GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 28/5/2007

TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện  Xuống 27/5/2007

?  Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?

?  Biến Cố Fatima 90 Năm với vị giáo chủ Công Giáo ở Nga về tính cách thích thời của Sứ Điệp Fatima và về việc nước Nga trở lại

 

 

 

?  Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Huấn Từ Nguyện Kinh Truyền Tin Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện  Xuống 27/5/2007

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay chúng ta cử hành đại lễ Hiện Xuống. Và qua phụng vụ hôm nay, chúng ta sống lại việc hạ sinh của Giáo Hội như được Thánh Luca trình thuật trong Sách Tông Vụ (2:1-13). Năm mươi ngày sai Phục Sinh, Thánh Thần đã ngự xuống trên cộng đồng môn đệ – “đồng tâm kiên trì cầu nguyện” – cùng nhau với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu” và với 12 vị tông đồ (x Acts 1:14;2:1).

 

Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội đã được long trọng bắt đầu bằng việc hiện xuống của Thánh Thần. Trong biến cố đặc biệt này chúng ta thấy những dấu hiệu chính yếu và nổi bật của Giáo Hội: Giáo Hội là một, như cộng đồng Hiện Xuống, một cộng đồng được hiệp nhất trong lời cầu nguyện và “nhất trí”: “chỉ một tấm lòng và một linh hồn” (Acts 4:32).

 

Giáo Hội là thánh, chẳng những vì công nghiệp của riêng mình, mà vì, được tác động bởi Thánh Thần, Giáo Hội gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô để trở nên giống Người và tình yêu của Người. Giáo Hội là công giáo vì Phúc Âm giành cho tất cả mọi dân nước, bởi thế, ngay từ ban đầu, Thánh Linh ban cho Giáo Hội khả năng nói các tiếng khác nhau. Giáo Hội là tông truyền vì, xây dựng trên nền tảng các vị tông đồ, Giáo Hội trung thành bảo trì giáo huấn của các ngài qua mối giây liên tục của việc thừa kế tông đồ.

 

Ngoài ra, Giáo Hội tự bản chất còn là truyền giáo, và từ ngày Hiện Xuống của Thánh Thần, không ngừng tiến  bước trên các con đường thế giới cho đến tận cùng trái đất và cho đến tận cùng thời gian. Thực tại này, một thực tại chúng ta có thể chứng thực được ở hết mọi giai đoạn của nó, đã được báo trước trong Sách Tông Vụ, một cuốn sách diễn tả việc chuyển Phúc Âm từ người Do Thái cho các dân ngoại, từ Gia Liên tới Rôma.

 

Rôma tiêu biểu cho thế giới dân ngoại, bởi thế, cho tất cả mọi dân tộc ở ngoài dân Chúa xưa kia. Thật vậy, Sách Tông Vụ kết thúc bằng việc Phúc Âm tiến đến Rôma. Bởi thế chúng ta có thể nói rằng Rôma là danh xưng cụ thể của công giáo tính và của tinh thần Giáo Hội truyền giáo; nó diễn tả lòng trung thành với nguồn gốc, với Giáo Hội qua mọi thời gian, với một Giáo Hội nói tất cả mọi ngôn ngữ và tiến đến việc gặp gỡ hết mọi nền văn hóa.

 

Anh chị em thân mến, Lễ Hiện Xuống đầu tiên đã xẩy ra khi Mẹ Maria Rất Thánh hiện diện giữa các môn đệ tại nhà tiệc ly ở Gia Liêm và đã nguyện cầu. Ngày nay cũng thế, chúng ta ký thác bản thân mình cho việc chuyển cầu từ mẫu của Mẹ để xin Thánh Thần dồi dồi xuống trên Giáo Hội trong thời đại của chúng ta và làm tràn đầy lòng mọi tín hữu mà đốt lên trong họ – trong chúng ta – ngọn lửa yêu thương.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/5/2007

 

 TOP

 

? Tại Sao Kitô Hữu ở Mỹ Châu La Tinh phải trở nên “Những Vị Thừa Sai” ở một nơi chiếm nửa dân số Công Giáo trên thế giới?

