GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 1/11/2007

TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

?   "Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân"

?   "Hỡi giới trẻ của mọi địa lục, các con đừng sợ là những vị thánh của thiên niên mới!"

?  "Giáo Hội ngày nay không cần đến bất cứ một con người cải cách nào. Giáo Hội cần đến những vị thánh’"

 

 

 

?   "Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân"

 

ĐTC Biển Đức XVI - Bài Giảng Lễ Các Thánh 1/11/2006 tại Đền Thờ Thánh Phêrô

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Việc chúng ta cử hành Thánh Thể hôm nay được bắt đầu bằng lời kêu gọi: “Chúng ta hãy hân hoan trong Chúa”. Phụng vụ kêu mời chúng ta chia sẻ niềm hân hoan thiên đình của các thánh nhân, mời chúng ta nếm hưởng niềm vui. Các vị thánh không phải là một giai cấp hạn hữu của thành phần được tuyển chọn mà là một đám đông vô số được phụng vụ kêu gọi chúng ta hãy ngước mắt lên nhìn các ngài.

 

Trong đám đông này không phải chỉ có những vị thánh được chính thức công nhận mà còn là thành phần đã lãnh nhận phép rửa thuộc mọi lứa tuổi và tên gọi chúng ta chưa biết tới, nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy họ rạng ngời như các vì tinh tú đầy vinh quang trên bầu trời thần linh.

 

Hôm nay, Giáo Hội mừng phẩm vị của mình với vai trò làm “mẹ của các thánh, hình ảnh của thành đô trường tồn” (Alessandro Manzoni), và biểu lộ nhan sắc của mình ra như vị hôn thê tinh tuyền của Chúa Kitô, nguồn mạch và là mô phạm của tất cả mọi sự thánh đức. Giáo Hội không phải là không có những đứa con cái phóng túng, những đứa con cái thực sự là phản loạn, thế nhưng, chính ở nơi các vị thánh Giáo Hội nhận thấy những đặc tính nổi bật của mình, và chính ở nơi các vị Giáo Hội tỏa ra niềm vui sâu thẳm nhất của mình.

 

Trong bài đọc thứ nhất, tác giả của Sách Khải Huyền đã diễn tả “một đám rất đông không ai có thể đếm xuể thuộc hết mọi quốc gia, chủng tộc, dân chúng và ngôn ngữ” (7:9). Thành phần dân chúng này bao gồm những vị thánh thuộc Cựu Ước, bắt đầu từ Abel là con người công chính và tổ phụ Abraham, rồi tới những vị tháng Tân Ước, nhiều vị tử đạo khi Kitô Giáo mới bắt đầu, các vị chân phước và thánh nhân thuộc các thế hệ sau đó, và cuối cùng là những chứng vị chứng nhân của Chúa Kitô trong thời đại của chúng ta. Những gì các vị có chung vo1ơ nhau đó là ý muốn hiện thực hóa Phúc Âm trong đời sống của mình theo tác động của Thánh Linh, Đấng là Đấng vĩnh hằng ban sự sống cho dân Thiên Chúa.

 

Thế nhưng, “việc chúng ta ca ngợi các thánh, việc chúng ta tỏ lòng tôn vinh, việc chúng ta long trọng cử hành có ích gì chứ?” Bài giảng nổi tiếng của Thánh Bênađô cho lễ Chư Thánh đã được bắt đầu bằng câu hỏi này. Nó là một câu hỏi chúng ta có thể tự hỏi mình ngay cả đến ngày hôm nay đây. Câu giải đáp được Thánh Bênađô cống hiến cũng liên quan tới chúng ta nữa. Ngài nói: “Các thánh nhân không cần việc tôn vinh của chúng ta, và các ngài chẳng chiếm được gì nơi việc tưởng niệm của chúng ta. Đối với chính mình, tôi cần phải tuyên xưng rằng khi tôi nghĩ đến các vị thánh thì tôi cảm thấy bừng lên những ước muốn cao cả” (Homily 2, "Opera Omnia," ed. Cisterc, 5, 364 ff.).

 

Vậy ý nghĩa của việc long trọng cử hành hôm nay đây là ở chỗ: Khi ngước mắt nhìn lên gương sáng của các vị thánh chúng ta cảm thấy bừng lên trong mình đầy lòng ước vọng trở thành những thánh nhân; chúng ta cảm thấy sung sướng được sống gần Thiên Chúa, được sống trong ánh sáng của Ngài, trong một đại gia đình các bạn hữu của Thiên Chúa. Là một vị thánh nghĩa là sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong gia đình của Ngài. Và đó là ơn gọi của tất cả chúng ta, được Công Đồng Chung Vaticanô II mạnh mẽ tái khẳng định, và cần chúng ta đặc biệt chú ý tới vào ngày này.

