GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BA 14/8/2007

TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: IV - CÁC PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (45-48)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: III - THÁNH LINH LÀ TÁC NHÂN CHÍNH CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO (37-40)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Khổng Giáo (tiếp)

 

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: IV - CÁC PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA (45-48)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

45.  Sử Dụng Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội

 

Thế kỷ của chúng ta được đánh dấu bằng những phương tiện thông tin hay những phương tiện truyền thông xã hội, và việc loan báo khởi đầu, việc dạy giáo lý hay việc đào sâu đức tin không thể nào thực hiện mà lại không nhờ đến những phương tiện này, như chúng ta đã nhấn mạnh.

           

Khi được dùng để phục vụ Phúc Âm, chúng có khả năng hầu như vô định trong việc làm tăng tiến lãnh vực rao giảng Lời Chúa; chúng làm cho Tin Mừng vươn đến hằng triệu người. Giáo Hội sẽ cảm thấy có lỗi trước Chúa của mình nếu Giáo Hội không lợi dụng những phương tiện hiệu năng này, những phương tiện được tài khéo của con người mỗi ngày một làm cho hoàn hảo hơn. Chính nhờ chúng, Giáo Hội công bố "từ mái nhà" (x.Mt.10:27; Lk.12:3) sứ điệp Giáo Hội chất chứa. Nơi chúng, Giáo Hội tìm thấy một kiểu mẫu giảng đài tân tiến và tác hiệu. Nhờ chúng Giáo Hội tiếp tục nói với những đám đông.

           

Tuy nhiên, việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội để truyền bá phúc âm hóa gặp phải một thách đố: đó là làm sao nhờ chúng, sứ điệp phúc âm vươn tới một số đông người ta, bằng một khả năng thấu nhập lương tri mỗi cá nhân, khả năng đâm mầm trong tâm can họ như thể họ là một người duy nhất được nghe rao giảng, với tất cả những tính chất riêng tư của họ, và cũng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội này sứ điệp phúc âm làm cho mỗi người biết hoàn toàn chấp nhận và dấn thân.

 

46.  Không Thể Thiếu Việc Giao Tiếp Riêng Tư

 

Vì lý do này, song song với việc loan báo Phúc Âm cách tập thể, một hình thức khác của việc truyền đạt là hình thức giao tiếp cá nhân, vẫn còn hiệu lực và quan trọng. Chúa thường dùng hình thức này, (chẳng hạn với ông Nicôđêmô, với ông Giakêu, với người phụ nữ Samaritanô, với ông Simon người Pharisiêu), và các tông đồ cũng làm như vậy. Về lâu về dài, có cách nào khác trong việc truyền thông Phúc Âm ngoài cách thông đạt cho người khác cảm nghiệm đức tin riêng của mình chăng? Nhu cầu khẩn thiết trong việc loan báo Tin Mừng cho các đám đông cũng không được khiến chúng ta quên đi cách loan báo này, một cách mà nhờ đó lương tâm riêng của mỗi người được giao chạm bởi một thế giới hoàn toàn chuyên biệt mà họ lãnh nhận từ một người khác. Chúng ta không bao giờ ca ngợi cho đủ những vị linh mục, qua bí tích Thống Hối hay qua việc hội thoại mục vụ, tỏ ra hằng tâm của mình trong việc hướng dẫn người ta theo đường lối Phúc Âm, nâng đỡ những cố gắng của họ, nâng họ lên khi họ sa ngã, và luôn luôn ý thức và sẵn sàng trợ giúp họ.

 

47.  Vai Trò các Bí Tích

 

Tuy nhiên, người ta không thể nào nhấn mạnh cho đủ sự kiện là việc truyền bá phúc âm hóa không chỉ có bao gồm việc rao giảng và giảng dạy tín điều. Vì việc truyền bá phúc âm hóa phải chạm đến đời sống: một đời sống tự nhiên được nó ban cho một ý nghĩa mới, nhờ những quan điểm phúc âm do nó tỏ ra cho; cũng như một đời sống siêu nhiên, một đời sống không phủ nhận song thanh tẩy và thăng hóa đời sống tự nhiên.

 

Đời sống siêu nhiên này được diễn đạt sống động nơi bảy bí tích, cũng như nơi ánh quang cao qúi của ân sủng và thánh đức ở nơi các bí tích này.

           

Như thế, việc truyền bá phúc âm hóa thực hiện trọn khả năng của mình khi nó chiếm được mối liên hệ thân mật nhất, hay nói đúng hơn, mối giao liên vĩnh viễn và không gián đoạn, giữa Lời và các bí tích. Theo một nghĩa nào đó, thật là sai lầm khi tạo nên một sự tương phản giữa việc truyền bá phúc âm hóa và việc ban phát các bí tích, như đôi khi đã xẩy ra. Thật thế, trong việc ban phát các bí tích, nếu không được trợ giúp vững chắc của việc dạy giáo lý, có thể chấm dứt bằng việc làm các bí tích mất đi hiệu năng rất nhiều. Vai trò của việc truyền bá phúc âm hóa, chính là giáo dục dân chúng trong đức tin, bằng một đường lối dẫn đưa mỗi một người Kitô hữu sống các bí tích như là các bí tích đích thực của đức tin - mà không nhận lãnh các bí tích này một cách thụ động hay bâng quơ.

