GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 15/12/2007

TUẦN II MÙA VỌNG

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình (6-8)

?  Bí Mật Maria (16-19) - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria
?  “Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”: Đến Với Chúa - Như Trẻ Nhỏ - Cởi bỏ con người cũ

 

 

 

?    

Gia Đình Nhân Loại là một Cộng Đồng của Hòa Bình

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI – Sứ Điệp cho Ngày Hòa Bình Thế Giới 1/1/2007

 

Nhân loại là một đại gia đình duy nhất

 

6.       Cộng đồng xã hội, để sống trong hòa bình, cũng được kêu gọi để lấy hứng khởi từ các giá trị làm nên cộng đồng gia đình. Điều này cũng đúng đối với các cộng đồng địa phương cũng như các cộng đồng quốc gia: nó cũng đúng với cả chính cộng đồng quốc tế nữa, vì gia đình nhân loại ở trong ngôi nhà chung là trái đất này. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không thể quên rằng gia đình hiện hữu từ việc “chấp thuận” một cách ý thức và trọn vẹn của một con người nam và con người nữ, và nó tiếp tục sống bởi việc ý thức “chấp nhận” của con cái là thành phần dần dần góp mặt trong gia đình. Cộng đồng gia đình, để triển nở, cần đến việc quảng đại chấp thuận của tất cả mọi phần tử của nó. Việc hiện thực này cũng cần phải trở thành một niềm xác tín chung nơi tất cả những ai được kêu gọi để làm nên một gia đình nhân loại chung. Chúng ta cần tỏ ra “ưng thuận” với ơn gọi này, một ơn gọi đã được Thiên Chúa ghi ấn nơi chính bản tính của chúng ta. Chúng ta không sống bên cạnh nhau hoàn toàn chỉ vì tình cờ; tất cả chúng ta đều đang tiến bước dọc theo một con đường chung như những con người nam nữ, và bởi thế như là những người anh chị em. Do đó, vấn đề thiết yếu ở đây là chúng ta tất cả cần phải dấn thân sống cuộc đời của mình bằng một thái độ hữu trách đối với Thiên Chúa, nhìn nhận Ngài là nguồn mạch sâu thẳm nhất cho việc hiện hữu của chúng ta và của những người khác. Nhờ trở về với nguyên lý tối hậu này chúng ta mới có thể nhận thấy cái giá trị tuyệt đối của mỗi một con người, nhờ đó, đặt nền móng cho việc dựng xây một nhân loại hòa bình. Không có cái nền tảng siêu việt này, xã hội chỉ thuần túy là một thứ tập hợp thành phần tha nhân lại với nhau, chứ không phải là một cộng đồng của những người anh chị em với nhau được kêu gọi để làm nên một đại gia đình duy nhất.

 

Gia đình, cộng đồng nhân loại và môi trường

 

