GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 24/11/2007

LỄ 117 THÁNH TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT

 

?  Các Thánh Tử Đạo trên Đất Việt: Đã Sống Như Thế Nào?

?  CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT: HIẾN TẾ TÌNH YÊU

?  CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT - TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG TỪ

 

 

 

?   Các Thánh Tử Đạo trên Đất Việt: Đã Sống Như Thế Nào?

 

Hiếu Trung, OP

 

Martyr theo nguyên ngữ có nghĩa là nhân chứng. Trừ một vài vị tử đạo nhờ ơn Chúa đặc biệt để có được một quyết định quả cảm bất ngờ trước thử thách. Còn bình thường cuộc đời của họ đã là một chứng từ, một quá trình hợp tác với ơn Chúa, trước khi phải làm chứng cho Ngài bằng máu đào.

 

Giai đoạn lịch sử thời 117 Thánh Tử đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (Thánh Phanxicô Federich Tế và Mathêô Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (Thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê, chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Nếu xét lịch sử Việt Nam theo niên biểu 1533, khởi đầu bằng giáo sĩ Inigo được nhắc đến trong Khâm Định Việt Sử (1), thì thời các thánh tử đạo phải nói là hoa quả của hơn hai thế kỷ Lời Thiên Chúa đã được gieo trồng, trên quê hương Việt Nam. Trong đó gần một thế kỷ đi vào tổ chức chặt chẽ (từ năm 1659 có hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, rồi từ 1668 có linh mục bản xứ). vì thế có thể nói, Giáo hội đã có những chọn lựa cách sống tương ứng với giai đọan lịch sử của mình.

 

Theo thống kê 1855, Giáo hội Việt Nam có 430.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ 2,3 % dân số (2), rải rác từ trấn Kinh Bắc, qua miền Thượng Du cho đến Châu Đốc, An Giang. Xét về thành phần tử đạo, ngoài các giám mục, linh mục chuyên lo về tôn giáo, ta thấy còn có các giáo hữu thuộc mọi tầng lớp nhân dân: quan trường có Thánh Hy, quan án có Thánh Khảm, quân ngũ có những cai đội hoặc chưởng vệ, xuống đến những binh sĩ tầm thường, hương chức có những chánh tổng, lý trưởng. Xét về nghề nghiệp ta thấy có lang y, thương gia, thợ may, thợ dệt, thợ mộc, cả dân chài, nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân (10 vị)

 

Để trả lời câu hỏi: Các Thánh Tử Đạo đã sống thế nào? Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến năm vấn đề sau:

 

1. Thân Ái Với Mọi Người

 

Người Việt Nam thường nói: Phép vua thua lệ làng. Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, dấu hiệu tình thân giữa bà con chòm xóm đối với người Công giáo là sự kiện quá rõ rệt. Thí dụ trong vụ án linh mục Gioan Đạt, viên cai ngục nói: “Tôi thấy cụ khôn ngoan đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ một cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ”.

 

Chuyện hai linh mục Thi và Dũng Lạc, quan huyện Bình Lục nói: “Các ông là quan bên đạo, tôi quan bên đời”, rồi cho lệnh cởi trói và cho dọn cơm bằng mâm bát của mình. Đến khi cho áp giải hai vị về Thăng Long, quan lập đàn tế lạy Trời Phật để thanh minh mình vô can trong vụ án.

 

Đặc biệt chuyện linh mục Vũ Bá Loan, 84 tuổi, được mọi người kính trọng gọi bằng “Cụ”, ngài không bị đòn đánh, và trong ngày xử, mười lý hình bỏ đao chạy trốn, đến người thứ mười một, đã lịch sự xin phép: “Việc vua truyền, cháu phải làm, xin cụ xá lỗi cho. Cháu sẽ cố giúp cụ chết êm ái. Khi về trời cụ nhớ đến cháu nhé”.

 

Nhờ đâu ông Lê văn Phụng, mỗi lần quan huyện đi truy lùng lại cho người đến báo trước? Nhờ đâu linh mục Lê bảo Tịnh được quan tổng trấn cho giấy phép mở chủng viện? Nhờ đâu miền Nam suốt thời Minh Mạng không có ai trong số 117 vị tử đạo? Rồi nhờ đâu khu vực dòng Đaminh bình an đến năm 1838, và hầu như an bình từ năm 1841-1856? Nhờ đâu những giám mục như Hermosilla Vọng, từng được nêu đích danh trong chiếu chỉ nhà vua, vẫn được an toàn hơn hai mươi năm? — Thưa, nhờ những quan chức địa phương không đánh giá đạo Công giáo như nhà vua và nhờ những căn nhà “lương dân” luôn mở rộng cách hào hiệp.

 

Ngay cả khi vua Tự Đức đã ra chiếu chỉ Phân Sáp ngày 5.8.1861, phân tán các tín hữu, giao cho lương dân quản lý cả người lẫn của cải, thì Giáo hội vẫn tồn tại nhờ nhiều người không theo lệnh vua. Như lương dân làng Hảo Hội, đã che giấu và tiếp tế cho nhiều chủng sinh ở Kẻ Mốt đến ẩn trốn (3). Con số hàng chục ngàn người bị giết trong giai đoạn này cũng là lớn, nhưng đó chỉ là tỷ lệ vài phần trăm, còn hơn 90% giới Công giáo vẫn sống sót qua cơn “hồng thủy”

 

Chính trong bối cảnh thân ái của đại quần chúng bình dân Việt Nam, các tín hữu đầu thế kỷ XIX có nhiều cơ may thể hiện sự gắn bó, tinh thần phục vụ và lòng bác ái của Tin mừng. Những cuộc truy lùng thường xuyên của triều đình đã giúp các nhà thừa sai sống sát hơn với tinh thần nghèo khó của người tông đồ và gần gũi với dân lao động trong các làng quê, sau lũy tre xanh. Đến Việt Nam, các vị liền lo học tiếng và phong tục (4). Rồi sau đó cũng ăn nước mắm, ăn tương ăn cà, cũng nón lá, áo bà ba, áo khâu... Sống với dân Việt, sống như dân Việt, có vị suốt mười lăm năm không đụng đến một miếng thịt. Thế nhưng các vị vẫn vui tươi. Thừa sai Gagelin Kính gửi thư về nhà: “Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng: Tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp trong hoàng cung của ngài”.

 

Tuyệt đại bộ phận giới Công giáo thuộc thành phần nào? — Thưa, là những người nông dân tầm thường nhất, mỗi ngày lam lũ lao động để làm xanh giải đất quê hương. Linh mục Khuông từng tuyên bố: “Đạo Gia-tô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng”.

