GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 10/8/2007

TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: III - NỘI DUNG CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (25-32)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO (21-25)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Các Mầm Mống Thần Linh

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: III - NỘI DUNG CỦA VIỆC TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (25-32)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

25.  Nội Dung Chính Yếu và các Yếu Tố Phụ Thuộc

 

Nơi sứ điệp Giáo Hội loan báo chắc chắn có nhiều yếu tố phụ thuộc. Việc trình bày về chúng lệ thuộc rất nhiều vào những hoàn cảnh đổi thay. Tự chúng cũng thay đổi nữa. Thế nhưng, dầu sao vẫn có một nội dung chính yếu, một bản chất sống động, là những gì không thể điều chỉnh hay bỏ qua mà không làm cho bản chất của chính việc truyền bá phúc âm hóa bị loãng nhạt một cách trầm trọng.

 

26.  Làm Chứng cho Tình Yêu của Chúa Cha

 

Cũng không phải là dư thừa khi nhớ lại những điều sau đây: Truyền bá phúc âm hoá trước hết là việc làm chứng, bằng một đường lối đơn thành và trực tiếp, cho Thiên Chúa được mạc khải nơi Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Linh; là làm chứng rằng, nơi Con của Ngài, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian - rằng nơi Lời Nhập Thể, Ngài đã ban tất cả mọi sự và đã kêu gọi con người đến sự sống đời đời. Chứng cớ về Thiên Chúa này, đối với nhiều người, có lẽ Ngài vẫn còn là một vị Thiên Chúa vô danh (x.Acts 17:22-23), Đấng mà họ tôn thờ chẳng có danh tánh gì cả, hay cũng là Đấng họ tìm kiếm theo tiếng gọi âm thầm của con tim, khi họ cảm thấy cái rỗng không nơi các thần tượng. Thế nhưng, việc truyền bá phúc âm hóa trọn vẹn ở nơi việc biểu lộ sự kiện là, đối với con người, Đấng Hóa Công không phải là một quyền lực vô danh và xa vời nào đó; Ngài là một Người Cha: "... mà chúng ta được gọi là con cái của Thiên Chúa; và chúng ta thực sự là thế" (1Jn.3:1; x.Rm.8:14-17). Như vậy thì chúng ta là anh chị em của nhau trong Thiên Chúa.

 

27.  Ơn Cứu Độ nơi Chúa Kitô là Cốt Lõi của Sứ Điệp

 

Việc truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ luôn luôn chất chứa - như nền tảng, trọng tâm và đồng thời cũng là tột đỉnh cơ cấu của nó - một loan báo minh nhiên là, nơi Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, Đấng đã chết và sống lại từ trong kẻ chết, ơn cứu độ được hiến ban cho tất cả mọi người như một tặng vật của ân sủng và tình thương Thiên Chúa (x.Eph.2:8; Rm.1:16...). Không phải là một ơn cứu độ sẵn có, đáp ứng những nhu cầu thể chất hay ngay cả nhu cầu tâm linh, hạn hữu trong một hoàn cảnh hiện hữu tạm bợ và hoàn toàn đồng nhất với những ước ao, hy vọng, công cuộc và đấu tranh trần thế, mà là một ơn cứu độ vượt trên tất cả mọi giới hạn này, để tiến đến mức hoàn trọn trong sự hiệp thông với Đấng Tối Cao thần linh duy nhất: một ơn cứu độ siêu việt và cánh chung, được khởi sự ở đời này song được nên trọn ở đời đời.

 

28.  Qua Dấu Chỉ Hy Vọng

 