7.       Gia đình cần nhà ở, một môi trường xứng hợp để nhờ đó phát triển  những mối liên hệ thích đáng của nó. Đối với gia đình nhân loại thì ngôi nhà này là trái đất đây, một môi trường được Thiên Chúa Hóa Công ban cho chúng ta để cư ngụ một cách sáng tạo và hữu trách. Chúng ta cần chăm sóc cái môi trường ấy: nó đã được trao phó cho con người nam nữ để bảo vệ và phát triển bằng quyền tự do hữu trách, bằng thiện ích cho tất cả mọi người như qui chuẩn hướng dẫn liên lỉ. Hiển nhiên là nhân loại có một giá trị cao cả đối với toàn thể tạo vật. Việc tôn trọng môi trường không có nghĩa là coi thiên nhiên khoáng vật hay động vật quan trọng hơn con người. Trái lại, nó không có nghĩa là vị kỷ, coi thiên nhiên tạo vật hoàn toàn tùy nghi sử dụng cho các lợi ích riêng tư của chúng ta, vì các thế hệ mai hậu cũng có quyền gặt hái được những thiện ích của nó và tỏ ra cùng một quyền tự do hữu trách đối với thiên nhiên tạo vật như chính chúng ta đòi phải thực thi. Chúng ta cũng không được bỏ qua thành phần nghèo khổ, những con người trong nhiều trường hợp không được hưởng những thiện ích của thiên nhiên tạo vật được ấn định giành để cho tất cả mọi người. Ngày nay nhân loại có lý trong việc tỏ ra quan tâm về mức quân bình của môi sinh cho mai hậu. Cần phải thực hiện những thẩm định cách khôn ngoan về vấn đề này, trao đổi với thành phần chuyên  viên và các vị khôn ngoan, những thẩm định không bị chi phối bởi áp lực về ý hệ trong việc tiến đến  những kết luận hấp tấp, nhất là nhắm đến chỗ tiến tới việc thỏa thuận về một thứ kiểu mẫu phát triển khả trợ có khả năng bảo đảm phúc hạnh của tất cả mọi người mà vẫn tỏ ra tôn trọng những mức quân bình về môi trường. Nếu việc bảo vệ môi trường bị tốn phí thì những thứ tốn kém ấy cần phải được phân phối công bình, căn cứ vào những mức độ khác nhau về phát triển của các quốc gia khác nhau cũng như nhu cầu liên đới với các thế hệ mai hậu. Sự khôn ngoan không có nghĩa là không chấp nhận các thứ trách nhiệm cùng với những quyết định bị đình trệ; nó có nghĩa là quyết tâm cùng nhau quyết định sau khi đã suy tư một cách ý thức con đường cần phải đi, những quyết định nhắm vào việc kiên cường mối giao ước giữa con người và môi trường, một mọi trường phải phản ánh tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa là Đấng là nguồn gốc và là cùng đích cho cuộc hành trình của chúng ta.

 

8.       Về vấn đề này, cần phải “cảm nhận” rằng trái đất này là “ngôi nhà chung của chúng ta”, và theo vai trò chúng ta làm quản lý và phục vụ tất cả mọi người, cần phải chọn đường lối đối thoại hơn là đường lối quyết định đơn phương. Những cơ quan quốc tế khác cũng cần được thiết lập để cùng nhau đảm trách vai trò quản lý này cho “ngôi nhà” của chúng ta; tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là việc cần phải ý thức về nhu cầu hợp tác một cách có trách nhiệm. Những vấn đề trụ ctrặc đang bao phủ chân trời là những gì phức tạp và thời gian thì ngắn ngủi. Để đương đầu với tình trạng này một cách hiệu nghiệm, cần phải tác hành hòa hợp với nhau. Một lãnh vực đặc biệt cần phải gia tăng vấn đề đối thoại giữa các quốc gia đó là lãnh vực về vai trò làm quản lý trông coi các nguồn nhiệt năng của trái đất này. Các quốc gia tân tiến về kỹ thuật đang phải đối diện với hai nhu cầu khẩn trương về vấn đề này: một đàng cần phải tái thẩm định mức tiêu thụ cao cần cho mẫu thức phát triển hiện tại, đàng khác, lại cần phải đầu tư các nguồn lợi thích đáng vào việc tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế và tính cách hiệu nghiệm hơn nữa về năng lượng. Các quốc gia đang phát triển đang đói khát năng lượng, thế nhưng, có những lúc cơn đói khát này được đáp ứng một cách tai hại cho n hững xứ sở nghèo, những xứ sở mà, vì thiếu thốn hạ tầng cơ sở, bao gồm cả các hạ tầng cơ sở về kỹ thuật, bị buộc phải bán rẻ đi những nguồn năng lượng họ có được. Có những lúc, quyền tự do về chính trị của họ bị tổn thương bởi những hình thức bảo hộ, hay, một cách nào đó bởi những hình thức điều kiện hóa vẫn hiển nhiên cho thấy những gì là ô nhục.

(xin xem tiếp ngày mai) 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/messages/peace/documents/hf_ben-xvi_mes_20071208_xli-world-day-peace_en.html

 

 TOP

 

?  