 

2. Tôn Trọng Vua Quan và Hết Lòng vì Quê Hương

 

Hội nhập vào nền văn hóa Á Đông theo chế độ xã hội gia trưởng, Giáo hội Việt Nam đã có nét suy tư sáng tạo đặc biệt đóng góp cho Giáo hội toàn cầu. Ngay từ thời linh mục Đắc Lộ, tín hữu Việt Nam đã coi nhà cầm quyền như một người cha, mọi người đều là con trong đại gia đình dân tộc. Linh mục Tự đối đáp với quan tòa: “Tôi kính Thiên Chúa như Thượng Phụ, kính vua như trung phụ, và kính song thân như hạ phụ. Không thể nghe cha ruột để hại vua, tôi cũng không thể vì vua mà phạm đến Thượng Phụ là Thiên Chúa được” (6).

 

Dĩ nhiên trong bối cảnh lịch sử “thượng tôn tống Nho” của nhà Nguyễn, thì việc đề cao chữ hiếu hơn chữ trung đủ làm cho triều đình thêm khó chịu. Vì khi đề cao hiếu hơn trung, người Công giáo tuân lệnh vua một cách có suy nghĩ, có chọn lựa, tuân giữ luật lệ hợp lý, nhưng bạo dạn phản đối điều nghịch lý trái với lương tâm mình. Dầu sao giới Công giáo không tổ chức nổi loạn, bạo động. Giám mục Alonso Phê trong thư chung năm 1798 xác định khí giới đánh giặc bách hại “chẳng phải là súng ống gươm giáo đâu, mà là đức tin, lời cầu nguyện và đức bác ái” (7).

 

Đức cha Xuyên ra vạ tuyệt thông cho ai tổ chức bạo động, và buộc những ai vu cáo ngài cổ động nổi dậy phải cải chính công khai (7). Giám mục Hermosilla Liêm nhắc nhở các tín hữu phải tuân giữ luật nhà phép nước, còn nếu bị vu cáo tội chính trị thì cứ an tâm, vì Đức Giêsu xưa từng bị dân Do Thái lấy cớ chính trị để giết (Ga 19:12). Ngài nói tiếp: ”... Phô con đừng hòa tập vuôi giặc, đừng nghe chúng nói dối dá đấng ấy đấng khác sai chúng nó, vì cái ấy là không hẳn” (8).

 

Là dân trong nước, các tín hữu sẵn sàng thi hành nghĩa vụ công dân, từ thuế khóa cho đến gia nhập quân ngũ. Năm 1838 nguyên tại tỉnh Nam Định, quan tổng đốc Trịnh quang Khanh đã tụ tập được năm trăm binh sĩ Công giáo, để rồi bắt đạp lên thánh giá (9). Trong quan trường, chiếu chỉ tháng 9.1855 ra lệnh sàng lọc các quan Công giáo, cấm đạo đồ đi thi hay nhận chức vụ trong làng trong tổng (10). Thế mà sáu năm sau (1861), trong một đợt thanh trừng, triều đình còn bắt được ba mươi hai viên quan, ba người chối đạo, mười tám bị giết, mười một bị lưu đày (11).

 

Các thừa sai Pháp sẵn sàng làm nhân viên thông dịch cho nhà vua. Chính Minh Mạng định phong các ngài làm quan chức trong triều đình. Linh mục Gagelin Kính đại diện anh em từ chối đặc ân đó, “tuy nhiên, những việc đó nào có thể dung hòa với nhiệm vụ linh mục của tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ nhà vua”. Thừa sai Jaccard Phan liên tục giúp vua mười năm, dù bị lãnh ba án tử hình: Lần đầu vua giảm thành án xung quân để dịch sách, lần hai đổi thành án lưu đầy chung với thừa sai Odorico Phương, vị này chết nơi rừng thiêng nước độc, còn ngài vẫn sống sót và tiếp tục dạy sinh ngữ và dịch sách cho hoàng triều. Lần cuối cùng cha tử đạo vào ngày 21.9.1838. Trước đó, nhiều người khuyên ngài bỏ trốn, ngài nói: “Không bao giờ, tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác”.

 

Cuốn giáo lý đầu tiên cho người Công giáo Việt Nam, cuốn “Phép giảng tám ngày” (1651) của cha Đắc Lộ đã khẳng định các tín hữu theo đạo Thiên Chúa, đạo của mọi quốc gia chứ không phải đạo Phú Lãng Sa (12). Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), trong cuộc tranh luận bốn tôn giáo, được ghi lại trong cuốn Hội Đồng Tứ Giáo (Tân Định, 1959, tr. 4-6), các linh mục Công giáo đã trả lời vấn nạn “Đạo Hoa Lang là đạo ngoại quốc” rằng: “Chớ gì đạo Phật chẳng từ Ấn độ, đạo Nho từ nước Lỗ, còn đạo Lão chẳng từ đời nhà Châu ở Trung Hoa sao? và đã khẳng định: “Chẳng có đạo nào là đạo Hoa Lang. Đạo chúng tôi là đạo Thiên Chúa, chúng tôi ước ao thiên hạ mọi nước đều biết”. Linh mục Vũ bá Loan trình bày điều đó với quan: “Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn dân thôi”.

 

Cũng vì vậy khi quân đội Pháp tiến vào Đà Nẳng năm 1858, giới Công giáo không hề làm nội ứng như thừa sai Pellerin tưởng (13). Ngược lại, họ tình nguyện đi bảo vệ non sông. Có điều vua Tự Đức đòi họ muốn tham chiến phải bỏ đạo trước đã. Tháng 7.1857, có mười bốn binh sĩ, một bỏ đạo, mười ba bị lưu đày. Tháng 4.1858, trong nhóm hai mươi binh sĩ, bốn bỏ đạo, mười sáu bị lưu đày. Và khi tàu Pháp đến, một trăm chín mươi ba binh sĩ Công giáo chuẩn bị lên đường xuống Đà Nẵng, vì không chối đạo đã lãnh án chung thân.

 

Một vị tử đạo thời này là binh sĩ Phanxicô Trần văn Trung, đã bị giết vì khẳng khái tuyên bố: “Tôi là Kitô hữu, tôi sẵn sàng đi đánh kẻ thù của đất nước, nhưng bỏ đạo thì không bao giờ (14).

 

3. Sống Tin Mừng Yêu Thương

 

Thế nhưng, chân dung đích thực cuộc đời các vị tử đạo nổi bật ở lòng yêu thương. Với người “có đồng ăn đồng để” như y sĩ Phan đắc Hòa, thì ông rộng rãi giúp người nghèo khổ, riêng bệnh nhân túng thiếu, không những ông chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa. Với ông Martinô Thọ thì “Công bằng chưa đủ phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”, và ông trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp người thiếu thốn. Người cùng tử đạo với ông là Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại một lý trưởng đòi sưu cao thuế nặng. Ông Năm Thuôn là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Ông trùm Đích thường xuyên thăm viếng trại cùi và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch tại nhà mình.

