là quyền bính của vị Giáo Hoàng, và một bên là đoàn tính của các vị giám mục?

 

Đáp:   Dĩ nhiên là có một mối liên hệ giữa sự căng thẳng và quân bình, mà chúng ta cho rằng đó là cách thức phải xẩy ra như thế. Tính cách đa phần và hiệp nhất bao giờ cũng cần phải có cái tương hệ của mình, và mối liên hệ này cần phải thấm nhập bằng những cách thức mới mẻ hơn bao giờ hết vào những tình trạng đổi thay trên thế giới này. Chúng ta có một thứ đa âm mới nơi các nền văn hóa ngày nay là những gì khiến cho Âu Châu không còn là một yếu tố định đoạt nữa.

 

Kitô hữu ở các châu lục khác nhau đang bắt đầu nắm được tầm vóc quan trọng của mình, nắm được những đặc tính riêng của mình. Chúng ta cần phải tiếp tục hiểu biết về cái liên hợp của những cấu tố khác nhau ấy. Chúng tôi đã phác họa ra những phương tiện khác nhau để giúp cho chúng tôi, đó là những cuộc viếng thăm của các vị giám mục được gọi là ‘ad limina’, những cuộc thăm viếng vốn vẫn từng xẩy ra. Giờ đây chúng được sử dụng nhiều hơn nữa để các vị giám mục có thể chân tình nói chuyện với tất cả mọi phân bộ của Tòa Thánh cũng như với tôi.

 

Tôi đích thân nói chuyện với từng vị giám mục. Tôi đã nói chuyện với hầu hết tất cả các vị giám mục Phi Châu cũng như với nhiều vị giám mục Á Châu. Giờ đây tới phiên của Trung Âu, của Đức quốc, của Thụy Sĩ. Nơi những cuộc hội ngộ giữa tâm điểm và ngoại vi cho việc cởi mở trao đổi các quan điểm ấy, tôi nghĩ rằng việc trao đổi với nhau một cách đúng đắn nơi cuộc gặp gỡ ấy là những gì làm cân bằng lại tình trạng gia tăng căng thẳng. Chúng tôi cũng có những cách thức khác nữa, như thượng nghị giám mục, mật nghị hồng y, là những biến cố tôi sẽ tổ chức thường xuyên và là những gì tôi muốn phát triển.

 

Không cần tới một chương trình thực hiện lâu dài, chúng tôi có thể bàn bạc với nhau về những vấn đề hiện đại và tìm kiếm những giải pháp. Hết mọi người đều biết rằng Giáo Hoàng không phải là một tay quân chủ toàn quyền, ngài cần phải, quí vị có thể nói, hiện thân hóa cái tổng thể để cùng nhau qui tụ lại lắng nghe Chúa Kitô.

 

Hiện nay đang có một nhận thức mãnh liệt là chúng ta cần đến một hình ảnh hiệp nhất để có thể bảo đảm được tình trạng độc lập đối với các quyền lực chính trị, cũng như để Kitô hữu không đồng hóa quá trớn với chủ nghĩa duy quốc. Cũng đang có ý thức cần đến một hình ảnh cao cả hơn và to lớn hơn để có thể kiến tạo nên mối hiệp nhất nơi việc hội nhập về cơ cấu của tất cả mọi phần tố, cũng như có thể bao gồm cùng cổ võ tính cách đa bội.

 

Bởi thế mà tôi tin rằng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa thừa tác vụ Phêrô là thừa tác vụ được mong muốn phát triển hơn nữa hầu có thể đáp ứng với cả ý muốn của Chúa Kitô lẫn nhu cầu của thời đại.

 
Vấn:    Là một mảnh đất Cải Cách, Đức quốc được đặc biệt đánh dấu bởi những liên hệ giữa các niềm tin khác nhau về đạo giáo. Các mối liên hệ về đại kết là lãnh vực tế nhị thường liên tục gặp phải những trục trặc mới. ĐTC có thấy được những cơ hội nào trong việc cải tiến nơi những mối liên hệ với Giáo Hội Tin Lành, hay ĐTC thấy trước được những khó khăn nào đó nơi mối liên hệ này hay chăng?

 

Đáp:   Trước hết, có thể cần phải nói rằng có những cái khác nhau đang kể nơi Giáo Hội Tin Lành. Nếu tôi không nhầm thì ở Đức chúng ta có 3 cộng đồng quan trọng, đó là cộng đồng Luthêrô (Lutheran), cộng đồng Cải Cách (Reformed) và cộng đồng Hiệp Nhất Phổ (Prussian Union).

