GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 27/1/2007

TUẦN  III THƯỜNG NIÊN

 

?   Những Nguyên Tắc Căn Bản cho Lòng Tôn Sùng Mẹ Maria - Nguyên tắc thứ nhất: Chúa Kitô cần phải là đích điểm tối hậu của tất cả mọi việc tôn sùng

?  “Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó”

?  “Việc liệt kê các thứ triệu chứng mà không giải quyết căn nguyên sâu xa thì không giúp gì lắm cho bất cứ một bên nào”.

 

 

? Những Nguyên Tắc Căn Bản cho Lòng Tôn Sùng Mẹ Maria - Nguyên tắc thứ nhất: Chúa Kitô cần phải là đích điểm tối hậu của tất cả mọi việc tôn sùng

 

Nguyên tác "LUẬN VỀ VIỆC THÀNH THẬT SÙNG KÍNH ĐỨC TRINH NỮ" của Thánh Long Mộng Phố (Louis Grignion Montfort)
Bản dịch Việt Ngữ: Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

(Tiếp tục từ 30/12/2006 Thứ Bảy)

 

64.          Hỡi Sư Phụ yêu dấu của con, bởi thế, không lạ lùng và đáng thương cho bằng thấy con người ta tỏ ra thiếu hiểu biết và thiển cận đối với Mẹ thánh của Chúa? Con không nói nhiều tới những kẻ tôn thờ ngẫu tượng và dân ngoại là những thành phần không nhận biết Mẹ. Thậm chí con cũng không nói tới cả những người lạc giáo và ly giáo là thành phần bỏ Chúa và Hội Thánh của Chúa, nên chẳng có chú ý gì tới Mẹ thánh của Chúa. Ở đây con muốn nói tới những người Công Giáo, thậm chí tới thành phần Công Giáo có học, thành phần cho mình là dạy dỗ đức tin cho kẻ khác mà lại không biết Chúa hay biết Mẹ của Chúa, ngoại trừ biết một cách tò mò, khô khan, lạnh nhạt và cằn cỗi vậy thôi.

 

Những con người này ít khi nói đến Mẹ của Chúa hay đến việc sùng kính Mẹ. Nói nói rằng họ sợ là việc tôn sùng Mẹ sẽ bị lạm dụng và Chúa sẽ bị xúc phạm bởi việc tôn kính tháiu quá giành cho Mẹ. Họ lớn tiếng phản đối khi họ nhìn thấy hay nghe thấy một người tôi tớ sùng mộ Mẹ Maria thường cảm mến, sâu xa và mạnh mẽ nói về lòng sùng kính Mẹ. Khi người tôi tớ này nói về lòng sùng kính Mẹ là một phương tiện chắc chắn để gặp được và mến yêu Chúa một cách an tâm và không sợ bị ảo tưởng lầm lạc, hay khi họ nói về việc tôn sùng này là một đạo lộ ngắn không gặp phải hiểm nguy, hay là một đường lối tinh tuyền không có những thứ bất toàn, hoặc là một bí quyết lạ lùng để gặp được Chúa, thì họ nêu lên cho người tôi tớ này thấy hằng ngàn những lý do quí báu cho thấy người tôi tớ này sai lầm biết bao khi nói quá nhiều về Mẹ Maria. Họ nói rằng có nhiều thứ lạm dụng trong việc tôn sùng này cần chúng ta phải nỗ lực điểm mặt, và chúng ta cần phải hướng dân chúng về Chúa hơn là khuyên họ tôn sùng Mẹ của Chúa, vị mà họ cảm thấy đã yêu mến đủ rồi.

 

Đôi khi họ nói về việc tôn sùng Mẹ của Chúa thì mục đích của họ không phải là để phát động việc tôn sùng này, hay để thuyết phục dân chúng thi hành việc tôn sùng ấy, mà chỉ để hủy đi những thứ lạm dụng trong việc tôn sùng này mà thôi. Thế nhưng những con người này thật ra cũng chẳng có lòng đạo đức hay thực sự tôn sùng Chúa, vì họ không có lòng tôn sùng Mẹ Maria. Họ coi Kinh Mân Côi và Áo Đức Bà là những việc tôn sùng chỉ để giành cho thành phần nữ giới quê mùa hay thành phần dân chúng chẳng hiểu biết chi. Tóm lại, họ nói chúng ta không cần đến những thứ ấy mới được cứu độ. Nếu họ gặp phải người nào có lòng yêu mến Đức Mẹ, người lần hạt mân côi hay tỏ ra bất cứ một việc tôn sùng nào đối với Mẹ, họ mau chóng thúc đẩy con người ấy đi đến chỗ thay lòng đổi dạ. Họ khuyên căn người này hãy đọc 7 thánh vinh thống hối thay vì Kinh Mân Côi, và tỏ lòng tôn sùng Chúa Giêsu thay vì Mẹ Maria.

