GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ TƯ 24/1/2007

TUẦN  III THƯỜNG NIÊN

 

?   Tiến Trình và Chiều Hướng Đại Kết Giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống Giáo Contantinôpôli - Vai trò lãnh đạo thừa kế Thánh Phêrô không thể là đầu mối gây chia rẽ trong Giáo Hội; Số phận hạt lúa miến tử đạo của Giáo Hội Rome - Constantinople

?  “Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và đúng lúc cho hoàn cảnh khốn khổ của những người bị đói khổ”

?  “Để hiện thực hòa bình ở lãnh vực xã hội và chính trị cần phải tái thiết mối liên hệ xác đáng giữa sự thật và hòa bình ở lãnh vực văn hóa”

 

 

? Tiến Trình và Chiều Hướng Đại Kết Giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống Giáo Contantinôpôli - Vai trò lãnh đạo thừa kế Thánh Phêrô không thể là đầu mối gây chia rẽ trong Giáo Hội; Số phận hạt lúa miến tử đạo của Giáo Hội Rome - Constantinople

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, nhận định, tổng hợp và tuyển dịch

 (Tiếp 21 Chúa Nhật; 22 Thứ Hai, 23 Thứ Ba)

5) Tương lai: Vai trò lãnh đạo thừa kế Thánh Phêrô không thể là đầu mối gây chia rẽ trong Giáo Hội

 

“Simon Phêrô và Anrê đã cùng được kêu gọi với nhau để trở thành những tay đánh cá người. Tuy  nhiên, cùng một công việc ấy lại mặc một hình thức khác nhau đối với từng người trong hai anh em. Simon, bất kể nỗi yếu hèn của con người, đã được gọi là ‘Phêrô’, là ‘đá’ làm nền tảng dựng xây Giáo Hội; ngài đặc biệt được trao cho chìa khóa Nước Trời (x Mt 16:18). Cuộc hành trình của ngài mang ngài từ Giêrusalem tới Antioch, và từ Antioch đến Rôma, để ở Thành Phố này, ngài có thể hành sử một trách nhiệm toàn cầu. Vấn đề phục vụ hoàn vũ của Thánh Phêrô và của những người Thừa Kế thánh nhân chẳng may lại gây ra những ý kiến khác nhau nơi chúng ta, những gì chúng ta hy vọng thắng vượt, cũng nhờ vào cuộc đối thoại về thần học mới đây được tái tấu.

 

“Vị tiền nhiệm khả kính của tôi là Người Tôi Tớ Chúa Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói về một thứ tình thương làm nên đặc tính của việc ngài phục vụ cho mối hiệp nhất, một thứ tinh thương mà chính bản thân Thánh Phêrô là người đầu tiên đã cảm nghiệm thấy (Thông Điệp Ut Unum Sint, 91). Chính trên căn bản ấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô này đã thực hiện lời mời gọi tham gia vào một cuộc đối thoại huynh đệ nhắm đến chỗ tìm ra những đường lối giúp cho việc hành sử thừa tác vụ thừa kế Thánh Phêrô ngày nay, trong khi vẫn tôn trọng bản chất và yếu tính của thừa tác vụ này, nhờ đó ‘hoàn thành việc phục vụ của tình yêu thương được nhìn nhận bởi tất cả mọi người trong cuộc’ (cùng nguồn, 95). Ước muốn của tôi hôm nay đây là để nhắc lại và lập lại lời mời gọi này”. (2)

 

6) Quá kh & Tương lai: Số phận hạt lúa miến tử đạo của Giáo Hội Rome - Constantinople

 

“Bài học về hạt lúa miến chết đi để trổ sinh hoa trái cũng có một ý nghĩa tương tự nơi cuộc đời của Thánh Anrê. Truyền thống cho chúng ta biết rằng ngài đã theo cùng một số phận như Chúa của ngài và Thày của ngài, kết thúc những ngày sống của mình ở Patras, Hy Lạp. Như Thánh Phêrô, ngài đã chịu tử đạo trên một cây thập tự giá, một câu thập tự giá chéo được chúng ta tôn kính ngày nay như cây thập giá của Thánh Anrê. Từ gương của ngài, chúng ta học được là con đường của mỗi một Kitô hữu, như con đường của cả Giáo Hội, là con đường dẫn tới sự sống mới, sự sống đời đời, nhờ việc bắt chước Chúa Kitô và cảm nghiệm được thánh giá của Người.