 

Cũng có một vài giáo hội phóng khoáng (Freikirchen), và trong các Giáo Hội truyền thống có các phong trào như ‘Giáo Hội tuyên tín’ (confessional Church), v.v. Bởi thế, nó là một tổng hợp của nhiều tiếng nói mà chúng ta cần phải thực hiện việc đối thoại để tìm kiếm mối hiệp nhất mà vẫn tôn trọng tính cách đa diện của các tiếng nói chúng ta muốn hợp tác.

 

Tôi tin rằng điều đầu tiên chúng ta cần làm đó là vấn đề liên quan tới chính mình, bằng cách làm sáng tỏ, thiết lập và mang ra thực hành những hướng dẫn về luân thường đạo lý trong xã hội, nhờ đó bảo đảm tính cách nhất trí về đạo lý của xã hội, là những gì nếu thiếu đi xã hội sẽ không thể nào hoàn trọn được những cùng đích chính trị của nó, tức là đạt được công lý cho tất cả mọi người, để cùng nhau chung sống một cách tốt đẹp, và đạt được hòa bình.

 

Về khía cạnh này thì tôi thấy có nhiều điều đã đạt được, đó là chúng tôi đồng ý về những điều căn bản chung của Kitô Giáo trước những thách đố cả thể về luân lý.

 

Dĩ nhiên là bởi thế chúng ta cần phải làm chứng cho Thiên Chúa ở một thế giới như chúng ta đã nói đang gặp trục trặc trong việc tìm kiếm Ngài, cũng như chúng ta cần phải làm cho Thiên Chúa trở thành hữu hình nơi dung nhan nhân loại của Chúa Giêsu Kitô, cần phải cống hiến cho dân chúng phương tiện đến được với nguồn mạch này mà nguồn mạch nếu thiếu hụt thì tinh thần của chúng ta trở thành cằn cỗi và mất điểm tựa, cần phải cống hiến cả niềm vui nữa, vì chúng ta không đơn độc trên thế giới này.

 

Chỉ có thế niềm vui mới phát sinh trước sự cao cả của nhân loại, ở chỗ, nhân loại không phải là một sản phẩm tiến hóa có thành quả xấu xa. Chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta phải tiếp tục tiến triển có thể nói về hai lãnh vực này, đó là lãnh vực của những điểm tựa quan trọng về đạo lý và lãnh vực cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa, một Thiên Chúa cụ thể, bằng cách bắt đầu từ bên trong và hoạt động hướng tới những lãnh vực này.

 

Nếu chúng ta làm điều này, nhất là nếu trong tất cả từng cộng đồng của mình, chúng ta cố gắng đừng sống niềm tin một cách đặc biệt thời trang, nhưng bao giờ cũng từ những nền tảng sâu xa của nó, thì có thể chúng ta vẫn không tiến tới được với những biểu lộ ngoại tại của mối hiệp nhất này một cách mau chóng, song chúng ta sẽ chín chắn hướng tới một tình trạng hiệp nhất sâu xa mà, nếu Chúa muốn, một ngày kia, sẽ kéo theo cả một hình thức hiệp nhất bề ngoài nữa vậy.

 

(còn tiếp cho tới hết tuần)

 

TOP

 

 

 ? Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Chủ Đề Chuyến Tông Du Thứ Bốn về Đức Quốc: “Ai Tin Tưởng Thì Không Bao Giờ Cảm Thấy Bị Lẻ Loi Đơn Độc”.

 

Thật vậy, phần dẫn nhập cho Lễ được Văn Phòng Cử Hành Phụng Vụ Giáo Hoàng dọn cho chuyến đi này, dưới sự hướng dẫn của ĐTGM Piero Marini, sẽ trình bày một tính chất chung của đức tin nơi một xứ sở qua nhiều thập niên nhà thờ càng ngày càng trở nên trống vắng.

 

Đề tài này ‘xác định là hết mọi người được lãnh nhận phép rửa đều được nhận vào đại cộng đồng tín hữu và cùng với họ làm hiện thân toàn thể Giáo Hội’.

