GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 Thứ SÁU 15/6/2007

TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN

LỄ THÁNH TÂM CHÚA

 

?   ĐTCGPII: "Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!"

?  Đức Thánh Cha Piô XII: Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa (Haurietis Aquas)

?  Về Những Thứ Chiến Tranh được cho là Thánh Chiến

 

 

?  ĐTCGPII: "Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc!"

ĐTCGPII bài giảng thánh lễ cung hiến tân đền thờ Chúa Tình Thương ở Lagiewniki, ngoại ô thành phố Krakow Thứ Bảy, 17/8/2002, trong chuyến về thăm quê hương Balan lần thứ 8 cũng là lần cuối cùng ngày 16-19/8/2002 .

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển  dịch từ mạng điện  toán toàn cầu của Tòa Thánh

http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/homilies/2002/documents/hf_jp-ii_hom_20020817_shrine-divine-mercy_en.html


“Ôi Tình Thương của Thiên Chúa khôn thấu và khôn lường,
Ai mới xứng đáng tôn thờ Chúa và chúc tụng Ngài đây?
Ôi ưu phẩm cao cả nhất của Thiên Chúa Toàn Năng,                                       
Chúa là niềm hy vọng ngọt ngào của các tội nhân”
(Nhật Ký, 951).
 

Anh Chị Em thân mến!

1. Hôm nay Tôi muốn lập lại những lời đơn sơ và chân thành này của Thánh Nữ Faustina để hợp với thánh nhân cũng như với tất cả anh chị em tôn thờ mầu nhiệm khôn thấu và khôn lường của tình thương Thiên Chúa. Như Thánh Faustina, chúng ta muốn loan báo rằng, ngoại trừ tình thương của Thiên Chúa, không còn một nguồn hy vọng nào khác cho loài người nữa. Chúng ta cần tin tưởng lập lại rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa!

Việc loan báo này, việc tuyên xưng lòng tin tưởng vào tình yêu toàn năng của Thiên Chúa là việc đặc biệt cần thiết ở thời đại chúng ta đây, khi mà nhân loại đang trải qua một tình trạng biến loạn trước những xuất hiện của sự dữ. Việc kêu cầu lòng thương xót Chúa cần phải được vang lên từ thẳm cung của các cõi lòng đầy những khổ đau, băn khoăn về tương lai và sống trong bất ổn, đồng thời lại trông mong một nguồn hy vọng vững chắc. Đó là lý do tại sao chúng ta đến đây hôm nay, đến Ngôi Đền Thờ Lagiewniki này, để một lần nữa thoáng thấy nơi Chúa Kitô dung nhan của Thiên Chúa Cha: “Người Cha của tình thương và là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm ủi an” (2Cor 1:3). Bằng con mắt linh hồn của mình, chúng ta mong nhìn vào đôi mắt của Chúa Giêsu nhân hậu, để thấy được sâu xa trong ánh mắt của Người những gì phản ảnh nội tâm của Người, cũng như thấy được ánh sáng ân sủng là những gì chúng ta đã thường xuyên lãnh nhận, và là những gì Thiên Chúa ban lại cho chúng ta mỗi ngày cũng như vào ngày cuối cùng của cuộc đời chúng ta.

3.- Hỡi Anh Chị Em! Khi chúng ta cung hiến ngôi thánh đường mới này, chúng ta cũng có thể đặt vấn đề đã làm cho vua Solomon phải bối rối khi vua cung hiến Đền Thờ Giêrusalem để làm nhà cho Thiên Chúa: “Thế nhưng, có thật Thiên Chúa sẽ ở trên mặt đất này hay chăng? Kìa, trời và trời cao không thể chứa nổi Ngài thì ngôi nhà tôi xây cất lên đây lại càng không thể nào làm nổi!” (1Kg 8:27). Phải, thoạt nhìn thì thật là bất xứng hợp khi trói buộc việc Thiên Chúa hiện diện vào một “nơi chốn” nào đó. Chúng ta không bao giờ được quên rằng thời gian và không gian đều hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Tuy nhiên, cho dù thời gian và cả thế giới này được coi như “đền thờ” của Ngài, Thiên Chúa vẫn chọn một thời điểm nào đó và địa điểm nào đó để con người có thể cảm nghiệm được một cách đặc biệt sự hiện diện của Ngài và ân sủng của Ngài. Được thúc đẩy bởi cảm quan đức tin của mình, con người hành trình đến những nơi này, tin tưởng rằng, ở đó họ sẽ thực sự tìm thấy chính mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa.