 

Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể trở thành những vị thánh, thành bạn hữu của Thiên Chúa đây? Câu trả lời đầu tiên cho vấn nạn này đó là: Để làm thánh không cần phải thi hành những công việc và những hoạt động phi thường, cũng không cần phải có được những đặc sủng ngoại thường. Song câu trả lời này mới nói cho chúng ta biết những gì không phải là sự thánh thiện. Câu giải đáp tích cực cho việc trở thành một vị thánh đó là trước hết cần phải lắng nghe Chúa Giêsu để rồi theo Người và đừng nản lòng trước những khốn khó.

 

Người phán: “Nếu ai muốn phụng sự Tôi thì họ cần phải theo Tôi, và Tôi ở đâu thì tôi tớ của Tôi cũng ở đó. Nếu ai phụng sự Tôi thì Cha sẽ tôn vinh họ” (Jn 12:26). Ai ký thác mình cho Người và chân thành mến yêu Người thì sẽ chết cho Người như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất vậy.

 

Người thực sự biết rằng ai cố gắng giữ lấy sự sống mình thì sẽ làm nó mất đi, và ai hiến sự sống mình như thế thì lại giữ được nó (x Jn 12:24-25). Kinh nghiệm của Giáo Hội chứng tỏ rằng, mặc dù có những đường lối khác nhau, tất cả mọi hình thức thánh thiện bao giờ cũng trải qua con đường thập giá, con đường từ bỏ chính mình.

 

Các câu truyện tiểu sử về các vị thánh cho thấy những con người nam nữ, thành phần luôn dễ dạy đối với ý định thần linh, đôi khi đã trải qua những khổ đau khôn xiết tả, đã bị bách hại và tử đạo. Các vị kiên trì với nhiệm vụ của mình. Chúng ta đọc thấy trong Sách Khải Huyền “Đó là những người đã sống sót trong thời kỳ đầy những đau thương, họ giặt áo mình nên tinh trắng trong máu của Con Chiên” (7:14).

 

Danh tính của họ được ghi trong sách sự sống (x Rev 20:12); thiên đàng là nơi cư ngụ đời đời của họ. Mẫu gương của các thánh nhân là những gì phấn khích chúng ta hãy theo bước chân của các vị, cảm nghiệm niềm vui của những ai tin tưởng phó mình cho Thiên Chúa, vì lý do buồn khổ duy nhất đó là sống xa cách Ngài.

 

Thánh thiện đòi hỏi phải liên lỉ cố gắng, nhưng thánh thiện là những gì khả dĩ đối với tất cả mọi người, vì nó không phải chỉ là công việc của loài người mà trước hết là một tặng ân của Thiên Chúa, Đấng ba lần thánh (x Is 6:3). Trong bài đọc thứ hai, Thánh Tông Đồ Gioan nhận định rằng: “Hãy xem tình yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên chúng ta biết là chừng nào, để chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa. Mà thật sự chúng ta là như thế” (1Jn 3:1).

 

Bởi thế, chính Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương chúng ta trước, và nơi Chúa Giêsu Ngài đã làm cho chúng ta trở thành những người con được Ngài thừa nhận làm dưỡng tử. Trong cuộc sống của chúng ta, tất cả đều là tặng ân yêu thương của Ngài. Làm sao chúng ta có thể tỏ ra dửng dưng lãnh đạm trước một mầu nhiệm cao cả như thế chứ? Làm sao chúng ta không đáp ứng tình yêu thương của Cha trên trời bằng việc sống một cuộc đời con cái với lòng tri ân cảm tạ chứ?

 

Nơi Chúa Kitô Ngài đã hoàn toàn ban mình cho chúng ta và đã kêu gọi chúng ta sống mối liên hệ riêng tư và sâu xa với Ngài. Bởi thế, chúng ta càng bắt chước Chúa Kitô và liên kết với Người, chúng ta càng tiến vào mầu nhiệm thánh thiện thần linh. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được Ngài vô cùng yêu thương và điều khám phá này thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình. Yêu thương bao giờ cũng là một hành động từ mình, “đánh mất bản thân mình”, và chính nhờ đó mà chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc.

 

Bởi thế chúng ta sang bài Phúc Âm của thánh lễ này, sang với lời công bố các phúc đức chúng ta vừa nghe vang vọng chốc lát trước đây trong đền thờ này.

