GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 15/3/2007

TUẦN III MÙA CHAY

 

?   Tông Huấn ‘Bí Tích Yêu Thương –  Sacramentum Caritatis’: Phần Thứ Nhất

?  ‘Lương tâm Kitô hữu ủng hộ quyền sống’: Bối Cảnh Lương Tâm

? THÁNH THỂ LÀ HY TẾ CHÚC TỤNG TUYỆT HẢO

 

 

 

?  Tông Huấn ‘Bí Tích Yêu Thương –  Sacramentum Caritatis’: Phần Thứ Nhất

 

(tiếp 14 Thứ Tư)

 

Phần thứ nhất của văn kiện này, tựa đề “Thánh Thể, một Mầu Nhiệm cần phải được tin tưởng”, nhấn mạnh đến “tặng ân nhưng không của Chúa Ba Ngôi” và dẫn giải “mầu nhiệm Thánh Thể trên căn bản của nguồn mạch Ba Ngôi là nguồn mạch luôn bảo đảm Thánh Thể là một tặng ân… Theo giáo huấn này thì các nguồn gốc sâu xa của những gì được bức Tông Huấn nói tới liên quan đến việc tôn thờ cũng như đến mối liên hệ nội tại của nó với việc cử hành Thánh Thể”.    

 

Liên quan tới Kitô Học và hoạt động của Thần Linh, Đức Thánh Cha coi “việc thiết lập Thánh Thể trong tương quan với bữa Vượt Qua của dân Do Thái”, trong một “cuộc vượt qua quyết liệt làm sáng tỏ ‘cái mới mẻ’ sâu xa được Chúa Kitô mang lại cho bữa ăn theo lễ nghi cũ”. “Thật vậy, nơi các nghi thức, chúng ta không lập lại một tác động theo thứ tự thời gian được định vị trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, trái lại, chúng ta cử hành Thánh Thể như là một ‘cái mới mẻ’ sâu xa nơi việc tôn thờ của Kitô Giáo”. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy tiến vào “mầu nhiệm chết chóc và phục sinh, mở màn cho cái mới mẻ của việc biến đổi…  toàn thể lịch sử và tất cả vũ trụ”. 

 

Chương về “Thánh Thể và Giáo Hội” nhấn mạnh tới cách thức “Thánh Thể là nguyên tắc nhân quả của Giáo Hội: ‘cả chúng ta nữa, ở hết mọi cuộc cử hành Thánh Thể, đều tuyên xưng tính cách ưu việt nơi tặng ân của Chúa Kitô. Ảnh hưởng nhân quả của Thánh Thể về các nguồn gốc của Giáo Hội hoàn toàn bày tỏ cho thấy cả cái ưu tiên về Kitô học và bản thể học của sự kiện Chúa Kitô là Đấng đã yêu thương chúng ta trước’. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, trong khi xác định tính cách luân chuyển giữa Thánh Thể là yếu tố xây dựng Giáo Hội và chính Giáo Hội là cơ cấu cử hành Thánh Thể, đã thực hiện một chọn lựa về giáo huấn quan trọng liên quan tới tính cách chính yếu của Thánh Thể trên tính cách nhân quả của giáo hội”.    

 

“Thánh Thể mang việc gia nhập Kitô Giáo đến chỗ hoàn thành và trở thành tâm điểm và mục tiêu của tất cả đời sống bí tích…. Về Bí Tích Hòa Giải, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thực hiện một thứ ‘giáo lý mới về việc hoán cải xuất phát từ Thánh Thể’, trong khi đó “Việc Xức Dầu Thánh cho Bệnh Nhân và c ho Rước Của Ăn Đi Đàng là những gì ‘liên kết bệnh nhân với việc tự hiến của Chúa Kitô cho phần rỗi của tất cả mọi người”.     