 

Nếu tình thương bác ái đã được Đức Giêsu coi là dấu hiệu của những môn đệ Ngài (Ga 13:35), ta không lạ gì linh mục Emmanuel Triệu sẵn sàng nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử: “Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi”. Linh mục Phan văn Minh dặn đừng tổ chức an táng lớn, để dành tiền giúp người bần cùng. Linh mục Khanh trong tù sẵn sàng chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục. Và giám mục Hernares Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.

 

Với ông Cai Tả, thì yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, ông thường châm chước cho những người mắc nợ và nói: “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”. Với ông Năm Quỳnh thì bác ái rõ rệt là hoa quả của đức tin, ông từng nói với gia đình: “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì ông nói: “Tôi chưa thấy ai giúp người nghèo khó lại bần túng bao giờ! Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”. Với quan Hồ đình Hy thì: “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. Ông từng chăm sóc nuôi nấng một người bệnh bơ vơ, suốt mười lăm ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tử tế. Ông cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến khi trưởng thành: một cô xin đi tu, một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.

 

Chúng ta còn học được nơi các tín hữu thời tử đạo hai mẫu gương bác ái tập thể:

 

Thứ nhất là phong trào Ấu Thánh (Saint Enfant). Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước và các bà đã tìm mọi cách rửa tội cho trẻ em bệnh nặng chết yểu. Họ thăm nom, săn sóc nuôi nấng, thuốc men và tổ chức an táng. Nếu các em sống sót, họ dạy giáo lý và nghề nghiệp cho đến khi tự lập được. Nhiều gia đình rất quảng đại nhận trẻ mồ côi làm con nuôi. Địa phận Đàng Trong năm 1843 rửa tội 8.273 em (15). Địa phận Trung Đàng Ngoài năm 1855 rửa tội được đến 35.349 em (16).

 

Mẫu gương thứ hai thể hiện trong các mùa dịch toàn quốc năm 1850-1851: Các tín hữu có mặt bên giường các bệnh nhân, đưa đến nhà thương chăm sóc, đó là giai đoạn các linh mục đi lại tự do. Thậm chí ngay tại kinh đô Phú Xuân, người ta được chứng kiến những nghi lễ an táng trọng thể, đi đầu là Thánh giá nến cao, tiếp đến hai hàng tín hữu, rồi linh mục với phẩm phục khăn choàng, họ vừa đi vừa hát vang lên bài thánh ca tiễn biệt.

 

Dù chưa đi sâu vào mẫu gương trong các cuộc tử đạo, thì những mẫu gương yêu thương của hầu hết tín hữu đếu thế kỷ XIX với mảnh đất và con người Việt Nam, đối với Giáo hội hôm nay, cũng đủ là một di sản quý giá thôi thúc kêu mời chúng ta phải phát huy, với những cách thế hữu hiệu và cụ thể hơn, để phục vụ tha nhân nhất là những người cùng khổ.

 

4. Mặn Nồng Tình Nghĩa Gia Đình

 

Một trong những đóng góp của giới Công giáo vào cơ chế pháp lý gia đình Việt Nam, là luật lệ một vợ một chồng. Trong giai đoạn văn hóa quá ảnh hưởng quan điểm Nho giáo “trai năm thê bảy thiếp”, các tín hữu đã góp phần đề cao đạo đức thủy chung của dân tộc trong truyện trầu cau. Dĩ  nhiên không phải mọi tín hữu đều trung thành với lời cam kết hôn nhân, như ông Gẫm, binh sĩ Huy, Cai Thìn, quan Hồ đình Hy... đã có thời gian sa ngã, thế nhưng tất cả đều biết trở về để vun đắp lại mái ấm gia đình của mình.

 

Trong danh sách 117, trừ một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình Công giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thầy Đaminh Úy từng mạnh dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo cha ông: “Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với mẹ cha. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết”. Nói chung các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân, có điều các vị chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân cho Ngài. Nhiều vị đang bị giam được về thăm gia đình, đã bình tĩnh khuyên vợ con vui vẻ cho mình chịu tử đạo, rồi tự động trở vào tù như các ông Dũng, Thuần, Ngôn, Năm Thường... Ta có thể biết điều đó trong vài di ngôn cuối cùng sau:

 

Ông Thọ căn dặn các con vào thăm trong tù: “Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy yêu thương nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo”.

 

Y sĩ Phan đắc Hòa thì nói: “Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con, nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau và săn sóc việc nhà...”.

 

Nói đến tình nghĩa gia đình, chúng ta khó có thể quên một số hình ảnh như: Linh mục Triệu vì thương mẹ già ở lại Huế ba tháng dựng nhà cho mẹ, nên mới bị bắt. Ông đội Trung có con gái được phép ở trong tù chăm sóc, nhưng ông bắt con về nhà để kịp học giáo lý với bạn bè trong xứ. Ông trùm Phụng tại pháp trường gặp lại con gái, cô Anna Nhiên, đã đeo cho con ảnh Thánh giá ở cổ mình và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”. Nếu nói đến gia đình tử đạo phải kể: anh em có Anrê Tường — Vinh Sơn Tưởng; cha con có Án Khảm — Cai Thìn; con rể bố vợ có Lý Mỹ — Trùm Đích.

 

Ông Lý Mỹ vì thấy nhạc phụ đã cao niên, mỗi cuộc tra tấn đều tự nguyện chịu đòn hai lần thay thế cho cha. Con gái ông Lý mười hai tuổi, trốn mẹ vào tù thăm và thưa: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường chín tuổi, con trai ông không đi được, cũng nhắn lời: “Cha đừng lo cho chúng con, cha cứ an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo”. Vợ ông, bà Mỹ nói trong tiếng nghẹn ngào: “Vợ con ai mà chẳng thương tiếc, nhưng ông hãy hy sinh vác thánh giá rất nặng vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi! Thiên Chúa sẽ quan phòng tất cả”.

 

Như thế, ta thấy những thân nhân của các vị tử đạo, tuy vẫn tiếc thương, vẫn buồn khóc, nhưng cũng can đảm và tin tưởng yểm trợ tinh thần cho các chứng nhân. Chúng ta quan tâm đặc biệt đến hình ảnh một số bà mẹ:

 

Bà mẹ của Jaccard Phan, khi nghe tin con chịu chết vì đức tin đã reo lên: “Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo”. Bà nói tiếp: “Xin chúc tụng Chúa, tôi sẽ buồn biết bao, nếu con tôi chịu khuất phục trước gian khổ và cực hình”.

