GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 23/8/2007

TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VII- TINH THẦN TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (74-76)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - VII - VIỆC CỘNG TÁC TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO (77-81)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng Đã Chiếu Soi ‘Mọi Người’ Các Đạo Giáo (tiếp) 

 

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VII- TINH THẦN TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (74-76)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

74.  Lời Kêu Gọi Tha Thiết

 

Chúng Tôi không muốn kết thúc việc chúng ta trao đổi với nhau ở đây, với quí huynh yêu dấu cũng như với con cái nam nữ của mình, mà lại không nói lên lời thiết tha kêu gọi, liên quan đến thái độ nội tâm là điều phải làm sinh động những ai thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Nhân danh Chúa Giêsu Kitô cũng như nhân danh hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, Chúng Tôi muốn khuyến dụ tất cả những ai, nhờ đặc sủng của Chúa Thánh Thần và sứ mệnh của Giáo Hội, là những nhà truyền bá phúc âm hóa thật sự, phải sống xứng đáng với ơn gọi này, phải thực hiện ơn gọi ấy mà không đếm xỉa tới những nghi ngại hay lo âu sợ hãi, và không coi thường những điều kiện giúp làm cho việc truyền bá phúc âm hóa này chẳng những khả dĩ lại còn chủ động và đạt thành hiệu quả nữa. Đó là những điều kiện, trong số nhiều vấn đề khác nữa, Chúng Tôi coi là quan trọng và thấy cần phải được nhấn mạnh.

 

75.  Theo Tác Động của Chúa Thánh Thần

 

Việc truyền bá phúc âm hóa sẽ không bao giờ khả dĩ nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần. Thần Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu Nazarét vào lúc Người lãnh phép rửa, khi có tiếng của Chúa Cha vang lên – “Đây là Con yêu dấu của Ta, Người mà Ta rất hài lòng” (Mt.3:17) – cho thấy một cách tỏ tường việc Chúa Giêsu được chọn lựa và sứ vụ của Người. Chúa Giêsu “được Thần Linh dẫn” vào sa mạc để trải qua một trận chiến quyết liệt và một cuộc thử thách hết cỡ trước khi bắt đầu sứ vụ này (x.Mt.4:1). Chính “nhờ quyền lực của Thần Linh” (Lk.4:14), Người đã trở về Galilêa và bắt đầu rao giảng ở Nazarét, áp dụng vào trường hợp của Mình lời tiên tri Isaia: “Thần Linh Chúa ở trên tôi”. Và Người đã công bố: “Hôm nay đoạn Sách Thánh này đã nên trọn” (Lk.4:18, 21; x. Is. 61:1). Với các môn đệ, thành phần Người sắp sai đi, khi thở hơi trên họ, Người đã phán: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần” (Jn.20:22).

 

Thật vậy, chỉ sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ mới ra đi cho đến tận cùng trái đất, để mở màn cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa cao cả của Giáo Hội. Thánh Phêrô đã cắt nghĩa biến cố này như là việc hoàn tất lời tiên tri Joel: “Ta sẽ đổ thần linh của Ta xuống” (Acts 2:17). Thánh Phêrô tràn đầy Chúa Thánh Thần để ngài có thể nói với dân chúng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa” (x. Acts 4:8). Thánh Phaolô cũng đầy Thánh Linh (x. Acts 9:17) trước khi hiến thân cho thừa tác vụ tông đồ, trường hợp Stêphanô cũng thế, khi thánh nhân được chọn vào thừa tác phục vụ, và sau đó vào việc làm chứng bằng máu mình đổ ra (x. Acts 6:5, 10; 7:55). Thần Linh là Đấng đã khiến cho Phêrô, Phaolô và Nhóm 12 Vị rao giảng, là Đấng soi sáng những lời họ phải phát ngôn, và cũng là Đấng đã xuống “trên cả những ai đang nghe lời rao giảng” (Acts 10:44).

