GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 24/8/2007

TUẦN XX THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VII- TINH THẦN TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (77-80)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VI - VII - VIỆC CỘNG TÁC TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO (82-86)

?  Ánh Sáng Thế Gian - “Ánh Sáng và Bóng Tối” trong Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam

 

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: VII- TINH THẦN TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA  (77-80)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

77.  Tìm Cầu Hiệp Nhất

 

Năng lực của việc truyền bá phúc âm hóa sẽ cảm thấy rằng mình bị suy giảm đi rất nhiều, nếu những người loan báo Phúc Âm chia rẽ với nhau trong nội bộ về đủ mọi thứ vấn đề. Đây chẳng lẽ không phải là một trong những yếu điểm trầm trọng cho việc truyền bá phúc âm hóa hiện nay hay sao? Thật vậy, nếu Phúc Âm chúng ta loan báo bị xâu xé bởi những tranh cãi về tín lý, bởi những đối chọi về ý hệ, hay bởi những vụ lên án nhau giữa thành phần Kitô hữu, cho thấy, qua các vụ lên án nhau, những quan điểm khác nhau về Chúa Kitô, về Giáo Hội, thậm chí bài bác nhau vì những quan niệm khác nhau về xã hội cũng như về các cơ cấu tổ chức của loài người nữa, thì làm sao những người nghe chúng ta rao giảng cho lại không gặp phải rắc rối, họ sẽ chẳng biết đâu mà mò, nhất là làm sao họ lại không lấy làm chướng tai gai mắt được chăng?

 

Lời phát biểu thiêng liêng của Chúa nói cho chúng ta biết rằng tình trạng hiệp nhất giữa các kẻ theo Người chẳng những là một chứng cớ cho thấy chúng ta thuộc về Người, mà còn là một chứng cớ Người được Cha sai nữa. Đó là một việc thử xem uy tín của Kitô hữu cũng như của Bản Thân Chúa Kitô. Là những nhà truyền bá phúc âm hóa, chúng ta phải cống hiến cho tín hữu Chúa Kitô hình ảnh của một dân trưởng thành trong đức tin, có khả năng tìm thấy một điểm chung vượt ra ngoài những căng thẳng thực sự, nhờ việc cùng nhau chân thành và vô tư tìm kiếm chân lý, chứ không phải là hình ảnh của một dân chia rẽ nhau và tách lìa nhau bởi những tranh cãi thiếu xây dựng. Phải, định mệnh của việc truyền bá phúc âm hóa chắc chắn gắn liền với chứng từ về việc hiệp nhất được Giáo Hội biểu lộ cho thấy này. Trách nhiệm là ở chỗ đó và niềm an ủi cũng là ở chỗ đó vậy.

 

Về điểm này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến dấu hiệu hiệp nhất giữa tất cả mọi Kitô hữu như là đường lối và dụng cụ của việc truyền bá phúc âm hóa. Việc chia rẽ giữa Kitô hữu là một thực tại trầm trọng làm ngăn trở chính công việc của Chúa Kitô. Công Đồng Chung Vaticanô II đã nói một cách rõ ràng minh bạch và mạnh mẽ là, việc chia rẽ này “làm tổn hại đến bản chất thánh thiện nhất của việc rao giảng Phúc Âm cho mọi người, và làm trở ngại cho nhiều người tiếp nhận đức tin” (Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 6: AAS 58 – 1966 – pp. 954-955; xem Sắc Lệnh về Đại Kết Unitatis Redintegratio, đoạn 1: AAS 57 – 1965 – pp. 90-91). Vì lý do này, trong việc công bố Năm Thánh, Chúng Tôi đã phải nhắc lại với tất cả mọi tín hữu thuộc thế giới Công Giáo là, “trước khi qui tụ tất cả mọi người lại với nhau và dẫn họ về với ơn Chúa là Cha của chúng ta, cần phải tái thiết lập việc hiệp thông giữa những người tin tưởng nhận biết và chấp nhận Chúa Giêsu Kitô như Chúa của tình thương, Đấng giải thoát con người và hiệp nhất họ trong Thần Linh yêu thương và chân lý” (Sắc Dụ Apostolorum Limina, VII: AAS 66 – 1974 – p. 305)

 