 

Bà mẹ Castaneda Gia, khi em trai vị linh mục đang tìm cách báo tin sao cho khéo để mẹ bớt buồn. Bà hỏi: “Tại sao Jacintô của mẹ lại chết? Anh ấy chết bệnh hay bị giết?”. Cậu Clêmentê hỏi lại: “Vậy mẹ muốn anh ấy chết cách nào?”. Bà đáp: “Mẹ mong rằng Jacintô chết vì đức tin”. Clêmentê liền nói: “Vâng thưa mẹ, chính vì đức tin mà anh ấy bị giết”. Ngay chiều hôm đó, bà liền đến nhà thờ dòng Đaminh để cùng cới các tu sĩ hát lên lời kinh Tạ ơn TE DEUM.

 

Bà Maria Nhiệm, thân mẫu Thánh Gẫm, năm 1870, tức là hai mươi ba năm sau cuộc tử đạo của con trai, đã đến làm chứng tại tòa án phong Chân Phước. Bà nói: “Khi nghe tin con bị giết, vợ chồng chúng tôi không thảm thiết gì hết, chỉ nói: Chết như vậy đặng làm thánh”.

 

Nhưng hình ảnh nổi bật nhất là bà mẹ binh sĩ Anrê Trông, được Đức Lêo XIII trong sắc phong Chân Phước năm 1900 ca tụng về lòng can trường, đã theo gương “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo”. Bà có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và nói với quan: “Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho tôi”. Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quý, đem về an táng ngay trong nhà.

 

5. Kính Yêu Đức Trinh Nữ Maria

 

Nếu nói đến đời sống các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua lòng tôn sùng Đức Maria của các vị. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ Bảy đầu tháng, với những cuộc rước long trọng, qua tháng Hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Nhiều người đọc kinh trên đường đi và lấy chuỗi để làm đơn vị tính đường dài. Một niềm an ủi lớn cho giai đoạn thời tử đạo, là việc Đức Mẹ hiện ra an ủi tại rừng La Vang (Quảng Trị) năm 1798: Mẹ vẫn hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn. ƠŒ đây chúng ta lưu tâm đến một số sự kiện tiêu biểu:

 

Ông Năm Thuông bỏ tiền dựng một nhà nguyện kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ; Ông Lý Mỹ mỗi tối tụ tập các phu tuần đọc năm mươi kinh trước khi đi công tác; Linh mục Néron Bắc ăn chay các lễ vọng kính Đức Mẹ; Linh mục Dụ khi biết mình sắp bị bắt đã mang theo hành trang duy nhất là một tràng hạt Mân Côi; Rồi linh mục Federich Tế tự nhận là con điên Đức Mẹ. Khi dừng bước ở Macao đợi tàu đến Việt Nam, ngài đã cầu nguyện:

 

“Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái,

Tấm lòng con điên dại đáng thương,

Ngày đêm nung nấu can trường,

Lòng bao la Mẹ đâu phương đáp đền.

Trong tâm trưởng con hằng mơ ước,

Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng,

Giờ con gặp cảnh sầu thương,

Như thuyền neo bến trùng dương xa vời” (17).

 

Như vậy đó, các ngài đã trao phó cho Mẹ những ước vọng thầm kín của mình để xin Mẹ trợ giúp. Thừa sai Borie Cao ghi lại trong nhật ký lời nguyện ngày tận hiến cho Mẹ tại chủng viện:

 

“Lạy Mẹ của con, xin hãy tin nơi con, khi con trưởng thành, con sẽ hiến toàn thân cho việc cải hóa các người chưa tin. Xin Mẹ giúp con theo con đường và tinh thần của ơn kêu gọi đó. Xin cho con được đau khổ vì Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo và về đến bến vinh quang”.

 

Đức cha Valentino Vinh trong thư gửi cho mẫu thân (thư 61) đã nói lên suy nghĩ của mình, tuy có vẻ hơi hài hước nhưng cũng tràn đầy tin tưởng:

 

“Mẹ ạ, với tràng hạt Mân Côi trong tay, với lời kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn? Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyện sốt sắng ấy sẽ đánh gẫy răng quỷ dữ...”.

 

Đến khi đã bị bắt, kinh Mân Côi vẫn là lời kinh hằng ngày của các chứng nhân đức tin. Có khi các vị chia hai bè để đọc lớn tiếng trong tù. Giám mục Cao, hai linh mục Điểm và Khoa hát vang bài “Ave Maria Stella” (Kính chào Mẹ sao Bắc Đẩu...) và cầu nguyện: “Như xưa Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền thờ, nay xin cũng hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo hồng phúc”.

 

Linh mục Hạnh thay vì dày đạp, đã hôn kính ảnh Đức Mẹ dù bị đánh đúng một trăm roi. Bà Lê thị Thành tâm sự: “Nhờ ơn Đức Mẹ giúp sức, tôi không thấy đau đớn”. Ngoài ra linh mục Schoeffler Đông trong thư tỏ ra mừng rỡ khi biết tin mình tử đạo ngày 1.5, ngày đầu tháng Hoa kính Đức Maria. Linh mục Hoan luôn đeo trên cổ áo Đức Bà cho đến giờ xử tử, ngài nói: “AŒnh này tôi không thể cho ai được. Đây là hình ảnh Đức Nữ Vương và là Bà Chúa của tôi”. Linh mục Cornay Tân khi bị giam trong cũi, vẫn cất tiếng hát, lính nghe hay nên báo với quan, thế là quan bắt hát mới cho ăn, ngài kể lại trong thư rằng: “Mỗi bữa ăn tôi lại có dịp hát thánh ca chúc tụng Đức Mẹ”.

 

Cuối cùng, ngay giờ phút hành hình, các vị tử đạo vẫn cậy nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Linh mục Tân cầu nguyện: “Xin Đức Maria chứng giám cho việc sám hối của con...”. Hai linh mục Gia và Liêm từ trại tù ra pháp trường đã hát vang lời kinh Salve Regina (Lạy Nữ Vương) để chạy đến “Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống được vui được cậy... Xin cho chúng con được thấy Đức Giêsu Con lòng Mẹ...”. Bởi vì thực ra trong thâm tâm của các vị cuộc tử đạo quả là một hiến tế cần nhờ Mẹ làm trung gian để dâng lên Thiên Chúa, như linh mục Théophane Vénard Ven đã ghi lại lời nguyện trong thư gởi Đức cha Theurel:

 

“Lạy Mẹ Vô Nhiễm, khi đầu con rơi xuống dưới lưỡi gươm của lý hình, xin nhận lấy tôi tớ nhỏ bé như trái nho chín được hái, như bông hồng nở rộ được ngắt về dâng kính trên bàn thờ. Ave Maria”.