 

Nền tảng sâu xa của lời khẳng định này được hiểu theo chiều hướng ‘của mối hiệp thông từng người với Thiên Chúa, Đấng hỗ trợ hết mọi người khi sống cũng như lúc chết. Sau hết, câu chủ đề này liên quan tới mối hiệp thông cao cả của các vị thánh, một mối hiệp thông tất cả được thuộc về nhờ phép rửa và dẫn tất cả tới mối hiệp thông đại đồng của tất cả mọi tín hữu ở mọi nơi và mọi lúc’.

 

‘Ai tin tưởng sẽ không bao giờ cảm thấy bị lẻ loi đơn độc’ là một trong những câu gây tác dụng mạnh mẽ nhất trong bài giảng của Giáo Hoàng Biển Đức XVI cho lễ đăng quang giáo triều của ngài hôm 24/4/2005.

 

Việc ‘thể hiện cao cả nhất’ cho việc đức tin đỡ nâng là những gị được cảm nghiệm thấy ‘nơi việc cử hành chung Bí Tích Thánh Thể’. Bởi thế mà những giây phút quan trọng nhất trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha sẽ là việc cử hành Thánh Lễ ở Munich, Altoetting và Regensburg.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/9/2006

 

 

 

TOP

 

 

?   Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư  23/8/2006 - Giáo Lý về Giáo Hội Hiệp Thông - Bài 16: Tông Đồ Gioan, 'Vị Thụ Khải Đảo Patmô'

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Trong bài Giáo Lý vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về hình ảnh của Tông Đồ Gioan. Đầu tiên chúng ta đã cố gắng để có thể biết được bao nhiêu về cuộc sống của ngài. Thế rồi, trong bài giáo lý sau đó, chúng ta đã suy niệm về nội dung chính yếu của Phúc Âm và các Thư ngài viết: đó là đức ái, là tình yêu. Và hôm nay, chúng ta lại chú trọng tới hình ảnh của Thánh Gioan lần nữa, lần này chúng ta thấy ngài như là một vị thị kiến Khải Huyền.

 

Chúng ta cần phải có một nhận định tức khắc là, trong khi tên của ngài không bao giờ xuất hiện ở cuốn Phúc Âm Thứ Bốn hay các bức thư được cho là của vị tông đồ này, thì Sách Khải Huyền đề cập tới tên Giaon 4 lần (x 1:1,4,9;22:8). Một mặt thì rõ ràng là vị tác giả này không cần phải giấu diếm tên tuổi của mình, mặt khác, ngài biết rằng thành phần độc giả đầu tiên của ngài có thể chính xác nhận ra ngài. Chúng ta còn biết thêm là, ngay trong thể kỷ thứ ba, các học giả đã tranh cãi về cái chân tướng thực sự của vị Gioan Khải Huyền này.

 

Đó là lý do chúng ta cũng có thể gọi ngài là ‘vị thụ khải ở Patmô’, vì hình ảnh của ngài gắn liền với địa danh của hải đạo vùng Biển Aegean, nơi mà, theo chứng từ tự thuật riêng của ngài, ngài thấy mình bị đầy đến đó ‘vì lời Chúa và việc làm chứng cho Chúa Giêsu’ (Rev 1:19). Chính tại Patmô, ‘trong Thần Linh vào ngày của Chúa’, Thánh Gioan đã có những thị kiến cao cả và đã nghe thấy những sứ điệp đặc biệt, những gì có một tác dụng không ít trên lịch sử của Giáo Hội cũng như nơi tất cả nền văn hóa Kitô Giáo.

 

Chẳng hạn, từ nhan đề của cuốn sách ngài viết là ‘Apocalypse’ (Khải Huyền), ngôn ngữ của chúng ta mới có những chữ ‘apocalypse, apocalyptic’ là những chữ gợi lên, cho dù không thích đáng, ý tưởng về một thứ tai ương chập chờn.

 

Cuốn sách này cần phải được hiểu trong bối cảnh của cái cảm nghiệm thảm thương nơi 7 Giáo Hội ở Á Châu (Ephesus, Smyrna, Pergamum, Tiatira, Sardi, Philadelphis và Laodicea), những giáo hội vào cuối thế kỷ thứ nhất phải đương đầu với những khó khăn – đó là những cuộc bách hại và thậm chí cả những khó khăn nội bộ – trong việc họ làm chứng cho Chúa Kitô. Thánh Gioan ngỏ lời cùng họ, tỏ cho thấy cái cảm thức mục vụ sâu xa đối với thành phần Kitô hữu bị bách hại, thành phần được ngài khuyến dụ là hãy kiên trì trong đức tin chứ đừng đồng hóa mình với chính thế giới dân ngoại rất hùng mạnh bấy giờ.