 

“Bản chất bất khả thay thế của thừa tác vụ linh mục để thành hiệu việc cử hành Thánh Lễ” được nhấn mạnh trong chương có tiểu đề “Thánh Thể và Bí Tích Truyền Chức Thánh”. Đức thượng phụ thành Venice cho biết Đức Thánh Cha “tái xác định và nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc thụ phong linh mục và cuộc sống độc thân: ‘trong khi tôn trọng việc thực hành và truyền thống của các Giáo Hội Đông Phương, cũng cần phải tái khẳng định ý nghĩa sâu xa của cuộc sống độc thân linh mục là cuộc sống thật sự được coi là một kho tàng vô giá’”.   

 

Tình trạng giảm sút trầm trọng con số giáo sĩ ở một số lục địa “trước hết cần phải đương đầu bởi việc làm chứng cho vẻ đẹp của đời sống linh mục”, cũng như bởi “việc cẩn thận huấn luyện ơn gọi”.

 

Trong chương tựa đề “Thánh Thể và Hôn Nhân”, Đức Thánh Cha chủ trương rằng “Thánh Thể, một Bí Tích hôn nhân tuyệt hảo, ‘làm kiên cường một cách vô hạn mối hiệp nhất bất khả phân ly và tình yêu của hết mọi cuộc hôn nhân Kitô Giáo”.

 

“Lấy bản chất hôn nhân của Thánh Thể làm khởi điểm của mình, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI  xem xét lại đề tài về tính cách hiệp nhất của hôn nhân Kitô Giáo, liên quan tới vấn đề đa thê cũng như tới tính cách bất khả phân ly của liên hệ hôn nhân”.

 

“Bản văn này chất chứa một số những gợi ý mục vụ quan trọng” liên quan tới thành phần Công Giáo ly dị và tái hôn, ngài nói: “Bức Tông Huấn này, khi tái xác nhận rằng mặc dù tình trạng của những người như thế ‘tiếp tục thuộc về Giáo Hội là nơi hỗ trợ họ bằng mối quan tâm đặc biệt’, liệt kê chín cách thức để tham dự vào đời sống của cộng đồng cho thành phần tín hữu ấy, thành phần mà, cho dù không được Hiệp Lễ, vẫn có thể chấp nhận một lối sống Kitô Giáo”.

 

Bản văn cũng đề cập “tới thành phần, một khi cuộc hôn phối được cử hành thành hiệu, … cảm thấy mình không thể đạt được việc giải hôn, thì đề nghị là, nhờ sự trợ giúp thích đáng về mục vụ, họ dấn thân ‘sống liên hệ của họ theo lòng trung thành với đòi hỏi của luật Chúa, như bạn hữu, như anh chị em’, nói cách khác, bằng việc biến mối liên hệ của họ thành tình bạn huynh đệ”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 13/3/2007

 

(còn tiếp)                                                                                                                                                                    

 

 

TOP

 

 

?  ‘Lương tâm Kitô hữu ủng hộ quyền sống’: Bối Cảnh Lương Tâm

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI với Tham Dự Viên Tổng Nghị của Học Viện Tòa Thánh về Sự Sống Thứ Bảy 24/2/2007 tại Sảnh Đường Clementine

 

Anh Chị Em thân mến,

 

Tôi lấy làm vui mừng được tiếp các Phần Tử thuộc Học Viện Tòa Thánh về Sự Sống trong buổi Triều Kiến này, được diễn ra vào dịp Tổng Nghị lần thứ 13, cũng như những ai tham dự vào Hội Nghị này về đề tài: ‘Lương tâm Kitô hữu ủng hộ quyền sống’.