Trong cùng một tinh thần tin tưởng ấy, Tôi đã đến Lagiewniki để cung hiến ngôi thánh đường mới này. Tôi tin tưởng rằng đây là nơi đặc biệt Thiên Chúa chọn để gieo vãi ân sủng tình thương của Ngài. Tôi cầu xin cho ngôi thánh đường này được luôn luôn trở thành một nơi loan báo sứ điệp tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa; một nơi của hoán cải và thống hối; một nơi cử hành Thánh Thể; một suối nguồn tình thương; một nơi nguyện cầu và liên lỉ kêu xin tình thương cho chúng ta cũng như cho toàn thế giới. Tôi dùng những lời của vua Solomon mà cầu nguyện rằng: “Ôi Chúa là Thiên Chúa của tôi, xin hãy nhậm lời cầu nguyện cùng với lời van xin của tôi tớ Chúa đây, hãy lắng nghe tiếng kêu và lời cầu do tôi tớ Chúa dâng lên trước nhan Chúa hôm nay đây; xin Chúa hãy ghé mắt ngày đêm trông coi ngôi nhà này… Xin hãy nghe lời kêu cầu của tôi tớ Chúa cũng như của Yến Duyên dân Chúa, khi họ cầu xin Ngài ở nơi đây. Từ trời cao, nơi Ngài cư ngụ, xin hãy lắng nghe, và khi lắng nghe, xin Ngài hãy thứ tha cho” (1Kgs 8:28-30). 

4.- “Thế nhưng, giờ đã đến, và giờ ấy là lúc này đây, khi mà những kẻ tôn thờ chân thực sẽ tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những người tôn thờ Ngài như thế” (Jn 4:23). Khi chúng ta đọc những lời này của Chúa Giêsu ở nơi Đền Thờ Lòng Thương Xót Chúa này, chúng ta đặc biệt nhìn nhận rằng không một ai có thể đến đây nếu không đến trong Thần Linh và chân lý. Chính là Chúa Thánh Thần, Đấng Ủi An và là Thần Chân Lý, Đấng hướng dẫn chúng ta theo những đường nẻo của Lòng Thương Xót Chúa. Bằng việc làm cho thế gian nhận ra những gì “liên quan đến tội lỗi, sự công chính và việc phân xử” (Jn 16:8), Ngài cũng làm tỏ hiện tất cả ơn cứu độ trong Chúa Kitô. Việc “thuyết phục” liên quan đến tội lỗi này có liên hệ nhị trùng với Thập Giá Chúa Kitô. Một mặt, Thánh Linh khiến cho chúng ta, nhờ Thập Giá của Chúa Kitô, có thể nhìn nhận tội lỗi, hết mọi tội lỗi, nơi tất cả chiều kích sự dữ chất chứa và tiềm ẩn nơi tội lỗi. Mặt khác, Thánh Linh cho phép chúng ta, cũng nhờ Thập Giá Chúa Kitô, thấy được tội lỗi theo chiều kích của mysterium pietatis, tức là chiều kích mầu nhiệm tình yêu nhân hậu và thứ tha của Thiên Chúa (x Thông Điệp Dominum et vivificantem, 32).

Như thế, việc “thuyết phục liên quan đến tội lỗi” này cũng trở thành một niềm xác tín là tội lỗi có thể bị loại trừ và con người có thể phục hồi phẩm vị của mình là con cái dấu yêu của Thiên Chúa. Thật vậy, Thập Giá “là việc Thiên Chúa hạ mình thẳm sâu nhất xuống với con người […]. Thập giá chẳng khác gì một sự giao chạm của tình yêu hằng hữu trên những vết thương đau trong cuộc sống của con người” (Dives in misericordia, 8). Tảng đá nền của Ngôi Đền Thờ này sẽ mãi mãi nhắc nhở cho chúng ta về chân lý này, vì nó được mang về đây từ Núi Canvê, như thể từ chân Cây Thập Giá là nơi Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

Tôi hết sức tin tưởng rằng ngôi thánh đường mới này sẽ luôn luôn là một nơi được con người đến với Thiên Chúa trong Thần Linh và chân lý. Họ sẽ đến đây với lòng tin tưởng là những gì đồng hành với tất cả những ai khiêm hạ biết mở lòng mình ra cho hoạt động của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, cho một tình yêu mạnh hơn cả tội lỗi nặng nề nhất. Ở nơi đây, trong ngọn lửa của tình yêu thần linh, tấm lòng con người sẽ bừng lên lòng ước ao hoán cải, và ai tìm kiếm hy vọng sẽ gặp được niềm ủi an.