 

Chúa Giêsu yêu dấu ơi, phải chăng những con người ấy có tinh thần của Chúa? Phải chăng tác hành như thế là họ làm Chúa được hài lòng? Phải chăng Chúa lấy làm hài lòng khi chúng con không cần làm hài lòng Mẹ của Chúa vì chúng con sợ xúc phạm đến Chúa? Phải chăng việc tôn sùng Mẹ thánh của Chúa là những gì gây trở ngại cho việc sùng kính Chúa? Mẹ Maria có giữ cho Mẹ bất cứ điều tôn vinh nào chúng con giành cho Mẹ hay chăng? Phái chăng Mẹ là một trong những đối thủ của Chúa? Phải chăng Mẹ là một kẻ xa lạ chẳng có liên hệ gì với Chúa? Phải chăng việc làm vui lòng Mẹ lại là việc làm mất lòng Chúa? Phải chăng việc dâng mình cho Mẹ là việc thiệt thòi cho Chúa? Phải chăng yêu mến Mẹ là việc làm cho chúng con giảm bớt lòng kính mến Chúa?

 

65.          Tuy nhiên, hỡi Sư Phụ yêu dấu của con, nếu thật sự tất cả những gì con vừa nói đều đúng, thì đối với việc tôn sùng Mẹ, đa số thành phần học giả uyên bác cũng không thể nào đi xa hơn như vậy, hay tỏ ra dửng dưng ơ hờ hơn như thế. Xin hãy gìn giữ con cho khỏi đường lối suy nghĩ cùng tác hành của họ, và xin cho con có cùng một niềm tri ân, quí trọng, kính tôn và yêu mến như Chúa đối với Mẹ thánh của Chúa. Nhờ đó con có thể mến yêu và tôn vinh Chúa mỗi ngày mộït hơn, vì con sẽ noi gương bắt chước cùng theo Chúa mỗi ngày một khít khao hơn.

 

66.          Mặc dù cho tới nay con không nói hơn ngoài việc tôn kính Mẹ, xin Chúa giờ đây cũng ban cho con ơn biết ca ngợi Mẹ một cách xứng đáng hơn, bất chấp tất cả mọi kẻ thù của Mẹ cũng là của Chúa. Nhờ đó con có thể cùng các thánh nhân mạnh mẹ nói cùng họ rằng: “Đừng có ai tưởng là mình sẽ được Thiên Chúa thương mà lại là kẻ xúc phạm đến Mẹ của Người”.

 

67.          Để con có thể nhờ tình thương của Chúa đạt được lòng tôn sùng đích thực đối với Người Mẹ thánh của Chúa và truyền bá lòng tôn sùng này khắp nơi trên thế giới, xin Chúa hãy giúp cho con biết yêu mến Chúa hết lòng, và theo ý nguyện ấy, xin hãy chấp nhận lời nguyện cầu thiết tha nhất con dâng lên Chúa cùng với Thánh Âu Quốc Tinh và tất cả những người thật sự mến yêu Chúa.

Lời Nguyện Cầu của Thánh Âu Quốc Tinh

 

Ôi Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Cha của con, là Thiên Chúa xót thương của con, là Vua cao cả của con, là Mục Tử nhân lành của con, là Sư Phụ duy nhất của con, là vị phù trợ con trên hết, là người bạn yêu dấu tuyệt mỹ của con, là Bánh sự sống của con, là linh mục đời đời của con. Chúa là vị hướng đạo của con dẫn con về quê hương thiên quốc của con, là ánh sáng đích thực duy nhất của con, là niềm vui thánh hảo của con, là đạo lộ chân thật của con, là sự khôn ngoan sáng suốt của con, là tính chất đơn thành chân chất của con, là bình an và thái hòa của linh hồn con, là sự bảo toàn trọn vẹn của con, là gia sản dồi dào của con, là ơn cứu độ đời dời của con.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô yêu dấu, tại sao con lại yêu chuộng hay mong muốn một điều gì khác trong cuộc đời của con ngoài Chúa là Thiên Cúa của con? Con ở đâu khi con không hiệp thông với Chúa đây? Từ nay trở đi, con xin hướng tất cả mọi ước muốn của con về Chúa để chúng được Chúa soi sáng và tập trung vào Chúa. Con hướng chúng tiến tới vì chúng chần chữ đã lâu, hướng chúng mau tiến tới đích điểm của chúng, hướng chúng tìm kiếm Đấng chúng trông mong.