 

“Theo giòng lịch sử, cả hai Giáo Hội Rome và Giáo Hội Constantinople đều cảm nghiệm được bài học của hạt lúa miến này. Cùng nhau chúng ta tôn kính nhiều vị tử đạo giống nhau, những vị mà máu của các ngài, theo câu nói nổi tiếng của giáo phụ Tertullian, đã trở thành hạt giống cho thành phần tân Kitô hữu ("Apologeticum," 50, 13). Với các vị ấy, chúng ta chia sẻ cùng một niềm hy vọng thúc đẩy Giáo Hội ‘tiến bước , như một kẻ lạ mặt trên miền đất ngoại bang, giữa những bách hại của thế giới lẫn các niềm ủi an của Thiên Chúa’ ("Lumen Gentium," 8, cf. Saint Augustine, "De Civ. Dei," XVIII, 51, 2). Về phần mình, thế kỷ vừa kết thúc cũng đã chứng kiến thấy những chứng nhân can trường cho đức tin, ở cả Đông lẫn Tây. Thậm chi cho đến giờ đây, có nhiều nhân chứng như thế ở các phần đất khác nhau trên thế giới. Chúng ta nhớ đến họ trong lời nguyện cầu của chúng ta, và bằng bất cứ cánh nào có thể, chúng ta tỏ ra ủng hộ họ, khi chúng ta tha thiết xin tất cả mọi nhà lãnh đạo trên thế giới hãy tôn trọng quyền tự do tôn giáo như là một quyền lợi nồng cốt của con người” (2).

 

Trong cuộc phỏng vấn với tờ nhật báo Ý quốc là Avvenire ngay sau khi kết thúc lễ nghi đại kết giữa hai vị lãnh đạo hai Giáo Hội, Đức Thượng Phụ Chính Thống Toàn Cầu Bartholomew I đã cho biết là chuyến viếng thăm của ĐTC có một “giá trị khôn lường trong tiến trình hòa giải”, và vị giáo chủ Chính Thống Giáo này còn cho biết rằng ngài đã đề nghị một điều không ngờ về đại kết với Đức Thánh Cha, như sau:

 

“Trước hết, tôi phải nói rằng tôi thực sự cám ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm của ngài vào ngày lễ Thánh Anrê. Nó thực sự là một bước tiến rất quan trọng trong mối liên hệ của chúng ta, và đã được thực hiện trong bối cảnh của một cuộc hành trình nói chung góp phần vào vấn đề đối thoại liên tôn theo tôi nghĩ thật là quan trọng…

 

“Tôi có thể thực sự nói rằng ngày Thứ Năm đây chúng tôi đã sống như là một ngày lịch sử dưới nhiều khía cạnh. Lịch sử vì cuộc đối thoại đại kết và, như chúng ta đã thấy vào buổi chiều, lịch sử vì mối liên hệ giữa các nền văn hóa và tôn giáo. Dĩ nhiên vì tất cả những lý do ấy nó cũng lịch sử đối với xứ sở của chúng tôi nữa….

 

“Tôi đã nói với Đức Thánh Cha về một điều – một điều chúng tôi có thể thực hiện. Tôi đã trình bày với ngài một dự án mà hiện nay tôi không thể nào nói rõ hơn, vì chúng tôi đang đợi ngài chính thức trả lời, thế nhưng tôi có thể nói rằng Đức Thánh Cha rất hào hứng và ngài tiếp nhận nó một cách nhiệt tình.

 

“Chúng tôi hy vọng nó có thể được thực hiện vì nó hướng đến việc tiến bộ đại kết, một sự tiến bộ, như chúng tôi đã khẳng định và viết trong bản tuyên ngôn chung, cả hai chúng tôi đều quyết tâm theo đuổi.


”Hiệp nhất là một trách nhiệm cao quí, thế nhưng đồng thời lại là một trách nhiệm khó khăn cần phải được lãnh nhận nếu nó không được chia sẻ giữa anh em với nhau. Lịch sử của ngàn năm qua là một thứ ‘ký ức’ đau thương về thực tại này.

 

“Chúng tôi mạnh mẽ tin tưởng rằng chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng Biển Đức XVI  có một giá trị khôn lường cho tiến trình hòa giải ấy, vì ngoài ra nó đã diễn ra ở một thời điểm khó khăn và trong những hoàn cảnh rất tế nhị như thế.

 

“Chắc chắn, với ơn Chúa giúp, chúng tôi được có cơ hội để thực hiện những bước tiến thiện ích trong tiến trình hòa giải nơi hai Giáo Hội của chúng tôi. Và có lẽ, nhờ ơn Chúa giúp, chúng tôi sẽ có cơ hội để thắng vượt một số những chướng ngại về sự không hiểu biết đầy đủ nơi các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là giữa tín đồ Kitô Giáo và tín đồ Hồi Giáo”.