 

Chúa Giêsu phán rằng: Phúc cho ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho ai khóc lóc, cho ai hiền lành, phúc cho ai đói khát công lý, cho ai biết xót thương, phúc cho ai có tấm lòng thanh sạch, cho kẻ xây dựng hòa bình; kẻ bị bách hại vì sự công chính (x Mt 5:3-10).

 

Thật vậy, phúc đức trên hết là chính Người, là Chúa Giêsu. Thật vậy, Người thực sự nghèo trong tinh thần, là người khóc lóc, là người hiền lành, là người đói khát công lý, là người xót thương, có lòng tinh khiết, là người kiến thiết hòa bình; Người là vị bị bắt bớ vì sự công chính.

 

Các phúc đức cho chúng ta thấy dung mạo thiêng liêng của Chúa Giêsu, nhờ đó cho thấy mầu nhiệm của Người, mầu nhiệm của tử nạn và phục sinh, của cuộc khổ nạn và niềm vui phục sinh. Mầu nhiệm này, một mầu nhiệm của những gì thực sự phúc đức, mời gọi chúng ta hãy bước theo Chúa Giêsu, nhờ đó theo con đường dẫn đến hạnh phúc.

 

Tùy theo cách thức chúng ta chấp nhận lời Người mời gọi và bước theo Người – tùy theo hoàn cảnh của hết mọi người – cả chúng ta nữa cũng được tham dự vào phúc đức của Người. Với Người những gì bất khả đều trở thành khả dĩ cho đến độ con lạc đà có thể chui qua lỗ kim (x Mk 10:25); với ơn trợ giúp của Người, chúng ta có thể nên trọn hảo như Cha trên trời là Đấng trọn hảo (x Mt 5:48).

 

Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta tiến vào tâm điểm của việc cử hành Thánh Thể là những gì phấn khích và nuôi dưỡng sự thánh thiện. Chẳng bao lâu nữa Chúa Kitô sẽ hiện diện một cách cao cả, Người là cây nho thật mà tín hữu trên thế gian và các thánh trên trời liên kết lại như là những cành nho.

 

Mối hiệp thông của Giáo Hội lữ hành trên thế giới này với Giáo Hội khải hoàn trong vinh quang sẽ được kiên cường. Trong Kinh Tiền Tụng chúng ta sẽ loan báo rằng các vị thánh là bạn hữu và là mẫu sống cho chúng ta. Chúng ta sẽ xin các vị hãy giúp đỡ chúng ta trong việc bắt chước các vị và thực hiện việc quảng đại đáp ứng tiếng gọi thần linh như các vị đã làm. Chúng ta đặc biệt kêu xin Mẹ Maria, mẹ của Chúa Kitô và là gương soi thánh đức. Chớ gì Mẹ là vị toàn thánh làm cho chúng ta trở thành những người môn đệ trung thực của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ! Amen.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 1/11/2006

 

 TOP

 

?  "Hỡi giới trẻ của mọi địa lục, các con đừng sợ là những vị thánh của thiên niên mới!"

 

ĐTC Gioan Phaolô II với Sứ Điệp 2000 cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới XV tại Rôma 

 

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh, BVL, chuyển  dịch

        

Giới trẻ thân mến, đối diện với những mầu nhiệm cao cả này, các con hãy biết nâng tâm hồn lên bằng cách chiêm ngắm. Các con hãy dừng lại mà ngẫm nghĩ nhìn vào con trẻ Mẹ Maria đã sinh vào trần gian, được bọc trong khăn và nằm trong máng cỏ: con trẻ này là chính Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta. Các con hãy nhìn vào Đức Giêsu Nazarét, được một số người đón nhận và một số khác khinh bỉ, coi thường và chối bỏ: Người là Đấng Cứu Thế của tất cả mọi người. Các con hãy tôn thờ Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng thí mạng sống mình vì chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết: Người là Thiên Chúa hằng sống, là nguồn mạch Sự Sống.

 

Các con hãy chiêm ngắm và suy niệm! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta để thông phần vào chính sự sống của Ngài; Ngài kêu gọi chúng ta nên con cái của Ngài, nên những chi thể sống động của Nhiệm Thể Chúa Kitô, nên đền thờ sáng ngời của Thần Linh Yêu Thương. Ngài kêu gọi chúng ta trở thành sở hữu của riêng Ngài: Ngài muốn tất cả chúng ta là những vị thánh. Giới trẻ thân mến, chớ gì tham vọng thiện hảo của các con là nên thánh như Ngài là thánh.