Với niềm hy vọng Kitô giáo mạnh mẽ, chúng ta lưu ý tới những nỗ lực đã được thực hiện nơi thế giới Kitô giáo đối với việc phục hồi trọn vẹn tình trạng hiệp nhất theo ý Chúa Kitô ấy. Thánh Phaolô đã bảo đảm với chúng ta rằng “hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm.5:5). Trong khi chúng ta còn phải hoạt động để xin Chúa cho được hoàn toàn hiệp nhất với nhau, Chúng Tôi muốn tăng thêm lời cầu nguyện. Ngoài ra, Chúng Tôi muốn thực hiện niềm mong ước của các Vị Nghị Phụ tham dự Thượng Hội Giám Mục Thế Giới Lần Ba, trong việc dấn thân hợp tác hơn nữa với anh em Kitô giáo có cùng một nguồn Phép Rửa và gia sản đức tin chung với chúng ta, thành phần chúng ta chưa hoàn toàn hiệp nhất. Thực hiện như thế, chúng ta đã cùng nhau làm chứng hơn nữa cho Chúa Kitô trước thế giới trong chính việc truyền bá phúc âm hóa. Lệnh truyền của Chúa Kitô thôi thúc chúng ta phải làm điều này; nhiệm vụ rao giảng và làm chứng cho Phúc Âm đòi hỏi phải như thế.

 

78.  Các Kẻ Phục Vụ Chân Lý

 

Phúc Âm được ký thác cho chúng ta cũng là lời chân lý. Một chân lý giải thoát (x.Jn.8:32), và chỉ có chân lý này mới ban bình an cho cõi lòng, một bình an con người tìm kiếm nơi việc chúng ta loan báo Tin Mừng cho họ. Một chân lý về Thiên Chúa, về con người và về định mệnh huyền nhiệm của họ, về thế giới; một chân lý chúng ta khổ công tìm kiếm ở nơi Lời Chúa, và là một chân lý, Chúng Tôi xin lập lại, chúng ta không làm chủ hay giữ chủ quyền, mà chỉ là những nơi chứa đựng, những người loan báo và là những tôi tớ phục vụ thôi.

 

Mọi nhà truyền bá phúc âm hóa cần phải tôn trọng chân lý, nhất là vì chân lý họ học hỏi và thông đạt chính là chân lý được mạc khải cho thấy, bởi đó, hơn bất cứ một chân lý nào khác, cũng là chân lý được tham phần vào chân lý đệ nhất là Chính Thiên Chúa. Do đó, người rao giảng Phúc Âm sẽ là một con người luôn luôn tìm kiếm chân lý họ muốn truyền đạt cho kẻ khác, dù họ phải trả bằng giá khước từ bản thân và chịu đựng đau khổ. Họ không bao giờ phản bội hay giấu diếm chân lý, vì muốn chiều lòng người, để gây kinh ngạc hay chấn động, họ cũng không bao giờ phản bội hay giấu diếm chân lý bởi tính cách nguyên tuyền của chân lý hay vì muốn gây ấn tượng. Họ không chối bỏ chân lý. Họ không làm lu mờ chân lý mạc khải, bằng việc lười biếng tìm kiếm chân lý, hay vì tiện ích riêng của mình, hoặc vì lo âu sợ hãi. Họ không chểnh mảng trong việc học hỏi chân lý. Họ phụng sự chân lý cách quảng đại chứ không bắt chân lý phải phục vụ mình.

 

Chúng ta là những vị mục tử của thành phần tín hữu, và việc mục vụ của chúng ta thúc đẩy chúng ta phải bảo trì, bảo vệ và thông đạt chân lý, cho dù chân lý có đòi chúng ta phải hy sinh. Có rất nhiều vị mục tử nổi nang và thánh thiện đã để lại cho chúng ta thấy mẫu gương về lòng yêu mến chân lý này. Trong nhiều trường hợp, nó là một lòng yêu mến hùng dũng can trường. Vị Thiên Chúa của chân lý muốn chúng ta là những kẻ bảo vệ tinh khôn và là những người nhiệt tình rao giảng chân lý.

 

Hỡi những người phụ huynh và những người làm thầy, công việc của các con – một công việc không dễ dàng gì trước nhiều thứ xung khắc hiện nay – là giúp cho con cái của mình và học sinh của mình khám phá ra chân lý, gồm cả chân lý về đạo nghĩa lẫn tâm linh.