           

Chính ở nơi "ơn an ủi của Chúa Thánh Thần" mà Giáo Hội tiến triển (Acts 9:31). Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Chính Ngài là Đấng dẫn giải cho tín hữu ý nghĩa sâu xa nơi giáo huấn của Chúa Giêsu cũng như nơi mầu nhiệm của Người. Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà hôm nay, cũng như ở vào lúc khai sinh Giáo Hội, tác hành nơi mọi nhà truyền bá phúc âm hóa để mặc cho Ngài chiếm đoạt và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần đặt nơi miệng lưỡi họ những lời mà họ không thể tự mình có được, đồng thời, Chúa Thánh Thần sửa soạn tâm hồn người nghe biết cởi mở và chấp nhận Tin Mừng cùng với vương quốc được loan báo.

           

Những kỹ thuật truyền bá phúc âm hóa thì tốt, thế nhưng, ngay cả đến những kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể nào thay thế được tác động êm ái của Thần Linh. Việc trang bị toàn vẹn nhất nơi một nhà truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ không gây tác dụng gì, nếu không có Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì biện chứng hùng hồn nhất cũng không có tác hiệu gì nơi tâm hồn con người. Không có Ngài thì những dự án được phác họa ra dù có cao kiến mấy chăng nữa, dựa trên căn bản về xã hội cũng như về tâm lý đi nữa, cũng chẳng mấy chốc sẽ trở thành vô giá trị.

 

Chúng ta đang sống trong Giáo Hội ở vào một thời điểm hồng phúc Thần Linh. Người ta ở khắp nơi đang cố gắng nhận biết Ngài hơn, như Sách Thánh cho thấy về Ngài. Họ lấy làm sung sướng theo ơn tác động của Ngài. Họ đang qui tụ chung quanh Ngài; họ muốn để mặc cho Ngài dẫn dắt họ. Bởi vậy, nếu Thần Linh của Thiên Chúa giữ một địa vị nổi bật trong cả cuộc sống của Giáo Hội, thì Ngài sống động nhất là nơi sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội. Cuộc khai mở long trọng vào buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, theo ơn linh ứng của Thần Linh, không phải là một biến cố bất ngờ xẩy ra đâu.

 

Phải công nhận rằng, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc truyền bá phúc âm hóa: chính Ngài là Đấng thôi thúc mỗi một cá nhân trong việc loan báo Phúc Âm, cũng chính Ngài là Đấng ở trong thâm tâm người nghe để làm cho lời cứu độ được chấp nhận và hiểu biết (x. sắc lệnh Ad Gentes, 4). Thế nhưng, cũng có thể nói rằng, Ngài là mục đích của việc truyền giáo: Một mình Ngài tạo nên tạo vật mới, tạo nên nhân loại mới, qua việc truyền bá phúc âm hóa, bằng một mối hiệp nhất trong đa diện là những gì việc truyền bá phúc âm hóa muốn đạt được trong cộng đồng Kitô hữu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Phúc Âm thấu nhập vào lòng thế giới, vì chính Ngài là Đấng khiến cho người ta nhận ra những dấu chỉ thời đại - những dấu chỉ Thiên Chúa muốn - mà trong giòng lịch sử việc truyền bá phúc âm hóa muốn tỏ ra cho thấy và lợi dụng.

 

Cuộc Thượng Hội Giám Mục năm 1974 đã nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc truyền bá phúc âm hóa, cũng như đã tỏ ra niềm mong ước là các vị mục tử cũng như các nhà thần học – Chúng Tôi còn muốn nói tới cả tín hữu được niêm ấn Thần Linh nơi Phép Rửa – phải học hỏi hoàn toàn hơn về bản tính cũng như về cách thức tác động của Thánh Linh trong việc truyền bá phúc âm hóa hiện nay. Đây cũng là niềm mong ước của cả Chúng Tôi nữa, và Chúng Tôi kêu gọi tất cả các nhà truyền bá phúc âm hóa, bất kể là ai, hãy tin tưởng và sốt sắng cầu nguyện không ngừng cùng Chúa Thánh Linh, và hãy khôn ngoan để Ngài, như Đấng tác động tối thượng, hướng dẫn các dự án của họ, các sáng kiến của họ và hoạt động truyền bá phúc âm hóa của họ.

