GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 14/12/2007

TUẦN II MÙA VỌNG

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình (1-5)

?  Bí Mật Maria (7-15) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Đến Với Chúa - Như Trẻ Nhỏ

 

 

 

?    

Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2007

 

1.         Mở đầu cho một Tân Niên, tôi muốn gửi đến con người nam nữ khắp thế giới những lời chúc tốt đẹp nồng nhiệt của tôi, cùng với sứ điệp chân  thành về niềm hy vọng. Tôi làm thế bằng việc cống hiến cho việc chúng ta cùng nhau suy nghĩ về đề tài tôi đã nêu lên ở đầu sứ điệp này. Nó là một đề tài mà tôi cho là đặc biệt quan trọng: gia đình nhân loại là một cộng đồng của hòa bình. Hình thức đầu tiên của mối hiệp thông giữa các ngôi vị con người với nhau được xuất phát từ tình yêu thương của một người nam và một người nữ quyết định tiến đến mối hiệp nhất bền vững để cùng nhau xây dựng một gia đình mới. Thế nhưng, cả các dân tộc tr ên  trái đất này nữa cũng được kêu gọi dựng xây những mối liên hệ của tình đoàn kết và hợp tác với nhau, như những phần tử của một gia đình nhân loại duy nhất: “Tất cả mọi dân tộc – như Công Đồng Chung Vaticanô II tuyên dạy – đều là một cộng đồng duy nhất và đều có một nguồn gốc duy nhất, vì Thiên Chúa đã dựng nên toàn thể nhân loại để cư ngụ trên mặt trái đất này (x Acts 17:26); họ cũng chỉ có một cùng đích duy nhất mà thôi là Thiên Chúa” (Declaration Nostra Aetate, 1.)

 

Gia đình, xã hội và hòa bình

 

2.         Gia đình tự nhiên, như là một cuộc hiệp thông sâu xa về sự sống và yêu thương, được xây dựng trên đời sống hôn nhân của một người nam và một người nữ (Cf. Second Vatican Council, Pastoral Constitution Gaudium et Spes, 48.), tạo nên “một nơi căn bản của vấn đề nhân bản hóa cho con người và xã hội” (John Paul II, Apostolic Exhortation Christifideles Laici, 40: AAS 81 (1989), 469.), và là “một cái nôi của sự sống và yêu thương” (ibid). Bởi thế mới có lý định nghĩa gia đình là xã hội tự nhên tiên khởi, “một cơ cấu thần linh làm nên nền tảng cho sự sống của con người như là một nguyên mẫu cho mọi thứ trật tự xã hội” (Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church, No. 211.).

 

3.         Thật vậy, trong một đời sống gia đình lành mạnh thì chúng ta cảm nghiệm thấy một số những yếu tố căn   bản như công bình và yêu thương giữa anh chị em, vai trò cha mẹ hành sử thẩm quyền, ưu ái quan tâm đến các phần tử yếu kém hơn vì trẻ tuổi, bệnh hoạn hay già nua, giúp đỡ lẫn nhau nơi nhữn g nhu cầu của cuộc sống, sẵn sàng chấp nhận nhau, và, nếu cần, thứ tha cho nhau. Đó là lý do, gia đình là thày dạy hòa bình tiên khởi và bất khả thiếu. Thế nên, không lạ gì khi bạo động, nếu xẩy ra trong gia đình, được coi là những gì đặc biệt bất khả chấp. Do đó, khi nói rằng gia đình là “tế bào sống căn bản của xã hội” (Second Vatican Council, Decree Apostolicam Actuositatem, 11.), là nói về một cái gì đó có tính cách thiết yếu. Gia đình là nền tảng của xã hội cả vì lý do này nữa, vì nó giúp cho các phần tử của mình cảm nghiệm được hòa bình một cách quyết liệt. Thế  nên cộng đồng nhân loại không thể không việc phục vụ này của gia đình. Còn nơi nào khác giới trẻ có thể dần dần học biết nếm hưởng cái “mùi vị” thực sự của hòa bình hơn là “cái tổ” đầu tiên được thiên nhiên dọn sẵn cho họ này chứ? Ngôn ngữ của gia đình là một thứ ngôn ngữ của hòa bình; chúng ta cần phải sử dụng nó kẻo chúng ta đánh mất đi thứ “ngữ vựng” về hòa bình này. Nơi sự tăng phát về việc phát ngôn của mình, xã hội không thể nào thôi không căn cứ vào cái “văn phạm” mà tất cả mọi con trẻ học biết được từ những dáng vẻ cùng với các hành động của cha mẹ chúng, thậm chí ngay cả trước khi chúng học được từ những lời lẽ của họ nữa.