5.- “Lạy Cha hằng hữu, vì tội lỗi của chúng con và của toàn thế giới, con xin dâng lên Cha Mình Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Con Cha yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô; vì những sự khốn khó của Cuộc Người Khổ Nạn, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới” (Nhật Ký, 476). Thương đến chúng con và toàn thế giới… Thế giới ngày nay cần đến tình thương của Thiên Chúa biết bao! Nơi hết mọi lục địa, từ vực sâu khốn khổ của loài người, tiếng kêu cầu xót thương dường như đang vang dậy. Nơi nào thù hằn và đòi rửa hận thống trị, nơi nào chiến tranh mang lại đau thương và chết chóc cho thành phần vô tội, thì ở đó cần đến ân sủng tình thương để ổn định lòng trí con người và tạo lập hòa bình. Nơi nào thiếu hụt lòng trọng kính sự sống và phẩm vị con người thì ở đó cần đến tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng mà trong ánh sáng của Ngài, chúng ta thấy được giá trị khôn tả của hữu thể con người. Cần phải có tình thương để bảo đảm rằng hết mọi bất công trên thế giới này sẽ được kết thúc trong chân lý rạng ngời.

Thế nên, hôm nay đây, tại Đền Thánh này, Tôi xin long trọng ký thác thế giới cho Lòng Thương Xót Chúa. Tôi làm như vậy với một lòng thiết tha mong ước thấy sứ điệp của tình yêu nhân hậu Thiên Chúa, được loan báo nơi đây qua Thánh Faustina, cũng được tất cả mọi dân tộc trên thế giới biết đến và làm cho lòng họ tràn đầy niềm hy vọng. Chớ gì sứ điệp này, từ nơi đây, chiếu tỏa ra cho quê hương thân yêu của chúng ta cũng cho khắp thế giới. Chớ gì lời hứa quyết của Chúa Giêsu được nên trọn, ở chỗ, từ nơi đây phải chiếu giãi ra “tia sáng sửa soạn thế giới cho lần đến cuối cùng của Cha” (x Nhật Ký, 1732).

Tia sáng này cần phải thắp lên bởi ân sủng của Thiên Chúa. Ngọn lửa tình thương này cần phải được chuyền đi cho thế giới. Trong tình thương của Thiên Chúa thế giới mới tìm thấy hòa bình và nhân loại mới tìm thấy hạnh phúc! Tôi ký thác công việc này cho Anh Chị Em thân mến, cho Giáo Hội ở Krakow và ở Balan, cũng như cho tất cả mọi người sùng mộ Lòng Thương Xót Chúa đến đây từ Balan hay từ khắp nơi trên thế giới. Chớ gì anh chị em là những chứng nhân cho tình thương!

6.- Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nơi Con của Cha là Đức Giêsu Kitô, Cha đã mạc khải tình yêu của Cha ra và đã tuôn đổ tình yêu Cha xuống trên chúng con trong Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi. Hôm nay đây chúng con xin ký thác cho Cha vận mệnh của thế giới cũng như của hết mọi con người nam nữ.

Xin Cha hãy cúi mình xuống trên tội nhân chúng con, hãy chữa lành nỗi yếu hèn của chúng con, hãy chiến thắng tất cả mọi sự dữ, và hãy ban cho tất cả mọi dân tộc trên thế giới được cảm nghiệm thấy tình thương của Cha. Chớ gì họ luôn tìm thấy nguồn hy vọng nơi Cha, Thiên Chúa Ba Ngôi. Lạy Cha Hằng Hữu, vì Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Con Cha, xin Cha thương đến chúng con và toàn thế giới! Amen.

 

 TOP

 

? Đức Thánh Cha Piô XII: Việc Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa (Haurietis Aquas)

 

Kỷ niệm 100 năm ĐTC Piô IX truyền mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa trong toàn thể Giáo Hội. Văn kiện ban hành ngày 15-5-1956

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, trích dịch từ National Catholic Welfare Conference News Service một số đoạn tiêu biểu sau đây) 

 

Tôn Sùng Thánh Tâm: Nguồn Mạch

            

4.         Tình yêu thần linh phát xuất từ Thánh Linh, Đấng là Tình Yêu Được Ngôi Vị Hoá của cả Chúa Cha và Chúa Con trong cung lòng của Ba Ngôi Cao Cả. Bởi thế, vị Tông Đồ Dân Ngoại, khi âm vang lại những lời của Chúa Giêsu Kitô, rất thích đáng qui việc phú bẩm đức ái vào các linh hồn giáo dân cho Thần Linh Tình Yêu này. "Đức ái của Thiên Chúa được tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Thánh Linh là Đấng được ban cho chúng ta" (Rm. 5:5).

           

5.         Qúi huynh khả kính, mối giây nối kết thân tình này, theo Thánh Kinh, hiện hữu giữa đức ái thần linh cần phải bừng lên trong các linh hồn tín hữu và Thánh Linh, rõ ràng tỏ cho tất cả chúng ta thấy rằng, bản chất đích thực của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Bởi vì, nếu chúng ta khảo sát về bản chất xứng hợp của nó, thì hết sức hiển nhiên là việc tôn sùng này là một việc đạo đức tuyệt hảo nhất.