Bí Mật Maria - Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

 

Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort)

Lời Mở Đầu của người dịch

Đaminh Maria Cao Tấn  Tĩnh,  BVL

 

Thánh Long Mộng Phố  (Louis Montfort) đã viết một số tác phẩm về Mẹ tuy mỏng nhưng rất hay. Chẳng hạn cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria (đã được Lm Nguyễn Tri Ân, OP, dịch năm 1957 và nguyệt san Dân Chúa Mỹ Châu xuất bản ở hải ngoại năm 1980), Bí Mật Kinh Mân Côi (đã được người dịch này chuyển ngữ và xuất bản từ năm 1994 và đã tái bản năm 1997 và 2002) và Bí Mật Maria. Sở dĩ những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh Long Mộng Phố rất hay là vì thánh nhân viết với tất cả tâm huyết của mình, với tất cả kinh nghiệm sống của Mẹ. Sở dĩ rất hay là vì thánh nhân viết theo thần hứng, đôi khi đã nói tiên tri, như trong cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria. Sở dĩ rất hay là vì ý tưởng của thánh nhân hết sức xuất sắc và chuyên biệt có một không hai. Sở dĩ rất hay là vì chẳng những vẫn còn hợp thời và càng ngày càng cần thiết. Một trong những hoa trái trổ sinh từ một trong những tác phẩm Thánh Mẫu của thánh nhân là Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị đã đọc, thực hành và lấy khẩu hiệu Giáo Hoàng “tất cả của con là của Mẹ” từ tác phẩm Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria. Đó là lý do Màn Điện Toán Thời Điểm Maria, kể từ Lễ Trái Tim Mẹ, 8/6/2002, Quan Thày của Nhóm Hiệp Sĩ Trái Tim Mẹ (năm thứ 5), bắt đầu phổ biến tác phẩm Bí Mật Maria của thánh nhân, một tác phẩm, như được biết, chưa hề được dịch sang Việt Ngữ. Tuy nhiên, vì ngăn trở, tác phẩm này và tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria đã không được liên tục phổ biến. Cho đến nay, nhân dịp vừa khai mạc thời điểm mừng kỷ niệm Biến Cố Lộ Đức 150 năm, 1858-2008, được bắt đầu từ Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/2007 đến 8/12/2008, Thời Điểm Maria tái phổ biến lại từ đầu và (lần này) liên tục cho tới hết hai tác phẩm Thánh Mẫu thời danh và khẩn trương hơn bao giờ hết hiện nay. Xin kính mời Quí Thân Hữu của Màn Điện Toán Thời Điểm Maria theo dõi.
 

(II) Việc Thánh Hóa nhờ Mẹ Maria: Một Đường Lối Quan Thiết

Mẹ Maria khuôn đúc Chúa Giêsu trong Chúng Ta

Một khuôn đúc sống động của Thiên Chúa

16.- Thánh Âu Quốc Tinh gọi Mẹ Maria là “khuôn đúc (sống động) của Thiên Chúa”, và Mẹ thật sự là thế; vì chính ở nơi một mình Mẹ Thiên Chúa đã trở thành một con người thực sự mà không mất đi một chút tính chất nào của Thần Tính Thiên Chúa, và cũng chỉ ở nơi một mình Mẹ mà con người mới có thể thực sự được khuôn đúc nên Thiên Chúa, tùy theo khả năng có thể của con người, nhờ ân sủng của Chúa Giêsu Kitô.

Nhà điêu khắc có hai cách để làm nên một bức tượng hay hình ảnh sống động như thật, ở chỗ, họ có thể khoét tượng từ một vật liệu cứng rắn, chẳng có hình dáng gì, bằng việc sử dụng năng khiếu và kiến thức chuyên môn của mình vào việc này, sử dụng công sức và các dụng cụ cần thiết, hay họ cũng có thể đúc nó thành khuôn. Cách thứ nhất thì lâu la mất giờ và khó khăn vất vả, và lệ thuộc vào nhiều thứ trục trặc bất ngờ xẩy ra ngoài ý muốn; một nhát búa hay đục không khéo có thể làm hỏng cả công trình. Cách thứ hai ngắn ngủi, dễ dàng và trơn tru; nó không đòi gì ngoài việc chịu khó một chút và tốn phí chút đỉnh, nếu muốn cho cái khuôn đúc được trọn hảo nhờ đó nó tạo nên hình tượng giống nó như đúc; thêm vào đó, nếu vật liệu được sử dụng không gây trục trặc cho bàn tay của nhà nghệ sĩ.