 

48.  Lòng Đạo Phổ Thông

 

Đến đây chúng ta chạm đến một khía cạnh truyền bá phúc âm hóa mà chúng ta không thể nào không lưu ý tới. Chúng Tôi muốn nói về những gì hiện nay được gọi là tính chất đạo đức phổ thông.

 

Người ta thấy nơi con người những diễn đạt đặc biệt trong việc tìm kiếm Thiên Chúa và đức tin, cả nơi những miền Giáo Hội đã được thiết lập qua nhiều thế kỷ, cũng như nơi Giáo Hội đang tiến hành đến việc thiết lập. Những diễn đạt này lâu nay đã bị coi như không được tinh nguyên, đôi khi còn bị khinh thường, song chúng lại được hầu hết các nơi tái đón nhận. Trong cuộc Thượng Hội vừa rồi, các vị giám mục đã xét đến tầm quan trọng của chúng liên quan đến việc thực hiện mục vụ cũng như đến lòng nhiệt tâm mục vụ cần thiết.

Dĩ nhiên, tính chất đạo đức phổ thông chắc chắn có giới hạn của nó. Nó thường là nạn nhân của việc nhập nhiễm bởi những sai lệch về đạo giáo, thậm chí nhập nhiễm cả đến những vấn đề mê tín dị đoan. Nó thường thuộc về trình độ của những hình thức tôn thờ không buộc đức tin phải thật sự chấp nhận. Đến nỗi nó có thể làm phát sinh ra những giáo phái và gây nguy hại cho cộng đồng giáo hội đích thực.

 

Thế nhưng, nếu được hướng dẫn đàng hoàng, nhất là bởi phương pháp truyền đạt của việc truyền bá phúc âm hóa, giá trị của nó sẽ trở nên phong phú. Nó biểu lộ một tấm lòng khao khát Thiên Chúa, Đấng chỉ có kẻ đơn thành và nghèo hèn mới có thể nhận biết. Nó làm cho con người, khi liên quan đến vấn đề cần phải tuyên xưng niềm tin, có khả năng quảng đại bao dung và hy sinh đến mức độ anh hùng. Nó nói lên một nhận thức tinh nhậy về các phẩm tính sâu xa nơi Thiên Chúa: phẩm tính làm cha, làm đấng quan phòng, hằng yêu thương hiện diện. Nó phát sinh những thái độ nội tâm hiếm thấy ở cùng một mức độ trong bất cứ lãnh vực nào, đó là thái độ nhẫn nại, cảm nhận thập giá trong đời sống thường nhật, không dính bén, cởi mở với người khác, dấn thân. Vì những khía cạnh này, chúng tôi đã gọi nó là “lòng đạo đức phổ thông”, tức là lòng đạo đức của con người, hơn là tính chất đạo đức.

 

Đức bác ái trong việc mục vụ phải nhắc nhở cho tất cả những ai, được Chúa đặt lãnh đạo cộng đồng giáo hội, thái độ xứng hợp cần phải có đối với thực tại này, một thực tại rất phong phú lại rất dễ bị tổn thương. Trước hết, tất cả mọi người phải biết nhậy cảm với thực tại này, phải biết cách nhận ra những khía cạnh nội tâm và những giá trị thực sự của nó, phải sẵn sàng giúp nó thắng vượt được những sai trệch nguy hiểm. Khi được hướng dẫn đàng hoàng, tính chất đạo đức này sẽ càng ngày càng trở thành phương tiện giúp cho rất nhiều người trong chúng ta thực sự gặp được Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: IV - CHÂN TRỜI BAO RỘNG CỦA VIỆC TRUYỀN GIÁO

AD GENTES (37-40)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Những Tính Chất của Việc Giáo Hội Truyền Giáo ad gentes

 

37-       Theo mệnh lệnh phổ quát của Chúa Kitô, việc truyền giáo ad gentes không còn biết đến biên cương bờ cõi nữa. Tuy nhiên, để nắm vững được tình thế, cũng nên xác định một số mốc điểm cần thiết cho việc truyền giáo.

 

(a)            Những Giới Hạn Về Lãnh Thổ. Hoạt động truyền giáo thường được xác định bởi những lãnh thổ riêng biệt. Công Đồng Chung Vaticanô II đã công nhân chiều kích lãnh thổ nơi việc truyền giáo ad gentes này (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6), một chiều kích ngay cả tới ngày hôm nay đây vẫn còn quan trọng đối với việc phân định trách nhiệm, hoạt động và giới hạn về địa dư của hoạt động truyền giáo. Việc truyền giáo phổ quát chắc chắn bao hàm cả một quan điểm đại đồng. Thật vậy, Giáo Hội không để cho nhà truyền giáo của mình bị cản trở bởi các giới tuyến về địa dư hay các ngăn trở về chính trị. Tuy nhiên, cũng phải công nhận là, vì khác với việc mục vụ chăm sóc cho tín hữu, cũng như khác với việc tân truyền bá phúc âm hóa cho thành phần không sống đạo, hoạt động truyền giáo ad gentes chỉ thực hiện tại các lãnh thổ và các nhóm người được ấn định rõ ràng.