Như thế, việc truyền bá phúc âm hóa không gồm tóm một cái gì khác ngoài việc loan báo hướng về đời sau, một tiếng gọi tối hậu và sâu xa của con người, trong cả mối liên tục cũng như bất liên tục với hoàn cảnh hiện tại: vượt ra ngoài thời gian và lịch sử, ra ngoài thực tại chuyển tiếp của thế giới này, và ra ngoài cả những sự vật của thế giới này, của một thế giới mà chiều kích sâu nhiệm một ngày kia sẽ được tỏ hiện - ra ngoài chính con người mà định mệnh chân thực của họ không bị hạn chế vào phương diện trần thế của họ, trái lại sẽ được tỏ hiện trong một cuộc sống mai hậu (x.1Jn.3:2; Rm.8:29; Phil.3:20-21...). Thế nên, truyền bá phúc âm hóa cũng gồm tóm cả việc rao giảng về một niềm hy vọng nơi những gì Thiên Chúa hứa hẹn ở Giao Ước mới trong Chúa Giêsu Kitô; việc rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa; việc rao giảng về tình yêu huynh đệ đối với tất cả mọi người - một khả năng của ban phát và thứ tha, của bỏ mình, của giúp đáp anh chị em mình - một tình yêu, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, là mầm mống của Phúc Âm; việc rao giảng về mầu nhiệm sự dữ và về sự chủ động tìm kiếm sự thiện. Cũng thế, việc rao giảng về cuộc tìm kiếm Chính Thiên Chúa - đây là một việc luôn luôn khẩn trương - qua nguyện cầu, với tác động thiết yếu là tôn thờ và tạ ơn, mà còn qua cả việc hiệp thông với dấu hiệu hữu hình là Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô để gặp gỡ Thiên Chúa; và cuộc hiệp thông này, về phần nó, được diễn đạt bằng việc ứng dụng những dấu hiệu khác của Chúa Kitô sống động và tác hành trong Giáo Hội đó là các bí tích. Để sống các bí tích như thế, làm cho việc cử hành các bí tích này được thực sự nên trọn, thì không phải là, như có một số người chủ trương, làm ngăn trở hay chấp nhận một cái gì sai trệch với việc truyền bá phúc âm hóa: trái lại nó làm hoàn tất việc truyền bá phúc âm hóa. Bởi vì, xét theo toàn diện, việc truyền bá phúc âm hóa - trước hết là việc rao giảng một sứ điệp - bao gồm việc trồng cấy Giáo Hội, một Giáo Hội hiện hữu không thể nào thiếu được động lực là đời sống bí tích, lên đến tuyệt đỉnh nơi Bí Tích Thánh Thể (x.Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Declaraio circa Catholicam Doctrinam de Ecclisia contra ninnullos errores hodiernos tuendam, 6-24-1973: AAS 65, pp, 396-408).

 

29.  Sứ Điệp Tác Dụng Đời Sống Con Người

 

Thế nhưng, việc truyền bá phúc âm hóa sẽ không hoàn toàn, nếu nó không nhắm đến việc liên lỉ giao kết giữa Phúc Âm và cuộc sống thực tiễn của con người, cả về phương diện cá nhân cũng như cộng đồng. Đây là lý do tại sao việc truyền bá phúc âm hóa bao gồm một sứ điệp minh nhiên, thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau được liên tục hiện thực, về những quyền lợi và nhiệm vụ của mọi con người, về đời sống gia đình mà nhờ đó việc tăng trưởng và phát triển cá nhân được thực hiện (x. Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, 47-52), về đời sống trong xã hội, về đời sống quốc tế, hòa bình, công chính và phát triển - một sứ điệp về việc giải phóng đặc biệt hào hứng hiện nay.

 

30.  Sứ Điệp về Việc Giải Phóng

 

Đây là một từ ngữ quá quen thuộc mà nhiều vị giám mục ở khắp các đại lục có mặt trong Thượng Hội Giám Mục Thế Giới vừa qua, nhất là các vị giám mục ở Thế Giới Thứ Ba, nhấn mạnh thay cho tiếng nói của triệu triệu con cái nam nữ của Giáo Hội làm nên những dân tộc ấy. Như chúng ta biết, các dân tộc đang tận lực gắng sức và chiến đấu để thắng vượt những gì áp buộc họ cứ phải sống bên lề cuộc đời: như đói khát, bệnh tật kinh niên, nạn mù chữ, bần cùng, những bất công nơi các liên hệ quốc tế và nhất là nơi những giao dịch về thương mại, những trường hợp tân thực dân về kinh tế và văn hóa đôi khi cũng dữ tợn như chủ nghĩa thuộc địa cũ. Như các vị giám mục lập đi lập lại, Giáo Hội có nhiệm vụ phải loan báo việc giải phóng cho triệu triệu con người, trong đó nhiều người là con cái của Giáo Hội – có nhiệm vụ tiếp tay giúp vào việc chào đời của cuộc giải phóng này, giúp vào việc làm chứng cho nó, giúp vào việc bảo đảm đạt thành nó. Đây không phải là một cái gì xa lạ đối với việc truyền bá phúc âm hóa.