 

Ôi Chúa Giêsu, khốn cho những ai không mến yêu Chúa, với đầy những đắng cay khổ cực. Ôi Chúa Giêsu diụ dàng, xin cho hết mọi cảm tình xứng đáng của con rung lên tình yêu Chúa, lấy làm hân hoan trong Chúa và ngợi khen Chúa. Ôi Thiên Chúa của lòng con và Giêsu Kitô là gia sản của con, chớ gì lòng con trở thành mềm mại trước tác động của thần linh Chúa, và xin Chúa hãy sống trong con. Chớ gì con lửa tình yêu của Chúa thiêu đốt linh hồn con. Chớ gì ngọn lửa này không ngừng bừng nóng trên bàn thờ tâm can của con. Chớ gì ngọn lửa ấy tỏa sáng trong thâm cung của con. Chớ gì ngọn lửa này tỏa nhiệt năng của nó vào những nơi mật thất của linh hồn con, để vào ngày tận số của mình, con có thể được ngọn lửa tình yêu Chúa thiêu đốt khi ra trước nhan Chúa. Amen.

 

(còn tiếp vào các Ngày Thánh Mẫu Thứ Bảy hằng tuần nhất là trong năm 2007, năm mừng kỷ niệm 90 Biến Cố Fatima)

 

 

TOP

 

 

?  “Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó”

 

ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc Nữu Ước Hoa Kỳ với một khóa họp của Tổng Hội Đồng ngày 13/12/2006 liên quan tới “Các Vấn Đề về Nhân Quyền… “

 

Thưa Bà Chủ Tịch,

 

Nhân dịp chấp nhận Bản Công Ước Về Các Quyền Lợi Của Những Người Khuyết Tật, đại biểu tôi muốn chuyển niềm cảm nhận của mình tới các Vị Lãnh Sự L. Gallegos và D. McKay về vai trò dẫn đầu của các vị đối với những cuộc thương thảo lâu dài này.

 

Việc bảo vệ các thứ quyền lợi, phẩm vị và giá trị của những người khuyết tật vẫn là mối quan tâm chính yếu của Tòa Thánh. Tòa Thánh đã nhất trí kêu gọi cho những người bị khuyết tật được hoàn toàn và thương cảm hội nhập vào xã hội, với niềm xác tín rằng họ có đầy đủ những quyền  lợi bất khả coi thường của con người. Bởi thế mà ngay từ đầu, đại biểu tôi đã từng là một cộng tác viên xây dựng và chủ động trong các cuộc thương thảo ấy.

 

Bản Công Ước này có nhiều điều khoản lợi ích, bao gồm cả những khoản nói đến vấn đề giáo dục và đến chính vai trò rất quan trọng của gia cư và gia đình, nhưng thực sự cái cốt lõi sống động của bản văn kiện này là ở chỗ nó tái khẳng định quyền sống. Vì đã quá lâu và trước quá nhiều người thì mạng sống của thành phần bị khuyết tật đã từng bị coi nhẹ hay được ho là có một phẩm vị và giá trị kém cỏi. Đại biểu tôi đã ân cần làm việc để làm cho bản văn này được đặt trên một căn bản nhờ đó lật ngược lại cái quan niệm ấy và để bảo đảm việc thành phần khuyết tật được hoàn toàn hoan hưởng tất cả mọi quyền lợi của con người. Đó là lý do tại sao giờ đây tôi xin làm sáng tỏ chủ trương của Tòa Thánh ở một số điều khoản của Bản Công Ước này.

 

Về Khoản 18, liên quan tới quyền  tự do di chuyển và quốc  tịch, và Khoản 23 về vấn đề gia cư và gia đình, Tòa Thánh hiểu rằng những khoản này có ý muốn bảo đảm những quyền chính yếu và bất khả coi thường của cha mẹ.