 

Chúng ta cũng không được ảo tưởng về việc phát triển thêm một số Giáo Hội mới trong những thời gian gần đây. Trong các lãnh thổ được ký thác cho các Giáo Hội này – đặc biệt là ở Á Châu, cũng như ở Phi Châu, ở Châu Mỹ La Tinh và ở Đại Dương Châu – vẫn còn có những vùng rộng lớn chưa được truyền bá phúc âm hóa. Nơi nhiều quốc gia có cả khối dân chúng và những lãnh vực văn hóa mang tầm vóc quan trọng vẫn chưa được nghe loan báo về Phúc Âm và về việc hiện diện của Giáo Hội địa phương (xem ibid., 20). Ngay cả nơi những xứ sở Kitô giáo lâu đời cũng có những miền còn đang được việc truyền giáo ad gentes đặc biệt thực hiện cho những nhóm người và những khu vực chưa được truyền bá phúc âm hóa. Bởi vậy, nơi cả những xứ sở này nữa, chẳng những cần đến việc tân truyền bá phúc âm hóa mà còn, ở một số trường hợp, cần đến việc bắt đầu truyền bá phúc âm hóa nữa (xem Diễn Từ ngỏ với các phần tử của Hội Nghị của Công Đồng Các Hội Đồng Giám Mục Âu Châu, ngày 11-10-1985: AAS 78 – 1986 – 178-189).

 

Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng có những trường hợp như nhau. Khi công nhận rằng những câu phát biểu về trách nhiệm truyền giáo của Giáo Hội sẽ không có công hiệu gì, nếu chúng không được nâng đỡ bằng một cuộc dấn thân thực sự cho việc tân truyền bá phúc âm hóa nơi các xứ sở Kitô giáo lâu đời, thì không có nghĩa là coi họ giống hệt như trường hợp của một dân tộc chưa bao giờ biết đến Chúa Giêsu Kitô, cũng như trường hợp của một dân tộc đã biết Người, chấp nhận Người và rồi lại phủ nhận Người, trong khi đó họ vẫn tiếp tục sống theo một nền văn hóa mà phần lớn được thấm nhiễm các nguyên tắc và giá trị Phúc Âm. Xét về đức tin thì đây là hai trường hợp khác nhau tận căn bản.

 

Bởi vậy, tiêu chuẩn về địa dư, mặc dầu có một cái gì đó không chính xác cho lắm và luôn luôn tạm bợ vậy thôi, cũng vẫn là một ấn định vững chắc về những giới tuyến được hoạt động truyền giáo nhắm tới. Có những xứ sở cũng như những lãnh vực về địa dư và về văn hóa thiếu những cộng đồng Kitô hữu bản xứ. Ở những nơi khác, những cộng đồng này lại quá nhỏ, đến nỗi không phải là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc hiện diện của Kitô giáo; hay họ thiếu năng động để truyền bá phúc âm hóa cho các cơ cấu tổ chức của họ, hoặc họ thuộc về một thành phần thiểu số không hội nhập với nền văn hóa chính của quốc gia. Đặc biệt ở Á Châu là lục địa mà việc truyền giáo của Giáo Hội ad gentes phải chủ yếu nhắm tới, Kitô hữu chỉ là một thiểu số nhỏ bé, mặc dù đôi khi có một con số trở lại đáng kể và có những gương sáng nổi bật qua việc hiện diện của Kitô hữu.

 

(b)            Những tân thế giới và những hiện tượng mới. Những biến đổi nhanh chóng và sâu xa làm nên đặc tính của thế giới ngày nay, nhất là ở nam bán cầu, đang tác dụng mạnh trên toàn diện bức ảnh truyền giáo. Nơi mà trước kia có những trường hợp nhân bản và xã hội vững chắc thì nay mọi sự lại không ngừng chuyển biến. Chẳng hạn, người ta nghĩ đến việc thành thị hóa và việc các phố xá mọc lên như nấm, nhất là nơi có mật độ dân cư đông đúc. Ở nơi một số không ít quốc gia, hơn nửa dân số sống tại một vài địa điểm “megalopolises”, tức là nơi phát xuất các tệ nạn, thường gây ra bởi khối người tự cảm thấy cái vô danh phận của mình.

 

Trong thời đại tân tiến này, hoạt động truyền giáo cần phải được thực hiện đặc biệt ở những khu vực cô lập lẻ loi, xa biệt với các trung tâm văn minh, cũng là những nơi khó xâm nhập, bởi những khó khăn về truyền thông, ngôn ngữ hay khí hậu. Ngày nay, hình ảnh của việc truyền giáo ad gentes có lẽ đang thay đổi, đó là phải tập trung nỗ lực vào các thành thị lớn, nơi mà những tập tục và lối sống mới, xuất phát cùng với những thể thức mới về văn hóa và truyền thông là những yếu tố ảnh hưởng đến phần đông dân chúng. Người ta nghĩ đúng, “việc chọn thành phần cùng khốn nhất” tức là việc chúng ta không được chểnh mảng đối với những nhóm người bị bỏ rơi và lẻ loi nhất, thế nhưng, người ta nghĩ cũng không sai, đó là, nếu chúng ta bỏ rơi những trung tâm, nơi có thể nói, đang xuất hiện một thứ tân nhân loại, và là nơi đang hình thành những mô thức phát triển mới, thì có những con người hay những nhóm nhỏ sẽ không được truyền bá phúc âm hóa cho. Tương lai của các quốc gia trẻ trung đang hình thành tại các thành phố.