 

31.  Cần Phải Liên Quan tới Việc Tiến Bộ của Con Người

 

Giữa việc truyền bá phúc âm hóa và việc thăng tiến của con người - việc phát triển và giải phóng - thực sự có những liên hệ sâu xa. Hai việc này bao gồm những liên hệ theo trật tự nhân loại, vì con người được truyền bá phúc âm hóa không phải là một hữu thể trừu tượng, mà là một chủ thể trước những vấn đề xã hội và kinh tế. Hai việc này cũng bao gồm những liên hệ theo trật tự thần học, vì con người không thể nào tách chương trình tạo dựng ra khỏi chương trình Cứu Chuộc được. Chương trình cứu chuộc chạm đến những hoàn cảnh rất thực tiễn của sự bất chính phải được đối chọi cũng như của sự công chính phải được phục hồi. Cả hai việc này bao gồm những liên hệ của trật tự phúc âm cao cả là trật tự của đức ái: thật vậy, người ta làm sao có thể loan báo một giới răn mới mà lại không cổ động, trong công chính và an bình, một mức thăng tiến đích thực của con người được chăng? Chính Chúng Tôi phải để ý đến việc làm sáng tỏ vấn đề này, bằng cách nhắc lại là, không thể nào chấp nhận được vấn đề, “nơi việc truyền bá phúc âm hóa, người ta có thể, hay cần phải bỏ qua không để ý tới, tầm quan trọng của những vấn đề được bàn đến rất nhiều hiện nay, liên quan đến công lý, giải phóng, tiến bộ và hòa bình trên thế giới. Làm như thế là quên đi bài học dạy chúng ta trong Phúc Âm về việc quan tâm đến tình yêu thương tha nhân của chúng ta, những người đang chịu khổ đau và thiếu thốn” (Đức Phaolô VI, Diễn Từ khai mạc Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Thường Lệ Lần Thứ Ba, 27/9/1974, AAS 66 – 1974, p. 562).

 

Cũng có những lời phát biểu nhiệt tình, khôn ngoan và can đảm nói lên trong Thượng Hội Giám Mục về đề tài nóng bỏng này, làm cho chúng tôi hết sức vui mừng, đã cung cấp những nguyên tắc minh tường để hiểu biết xác đáng tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của việc giải phóng, như nó đã được Chúa Giêsu Nazarét loan báo và chiếm đạt, cũng như nó đã được Giáo Hội rao giảng.

 

32.  Không Suy Giảm hay Mập Mờ

 

Chúng ta không được bỏ qua sự kiện là có nhiều  Kitô hữu, thậm chí những Kitô hữu phóng khoáng, thành phần nhậy cảm trước những thảm trạng cần đến vấn đề giải phóng, theo ý họ muốn Giáo Hội dấn thân cho nỗ lực giải phóng, thường có chiều hướng giảm thiểu sứ mệnh của Giáo Hội xuống tới những chiều kích của một dự án thuần túy trần gian. Họ muốn kéo đích điểm của Giáo Hội xuống mục tiêu lấy con người làm chính; họ muốn giảm ơn cứu độ do Giáo Hội là sứ giả xuống tầm mức phúc hạnh về thể chất. Họ muốn hoạt động của Giáo Hội, dẹp đi tất cả những bận tâm về phần thiêng liêng và đạo nghĩa, trở thành những công cuộc sáng tạo về phương diện chính trị và xã hội. Thế nhưng, nếu vậy thì Giáo Hội sẽ mất đi ý nghĩa trọng yếu của mình. Sứ điệp giải phóng của Giáo Hội không còn tính chất nguyên tuyền và sẽ dễ dàng trở thành độc đoán và áp đảo bởi những ý hệ cùng những đảng phái chính trị. Giáo Hội sẽ không còn thẩm quyền để nhân danh Chúa loan báo tự do nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi, trong cùng bài diễn từ khai mạc Thượng Hội Giám Mục, muốn nhấn mạnh đến “việc cần phải nói lại cho rõ mục đích đặc biệt về tôn giáo nơi việc truyền bá phúc âm hoá. Việc truyền bá phúc âm hóa sẽ mất đi lý do hiện hữu nếu nó lìa khỏi cái trục tôn giáo xoay vần nó: vương quốc của Thiên Chúa, trước hết, là ở ý nghĩa hoàn toàn thần học…” (ibid.)

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN

GIÁO (21-25)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

"Vào lúc tuyệt đỉnh sứ vụ thiên sai của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần đã tỏ mình ra nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng tất cả chủ thể thần linh của mình: như là một Đấng đang tiếp tục công việc cứu độ được bắt đầu nơi hy tế Thập Giá. Thực ra, Chúa Giêsu đã trao phó cho loài người công việc này, tức cho các vị Tông Đồ, cho Giáo Hội. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân siêu việt và chính yếu nơi các Vị và qua các Vị trong vấn đề hoàn thành công việc ấy, trong tâm linh nhân loại cũng như trong lịch sử thế giới” (Thông Điệp Dominum et Vivificantem – ngày 18/5/1986 – đoạn 42: AAS 78 – 1986 – 857).