 

 

TOP

 

 

?  “Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và đúng lúc cho hoàn cảnh khốn khổ của những người bị đói khổ”

 

ĐHY Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh Về Công Lý và Hòa Bình Renato Martino ngày 4/11/2006 với Tổ Chức Lương Nông LHQ ở Rôma về việc áp dụng quyền nhân đạo về vấn đề thực phẩm

 

1. Dẫn Nhập

 

Trước hết, xin cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn cùng Ông Jacques Diouf, vị tổng giám đốc của Tổ Chức Liên Hiệp Quốc Về Lương Nông, đối với lời mời gọi tốt lành của ông để tham dự vào biến cố đặc biệt này liên quan tới Việc Hiện Thực Quyền Con Người Được Hưởng Lương Thực. Thật thế, tôi cảm thấy vui mừng được ở cùng quí vị đây, và trong dịp này được cùng tới với nhau như là các phần tử quan tâm về gia đình nhân loại đối với thảm họa hằng hiện hữu gây khốn khổ cho biết bao nhiêu là triệu con người anh chị em chúng ta. Tôi hy vọng rằng, qua việc bàn luận của chúng ta hôm nay đây, tất cả chúng ta có thể ra khỏi chỗ này với một quyết tâm mạnh mẽ trong việc dựng xây các thứ xã hội, các tổ chức và các cơ cấu có thể bảo đảm tất cả mọi người đều có đầy đủ cơm ăn nước uống.

 

2.         Nghèo khổ là một hiện tượng xã hội có nhiều chiều kích. Những định nghĩa về nghèo khổ cùng với những căn nguyên của nó thì khác nhau theo giống tính, tuổi tác, văn hóa và những bối cảnh khác về xã hội và kinh tế. Chẳng hạn, ở cả những miền quê lẫn thị thành trên thế giới, những người nam cho nghèo khổ liên quan tới tình trạng thiếu thốn các sản vật về thể chất, trong khi đó nữ giới lại cho nghèo khổ như là những gì bất ổn về thực phẩm. Cái khác nhau về vấn đề nghèo khổ cũng xẩy ra tùy theo thế hệ nữa. Những con người trẻ ở một số phần đất trên thế giới thì coi khả năng kiếm được lợi tức là những sản vật quan trọng nhất, trong khi thành phần lão thành ở những phần  đất khác trên thế giới lại coi tình trạng liên quan tới các lối sống nông nghiệp truyền thống là những gì quan trọng nhất.

 

Tình trạng và địa điểm của một người cũng ảnh hưởng tới căn nguyên nghèo khổ. Chẳng hạn, ở một số vùng thì những người nông dân liên kết vấn đề nghèo khổ với tình trạng bị hạn hán; thành phần nghèo ở thành thị lại cho nghèo khổ liên quan tới vấn đề tăng giá cả và khan hiếm việc làm; và người giầu liên kết nghèo khổ với tình trạng suy thoái nơi các lãnh vực mậu dịch bản quốc và thế giới, với việc lơ là về những tập tục và truyền thống được tôn trọng qua giòng thời gian, với việc thiếu động lực nơi một số tầng lớp và phái nhóm dân chúng, với giá cả bị thất thoát và giảm thiểu, với việc thiếu giáo dục, và với tình trạng thiếu chính phủ. Nghèo khổ không bao giờ bị gây ra bởi sự thiếu thốn một điều duy nhất, mà bởi nhiều yếu tố liên hệ với nhau được thể hiện nơi các kinh nghiệm của người nghèo.

 

Những khía cạnh nghèo khổ về vật chất là những gì quá rõ ràng. Tình trạng đói khổ và bất ổn về lương thực vẫn là mối quan tâm chính yếu. Đối với các gia đình nghèo thì việc chiến đấu hằng ngày của họ đó là làm sao thỏa mãn được những nhu cầu chính là thực phẩm, nước nôi và nơi cư trú; điều này càng gay go hơn nữa khi xẩy ra tình trạng thất nghiệp hay hiếm việc, hoặc thiếu đất sản xuất hay thiếu những vốn liếng sinh lợi tức khác.

 

Thêm vào tình trạng không đủ lương thực thuận lợi ấy là tình trạng thiếu phương tiện về thể lý và kinh tế để kiếm lương thực, tình trạng cơ thể kém tiếp thu lương thực, những việc làm kém cõi về sức khỏe và phương tiện được hưởng nước nôi có thể uống được, đấy là chưa kể tới những yếu tố khác về chính trị, kinh tế và xã hội, là những gì đã làm cho nạn đói dữ dội cứ tiếp tục gây khốn khổ cho biết bao nhiêu là triệu  con người nam nữ cùng trẻ em trên khắp thế giới.