 

Tôi chào ĐHY Javier Lozano Barragán, các vị Tổng Giám Mục và Giám Mục hiện diện, chư huynh linh mục, các thuyết trình viên Hội Nghị cùng toàn thể anh chị em, qui tụ lại từ các quốc gia khác nhau. Tôi đặc biệt chào ĐTGM Elio Sgreccia, Chủ Tịch Học Viện Tòa Thánh về Sự Sống, vị tôi xin cám ơn về những lời lẽ tốt đẹp ngỏ cùng tôi cũng như về hoạt động ngài thực hiện cùng với vị Phó Chủ Tịch, vị Chưởng Ấn và Hội Đồng Giám Đốc, thành phần thực thi những công việc tế nhị và to lớn của Học Viện Tòa Thánh này.

 

Đề tài anh chị em kéo chú ý của những tham dự viên, và vì thế kéo chú ý của Cộng Đồng Giáo Hội cũng như của công luận, là một đề tài quan trọng: lương tâm Kitô hữu thật sự có một nhu cầu nội tại trong việc nuôi dưỡng và kiên cường chính mình bằng muôn vàn động cơ sâu xa đang hoạt động cho quyền sống.

 

Nó là một quyền lợi cần phải được tất cả mọi người hỗ trợ duy trì, vì nó là quyền lợi nồng cốt đầu tiên của tất cả mọi quyền lợi con người. Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống đã mạnh mẽ khẳng định quyền lợi này: ‘Cho dù ở giữa những khó khăn và bất ổn, hết mọi người thành tâm cởi mở trước sự thật và sự thiện đều có thể, nhờ ánh sáng của lý trí cùng với tác động âm thầm của ân sủng, tiến đến chỗ nhìn nhận nơi lề luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm can (x Rm 2:14-15) cái giá trị linh thánh của sự sống con người từ khi nó được bắt đầu cho tới khi nó kết thúc, và đều có thể xác nhận quyền lợi của hết mọi người trong việc có được sự thiện nền tảng ấy được tôn trọng cho tới mức tối đa. Hết mọi cộng đồng con người và chính cộng đồng chính trị là những cộng đồng được xây dựng trên việc nhìn nhận về quyền sống ấy’ (đoạn 2).

 

Cũng bức thông điệp này còn nhắc lại rằng: “thành phần tín hữu tin tưởng vào Chúa Kitô cần phải bênh vực và cổ võ quyền lợi này, nhận thức như họ thuộc về cái sự thật tuyệt vời được Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc nhở: ‘Bằng việc Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã liên kết mình một cách nào đó với hết mọi người’ (Vui Mừng và Hy Vọng, 22). Biến cố cứu độ ấy tỏ cho nhân loại thấy chẳng những tình yêu vô biên của Thiên Chúa là Đấng ‘đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của mình’ (Jn 3:16), mà còn tỏ cho thấy giá trị khôn sánh của hết mọi người nữa’ (ibid).

 

Bởi thế, Kitô hữu tiếp tục được kêu gọi tỉnh táo hơn bao giờ hết để đối đầu với nhiều cuộc tấn công mà quyền sống phải chịu. Về điều này họ biết rằng họ có thể dựa vào những động lực sâu xa đâm rễ nơi luật tự nhiên và vì thế nó được chia sẻ bởi mọi người sống lương tâm chân chính.

 

Theo chiều kích này thì trước hết, sau khi ban hành Thông Điệp Phúc Âm Sự Sống, đã có nhiều điều được thực hiện để làm cho vấn đề này được ý thức hơn trong cộng đồng Kitô Giáo cũng như nơi xã hội dân sự, thế nhưng, cũng phải công nhận là các cuộc tấn công quyền sống khắp thế giới vẫn lan rộng và gia tăng, cũng như mặc lấy những hình thức mới.

 

Những áp lực trong việc hợp thức hóa vấn đề phá thai là những gì đang gia tăng ở các quốc gia Mỹ Châu Latinh cũng như ở các quốc gia đang phát tiển, cùng với việc sử dụng vấn đề giải phóng của các hình thức mới trong việc phá thai bằng hóa chất, dưới chiêu bài bảo toàn sức khỏe sản sinh: những chính sách kiểm soát dân số đang trên đà vươn lên, bất chấp chúng đã được công nhận là nguy hiểm về lãnh vực kinh tế và xã hội.