 TOP

 

?  CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT: HIẾN TẾ TÌNH YÊU

 

Hiếu Trung, OP

 

Trong thư chung 1798, Giám mục Alonsô Phê đã khẳng định với các tín hữu thời tử đạo rằng, nếu trong cuộc tử đạo họ không thể hiện đức yêu thương, thì kể như là vô ích, ngài viết:

 

”... Phải lấy lời nói cùng việc làm mà xưng đạo ra cho thật thà. Phải kính mến Đức Chúa Trời trước hết mọi sự, hơn của cải, hơn mạng sống mình, lại phải yêu thương người ta như mình vậy, và nếu chẳng có đức yêu thương, dù chịu chết vì đạo, thì cũng chẳng được gì sốt. Vì phúc tử đạo tại đức Caritas là lòng mến Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, cùng yêu người ta bằng mình vì Đức Chúa Trời mà chớ” (18).

 

Hiến tế đầu tiên của Giáo hội là Đức Giêsu, Đấng tự hiến mạng sống mình vì yêu nhân loại. Các vị tử đạo đã theo sát mẫu gương của Ngài trong cuộc khổ nạn, từ vườn Cây Dầu cho đến đỉnh đồi Canvê.

 

1. Xin Cất Cho Con Chén Này

 

Lời nguyện của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu gọi lên một thái độ căn bản của các vị tử đạo là: Không cuồng tín. Không được chạy theo vinh quang giả dối, dù là bằng hành vi dâng hiến hoàn hảo nhất. Thế nhưng khi nào Đấng Quan Phòng muốn biểu lộ niềm tin bằng hành động cụ thể, thì các vị phải đi cho trọn con đường của mình. Khôn ngoan và can đảm như hai đức tính hòa hợp nơi các thánh tử đạo. Không có quyền liều mạng. Với các linh mục, vẫn có nghĩa vụ sống gần các tín hữu, phải rất khôn ngoan và thận trọng. Linh mục Tước diễn tả điều đó bằng câu: “Bỏ chạy khi nào còn có thể, nếu không chạy được thì xin vâng ý Chúa”.

 

Lời Kinh Thánh “Cáo có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu” thường được nhắc nhở trên môi các linh mục tu sĩ. Bị rượt ở thành này, các vị trốn qua thành khác, nhưng vẫn không ngừng hoạt động. Trong một lá thư, Đức cha Cuénot Thể viết: “Dù chỉ còn một giáo sĩ chẳng làm được gì ngoài việc đọc kinh Thần vụ, thì nguyên sự hiện diện của vị đó, cũng đủ nâng đỡ niềm tin và sinh hoạt, cho các tín hữu rồi”. Ngoài ra đến khi đã bị bắt, nếu có thể các tín hữu sẵn sàng bỏ tiền để chuộc mạng cho các ngài, như linh mục Dũng Lạc hai lần được chuộc, lần thứ ba mới chịu tử đạo.

 

ƠŒ đây chúng ta lưu tâm đến năm vị tử đạo trong hai dạng tự nộp mình:

 

a. Hai vị muốn được chia sẻ cuộc tử đạo của thầy mình, họ không thuộc nhóm mười hai tông đồ ở vườn Cây Dầu bỏ Thầy chạy trốn, đó là thầy Tự và linh mục Duệ. Thầy Tự khi thấy cha Cao bị bắt đã lẽo đẽo theo sau và xin vị linh mục nhận mình là môn sinh để được chia sẻ những gian lao của ngài. Vị thừa sai cảm động trao cho thầy nửa chiếc khăn làm kỷ vật, và thầy Tự đã giữ khăn đó cho đến chết. Ngày hành quyết, thầy xin được xử ngay tại nơi đã thấm máu người cha thân yêu mình năm trước.

 

Còn linh mục Duệ đã 83 tuổi và về hưu được sáu năm, khi đức cha Y ghé thăm và hỏi: “Cụ còn sức theo tôi lên thủ phủ Nam Định chăng? Cha Duệ hiểu ý vị giám mục muốn nói đến việc tử đạo nên đáp: “Khi nào Đức cha bị bắt, xin cho phép con theo cùng”. Vì thế khi hay tin vị giám mục đã bị bắt, cha thường la lớn để quân lính đến bắt ngài. Trong ngục khi biết Đức cha đã bị chém, cha Duệ liền bỏ chiếu nằm đất và nói: “Giám mục là cha đã phải xử, ta là con mà nằm chiếu sao phải lẽ?”.

 

b. Trường hợp thứ hai là ba vị tự nộp mạng cho người khác, đó là: Linh mục Gioan Đạt vừa dâng lễ xong, thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn chủ nhà nên ra nộp mạng và nói: “Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều”. Vị thứ hai, thừa sai Gagelin Kính, viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an. Vị thứ ba là linh mục Viên, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, cha cũng tự động ra thế mạng. Những mẫu gương này làm ta liên tưởng đến thánh Maximilien Kolbe ở trại tập trung Đức Quốc xã sau này.

 

2. Không Để Ai Liên Lụy

 

Như Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu đưa tay cho quân lính bắt, nhưng yêu cầu cho các môn đệ được tự do, các vị tử đạo tuyệt đối không để ai bị liên lụy. Một người duy nhất khai tên năm sáu tín hữu vì tưởng những người này đã trốn là quan Hồ đình Hy, lời khai của ông làm liên lụy đến hai mươi chín người. Ông hết sức hối hận và nói: “Tôi cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, để đền bù tội lỗi của tôi”.

 

Linh mục Nghi đi đâu cũng mang theo vài nén bạc, có ý giao cho lính để chủ nhà nơi ngài trọ được bình an. Linh mục Federich Tế khi bị bắt đã yêu cầu, và lính nghe ngài thả những giáo hữu đang bị trói. Đức cha Cao dù bị đánh đập, không khai tên bất cứ ai, sau quan cho lôi thầy Tự ra đánh và nói họ sẽ đánh thầy mãi nếu ngài không khai. Thế là cha liền kê tên vài người đã qua đời, quan vui vẻ tha cho thầy Tự, nhưng khi kiểm tra lại mới biết những người đó đã chết. Quan hỏi: “Sao ông cứng đầu thế?”. Cha đáp: “Thưa, câu hỏi của quan tôi không thể trả lời khác hơn được”.

 

Bốn linh mục âm thầm bỏ giáo xứ để các tín hữu được an toàn. Các vị đi mà chẳng biết sẽ đến đâu, đó là linh mục Đỗ Yến, Vinh Sơn Điểm, Borie Cao và Néron Bắc. Trường hợp thừa sai Schoeffler Đông bị bắt chung với một linh mục Việt và hai chú giúp lễ, khi quân lính đòi tiền chuộc, cha yêu cầu thả những người kia ra, lấy cớ chỉ có họ mới biết chỗ để tiền, đến khi họ đã đi xa, cha nói rõ ý muốn chỉ một mình bị bắt. Ngoài ra ta phải kể đến ông Năm Quỳnh, vì làm trùm họ nên giữ sổ các tín hữu, khi thấy quân lính giữ cuốn sổ đó, ông nhắn con trai đưa năm mươi quan tiền đến để chuộc lại.