 

76.  Chứng Từ Chân Chính của Đời Sống

 

Đến đây chúng ta hãy xét đến chính con người của những nhà truyền bá phúc âm hóa.

 

Ngày nay, người ta thường hay nói rằng, thế kỷ hiện tại đang khao khát những gì là chuyên chính. Nhất là đối với giới trẻ, thành phần được cho là đang khiếp đảm trước những giả tạo hay sai lầm, và là thành phần hết sức tìm kiếm sự thật và chân tình.

 

Chúng ta phải để ý đến những “dấu chỉ thời đại” ấy. Một cách ngấm ngầm hay rõ ràng song lúc nào cũng mãnh liệt, chúng ta phải lưu ý tới những vấn nạn này: Quí vị có thực sự tin những gì mình đang loan báo hay chăng? Quí vị có sống những gì quí vị tin tưởng hay chăng? Quí vị có thực sự rao giảng những gì quí vị sống hay chăng? Hơn bao giờ hết, chứng từ cuộc sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để đạt tới thành quả thực sự trong việc rao giảng. Chính vì lý do này chúng ta phải có trách nhiệm, ở một mức độ nào đó, đối với việc tiến bộ của Phúc Âm do chúng ta loan báo.

 

Chúng Tôi đã đặt vấn đề ở ngay đầu cuộc suy niệm này, đó là “tình trạng của Giáo Hội mười năm sau Công Đồng Chung Vaticanô II ra sao?” Giáo Hội có được thiết lập một cách chắc chắn ở giữa lòng thế giới, song vẫn tự do và độc lập đủ để khiến cho thế giới phải chú ý hay chăng? Giáo Hội có chứng tỏ mình liên kết với con người cũng như với Tuyệt Đối Thể thần linh hay chăng? Giáo Hội có sốt sắng hơn trong việc chiêm niệm và tôn thờ, cũng như trong nhiệt tình hoạt động truyền giáo, bác ái và giải phóng hay chăng? Giáo Hội đã dấn thân hơn bao giờ hết chưa, trong việc nỗ lực tìm kiếm đường lối để phục hồi tình trạng hoàn toàn hiệp nhất Kitô giáo, một tình trạng hiệp nhất mang lại hiệu quả hơn cho việc làm chứng chung, “để làm cho thế giới tin” (Jn.17:21)? Tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời cho những vấn nạn này.

 

Bởi thế, chúng tôi ngỏ lời kêu gọi của mình đến quí huynh trong Hàng Giáo Phẩm, được Chúa Thánh Thần đặt lên cai quản Giáo Hội (x. Acts 2:28). Chúng tôi kêu gọi các linh mục và phó tế, những cộng tác viên của các vị giám mục, trong việc tập hợp cộng đoàn Dân Chúa cũng như trong việc làm sinh động về mặt thiêng liêng các cộng đoàn địa phương. Chúng tôi kêu gọi các tu sĩ, những chứng nhân của Giáo Hội được mời gọi sống thánh thiện, và do đó cũng được mời gọi sống chứng thực cho các mối phúc đức của Phúc Âm. Chúng tôi kêu gọi giáo dân: các gia đình Kitô hữu, giới trẻ, người lớn, tất cả những ai buôn bán hay hành nghề, các nhà lãnh đạo, cả người nghèo là thành phần thường mạnh lòng tin cậy – tất cả những người giáo dân ý thức được vai trò truyền bá phúc âm hóa của mình trong việc phục vụ Giáo Hội cũng như trong lòng xã hội và thế giới. Chúng tôi muốn nói với tất cả mọi người là: nhiệt tình truyền bá phúc âm hóa của chúng ta phải được xuất phát từ một đời sống thánh thiện thực sự, và như Công Đồng Chung Vaticanô II đề nghị, việc rao giảng tự nó phải làm sao cho các nhà rao giảng thêm thánh thiện, một đời sống thánh thiện được dưỡng nuôi bằng nguyện cầu, nhất là bằng lòng mến yêu Thánh Thể (xem Sắc Lệnh về Thừa Tác Vụ và Đời Sống Linh Mục Presbyterorum Ordinis, đoạn 13: AAS 58 – 1966 – p. 1011).