 

79.  Được Tình Yêu Linh Hoạt

 

Công việc truyền bá phúc âm hóa đã làm nẩy sinh nơi nhà truyền bá phúc âm hóa một tình yêu thương càng ngày càng mạnh mẽ hơn đối với những người họ truyền bá phúc âm hóa. Thánh Phaolô Tông Đồ, nhà truyền bá phúc âm hóa gương mẫu, đã viết cho giáo đoàn Thessalônica những lời làm nên một chương trình sống cho tất cả chúng ta, đó là “với tình yêu thương tha thiết, chúng tôi muốn ban cho anh em chẳng những Phúc Âm của Thiên Chúa mà còn cả chính mình chúng tôi nữa, vì anh em là những người chúng tôi rất yêu dấu” (1Thes.2:8; x.Phil.1:8). Tình yêu này là gì? Tình yêu này còn hơn tình yêu của một vị thày; nó là tình yêu của một người cha; nó cũng là tình yêu của một người mẹ (x. 1Thes. 2:7-11; 1Cor.4:15; Gal.4:19). Chính tình yêu này là tình yêu Chúa muốn thấy nơi mọi người rao giảng Phúc Âm, nơi mọi người xây dựng Giáo Hội. Dấu hiệu của tình yêu này là tỏ ra quan tâm đến việc hiến ban chân lý và làm cho con người được hiệp nhất với nhau. Dấu hiệu khác của tình yêu này là việc sốt sắng loan báo Chúa Giêsu Kitô, không do dự và lùi bước. Chúng ta hãy kể thêm một số dấu hiệu khác nữa của tình yêu này.

 

Dấu hiệu thứ nhất là tôn trọng hoàn cảnh đạo nghĩa và tâm linh của những ai được truyền bá phúc âm hóa. Tôn trọng đường đi nước bước của họ; không ai có quyền bắt họ quá mức. Tôn trọng lương tâm và niềm tin của họ, không được đối xử với họ cách tàn tệ.

 

Một dấu hiệu khác của tình yêu này là để ý đừng làm tổn thương người khác, nhất là lúc họ yếu kém về đức tin (x.1Cor.8:9-13; Rm.14:15), bằng những lời phát biểu, đối với những người hiểu được thì không thành vấn đề, song đối với tín hữu lại có thể là nguyên cớ gây bối rối và gương mù, như gây thương tích cho linh hồn họ vậy.

 

Còn một dấu hiệu khác nữa tỏ ra tình yêu này, đó là nỗ lực trong việc thông đạt cho các người Kitô hữu những niềm xác tín vững chắc được cắm neo vào Lời Chúa, chứ không phải những gì là nghi ngờ và bất định phát sinh từ một thứ uyên bác được áp dụng một cách nghèo nàn. Tín hữu cần những xác tín này cho cuộc sống Kitô hữu của họ; họ được quyền có những xác tín này, như là những người con của Thiên Chúa, thành phần hoàn toàn phó mình trong tay Ngài và cho những đòi hỏi của tình yêu.

 

80.  Bằng Lòng Sốt Mến của Thánh Nhân

 

Lời kêu gọi của Chúng Tôi ở đây được khích động bởi lòng sốt mến của những nhà rao giảng và truyền bá phúc âm hóa cao cả nhất, những vị hiến đời mình cho sứ vụ tông đồ. Trong số những vị này, Chúng Tôi được hân hạnh nêu gương một số vị chúng tôi đã dự định tôn vinh trước tín hữu trong dịp Năm Thánh này. Các vị ấy đã biết thắng vượt các trở ngại trong việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Những trở ngại ấy cũng xẩy ra hiện nay nữa, và Chúng Tôi sẽ chỉ đề cập đến tình trạng thiếu lòng sốt mến. Trở ngại này càng trầm trọng hơn nữa vì nó phát xuất từ bên trong. Nó bộc lộ cho thấy ở chỗ mệt mỏi, mất hăng hái, dung hòa, thiếu hào hứng, nhất là thiếu vui vẻ và hy vọng. Chúng Tôi kêu gọi tất cả những ai đang hoạt động truyền bá phúc âm hóa, bất kể mang chức vụ hay ở lãnh vực nào, hãy luôn luôn nuôi dưỡng lòng sốt mến đạo đức của mình (x.Rm.12:11).

 

Lòng sốt mến này trước hết đòi chúng ta phải biết loại trừ những lý do tránh né làm ngăn trở việc truyền bá phúc âm hóa. Chắc chắn lý do tránh né tai hại ngấm ngầm nhất đó là những lý do người ta nại vào giáo huấn này nọ của Công Đồng Chung Vaticanô II.

 

Bởi thế, người ta rất thường hay nghe thấy các kiểu nói  khác nhau là, việc áp đặt chân lý, cho dù là chân lý của Phúc Âm, hay việc áp đặt đường lối, cho dù là đường lối cứu độ, chính là việc vi phạm đến quyền tự do tôn giáo. Chưa hết, tại sao lại phải loan truyền Phúc Âm mà làm gì, vì cả thế giới được cứu độ khi họ sống theo lòng chính trực? Cũng thế, chúng ta biết rằng, thế giới và lịch sử đầy những “hạt giống Lời Chúa”; bởi thế, không phải là ảo tưởng hay sao khi chủ trương mang Phúc Âm đến chỗ có sẵn hạt giống do chính Chúa đã gieo vãi?