 

Đồng thời còn xẩy ra tình trạng hào hứng vào việc nghiên cứu vấn đề kỹ thuật sinh chất cho tinh luyện hơn đang gia tăng ở các quốc gia phát triển để tạo nên những phương pháp tinh vi khó thấy và tăng cấp sự sống, cho dù là cuộc nghiên cứu mập mờ để tạo nên ‘một đức nhỏ toàn vẹn’, bằng việc truyền bá việc truyền sinh nhân tạo và những hình thức định bệnh khác nhau nhắm tới chỗ bảo đẻm được việc chọn lựa tốt đẹp.

 

Một làn sóng mới của những thứ cải sinh tạo giống được chấp nhận nhân danh những gì được cho là phúc hạnh của cá nhân, và các luật lệ được tung ra để hợp thức hóa vấn đề triệt sinh an tử đặc biệt trong một thế giới tiến triển về kinh tế này.

 

Tất cả những điều ấy xẩy ra thì ngược lại cũng có những nỗ lực đang gia tăng trong việc hợp thức hóa mối liên kết được coi như là một thứ thay thế cho hôn nhân và chặn đứng vấn đề sinh sản tự nhiên.

 

Trong những trường hợp ấy, lương tâm, đôi khi bị vây bủa bởi tập thể truyền thông mạnh liệt, không đủ cảnh giác đối với tính cách trầm trọng của vấn đề đang diễn ra, và quyền lực của thành phần mạnh n hất làm yếu kém đi và dường như làm tê liệt ngay cả con người thành tâm thiện chí. Đó là lý do cần phải kêu gọi lương tâm, nhất là lương tâm Kitô hữu. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo nói với chúng ta rằng: “Lương tâm là phán đoán của lý trí nhờ đó con người nhận ra tính chất của luân lý nơi một hành động cụ thể được họ sắp sửa thi hành, đang trong tiến trình thi hành hay đã hoàn tất. Trong tất cả những gì họ nói và làm, con người bắt buộc phải trung thành theo những gì họ biết là chân chính và đúng đắn” (số 1778).

 

(còn tiếp)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch trực tiếp từ mạng điện toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2007/february/documents/hf_ben-xvi_spe_20070224_academy-life_en.html

 

TOP

 

 

? THÁNH THỂ LÀ HY TẾ CHÚC TỤNG TUYỆT HẢO

 ĐTCGPII giảng dạy Giáo Lý trong Đại Năm Thánh 2000, bài 26, Thứ Tư 11/10/2000

 1.         “Nhờ Người, với Người và trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng cùng với Chúa Thánh Thần”. Lời tuyên tụng Ba Ngôi này kết  thúc lời cầu của Kinh Nguyện Thánh Thể mỗi lần cử hành Thánh Lễ. Thật vậy, Thánh Thể là “hy tế chúc tụng” tuyệt hảo, là việc tôn vinh cao cả nhất từ đất dâng lên trời, là “nguồn mạch và là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu, thành phần hiến dâng tế vật thần linh nơi Thánh Thể (lên Chúa Cha) cùng với chính bản thân mình nữa” (Hiến Chế Lumen Gentium, 11). Trong Tân Ước, Thư gửi giáo đoàn Do Thái dạy chúng ta rằng phụng vụ Kitô Giáo được hiến dâng bởi “một thượng tế thánh thiện, liêm chính, vẹn tuyền, không dính dáng với tội nhân, vượt trên các tầng trời”, Đấng thực hiện một hy tế chuyên nhất một lần vĩnh viễn bằng “việc dâng hiến bản thân mình” (x Heb 7:26-27). Bức Thư viết: “Thế nên, nhờ Người, chúng ta hãy tiếp tục hiến dâng lên Thiên Chúa hy tế chúc tụng” (Heb 13:15). Hôm nay, chúng ta hãy vắn tắt nhắc lại hai đề tài hy tế và chúc tụng, sacrificium laudis, nơi Thánh Thể.