 

Nói tóm thì mục tiêu của ngài đó là tỏ ra cho thấy ý nghĩa của lịch sử loài người từ cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Kitô. Thật vậy, thị kiến đầu tiên và chính yếu của Thánh Gioan liên quan tới hình ảnh Con Chiên, một con chiên dù có bị sát hại, vẫn đứng (x. Rev 5:6), trước ngai chính Thiên Chúa ngự trị. Qua hình ảnh ấy, Thánh Gioan muốn nói với chúng ta hai điều chính yếu: thứ nhất là Chúa Giêsu, mặc dù Người bị sát hại một cách dữ dội, thay vì nằm sõng soài dưới đất thì ngược lại vẫn đứng vững, vì Người đã vĩnh viễn chiến thắng tử thần bằng cuộc phục sinh của Người.

 

Thứ hai là chính Chúa Giêsu, chỉ vì Người đã chết và phục sinh, mà giờ đây hoàn toàn tham phần vào quyền năng vương giả và cứu độ của Chúa Cha. Đây là một thị kiến trọng yếu. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trên thế gian này, là một Con Chiên bất lực, thương tích và tử vong. Thế nhưng, Người vẫn đứng, vững vàng, trước ngai Thiên Chúa và tham dự vào quyền năng thần linh. Người nắm trong tay của Người lịch sử của thế giới này. Như thế, vị thụ khải này muốn nói với chúng ta rằng: Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu, đừng sợ các quyền lực đối địch, đừng sợ bị bách hại! Con Chiên bị đả thương và tử vong là Con Chiến chiến thắng! Hãy theo Chúa Giêsu, Con Chiên, hãy tin tưởng Chúa Giêsu, hãy theo đường lối của Người! Cho dù trên thế gian này, Người như thể là một Con Chiên yếu đuối, Người là kẻ chiến thắng!

 

Đối tượng của một trong những thị kiến chính của Sách Khải Huyền đó là Con Chiên ở vào lúc Người mở cuốn sách trước đó được niêm phong bằng 7 ấn tín, một cuốn sách không ai có thể mở nổi (x Rev 5:4). Lịch sử dường như là những gì bất khả giải mã, bất khả triệt thấu. Không ai có thể đọc được nó cả.

 

Có lẽ việc Thánh Gioan khóc lóc trước mầu nhiệm rất tăm tối của lịch sử là những gì thể hiện tình trạng bối rối của các Giáo Hội Á Châu vì Thiên Chúa tỏ ra thinh lặng trước những cuộc bách hại họ phải chịu bấy giờ. Đó là một tình trạng bối rối được phản ảnh rõ ràng cái ngỡ ngàng của chúng ta trước những khó khăn nặng nề, những hiểu lầm và những thù hận mà Giáo Hội cũng phải chịu ở một số phần đất trên thế giới ngày nay.

 

Chúng là những thứ khổ đau Giáo Hội chắc chắn không đáng chịu, như Chúa Giêsu không đáng bị trừng phạt vậy. Tuy nhiên, chúng tỏ ra cả cái ác tâm hiểm độc của con người ta, khi Người để cho mình bị làm chủ bởi các cạm bẫy của sự dư, cũng như bởi việc Thiên Chúa là Đấng điều khiển các biến cố xẩy ra. Bởi thế mà chỉ có Con Chiên bị sát tế mới có thể mở được cuốn sách được niêm ấn ấy và mới cho thấy nội dung của cuốn sách này, mới cống hiến ý nghĩa cho lịch sử, một lịch sử bề ngoài thường rất ư là lố bịch buồn cười.

 

Một mình Người mới có thể rút ra những lời khuyên bảo và những giáo huấn cho đời sống của Kitô hữu, thành phần được cuộc chiến thắng của Người trên sự chết loan báo và bảo đảm cho cuộc chiến thắng họ chắc chắn sẽ đạt được. Tất cả mọi ngôn từ được Thánh Gioan sử dụng, đậm đà hình ảnh, đều nhắm đến việc cống hiến cho chúng ta niềm an ủi này.