 

4.         Gia đình, vì có nhiệm vụ giáo dục các phần tử của mình, là chủ thể của các quyền lợi đặc biệt. Bản  Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, một văn kiện đánh dấu cho nền văn minh về pháp lý về giá trị phổ quát thực sự, nói rằng “gia đình là một đơn vị nhóm tự nhiên và nồng cốt của xã hội và nó được hưởng quyền bảo vệ của xã hội và Quốc Gia” (Khoản 16/3). Về phần  mình, Tòa Thánh đã tỏ ra công nhận cái phẩm vị về pháp lý đặc biệt thích đáng với gia đình khi phổ biến Bản Hiến Chương về Các Quyền Lợi của Gia Đình. Nơi Lời Mở Đầu của văn kiện này, chúng ta đọc thấy rằng: “các quyền lợi của con người, cho dù chúng được thể hiện như là các quyền lợi của cá nhân con người, vẫn có một chiều kích nền tảng về xã hội là chiều kích được chất chứa qua những gì sâu xa và sống động thể hiện nơi gia đình”(Holy See, Charter of the Rights of the Family, 24 November 1983, Preamble, A.). Những quyền lợi được nêu lên trong Bản Hiến Chương này là việc bày tỏ và bạch hóa lề luật tự nhiên được viết nơi tâm can của con người và họ có thể biết được nó bằng lý trí. Việc chối bỏ hay thậm chí hạn chế các quyền lợi của gia đình, bằng cách làm lu mờ đi sự thật về con người, là những gì đe dọa chính nền tảng của hòa bình vậy.

 

5.         Như thế, bất cứ ai, cho dù là vô thức, âm mưu phá hủy cơ cấu gia đình là kẻ tác hại tới hòa bình nơi toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, vị họ làm suy yếu đi những gì thực sự là tác nhân căn bản của hòa bình. Vấn đề này đáng được đặc biệt suy nghĩ, ở chỗ, hết tất cả mọi sự góp phần vào việc làm suy yếu đi gia đình được xây dựng trên hôn nhân của một người nam và một người nữ, hết những gì trực tiếp hay gián tiếp ngăn chặn việc gia đình hướng tới việc ý thức chấp nhận sự sống mới, hết những gì gây ngăn trở cho quyền lợi của gia đình đối với trách nhiệm chính yếu của nó đối với việc giáo dục con cái mình, đều trở thành một chướng ngại khách quan trên con đường tiến tới hòa bình. Gia đình cần phải có một ngôi nhà, có công ăn việc làm và được nhìn nhận hoạt động tại gia của thành phần làm cha làm mẹ, cơ hội cho con cái học hành, và việc chăm sóc sức khỏe căn bản cho mọi người. Khi nào xã hội và chính sách công cộng không quyết tâm hỗ trợ gia đình về những lãnh vực ấy, là chúng làm cho gia đình bị hụt hẫng đi một nguồn mạch thiết yếu trong việc phục vụ cho hòa bình. Cách riêng các phương tiện truyền thông xã hội, bởi khả năng giáo dục của mình, có nhiệm vụ đặc biệt trong vấn đề cổ võ việc tôn trọng gia đình, trong việc làm sáng tỏ những niềm trông đời và quyền lợi của gia đình, cũng như trong việc trình bày cho thấy tất cả vẻ đẹp của gia đình.