 

Nói đến tương lai, chúng ta không thể không nói đến giới trẻ, thành phần làm nên hơn nửa phần dân số ở nhiều quốc gia. Chúng ta làm sao có thể mang sứ điệp của Chúa Kitô đến cho giới trẻ không phải là Kitô hữu, thành phần tiêu biểu cho tương lai của toàn thể các đại lục. Những phương tiện thông thường trong hoạt động mục vụ rõ ràng cho thấy là vẫn chưa đủ: cái cần thiết ở đây đó là những hội đoàn, những tổ chức, những trung tâm và nhóm hội chuyên biệt, cũng như những khởi xướng về văn hóa và xã hội dành cho giới trẻ. Đây là một lãnh vực cho các phong trào tân thời của giáo hội hoạt động mạnh hơn.

 

Trong số những biến chuyển lớn đang xẩy ra trên thế giới hiện đại, việc di dân đã nẩy sinh ra một hiện tượng mới, đó là thành phần ngoài Kitô giáo đang tăng số rất đông tại các xứ sở Kitô giáo lâu đời, tạo nên những cơ hội mới mẻ cho việc tiếp xúc và trao đổi văn hóa, cũng như những cơ hội để Giáo Hội tỏ ra nồng hậu, đối thoại, trợ giúp, và, tắt một lời, thân ái. Trong số những người di dân, phải đề cao và chú trọng đến các người tị nạn. Ngày nay, trên thế giới có nhiều triệu người tị nạn, và con số những người tị nạn này không ngừng tăng lên. Họ đào thoát cho khỏi những hoàn cảnh bị đàn áp về chính trị và phải sống trong cùng khốn vô nhân bản, khỏi đói khát gây ra bởi những tỷ lệ về tai ương. Giáo Hội phải coi họ như một phần trong toàn thể mối quan tâm tông đồ của mình.

 

Sau hết, chúng ta cần đề cập tới những trường hợp nghèo khó – thường ở trên một mức độ không thể nào chấp nhận được – đã xẩy ra ở một số không ít xứ sở, và thường là nguyên cớ gây nên việc di dân đông đảo. Cộng đồng tín hữu trong Chúa Kitô phải đương đầu với những trường hợp vô nhân bản ấy, ở chỗ, họ phải loan báo Chúa Kitô và Vương Quốc của Thiên Chúa như là một phương tiện để phục hồi phẩm giá của con người cho những người này.

 

(c)              Những lãnh vực văn hóa: hình ảnh tân thời của Công Hội Viện Hy Lạp. Sau khi rao giảng ở một số nơi, Thánh Phaolô đến Nhã Điển, nơi ngài vào Công Hội Viện của họ và loan báo Phúc Âm bằng ngôn ngữ thích hợp, dễ hiểu trong các khung cảnh đó (x. Acts 17:22-31). Vào thời bấy giờ, Công Hội Viện là tiêu biểu cho trung tâm văn hóa của thành phần học thức ở Nhã Điển, và ngày nay nó có thể được coi như một biểu hiệu cho các lãnh vực mới cần phải được loan báo Phúc Âm.

 

Công Hội Viện đầu tiên của thời hiện đại là lãnh giới truyền thông, một lãnh giới đang liên kết nhân loại lại và đang biến nhân loại thành cái gọi là “khu làng hoàn vũ”. Phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên quan trọng đến nỗi, đối với nhiều người, là phương tiện chính để trao đổi tin tức và giáo dục, để hướng dẫn và tác động hành vi cử chỉ nơi cá nhân, gia đình và trong xã hội nói chung. Nhất là đối với thế hệ trẻ trung đang lớn lên trong một thế giới được môi trường truyền thông vây bủa. Có lẽ thứ Công Hội Viện này đã bị bỏ bê ở một mức độ nào đó. Nói chung, chúng ta đã chú trọng đến các phương tiện khác để rao giảng Phúc Âm và để giáo dục Kitô hữu hơn, còn môi trường truyền thông thì bỏ mặc cho sáng kiến cá nhân hay cho các nhóm nhỏ nào đó, và đặt nó vào hàng thứ yếu trong chương trình mục vụ của mình. Thế nhưng, việc dấn thân vào môi trường truyền thông không phải chỉ để làm tăng cường thêm cho việc rao giảng Phúc Âm thôi. Còn có một thực tại sâu xa hơn chất chứa ở đó nữa: vì chính việc truyền bá phúc âm hóa cho văn hóa tân tiến ngày nay một phần lớn tùy thuộc vào ảnh hưởng của truyền thông, nên chỉ sử dụng truyền thông để quảng bá sứ điệp Kitô giáo và giáo huấn chân thực của Giáo Hội mà thôi chưa đủ. Cũng cần phải đưa sứ điệp vào “nền văn hóa mới” do các phương tiện truyền thông tân tiến tạo nên nữa. Đây là một vấn đề phức tạp, vì “nền văn hóa mới” này bắt nguồn chẳng những từ bất cứ những gì được tỏ hiện ra dần dần, mà còn ở chính những cách truyền đạt mới, với ngôn từ mới, với kỹ thuật mới và với một thứ tâm lý mới. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói rằng “việc phân ly giữa Phúc Âm và văn hóa là một thảm trạng không tránh được của thời đại chúng ta” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 20; loc. cit., 19), và ngành truyền thông hoàn toàn cho thấy rõ được nhận định này.

 

Còn nhiều hình thức Công Hội Viện khác trong thế giới tân tiến ngày nay là những mục tiêu được hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm đến; chẳng hạn, việc dấn thân cho hòa bình, phát triển và giải phóng các dân tộc; các quyền lợi của cá nhân cũng như của các dân tộc, nhất là của thành phần thiểu số; việc thăng tiến nữ giới và trẻ em; việc bảo vệ thế giới thiên nhiên. Cả những lãnh vực này nữa cũng cần phải được ánh sáng Phúc Âm soi chiếu.