           

6.         Nó đòi hỏi một sự dứt khoát tuyệt đối và trọn vẹn phó mình và hiến mình cho tình yêu của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh. Trái tim thương tích của Đấng Cứu Thế là dấu hiệu sống động và là biểu hiệu của tình yêu ấy. Như thế, lại càng  rõ ràng là, việc tôn sùng này đặc biệt đòi chúng ta phải lấy tình yêu của mình để đền đáp lại cho tình yêu thần linh.

           

7.         Thật vậy, nó bắt nguồn từ ngay yếu tính của tình yêu làm cho linh hồn con người hoàn toàn và trọn vẹn thuận phục  luật lệ của Hữu Thể Tối Cao, vì tác động tình yêu của chúng ta lệ thuộc vào ý muốn thần linh, đến nỗi, nó thực sự làm nên một sự hiệp nhất vững vàng như lời Sách Thánh: "Ai gắn bó với Chúa thì nên một tinh thần với Người" (1Cor. 6:17).

 

Tôn Sùng Thánh Tâm: Lý Do 

           

26.       Qúi huynh đáng kính, đến đây, qúi huynh thấy rõ là có một lý do lưỡng đôi (tại sao Giáo Hội tôn thờ trái tim của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh - đoạn 25). Lý do thứ nhất, cũng là lý do áp dụng cho cả những phần tử rất thánh còn lại của thân thể Chúa Giêsu Kitô, đựa trên giáo huấn nhờ đó chúng ta biết rằng, Trái Tim của Người, như phần thể cao cả nhất của bản tính nhân loại, được hiệp nhất một cách ngôi hiệp với ngôi vị của Lời Thần Linh, bởi thế mà phải được tôn thờ trong cùng một thể thức Giáo Hội tỏ ra trong việc tôn thờ Ngôi Vị của Con Thiên Chúa Nhập Thể. Ở đây chúng ta  bàn đến một vấn đề của đức tin Công Giáo, vì điểm này đã được long trọng tuyên nhận tại Công Đồng Chung Êphêsô và Công Đồng Chung Constantinople II .

           

27.       Lý do thứ hai, lý do liên quan đặc biệt đến Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh đòi phải tôn thờ một cách đặc biệt, phát xuất từ sự kiện là Trái Tim của Người, hơn tất cả mọi phần thể còn lại của thân thể Người, là một dấu hiệu và biểu hiệu tự nhiên cho tình yêu vô hạn của Người đối với loài người. Vị tiền nhiệm muôn đời đáng nhớ của Ta là Đức Lêô XIII đã viết: "Có một biểu hiệu và một hình ảnh hiển nhiên nơi Thánh Tâm về tình yêu vô cùng của Chúa Giêsu Kitô đánh động chúng ta phải yêu đáp lại" (Thông Điệp Annum Sacrum)

           

28.       Sách Thánh rõ ràng là không bao giờ tỏ tường đề cập đến một việc tôn kính đặc biệt đối với trái tim thể lý của Lời Nhập Thể như là biểu hiệu của tình yêu tha thiết nhất của Người. Nếu chúng ta phải  đương nhiên công nhận điều này thì chúng ta không thể nào bỗ ngỡ hay hồ nghi gì về tình yêu thần linh đối với chúng ta là lý do chính yếu cho việc tôn sùng này. Tình yêu này được công bố và ghi đậm nét trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, bằng những linh ảnh sống động đến nỗi làm cho linh hồn chúng ta hết sức cảm kích. Có những lúc các hình ảnh này được trình bày ở Sách Thánh loan báo về việc Con Thiên Chúa làm người sẽ đến. Bởi thế, chúng có thể được coi như bắt đầu dấu hiệu và biểu hiệu của tình yêu thần linh này, tình yêu bởi Trái Tim rất Thánh và rất Đáng Tôn Thờ của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh.  