 

Một hình ảnh tiêu biểu nhất của việc không để ai liên lụy là linh mục Tự. Khi bị bắt giam giữ, cha thấy trong sổ sách bị tịch thu có cuốn sổ ghi tên các tín hữu xứ Kẻ Mốt, cha lén đem về trại giam, rồi tìm cách chuyển ra ngoài. Nhưng vì quân lính canh giữ quá kỹ không thể làm gì được, cha liền bầy kế xin một các chiếu đắp cho đỡ muỗi, rồi nằm trong chiếu ngài nhẩn nha nhai và nuốt từng tờ cuốn sổ ấy. Dĩ nhiên “món ăn” này không hợp khẩu vị chút nào, nên mới được hai phần cuốn, cha đã thấy rát cổ không nuốt nổi nữa. Phần còn lại cha đành nhai nát rồi giấu dưới gầm phản.

 

3. Không Man Trá

 

Như xưa trong Cựu Ước, có cụ Eleazaro không chấp nhận giả bộ ăn của cúng, một số vị tử đạo không chấp nhận mọi hình thức quá khóa trá hình. Nhiều linh mục như cha Tùy, Yến, Khanh, Hưởng, Tịnh... nhất định không khai man lý lịch là lang y dù được hứa trả tự do.

 

Nhiều khi quan quân vì thương tình, tìm cách giải gỡ khó khăn lương tâm của các chứng nhân đức tin. Họ yêu cầu các vị giả bộ bước qua thập giá chứ không cần làm thực sự. Linh mục Minh, quan chỉ đòi gật đầu là sẽ ký giấy đã bước qua thập giá. Nhóm năm thầy Mậu, Úy và các anh Mới, Đệ, và Vinh quan chỉ yêu cầu đi vòng quanh thánh giá. Riêng với linh mục Yến, quan vẽ một vòng tròn rồi yêu cầu bước qua vòng đó. Nhưng tất cả các vị không thực hiện, vì thấy rõ rệt đó là dấu bỏ đạo.

 

Quan nói thầy giảng Nguyễn Cần nhắm mắt bước đại qua thập giá, thầy đáp: “Thưa quan, mắt thì nhắm được, chứ lòng và trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm”. Một số giáo hữu đã bỏ đạo dụ dỗ thầy” “Tội nào Chúa chẳng tha, Thánh Phêrô chối Chúa ba lần còn làm thủ lãnh Giáo hội”. Người khác lừa dối: “Cha Retord nhắn thầy cứ bước qua thập giá, rồi về sẽ liệu sau”. Thầy Cần đáp: “Dù thiên thần có xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng nghe nữa là cha Liêu. Hơn nữa tôi biết chắc ngài không ra lệnh cho tôi như vậy”.

 

4. Như Một Thánh Lễ Cuộc Đời

 

Thế nhưng, các vị tử đạo đã không chết chỉ vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay một tham vọng nào cả. Đối với các ngài, sự hiến dâng chính vì một Đấng mà các ngài yêu mến là Đức Giêsu. Ông Năm Quỳnh khi bị xử giảo, nằm giang tay trên đất còn nói: “Xưa Chúa cũng giang tay thế này để chịu đóng đinh”. Đức cha Sanjurjo An viết: “Chớ gì máu tôi hòa với máu Đức Kitô trên đồi Canvê tẩy rửa tôi sạch muôn vàn tội lỗi”. Linh mục Gagelin Kính nói: “Tôi ước mơ trở thành tro bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi giã từ cõi đời này, không hề thương tiếc điều gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi đau khổ và cả cái chết nữa”.

 

Linh mục Dụ tâm sự với người vào tù thăm rằng: “Sức tôi tuy đã giảm, nhưng còn chịu đựng được. Chúa chúng ta đã chịu bao hình khổ để cứu độ nhân loại. Tôi cũng sẵn lòng chịu những sự khó này để nên giống Chúa Kitô phần nào”. Linh mục Hiển lại nói: “Tôi sẵn sàng chết vì Đấng đã chết cho tôi”. Ngoài ra, tất cả các vị tử đạo đều thấy cái chết của mình như một hiến tế, tất cả đều cầu nguyện, hiến dâng đời mình trong những giây phút cuối cùng, và khi biết chính xác ngày xử, các vị thường chuẩn bị tinh thần bằng những hy sinh tự nguyện, hoặc bằng ăn chay hãm mình, hoặc bằng những thời gian dài suy niệm.

 

Có hai hình ảnh đáng ghi nhớ đặc biệt:

 

Ông Tống viết Bường, trường hợp đặc biệt xử về đêm, đã tìm cách đi chậm để xin được chết trên nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, Huế. Chính nơi đã từng bao năm tháng các tín hữu tụ họp dâng lên Chúa Hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì cũng tại đây, ông đã hiến dâng chính mạng sống mình.

 

Hình ảnh thứ hai là giám mục Henares Minh, sau khi người học trò yêu quý là thầy Chiểu bị xử trảm, ngài kính cẩn đón lấy thủ cấp của thầy, rồi dâng lên cao như một lễ vật tinh tuyền kính dâng Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngất ngây trong giây phút có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn vẹn cuộc đời dâng hiến của một con người con cái Chúa.

 

Như vậy, tử đạo chính là một thánh lễ cuộc đời. Lá thư linh mục Hương ngày áp cuộc tử đạo nói rõ lên điều đó: “Giờ long trọng đã điểm, xin chào tất cả mọi người đã thương mến và nhớ đến tôi... Trông cậy vào lòng Đức Giêsu nhân từ, tôi tin Ngài tha thứ muôn vàn tội lỗi cho tôi. Tôi tự nguyện hiến dâng máu và mạng sống vì yêu mến Ngài, và vì những linh hồn yêu dấu mà tôi muốn phục vụ hết mình... Ngày mai sẽ là ngày hiến tế của tôi. Xin cho ý Chúa được thể hiện”. Và như Đức Giêsu xưa trên đồi Canvê, ngài kết thúc bằng lời nguyện: “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con phó thác hồn con”.

 

Tóm lại, tử đạo chính là Hiến tế Tình Yêu. Đoạn thư sau đây của Đức cha Retord Liêu gởi cho linh mục Hương ở trong tù, tuy là một suy niệm dựa vào danh xưng vị thừa sai, nhưng tiềm ẩn bên trong ý nghĩa sâu xa của tất cả cuộc tử đạo:

 

“Tôi đã chúc lành cho cha khi đặt cho cha danh xưng đẹp đẽ Cố Hương, nghĩa là người cha của quê hương, là hương trầm và là hương thơm. Chính lúc này đây, quê hương yêu dấu đó đang xuất hiện cho cha trong ánh huy hoàng, vì cha sắp là một trong những công dân hạnh phúc. Chính lúc này đây, hương trầm quý giá chuẩn bị đốt lên trên bàn thờ tử đạo và bay đến tận ngai Đấng Vĩnh Cửu. Chính lúc này đây, hương thơm đáng ca tụng sẽ làm hài lòng Đức Giêsu như bình hương của cô Mađalena, sẽ làm cho thiên thần và loài người, trời và đất hân hoan vì hương vị ngọt ngào của nó”.