 

Ai chịu khó học hỏi theo các văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II sẽ có một cái nhìn khác hẳn về những vấn đề được nại vào để tránh né này.

 

Chắc chắn việc áp đặt một điều gì đó trên lương tâm anh chị em của mình là làm một việc sai lầm. Thế nhưng, việc nêu lên cho lương tâm họ thấy chân lý của Phúc Âm và ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô, một cách hoàn toàn minh bạch và hết sức tôn trọng chọn lựa tự do được chân lý Phúc Âm cho thấy – “không bó buộc, không áp lực một cách bất kính hay bất xứng” (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae, đoạn 4: AAS 58 – 1966 – p. 933) – tránh lánh việc tấn công quyền tự do tôn giáo, thì hoàn toàn là một việc tôn trọng quyền tự do này, một quyền tự do có được là để chọn con đường mà ngay cả những người ngoài Kitô giáo cho rằng cao quí và thanh thoát. Nếu làm như thế thì có phải là việc phạm tội chạm đến tự do của những người được quyền hân hoan loan truyền Tin Mừng họ đã nhận biết nhờ tình Chúa thương hay chăng? (xem như vừa dẫn, các đoạn 9-14: loc. cit. pp. 935-940). Vậy thì tại sao chỉ có những gì là sai lạc và lỗi lầm, những gì là đê tiện và sách báo khiêu dâm lại có quyền phơi bầy ra trước mắt con người, và bất hạnh thay, những thứ ấy lại thường áp đặt lên con người, do việc quảng bá tai hại của phương tiện truyền thông xã hội, do việc dung túng của ngành lập pháp, việc nhút nhát của kẻ tốt và bất khôn của kẻ xấu? Việc trình bày kính cẩn về Chúa Kitô và về vương quốc của Người còn hơn là một quyền lợi của nhà truyền bá phúc âm hóa nữa; nó là nhiệm vụ của họ. Cũng thế, nó là quyền lợi của người đồng loại được phép nghe họ loan truyền Tin Mừng cứu độ. Thiên Chúa có thể hoàn thành việc cứu độ này nơi bất cứ ai Ngài muốn, bằng  đường lối chỉ có mình Ngài biết (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 7: AAS 58 – 1966 – p. 955). Tuy nhiên, Con Ngài đến chính là để mạc khải cho chúng ta, bằng lời nói cũng như bằng đời sống của Người, những đường lối cứu độ thông thường. Người đã truyền chúng ta thực hiện việc thông truyền mạc khải này cho những người khác bằng quyền bính Người ủy thác. Cũng tốt thôi nếu mọi Kitô hữu và mọi nhà truyền bá phúc âm hóa cầu nguyện xoay quanh tư tưởng sau đây: bởi tình thương Thiên Chúa, con người cũng có thể chiếm được ơn cứu độ bằng những đường lối khác, cho dù chúng ta không rao giảng Phúc Âm cho họ; thế nhưng, về phần chúng ta, chúng ta có thể chiếm được ơn cứu độ được chăng, nếu chúng ta không rao giảng Phúc Âm, chỉ vì lơ là, sợ hãi hay xấu hổ – điều Thánh Phaolô gọi là “hổ thẹn vì Phúc Âm” (x.Rm.1:16) – hay do bởi những tư tưởng sai lầm? Làm như thế là chúng ta phản bội lời mời gọi của Thiên Chúa, Đấng muốn hạt giống sinh hoa kết trái nhờ tiếng nói của các thừa tác viên Phúc Âm; hạt giống này lệ thuộc vào chúng ta, trong việc lớn lên thành cây cũng như trong việc sinh nhiều hoa trái.

 