(xin xem tiếp ngày mai) 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20071208_xli-world-day-peace_en.html

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(II) Việc Thánh Hóa nhờ Mẹ Maria: Một Đường Lối Quan Thiết

Mẹ Maria mới là người duy nhất được Ơn Nghĩa với Thiên Chúa

7.- 1) Mẹ Maria mới là người duy nhất được ơn nghĩa với Thiên Chúa, cả cho chính bản thân Mẹ lẫn cho hết mọi người một cách riêng. Các giáo phụ và tiên tri cùng với tất cả mọi vị thánh trong Cựu Ước đều đã không thể nào tìm được ơn nghĩa này.

Mẹ Ân Sủng

8.- 2) Mẹ Maria ban hữu thể và sự sống cho Vị Tác Giả của tất cả mọi ân sủng, và đó là lý do tại sao Mẹ được gọi là Mẹ Ân Sủng.

Mẹ Maria đã lãnh nhận Đầy Ơn Phúc

9.- 3) Thiên Chúa Ngôi Cha là nguồn mạch chính yếu của mọi tặng ân thiện hảo và của tất cả mọi ân sủng, Đấng đã ban tất cả mọi ân sủng cho Mẹ Maria bằng việc ban cho Mẹ Con của Ngài, để, như Thánh Bênađô nói, “Với Con Ngài và Nơi Con Ngài, Thiên Chúa đã tỏ ý muốn của Ngài ra cho Mẹ Maria biết”.

Kho Tàng Chung của Ân Sủng Thiên Chúa

10.- 4) Thiên Chúa đã ký thác cho Mẹ Maria việc coi giữ, quản trị và ban phát tất cả mọi ân phúc của Ngài, để tất cả mọi ân sủng và tặng ân của Ngài đều phải qua tay của Mẹ; và (như quyền hạn Mẹ đã nhận được đối với các ân sủng và tặng ân ấy), như Thánh Bônaventura dạy, Mẹ Maria ban nó cho ai tùy ý Mẹ, ban cách nào tùy nghi, khi nào Mẹ muốn và bao nhiêu Mẹ muốn, các ân sủng của Cha Hằng Hữu, những nhân đức của Chúa Giêsu Kitô và những tặng ân của Chúa Thánh Thần.

Người Mẹ của con cái Thiên Chúa.

11.- 5) Như trong lãnh vực tự nhiên, một em bé phải có cả cha lẫn mẹ thế nào, trong lãnh vực ân sủng cũng thế, một người con thật của Giáo Hội phải có Thiên Chúa là Cha và Mẹ Maria là Mẹ của họ; và nếu ai vinh dự vì có Thiên Chúa là Cha của mình, mà lại không yêu mến Mẹ Maria như đứa con thực sự, thì họ là một người lừa đảo và có ma quỉ là người cha duy nhất của họ.

Mẹ Maria hình thành Những Chi Thể của Chúa Giêsu

12.- 6) Vì Mẹ Maria đã hình thành Chúa Giêsu Kitô, Thủ Lãnh của thành phần tuyển chọn, vai trò của Mẹ cũng hình thành cả các chi thể của Thủ lãnh này nữa, tức là tất cả mọi Kitô hữu thực sự; vì mẹ không hình thành đầu mà không có chi thể, hay hình thành chi thể mà không có đầu. Bởi thế, bất cứ người nào muốn là chi thể của Chúa Giêsu Kitô, đầy ân sủng và chân lý, cũng phải được hình thành nơi Mẹ Maria bằng ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Mẹ đã chiếm hữu trọn vẹn để thông truyền tất cả cho con cái của Mẹ, những chi thể đích thực của Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Thánh Thần nhờ Mẹ sản sinh thành phần được tuyển chọn

13.- 7) Vì Chúa Thánh Thần đã kết bạn với Mẹ Maria, và đã làm phát sinh nơi Mẹ, nhờ Mẹ và từ Mẹ tuyệt phẩm của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể, và không bao giờ chối từ vị hôn thê của mình, mà giờ đây Ngài vẫn tiếp tục sản sinh thành phần tuyển chọn nơi Mẹ và nhờ Mẹ, một cách mầu nhiệm nhưng thực sự.