 

Các con sẽ hỏi Cha: thế nhưng ngày nay còn có thể làm thánh được sao? Nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh loài người thì thực sự là không thể làm được việc này. Thật vậy, các con đã quá rõ về những thành quả cũng như thất bại của mình; các con cũng biết được những gánh nặng đè trên con người, nhiều nguy hiểm đe dọa họ và những hậu quả do tội lỗi của họ gây ra. Có những lúc chúng ta bị chán nản kềm giữ, đến nỗi nghĩ rằng không thể nào thay đổi được gì hết, cả ở nơi thế gian cũng như nơi bản thân mình.

 

Cho dù cuộc hành trình khó khăn, chúng ta cũng có thể làm được mọi sự trong Vị là Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Vậy các con đừng hướng về một ai khác ngoài Chúa Giêsu. Các con đừng nhìn đâu khác ngoài nơi mà chỉ có Người mới có thể ban cho các con, vì “trong tất cả mọi danh hiệu trên thế gian được ban cho loài người thì chúng ta được cứu độ chỉ do nơi danh hiệu duy nhất này mà thôi” (Acts 4:12). Với Chúa Kitô thì sự thánh thiện Thiên Chúa muốn nơi mọi người lãnh nhận bí tích rửa tội vẫn có thể đạt thành. Các con hãy cậy dựa nơi Người; các con hãy tin tưởng vào quyền năng vô địch của Phúc Âm và hãy lấy đức tin làm nền tảng cho niềm hy vọng của mình. Chúa Giêsu bước đi với các con, Người canh tân tâm hồn các con và kiên cường các con bằng sức mạnh của Thần Linh Người.

 

Hỡi giới trẻ của mọi địa lục, các con đừng sợ là những vị thánh của thiên niên mới! Các con hãy chiêm niệm, hãy yêu thích nguyện cầu; các con hãy gắn bó với đức tin của mình và hãy quảng đại trong việc phục vụ anh chị em mình, các con hãy là những chi thể sinh động của Giáo Hội và hãy là những nhà xây dựng hòa bình. Để đạt được kết quả trong dự phóng thiết yếu của đời sống này, các con hãy tiếp tục lắng nghe Lời Người, hãy lấy sức mạnh từ các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Thống Hối. Chúa muốn các con là những tông đồ gan dạ cho Phúc Âm của Người và là những nhà xây dựng cho một nhân loại mới. Thật vậy, các con làm sao có thể tin vào vị Thiên Chúa làm người mà lại không đứng vững trước tất cả những gì hủy hoại bản vị con người và gia đình con người? Nếu các con tin rằng Chúa Kitô đã tỏ cho thấy tình yêu của Chúa Cha đối với mọi người thì các con không thể không nỗ lực đóng góp vào việc xây dựng một thế giới mới, được xây dựng trên quyền năng của yêu thương và tha thứ, chống lại với bất công và tất cả mọi thảm cảnh về thể lý, luân lý và tinh thần, qui hướng chính trị, kinh tế, văn hóa và kỹ thuật vào việc phục vụ con người và việc phát triển toàn vẹn của con người.

 

 

TOP

 

? "Giáo Hội ngày nay không cần đến bất cứ một con người cải cách nào. Giáo Hội cần đến những vị thánh’"

 

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh, BVL

 

Đức Gioan Phaolô II, một triết gia nhân bản, một vị Giáo Hoàng đã thực hiện 104 chuyến tông du để mang "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" đến cho thế giới ngày nay, vị Giáo Hoàng đã phong nhiều thánh nhất trong lịch sử Giáo Hội, với 483 vị hiển thánh và 1.339 vị chân phước, và ngài dường như cho biết lý do của việc làm này qua những lời ngài bày tỏ trong cuốn Vượt Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng của mình (ấn bản Anh ngữ, 1994, trang 228), nguyên văn như sau:

 

Lòng kính sợ Thiên Chúa là quyền lực cứu độ của Phúc  Âm. Nó là một niềm kính sợ xây dựng chứ không bao giờ hủy diệt. Nó tạo nên những con người sống theo trách nhiệm, sống bằng tình yêu hữu trách. Nó tạo nên những con người nam nữ – những Kitô hữu đích thựcthành phần hoàn toàn nắm trong tay mình tương lai của thế giới này” (những chỗ in đậm ở đây và dưới đây là do người dịch tự ý muốn nhấn mạnh).

