GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 17/4/2007

MÙA PHỤC SINH - TUẦN 2

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Liên Tôn (Do Thái và Hồi Giáo) Mừng Sinh Nhật Bát Tuần của ngài

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Đại Kết (Chính Thống Nga) Mừng Sinh Nhật Bát Nhật của ngài

? “Con Đường của Đức Giáo Hoàng tới Chúa Giêsu” (tiếp)

 

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Liên Tôn (Do Thái và Hồi Giáo) Mừng Sinh Nhật Bát Tuần của ngài

 

Vị chủ tịch của Hội Đồng Chư Vị Tôn Sư Do Thái ở Ý quốc là Giuseppe Laras đã nói trên Đài Phát Thanh Vatican hôm nay rằng: ‘Lời chúc mừng của tôi đó là ngài tiếp tục con  đường đã được bắt đầu và gia tăng công cuộc của ngài hướng về vấn đề đối thoại giữa các phần tử thuộc những tôn giáo khác nhau, và tôi chẳng những nghĩ tới Do Thái giáo mà tới cả Hồi giáo và nhiều tôn giáo khác nữa. Ước mong rằng ngài góp phần trọng yếu vào lý tưởng hòa bình hóa và tình trạng hòa bình giữa các dân tộc’.   

 

Vị giám đốc của Liên Hiệp Thế Giới Hồi Giáo ở Ý quốc là Mario Scialoja cũng phát biểu trên Đài Phát Thanh Vatican rằng ông muốn chúc cho Giáo Hoàng Biển Đức XVI ‘có được một giáo triều dài và tốt đẹp, và đó là ước muốn được xuất phát từ tấm lòng hoàn toàn chân tình và tự đáy lòng’.

 

Vị giám đốc người Ý trở lại theo đạo Hồi này nói tiếp: ‘Tôi tin rằng, từ những gì Giáo Hoàng Biển  Đức XVI thực hiện cho tới nay, ngài muốn đi theo đường lối đối thoại với các tôn giáo, nhất là với các đại tôn giáo của Abraham, tức là Hồi Giáo và Do Thái Giáo; một cuộc đối thoại trong thế giới ngày nay bao giờ cũng có tính cách đa văn hóa, đa tôn giáo, ở những xã hội hỗn hợp hơn bao giờ hết này, không phải là một điều được trông mong mà là một nhu cầu’.

 

Về bài diễn văn của ngài ở Regensburg hồi tháng 9/2006, vị này cho biết: ‘Tiếc thay, giới truyền thông đã lấy khỏi mạch văn một ít câu từ một bài nói dài và phức tạp của Đức Thánh Cha, những câu trích ấy rõ ràng là có vẻ xúc phạm tới Hồi Giáo. Tuy nhiên, đó thực sự không phải là ý hướng của vị Giáo Hoàng này. Những cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sự kiện ngài đến Đền Thờ Xanh ở Istanbul và cầu nguyện tại Kiblah với vị giáo trưởng, tác động cầu nguyện theo truyền thống cổ truyền của chúng tôi, là một dấu hiệu hết sức mãnh liệt’.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/4/2007

 

TOP

 

 

?  Đức Thánh Cha Biển Đức XVI: Đại Kết (Chính Thống Nga) Mừng Sinh Nhật Bát Nhật của ngài

 

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Zizioulas ở Pergamum,  vị đã đến để đích thân  trao tận tay cho ngài một bức thư của Đức Thượng Phụ Chính Thống Bartholomew I Constantinople.

 

Theo những lời phát biểu được phổ biến cho báo chí hôm nay từ vị TGM này, bức thư của đức thượng phụ cho biết rằng Đức Giáo Hoàng ủng hộ cuộc gặp gỡ ở thành phố Ý Ravenna để khai mạc những khóa họp của Ủy Ban Chính Thống Công Giáo đối với cuộc đối thoại về thần học sẽ xẩy ra vào thời khoảng 7-15/10/2007.

 

Vị TGM thêm rằng các vị đại diện thuộc tất cả mọi Giáo Hội Chính Thống sẽ hiện diện ở cuộc họp này. Ngài còn nói với tờ nhật báo Ý La Repubblica.

 

“Giữa chúng ta, chúng ta có cùng một niềm tin và cùng một truyền thống. Chúng ta càng cần phải đối diện với đề tài quan trọng hơn đó là thượng quyền của vị giám mục Rôma, tức là vai trò của Đức Giáo Hoàng. Đối với một số người thì đó là một vấn đề không thể giải quyết. Tuy nhiên, tôi tin rằng vẫn có thể tìm thấy giải đáp.

 

“Vấn đề đó là xác định rõ ràng vị trí của vị giám mục Rôma trong cấu trúc của Giáo Hội hoàn vũ. Chính Thống Giáo sẵn sàng chấp nhận ý tưởng có một thượng quyền phổ quát, theo các khoản giáo luật của Giáo Hội cổ thì vị giám mục Rôma là ‘chủ yếu’.