 

Chúng ta cũng phải đề cập tới một Công Hội Viện bao rộng về văn hóa, về việc nghiên cứu khoa học cũng như về các mối liên hệ quốc tế cổ võ việc đối thoại và tạo nên những cơ hội mới. Chúng ta cũng phải để ý đến những lãnh vực hoạt động tân tiến này và phải tham gia vào làm việc. Người ta cảm thấy rằng, họ đang thực sự cùng nhau vượt qua biển cả cuộc đời, nên họ được kêu gọi hiệp nhất và đoàn kết với nhau đặc biệt hơn bao giờ hết. Những đường lối cho các vấn đề cấp thiết phải được mọi người bắt tay nhau để tìm hiểu, bàn bạc và giải quyết. Đó là lý do tại sao càng cần đến những tổ chức và hội nghị quốc tế cho nhiều lãnh vực của đời sống con người, từ văn hóa đến chính trị, từ kinh tế tới việc nghiên cứu. Kitô hữu sống và làm việc trong lãnh vực quốc tế phải luôn luôn nhớ đến phận vụ của mình trong việc làm chứng cho Phúc Âm.

 

38-       Thời điểm của chúng ta đây vừa đại thể lại vừa thu hút. Một đàng, người ta dường như đang theo đuổi sự thịnh vượng về vật chất và đang ngụp lặn sâu hơn bao giờ hết vào xu hường hưởng thụ và duy vật, thì đàng khác, chúng ta lại đang chứng kiến thấy một cuộc chán chường quay về tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, về nhu cầu sống nội tâm, về ước muốn học hỏi thêm những thể thức và phương pháp mới trong việc suy niệm cũng như cầu nguyện. Người ta đang tìm kiếm chiều kích thiêng liêng của đời sống như là một chất giải độc sau đó cho tình trạng suy giảm nhân bản, chẳng những ở nơi có các nền văn hóa nặng về yếu tố đạo nghĩa, mà còn ở cả những nơi xã hội bị tục hóa nữa. Hiện tượng này – được gọi là hiện tượng “hồi sinh đạo nghĩa” – mang một tính cách không phải là không mập mờ, song nó cũng cho thấy đó là một cơ hội tốt. Giáo Hội mang trong mình một di sản thiêng liêng vĩ đại để cống hiến cho nhân loại, một di sản trong Chúa Kitô, Đấng gọi mình “là đường, là sự thật và là sự sống”  (Jn 14:6), tức là đường lối của Kitô giáo, một đường lối dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, đến việc nguyện cầu, đến việc hãm mình khổ chế, cũng như đến việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Đây cũng là một “Công Hội Viện” cần phải được truyền bá phúc âm hóa nữa. 

 

Trung Thành với Chúa Kitô và Phát Huy Tự Do Con Người

 

39-       Tất cả mọi hình thức của hoạt động truyền giáo đều được đánh dấu bởi nhận thức là, con người đang cổ võ quyền tự do của con người bằng việc loan báo Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội phải trung thành với Chúa Kitô là Đấng Giáo Hội là Thân Thể và là Đấng có sứ mệnh đang được Giáo Hội tiếp nối. Giáo Hội cần phải “đi cùng một con đường Chúa Kitô đã đi – tức là con đường nghèo khó, tuân phục, phục vụ và tự hy hiến bản thân mình cho đến chết để trở thành Đấng chiến thắng bằng việc Phục Sinh của mình” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 5; xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 8). Bởi thế, Giáo Hội buộc phải làm mọi sự có thể để thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình trong thế giới và cho tất cả mọi dân tộc. Giáo Hội có quyền làm điều này, một quyền lợi Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội để hoàn thành dự án của Ngài. Quyền tự do tôn giáo, một quyền lợi có những lúc vẫn còn bị giới hạn và ngăn chặn, vốn là quyền lợi tiên quyết và bảo đảm cho tất cả mọi quyền tự do khác, những quyền tự do bảo toàn công ích cho cá nhân cũng như dân chúng. Người ta cần phải hy vọng là tất cả mọi người ở khắp mọi nơi sẽ được hưởng quyền tự do tôn giáo đích thực. Giáo Hội tranh đấu cho quyền tự do này ở tất cả mọi xứ sở, nhất là ở những xứ sở đa số là Công Giáo, nơi Giáo Hội có một ảnh hưởng lớn. Thế nhưng, đây không phải là vấn đề tôn giáo của số đông hay của số ít, mà là vấn đề của quyền lợi bất khả tách lìa của mỗi một con người và mọi con người.

 

Về phần mình, Giáo Hội hướng về con người bằng tất cả lòng tôn trọng quyền tự do của họ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 3-4; ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 79-80: loc. cit., 71-75; ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Redemptor Hominis, đoạn 12: loc. cit., 278-281). Sứ mệnh của Giáo Hội không làm hạn chế quyền tự do mà trái lại còn cổ động cho nó nữa. Giáo Hội tôn trọng cá nhân cũng như văn hóa, và Giáo Hội tôn kính thánh cung lương tâm của con người. Với những ai chống lại hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, vì những lý do khác nhau nào đó, Giáo Hội lập lại là Xin hãy mở cửa cho Chúa Kitô!