 

Chúa Thánh Thần thực sự là tác nhân chính yếu cho toàn thể sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Tác động của Ngài nổi bật trong việc truyền giáo ad gentes, như chúng ta đã thấy nơi Giáo Hội sơ khai: như trường hợp trở lại của gia đình Cornêliô (x. Acts 10), trường hợp giải quyết các rắc rối xẩy ra (x. Acts 15), trường hợp chọn lựa các vùng cũng như các dân để truyền bá phúc âm hóa (x. Acts 16:6ff). Thần Linh đã làm việc qua các Vị Tông Đồ, thế nhưng, Ngài cũng đồng thời tác động cả nơi những ai nghe các Vị nói nữa: “Nhờ tác động của Ngài, Tin Mừng được hình thành nơi tâm trí con người và được lan truyền qua giòng lịch sử. Chính Thánh Linh là Đấng ban sự sống đã làm việc này” (Ibid., đoạn 64: loc. cit., 892).

 

Được Sai Đi “Đến Tận Cùng Trái Đất”

 

22-       Tất cả các Thánh Ký, khi trình thuật về việc Chúa Kitô Phục Sinh gặp gỡ các Tông Đồ của Người, đều kết luận bằng một “lệnh truyền giáo”: “Thày được toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy các con hãy đi tuyển mộ các môn đồ nơi mọi dân nước, ... này đây, Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:18-20; x. Mk. 16:15-18; Lk 24:46-49; Jn 20:21-23).

 

Đó là một việc sai Thần Linh đến, như rõ ràng thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan: Chúa Kitô đã sai những người của mình vào thế gian, như Cha đã sai Người, bởi vậy mà Người đã ban Thần Linh cho các vị. Về phần mình, Thánh Luca nối kết chặt chẽ giữa việc các Vị Tông Đồ phải làm chứng cho Chúa Kitô với hoạt động của Thần Linh, Đấng giúp các vị hoàn thành mệnh lệnh truyền giáo mà các vị đã lãnh nhận.

 

23-            Những câu Phúc Âm khác nhau về “lệnh truyền giáo” đều chất chứa những yếu tố chung cũng như những đặc tính thích hợp với nhau. Tuy nhiên, có hai yếu tố ở trong tất cả các câu Phúc Âm này. Yếu tố thứ nhất, có một chiều kích phổ quát đại đồng nơi công việc được trao phó cho các Vị Tông Đồ, thành phần được sai đến với “tất cả mọi dân nước” (Mt 28:19); được sai “đi khắp thế giới ... cho mọi tạo vật” (Mk 16:15); được sai đến với “mọi dân nước” (Lk 24:47); “cho tới tận cùng trái đất” (Acts 1:8). Yếu tố thứ hai, đó là lời Chúa bảo đảm với các Vị Tông Đồ rằng các Vị sẽ không đơn độc làm việc này một mình, song các Vị sẽ nhận được sức mạnh và phương tiện cần thiết để thực hiện sứ vụ của các Vị. Điều muốn nói đến ở đây là việc hiện diện và quyền năng của Thần Linh cùng với ơn trợ giúp của chính Chúa Giêsu: “Thế rồi các Vị ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng làm việc với các Vị” (Mk 16:20).

 

Đối với những điểm nhấn mạnh khác nhau nơi mỗi bản văn Phúc Âm, Thánh Marcô cho thấy truyền giáo như là việc loan báo hay là việc rao giảng tiên khởi: “Các con hãy rao giảng Phúc Âm” (Mk 16:15). Mục đích của Người là dẫn thính giả đến việc lập lại lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô: “Thày là Đức Kitô” (Mk 8:29), cũng như đến việc tuyên xưng như viên đại đội trưởng Rôma khi đứng trước thân xác của Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Người này thực là Con Thiên Chúa!” (Mk 15:39). Nơi Phúc Âm Thánh Mathêu, việc truyền giáo được đặt nặng trên nền tảng Giáo Hội và căn cứ vào Giáo Huấn của Giáo Hội (x. Mt 28:19-20; 16:18). Theo Người, lệnh truyền giáo nói lên rằng việc loan truyền Phúc Âm cần phải được hoàn tất bằng việc đặc biệt dạy giáo lý về giáo hội và về các bí tích. Nơi Phúc Âm Thánh Luca, việc truyền giáo được cho thấy như là một việc làm chứng (x. Lk 24:48; Acts 1:8), đặc biệt làm chứng cho Biến Cố Phục Sinh (x. Acts 1:22). Nhà truyền giáo được mời gọi tin tưởng vào quyền năng biến đổi của Phúc Âm, cũng như được mời gọi để loan báo điều Thánh Luca trình bày rất khéo, đó là loan báo việc trở về với tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, một cảm nghiệm thấy  mình hoàn toàn được giải phóng khỏi căn gốc của mọi sự dữ là tội lỗi.