Một khuôn đúc vẹn toàn

17.- Mẹ Maria là khuôn đúc cao cả của Thiên Chúa, được Thánh Linh thực hiện, để làm nên một Vị Con Người Thiên Chúa thực sự bằng việc Ngôi Hiệp, cũng như để làm nên một Thiên Chúa làm người bằng ân sủng. Nơi khuôn đúc này, không một tính chất nào của Thần Tính bị hụt hẫng cả. Ai được đúc trong khuôn này, và để mình được khuôn đúc, thì nhận được tất cả mọi đường nét của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật. Công việc được thực hiện một cách êm ái nhẹ nhàng, xứng hợp với tình trạng yếu hèn của con người, mà không phải chịu nhiều đớn đau và vất vả; một cách chắc chắn, không bị một chút ảo tưởng nào, vì ở đâu có Mẹ Maria thì ma quỉ đã không bao giờ và sẽ không bao giờ đến được; sau hết, nó được thực hiện một cách thánh thiện tinh tuyền, không một bóng mờ của vết tích tội khiên nào.

Những linh hồn được uốn nắn đàng hoàng

18.- Ôi, khác nhau biết bao giữa một linh hồn được hình thành trong Chúa Kitô bởi những cách thức bình thường của những ai tin tưởng vào khả năng và sự tinh khéo của mình, với một linh hồn rất dễ dàng sai khiến, hoàn toàn bỏ mình và được khuôn đúc đàng hoàng, một linh hồn không hề tin tưởng vào khả năng của mình, phú mình cho Mẹ Maria là nơi họ được Thánh Linh khuôn đúc. Biết bao nhiêu là vết tích và hư hỏng cùng với ảo tưởng, bao nhiêu là tối tăm và bao nhiêu là yếu hèn của bản tính nhân loại nơi thành phần thứ nhất, và ôi thành phần thứ hai tinh tuyền biết bao, cao sang biết mấy và giống Chúa Kitô là chừng nào.

Thiên Đàng và Thế Giới của Thiên Chúa

19.- Không thể có và sẽ không bao giờ có một tạo vật nào, cho dù các thánh hay thần kêrubim hoặc thần seraphim đệ nhất đẳng trên Thiên Đàng, mà nơi tạo vật ấy Thiên Chúa được tôn vinh tuyệt đỉnh, kể cả ở trong Ngài hay ở ngoài Ngài, như Ngài ở nơi Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ Maria là thiên đàng của Thiên Chúa và là thế giới khôn tả của Ngài, một thế giới Con Thiên Chúa đã đến để thực hiện những kỳ công của Ngài, để trông coi cũng như để hoan lạc nơi thế giới ấy. Thiên Chúa đã tạo nên một thế giới cho con người lữ hành, đó là thế giới chúng ta đang cư ngụ; Ngài cũng đã làm nên một thế giới cho chính Ngài được Ngài gọi là Maria. Đây là một thế giới mà hầu hết thành phần hư vong dưới thế này không biết đến, và thậm chí còn bất khả thấu hiểu đối với ngay cả các thần thánh trên Thiên Đàng, thành phần, khi thấy Thiên Chúa hết sức cao cả hơn mình mà lại hết sức ẩn thân nơi Mẹ Maria là thế giới của Ngài, thì lòng tràn đầy lạ lùng và không ngừng than lên: “Thánh, Thánh, Thánh”.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?

 

“Hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”

 

Dẫn Nhập: Theo cảm nhận rất chân thực của ĐTC Gioan Phaolô II về Mầu Nhiệm Nhập Thể, thì, như ngài viết trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến,

 

“Ở đây chúng ta chạm đến một điểm chính yếu làm cho Kitô giáo khác với tất cả mọi tôn giáo khác, những tôn giáo diễn tả việc con người tìm kiếm Thiên Chúa từ những thời cổ xưa nhất. Khởi điểm của Kitô giáo bắt nguồn từ việc Lời nhập thể. Như thế, không phải là con người tìm kiếm Thiên Chúa, mà là Thiên Chúa đích thân đến nói với chính con người, và chỉ cho con người đường nẻo để con người có thể đến với Ngài”;

 

“Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời”.