 

3.         Vào ngày 19/10/2006, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã gửi một sứ điệp cho Ông Jacques Diouf nhân dịp Ngày Thế Giới Lương Thực. Trong sứ điệp này, vị Giáo Hoàng đã viết:

 

‘Hành động quốc tế chống lại nạn đói rất nhiều khi bỏ quên yếu tố con người, nhưng lại ưu tiên cho các lĩnh vực kỷ thuật và xã hội, kinh tế. Các cộng đồng địa phương cần được tham gia vào các lựa chọn và quyết định liên quan đến cách sử dụng đất đai, vì đất nông nghiệp ngày càng bị chuyển sang các mục tiêu khác, thường gây nên nhiều tác hại trên môi trường và khả năng phát triển lâu dài của vùng đất. Nếu con người được đối xử như là thành phần đóng vai chính thì rõ ràng các lợi lộc kinh tế ngắn hạn phải được cân nhắc trong bối cảnh kế hoạch dài hạn tốt hơn để bảo đảm lương thực, vừa về chất lượng lẫn số lượng’.

 

Trong khi nghèo khổ là những gì có tính cách vật chất, nó còn có cả những ảnh hưởng về tâm lý nữa – như tâm trạng buồn thảm khi không thể nuôi dưỡng con cái, hay cảm thấy bất an khi không biết bữa ăn tới sẽ ra sao, hoặc cảm thấy tủi hổ vì không có của ăn. Thường thì cha mẹ kể lại rằng họ giải quyết v ấn đề bấp bênh  về lương thực bằng cách nhịn đói để khỏi phải nhìn thấy con cái của họ bị chết đói.

 

Chúng ta phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và đúng lúc cho hoàn cảnh khốn khổ của những người bị đói khổ. Chúng ta cần phải làm việc với nhau như là một gia đình nhân loại, và như là một gia đình chư quốc, nhờ đó những ai đói khổ và những ai không thiếu thốn gì cả, những người rất nghèo và những ai rất giầu, những người thiếu những phương tiện cần thiết và những ai phung phí b ừa bãi những phương tiện này, không còn sống bên  nhau nữa. Những thứ tương phản giữa giầu nghèo này là những gì bất khả chấp đối với nhân loại. 

 

Quyền được có đủ của ăn là những gì quan yếu và bất khả khinh thường đối với hết mọi người cũng như đối với gia đình của họ. Đó là công việc của các quốc gia, của các vị lãnh đạo quốc gia, những quyền lực kinh tế quốc gia, và tất cả những ai thiện chí tìm hết mọi dịp để thực hiện một cuộc chia sẻ công bằng hơn về các thứ nguồn lợi vốn không thiếu thốn cũng như về các thứ sản vật tiêu thụ; vì nhờ việc chia sẻ này mà tất cả mọi người mới thể hiện một tình đoàn kết thực sự xuất phát từ việc ý thức và cảm nhận phẩm vị của hết mọi người.

 

4.         Để đáp ứng nhu cầu khẩn trương này, cần phải nói năng và suy tư nhiều về việc làm thế nào để đạt tới tình trạng ‘an toàn về lương thực’ cho tất cả mọi dân chúng. Quan niệm này cần phải được đặt trên căn bản là lòng ước mong muốn tìm kiếm những giải pháp sâu xa hơn xuất phát từ tình đoàn  kết sâu xa giữa tất cả mọi dân tộc. Tình trạng an toàn về lương thực cần phải nhấn mạnh đến những yếu tố như: việc sản xuất một số lương đầy đủ về thực phẩm, việc cung cấp vững chắc cho cả năm, phương tiện để mọi người được hưởng lương thực, việc phân phối một cách chính đáng và công bằng, và việc dốc lòng cung cấp những chất cần thiết cho việc kiêng cữ một cách quân bình và lành mạnh hợp với những tập tục dinh dưỡng địa phương.

 

Cần phải thực hiện những nỗ lực cụ thể để thực hiện một cuộc cải cách nông nghiệp thực sự. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, chỉ có 1% dân số là thành phần nắm trong tay 50% đất đai. Việc phân phối đất đai công bằng hơn, nhờ đó gia tăng việc tham gia vào vấn đề sản xuất thực phẩm, nhất là nơi người nghèo, là một yếu tố quan trọng cho bất cứ một giải pháp nào như thế. Về vấn đề này, cũng cần phải mạnh mẽ tái khẳng định là nữ giới cũng có quyền được hưởng đất đai nữa.

 

Xin cho tôi được chia sẻ cùng quí vị một vài thí dụ cụ thể về cách thức làm sao Giáo Hội trên khắp thế giới đang dấn thân vào việc chống lại tình trạng đói khổ.