           

Tôn Sùng Thánh Tâm: Đối Tượng 

           

44.       Mầu nhiệm Cứu Chuộc thần linh trước hết và trên hết là mầu nhiệm yêu thương, đó là mầu nhiệm của tình yêu chân thực của Chúa Kitô đối với Cha Trên Trời của Người, Đấng mà hiến tế Thánh Giá được dâng lên theo lòng mến yêu tuân phục đã đền bù cho tội lỗi của nhân loại một cách vô cùng dồi dào thoả đáng nhất. "Bằng việc vì yêu mến mà chịu khổ và tuân phục, Chúa Kitô đã hiến dâng cho Thiên Chúa hơn được đòi hỏi để đền bù xúc phạm của cả loài người" (Sum. Theol. 3,q.48, a2). Hơn nữa, đó còn là mầu nhiệm  tình yêu nhân hậu của Ba Ngôi Cao Cả và của Đấng Cứu Chuộc Thần Linh đối với cả loài người. Vì loài người không thể đền bù tội lỗi của mình, mà Chúa Kitô, bằng những của cải dồi dào nơi công nghiệp Người lập được cho chúng ta nhờ việc đổ Máu châu báu của Người, đã có thể phục hồi và hoàn hảo mối giây thân tình giữa Thiên Chúa và loài người đã bị cất đứ, trước tiên, bởi việc sa ngã đáng tiếc của Adong trong vườn Điạ Đường, rồi sau đó, bởi tội lỗi vô vàn của đám dân được tuyển chọn.

           

51.       Vì thế, không thể nào còn hồ nghi được là Chúa Giêsu Kitô đã mặc lấy xác thể loài người cũng có tất cả những cảm xúc xứng hợp mà tình yêu chiếm ưu tiên. Cũng không thể nào hồ nghi được là Người có một trái tim thể lý như chúng ta, vì nếu không có cô quan tuyệt vời này thì không có sự sống con người, chứ chưa nói đến những cảm xúc nữa. Đó là lý do trái tim của Chúa Giêsu Kitô, được nên một cách ngôi hiệp với Ngôi Lời Thần Linh, thực sự đập lên nhịp yêu thương cùng những cảm xúc rung động khác nữa, song lại  hoàn toàn hoà hợp với ý muốn nhân loại của Người, một ý muốn đầy tình yêu thần linh, đầy chính tình yêu vô cùng mà Con thông phần với Cha cũng như với Thánh Linh, để không bao giờ có một điều gì phản nghịch hay tương khắc nơi ba thứ tình yêu này (x.St. Thomas Sum. Theol. 3, q.15, a.4' q.18, a.6). 

           

63.       Thế nên, trái tim của Lời Nhập Thể đáng được coi là dấu hiệu và là biểu hiệu chính yếu của tình yêu tam diện mà Đấng Cứu Chuộc Thần Linh liên tục yêu mến Chúa Cha Hằng Sống và Toàn Thể loài người. Nó là biểu hiệu cho tình yêu thần linh Người thông phần với Cha và Thánh Linh, song chỉ ở nơi một mình Người, tức nơi Lời nhập Thể, mà nó được tỏ hiện cho chúng ta, qua thân xác nhân loại hữu hạn của Người, vì "nơi Người chứa đựng sự viên trọn của Thiên Chúa một cách hữu hình" (Col. 2:9).

           

64.       Ngoài ra, nó còn là biểu hiệu cho một thứ tình yêu thiết tha nhất, được phú bẩm vào linh hồn của Người, thánh hoá ý muốn nhân loại của Chúa Kitô, tình yêu mà tác động của nó được soi dẫn bởi một tầm thức lưỡng diện hoàn hảo nhất, đó là tàm thức hưởng kiến và phú bẩm (x.Sum. Theeol.,3, q.9, a.1-3).

           

65.       Sau hết, theo một cách thức trực tiếp và tự nhiên hơn, nó cũng là biểu hiệu cho thứ tình yêu cảm giác, vì thân thể của Chúa Giêsu Kitô được hình thành bởi tác động của Thánh Linh trong cung lòng Trinh Nữ Maria, có một khả năng cảm xúc và nhận thức hoàn hảo nhất, hơn hết mọi thân xác của loài người  (x.Ibid.3, q.33, a.2, ad 3m' q.46, a.6).  

           

Tôn Sùng Thánh Tâm: Bản Chất

                       

101.     Thế nên, không có gì cản trở chúng ta tôn thờ Trái Tim Rất Rhánh Chúa Giêsu, vì Trái Tim Người tham dự vào và là biểu hiệu tự nhiên cũng như hiển nhiên nhất cho tình yêu vô hạn mà Đấng Cứu Chuộc Thần Linh của chúng ta vẫn còn đang yêu thương loài người. Thật thế, trái tim này, cho dù không còn chịu đựng những bấn loạn trên cuộc đời hữu hạn này nữa, vẫn còn sống động và rung đập. Giờ đây trái tim này được gắn bó không chia lìa với Ngôi Vị của Lời Thần Linh, để rồi nơi nó và nhờ nó mà gắn bó với ý muốn thần linh của Người. 