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp và chuyển dịch

 

(tiếp 27 Chúa Nhật, 26 Thứ Bảy, 25 Thứ Sáu, 24 Thứ Năm 23 Thứ Tư)

 

Đường lối để giải quyết vấn đề đối với Giáo Hội ở Mỹ Châu La Tinh

 

Để giải quyết vấn đề hung hăng dụ giáo, ngài đã khuyên Hội Đồng Giám Mục Ba Tây trong Giờ Kinh Tối 11/5 tại Vương Cung Thánh Đường São Paulo, ở đoạn 6, hãy thực hiện việc đại kết trong tình huynh đệ nhưng đầy xác tín về niềm tin của mình, như sau:

 

“Như chư huynh biết, trong số những văn kiện khác nhau giải quyết vấn đề hiệp nhất Kitô Giáo, có bản Hướng Dẫn Về Đại Kết được Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Việc Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Giáo phổ biến. Vấn đề đại kết – hay việc tìm kiếm hiệp nhất giữa thành phần Kitô hữu - trong thời đại của chúng ta đã trở thành một công việc càng ngày càng khẩn trương đối với Giáo Hội Công Giáo, khi việc gia tăng vấn đề trao đổi liên văn hóa và cuộc thách đố về chủ nghĩa tục hóa đang hiển nhiên cho thấy. Bởi thế, trước con số gia tăng nhanh chóng các hệ phái Kitô Giáo mới, nhất là một số hình thức dụ giáo thường có tính cách hung hăng, công việc đại kết lại càng trở nên phức tạp hơn.

 

“Trong bối cảnh ấy, rất cần phải thực hiện một cuộc huấn luyện tốt đẹp về lịch sử và tín lý, để nuôi dưỡng việc nhận thức cần thiết và tiến tới chỗ hiểu biết hơn nữa về căn tính đặc biệt của mỗi một cộng đồng này, những yếu tố phân rẽ họ, và những yếu tố có thể giúp ích cho con đường hiệp nhất với nhau hơn. Lãnh vực cả thể nhất về chủ trương chung cho vấn đề hợp tác phải là vấn đề bênh vực những giá trị luân lý cốt yếu – được truyền đạt bởi truyền thống thánh kinh – chống lại với những thế lực văn hóa có tính cách tương đối và hưởng thụ đang tìm cách hủy hoại những giá trị ấy.

 

“Một lãnh vực khác cũng giống như vậy là đức tin vào Vị Thiên Chúa Hóa Công và vào Chúa Giêsu Kitô là Người Con nhập thể của Ngài. Ngoài ra, bao giờ cũng cần phải theo nguyên tắc yêu thương huynh đệ và tìm cách hiểu biết nhau và tái hữu nghị với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý tới việc bênh vực  niềm tin của dân chúng ta, củng cố họ bằng một niềm tin tưởng hân hoan là ‘unica Christi Ecclesia … subsistit in Ecclesia catholica, a successore Petri et Episcopis in eius communione gubernata’ (‘Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô… sinh tồn nơi Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội được cai quản bởi vị thừa kế Thánh Phêrô và bởi các vị Giám Mục hiệp thông với ngài’)  (Lumen Gentium, 8)”.

 

Để giải quyết vấn đề giải phóng kinh tế liên quan tới hai thể chế cộng sản và duy tư bản, cũng trong bài khai mạc Đệ Ngũ Tổng Nghị và trong cùng đoạn 5, ngài đã đề cập tới vấn đề cấu trúc chính đáng, một cấu trúc hợp với dự án thần linh và có tính chất hữu thần, như thế này:

 

“Như tôi đã nói, những cấu trúc chính đáng là một điều kiện bất khả châm chước cho một xã hội chân chính, thế nhưng chúng không xuất phát hay hoạt động mà lại thiếu sự đồng thuận về luân lý trong xã hội đối với các thứ giá trị nền tảng, cũng như đối với nhu cầu cần phải sống những giá trị ấy bằng những hy sinh cần thiết, cho dù có phải làm nghịch lại với lợi ích tư riêng của mình.

 

“Nơi nào vắng bóng Thiên Chúa – Vị Thiên Chúa có dung nhan con người của Chúa Giêsu Kitô – thì những thứ giá trị ấy không đạt được tất cả mãnh lực của chúng, cũng chẳng có vấn đề đồng thuận đối với chúng nữa. Tôi không có ý nói rằng thành phần vô tín ngưỡng không thể sống một thứ luân lý cao quí và mô phạm; tôi chỉ có ý nói rằng một xã hội vắng bóng Thiên Chúa sẽ không thể nào tìm thấy được vấn đề đồng thuận cần thiết về những thứ giá trị luân lý hay sức mạnh để sống theo kiểu mẫu của những thứ giá trị này, thậm chí kể cả lúc những giá trị ấy có tương khắc với các thứ ích lợi tư riêng đi nữa.

