GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ HAI 16/7/2007

TUẦN 15 THƯỜNG NIÊN

 

?   Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Áo Đức Bà Carmêlô, một bảo vật cho Giáo Hội... Tôi cũng đeo Áo Đức Bà Carmêlô trước ngực một thời gian rất lâu!

?  Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi ”  là không đúng sự thật.

?  Sự thật là một yếu tố nền tảng cho công cuộc phát triển vững bền đất nuớc

 

 

 

?  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Áo Đức Bà Carmêlô, một bảo vật cho Giáo Hội... Tôi cũng đeo Áo Đức Bà Carmêlô trước ngực một thời gian rất lâu!

3.- … Đối với các phần tử của Gia Đình Dòng Carmêlô thì Mẹ Maria, Vị Trinh Mẫu của Thiên Chúa và loài người, chẳng những là một mô phạm để bắt chước, mà còn hiện diện như là một Người Mẹ và Người Chị đáng tin tưởng cậy trông. Thánh Têrêsa Giêsu đã có lý để thúc giục các chị em dòng của mình là: “Chị em hãy bắt chước Đức Mẹ, hãy coi Mẹ cao cả là dường nào, và việc chúng ta nhận Người là Quan Thày của mình là một điều tốt lành biết bao” (Interior Castle, III, 1, 3).

4.- Cuộc sống thiết tha với Mẹ Maria ấy, một cuộc sống được thể hiện nơi việc tin tưởng nguyện cầu, nhiệt thành chúc tụng và tỉ mỉ bắt chước, giúp cho chúng ta hiểu được lý do tại sao hình thức tôn sùng chân thực nhất đối với Đức Trinh Nữ, một việc tôn sùng được bộc lộ nơi dấu hiệu Giây Đức Bà Carmêlô thô sơ, đó là việc tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ (xem Đức Piô XII, Bức Thư Neminem Profecto Latet [11-2-1950: AAS 42, 1950, pp. 390-391]; Hiến Chế Lumen Gentium, 67). Thực hiện điều này, tâm hồn sẽ lớn lên trong sự hiệp thông và thân tình với Đức Trinh Nữ, “như một cách sống mới đối với Thiên Chúa cũng như tiếp tục cách sống yêu mến của Chúa Giêsu trên thế gian đối với Mẹ Maria của Người” (xem Huấn Từ Buổi Nguyện Kinh Truyền Tin trong Insegnamenti XI/3, 1988, p. 173). Bởi đó, như chân phước tử đạo Dòng Carmêlô Titus Brandsma diễn tả, chúng ta sống hòa hợp sâu xa với Mẹ Maria Thiên Mẫu, và, như Mẹ, chúng ta trở nên những người thông truyền sự sống thần linh: “Chúa cũng sai thiên thần của Ngài đến với chúng ta… cả chúng ta cũng phải chấp nhận Thiên Chúa nơi tâm hồn của mình, nuôi dưỡng Ngài và làm cho Ngài lớn lên trong chúng ta, để Ngài được hạ sinh từ chúng ta và sống với chúng ta như Vị Thiên Chúa ở với chúng ta” (theo bản tường trình về Chân Phước Titus Brandsma trong Hội Nghị Thánh Mẫu Học ở Tongerloo, 8/1936).

Qua giòng thời gian, với việc phổ biến lòng tôn sùng Giây Thánh Đức Bà, gia sản Thánh Mẫu phong phú này đã trở thành một bảo tàng cho cả Giáo Hội. Nơi tính cách thô sơ của nó, nơi giá trị về nhân loại học của nó cùng với mối liên hệ của nó với vai trò của Mẹ Maria liên quan với Giáo Hội và nhân loại, việc tôn sùng này đã được Dân Chúa hưởng ứng một cách hết sức nồng nhiệt và rộng rãi, đến nỗi nó đã được thể hiện qua việc tưởng niệm vào ngày 16/7 theo lịch phụng vụ của Giáo Hội hoàn vũ.

5.- Dấu hiệu Giây Đức Bà Carmêlô cho thấy một tổng lược hay ho về linh đạo Thánh Mẫu, một linh đạo nuôi dưỡng lòng tôn sùng của các tín hữu và làm cho họ cảm nhận được sự hiện diện âu yếm của Vị Trinh Mẫu nơi đời sống của họ. Giây Đức Bà Carmêlô thực sự là một “chiếc áo dòng” (“habit”). Những ai lãnh nhận chiếc áo dòng này thì không nhiều thì ít được liên kết chặt chẽ với Dòng Carmêlô và hiến thân phụng sự Đức Bà cho lợi ích của toàn thể Giáo Hội (xem “Formula of Enrolment in the Scapular”, in the Rite of Blessing of and Enrolment in the Scapular, được Thánh Bộ Phượng Tự Và Bí Tích chuẩn nhận ngày 5/1/1996). Những ai mặc Áo Đức Bà Carmêlô, nhờ đó, được đưa vào mảnh đất Carmêlô, để họ được “thưởng thức hoa trái của nó cùng với những sự tốt lành của nó” (x Jer 2:7), cũng như cảm nghiệm được sự hiện diện âu yếm và từ mẫu của Mẹ Maria trong việc họ dấn thân hằng ngày để được mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, cũng như để tỏ hiện Người ra qua cuộc sống của họ cho lợi ích của Giáo Hội và toàn thể nhân loại (xem “Formula of Enrolment in the Scapular”, cit.).