 

- Một khởi động đang gây một tác dụng tích cực nơi nữ giới và vai trò của họ trong vấn đề an toản về lương thực được gọi là Hiệp Hội Nông Gia Nữ Giới Quốc Gia NAWFA (National Women Farmer's Association). Hiệp hội này có trên 30 ngàn nông gia nữ giới trồng mè/vừng được Chương Trình Thị Trường Chuyên Về Vừng Của Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo ở Gambia nâng đỡ. Chương trình này nhắm đến việc cải tiến tình trạng an toàn về lương thực gia đình cho các gia đình ở miền quê, bằng việc cải tiến phương tiện kinh tế của họ đối với các thứ sản vật và dịch vụ. Nhờ chương trình này, Các Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo CRS (Catholic Relief Services) nâng đỡ các hoạt động như việc phổ biến vấn đề tìm kiếm thị trường, việc huấn luyện tập đọc tập viết và các năng khiếu thủ công, và việc huấn nghệ nông nghiệp, tất cả những điều này đã làm cho lợi tức của nữ giới gia tăng đáng kể.

 

- Chương Trình Dallol Maouri Village Banking, cũng được CRS nâng đỡ, đang cung cấp những dịch vụ về tài chính và phi tài chính cho trên 2.500 hãng thầu nữ giới nghèo ở các vùng quê thuộc miền nam Niger. Các thân chủ được huấn luyện để biết đọc biết viết hẳn hoi và biết căn bản  về thương mại, các việc làm về thị trường và kế toán  để có thể điều hành tốt đẹp hơn những hoạt động mang lại lợi tức của họ.

 

- CRS/chương trình tiểu tài trợ của Niger, một chương trình vào cuối năm 2006, sẽ cung cấp những thứ trương mục tiết kiệm và các dịch vụ tín dụng cho 5 ngàn thân chủ. Ngoài ra, có một tiểu ban bao gồm Giáo Hội Công Giáo và các thành viên địa phương đang hoạt động với CRS để bảo đảm là chương trình tiểu tài trợ khả tồn này được chuyển thành một cơ cấu khả trợ.

 

- Hội Caritas Niger, một hội mà, giữa nạn hạn hán và đói khổ trầm trọng ở miền này, đã bắt đầu phân phối trên 1 ngàn tấn dự trữ lương thực cấp cứu. Khoảng 43 ngàn người được cung cấp cho những phần lương thực cấp cứu ở miền này.

 

- Khởi Động An Toàn Lương Thực, được nâng đỡ bởi CRS và các cơ quan ngoài chính quyền khác, nhắm đến việc gia tăng tình trạng an toàn về lương thực ở 120 ngôi lành thuộc những Hạt Tanout và Dogondoutchi ở Sudan, bằng việc dạy cho họ biết những khả năng mới trong việc canh nông và vườn tược, giúp duy trì việc sản xuất về c anh nông, bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên  của cộng đồng, và cải tiến khả năng xây dựng những tổ chức địa phương.

 

- Chương Trình Cứu Trợ của Dòng Tên và Cơ Quan Caritas ở Sri Lanka, cả hai tiếp tục nâng đỡ những nỗ lực cứu trợ khẩn cấp cho trăm ngàn dân chúng chạy loạn vì tình hình gia tăng bạo động ở những miền nam và đông của Sri Lanka. Các Chương Trình Cứu Trợ của Dòng Tên là một trong 3 cơ quan nhân đạo chính duy nhất được chuẩn nhận của chính quyền Sri Lanka vào Tháng 8 để được phép tới cung cấp cho các vùng được chính quyền giới hạn trọng hạt Batticaloa. Đó là một vùng mà việc tiến tới được với dân chúng đang thiếu thốn cũng như việc chuyển vận các thứ cung cấp cứu trợ từng bị giới hạn nghiêm ngặt.

 

Đó chỉ là một ít trong nhiều thí dụ về cách thức làm thế nào các cơ cấu và tổ chức Công Giáo khắp thế giới đã từng và đang tiếp tục thực hiện những chương trình cải tiến tình trạng thuận lợi về lương thực cho các gia đình, bằng cách gia tăng việc sản xuất thực phẩm và gia súc chính, việc vườn tược tại gia, b ằng viêä cải tiến những cơ sở chất chứa và đầu tư vào các thứ hạ tầng nông nghiệp. Những cơ quan này đã khai triển những chương trình nhắm tới việc cải tiến phương tiện của gia đình hưởng thực phẩm bằng cách gia tăng lợi tức và những khoản tiết kiệm không phải từ nông nghiệp, bao gồm cả những chương trình tiểu tài trợ và gia tăng việc sản xuất trồng cấy để thu hoa lợi. Ngoài ra, những cơ cấu này đã dấn thân vào những dự án nhắm cải tiến khả năng cá nhân trong việc tận dụng lương thực, bằng cách nâng đỡ các chương trình về sức khỏe cho việc sống còn của trẻ em, cho sức khỏe của người mẹ và đứa con, và cải tiến những cơ sở hạ tầngvề tình trạng vệ sinh, cũng như việc giáo dục về Vi Khuẩn Liệt Kháng hay Hội Chứng Liệt Kháng. 