 

Vị đương kim Giáo Hoàng Biển Đức XVI của chúng ta, một thần học gia về Giáo Hội hiệp thông và chủ trương đệ nhất ưu tiên Đại Kết, trong cuốn The Ratzinger Report (Ignatius Press, 1985), khi còn là Hồng Y Tổng Trưởng Thánh Bộ Đức Tin đã chủ trương Giáo Hội cần Thánh nhân hơn bất cứ một cái gì khác, dù là những gì liên quan tới việc quản trị hay canh tân Giáo Hội:

 

Như Đức Gioan Phaolô II trong bài tưởng nhớ Thánh Borromeo ở Milan đã nói: ‘Giáo Hội ngày nay không cần đến bất cứ một con người cải cách nào. Giáo Hội cần đến những vị thánh’” (trang 42-43); “Thật vậy, các thánh là thành phần canh tân Giáo Hội sâu xa nhất, không phải bằng những dự án thực hiện các thứ cấu trúc mới, song bằng việc canh tân chính bản thân mình. Những gì Giáo Hội cần để đáp ứng với các nhu cầu của con người ở hết mọi thời đại đó là sự thánh thiện, chứ không phải vấn đề điều hành” (trang 53); “Tôi không ngừng lập lại rằng Giáo Hội cần đến những vị thánh hơn là những hành sự viên” (trang 67).

 

Mười hai năm sau, trong tác phẩm Muối Đất - Salt of the Earth (ấn bản Anh ngữ, Ignatius Press, 1997), ngài vẫn tiếp tục nhấn mạnh đến vai trò khẩn trương và trọng yếu của các thánh nhân trong Giáo Hội như sau:

 

"Điều chúng ta thực sự cần là những con người có một nội tâm được Kitô Giáo chiếm đoạt, những con người cảm nghiệm được nó như là niềm vui và hy vọng, những người bởi thế trở thành những người yêu mến Kitô Giáo. Và chúng ta gọi họ là những vị thánh nhân" (trang 269); "trong thời đại của chúng ta đây, những thứ canh tân cải cách chắc chắn không xuất phát từ những cuộc diễn đàn và nghị hội, cho dù những điều này có tính cách hợp lý của chúng, đôi khi thậm chí còn có tính cách cần thiết nữa. Những điều canh tân cải cách sẽ xuất phát từ các nhân vật tin tưởng, thành phần chúng ta có thể gọi là những vị thánh nhân" (trang 270).

 

Những tư tưởng của vị hồng y tương lai là Giáo Hoàng Biển Đức XVI này đã được lập lại với tư cách là vị chủ chăn tối cao vào dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX tại Đức quốc, tối Thứ Bảy 20/8/2005, (sau đó, vào dịp phong thánh ở tại Ba Tây ngày 11/5/2007 cho một vị linh mục bản quốc Ba Tây đầu tiên là Antonio de Sant'Ana Galvão, ở đoạn cuối của bài giảng,  ngài còn lập lại ý tưởng cách mạng chính yếu ngài đã nói với giới trẻ ở Ngày Giới Trẻ Thế Giới XX), như sau:

 

"Các thánh nhân, như chúng ta đã nói, thực sự là thành phần cải cách. Giờ đây tôi muốn bày tỏ điều này một cách thậm chí quyết liệt hơn nữa, đó là cách mạng thực sự chỉ xuất phát từ các thánh nhân, từ Thiên Chúa mà thôi, con đường tối hậu để biến đổi thế giới. Trong thế kỷ vừa qua chúng ta đã trải qua những cuộc cách mạng có cùng một dự tính – ở chỗ không trông mong gì ở Thiên Chúa cả, chúng lãnh nhận tất cả trách nhiệm phục vụ thế giới để biến đổi thế giới. Để rồi, như chúng ta thấy, điều ấy có nghĩa là quan điểm về con người và thiên lệch bao giờ cũng được coi như là nguyên tắc hướng dẫn tuyệt đối. Việc tuyệt đối hóa những gì không tuyệt đối mà là tương đối được gọi là chủ nghĩa độc đoán. Nó không giải phóng con người song lấy đi phẩm vị của họ và bắt họ làm nô lệ. Đó không phải là những ý hệ cứu vớt thế giới mà chỉ khi nào trở về với Thiên Chúa, với Đấng Hóa Công của chúng ta, với vị bảo đảm tự do của chúng ta, vị bảo đảm những gì thực sự là thiện hảo và chân thật. Cuộc cách mạng đích thực chỉ là ở chỗ trở về với Thiên Chúa, Đấng là tầm vóc của những gì là đúng và Đấng đồng thời là tình yêu vĩnh hằng. Còn gì có thể cứu vớt chúng ta ngoài yêu thương đây?"

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