 

Thế giới, ngược đời thay, bất chấp vô số những dấu hiệu chối bỏ Thiên Chúa, vẫn đang tìm kiếm Ngài bằng những cách thức không ngờ, và đang cảm thấy cần đến Ngài một cách đáng thương – một thế giới đang cần đến các nhà truyền bá phúc âm hóa để nói với nó về Thiên Chúa, Đấng mà các vị truyền bá phúc âm hóa phải biết và quen thuộc như thể họ thấy được đấng vô hình (x.Heb.11:27). Thế giới cần đến và mong đợi từ chúng ta một đời sống giản dị, một tinh thần cầu nguyện, một đức bác ái đối với tất cả mọi người, nhất là đối với thành phần thấp hèn và nghèo khổ, một đức tuân phục và khiêm hạ, một tấm lòng không dính bén và biết hy sinh bản thân mình. Không có dấu vết thánh thiện này, lời nói của chúng ta khó có thể đánh động được tâm can con người tân tiến ngày nay. Nó có thể trở thành mất công vô ích và chẳng sinh hoa kết trái gì.

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VII - VIỆC CỘNG TÁC TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO (77-81)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Vì là phần thể của Giáo hội theo Phép Rửa mà tất cả mọi Kitô hữu đều chia sẻ trách nhiệm vào hoạt động truyền giáo. “Việc cộng tác truyền giáo” là lời diễn tả được dùng để nói lên việc các cộng đồng và Kitô hữu chia sẻ với nhau nơi quyền lợi và nhiệm vụ truyền giáo này.

 

Việc cộng tác truyền giáo được bắt nguồn và sống động, trước hết, nơi mối hiệp nhất riêng tư với Chúa Kitô. Chỉ khi nào chúng ta được nên một với Người, như cành nho dính liền với cây nho (x. Jn 15:5), chúng ta mới có thể sinh hoa trái tốt tươi. Bằng đời sống thánh thiện, hết mọi Kitô hữu có thể trở nên phần sai trái nơi việc truyền giáo của Giáo Hội. Công Đồng Chung Vaticanô II đã mời gọi tất cả mọi người hãy thực hiện “việc canh tân nội tâm sâu xa, để nhờ nhận thức sống động được trách nhiệm riêng của mình trong việc quảng bá Phúc Âm, họ có thể góp phần của mình vào việc truyền giáo nơi các dân nước” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 35; xem CIC, cc. 211, 781).

 

Chia sẻ thực hiện sứ vụ truyền giáo đại đồng, bởi thế, không bị giới hạn vào một số những hoạt động chuyên biệt, nhưng là một dấu hiệu trưởng thành trong đức tin cũng như trong đời sống Kitô hữu sinh hoa kết trái. Như thế, các tín hữu nói riêng mới vươn đức ái của mình ra cho thấy mối quan tâm đối với cả những kẻ ở xa cũng như ở gần. Họ cầu nguyện cho các việc truyền giáo và cho các ơn gọi truyền giáo. Họ giúp các nhà truyền giáo và lấy làm phấn khởi làm theo các công việc của các vị ấy. Khi các nhà truyền giáo trở lại, họ tiếp đón các vị bằng một niềm vui giống như niềm vui của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, khi các cộng đồng này nghe các Tông Đồ thuật lại những sự lạ lùng Thiên Chúa đã làm qua việc các Tông Đồ giảng dạy (x. Acts 14:27).