           

102.     Vì Trái Tim Chúa Kitô tràn đầy tình yêu thần linh cũng như nhân loại, và vì Trái Tim Người dồi dào phong phú những kho tàng ân sủng mà Đấng Cứu Chuộc đã lập được bằng cuộc sống và những khổ đau của Người, mà bởi đó Trái Tim Người thực sự là mạch nguồn liên tục của tình yêu mà Thần Linh của Người đổ tràn vào các chi thể thuộc Nhiệm Thể của Người.

           

103.     Thế nên, ở một mức độ nào đó, Trái Tim Chúa Cứu Thế diễn tả hình ảnh Ngôi Vị Thần Linh của Lời cũng như bản tính lưỡng diện vừa nhân loại lẫn thần linh của Người. Nơi Trái Tim Người, chúng ta có thể chiêm ngưỡng không những là một biểi hiệu, mà còn thực sự là một tổng hợp cho toàn thể mầu nhiệm cứu rỗi của chúng ta nữa.

           

104.     Khi tôn thờ Trái Tim Rất Thánh Chúa Giêsu Kitô chúng ta tôn thờ, nơi Trái Tim ấy và qua Trái Tim ấy, cả tình yêu nhưng không của Lời Thần Linh cũng như tình yêu nhân loại của Người, cùng với những cảm xúc lẫn nhân đức khác của Người. Thực là như vậy, bởi vì, cả hai tình yêu này thúc đẩy Đấng Cứu Chuộc tự hy hiến mình cho chúng ta và cho toàn thể Giáo Hội Hiền Thê của Người...

           

109.     Ta nghĩ rằng những phát biểu của Ta, được xác định bởi giáo huấn Phúc Âm, đã làm sáng tỏ là việc tôn sùng này thật ra chẳng là gì khác ngoài việc tôn sùng tình yêu nhân loại cũng như thần linh của Lời Nhập Thể, và tôn sùng tình yêu mà Cha Trên Trời cùng với Thánh Linh đối với con người tội lỗi.

            

Tôn Sùng Thánh Tâm: Hình Thành

           

111.     Thế nên, Ta biết rằng, việc sùng kính mà chúng ta suy tôn tình yêu của Chúa Giêsu Kitô dành cho loài người, qua dấu hiệu cao cả là Trái Tim Bị Thương Tích của Đấng Cứu Chuộc bị đóng đanh trên Thánh Giá, đã chưa bao giờ hoàn toàn bị lòng đạo đức của Kitô hữu lãng quên cả. Tuy nhiên, trong những thời gian gần đây, việc sùng kính này đã được biết đến nhiều hơn và được phổ biến cách lạ lùng khắp Giáo Hội, nhất là sau khi chính Chúa mạc khải mầu nhiệm thần linh này cho riêng một số con cái của Người, thành phần được đặc biệt ban cho dồi dào ân phúc thiêng liêng, trở nên những sứ giả được tuyển chọn để loan truyền việc tôn sùng này. (Phụ chú của người trích dịch: Ở đây ĐTC có thể ngầm nói đến cả chị nữ tu Maria Josefa Menéndez, mà ngài, khi còn là hồng y, trong thơ đề tháng 4-1938,  đã viết cho mẹ bề trên của chị để chúc lành cho cuốn sách "The Way of Divine Love" trong lần xuất bản thứ nhất của nó)

           

116.     Ta đề cập đến những tên tuổi tiêu biểu của những người chiếm được một vị trí  đặc biệt trong việc thiết lập cũng như cổ động việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu: đó là thánh Bonaventura, thánh Albêtô Cả, thánh Catarina Siena, chân phước Henry Suso, thánh Phêrô Canisiô, thánh Phanxicô Salêsiô, và thánh Gioan Euđê là tác giả soạn ra bộ kinh nguyện phụng vụ đầu tiên để dùng vào việc cử hành tôn kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu.

           

117.     Được nhiều giám mục Pháp ban phép, lễ trọng này đã được cử hành vào lần đầu tiên ngày 20-10-1672.

           

118.     Trong số những người cổ động việc tôn sùng tuyệt hảo này, chiếm chỗ danh dự là thánh nữ Magarita Maria Alacoque. Được lòng nhiệt thành nung nấu và được hỗ trợ bởi vị linh hướng là chân phước Claude de la Colombrère, thánh nữ đã hết sức tiến hành để làm cho việc tôn sùng, không thiếu gì tín hữu hết sức ca tụng, dồi dào phúc lành thiêng liêng này, được thiết lập và, bởi bản chất đặc biệt nơi những tác động yêu mến cũng như đền tạ của nó, được trổi vượt hơn những hình thức đạo đức khác của Kitô hữu.

           

119.     Việc ôn lại lịch sử của giai đoạn bắt đầu việc sùng kính Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu đủ cho chúng ta  thêm sự hiểu biết về sự phát triển lạ lùng của việc tôn sùng này, một việc tôn sùng hoàn toàn hợp với bản chất của Kitô giáo, một tôn giáo đích thực là một đạo giáo yêu thương.