 

Trên bình diện quốc tế, cần phải duy trì việc phát triển nông nghiệp khả trợ bằng cách khuyến khích việc học hỏi và phát triển những thứ mùa màng có sản lượng cao. Quan trọng hơn nữa là, bất cứ nơi đâu có thể, các thành quả của việc phát triển này cần phải trở nên thuận lợi cho các phần đất khác trên thế giới, những nơi có việc sản xuất về nông nghiệp đang bị yếu kém. Ngoài ra, không thể tiếp tục để xẩy ra những chính sách về kinh tế bắt nguồn từ một cuộc phân phối không chính đáng lương thực có trong tay đủ để nuôi toàn thể nhân số trên thế giới.

 

Nếu thế giới cần phải có một nền nông nghiệp khả trợ, thì cộng đồng quốc tế cần phải nhìn nhận rằng hòa bình là điều kiện tiên quyết và chính yếu. Chiến tranh chẳng những gây ra nghèo khổ chúng còn đẻ ra đói khát, bằng việc bắt buộc dân chúng phải kéo nhau ra đi và gây ra cho đất đai của họ không còn an toàn hay không hợp với việc gia tăng lương thực nữa.

 

Khi chúng ta cứu xét tới những điều kiện cho vấn đề an toàn về lương thực và nền canh nông khả trợ bằng cách chấm dứt nạn đói khổ, chúng ta cần phải công nhận rằng trong thời của chúng ta đây vẫn còn hiện hữu những gì được vị Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng gọi là ‘các cấu trúc của đói khổ’, một cấu trúc chỉ có thể được thắng vượt bằng một thái độ đoàn kết liên quan tới hết mọi khía cạnh của vấn đề phát triển, như việc đào luyện và sử dụng vốn liếng, các việc đầu tư, những thứ thặng dư, và việc sản xuất cùng các đường lối phân phối. Mỗi lãnh vực đều có một chiều kích căn bản về luân lý và đạo lý. Thật vậy, chính những chính sách về kinh tế không thể nào tách khỏi mối quan tâm về đạo lý. 

 

5.         Ở đây, một lần nữa, chúng ta cũng thấy được cái đòi hỏi về mục đích phổ quát của các sản vật. Quyền làm chủ về xã hội liên quan tới quyền đối với sản vật riêng tư bởi thế thường là những gì được diễn tả nơi công pháp để làm sáng tỏ những việc con người tỏ ra không tuân hợp với đòi hỏi ấy. Những việc con người không tuân hợp với đòi hỏi này gồm có lòng ước muốn hưởng giầu sang quá độ, những thứ lợi lộc bệnh hoạn và rất nhiều đường lồi khác trong việc hành sử chủ quyền, quyền sở hữu, và kiến thức, cùng với việc phủ nhận sự kiện là những sản vật được tạo dựng bao giờ cũng là để giành cho hết mọi người một cách cân bằng. 

 

Tất cả mọi người thiện chí có khả năng thấy được những vấn đề đạo lý này là những gì đang gặp nguy hiểm và là những gì liên hệ tới tương lai của nền kinh tế thế giới: đó là vấn đề chiến đấu chống đói khổ và thiếu dinh dưỡng, là việc góp phần vào tình trạng an toàn về lương thực và việc phát triển nông nghiệp non nớt của các quốc gia đang phát triển, là việc gia tăng khả năng xuất cảng của những quốc gia ấy và là việc bảo trì các nguồn tài nguyên thích hợp cho toàn trái đất này.

 

Giáo huấn về xã hội của Giáo Hội thấy tất cả những điều này như là những yếu tố cấu tạo nên công ích phổ quát, một thứ công ích cần phải được nhân diện và duy trì bởi các quốc gia tân tiến. Những yếu tố ấy cũng cần phải trở thành mục tiêu thiết yếu của các tổ chức kinh tế toàn cầu và là một thách đố đối với cuộc toàn cầu hóa mậu dịch. Cái công ích phổ quát này, một khi nó được công nhận, cần phải trở thành tác động để củng cố nội dung về pháp lý, về tổ chức và về chính trị chi phối mậu dịch thế giới. Vấn đề này đòi thành phần lãnh đạo của các tổ chức xã hội, chính quyền và khối mậu dịch cần phải can đảm, vì ngày nay rất khó đặt định các lợi lộc của mỗi một cá nhân vào một thứ nhãn quan nhất trí với cái công ích ấy.

 

6.         Kết luận

 

Ngày nay, hơn bao giờ hết, trước những cuộc khủng hoảng cứ tái diễn và trước việc theo đuổi tư lợi hẹp hòi, các quốc gia cần phải hợp tác và đoàn kết, mỗi một quốc gia cần phải chú trọng tới những nhu cầu của thành phần công dân yếu kém nhất, thành phần đầu tiên chịu đau khổi vì nghèo. Không có tình đoàn kết này thì sẽ xẩy ran guy cơ hạn chế hay thậm chí ngăn cản thế giới của các tổ chức quốc tế muốn rat ay chiến đấu tình trạng đói khổ và thiếu dinh dưỡng.