 

Cầu Nguyện và Hy Sinh cho Các Nhà Thừa Sai

 

78-       Trong số những hình thức chia sẻ này, đầu tiên là việc cộng tác về phần thiêng liêng qua lời cầu nguyện, qua hy sinh và qua chứng từ của đời sống Kitô hữu. Việc cầu nguyện phải kèm theo cuộc hành trình của các nhà truyền giáo, để việc loan truyền Lời Chúa được tác hiệu theo ơn Chúa. Trong các Bức Thư của mình, Thánh Phaolô thường xin tín hữu cầu nguyện cho ngài, để ngài có thể loan truyền Phúc Âm một cách tin tưởng và vững vàng. Cầu nguyện cần phải được đi kèm với hy sinh. Giá trị cứu chuộc của đau khổ, vì yêu mến chấp nhận và dâng lên cho Thiên Chúa, bắt nguồn từ hiến tế của chính Chúa Kitô, Đấng kêu gọi các phần thể thuộc Nhiệm Thể của Người thông phần vào các khổ đau của Người, để hoàn tất những đau khổ ấy nơi xác thịt của họ (x. Col 1:24). Việc hy sinh của các nhà truyền giáo phải được chia sẻ và kèm theo bằng các hy sinh của tất cả mọi tín hữu. Do đó, Tôi hết sức muốn những ai lo việc mục vụ chăm sóc bệnh nhân hãy dạy cho họ biết về hiệu năng của đau khổ, và khuyến khích họ hãy hiến dâng những đau khổ của họ lên Thiên Chúa để cầu cho các nhà truyền giáo. Bằng việc hiến dâng như vậy, chính bệnh nhân trở nên những nhà truyền giáo, như các phong trào do họ lập nên, hay được lập nên cho thành phần của họ, nhấn mạnh. Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – thời điểm mở màn cho việc truyền giáo của Giáo Hội – nơi một số cộng đồng, được cử hành như là một “Ngày Chịu Đựng Khổ Đau để cầu cho Các Việc Truyền Giáo”. 

 

“Này con đây, Lạy Chúa! Con sẵn sàng! Xin hãy sai con!”

 

79-       Việc cộng tác truyền giáo được nói lên, trước hết, bằng việc cổ võ các ơn gọi truyền giáo. Dù có công nhận tính cách hiệu năng của các đường lối khác nhau để tham gia vào hoạt động truyền giáo, cũng cần phải tái xác nhận rằng, việc hoàn toàn dấn thân trọn đời cho công cuộc của các ngành truyền giáo là việc đứng hàng đầu, nhất là dấn thân trong các Tu Hội và Hội Dòng truyền giáo. Việc cổ võ các ơn gọi như vậy là tâm điểm của việc cộng tác truyền giáo. Việc rao giảng Phúc Âm đòi phải có các nhà rao giảng; mùa màng cần thợ gặt. Việc truyền giáo được thực hiện, trước hết, bởi những con người nam nữ tận hiến đời mình cho công cuộc của Phúc Âm, và là những con người sẵn sàng mang ơn cứu độ ra đi đến khắp nơi trên thế giới.

 

Tôi muốn nhắc lại để kêu gọi việc quan tâm đến các ơn gọi truyền giáo. Nhận thức được trách nhiệm chung của Kitô hữu trong việc góp phần vào hoạt động truyền giáo, cũng như vào việc phát triển các dân tộc nghèo khổ hơn mình, chúng ta cần phải thắc mắc hỏi mình rằng, ở một vài xứ sở, trong khi việc đóng góp về tiền bạc tăng lên, thì các ơn gọi truyền giáo, những ơn gọi này mới là mức đo lường thực sự của việc tự hy hiến bản thân cho anh chị em của mình, lại đang có nguy cơ mất đi. Các ơn gọi làm linh mục và sống đời tận hiến là một dấu hiệu chắc chắn nói lên sức sống của một Giáo Hội.