Mẹ Maria nuôi dưỡng các linh hồn và làm cho họ lớn lên trong Thiên Chúa

14.- 8) Mẹ Maria đã lãnh nhận một vai trò đặc biệt và một quyền năng trên các linh hồn để nuôi dưỡng họ và làm cho hlớn lên trong Thiên Chúa. Thánh Âu Quốc Tinh còn nói rằng trong cuộc sống của họ trên đời này, tất cả thành phần được tuyển chọn đều được ẩn thân nơi cung lòng của Mẹ Maria, và họ không được thực sự sinh ra cho đến khi Vị Thánh Mẫu sinh họ vào sự sống trường sinh. Bởi thế, như con trẻ hưởng được tất cả mọi thứ dưỡng chất từ người mẹ thế nào, một người mẹ ban thứ dưỡng chất này một cách xứng hợp với tình trạng yếu kém của đứa con thế nào, cũng thế, thành phần được tuyển chọn được hưởng tất cả mọi dưỡng chất và sinh lực thiêng liêng từ Mẹ Maria như vậy.

Mẹ Maria ở nơi Thành Phần được tuyển chọn

15.- 9) Thiên Chúa Ngôi Cha đã nói với Mẹ Maria thế này: “Con Gái của Cha ơi, con hãy ở nơi Giacóp”, tức là ở nơi thành phần được tuyển chọn được tiền thân nơi Giacóp. Thiên Chúa Ngôi Con đã nói với Mẹ Maria rằng: “Hỡi Mẹ yêu dấu của Con, gia sản của Mẹ ở nơi dân Yến Duyên”, tức là nơi thành phần được tuyển chọn. Và Chúa Thánh Thần nói với Mẹ Maria: “Hỡi hôn thê trung tín của Ta, hãy gắn bó với thành phần tuyển chọn của Ta”. Bởi thế, bất cứ ai được tuyển chọn và được tiền định đều có Đức Trinh Nữ ở với, ở trong linh hồn của họ, họ sẽ để cho Mẹ trồng cấy ở đấy những rễ cây khiêm nhượng sâu xa, đức ái nhiệt thành cùng với hết mọi thứ nhân đức.

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

“Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”

 

Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,

 

“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;

 

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.

 

 

Đến Với Chúa: Như Trẻ Nhỏ

 "Tin vào Phúc Âm và chịu Phép Rửa Tội"

(Marcô 16:16)

 

 

Cửa ngõ" (Gioan 10:1,7) duy nhất và chính yếu để chiên có thể qua mà đến cùng "mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì chiên" (Gioan 10:11) là "tin vào Phúc Âm và chịu Phép Rửa".

 

Đến với Chúa Giêsu, bằng tác động tin được thể hiện qua việc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, con người đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa và được sống Sự Sống Đời Đời.

 

Thiên Chúa ở với họ bằng Ơn Thánh, như "Nước Thiên Chúa đã ở giữa các con" (Luca 17:21). Là con cái Thiên Chúa và được sống Sự Sống Đời Đời, Kitô hữu chính là các trẻ nhỏ của Thiên Chúa.

 

Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, hai nguyên tổ đã không phải là các trẻ nhỏ thực sự hay sao? Khi còn sống trong sự công chính nguyên thủy, các ngài có biết đến tội lỗi là gì đâu: "Trần truồng mà không biết xấu hổ" (Khởi Nguyên 2:25).

 

Thế rồi, từ khi "mắt cả hai người mở ra, nhận thấy mình trần truồng" (Khởi Nguyên 3:7), họ đã trở thành người lớn, với cuộc đời: nam nhân thì mệt mã (xem Khởi Nguyên 3:17-19 và Mathêu 11:28), nữ nhân thì nặng nề (xem Khởi Nguyên 3:16 và Mathêu 11:28).

 

Như thế, hai nguyên tổ trước khi còn sống trong sự công chính nguyên thủy, cũng giống như tình trạng của Kitô hữu khi mới lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chỉ mới là một trạng thái trẻ nhỏ, một tình trạng hồn nhiên đơn sơ ban đầu mà thôi, chứ không phải và chưa phải có tinh thần trẻ nhỏ, tinh thần con cái Thiên Chúa, tinh thần làm cho họ thật sự là trẻ nhỏ của Thiên Chúa.