Đến đây, Tôi muốn ngỏ lời cùng tất cả mọi Giáo Hội riêng, mới cũng như cũ. Thế giới đang vững vàng tiến tới chỗ liên kết với nhau hơn, nên tinh thần Phúc Âm phải làm cho chúng ta vượt qua những chướng ngại về văn hóa cũng như về quốc gia dân tộc, bằng cách tránh đi tất cả mọi thái độ cô lập. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV đã cảnh giác các nhà truyền giáo thời của ngài cho họ khỏi “quên phẩm vị xứng hợp của họ và nghĩ đến quê hương trần gian của họ hơn là đến quê hương trên trời” (Thông Điệp Maximum Illud: loc. cit., 446). Lời khuyên nhủ tương tự sau đây vẫn còn công hiệu cho ngày hôm nay đối với các Giáo Hội riêng: Hãy mở cửa cho các nhà truyền giáo, vì “mỗi một Giáo Hội riêng tự ý muốn tách mình ra khỏi Giáo Hội hoàn vũ, thì sẽ bị mất đi mối liên hệ với dự án của Thiên Chúa, và sẽ trở thành nghèo nàn về mặt giáo hội của mình” (Đức Thánh Cha Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 62: loc. cit., 52).

 

Hướng Chú Ý tới Miền Nam và Miền Đông

 

40-       Ngày nay, hoạt động truyền giáo vẫn cho thấy đó là cả một thách đố lớn lao nhất đối với Giáo Hội. Đã gần kết thúc đệ nhị Thiên Niên của Công Cuộc Cứu Chuộc rồi mà vẫn thấy rõ là nhiều người trong đa số nhân loại vẫn chưa được nghe rao giảng về Chúa Kitô lần đầu tiên gì cả. Các thành quả của hoạt động truyền giáo trong thời đại tân tiến hết sức là tốt đẹp. Giáo Hội đã được thiết lập trên mọi lục địa; thật thế, ngày nay đa số tín hữu và các Giáo Hội riêng không còn phải chỉ có nguyên ở Âu Châu nữa, mà là ở trên các lục địa được các nhà truyền giáo gieo vãi đức tin.

Tuy nhiên, sự kiện về “tận cùng trái đất” là nơi Phúc Âm phải được mang đến vẫn càng ngày càng xa cách hơn bao giờ hết. Lời của giáo phụ Tertullianô về việc Phúc Âm được loan truyền khắp cùng trái đất và cho tất cả mọi dân tộc (xem De Praescriptione Haereticorum, XX: CCL I, 201f) vẫn còn rất xa vời với thực tại. Việc truyền giáo ad gentes vẫn còn trong tình trạng non nớt của mình. Các dân tộc mới xuất hiện trên khung cảnh thế giới, và cả họ nữa cũng có quyền để nghe loan báo về ơn cứu độ. Việc phát triển dân số nơi các đất nước không phải Kitô giáo ở Miền Nam và Miền Đông đang không ngừng tăng nhân số, thành phần vẫn chưa biết gì đến Việc Cứu Chuộc của Chúa Kitô cả.

 

Thế nên, chúng ta cần hướng chú ý của mình tới những miền đất và những môi trường văn hóa còn đang ở ngoài ảnh hưởng của Phúc Âm. Tất cả mọi người tin tưởng nơi Chúa Kitô phải cảm thấy, như một phần nguyên vẹn thuộc đức tin của mình, mối quan tâm tông đồ trong việc truyền đạt cho những người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin. Mối quan tâm này phải trở nên thực sự là một niềm đói khát trong việc làm cho Chúa được nhận biết, được trao ban cho cả một thế giới lớn rộng ngoài Kitô giáo.

 

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Mầm Mống Thần Linh Nơi Khổng Giáo (tiếp)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Theo Thượng Thái (1050-1103) thì thiên lý nhân dục là hai lẽ tương đối, người ta có một phần nhân dục tức là diệt mất một phần thiên lý. Có một phần thiên lý tức là thắng được một phần nhân dục. Khi người ta đã trừ bỏ được tất cả dục vọng ở trong lòng, thì phần còn lại tức là Thiên lý. Bởi vậy đối với Thượng Thái, kẻ học đạo muốn được giác ngộ, không cần phải tìm những điều xa xôi hư phiếm chỉ biết khắc kỷ phục lễ, để giữ toàn thiên lý là đủ (Xem Tống Nho, Bửu Cấm, tr. 102)...

 

Theo Nho giáo, tu thân không phải để tề gia trị quốc, bình thiên hạ không mà thôi, mà còn để trở thành thánh hiền...

 

Thánh nhân theo Nho giáo là mẫu người lý tưởng của nhân loại, là những người thông minh duệ trí siêu phàm, là những người đã thể hiện được sự toàn thiện.

Chu Hi đã bình luận về Thánh Nhân như sau (xem Stanialas le Gall, Le Philosophie Tchou Hi, sa doctrine son influence, p. 63 và tiếp theo):

 

Thánh nhân có một đời sống hoàn toàn phù hợp với thiên lý. Có thể nói được rằng thánh nhân được mệnh danh là Thành, chính vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản nhiên, với Thiên lý và vì vậy, đã phối hợp với trời đất, đã sánh được với trời đất.

 

Chu Liêm Khê (hay Chu Đôn Di, 1017-1073, là một đại danh nho đời Tống, Ông đã có công làm sống động lại đạo Nho) cho rằng chữ thành đồng nghĩa với Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có, nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền, thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính bản thiện mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự; ý chí người hướng về chân, thiện, mỹ không chút khó khăn và sống trong đường nhân, nẻo đức, trong trật tự, trong bổn phận, không chút chi vất vả...