 

80-       Khi nghĩ đến vần đề hệ trọng này, Tôi hết lòng tin tưởng và tha thiết kêu gọi các gia đình và giới trẻ. Các gia đình, nhất là các cha mẹ, cần ý thức rằng, họ phải “hiến dâng phần đóng góp đặc biệt cho lợi ích truyền giáo của Giáo Hội, bằng việc nuôi dưỡng các ơn kêu gọi truyền giáo nơi con cái nam nữ của họ” (Tông Huấn Familiaris Consortio, 54: loc. cit., 147).

 

Đời sống nguyện cầu thiết tha, cảm thức đích thực trong việc phục vụ tha nhân của mình, và việc tham gia nhiệt thành vào các hoạt động trong Giáo Hội, cống hiến các gia đình những điều kiện thuận lợi gieo mầm ơn gọi nơi giới trẻ. Khi cha mẹ sẵn sàng để cho một trong những đứa con của mình ra đi truyền giáo, khi họ xin ơn này nơi Chúa, Ngài sẽ ban cho họ vui mừng vào ngày có đứa con trai hay con gái của họ nghe thấy Chúa gọi theo Ngài.

 

Tôi xin chính giới trẻ hãy lắng nghe lời Chúa Kitô khi Người nói với họ những gì Người đã từng nói với Simon Phêrô và Anrê ở bờ hồ: “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những tay đánh cá người” (Mt 4:19). Chớ gì họ can đảm đáp lại như tiên tri Isaia đã làm: “Này con đây, lạy Chúa! Con sẵn sàng rồi! Xin hãy sai con đi!” (x. Is 6:8). Họ sẽ có một cuộc sống tuyệt vời trước mắt, và họ sẽ nếm được niềm vui đích thực trong việc loan truyền “Tin Mừng” cho anh chị em là những người họ sẽ dẫn đi trên con đường cứu độ.

 

“Cho đi hơn nhận lãnh” (Acts 20:35)

 

81-       Các nhu cầu về vật chất và tài chính cho những việc truyền giáo thì nhiều: không phải ở tại việc thiết lập một Giáo Hội với cơ cấu tối thiểu (nguyện đường, trường sở cho các giáo lý viên và chủng sinh, nhà cửa), mà còn để hỗ trợ cho các việc bác ái, giáo dục và tiến bộ của con người – một lãnh vực hoạt động rộng lớn, nhất là nơi các xứ nghèo. Giáo Hội truyền giáo cho đi những gì Giáo Hội nhận được, và phân phối cho kẻ nghèo các của cải vật chất do các con cái nam nữ giầu có về vật chất của Giáo Hội cúng cho Giáo Hội. Ở đây, Tôi muốn cám ơn tất cả những ai đã hy sinh và đóng góp vào công cuộc của những việc truyền giáo. Các hy sinh và chia sẻ của họ không thể nào thiếu được trong việc xây dựng Giáo Hội cũng như trong việc tỏ lòng yêu thương.

 

Trong vấn đề trợ giúp về vật chất, cần phải để ý tới tinh thần làm việc dâng cúng. Đối với vấn đề này, chúng ta phải xét lại lối sống của mình: các việc truyền giáo chẳng những xin đóng góp mà còn xin chia sẻ vào công việc giảng dạy và bác ái đối với kẻ nghèo nữa. Tất cả những gì chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa – chính sự sống cũng như của cải vật chất – không thuộc về chúng ta mà được ban cho chúng ta để chúng ta sử dụng. Lòng quảng đại cho đi bao giờ cũng phải được đức tin hướng dẫn và tác động: bấy giờ chúng ta mới thực sự có phúc khi cho đi hơn là nhận lãnh.