Bởi thế, chúng ta hãy bảo trì tinh thần sốt mến của mình. Chúng ta hãy bảo trì niềm vui hoan lạc và an ủi trong việc truyền bá phúc âm hóa, ngay cả lúc chúng ta phải gieo trong nước mắt. Chớ gì đối với chúng ta – cũng như đối với Thánh Gioan Tẩy Giả, với Thánh Phêrô và Phaolô, với các tông đồ khác cũng như với vô số những nhà truyền bá phúc âm hóa sáng ngời qua giòng lịch sử Giáo Hội – tinh thần sốt mến này là một nhiệt tình nội tâm không bị dập tắt bởi bất cứ một ai hay bởi bất kỳ điều gì. Chớ gì tinh thần sốt mến này là niềm vui cao cả cho những cuộc đời tận hiến. Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta đây, một thời đại đang tìm kiếm, đôi khi với lo âu, đôi khi với hy vọng, có thể lãnh nhận Tin Mừng từ các nhà truyền bá phúc âm hóa, không phải là thành phần buồn thảm, thất đảm, bất nhẫn hay lo âu, mà là từ các thừa tác viên Phúc Âm có một đời sống tỏa ra lòng sốt mến, thành phần đã lãnh nhận niềm vui của Chúa Kitô trước, và là thành phần sẵn sàng liều mạng mình để vương quốc của Người được loan truyền và Giáo Hội được thiết lập giữa lòng thế giới.

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: VII - VIỆC CỘNG TÁC TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO (82-86)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

Những Hình Thức Mới trong Việc Cộng Tác Truyền Giáo

 

82-       Ngày nay, việc cộng tác truyền giáo bao gồm những hình thức mới, chẳng những dưới hình thức trợ giúp về kinh tế, mà còn dưới hình thức trực tiếp tham gia nữa. Những hoàn cảnh mới liên quan tới hiện tượng di chuyển đòi Kitô hữu phải có một tinh thần hoạt động truyền giáo đích thực.

 

Trào lưu du lịch khắp thế giới nay đã trở nên một hiện tượng ào ạt. Hiện tượng này là một phát triển tốt, nếu các người đi du lịch giữ được thái độ tôn trọng đối với vấn đề trao đổi để thăng tiến về văn hóa và ước muốn làm như vậy, bằng việc tìm cách tiếp xúc với nhau, chứ không phải để phô trương và phung phí. Phần Kitô hữu, họ cần nhận thức được, trước hết, phận sự buộc họ phải luôn luôn làm chứng cho đức tin và tình yêu Chúa Kitô. Kiến thức trực tiếp về cuộc sống truyền giáo cũng như về các cộng đồng Kitô giáo mới cũng có thể là một kinh nghiệm thăng tiến bản thân và có thể làm cho đức tin của mình thêm vững mạnh. Đến thăm các địa sở truyền giáo là việc nên làm, nhất là đối với thành phần giới trẻ đến đó để phục vụ cũng như để lấy thêm kinh nghiệm dồi dào hơn cho đời sống Kitô hữu.

 

Hiện nay, vì các lý do công ăn việc làm, đã mang nhiều Kitô hữu từ các cộng đồng trẻ đến những vùng Kitô giáo chưa được biết tới, có những lúc còn bị cấm cản hay bắt bớ nữa. Cũng thế, đối với trường hợp của những phần tử tín hữu thuộc các xứ Kitô giáo lâu đời đến làm việc một thời gian ở những đất nước ngoài Kitô giáo. Những trường hợp này thật sự là một cơ hội sống đức tin và làm chứng đức tin. Trong những thế kỷ đầu, Kitô giáo phát triển là vì Kitô hữu, khi di chuyển hay định cư ở những vùng Chúa Kitô chưa được loan báo, đã can đảm làm chứng cho đức tin của mình và đã thành lập các cộng đoàn đầu tiên ở đó.

 

Đông hơn nữa là những người công dân ở các xứ truyền giáo, và những tín đồ thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo, đến định cư ở các nước khác để học hành hay làm việc, hoặc bị buộc phải làm như thế vì tình trạng chính trị hay kinh tế tại đất nước của họ. Việc hiện diện của những người anh chị em này tại các xứ sở theo Kitô giáo lâu đời là một thách đố cho các cộng đồng giáo hội, và là một kích thích cho việc tiếp đãi, đối thoại, phục vụ, chia sẻ, minh chứng và trực tiếp loan báo. Nơi những xứ sở Kitô giáo, các cộng đồng và các nhóm về văn hóa cũng đang hình thành những gì cần cho việc truyền giáo ad gentes, và các Giáo Hội địa phương, được hợp tác của những người di dân đến từ các xứ sở của họ, cũng như của những nhà truyền giáo hồi hương, phải hết sức đáp ứng đối với các trường hợp này.

 

Việc cộng tác truyền giáo cũng có thể bao gồm cả các nhà lãnh đạo về chính trị, kinh tế, văn hóa và phóng sự, cũng như những chuyên gia của các cơ chế quốc tế khác nhau nữa. Trong thế giới tân tiến hiện nay, vấn đề phân định các ranh giới về địa dư hay văn hóa càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng liên thuộc giữa con người với nhau đang tăng lên, và sự kiện này trở thành một kích thích cho chứng từ Kitô giáo cũng như cho việc truyền bá phúc âm hóa.