            

Tôn Sùng Thánh Tâm: Thiết Lập

                       

123.     ... Thánh Bộ Lễ Nghi, trong sắc lệnh đề ngày 25-1-1765, được vị tiền nhiệm của Ta là Đức Clementê XIII phê chuẩn ngày 6-2 cùng năm, đã ban phép cử hành thánh lễ phụng vụ cho các giám mục Ba-Lan cũng như cho Roman Archfraternity of the Sacred Heart.

           

125.     Việc chuẩn nhận đầu tiên này được ban phép theo thể thức của một đặc ân và hạn hẹp cho những vùng nào đó thôi. Sau gần một thế kỷ, một chuẩn nhận khác quan trọng hơn được ban cho, với những ngôn từ trịnh trọng. Ta đang nói đến, như Ta đã đề cập trước đây, sắc lệnh của Thánh Bộ Lễ Nghi ban hành ngày 23-8-1856. Qua sắc lệnh này, vị tiền nhiệm của Ta là Đức Piô IX, ưng thuận với những thỉnh cầu của các Giám Mục Pháp quốc cũng như của hầu hết thế giới Công Giáo, đã truyền cho lễ Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu được phổ biến khắp Giáo Hội và phải được cử hành xứng đáng. Tín hữu phải luôn luôn nhớ đến sắc lệnh này, vì, như chúng ta đọc trong phụng vụ của lễ này: "Từ khi việc tôn sùng Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu, phát xuất như một giòng suối mãnh liệt, đã lan truyền khắp thế giới, tẩy xoá đi mọi chướng ngại trong giòng nước của nó."

      

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

TOP

 

 

? Về Những Thứ Chiến Tranh được cho là Thánh Chiến

 

Theo một sử gia thời Trung Cổ thì có một chút xíu giống nhau giữa quan niệm cực đoan về jihad như là một cuộc thánh chiến với những Cuộc Thánh Chiến của Đạo Binh Thánh Giá Kitô Giáo.

 

Vị giáo sư Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Milan Ý quốc là Marco Meschini đã giải thích điều này trong tác phẩm mới của mình, tực đề "Il Jihad e La Crociata" (The Jihad and the Crusade), do Edizioni Ares xuất bản, cho biết rằng cả hai đều là những gì bất đối xứng. Trong cuộc phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit, ông đã cho biết lý do về chủ trương phản đề này của ông với vị sử gia thời trung cổ.

 

Vấn:    Jihad và Crusade là những “cuộc thánh chiến” theo ý nghĩa nào?

 

Đáp:   Một “cuộc thánh chến” được hiểu là có hai yếu tố đặc biệt: thứ nhất, đối với những ai tin  tưởng, thì nó là một cuộc chiến theo ý muốn của Thiên Chúa và được phát động bởi thành phần  đại diện hợp pháp của Ngài; thứ hai, việc tham dự vào cuộc chiến này là cách mở cửa thiên đàng.

 

Nơi trường hợp jihad c ần phải n hắc lại một đoạn quan trọng trong Kinh Koran: “Hãy chiến  đấu với những ai không tin tưởng vào Allah và những ai không coi là trái phép những gì Allah và thành phần sứ giả của ngài tuyên bố là trái phép”. Chính Allah muốn thực hiện cuộc jihad. Allah là thánh và vì thế jihad là thành, là một cuộc thánh chiến.

 

Về khía cạnh thứ hai, một “hadith” của Muhammad -  một lời nói của Muhammad có một giá trị qui phạm – cần phải được nhắc lại là: “Hãy biết rằng thiên đàng là những gì nấp dưới bóng của gươm giáo”.

 

Ngoài ra, “mujahid”, hay chiến binh của jihad, được coi là tử đạo nếu họ chết đi. Chữ tử đạo, “shahid” nghĩa là “chứng nhân”, giống như nghĩa đen của tiếng tử đạo của Hy Lạp.

 

Mujahid là người thánh đến nỗi có thể truyền đạt một phần thánh đức của mình cho họ hàng thân thuộc của mình.


Vấn:    Tuy nhiên, ông phân biệt Jihad và Crusade như là những gì “bất đối xứng”. Đâu là điều phân biệt giữa Jihad và Crusade?

 

Đáp:   Đối với thành phần Kitô hữu thời trung cổ thì những cuộc Thánh Chiến đều theo ý muốn của Thiên Chúa, ở chỗ các vị Giáo Hoàng đều muốn làm như thế và dạy làm như vậy, liên kết chúng với việc thứ tha tội lỗi của thành phần tham chiến. Tiếng kêu chiến đấu của thành phần Thánh Chiến Quân là “Chúa muốn thánh chiến!”