 

Thánh Gioan là Thánh Ký duy nhất minh nhiên nói về “lệnh truyền”, một chữ tương đương với “sứ vụ”. Thánh Ký trực tiếp liên kết sứ vụ Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đệ của Người với sứ vụ chính Người đã lãnh nhận từ Cha: “Như Cha đã sai Thày thế nào Thày cũng sai các con như vậy” (Jn 20:21). Khi thân thưa cùng Cha của mình, Chúa Giêsu nói: “Như Cha đã sai Con vào thế gian thế nào, Con cũng sai họ vào thế giới như vậy” (Jn 17:18). Tất cả ý nghĩa về việc truyền giáo nơi Phúc Âm Thánh Gioan đều được diễn tả trong “lời cầu tư tế”: “Sự sống đời đời là thế này, đó là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cha sai” (Jn 17:3). Mục đích tối hậu của việc truyền giáo là giúp cho con người được thông phần vào mối hiệp thông giữa Cha và Con. Các môn đệ phải sống hiệp nhất với nhau, khi ở lại trong Cha và Con, để làm cho thế giới nhận biết và tin tưởng (x. Jn 17:21-23). Đây là một bản văn về truyền giáo rất quan trọng. Bản văn này làm cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta là các nhà truyền giáo trước hết bởi cái chúng ta là, là một Giáo Hội với sự sống nội tại hiệp nhất trong yêu thương, ngay trước cả khi chúng ta trở nên những nhà truyền giáo bằng lời nói hay việc làm.

 

Vì thế, bốn Phúc Âm đều làm chứng cho thấy tính cách đa dạng nào đó trong mối hiệp nhất căn bản của cùng một sứ vụ, một tính cách đa dạng phản ảnh những cảm nghiệm và trường hợp khác nhau nơi các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi. Tính cách đa dạng này cũng là kết quả bởi lực đẩy của chính Thần Linh; tính cách đa dạng này khuyến khích chúng ta chú trọng tới những gì khác nhau nơi các đặc sủng truyền giáo cũng như tới những gì khác nhau nơi các hoàn cảnh và dân tộc. Tuy nhiên, Thánh Ký nào cũng nhấn mạnh là sứ vụ của các môn đệ là sứ vụ cộng tác vào sứ vụ của Chúa Kitô: “Này đây Thày ở cùng các con luôn mãi cho đến tận thế” (Mt 28:20). Thế nên, việc truyền giáo không do bởi khả năng của con người mà do bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh.

 

Thần Linh Hướng Dẫn Việc Truyền Giáo của Giáo Hội

 

24-       Sứ vụ của Giáo Hội, giống như sứ vụ của Chúa Kitô, là việc của Thiên Chúa làm, hay như Thánh Luca thường nói, là việc của Thần Linh làm. Sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và Thăng Thiên, các Vị Tông Đồ cảm thấy có một mãnh lực làm biến đổi các vị, đó là cảm nghiệm Thánh Thần Hiện Xuống. Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống làm cho các vị trở thành những chứng nhântiên tri (x. Acts 1:8, 2:17-18). Biến cố này khiến cho các vị đầy những dũng lực can trường, thúc đẩy các vị truyền sang cho các người khác cảm nghiệm của mình về Chúa Giêsu và về niềm hy vọng kích động các vị. Thần Linh ban cho các vị khả năng làm chứng cho Chúa Giêsu một cách “kiên cường” (chữ Hy Lạp “parrhesia” cũng có nghĩa là nhiệt liệt hay hăng say; xem Acts 2:29, 4:13,29,31, 9:27-28, 13:46, 14:3, 18:26, 19:8,26, 28:31).