 

Sau hết, một lần nữa, theo những lời của cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thì ‘cá nhân cũng như tất cả mọi dân tộc cuối cùng sẽ bị lịch sử phân xử liên quan tới cách họ thực sự làm trọn trách nhiệm của mình trong việc góp phần vào thiện ích của đồng loại của họ…. Hy vọng rằng hết mọi người – cá nhân, phái nhóm, nhưng cơ quan tư và những tổ chức công – sẽ thực hiện việc chăm sóc thích đáng thành phần thiếu thốn nhất, bằt đầu là quyền căn bản của họ trong việc được hết đói khổ’ (Pope John Paul II, Nov. 10, 1985). Xin cám ơn Ông.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 10/11/2006

 

 

TOP

 

 

?  “Để hiện thực hòa bình ở lãnh vực xã hội và chính trị cần phải tái thiết mối liên hệ xác đáng giữa sự thật và hòa bình ở lãnh vực văn hóa”.

 

ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc Nữu Ước Hoa Kỳ với Tổng Nghị LHQ ngày 3/11/2006 về việc vun trồng một nền văn hóa hòa bình

 

Thưa Bà Chủ Tịch,

 

Việc bảo tồn, bênh vực và cổ võ hòa bình trên thế giới là tột đỉnh của những phận vụ và là những ưu tiên của Liên Hiệp Quốc. Bằng niềm xác tín và kinh nghiệm nhiều năm, tổ chức này tin rằng hòa bình trước hết và trên hết là một thứ văn hóa hơn là một thứ cơ cấu liên hệ hòa bình giữa các quốc gia là những gì được gắn liền với thể chế qui tắc và cấu trúc của luật lệ quốc tế.

 

Qua tất cả những năm hoạt động của LHQ, Tòa Thánh đã bày tỏ lòng tin tưởng nơi tổ chức này như là một thứ diễn đàn đặc biệt, nơi các quốc gia có thể làm việc hòa hợp với nhau để cổ võ hòa bình và cống hiến phần đóng góp của họ vào việc thấy được các dấu chỉ thời đại được sâu xa suy nghĩ, và nhất là vào việc tập hợp toàn thể các cộng đồng trên thế giới để nuôi dưỡng và bảo trì một nền văn hóa hòa bình.

 

Vào lúc mở màn cho năm nay, Đức Biển Đức XVI đã ngỏ cùng tất cả mọi con người nam nữ thiện tâm một sứ điệp tựa đề “Hòa Bình trong Chân Lý”.

 

Khi thấy được những dấu chỉ thời đại của chúng ta, một thời đại mà cuộc chung sống an bình đang bị đe dọa bởi nạn khủng bố, của chủ nghĩa tuyệt mạng và chủ trương bảo thủ cuồng tín, vì Giáo Hoàng này đã nhấn mạnh đến mối liên hệ bất khả phân ly giữa hòa bình và sự thật.

 

Hòa bình là những gì chất chứa một sự thật chung cho tất cả mọi dân tộc vượt ra ngoài những thứ đa dạng về văn hóa, triết học và tôn giáo. Nó là một quan niệm về phẩm giá của hết mọi con người sâu xa gắn liền với siêu việt thể. Bởi vậy mà hòa bình chỉ đạt được khi nào nó được hiểu biết và thực hiện như là một cuộc hiện thực chân lý chung này, bằng việc tương kính tính cách đa dạng về văn hóa.

 

“Việc tôn vinh quá đáng về những cái khác biệt là những gì đụng độ với sự thật nồng cốt này. Chúng ta cần phải tái nhận thức là chúng ta có cùng một định mệnh là những gì siêu việt tối hậu, nhờ đó tối đa hóa những khác biệt về lịch sử và văn hóa của chúng ta, không phải ở chỗ kình chống nhau mà là hợp tác với thành phần thuộc về các nền văn hóa khác” (khoản 6). Để đạt được mục đích ấy, chúng ta cần phải khẳng định quyết tâm chung này trong việc phát động những tổ chức và những phương pháp liên hợp hoạt động và cộng tác giữa các dân tộc và các quốc gia, nhất là trong việc nuôi dưỡng vấn đề giáo dục hòa bình, ở một mức độ tốt đẹp vượt trên cả những gì là cần thiết và hy vọng có được những cải tiến về cấu trúc.