 

Hơn nữa, đại biểu tôi hiểu tất cả mọi từ ngữ và thành ngữ liên quan tới những dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, điều hòa vấn đề sinh sản và hôn nhân ở Khoản 23, cũng như chữ ‘giống tính’, như nó đã thực hiện theo các thứ ý nghĩ và lời phát biểu được biểu lộ ở các hội nghị quốc tế ở Cairô và Bắc Kinh.

 

(Biệt chú của người dịch Việt ngữ: Hội Nghị Cairô ở Ai Cập về Dân Số năm 1994, và hội nghị Bắc Kinh ở Trung Quốc về Nữ Giới năm 1995, hai hội nghị này cũng tranh đấu cho v ấn đề phá thai toàn cầu và quyền hạn của nữ giới trong vấn đề sức khỏe sinh sản, và tất cả những gì được hai hội nghị này muốn phát động theo chiều hướng phò phá thai và văn hóa sự chết đều bị Tòa Thánh cực lực chống đối đến cùng).

 

Sau hết, và quan trọng nhất, liên quan tới khoản 25 về vấn đề sức khỏe, nhất là liên quan tới sức khỏe tính dục và sinh sản, Tòa Thánh hiểu rằng việc có thể hưởng dụng sức khỏe sản sinh như là một thứ quan niệm toàn diện không coi việc phá thai hay tìm cách phá thai như là một chiều kích của những từ ngữ ấy. Ngoài ra, chúng tôi đồng ý với việc đồng thuận rộng rãi từng được lên tiếng ở văn phòng này, cũng như với ‘travaux préparatoires’ là điều khoản này không phải là những gì tạo nên bất cứ những quyền lợi quốc tế mới nào và chỉ có mục đích bảo đảm là tật nguyền của con người không được trở thành nguyên do để họ bị từ chối hưởng dịch vụ về sức khỏe.

 

Tuy nhiên, ngay cả hiểu như thế, chúng tôi cũng đã chống lại việc bao gồm một cụm từ như thế vào điều khoản này, vì ở một số quốc gia thì những dịch vụ về sức khỏe sinh sản bao gồm cả vấn đề phá thai, như thế là chối bỏ quyền sống bẩm sinh của hết mọi người là những gì được xác nhận ở Điều Khoản 10 của Bản Công Ước đây. Thật là thê thảm ở chỗ, khi nào xẩy ra tình trạng khiếm khuyết của bào thai là điều kiện tiên quyết cho việc cống hiến hay sử dụng việc phá thai, thì cùng Bản Công Ước được viết ra để bảo vệ những người khuyết tật khỏi bị tất cả mọi thứ kỳ thị khi họ hành sử quyền lợi của họ, lại có thể được sử dụng để chối bỏ chính quyền sống căn bản của những thai nhi tật nguyền.

 

Chính vì lý do này, và bất kể nhiều điều khoản hữu ích chất chứa trong Bản Công Ước này, Tòa Thánh vẫn không thể ký  nhận nó.

 

Tóm lại, đại biểu tôi cho rằng cái khả năng tích cực của Bản Công Ước này sẽ chỉ được hiện thực khi nào các điều khoản pháp lý của quốc gia và việc áp dụng thực hànhcủa tất cả mọi phần tử hoàn toàn tuân hợp với Điều Khoản 23 về quyền sống của người khuyết tật.

 

Tôi yêu cầu lời phát biểu này được cho vào bản tường trình của buổi họp hôm nay.

 

Xin cám ơn Bà Chủ Tịch

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 14/12/2006

 

 

TOP

 

 

?  “Việc liệt kê các thứ triệu chứng mà không giải quyết căn nguyên sâu xa thì không giúp gì lắm cho bất cứ một bên nào”.

 

ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc Nữu Ước Hoa Kỳ với Tổng Hội Đồng ngày 17/11/2006 trong phiên họp khẩn đặc biệt lần 10 về ‘Những Hoạt Động Bất Hợp Pháp của Do Thái ở Vùng Đông Giêrusalem Bị Chiếm Đóng và Phần Lãnh Thổ Bị Chiếm Đóng Khác của người Palestine’

 

Thưa Bà Chủ Tịch,

 

Nhân dịp Tổng Hội Đồng LHQ nhóm họp khóa đặc biệt lần thứ 10 về tình hình ở Lãnh Thổ Palestine bị chiếm đóng, đại biểu tôi đây xin lợi dụng cơ hội này để bày tỏ lòng gắn bó với thành phần dân sự đang chịu khổ đau gây ra bởi những hậu quả từ cuộc bạo động vừa rồi. Tôi cũng xin chuyển lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong việc hợp với ngài để nguyện cầu ‘xin Thiên  Chúa hãy soi sáng cho các vị Thẩm Quyền Do Thái và Palestine, cũng như những quốc gia có trách nhiệm đặc biệt trong vùng này, để họ có thể làm mọi sự trong tầm tay chấm dứt cuộc đổ máu ấy, gia tăng nhữn g hoạt động cứu trợ nhân đạo và phấn khích việc tái tấu ngay những cuộc thương thảo trực diện, nghiêm chỉnh và cụ thể’.