 

Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế, thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi huyền diệu.

 

Thánh nhân vì không bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung, thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ, để soi đường dẫn lối cho kẻ khác...

 

Ảnh hưởng của Thánh nhân thực là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: Cũng y như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hóa, thì biết được Thiên lý biến dịch ở khắp nơi mà chẳng cần Trời phải nói lên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu: sự toàn thiện, tinh tuyền chứa sẵn nơi người. Và Chu Hi kết luận bằng những lời hào hứng như sau: Thánh nhân là hiện thân của Trời.

 

Trung Dung có rất nhiều chương nói về Thánh nhân. Ví dụ nơi chương XXXII, Trung Dung viết:

 

Chỉ những đấng chí thánh trong thiên hạ,

Mới có thể vì đời sang sửa đại kinh,

Mới có thể xây căn bản cho xã hội quân bình,

Mới thấu rõ luật đất trời sinh hóa...

 

Để thâu tóm lại tất cả quan niệm về Tu thân theo Nho gia, ta có thể mượn lại những lời lẽ giản dị của Trung Dung (chương XX):

 

Muốn thông thái, không ngoài học vấn,

Muốn tu thân, phải gắng công lao.

Muốn nên hùng dũng anh hào,

Ai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.

TRÍ, NHÂN, DŨNG tu thân ấy lý,

Biết tu thân ắt trị nổi người.

Trị người hiểu biết khúc nhôi,

Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa.

 

Nói giản dị, vắn tắt hơn, ta thấy rằng Nho gia chỉ dạy con người, khử nhân dục, tồn thiên lý.

 

khử nhân dục là:

 

-         Đừng bao giờ làm những điều tà khuất, đừng bao giờ suy niệm những gì tà khuất.

-         Đừng làm gị hại mình, hại người.

-         Đừng làm gì đến nỗi phải che dấu đậy điệm.

-         Đừng làm gì khiến cho mình phải hối hận, phải phàn nàn, phải xấu hổ.

 

Còn Tồn thiên lý là:

 

-         Làm những điều quang minh công chính, suy nghĩ

những điều thanh tao, đẹp đẽ.

-         Làm những điều ích mình, ích người.

-         Làm những việc mà mình có thể làm được nơi thanh thiên, bạch nhật, nơi mọi người có thể trông thấy, nghe thấy, mà mình không vì thế mà phải xấu hổ, hối hận, phàn nàn.

 

Nói cho vắn tắt hơn nữa, ta thấy Nho gia chỉ dạy con người sống đúng theo tiếng gọi của Lương Tâm.

 

Hiểu được nồng cốt trên của Nho giáo, ta sẽ hiểu tại sao con người phải tu thân.

 

Tu thân là gì? Tu thân là sửa mình.

 

Sửa mình là gì? Là sửa tâm hồn cho nên tốt đẹp.

Tại sao phải sửa tâm hồn cho nên tốt đẹp?

 

Thưa vì trong mỗi người chúng ta đều đã có thiên tính, cho nên đều đã có lẽ chí thiện, chí mỹ của trời đất tiềm ẩn bên trong, vì thế nên con người cần phải tu thân để thực hiện lẽ chí mỹ chí thiện ấy.

 

Đổng Trọng Thư, một danh nho đời Hán, đã cho rằng: Tính như con kén, như cái trứng. Trứng đợi ấp rồi mới thành tơ, tính đợi dạy rồi mới thiện, thế gọi là Chân Thiên. Trời sinh ra dân, cho cái tính có thiện chất mà chưa có thể thiện được, rồi vì dân, mà lập ra vua để làm cho thiện, ấy là ý Trời vậy... (xem Trần Trọng Kim, Nho giáo, Bộ giáo dục, Trung Tâm Học Liệu xuất bản, Sài gòn 1971, quyển hạ, trang 28).

 

Ông cũng cho rằng: ‘Con người sinh ra chưa phải là con người, vì con người thời hoàn toàn như Trời vậy. Người mà làm người là gốc ở Trời. Trời là cụ, ông cha của người vậy’ (cùng nguồn trên, trang 24).

 

-         Vì bản tính người là Trời, cho nên Nho giáo mới dám nói rằng: ‘Tính con người vốn tốt’ (Luận Ngữ, V, 12, XVII, 2 – Mạnh Tử, Đặng Văn Công, chương cú thượng 1, 2; Mạnh Tử, Cáo Tử chương cú thượng v.v.)

 

-         Bản tính Trời ấy là gốc, mọi việc khác như tâm tư, thân xác, gia đình, quốc gia, xã hội, thiên hạ sự v.v. là thân, là cành, là ngọn. Không biết được gốc làm sao mà trị được ngọn, không hiểu được Trời, làm sao hiểu nổi được người (Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri Thiên – Trung Dung XX).

 

-         Cho nên người quân tử phải cố gắng học hỏi, mài miệt suy tư, để tìm cho ra cái khuôn trời, cái gốc trời nơi mình, rồi ta mới có thể ‘chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’ được.

 

-         Vì con người đã có Thiên chân, đã có sẵn mầm mộng hoàn thiện nơi mình, cho nên con người có bổn phận làm triển dương mầm mộng toàn thiện ấy cho tới mức tinh vi, cao đại.