 

Vậy đó, mỗi cuộc tử đạo đều là cuộc tự hiến. Đức cha Cuénot Thể tâm sự: “Nhìn các bạn từng người bước lên bàn thờ tử đạo, tôi thấy cô đơn quá, ngày đẹp nhất đời tôi là ngày được hiến tế trên bàn thờ tử đạo”.

 

Cuộc đời các chứng nhân đức tin chịu đốt cháy trong lao khổ, trong ngục hình, và cả cái chết đều như trầm hương dâng lên Thiên Chúa, sẽ tỏa hương thơm ngát cho ngàn muôn thế hệ.

 

TOP

 

? CÁC THÁNH TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT - TỬ ĐẠO LÀ CHỨNG TỪ

 

Hiếu Trung, OP

 

Nguyên việc các vị tử đạo chấp nhận cái chết vì niềm tin đã là một chứng từ mạnh mẽ với mọi người tham dự. Thế nhưng, ngoài chứng từ bằng máu đào, các vị tử đạo còn làm chứng cho nội dung Tin Mừng bằng thái độ của mình với vua quan, bằng sự liên đới nội bộ và nhất là bằng lời nói, giải thích về đạo hoặc truyền giảng Phúc Âm ngay trong ngục thất.

 

1. Thái Độ Với Quan

 

Nói chung tất cả các anh hùng tử đạo đều tỏ vẻ kính trọng giới quan quyền, các vị nói năng lịch sự, hòa nhã, thưa bẩm đúng quy cách. Dường như đối với các vị, phải tìm mọi cách để giúp quan quân gặp được Chân lý của Tin Mừng. Có khi các vị nói rõ rệt ý tưởng đó như trường hợp linh mục Trạch: “Nếu quan muốn sự sống đời đời, hãy thờ lạy thánh giá này”. Còn bình thường, các vị ôn tồn, tế nhị giải đáp những thắc mắc, biện bác những dư luận sai lầm. Vì thế các quan đôi lần biểu lộ tấm lòng mến thương cảm phục như trong vụ án linh mục Hưởng, viên quan thấy tử tội có dáng dấp một đạo sư, nên hứa hẹn nếu chịu bỏ đạo, sẽ thu xếp cho ngài đến trụ trì chùa Non Nước ở Ninh Bình.

 

Thừa sai Bonnard Hương tâm sự: “Trước mặt vua quan, tôi có kinh nghiệm cụ thể lời Đức Kitô: Chúa Thánh Linh sẽ nói thay các con. Thực vậy, chưa bao giờ tôi nói tiếng Việt lưu loát và dễ dàng như thế”. Trường hợp Đức cha Cao cho ta thấy các vị tử đạo có lẽ còn coi quan quyền như những tác nhân trong chương trình quan phòng của Chúa. Khi viên quan vừa đọc xong bản án tử hình, ngài nói: “Thưa quan, kính trọng chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi quá vui mừng, xin được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo lối Đông phương”. Rồi ngài quỳ xuống định lạy, nhưng viên quan đã kịp thời cản lại.

 

Hai đoạn thơ sau đây cho ta thấy rõ thái độ bất bạo động của các vị tử đạo. Một đàng cương quyết đấu tranh cho tự do lương tâm của con người, đàng khác vẫn luôn luôn muốn là trung thần của nhà vua.

 

Bài thơ thứ nhất của ông Lý Mỹ:

 

“Gông đóng xiềng mang, dạ nguyện kinh,

Những say về đạo hả về tình, 

Vai mang bốn điệp tai thêm ấm, 

Xổng xểnh ba vòng cổ lại thanh. 

Phép nước đành lòng không oán thán, 

Nghĩa thầy để dạ vẫn đinh ninh,

Khiến sao nên vậy nào lo nghĩ,

Phó mặc Hoàng Thiên sự tử sinh”.

Đoạn thơ thứ hai của linh mục Đoàn công Quý gởi cho mẫu thân:

“... Dầu trăng trói gông cùm tù rạc 

Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề

Miễn vui lòng cam chịu một bề 

Cho trọn đạo trung thần hiếu tử...”.

 

2. Liên Đới Tập Thể

 

Một chứng từ khá đặc biệt các tín hữu thời tử đạo nêu lên với quần chúng là việc họ luôn gắn bó, thông cảm và sẵn sàng san sẻ những khó khăn, cũng như liên đới với nhau để tuyên xưng niềm tin của mình. Không cảm động sao được, hình ảnh cô bé cháu năm tuổi ở Tây Ban Nha mỗi ngày cầu nguyện cho bác giám mục Henares Minh: “... Trung thành phục vụ Chúa suốt đời, và nếu cần để tôn vinh và làm hiển danh Chúa hơn, xin cho bác được dâng mạng sống vì yêu Ngài”. Ấy thế mà em chỉ biết: “Bác tên Đaminh, tu dòng Đaminh, đang truyền giáo ở xa thật xa, nơi người ta đang bách hại các Kitô hữu”.

 

Không cảm động sao được, một linh mục Tuần đang ở nơi yên hàn, khi hay tin vị thừa sai Fernandez Hiền không có nơi ẩn trú, đã đến gặp để cùng nhau trên đường lưu lạc, cùng phơi nắng phơi sương nhiều ngày trong đồng lầy, cùng bị bắt và cùng bị kết án, có điều cha Tuân chết rũ tù mấy ngày trước buổi hành quyết.

 

Không cảm động cao được, cụ Án Khảm vốn là tiên chỉ làng Quần Cống, đang khi quân lính bao vây làng, cho mõ đi rao: “Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng: “ai mà quá khóa phải phạt ba roi và bị đuổi khỏi làng”. Và ngay trước mặt quân lính, cụ Án đứng ra ngăn cản một tín hữu nhát sợ định đạp lên thánh giá.