Bởi thế, dấu hiệu Áo Đức Bà Carmêlô gợi lên cho thấy hai chân lý: chân lý thứ nhất đó là việc liên lỉ bảo vệ của Đức Trinh Nữ, chẳng những trong cuộc hành trình của cuộc sống mà còn vào giây phút bước đến cõi trường vinh toàn mãn; chân lý thứ hai đó là nhận thức rằng lòng tôn sùng Mẹ không chỉ giới hạn vào các kinh nguyện và những cách thức tôn kính Mẹ ở một số dịp, mà phải trở thành một “thói quen” - “habit”, (biệt chú của người dịch: ở đây ĐTC dùng chữ “habit”, theo tiếng Anh, vừa có nghĩa là “áo dòng”, như Ngài đã nói đến ở trên, lại vừa có nghĩa là “thói quen”), tức là, một hướng chiều thường xuyên nơi tác hành của người Kitô hữu, một hướng chiều liên kết giữa việc cầu nguyện và đời sống nội tâm, qua việc năng lãnh nhận các bí tích, với những việc làm cụ thể nơi hoạt động từ thiện về phương diện tinh thần cũng như vật chất. Có như thế, Áo Đức Bà Carmêlô mới trở thành một dấu hiệu “giao ước” và cho thấy mối hiệp thông với nhau giữa Mẹ Maria và người tín hữu: thật vậy, nó là một việc chuyển dịch cụ thể cái ý nghĩa của tặng ân Mẫu Thân được Chúa Giêsu trên thập giá trao ban cho tông đồ Gioan, và qua vị tông đồ này, cho tất cả chúng ta, và cả ý nghĩa việc trao phó vị Tông Đồ yêu dấu này cùng với chúng ta cho Mẹ, Vị đã trở nên Mẹ thiêng liêng của chúng ta.

6.- Mẫu gương sáng ngời của linh đạo Thánh Mẫu này, một linh đạo khuôn đúc nội tâm con người và làm cho họ nên giống Chúa Kitô, trưởng tử của nhiều anh em, là chứng từ cho thấy sự thánh thiện và khôn ngoan nơi rất nhiều vị thánh của Dòng Carmêlô, tất cả những vị này đã lớn lên dưới bóng phủ và trong sự chở che của Người Mẹ các vị.

Tôi cũng đeo Áo Đức Bà Carmêlô trước ngực một thời gian rất lâu! Vì yêu mến Vị Thiên Mẫu chung của chúng ta, Đấng Tôi luôn cảm nghiệm được việc Người bảo vệ chở che, Tôi tin rằng năm Thánh Mẫu này sẽ giúp cho tất cả mọi tu sĩ nam nữ Carmêlô và tín hữu đạo hạnh có lòng tôn kính Mẹ với tình con thảo được lớn lên trong tình yêu của Người, và chiếu tỏa cho thế giới thấy sự hiện diện của Người Nữ thầm lặng và nguyện cầu này, một Người Nữ được kêu cầu như Mẹ Tình Thương, Mẹ Hy Vọng và Ân Sủng…



(Thư ĐTC Gioan Phaolô II gửi Dòng Carmêlô cả hai ngành OCD và O.Carm., đề ngày 25/3/2001,
nhân dịp kỷ niệm 750 năm Áo Đức Bà Carmêlô.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ
Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 4/4/2001)

 

 

TOP

 

?  Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi ”  là không đúng sự thật.

Tòa Giám Mục

22, Trần Phú

Nha Trang                                            

                                                           Nha Trang, ngày 7 tháng 7 năm 2007

 Thư minh xác của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

         về lời tuyên bố của Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết

 

Kính thưa Cụ Chủ Tịch Nước,

Thay mặt Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi kính gửi lời thăm Cụ và thưa Cụ việc sau đây :

Nhân đọc trong báo “Tuổi Trẻ,“ số ra ngày 6 tháng 7 năm 2007, tại trang 3, liên quan đến vụ xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhận định như sau :

Câu trả lời của Cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Tòa Thánh Vatican cũng đồng tình với chúng tôi ”  là không đúng sự thật.

 Kính chúc Cụ sức khỏe. 

TM. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

+ Phaolô Nguyễn Văn Hòa

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

 

TOP

 

 

?  Sự thật là một yếu tố nền tảng cho công cuộc phát triển vững bền đất nuớc

 

Kính gởi Báo Công Giáo và Dân Tộc

và các cơ quan truyền thông công giáo VN

1.  Tôi nghĩ rằng sự thật là một yếu tố nền tảng cho công cuộc phát triển vững bền đất nuớc, xây dựng các mối quan hệ xã hội thành một sức mạnh cho công cuộc phát triển đó.  Tôi cũng nghĩ rằng, theo giáo huấn của Giáo Hội công giáo từ Công Đồng Vatican II đến nay, chức năng của cơ quan truyền thông công giáo là thông truyền trung thực sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa, về con người và cuộc sống, nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng nói trên, đồng thời nhằm loan truyền Chúa Giêsu Kitô là sự thật trọn vẹn về Thiên Chúa và con người, là sự thật mang ánh sáng khôn ngoan và sự bình an cho mọi người trong xã hội đang biến chuyển và trong thế giới toàn cầu hoá hôm nay.