 

Cổ Động và Huấn Luyện Truyền Giáo trong Thành Phần Dân Chúa

 

83-       Việc huấn luyện truyền giáo là công việc của Giáo Hội địa phương, được tiếp tay bởi các nhà truyền giáo và Tu Hội của họ, cũng như được tiếp tay bởi người đến từ các Giáo Hội trẻ. Công việc này không được coi như là một việc nổi nang bề ngoài mà là việc chính đối với đời sống Kitô hữu. Thậm chí đối với cả việc “tân truyền bá phúc âm hóa” nơi các xứ Kitô giáo thì đề tài về những việc truyền giáo cũng cho thấy là rất hữu ích: chứng từ của các nhà truyền giáo vẫn là một lời kêu gọi đối với cả thành phần tín hữu không hành đạo lẫn thành phần không tin đạo, chứng từ này truyền đạt các giá trị Kitô giáo. Bởi thế, các Giáo Hội riêng phải làm cho vấn đề phát động những việc truyền giáo thành yếu tố chính trong hoạt động mục vụ thông thường ở các giáo xứ, hội đoàn và nhóm hội, nhất là ở các nhóm giới trẻ.

 

Khi nhắm đến mục đích này, cần phải quảng bá chi tiết qua các việc phát hành cũng như qua các phương tiện trợ thính thị về truyền giáo. Những phương tiện này đóng một vai trò quan trọng, trong việc phổ biến sinh hoạt của Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong việc chia sẻ những kinh nghiệm của các nhà truyền giáo và của các Giáo Hội địa phương họ hoạt động. Nơi những Giáo Hội mới mẻ vẫn chưa có phương tiện in ấn, hay các phương tiện khác trong tay, thì các Tu Hội Truyền Giáo cần phải giúp nhân lực và vật lực cho những công việc làm này. 

 

Một việc huấn luyện như thế được ủy thác cho các vị linh mục và cộng sự viên của họ, cho các nhà giáo dục và giáo sư, cũng như cho các nhà thần học, nhất là những người dạy trong các chủng viện và các trung tâm dành cho giáo dân. Việc huấn luyện về thần học không thể và không được bỏ qua việc truyền giáo đại đồng của Giáo Hội, việc đại kết, việc học hỏi các tôn giáo lớn khác và khoa truyền giáo. Tôi đề nghị là những môn học như vậy phải được dạy đặc biệt trong các chủng viện cũng như trong các nhà huấn luyện cho Tu Sĩ nam nữ, những môn học cần có một số linh mục hay học viên chuyên môn về các ngành truyền giáo học khác nhau.

 

Các hoạt động nhắm đến vấn đề phát động chú trọng đến những việc truyền giáo bao giờ cũng phải được hướng về các mục tiêu đặc biệt này; tức là mục tiêu thông báo và huấn luyện Dân Chúa trong việc tham phần vào sứ vụ truyền giáo đại đồng của Giáo Hội, mục tiêu cổ võ các ơn gọi ad gentes và mục tiêu khuyến khích cộng tác vào việc truyền bá phúc âm hóa. Thật là không đúng khi trình bày một hình ảnh thiếu hụt về hoạt động truyền giáo, như thể nó chỉ hoàn toàn nhắm vào việc giúp đỡ kẻ nghèo, vào việc góp phần giải phóng kẻ bị đàn áp, vào việc đề cao phát triển hay bảo vệ quyền lợi của con người. Giáo Hội truyền giáo nhất định bao gồm cả những công việc hàng đầu này, thế nhưng, công việc chính yếu của Giáo Hội nằm ở chỗ khác, ở chỗ thành phần nghèo khổ đói khát Thiên Chúa, chứ không phải đói khát bánh ăn và tự do vậy thôi. Hoạt động truyền giáo trước hết phải làm chứng cho và loan truyền ơn cứu độ trong Chúa Kitô, cùng với việc thiết lập các Giáo Hội địa phương là nơi sau này trở thành phương tiện giải phóng đúng nghĩa. 