 

Ngày Truyền Giáo Thế Giới, một ngày muốn đề cao nhận thức về các việc truyền giáo, cũng như để quyên tiền cho các việc truyền giáo, là một ngày quan trọng trong đời sống Giáo Hội, vì nó dạy cách cho đi, như một lễ vật dâng lên Thiên Chúa, trong việc cử hành Thánh Thể và cho tất cả mọi việc truyền giáo trên thế giới.

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Ánh Sáng đã Chiếu Soi ‘Mọi Người’ Các Đạo Giáo (tiếp) 

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Đối với dân Do Thái, thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn để tỏ mình ra cho họ biết Ngài thật là “Thiên Chúa chân thật duy nhất” (Jn 17:3), Chúa Kitô tỏ mình ra “là sự thật”, ở chỗ, Người cho họ thấy Người chính là “Đấng Cha sai” (Jn 17:3), tức là Con Thiên Chúa từ trời xuống. Để trả lời cho vị thượng tế đại diện Hội Đồng Do Thái hết sức trịnh trọng dứt khoát hỏi Người: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống Ngươi có phải là Đấng Thiên Sai, Con Thiên Chúa hay chăng?” (Mt 26:63), Người tuyên bố:

 

·        Chính là Tôi; rồi quí vị sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Quyền Năng và đến trên mây trời” (Mk 14:62).

 

Chúa Giêsu đã biết trước hậu quả của việc tỏ “sự thật” về thân phận mình “là Con Thiên Chúa” ra, không phải hậu quả là Người sẽ bị “dân riêng Người” lên án tử (xem Mt 26:66, Mk 14:64), mà hậu quả là họ chẳng những không thể nào chấp nhận được “sự thật” ấy mà còn vì “sự thật” này vấp phạm nữa, đúng như lời Người đã báo trước cho chung dân Do Thái cũng như riêng các môn đệ của Người biết rằng:

 

·        Tôi sẽ ra đi. Quí vị sẽ tìm Tôi nhưng quí vị sẽ chết trong tội lỗi của mình. Nơi Tôi đi quí vị không thể nào đến được” (Jn 8:21, xem cả 7:33-34, 13:33)

 

Tuy con người tự mình không thể nhận ra “sự thật”, nhận ra Người “là Con Thiên Chúa”, dù Người có minh nhiên cho họ biết như họ muốn và hết sức kiếm tìm đi nữa, Người cũng đã có cách để làm cho họ có thể nhận ra “sự thật” cụ thể sống động song lại vô cùng mâu thuẫn khó có thể chấp nhận trước con mắt trần gian này. Đó là Người đã thực sự “ra đi” đến nơi Người phải đến nơi thập tự giá, vì chỉ có ở đây họ mới nhận ra Người, nhận ra “sự thật” mà họ tìm kiếm:

 

·        Một khi Tôi bị treo lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi” (Jn 12:32);

 

·        Khi quí vị treo Con Người lên, quí vị sẽ nhận ra Bản Thân Tôi” (Jn 8:28).

 

Thật vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ mình thực sự “là Con Thiên Chúa” ngay chính trong thân phận của một “con người” (Jn 19:5) vô cùng hèn yếu dưới con mắt của Tổng Trấn Philatô cũng như trước mắt của dân chúng Do Thái, nhất là bằng cuộc tử nạn vô cùng thương đau khổ nhục trên câp thập tự giá, hoàn toàn trở nên bất lực và thảm bại, đúng như những lời thách thức của dân chúng cũng như của thành phần lãnh đạo dân chúng:

 