 

Ở tâm điểm của thị kiến được Sách Khải Huyền trình bày là hình ảnh rất đặc biệt của một Người Nữ, người hạ sinh một Người Con trai, và thị kiến bổ xung về Con Rồng, một con rồng bị rơi từ các tầng trời xuống, nhưng vẫn rất mãnh lực. Người Nữ này là tiêu biểu cho Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, nhưng người nữ ấy đồng thời cũng tiêu biểu cho toàn thể Giáo Hội, cho Dân Chúa thuộc mọi thời đại, cho Giáo Hội qua mọi thời đại cảm thấy hết sức đớn đau hạ sinh Chúa Kitô. Và người nữ này luôn bị đe dọa bởi quyền lực của Con Rồng. Người nữ ấy có vẻ bất lực, yếu đuối.

 

Thế nhưng, trong khi bà bị đe dọa, bị Con Rồng truy nã, bà cũng được ơn an ủi của Thiên Chúa bảo vệ. Và Người Nữ này, cuối cùng, chiến thắng. Con Rồng không phải là kẻ thắng cuộc. Đây là lời tiên tri cả thể của cuốn sách này, làm cho chúng ta tin tưởng! Người nữ chịu khổ đau trong giòng lịch sử là Giáo Hội bị bách hại, cuối cùng đã xuất hiện như Vị Hôn Thê rạng ngời, hình ảnh của một tân Gia-Liêm, nơi không còn châu lệ hay khóc than, hình ảnh của một thế giới được biến đổi, của một tân thế giới mà chính Chúa là ánh sáng và đèn soi là Con Chiên.

 

Chính vì lý do ấy mà Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, mặc dù đầy những chi tiết liên tục dính dáng tới khổ đau, hoạn nạn và khóc than – bộ mặt tối tăm của lịch sử – đồng thời cũng thường có các bài tụng ca có thể nói tiêu biểu cho bộ mặt rạng ngời của lịch sử.

 

Chẳng hạn, Khải Huyền nói đến một đám thật đông xướng ca gần như vang rền là: ‘Alleluia! Chúa đã thiết lập triều đại của Ngài, vị Thiên Chúa của chúng ta, Đấng toàn năng. Chúng ta hãy hân hoan sung sướng tôn vinh Ngài. Vì đã tới ngày hôn  lễ của Con Chiên, vị hôn thê của Người đã sửa soạn sẵn sàng’ (Rev 19:6-7). Chúng ta đang đối diện với một cái đối nghịch thường thấy nơi Kitô Giáo, theo đó, đau khổ không bao giờ được coi là phán quyết cuối cùng; trái lại, nó được thấy như là một giây phút vượt tới hạnh phúc, hơn thế nữa, cái hạnh phúc này đã được nhiệm mầu thấm đậm bởi niềm vui xuất phát từ niềm hy vọng.

 

Bởi thế mà Thánh Gioan, vị thụ khải ở Patmô, có thể kết thúc cuốn sách của mình bằng một ước vọng cuối cùng làm rung động cả một niềm hy vọng thiết tha. Ngài gợi lên cho thấy việc Chúa Kitô đến lần sau hết: ‘Hãy đến, lạy Chúa Giêsu!’ (Rev 22:20). Đó là một trong những lời nguyện cầu chính yếu của một Kitô Giáo phôi sinh, được Thánh Phaolô chuyển dịch sang tiếng Aramaic là ‘Marana tha’. Và lời nguyện cầu này: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ (1Cor 16:22) có một số chiều kích.

 

Trước hết, dĩ nhiên là nó áp dụng vào việc đợi chờ cuộc vĩnh viễn chiến thắng của Chúa Kitô, của một tân Gia Liêm, của Chúa là Đấng đến biến đổi thế giới. Thế nhưng, đồng thời nó cũng là một kinh nguyện Thánh Thể: ‘Giờ đây, lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!’ Và Chúa Giêsu đến, Người dự phóng cho việc đến lần cuối cùng của Người. Như thế, với niêm hân hoan, chúng ta đồng thời cũng nói: ‘Giờ đây xin Chúa hãy đến và vĩnh viễn đến!’. Lời nguyện cầu này cũng mang ý nghĩa thứ ba nữa, đó là ‘Lạy Chúa, Chúa đã đến rồi! Chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa giữa chúng con. Vì đây là một cảm nghiệm vui mừng. Thế nhưng, xin Chúa hãy vĩnh viễn đến!’ Bởi thế, cùng với Thánh Phaolô, với vị thụ khải ở Patmô, với Kitô Giáo phôi sinh, chúng ta cũng nguyện cầu rằng: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Hãy đến biến đổi thế giới này! Xin hãy đến, lúc này đây, hôm nay đây, và chớ gì bình an vinh thắng!’ Amen.

 
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 23/8/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