 

“Trái lại, các cấu trúc chính đáng là những gì cần phải tìm kiếm và soạn thảo theo chiều hướng của các thứ giá trị trọng yếu ấy, và hoàn toàn liên kết với lý lẽ về chính trị, kinh tế và xã hội. Chúng là vấn đề của recta ratio và chúng không xuất phát từ những ý hệ hoặc từ những thứ trích yếu. Chắc chắn là có cả một kho tàng lớn lao  nơi kinh nghiệm và sự thành thạo về chính trị đối với các vấn đề về xã hội và kinh tế có thể nhấn mạnh đến những yếu tố nồng cốt của một quốc gia chân chính và những đường lối cần phải tránh lánh. Thế nhưng, trong những trường hợp về văn hóa và chính trị khác nhau, giữa những sự phát triển liên lỉ về kỹ thuật và những đổi thay về thực tại lịch sử của thế giới, cần phải tìm kiếm những câu giải đáp thích đáng có lý lẽ, và cần phải thiết lập một sự đồng thuận – kèm theo những quyết tâm cần thiết – về những thứ cấu trúc cần phải thiết lập.

 

“Công việc có tính cách chính trị này không thuộc thẩm quyền trực tiếp của Giáo Hội. Việc tỏ ra tôn trọng tính cách trần thế lành mạnh – bao gồm cả tính cách đa nguyên của các ý kiến về chính trị – là những gì thiết yếu nơi truyền thống Kitô Giáo. Nếu Giáo Hội bắt đầu biến đổi bản thân mình thành một chủ thể trực tiếp làm chính trị thì Giáo Hội thực hiện ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, cho người nghèo và cho công lý, vì Giáo Hội sẽ mất đi tính cách độc lập của mình cùng với thẩm quyền về luân lý của mình, đồng hóa mình với đường lối duy chính trị và với những chủ trương đảng phái có thể mang ra tranh cãi.

 

“Giáo Hội là biện hộ viên cho công lý và cho người nghèo, chính vì Giáo Hội không đồng hóa mình với thành phần chính trị gia hay với các khuynh hướng đảng phái. Chỉ khi nào giữ được tính cách độc lập Giáo Hội mới có thể giảng dạy những qui tắc quan trọng và những giá trị bất khả tước đoạt, mới có thể hướng dẫn lương tâm con người và mới có thể cống hiến một chọn lựa sự sống vượt ra ngoài lãnh vực chính trị. Đào luyện lương tri, biện hộ cho công lý và sự thật, giáo dục về các nhân đức cá nhân và chính trị, đó là ơn gọi trọng yếu của Giáo Hội trong lãnh vực này. Và thành phần giáo dân Công Giáo cần phải ý thức trách nhiệm của mình nơi đời sống xã hội; họ cần phải hiện diện trong việc hình thành việc đồng thuận cần thiết hay chống lại tình trạng bất công. 

 

“Những cấu trúc chân chính sẽ không bao giờ hoàn tất một cách vĩnh viễn hết. Khi lịch sử tiếp tục xoay vần thì chúng cũng cần phải liên lỉ đổi mới và cập nhật hóa; chúng bao giờ cũng cần phải được thấm đậm một cốt tính chính trị và nhân bản – và chúng ta cần phải hết sức thực hiện việc bảo đảm sự hiện diện và công hiệu của cốt tính này. Nói cách khác, việc hiện diện của Thiên Chúa, mối thân tình với Con Thiên Chúa nhập thể, ánh sáng của lời Người: những điều này bao giờ cũng là những điều kiện cốt yếu cho sự hiện diện và hiệu năng của công lý và yêu thương trong các xã hội của chúng ta.