 

Khi những nhà truyền bá phúc âm hóa tiên khởi từ Giêrusalem ra đi, thì Thần Linh lại càng trở thành một “vị chỉ đạo”, giúp họ chọn lựa về thành phần họ phải đi tới và cả những nơi họ cần phải thực hiện cuộc hành trình của mình. Hoạt động của Thần Linh được biểu lộ đặc biệt nơi tác lực thúc đẩy để thực hiện việc truyền giáo, một việc truyền giáo, theo lời của Chúa Kitô, trải rộng từ Giêrusalem đến khắp Giuđêa và Samaria, cho tới tận cùng trái đất.

 

Sách Tông Vụ ghi nhận sáu bản tóm tắt về “những bài diễn giảng truyền giáo” được ngỏ cùng các người Do Thái trong thời gian Giáo Hội phôi thai (x. Acts 2:22-39, 3:12-26, 4:9-12, 5:29-32, 10:34-43, 13:16-41). Những bài giảng mẫu này được Thánh Phêrô và Phaolô phát ngôn, loan báo Chúa Giêsu và mời gọi những người nghe hãy “cải hối”, tức là mời gọi họ hãy lấy đức tin chấp nhận Chúa Giêsu và hãy để cho Thần Linh biến đổi họ trong Người.

 

Thánh Phaolô và Banabê được Thần Linh thúc đẩy đi đến với Dân Ngoại (x. Acts 13:46-48), một việc phát triển không phải là không có những căng thẳng và rắc rối. Làm sao những người Dân Ngoại này có thể sống niềm tin của mình vào Chúa Giêsu được? Họ có buộc phải tuân giữ các truyền thống Giuđa và luật cắt bì chăng? Ở Công Đồng Chung đầu tiên, một công đồng qui tụ những phần tử từ các Giáo Hội khác nhau lại họp với các Vị Tông Đồ ở Giêrusalem, vấn đề đã được giải quyết, một giải quyết được công nhận do Thần Linh soi sáng, đó là quyết định Dân Ngoại không cần phải giữ Luật Do Thái để trở thành Kitô hữu (x. Acts 15:5-11,28). Từ đó trở đi, Giáo Hội mở cửa ra, trở thành nhà cho tất cả mọi người được vào, một nhà ai cũng cảm thấy thân tình, trong khi đó họ vẫn sống theo văn hóa và những tập tục riêng của họ, nếu những điều này không trái với Phúc Âm.

 

25-       Các nhà truyền giáo tiếp tục đi con đường này, ở chỗ để ý đến các niềm hy vọng và ước mong của con người, để ý tới nỗi buồn thương và đau khổ của họ, cũng như đến văn hóa của họ, để loan báo cho họ ơn cứu độ nơi Chúa Kitô. Những bài diễn giảng ở Lystra và Nhã Điển (x. Acts 14:15-17, 17:22-31) được công nhận như những mẫu rao giảng đối với việc truyền bá phúc âm hóa cho Dân Ngoại. Trong hai bài diễn giảng này, Thánh Phaolô đi vào vấn đề “đối thoại” với các giá trị về văn hóa và tôn giáo của các dân nước khác nhau. Đối với dân Lycaoniô, một dân theo đạo thiên nhiên, thánh nhân chia sẻ các cảm nghiệm liên quan đến vũ trụ vạn vật. Đối với những người Hy Lạp, thánh nhân bàn đến triết lý và trích dẫn lời các thi sĩ của họ nói (x. Acts 17:18,26-28). Vị Thiên Chúa Thánh Phaolô muốn tỏ cho thấy đã hiện diện nơi đời sống của họ; thật vậy, Vị Thiên Chúa này đã tạo dựng nên họ và đang mầu nhiệm hướng dẫn các quốc gia và lịch sử. Thế nhưng, nếu họ nhận biết Vị Thiên Chúa chân thật ấy, họ phải loại trừ các thần giả tạo do họ làm nên, và phải hướng về Đấng được Thiên Chúa sai đến để chữa trị tình trạng vô tri của họ cũng như để làm thỏa nguyện các ước vọng của cõi lòng họ. Đó là những bài diễn giảng mẫu mực cho việc Phúc Âm hội nhập văn hóa.

 

Theo Thần Linh thúc đẩy, đức tin Kitô giáo cuối cùng đã hướng tới các “dân nước”. Chứng từ cho Chúa Kitô vươn tới những trung tâm quan trọng nhất ở vùng phía đông Địa Trung Hải rồi tới Rôma cũng như tới các miền xa ở Phía Tây. Chính Thần Linh là nguồn mạch thúc đẩy thực hiện một cuộc truyền giáo thực sự đại đồng này, chẳng những về địa dư mà còn vượt ra ngoài cả chủng tộc và tôn giáo.