·        Dân chúng xỉ nhục Người, lắc đầu nói: ’…Hãy xuống khỏi thập giá đi nếu ngươi Con Thiên Chúa!…’. Các trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão cũng nhào vô mỉa mai rằng: ‘Hắn đã cứu được kẻ khác mà không thể tự cứu được bản thân mình! Vậy mà hắn là vua dân Yến-Duyên đấy! Chúng ta hãy thử xem nếu hắn xuống khỏi thập giá thì chúng ta sẽ tin vào hắn. Hắn tin cậy vào Thiên Chúa thì giờ đây hãy để cho Thiên Chúa giải cứu hắn nếu Ngài muốn. Đằng nào thì hắn cũng tuyên bố Ta là Con Thiên Chúa rồi mà’” (Mt 27:39-43)

Thế mà, chính cái chết của “con người” Giêsu này đã làm cho dân ngoại nhận ra “sự thật” trước hết:

 

·        Viên đại đội trưởng đứng canh Người, khi thấy cách Người chết thì tuyên xưng rằng:Người này quả thật là Con Thiên Chúa!’” (Mk 15:39, xem cả Mt 27:54, Lk 23:47).

 

·        Khi dân chúng tụ họp ở đó thấy những gì xẩy ra thì trở về đấm ngực ăn năn” (Lk 23:48).

 

Thật thế, chân lý Chúa Giêsu “là Con Thiên Chúa” có một tầm mức vô cùng quan trọng, bởi vì, nếu Chúa Giêsu thực sự “là Con Thiên Chúa” thì Chúa Giêsu chẳng những đã trực tiếp “làm chứng cho chân lý” là chính bản thân mình mà còn gián tiếp “làm chứng cho chân lý” trong việc “tỏ Cha ra” (Jn 1:18) nữa. Nói đúng hơn, mục tiêu và sứ mệnh chính yếu của Chúa Kitô đến là để “tỏ Cha ra”, nhất là, cách riêng và trước tiên, cho thành phần môn đệ thân cận của Người (xem Jn 14:8-11, 17:6-7), qua bản thân Người cũng như bằng đời sống của Người, nhất là bằng cuộc Vượt Qua của Người, để cho “ai thấy Thày là thấy Cha” (Jn 14:9). Bởi thế, “sự thật” chính yếu Chúa Giêsu muốn làm chứng đây là “sự thật” về Chúa Cha, một “sự thật” được diễn tả nơi “vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người” (1Tim 2:5-6).

 

Đúng vậy, nếu nhân vật lịch sử mang tên Giêsu, “Đấng đã hiến mình làm giá chuộc cho tất cả mọi người”, quả thực “là Con Thiên Chúa”, thì Người cũng đã thực sự  chứng tỏ cho con người thấy một “sự thật” vô cùng bàng hoàng và cảm động, đó là con người trần gian hèn mọn được “Thiên Chúa là Thần Linh” (Jn 4:24) yêu thương:

 

·        Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, để ai tin vào Con thì không phải chết, song được sự sống đời đời” (Jn 3:16).

 

Nếu “sự thật” Đức Giêsu “là Con Thiên Chúa” hoàn toàn gắn liền với “sự thật” về “Thiên Chúa yêu thương thế gian” thế nào, thì “sự thật” Đức Giêsu “là Con Thiên Chúa” cũng liên hệ sâu xa đến “sự thật” về thân phận của con người như vậy. “Sự thật” ấy là: con người được Thiên Chúa yêu thương, đến nỗi nhân tính của họ nói chung và thân xác hèn mọn của họ nói riêng được “Thiên Chúa là Thần Linh” mặc lấy, qua việc “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14).

 

Bởi thế, khoa nhân loại học của Kitô Giáo, một khoa nhân loại học siêu nhiên, mới được bắt nguồn từ và qui hướng về “sự thật” là Thiên Chúa yêu thương con người trong Đức Giêsu Kitô Con Ngài, Lời Nhập Thể. Sau đây là những chân lý đức tin, cùng với một số hệ luận căn bản và những kết luận thực tiễn nơi khoa nhân loại học siêu nhiên của Kitô Giáo:

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