2.  Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi nầy nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi là sự thật bị cắt xén, bị bóp mép, thêm râu ria, có khi là sự thật một chiều, một mặt.  Phải chăng nguyên nhân là do quan điểm cho rằng sự thật chỉ là những gì có lợi cho mình?  Hoặc do cái nhìn bị giới hạn bởi hoàn cảnh?  Hoặc do nỗi sợ hãi nào đó thường núp bóng sau lưng những hình thức bạo lực?  Và hậu quả trước mắt là dễ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, hoặc gây nhiễu và làm biến chất những mối quan hệ xã hội. 

3.  Để minh họa cho thực tế trên, tôi chia sẻ kinh nghiệm qua vài trường hợp liên hệ ít nhiều đến tôi.

(1)  Năm 1998, tôi mới về Thành phố nầy, dịp lễ Giáng Sinh, tôi đi cử hành lễ tại một giáo xứ thôn quê, xa trung tâm TP, vì cha xứ già yếu, bệnh tật.  Báo đài thông tin là đêm Giáng Sinh tôi hành lễ tại Nhà Thờ Chánh Toà, có đông đảo người dự. 

(2)  Năm 2003, sau khi dự lễ phong Hồng Y ở Roma và dự Đại hội HĐGM Mỹ, với tư cách là Hồng Y, tôi đến chào thăm Thủ Tướng VN.  Người tiếp tôi là Phó Thủ Tướng Vũ Khoan.  Trước tiên, ông kể cho tôi nghe về chuyến thăm Nước Mỹ của ông,  Sau đó tôi có kể cho ông về chuyến đi thăm của tôi.  Tôi có thông tin cho ông là HĐGM Mỹ và Tổng Thống Clinton cùng có chủ trương hoà giải giữa 2 bên trước đã từng sát hại lẫn nhau.  Tôi có gặp Bộ Ngoại giao Mỹ và góp ý rằng chủ trương hoà giải đòi hỏi phải được thể hiện qua con đường đối thoại trong sự tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác lành mạnh và xây dựng.  Cái mình đọc phải được bổ sung bằng cái nhìn vào thực tế cuộc sống, cái trao đổi rộng rãi nhằm nắm bắt sự thật đầy đủ hơn, sự thật về cuộc sống, về lòng người.  Sau đó, báo đài chỉ thông tin đơn giản rằng tôi hứa cộng tác vào công việc xây dựng đất nước.

(3)  Tháng 6.2007, tôi đọc một bài báo của Công Giáo và Dân Tộc mà EDA dịch và đăng tải.  Đọc xong, tôi có ý kiến với EDA là bài báo đó chỉ nói một mặt, một phần của sự thật, theo suy nghĩ một chiều của cá nhân.  Có những trường hợp, nói một nửa sự thật, nói một chiều, cắt xén hay thêm thắt,   trở thành cách lừa đảo và ăn gian hay nhất.  Đăng tải là phạm tội đồng loã.  Nhưng Chúa có kết tội hay không là tùy có ý thức và cố tình hay không.

(4)  Tháng 7.2007 này, báo ở đây có đăng tải câu chuyện CNN phỏng vấn Chủ Tịch Nước VN, với những thêm thắt, không đúng với sự thật, liên hệ đến HĐGM.VN, làm cho Đức Cha Chủ Tịch phải băn khoăn và bận tâm đính chánh chuyện mà người thì cho là nghiêm trọng, kẻ khác cho là chuyện cơm bữa hằng ngày. 

4.  Những kinh nghiệm đó dần dần biến nhiều người thành Tào Tháo, thường xuyên sống trong đa nghi và nghị kỵ lẫn nhau.  Thế nhưng, đối với người dè dặt, nó cho thấy rằng làm gì có sự thật toàn vẹn trong xã hội ngày nay, chỉ có sự thật một chiều, một mặt, sự thật ảo, và sự thật cần thời gian để xuất hiện dần dần cách đầy đủ hơn. 

5.  Điều tôi ước mong là cơ quan truyền thông công giáo không bao giờ biến người tín hữu thành kẻ đa nghi đối với chính Chúa và gia đình Giáo Hội của mình, thành Tào Tháo đối với anh em đồng bào và đồng loại của mình.  Hãy luôn ý thức và trung thành với chức năng  của mình, vì sự nghiệp của đất nước, vì sứ vụ loan truyền sự thật Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá con người.

TP. HCM, 10.7.2007

Gioan B. Phạm Minh Mẫn

Hồng Y Tổng Giám mục

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