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Các Mầm Mống Thần Linh

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Đ

úng thế, căn nguyên sâu xa tại sao Thiên Chúa “không thực hiện việc gieo Hạt Giống Thần Linh là việc ‘Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta’ (Jn 1:14) trước khi tất cả những đạo này xuất hiện, mà lại chính thức ra tay khởi sự làm công việc vô cùng quan trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của toàn thể loài người này nói chung và của dân Á Châu nói riêng, chỉ sau khi những đạo giáo nổi tiếng ấy đã ăn rễ thật sâu vào mảnh đất Á Châu, vào lòng dân Châu Á?” (trang 39), là vì Ngài muốn từ từ sửa soạn cho họ, cũng như Ngài đã thực hiện nơi dân Do Thái trong thời Cựu Ước, có khả năng đón nhận Chúa Giêsu Kitô là “tất cả sự thật” (Jn 16:14) mà Ngài muốn mạc khải cho chung con người cũng như cho riêng miền đất Á Châu sùng đạo của họ.

 

Không phải hay sao, lịch sử đã cho thấy một sự kiện hết sức hiển nhiên là, kể từ khiánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đã đến trong thế gian” (Jn 1:9) là “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14), thì không còn một đạo giáo chuyên biệt nào xuất hiện nữa. Nếu vậy thì trường hợp Hồi Giáo Islam ở thế giới Ả Rập vào thế kỷ thứ 7AD và Thọ Giáo Sikhism ở Ấn Độ vào thế kỷ 15AD thì sao? Thật ra, so với các tôn giáo chính yếu trước Chúa Kitô Giáng Sinh, (như được liệt kê ở trang 39), thì hai đạo này, ngoài chính bản thân vị giáo tổ, không có chi chuyên biệt cả, vì tín lý là những gì làm nên một tôn giáo, họ có những yếu tố tin tưởng được vay mượn và pha phôi, như cả hai đều chủ trương độc thần, mạc khải và tiên tri, giống hệt như Do Thái Giáo và Kitô Giáo có trước họ. Tính cách dung hợp theo thời điểm và địa điểm này của hai tôn giáo ấy giống như Phật Giáo Hòa Hảo ở Việt Nam.

 

Chính vì, theo nhiệm ý của Thiên Chúa, sẽ có một “ánh sáng thật chiếu soi hết mọi người đến trong thế gian” mà Ngài, qua “Thần Chân Lý” (Jn 14:17, 15:26, 16:13), đã làm cho hiện lên dần dần trên thế giới những ánh sáng mờ tỏ, được phát ra từ những khát vọng thần linh nơi con người cũng như từ những đường lối con người tìm kiếm để được cứu độ và siêu thoát qua các đạo giáo khác nhau của họ.

 

·        “Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo ‘các hạt giống Lời Chúa’ hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô”. (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 15)

 

·        “Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi các đạo giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm”. (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16)

 

Chính vì thế, ngay sau khi nói chuyện riêng với người phụ nữ Samaritanô ở bờ giếng Giacóp, Chúa Giêsu mới nói với các môn đệ của Người tại miền đất Samaria ngoại lai này rằng:

 

·        Các con hãy mở mắt xem kìa! Các cánh đồng lúa đang mơn mởn mùa màng... Thày đã sai các con đi gặt hái những gì các con không gieo vãi. Các người khác đã bỏ công ra và các con đến để thu tích phần việc của họ” (Jn 4:35, 38).

 

Tất nhiên, nói lời này, Chúa Giêsu không chỉ có ý nói đến đồng lúa Do Thái là nơi, khi còn sống, Người sẽ sai các môn đệ của Người đi: “Các con đừng đến các địa hạt dân ngoại, cũng đừng vào các tỉnh lị Samaria. Chi bằng các con hãy đến với các con chiên lạc Nhà Yến-Duyên” (Mt 10:6-7), mà còn có ý nói đến cả đồng lúa thế giới, một đồng lúa mênh mông Người sẽ sai các vị đi sau khi sống lại từ cõi chết:

 

·        Thày được toàn quyền trên trời dưới đất; bởi thế, các con hãy đi tuyển mộ môn đệ nơi tất cả mọi dân tộc. Các con hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Các con hãy dạy cho họ thi hành mọi sự Thày đã truyền cho các con” (Mt 28:18-20);

·        Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho tất cả mọi tạo vật. Người nào tin vào tin mừng và lãnh nhận phép rửa sẽ được cứu độ; người nào không chịu tin tưởng sẽ bị luận phạt” (Mk 16:15-16).