 

-         Mọi người sinh ra ở đời này đều có bổn phận nỗ lực tiến tới mục tiêu cao cả ấy, và phải góp phần vào công cuộc đại hóa, đại tạo ấy của đất trời.

 

Tất cả chủ trương trên đây đã được trình bày ngay nơi đầu sách Đại Học (chương I). Đại học viết:

 

Đại học có mục phiêu rõ rệt.

Đuốc lương tâm cương quyết phát huy.

Dạy dân lối sống tân kỳ,

Chưa nơi hoàn thiện còn đi chưa ngừng.

Có mục phiêu rồi lòng sẽ định,

Lòng định rồi nhẹ gánh lo toan,

Hết lo lòng sẽ bình an,

Bình an tâm trí rộng đàng xét suy.

Suy xét rộng tinh vi thấu trọn,

Thấu suốt đời ngành ngọn đầu đuôi,

Trước sau đã rõ khúc nhôi,

Thế là gần đạo, gần Trời còn chi.

Muốn đức sáng truyền đi thiên hạ,

Người xưa lo cải hóa dân mình.

Trị dân, trước trị gia đình,

Gia đình muốn trị, sửa mình trước tiên,

Muốn sửa mình, tâm nên sửa trước,

Sửa tâm hồn trước cốt ý hay,

Ý hay phải học cho dày,

Dày công học vấn sẽ hay Khuôn Trời.

Hay Khuôn Trời ắt thôi thấu triệt,

Thấu triệt rồi, ý thiệt lòng ngay,

Lòng ngay ta sẽ hóa hay,

Ta hay gia đạo mỗi ngày một yên,

Nhà đã yên, nước liền thịnh trị.

Nước trị bình, bốn bể bình an,

Từ vua cho tới dân gian,

Tu thân một mực lấy làm căn cơ...

 

Tìm ra được Lương Tâm, Lương Tri rồi, chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng rằng: ở mỗi một con người chúng ta, ai cũng có hai phần tách biệt sau đây: Lương tâm tư tâm.

 

Và chúng ta suy ra được một cách dễ dàng rằng:

 

Triết nhân là những con người trông thấy rõ hai phần tách biệt trong con người:

 

Một bên là Lương tâm, là Bản thế con người, là khuôn vàng thước ngọc hoàn thiện, Trời ban cho con người.

 

Một bên là Tư tâm, còn đầy ám hôn, khiếm khuyết, cần phải được khai quang, và cải thiện.

Thánh hiền đắc đạo là những người tư tâm chẳng còn, niềm tây đã hết, chỉ còn thuần có Lương tâm, thuần có Thiên Lý hoạt động bên trong.

 

Cho nên trong chương trình đại học của Nho gia, cái điều quan trọng nhất là tìm lại Lương tâm cho mình và cho người.

 

Mạnh Tử viết:

 

·        Nhân là lương tâm của người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm của mình mà chẳng biết tầm nó lại, thật đáng thương hại thay! Mỗi khi con gà, con chó của họ chạy lạc, thì họ biết đi kiếm mà mang về. Nhưng tới chừng cái lương tâm của họ thất lạc, thì họ chẳng biết cách tầm nó trở lại. Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi: tầm lại cái lương tâm thất lạc của mình’ (Cáo tử chương cú thượng, câu II).

 

Hồ Hoằng (?-1163), một danh nho thời Tống cũng nói:

 

·        Đạo sẵn trong tâm người ta, suy ra rất tốt lành. Nhưng khốn nạn vì tâm bị phóng mà chẳng biết cầu lại mà thôi: Tai nghe mắt thấy làm che lấp được mình; cha con vợ chồng làm lụy được mình, y cầu ẩm thực làm say mê được mình. Đã mất bản tâm của mình rồi, còn dám nói rằng ta có biết, đau đớn thiệt!” (xem Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng, trang 704).

Khi đã tìm ra được Bản tâm, Bản tính, đã trực diện được với lương tâm, đã hiểu được rằng Lương Tâm là Đạo, là Trời, lúc ấy người quân tử sẽ trở nên trang kính...

 

Trung Dung (chương I) viết:

 

Bản tính cũng chính là Thiên mệnh,

Đạo là noi theo tính bản nhiên.

Giáo là cách giữ đạo nên,

Đạo Trời sau trước vẫn liền với ta.

Rời ta được đâu là đạo nữa.

Thế cho nên quân tử giữ gìn,

E dè cái mắt không nhìn,

Tai nghe không nổi cho nên hãi hùng.

Càng ẩn áo lại càng hiện rõ

Càng siêu vi càng tỏ sáng nhiều.

Nên dù chiếc bóng tịch liêu,

Đã là quân tử chẳng siêu lòng vàng.

 

Thế tức là, khi sinh ra, con người mới chỉ có khả năng để trở nên toàn thiện, chứ chưa phải đã là toàn thiện. Con người còn cần phải dùng thời gian, hoàn cảnh, cần tốn công phu tu luyện, rồi mới trở nên toàn thiện được. Cho nên SINH chưa đủ, còn cần phải THÀNH nữa mới được vẹn toàn... 

 

(Phần còn lại của Mầm Mống Thần Linh nơi Khổng Giáo trên đây,

các chi tiết được sắp xếp bố cục lại song vẫn theo đúng nguyên văn

bài Tu Thân Theo Nho Giáo của Bs Nguyễn Văn Thọ, Minh Đức số 13, trang 138-148)

 

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