 

Trong khi cảm thấy tiếc xót trước con số tử vong mới và lên án cơn lốc bạo lực gây ra bởi cả những cuộc hành quân và những cuộc khủng bố tấn công này, chúng ta không thể nào không nhận thấy rằng những biến cố kinh khiếp này làm nên một phần của một vấn đề rộng lớn hơn nhiều là những gì, như tất cả chúng ta đều biết, đã từng làm mưng mủ quá lâu ở miền đầt này. Mỗi một lần chúng ta tổ chức một cuộc họp khẩn như thế này, chúng ta đều lập lại một bản liệt kê hầu như bất tận về những khó khăn và những khác biệt phân rẽ giữa người Do Thái và Palestine, những gì càng trở thành khẩn trương đối với các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề bất chính cốt yếu ở ngay cốt lõi của vấn đề. Việc liệt kê các thứ triệu chứng mà không giải quyết căn nguyên sâu xa thì không giúp gì lắm cho bất cứ một bên nào. Mỗi bên bị bắt buộc phải sống trong những tình trạng căng thẳng rùng rợn của những hành động khủng bố có thể bùng nổ hay của những cuộc đột kích quân sự gây ra tử vong, tai biến và hủy hoại các hạ tầng cơ sở.

 

Không thể coi thường cái trọng tâm của cuộc xung đột giữa người Do Thái và Palestine trong tình trạng liên lỉ bất ổn ở Trung Đông. Thật là một sự kiện đáng buồn khi cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc lôi kéo người Do Thái và Palestine lại với nhau trong một cuộc đối thoại đầy ý nghĩa và nghiêm trọng kèm theo việc giải quyết những giằng co để mang lại tình trạng ổn định và hòa bình cho cả đôi bên. Cộng đồng quốc tế cần phải sử dụng những vai trò tốt đẹp của mình để làm dễ dàng mau chóng hơn một cuộc tái lập mối hữu nghị giữa đôi bên.

 

Đây là một thời điểm vừa có tính cách khẩn trương vừa có tính cách thời cơ: khẩn trương là vì tình hình này không phải là những gì bất dịch, trái lại, nó suy thoái tồi tệ từng phút, như khóa họp khẩn đặc biệt này chứng thực; thời cơ là vì ngoài một số yếu tố thuận lợi trong cảnh ngộ chính trị này, thành phần dân sự khắp nơi đã chứng kiến thấy và đã chịu đựng những cảnh tàn phá gây ra bởi các cuộc xung đột và chắc chắn không muốn gì hơn là một thứ hòa bình được tôn trọng.

 

Thứ hòa bình duy nhất có thể bền bỉ ở miền này sẽ là một thứ hòa bình thực sự toàn diện. Nó bao gồm tất cả mọi thành phần diễn viên ở miền Trung Đông và nó cần phải được căn cứ vào những thỏa ước hòa bình song phương và những hiệp định đa phương về tất cả những vấn đề quan tâm chung, bao gồm cả nước nôi, môi trường và mậu dịch. Để thực hiện điều này cần phải có một nhãn quan mới mẻ và bao trùm có thể dẫn tới những dự án cụ thể cho hòa bình.

 

Xin cám ơn  Bà Chủ Tịch


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 19/11/2006

Xin so sánh bài trên  đây cũng của ĐTGM Celestino Migliore Đại Diện Tòa Thánh ở Liên Hiệp Quốc Nữu Ước Hoa Kỳ, là bài có khá nhiều tư tưởng và văn vẻ giống hệt bài ngài nói ở Hội Nghị ngày 25/10/2006 với đệ tứ tiểu ban của khóa họp thứ 61 của Tổng Hội Đồng LHQ về Điều Thực Hiện 83 liên quan tới ‘Vấn Đề Cứu Trợ của LHQ và Cơ Quan Hoạt Động cho Thành Phần Tỵ Nạn Palestine ở Cận Đông’

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