 

Theo chiều kích ấy, phái đoàn đại biểu tôi xin lập lại việc chúng tôi ủng hộ Thập Niên Quốc Tế 2001-2010 cho Một Nền Văn Hóa Hòa Bình và Bất Bạo Động đối với Trẻ Em trên Thế Giới đang diễn tiến đây. Tất cả chúng ta đều có một trọng trách huấn luyện các thế hệ tương lai. Đó là lý do tại sao Hội Đồng Tòa Thánh Về Đối Thoại Liên Tôn sẽ triệu tập một cuộc họp ở Assisi vào ngày mai cho giới trẻ đến từ khắp các châu lục khác nhau và thuộc các cảm nghiệm văn hóa cũng như văn hóa khác nhau, liên  kết họ lại trong một cuộc dấn thân mình vào việc đối thoại, nguyện cầu và giáo dục về tính cách nhân nhượng và hòa bình.

 

Việc thiết vắng sự thật nền tảng hòa bình này ở lãnh vực văn hóa chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả hủy hoại qua nhiều năm, và sẽ vẫn tiếp tục có những nền văn hóa cùng ý hệ thậm chí cho tới cả ngày nay chối bỏ nó. Điển hình thê thảm nhất đó là nạn khủng bố quốc tế. Những mưu đồ tội ác của nạn khủng bố quốc tế bắt nguồn từ những gốc rễ sai lạc về văn hóa là những gì phủ nhận việc hiện hữu của mối liên hệ giữa sự thật và sự sống con người. Những gốc rễ ấy có thể được nhận diện nơi chủ nghĩa tuyệt mạng cũng như nơi chủ trương bảo thủ cuồng tín, cả hai đều là những đường lối sai lầm liên quan tới sự thật.  cả chủ nghĩa tuyệt mệnh và chủ nghĩa cực bảo thủ được chúng ta đang nói đến đây đều có cùng một thứ liên hệ sai lầm đối với sự thật, ở chỗ, thành phần tuyệt mệnh chối bỏ chính sự hiện hữu của sự thật, trong khi thành phần bảo thủ cuồng tín chủ trương có thể áp đặt sự thật bằng võ lực. Cho dù có nguồn gốc và bối cảnh văn hóa khác nhau, cả hai đều cho thấy thái độ nguy hiểm tỏ ra khinh thường con người và sự sống con người, trên hết là chính Thiên Chúa” (khoản 10).

 

Những căn nguyên gây ra tình trạng vắng bóng hòa bình trên thế giới không thể chỉ bị giới hạn vào những căn nguyên hoàn toàn có tính cách xã hội hay chính trị. Nạn khủng bố, chiến tranh, tội diệt chủng và các thứ bất công thuộc lãnh vực quốc gia và quốc tế, tức những gì tỏ ra kỳ thị, đàn áp và loại trừ tất cả mọi thành phần đói khổ và bất lực, những gì ngăn cản hay đe dọa quyền hiện hữu của các quốc gia, cũng có thể được giải thích vì chúng gây ra bởi những động lực sâu xa hơn có tính chất văn hóa, ý hệ, triết lý và thậm chí tôn giáo. Hành v I xã hội và những chọn lựa về chính trị thường là những gì cứ thế mà theo. Về lãnh vực này, cần phải hình thành những chính sách hòa bình cho cả quốc gia lẫn quốc tế, những chính sách sẽ bao gồm sự thật về hòa bình và xa lánh những gì gian trá như là một hệ thống đối với các mối liên hệ hay quản trị.

 

Qua văn kiện Đúc Kết Thượng Nghị 2005, tổ chức này đã chấp nhận nguyên tắc về trách nhiệm cần phải bảo vệ như là một chuyển giao thực tiễn về việc hành sử chủ quyền và quản trị. Trách nhiệm bảo vệ này bao gồm khả năng và ý muốn loại trừ đi những thứ đe dọa, trong việc thiết lập những mối liên hệ và những cơ cấu có thể tiếp tục ngăn ngừa nhân loại khỏi việc giải quyết những thứ tranh cãi của họ bằng việc sử dụng võ lực, và thay thế võ lực bằng luật lệ bao nhiêu có thể. 

 

Trách nhiệm bảo vệ này là những gì sâu xa liên hệ và trực tiếp tương xứng với việc tôn trọng sự thật về hòa bình, cho dù vấn đề có là việc quyết định sử dụng võ lực trong trường hợp thái quá, việc hành sử trong và sau cuộc xung đột, việc chi tiêu về quân sự, việc mậu dịch về các thứ vũ khí, việc giải giới và việc leo thang nguyên tử lực, việc dân số hay đường lối phát triển.

 

Để hiện thực hòa bình ở lãnh vực xã hội và chính trị cần phải tái thiết mối liên hệ xác đáng giữa sự thật và hòa bình ở lãnh vực văn hóa.

 

Xin cám ơn Bà Chủ Tịch.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 7/11/2006

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