 

Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là, con người tạo sinh và tội lỗi đáng thương chúng ta có gặp được Đấng tìm kiếm chúng ta hay chăng? Hay là, ngược lại, chính vì Ngài đã hạ mình xuống quá, đến độ chúng ta không còn nhận ra Ngài nữa, như khi Ngài được hạ sinh trong hang lừa máng cỏ ở hang Bê-Lem, mà chúng ta không nhận ra Ngài và không thể đến được với Ngài. Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy ôn lại con đường mà chính Ngài đã làm gương trong việc nhập thể và dạy trong Phúc Âm liên quan tới việc “hoán cải và trở nên như trẻ nhỏ”, để có thể đến được với Ngài.

 

 

Đến Với Chúa: Như Trẻ Nhỏ

 "Tin vào Phúc Âm và chịu Phép Rửa Tội"

(Marcô 16:16)

  

“Hoán Cải” là “Cởi Bỏ Con Người Cũ”

  

Thực ra, khi lãnh nhận Bí Tích "Rửa Tội nhân danh Chúa Giêsu Kitô" (Tông Đồ Công Vụ 10:48,19:5) là con người cũ của Kitô hữu đã chính thức "được chôn táng trong sự chết của Chúa Kitô" (Rôma 6:4). Nhờ đó, họ đã hoàn toàn được "mặc lấy Chúa Kitô" là Con Người Mới của họ.

 

Thế nhưng, kinh nghiệm sống đạo không thể chối cãi trên thực tế đã cho chúng ta thấy, bao lâu chúng ta không liên tục để ý sống đúng với mầu nhiệm tái sinh của Bí Tích Rửa Tội, "sống ẩn thân với Chúa Kitô trong Thiên Chúa" (Côlôsê 3:3), bấy lâu chúng ta vẫn còn sống theo con người cũ của mình, một con người lớn, một con người đã thưa với cha mình: "Vâng con đi', rồi chẳng  chịu đi" (Mathêu 21:28-29).

 

Vậy "con người cũ" của chung nhân loại và riêng Kitô hữu là gì và như thế nào mà họ phải cởi bỏ mới có thể "trở nên như trẻ nhỏ", mới có thể trung thực phản ảnh Chúa Kitô là "con người mới" của mình?

 

Nếu Chúa Kitô là Con Người Mới của Kitô hữu thì con người cũ của họ không phải là con người nguyên tội, con người đã hư đi song đã được cứu chuộc hay sao?

 

“Con người cũ" này, ngay từ ban đầu, đã hiện thân nơi hai nguyên tổ, qua tinh thần kiêu căng, hành động bất tuân và thái độ tự ái của các ngài.

 

 "Con người cũ" kiêu căng muốn nâng mình lên: "như các thần linh biết lành biết dữ" (Khởi Nguyên 3:5).

 

 "Con người cũ" bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa: "ăn cây Ta đã cấm ngươi không được ăn" (Khởi Nguyên 3:11).

 

"Con người cũ" tự ái bất chấp tất cả mọi sự: "Người đàn bà mà Ngài đã để ở đây với tôi, nàng đưa cho tôi trái cây nên tôi mới ăn" (Khởi Nguyên 3:12); “Con rắn đánh lừa tôi nên tôi mới ăn" (Khởi Nguyên 3:13).  

 

Nếu "con người cũ" là một con người kiêu căng, bất tuân và tự ái như thế, thì "cởi bỏ con người cũ" để "mặc lấy con người mới", hay "hoán cải" để "trở nên như trẻ nhỏ", tức là "cởi bỏ", là "hoán cải" con người vốn kiêu căng, bất tuân và tự ái của mình.

 

Chúa Kitô đã xác nhận điều này trong câu Người tuyên bố: "Ai hạ mình xuống, trở nên như con trẻ này, sẽ là người lớn nhất trên nước trời" (Mathêu 18:4)

 

Như thế, "hoán cải" là "cởi bỏ con người cũ" để có thể "mặc lấy con người mới" và "trở nên như trẻ nhỏ" ở đây nghĩa là "hạ mình xuống".

 

Thế nhưng, "hạ mình xuống" tới đâu và "hạ mình xuống" như thế nào?

 

Đó là vấn đề tiếp theo, vấn đề "trở nên như trẻ nhỏ", vấn đề "mặc lấy con người mới".

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