 

Khi các vị tử đạo bị bắt, các vị vẫn tìm được nguồn khích lệ từ bên ngoài qua thư từ, thăm viếng, tiếp tế. Các linh mục tìm đủ mọi cách vào thăm các chứng nhân đức tin để đưa Thánh Thể và giải tội cho họ. Linh mục Lựu đã bị bắt khi làm mục vụ cho các tín hữu trong ngục tù Mỹ Tho. Đọc đoạn thơ sau đây của Đức cha Retord Liêu gởi linh mục Khoan trong tù, chúng ta thấy phần nào nội dung những mối liên đới đó:

 

“Sách có câu: Chết vinh hơn sống nhục. Hãy coi những kẻ bội giáo, cuộc đời họ đáng tủi hổ biết bao. Ngược lại khắp bốn phương thiên hạ đều vang lời ngợi khen những ai chết cho đức tin. Các vị tử đạo như tiếng kèn thiên quốc với âm điệu vang lừng muôn người lắng nghe. Những kẻ chối đạo, ở lại trần gian chỉ chờ lưỡi rìu chặt đem về tiếp lửa cho hỏa ngục... Tôi viết cho cha những lời vắn tắt vội vã này. Ước mong nó thành ngọn gió đưa cha lướt êm đến bến bờ Quê Hương. Ước mong nó thành bó hoa rực rỡ với làn hương thơm ngát tỏa niềm vui tô thắm tâm hồn cha trong cuộc chiến cuối cùng. Xin kính cẩn tạm biệt cha, xin kính cẩn hôn lên gông cùm xiềng xích của cha. Trong lúc cầu nguyện xin đừng quên tôi nhé”.

 

Như vậy, chúng ta thấy cuộc tử đạo của mỗi người không chỉ một mình mình biết, nhưng thường mang tầm vóc tập thể. Sự bền vững của một người có tác động khích lệ đến nhiều người. Đức cha An xin quân lính đừng chém mình chết sớm, nhưng ngài yêu cầu họ chém ba nhát: Một tạ ơn Thiên Chúa cho làm người và đến Việt Nam rao giảng Tin Mừng; Một cám ơn công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha; Và một để làm gương cho các tín hữu. Linh mục Tuần khẳng định: “Sao tôi lại phải bắt chước những kẻ bội giáo, mẫu gương tôi coi là hai giám mục (Y và Minh) của tôi”.

 

Với những chứng nhân đức tin cùng bị giam, tình liên đới của họ còn cụ thể hơn. Một người ra tòa trở về, các người khác xúm vào chăm sóc những vết thương, hỏi han về cuộc điều tra và thuật lại cho nhau những lời đáp khẳng khái khi phải đối diện với quan quyền. Rồi họ cùng nhau tạ ơn Chúa đã cho anh em mình vượt qua cơn thử thách. Đẹp làm sao hình ảnh linh mục Hoan tuy tuổi già tóc bạc, cổ mang gông, tay đeo xiềng xích, mỗi ngày đi từ phòng giam này qua phòng giam khác để khích lệ các tín hữu. Đẹp làm sao hình ảnh hai ông Thọ và Cỏn, sẵn sàng quỳ xuống liếm từng vết thương ba vị linh mục Ngân, Nghi, và Thịnh theo đòi hỏi của quan. Đẹp làm sao linh mục Vinh Sơn Liêm đã bênh vực cho bạn (cha Castaneda Gia) bằng cái giá chính mạng sống mình, khi nói: “Xin quan nếu tha thì tha cả, nếu giết thì giết cả”.

 

Nhóm năm người: hai thầy Mậu, Úy và ba anh Mới, Đệ, và Vinh khi thấy linh mục Tự, chỗ dựa tinh thần của nhóm đã bị xử tử, cả năm người đã thất vọng chán nản. Nhưng khi họ ngồi lại với nhau, ôn lại những lời khuyên của thầy mến yêu, năm người đã tìm được can đảm. Họ gởi thư cho cha Chính dòng Đaminh để xin khấn dòng Ba ngay trong ngục, rồi hợp lực với nhau làm tông đồ tại nhà giam. Chỉ một thời gian ngắn, thầy Mậu đã viết thư loan tin mình đã rửa tội được bốn mươi bốn người.

 

3. Loan Báo Tin Mừng

 

Lời Chúa không thể bị trói buộc. Nếu nhiều chứng nhân đức tin chẳng để lại di ngôn nào ngoài thái độ quả cảm xác nhận và cương quyết: “Tôi là Kitô hữu” hoặc “Tôi không bao giờ đạp lên thánh giá”, thì trong số 117 thánh tử đạo Việt Nam, ta cũng thấy được nhiều mẫu gương nhiệt tâm tông đồ có tính cách sáng tạo.

 

Linh mục Federich Tế, chính bảy năm rưỡi trong tù, đã khéo quan hệ với cai ngục để tự do thăm viếng phục vụ các tín hữu Thăng Long, đến độ Đức cha Lenger Gia dự định đặt ngài làm cha sở xứ Thăng Long. Bảy tháng trước ngày xử, cùng với linh mục bạn là cha Liciniana Đậu, hai vị rửa tội được trên trăm người. Hai linh mục Gia và Liêm có cơ hội may mắn khác, trong ba ngày tham gia Hội Đồng Tứ Giáo trao đổi ba đề tài lớn của cõi nhân sinh: Người ta bởi đâu mà có; Sống để làm gì; Và chết rồi đi đâu? Hai ngài đã làm chứng cho sự thật và niềm tin Công giáo. Còn đức thầy Tuấn (Hermosilla Liêm) bị giam trong cũi chỉ có mười ngày, tuy lom khom không đứng được, cũng chẳng thể nằm, nhưng ngài đã giảng đạo và rửa tội cho đứa con trai viên Đội Bái. Về giáo dân có ông cai Lê đăng Thị đã dạy đạo cho một phạm nhân cùng bị xử, buổi sáng ngày ra pháp trường anh đã nhận lãnh bí tích rửa tội, thế là ông Thị có một người bạn đồng hành về thiên quốc.

 

Đôi khi việc loan báo Tin Mừng không thể hiện bằng ngôn ngữ mà bằng hành động. Ông Đổng đã bị áp lực khắc lên má chữ Tả Đạo, ông can đảm chịu đau lần thứ hai để rạch xóa chữ Tả Đạo, khi khác lại chịu đau lần thứ ba để khắc thay vào hai chữ Chính Đạo. Linh mục Hiển, 71 tuổi, mỗi buổi tối chăm chú vẽ trên vải những hình thánh giá đẹp với những nét trang trí hoa văn để tặng cho các tín hữu vào thăm. Những hình thánh giá đó được chuyền tay nhau giúp một số tội nhân thống hối, một số người nhát đảm tìm lại được lòng can trường, nên các tín hữu đến xin ảnh rất đông. Vị linh mục phải nhờ anh bạn tù khắc hình thánh giá trên gỗ để in hàng loạt ban phát cho họ. Thế đấy, tuy ở trong tù, cha Hiển đã gây được phong trào kính thánh giá rộng rãi ở Nam Định.

 

Một trường hợp loan báo khác cũng khá đặc biệt. Linh mục Tự đến ngày bị xử tử, đã xin phép quan được mặc trọn bộ áo dòng Đaminh và ôm thánh giá ra pháp trường. Trước khi bị chém, cha xin nói đôi lời và ứng khẩu giảng gần một giờ về Đức Giêsu, về ơn cứu độ, về tình huynh đệ mọi người là anh em.

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