2.         Trước hết, hy tế của Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể. Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh và rượu, như chính Người đã bảo đảm với chúng ta rằng: “Đây là mình Thày... đây là máu Thày” (Mt 26:26, 28). Thế nhưng, Chúa Kitô hiện diện nơi Thánh Thể là một Chúa Kitô hiện đang được vinh quang, Đấng đã hiến mình trên thập giá vào Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đó là những gì được nhấn mạnh bởi những lời Người phán trên chén rượu: “Đây là máu giao ước đổ ra cho nhiều người” (Mt 26:28; x Mk 14:24; Lk 22:20). Nếu những lời này được khảo sát theo chiều hướng xuất phát từ Thánh Kinh thì có hai liên quan đáng chú ý. Liên quan thứ nhất là kiểu nói “máu đổ ra”, một kiểu nói, như ngôn ngữ Thánh Kinh chứng thực, cho thấy đồng nghĩa với cái chết dữ dằn (x Gen 9:6). Liên quan thứ hai là ở nơi câu phát biểu đích xác “cho nhiều người”, ám chỉ thành phần được máu này đổ ra cho. Việc gián tiếp ám chỉ ở đây đưa chúng ta về với đoạn văn nền tảng đối với việc giải thích Thánh Kinh của Kitô Giáo, đó là bài ca thứ bốn của tiên tri Isaia: bằng hy tế của mình, Người Tôi Tớ Chúa “đã thí mạng sống mình” và “mang lấy tội lỗi của nhiều người” (Is 53:12; x Heb 9:28; 1Pt 2:24).

3.         Khía cạnh vừa hy tế lẫn cứu chuộc của Thánh Thể được thể hiện nơi những lời Chúa Giêsu phán trên bánh trong Bữa Tiệc Ly, những lời theo truyền thống được Thánh Luca và Phaolô thuật lại: “Đây là mình Thày sẽ bị nộp vì các con” (Lk 22:19; x 1Cor 11:24). Cả ở đây nữa cũng liên quan đến việc tự hy hiến bản thân mình của Người Tôi Tớ Chúa, hợp với đoạn sách tiên tri Isaia vừa được đề cập đến (53:12). “Người đã thí mạng sống mình...; Người đã mang lấy tội lỗi của nhiều người, và đã cầu bầu cho các phạm nhân”. “Thánh Thể không phải là gì khác ngoài chính hy tế. Chính hy tế Cứu Chuộc cũng là hy tế Tân Ước, như chúng ta tin tưởng và Giáo Hội Đông Phương minh nhiên tuyên xưng. “Hy tế của ngày hôm nay, Giáo Hội Hy Lạp đã nói từ nhiều thế kỷ trước đây (ở Công Đồng Contantinôpôli phi bác Sotericus vào năm 1156-1157), giống như hy tế được hiến dâng một lần bởi Lời Nhập Thể; hy tế đó được Người dâng hiến (hiện nay cũng như bấy giờ), vì hy tế ấy cũng là một hy tế duy nhất” (Tông Thư Dominicae Cenae, 9).

4.         Thánh Thể, như một hy tế của Tân Ước, là việc phát triển và hoàn tất giao ước được cử hành trên núi Sinai, khi Moisen đổ một nửa máu của các tế vật hy sinh trên bàn thờ, biểu hiệu cho Thiên Chúa, và một nửa trên cộng đồng con cái Yến Duyên (x Ex 24:5-8). “Máu giao ước” này gắn bó Thiên Chúa với loài người lại với nhau một cách chặt chẽ bằng một mối giây liên kết. Mối thân mật trở nên trọn vẹn nơi Thánh Thể; việc Thiên Chúa và loài người gắn bó với nhau đạt đến tột đỉnh của mình. Đó là việc hoàn tất của “tân ước” được tiên tri Giêrêmia tiên báo (x 31:31-34): một giao ước trong tinh thần và trong tâm can, một giao ước được Thư gửi giáo đoàn Do Thái hết sức ca ngợi, khi trích lại lời của vị tiên tri này mà đem ghép nó với hy tế tối hậu duy nhất của Chúa Kitô (x Heb 10:14-17).