 

Tuy nhiên , cái bất đối xứng đầu tiên ở đây là Jihad được hiểu là việc trực tiếp mở cửa thiên đàng, còn Crusades thì không, vì chúng được hiểu là một phần của tiến trình có thể dẫn con người tội lỗi về thiên đàng mà thôi.

 

Thế nhưng, còn có những tính cách bất đối xứng khác quan trọng hơn nữa.

 

Trước hết, jihad, cho dù là tự vệ hay tấn công – tức là, được coi như dụng cụ để lan truyền đạo Hồi – là để thực hiện mục đích “qui thuận” Allah.

 

Trái lại, crusades được phát xuất chỉ sau một thiên kỷ Kitô Giáo và với mục đích giới hạn vào việc phục hồi Gia-Liêm và Thánh Địa đã bị tín đồ Hồi Giáo chiếm đóng một cách bất chính.

 

Cần phải thêm là trong giòng thời gian của các thế kỷ cũng có những cuộc thánh chiến để bành trướng hoàn toàn không còn đúng với ý hướng nguyên thủy nữa.


Vấn:    Ông cũng chủ trương rằng, t rong khi jihad là những gì thiết yếu đối với Hồi Giáo thì crusade lại không phải là những gì thiết yếu đối với Kitô Giáo.

 

Đáp:   Đây mới là điểm khác nhau sâu xa nhất. Như đã được đề cập, thánh chiến là một qui định của Kinh Koran – mà Kinh Koran là lời của Allah, là những gì vĩnh hằng và bất biến – được Muhammed thực hành và được trang bị bằng cả một chuỗi luật lệ kèm theo ấn định các thứ hình thức và điều kiện.

 

Cho tới ngày nay, đối với tất cả mọi người Hồi giáo, thì jihad là cột trụ thứ sáu của Hồi giáo, tức là một trong các huấn lệnh làm nên căn tính của tôn giáo họ.

 

Ngược lại, không có một cuốn sách thánh Kitô Giáo nào nói về chiến tranh tương tự như thế, và nói cho cùng thì mô phạm của Kitô Giáo là Chúa Kitô không dự kiến điều này!

 

Đó là lý do, crusade, một thứ thánh chiến thực sự được diễn ra nơi một bối cảnh Kitô Giáo, lại không xuất hiện ở các bối cảnh khác của Kitô Giáo; nhất là nó không dính dáng tới lời rao giảng tiên khởi, tới cốt lõi của mạc khải Kitô Giáo.


Vấn:    Ngày nay có loại thánh chiến Kitô Giáo nào có ý nghĩ ahay chăng?

 

Đáp:   Tôi không nghĩ thế. Tuy nhiên, việc kiên trì chống cự, một việc không cần tới, nhưng có thể sử dụng võ lực, là những gì có thể khả chấp trong việc chống lại những ai đe dọa, “manu armata”, nền hòa bình quốc tế.


Vấn:    Ngày nay, việc nói tới vấn đề jihad có gây ra nguy cơ khiến cho cuộc đối thoại giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo trở nên khó khăn hơn hay chăng?

 

Đáp:   Mục đích của vấn đề đối thoại là gì? Tôi nghĩ rằng, đó là để hiểu biết nhau hơn, tiến tới một trình độ cao hơn về sự thật. Bởi vậy, sự thật, hay sự chân thành về tri thức, tối thiểu là những gì căn bản. Thật vậy, nó là một điều kiện thiết yếu cho vấn đề đối thoại.

 

Đó là lý do tôi muốn lột mặt một số dẫn giải viên, thành phần, ở đằng sau những vặn vẹo về ngôn từ, đã che đậy đi sự thật về lịch sử, pháp lý và thần học được chất chứa nơi đề tài jihad.


Vấn:    Đức Giáo Hoàng đã nói gì ở Regensburg khi ngài nói đến bài của Manuel II Palaeologus liên quan tới những đề tài này?

 

Đáp:   Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã rất rõ ràng: Đức tin và sự thật là những gì có thể đề ra và truyền bá giữa lý trí với nhau và giữa tâm can với nhaug, bằng một trao đổi hỗ tương của trí khôn, tôi tin là như thế.

 

Bởi thế, việc “sử dụng gươm giáo” để truyền bá tôn giáo của mình là một thứ phản đề quái gở đối với Logos, với Lý Trí, tức là với Thiên Chúa.

 

Và việc đáp ứng dữ dội đối với những lời của Ngài, thảm thương thay, lại là một thứ khẳng định cưỡng ép nhưng “trọn hảo” về lời nói của Ngài.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/6/2007

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