 

“Theo nhãn quan của Chính Thống Giáo thì vị giáo chủ hoàn vũ này bao giờ cũng tác hành trong việc hiệp thông với hội nghị” của các Giáo Hội khác nhau.

 

Đức Thượng Phụ Chính Thống Moscow và Toàn Nga là Alexy II cũng gửi lời chào mừng sinh nhật Đức Giáo Hoàng, chúc mừng ngài trong bức thư được sức khỏe dồi dào, sống lâu và ơn  trợ giúp của Thiên Chúa nơi thừa tác vụ thiêng liêng của ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/4/2007

  

 

 

TOP

 

 

? “Con Đường của Đức Giáo Hoàng tới Chúa Giêsu”

 

Nhận định của nhà xuất bản về tác phẩm “Đức Giêsu Nazarét: Từ Phép Rửa Tới Biến Hình”

 

(tiếp 16 Thứ Hai)

 

Đối với Đức Biển  Đức XVI thì người ta tìm thấy trong Thánh Kinh những yếu tố thúc buộc để có thể tin rằng con người lịch sử là Chúa Giêsu Kitô cũng là Con Thiên Chúa, Đấng đã đến Thế Gian để cứu độ nhân loại. Từ trang này tới trang khác, ngài đã khảo sát những yếu tố ấy, từ yếu tố này tới yếu tố khác, để hướng dẫn và thách đố độc giả – thành phần tín hữu cũng như vô thần – bằng một cuộc thám hiểm tri thức say mê.

 

Đặt lập luận chính yếu của mình trên sự kiện về mối liên kết sâu xa giữa Cựu Ước và Tân Ước, và rút tỉa từ việc dẫn giải Thánh Kinh theo Kitô học thấy nơi Chúa Giêsu Kitô những gì là then chốt cho tất cả bộ Thánh Kinh, Đức Biển Đức XVI trình bày cho thấy Chúa Giêsu của các Phúc Âm là ‘tân Moisen’, Đấng hoàn trọn những niềm trông đợi của Dân Do Thái (trang 1). Moisen mới này cần phải dẫn dân Thiên Chúa đến chỗ làm cho họ được hưởng một tình trạng tự do thực sự và tối hậu. Tuy nhiên, Người làm như thế bằng những hoạt động tuần tự bao giờ cũng để cho dự án của Thiên Chúa được hoàn toàn thực hiện theo như dự định.

 

Phép Rửa Chúa Giêsu chịu ở Sông Dược Đăng là “việc chấp nhận sự chết vì tội lỗi của nhân loại, và tiếng phán ‘Này là Con Ta yêu dấu’, trên những giòng nước rửa là một chi tiết hướng về cuộc Phục Sinh’ (trang 18). Việc Chúa Giêsu trầm mình vào các giòng nước ở Sông Dược Đăng là biểu hiệu cho cái chết của Người và việc Người xuống ngục tổ tông – một thực tại dù sao cũng hiện diện suốt cuộc sống của Người”.

 

Để cứu độ nhân loại “Người cần phải tái lập toàn thể lịch sử từ ban đầu” (trang 26), Người cần phải chiến thắng những cơn cám dỗ chính yếu qua những hình thức khác nhau đang đe đọa con người thuộc tất cả mọi thời đại, biến đổi họ thành dễ dạy, mở lại con đường hướng tới Thiên Chúa (Chương 2), hướng về Đất Hứa thực sự, đó là “Vương Quốc Thiên Chúa” (trang 44). Từ ngữ này, một từ ngữ có thể được giải thích theo chiều kích Kitô học, thần bí học hay thậm chí theo giáo hội học, trên hết có nghĩa là “vai trò chủ tể thần linh, việc làm chủ của Thiên Chúa trên thế giới cũng như trên lịch sử, một vai trò siêu việt thời điểm, thực sự là siêu việt và vượt ra ngoài toàn thể lịch sử. Tuy nhiên vai trò này cũng là một cái gì đó tuyệt đối thuộc về hiện tại” (trang 57). Thật thế, nhờ việc hiện diện và hoạt động của Chúa Giêsu “Thiên Chúa chủ động hiện diện ở nơi đây và vào lúc này đây đi vào lịch sử một cách hoàn toàn mới mẻ”. Nơi Chúa Giêsu, “Thiên Chúa… đến gần với chúng ta… cai trị một cách thần linh, chứ không theo quyền năng trần thế, cai trị bằng yêu thương ‘cho tới cùng’” (trang 60-61; Jn 13:1).

 

Đề tài “Vương Quốc Thiên Chúa” (chương 3), một đề tài thấm đẫm toàn thể việc giảng dạy của Chúa Giêsu, được khai triển sâu xa hơn trong việc suy niệm về “Bài Giảng trên Núi” (chương 4). Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu rõ ràng hiện lên như là ‘Moisen mới’ là vị ban bố một bộ tân Ngũ Kinh, hay nói khác đi, là vị trở lại với bộ Ngũ Kinh của Moisen, và làm cho nó nên trọn bằng việc sống động hóa những nhịp điệu nội tại cơ cấu của nó (trang 65).   

 

(còn tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 15/4/2007

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