 

Trách Nhiệm Chính của Các Hội Truyền Giáo thuộc Tòa Thánh

 

84-       Vai trò dẫn đầu trong việc phát động này là của Các Hội Truyền Giáo thuộc Tòa Thánh, như Tôi thường cho thấy trong các Sứ Điệp Tôi gửi cho Ngày Truyền Giáo Thế Giới. Bốn Hội này – Hội Truyền Bá Đức Tin, Hội Thánh Phêrô Tông Đồ, Hội Trẻ Em Thánh và Hội Hợp Đoàn Thừa Sai – có cùng một mục đích trong việc nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo hoàn vũ nơi Dân Chúa. Hội Hợp Đoàn Thừa sai có mục đích trực tiếp và đặc biệt phát động ý thức truyền giáo và huấn luyện các linh mục và tu sĩ nam nữ trở nên thành phần cung cấp kiến thức và huấn luyện ở tại các cộng đồng Kitô hữu. Ngoài ra, Hội Hợp Đoàn Thừa Sai còn tìm cách cổ động các Hội khác, như “linh hồn” của các hội ấy (xem ĐTC Phaolô VI, Graves et Increscentes, ngày 5/9/1966: AAS 58 năm 1966, 750-756). “Đây phải là khẩu hiệu của chúng ta: Tất cả mọi Giáo Hội phải hiệp nhất cho việc hoán cải toàn thể thế giới” (P. Manna, Le nostre “Chiese” e la Propagazione del Vangelo, Trento la Ducenta, 1952, p. 35).

 

Vì hưởng đặc ân của Giáo Hoàng và Giám Mục Đoàn, những Hội này, cả ở trong phạm vi của các Giáo Hội địa phương, cũng thực sự “đứng đầu... vì các hội ấy là phương tiện giúp người Công Giáo, ngay từ hồi còn nhỏ, được thấm nhiễm tinh thần truyền giáo đại đồng và truyền giáo chân truyền; các hội ấy cũng là phương tiện bảo đảm cho việc lạc quyên tốt đẹp vì lợi ích của tất cả những việc truyền giáo theo nhu cầu của mỗi một việc” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 38). Mục đích khác nữa của các Hội Truyền Giáo là cổ động các ơn gọi trọn đời ad gentes, cả ở các Giáo Hội cũ lẫn Giáo Hội mới. Tôi tha thiết muốn thấy việc các Hội Truyền Giáo này càng ngày càng cổ động phát triển theo chiều hướng ấy.

 

Về phương diện hoạt động của mình, những Hội này lệ thuộc vào phạm vi hoàn cầu của Thánh Bộ Phụ Trách Việc Truyền Bá Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc; ở cấp độ địa phương, các hội ấy tùy thuộc vào Hội Đồng Các Giám Mục cũng như tùy thuộc vào Giám Mục của từng Giáo Hội, trong việc hợp tác với các trung tâm cổ động đang hoạt động. Các hội ấy mang đến cho thế giới Công Giáo tinh thần đại đồng và tinh thần phục vụ đối với việc truyền giáo của Giáo Hội, mà không có tinh thần này cũng không có việc cộng tác thật sự.

 

Chẳng Những Cho Việc Truyền Giáo mà còn Nhận từ Việc này nữa

 

85-       Việc hợp tác trong hoạt động truyền giáo không có nghĩa là cho đi mà không nhận lãnh. Tất cả mọi Giáo Hội riêng, cả mới lẫn cũ, đều được kêu gọi để cho đi và nhận lãnh theo tương quan của việc truyền giáo đại đồng, không Giáo Hội nào được khép mình lại trước những nhu cầu của các Giáo Hội khác. Công Đồng viết: “Bởi... tính chất công giáo, các phần riêng mang các tặng ân của mình đến cho các phần khác và cho toàn thể Giáo Hội, để làm cho toàn khối và từng phần riêng lớn lên hơn nữa, qua việc tất cả truyền thông cho nhau, cũng như qua việc liên kết nỗ lực hướng đến mối hiệp nhất toàn vẹn... Giữa những phần khác nhau trong Giáo Hội có những liên hệ hiệp thông sâu xa liên quan đến những kho tàng thiêng liêng, đến các nhân viên tông đồ và đến việc trợ giúp về vật chất” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 13).

 

Tôi kêu gọi tất cả mọi Giáo Hội, Giám Mục, linh mục, tu sĩ và các phần tử giáo dân, hãy hướng về tính cách đại đồng của Giáo Hội, và hãy tránh hết mọi hình thức khuynh hướng thiển cận chỉ biết lấy mình hay độc quyền, hoặc những cảm giác tự mãn. Các Giáo Hôïi địa phương, mặc dầu được ăn sâu vào dân tộc và văn hóa riêng của mình, cũng phải luôn luôn giữ được cảm thức sống động về tính cách đại đồng của đức tin, về việc cho đi và nhận lãnh các tặng ân thiêng liêng, về các kinh nghiệm của hoạt động mục vụ trong việc truyền bá phúc âm hóa và việc loan báo lúc ban đầu, cũng như về nhân lực cho việc tông đồ và các nguồn lợi vật chất.