 

Chính vì nguyên tội, vì con người đã vượt ra khỏi lãnh vực nhỏ bé của mình, "muốn nên khôn ngoan" (Khởi Nguyên 3:6), "giống như các thần linh biết lành biết dữ" (Khởi Nguyên 3:5), bằng việc bất phục tùng "ăn cây Ta đã cấm ngươi ăn" (Khởi Nguyên 3:17), mà con người đã "phải chết" (Khởi Nguyên 2:17), đã bị đuổi (xem Mathêu 16:23) ra khỏi vườn địa đường (xem Khởi Nguyên 3:23), đã trở thành người lớn "giống như các thần linh", thành con cái của thần dữ, "con cái thế gian" (Luca 16:8), không còn là con cái bé nhỏ "sinh bởi Thiên Chúa" (Gioan 1:13) nữa. Do đó, Chúa Giêsu đã dứt khoát khẳng định:

 

·        "Ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không hoán cải và trở nên như các trẻ nhỏ, các ngươi sẽ không được vào Nước Thiên Chúa" (Mathêu 18:3).

 

Như thế, "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ", trước hết, phải là một tiến trình trở về nguồn, về sự tốt lành nguyên thủy, về tình trạng làm con cái đích thực của Thiên Chúa, được Ngài dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26).

 

Vì tình trạng tốt lành nguyên thủy đã mất đi theo nguyên tội, nhưng đã được phục hồi trong Chúa Kitô, Người Con Duy Nhất "đẹp lòng Cha" (Mathêu 3:17,17:5), bởi thế, "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" chính là việc "mặc lấy Chúa Kitô" (Rôma 13:14):

 

·        "Tất cả anh em là những người đã được rửa trong Chúa Kitô thì chính anh em đã mặc lấy Người" (Galata 3:27)

 

Việc "mặc lấy Chúa Kitô" trong Bí Tích Rửa Tội này là đường lối "cải lão hoàn đồng" siêu nhiên duy nhất có thể giải đáp thoả đáng cách chính xác vấn nạn của "ông thầy" (Gioan 3:10) Nicôđêmô: "Khi một người đã lớn thì làm sao có thể được sinh lại? Chẳng nhẽ họ chui trở vào bụng mẹ để được sinh lại hay sao?" (Gioan 3:4).

 

Thế nhưng, con người phải mặc lấy Chúa Kitô như thế nào mới có thể hoàn thành tiến trình: "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ", nếu không phải là việc Kitô hữu phải cởi bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.

 

·        "Anh em không biết rằng chúng ta là những người được rửa trong Chúa Giêsu Kitô thì được rửa trong sự chết của Người... Con người cũ của chúng ta đã bị đóng đanh với Người..." (Rôma 6:3, 6, 11).

 

·        "Anh em thực sự đã chết... Điều anh em làm là cởi bỏ con người cũ với các việc làm đã qua của nó, và mặc lấy con người mới, con người triển nở trong sự hiểu biết như họ mới được hình thành theo hình ảnh của Đấng Tạo Thành của mình" (Côlôsê 3:3, 9-10).

 

·        "Anh em phải dẹp bỏ lối sống trước kia, cùng với con người cũ đã băng hoại theo ảo ảnh và dục vọng, thay vào đó bằng đường lối suy tư theo tinh thần mới mẻ. Anh em phải mặc lấy một con người mới như thế, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, con người công chính và thánh thiện phát sinh từ chân lý" (Êphêsô 4:22-24).

 

Như thế, "hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ" là tiến trình cởi bỏ con người cũ vì đã được mặc lấy con người mới hay cũng để mặc lấy con người mới.

 

Từ suy luận và kết luận này phân tách ra, thì:

 

1.         "Hoán cải" tức là "cởi bỏ con người cũ", và

 

2.         "Trở nên như trẻ nhỏ" tức là "mặc lấy con người mới".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