5.         Đến đây, chúng ta có thể dẫn chứng một xác nhận khác về Thánh Thể là một hy tế chúc tụng. Thực sự hướng đến việc hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và con người, “hy tế Thánh Thể là nguồn mạch và là tột đỉnh cho tất cả việc phụng thờ của Giáo Hội cũng như của đời sống Kitô hữu. Tín hữu tham dự trọn vẹn hơn vào bí tích tạ ơn, đền bồi, nguyện xin và chúc tụng, chẳng những lúc họ cùng với vị linh mục hết lòng hiến dâng tế vật linh thánh cũng như chính mình với tế vật này lên Chúa Cha, mà còn cả lúc họ lãnh nhận tế vật này trong bí tích nữa” (Thánh Bộ Lễ Nghi, Eucharisticum Mysterium, 3e).

Như chính nguyên ngữ Hy Lạp thì Thánh Thể nghĩa là “tạ ơn”; nơi Thánh Thể Con của Thiên Chúa liên kết nhân loại được cứu chuộc với chính mình trong bản thánh ca tạ ơn và chúc tụng. Chúng ta hãy nhớ rằng tiếng todah của Do Thái, được phiên dịch là “chúc tụng”, cũng có nghĩa là “tạ ơn” nữa. Hy tế chúc tụng là một hy tế tạ ơn (x Ps 50 [49]: 14, 23). Trong Bữa Tiệc Ly, để thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã tạ ơn Cha Người (x Mt 26:26-27 và những đoạn Phúc Âm Nhất Lãm tương đương); đó là nguồn gốc cho tên gọi của bí tích này.

6.         “Nơi hy tế Thánh Thể, toàn thể tạo vật Thiên Chúa yêu thương được hiến dâng lên Chúa Cha qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô” (Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1359). Hiệp nhất mình với hy tế của Chúa Kitô, Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể, vang lên lời chúc tụng của tất cả mọi tạo vật. Việc mọi tín hữu quyết tâm hiến dâng cuộc sống của mình, “thân xác” của mình, như Thánh Phaolô nói, như một “hy tế sống động, thánh hảo, đáng Thiên Chúa chấp nhận” (Rm 12:1), trong niềm hiệp thông trọn vẹn với Chúa Kitô, phải hợp với điều này. Như thế, chỉ có một sự sống duy nhất hiệp nhất Thiên Chúa với con người, đó là Chúa Kitô tử giá và phục sinh vì tất cả chúng ta với người môn đệ được kêu gọi hoàn toàn hiến mình cho Người.

Thi sĩ người Pháp Paul Claudel đã ca lên bản hát về mối hiệp thông yêu thương, khi đặt những lời sau đây vào môi miệng của Chúa Kitô: “Hãy đến với Ta, nơi Ta Hiện Hữu, ở trong bản thân con,/ và Ta sẽ trao cho con chìa khóa vào sự sống./ Nơi nào Ta Hiện Hữu, ở nơi đó có bí mật đời đời về nguồn gốc của con.../ ... Đôi tay của con ở đâu mà không phải là của Ta? Và đôi chân của con lại không bị đóng đanh vào cùng một thập giá với Ta hay sao? Ta đã chết và sống lại một lần vĩnh viễn! Chúng ta rất gần gũi với nhau/... Con làm sao lại có thể tách lìa khỏi Ta/ mà không làm tan nát trái tim Ta?” (La Messe là-bas).

              (Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 11/10/2000)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