 

“Là Châu Lục của thành phần Kitô hữu đã lãnh nhận phép rửa này đây, đã đến lúc cần phải thắng vượt tình trạng thiếu vắng đáng kể – nơi lãnh vực chính trị, ở thế giới truyền thông và trong các đại học đường – tiếng nói và hoạt động của thành phần lãnh đạo Công Giáo có những tư cách mạnh mẽ và tinh thần quảng đại dấn thân, thành phần gắn bó với những niềm xác tín về đạo lý và tôn giáo của mình. Các phong trào trong giáo hội có nhiều chỗ ở nơi đây để nhắc nhở thành phần giáo dân về trách nhiệm của họ và về sứ vụ của họ trong việc mang ánh sáng Phúc Âm vào đời sống xã hội, vào văn  hóa, kinh tế và chính trị”. 

 

(còn tiếp)

 

 

TOP

 

 

? Biến Cố Fatima 90 Năm với vị giáo chủ Công Giáo ở Nga về tính cách thích thời của Sứ Điệp Fatima và về việc nước Nga trở lại

 

ĐTGM Tadeusz Kondresiewicz, cai quản TGP Mẹ Thiên Chúa ở Nga đã cho mạnh điện toán toàn cầu Zenit biết rằng những lần hiện ra ở Fatima vẫn còn thích thời sau 90 năm, vì nó liên quan tới việc biến đổi con người và cống hiến  lý do để hy vọng. Theo ngài, biến cố này đối với giới trẻ như sau:

 

“Trước hết, giới trẻ cần phải hiểu rằng Đức Mẹ Fatima đã cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng vào năm 1917. Mẹ đã cảnh báo về những hiểm nguy sắp tới mà chún g ta cần phải nguyện cầu.

 

“Mẹ đã tiên báo về việc diễn tiến lịch sử ở Nga cũng như trên thế giới, thế nhưng đồng thời Mẹ cũng cống hiến cho chúng ta niềm hy vọng và ban cho chúng ta Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như là một lý tưởng hay một biểu hiệu cho chúng ta theo đuổi để có được một con tim tinh tuyền: ‘Trái Tim  Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ  sẽ thắng và Nước Nga sẽ trở lại. Đó là niềm hy vọng Mẹ đã ban cho Nước Nga và toàn thế giới”.

 

Vị TGM này nói rằng có lẽ giới trẻ không nhớ đến điều đó, “thế nhưng những cuộc hiện ra ấy ngày nay vẫn còn thích thời vì tiếng gọi thống hối bao giờ cũng được vang lên: một tiếng gọi con người hãy có một tâm hồn tinh tuyền”.

 

“Những lời của Đức Mẹ đã là một lời cảnh báo trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa – ý muốn hãy tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ – vì chỉ có thế chúng ta mới có được một thế giới tinh tuyền; bằng không, nhiều khốn khó sẽ xẩy ra.

 

“Ngày nay chún g ta thấy nơi nhiều phần đất trên thế giới xẩy ra những vấn đề mới, như chiến tranh, triệt sinh an tử, các trục trặc về gia đình … vì con người không tuân giữ 10 Điều Răn.

 

“Chính vì điều này mà những cuộc hiện ra của Đức Mẹ Fatima vẫn còn thích thời sau 90 năm và vẫn còn được chú trọng tới vì chúng trước hết liên quan tới vấn đề biến đổi con người”.

 

Vị TGM 61 tuổi này còn khẳng định thêm rằng sứ điệp của Mẹ Fatima là những gì quan trọng đối với Nước Nga theo chiều hướng đại kết. Ngài nói:

 

“Đức Mẹ Fatima đã nói về việc Nước Nga trở lại cùng Thiên Chúa, Mẹ không nói rằng nó phải hoàn toàn là Công Giáo.

 

“Là Giáo Hội Công Giáo, chúng ta giúp đỡ anh chị em Chính Thống của mình và chúng tôi tiếp tục làm việc với nhau và phát triển vấn đề đối thoại giữa chúng tôi với nhau.

 

“Mẹ Maria hiện diện nơi Giáo Hội Chính Thống cũng như nơi Giáo Hội Công Giáo, và tôi có thể nói Mẹ còn hiện diện nhiều hơn nữa ở Nga. Hình ảnh Mẹ là một hình ảnh bao giờ cũng tinh tuyền đối với hết mọi người Công Giáo cũng như Chính Thống Giáo là thành phần cảm thấy những lần Mẹ hiện ra có ý nghĩa đại kết”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 27/5/2007

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