 

Song “các người khác đã bỏ công ra gieo” những gì, nếu không phải là mầm mống mà Thần Linh muốn gieo vãi:

 

·        Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục gieo vãi các hạt giống chân lý nơi tất cả mọi dân tộc, mọi tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ”. (xem các văn kiện Propositio, đoạn 11; Ad Gentes, đoạn 4 và 15; Lumen Gentium, đoạn 17; Gaudium et Spes, đoạn 11, 22 và 38; Redemptoris Missio, đoạn 28)

 

 

·        “Thần Linh đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những ‘hạt giống Lời Chúa’, được thể hiện nơi những khởi động của con người – bao gồm cả những khởi động về tôn giáo – cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa”. (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 11, 15; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93)

 

Lịch sử truyền giáo, nhất là tại Á Châu, đã hiển nhiên cho thấy, các vị thừa sai môn đệ của Chúa Kitô đã thực sự gặp thấy các Mầm Mống Thần Linh này ở “nơi tất cả mọi dân tộc, mọi tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ”. Riêng tại Việt Nam và Trung Hoa cũng như hầu như chung cho cả Á Đông, những Mầm Mống Thần Linh này thường được thấy nơi Tam Giáo Nho-Lão-Phật:

 

·        Những người theo Tam Giáo ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam thường chủ trương: Nho là Nhân đạo, Lão là Tiên đạo, Thích là Phật đạo. Và như vậy, dĩ nhiên là Đạo Nho kém nhất, Đạo Lão được xếp hạng trung bình, Đạo Phật mới là đệ nhất hạng.

Quan niệm này thấy rải rác trong nhiều sách vở bàn về Tam giáo. Dưới đây chỉ xin đan cử 1 trường hợp điển hình. Thiền sư Tông Bổn, chùa Diên Khánh, đời nhà Tống bên Tầu, tác giả bộ sách: ‘Qui nguyên trực chỉ’ (do Đỗ Thiếu Lăng dịch) nhận định như sau:

 

Theo Vô Tận cư sĩ: thì đạo Nho trị bệnh ngoài da, đạo Tiên trị bệnh trong huyết mạch, đạo Phật trị bệnh trong mỡ xương... (trang 317)

 

Theo hoàng đế Hiếu Tôn thì: lấy đạo Phật để trị tâm, lấy đạo Tiên để trị thân, lấy đạo Nho để trị đời... (trang 317)

 

Người học Nho chết rồi thì hết, chẳng qua khoảng 100 năm mà thôi. Người học Đạo vụ cầu sống mãi, chẳng qua ngàn muôn năm mà thôi. Người học Phật, dứt mãi mãi với sự sống chết, trong trẻo hoài hoài, chẳng qua trải khắp các số kiếp nhiều như bụi cát, mà không có cùng tận vậy. (trang 335)

 

Nho như một cái thếp đèn, soi sáng một đêm, khi chuông ngân hồ cạn, thời dầu khô đèn tắt vậy. Đạo Tiên như ngọn đèn trăm năm của vua A Xà Thế làm ra, để soi Xá Lợi của Phật, khi trăm năm đã mãn, thì đèn đó bèn tắt vậy. Phật như mặt trời sáng rỡ chiếu diệu, muôn đời thường sáng, hễ lặn phía Tây thì mọc phía Đông, xây vòng không nghỉ vậy. Đó là lời luận xa gần của Tam giáo, nói cái đại lược về ý lớn của Tam giáo... (trang 335)”.

 

(Bs Nguyễn Văn Thọ, Tu Thân Theo Nho Giáo: Minh Đức số 13, trang 123-124)

 

Để có thể hiểu rõ được Tam Giáo thịnh hành tại riêng Việt Nam cũng như Á Đông này, chúng ta hãy đọc những phân tích và nhận định sâu sắc của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ, tự Nhân Tử, nguyên giảng sư Triết Học Trung Hoa tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và nguyên Giáo Sư Trưởng Ban Triết Đông tại Đại Học Minh Đức Sài Gòn, người đã chia sẻ kiến thức của mình về vấn đề triết giáo nhân dịp các linh mục giáo phận Xuân Lộc hội thảo trong tuần lễ tĩnh tâm thường niên vào đầu thập niên 1970.

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