 

Khuynh hướng muốn trở nên biệt lập có thể là một khuynh hướng mãnh liệt. Các Giáo Hội cũ, liên quan đến việc tân truyền bá phúc âm hóa, có thể nghĩ rằng việc truyền giáo của mình hiện nay ở tại phần đất của mình, do đó, các Giáo Hội này có thể bị nhụt đi nhuệ khí đối với thế giới ngoài Kitô giáo, bất đắc dĩ để cho các ơn gọi đến với các Tu Hội truyền giáo, các Hội Dòng Tu Sĩ hay các Giáo Hội riêng khác. Thế nhưng, chính nhờ việc cho đi một cách quảng đại những gì chúng ta có mà chúng ta sẽ nhận được. Những Giáo Hội trẻ, có nhiều nơi được chúc phúc bởi có dồi dào ơn gọi, đã ở trong vị thế sai các linh mục và Tu Sĩ nam nữ tới các Giáo Hội lâu đời hơn.

 

Ngoài ra, các Giáo Hội trẻ cũng đang quan tâm đến căn tính riêng của mình, đến việc hội nhập văn hóa, cũng như đến việc tự do phát triển thoải mái mà không bị ảnh hưởng bởi ngoại bang, để rồi cuối cùng họ có thể đóng cửa không có các nhà truyền giáo tới nữa. Với những Giáo Hội này, Tôi xin nói là: Đừng tự cô lập lấy mình; hãy sẵn sàng tiếp nhận các nhà truyền giáo, cùng sự nâng đỡ của các Giáo Hội khác, và cũng làm như vậy cho các Giáo Hội khắp nơi. Chính vì các vấn đề liên quan đến Giáo Hội của mình mới cần tới việc liên tục liên hệ với các anh chị em mình trong đức tin. Bằng mọi phương tiện hợp pháp, hãy tìm cách bảo đảm cho bằng được việc nhận thức về niềm tự do mình có quyền hưởng, khi nhớ rằng các môn đệ của Chúa Kitô phải “vâng lời Thiên Chúa hơn là người ta” (Acts 5:29).

 

Thiên Chúa đang Sửa Soạn một Mùa Xuân Mới cho Phúc Âm

 

86-       Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta bị dội lại bởi nhiều yếu tố tiêu cực có thể làm cho chúng ta bi quan. Thế nhưng, cảm giác này không chính đáng: chúng ta tin vào Thiên Chúa là Cha và là Chúa của chúng ta, vào lòng tốt và tình thương của Ngài. Trong lúc Ngàn Năm thứ ba của ơn cứu chuộc gần đến, Thiên Chúa đang sửa soạn một mùa xuân rất tươi đẹp cho Kitô giáo, và chúng ta đã thấy được các dấu hiệu le lói của nó. Thật vậy, cả nơi thế giới ngoài Kitô giáo lẫn nơi thế giới Kitô giáo lâu đời, con người đang dần dần tiến gần tới những lý tưởng và giá trị Phúc Âm hơn, một đà phát triển Giáo Hội đang tìm cách phấn khích. Thật vậy, ngày nay, các dân tộc có một cảm nhận chung về những giá trị sau đây: việc loại trừ bạo lực và chiến tranh; việc tôn trọng con người và các quyền lợi của con người; niềm mong ước được tự do, công chính và tình yêu huynh đệ; việc thắng vượt các hình thức khác nhau về chủng tộc và dân tộc; việc công nhận phẩm vị và vai trò của nữ giới.

 

Niềm hy vọng của Kitô giáo nâng đỡ chúng ta trong việc chúng ta hoàn toàn dấn thân cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa, cũng như cho việc truyền giáo đại đồng, và khiến chúng ta nguyện cầu như Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Chúng con nguyên Nước Cha trị đến. Chúng con nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6:10).

 

Còn thật nhiều người đang đợi chờ Chúa Kitô, đó là những nhóm người và những khối văn hóa chưa biết đến Phúc Âm, hay những người hầu như chưa biết đến có Giáo Hội, nhiều đến nỗi cần phải liên kết tất cả nguồn lợi của Giáo Hội lại. Vào thời điểm sửa soạn cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm năm 2000, toàn thể Giáo Hội lại càng dấn thân cho một mùa vọng truyền giáo mới. Chúng ta phải tăng thêm lòng nhiệt thành tông đồ của chúng ta để truyền sang cho các người khác ánh sáng và niềm vui của đức tin, và toàn thể Dân Chúa phải được giáo huấn theo lý tưởng cao cả này.

 

Chúng ta không thể bằng lòng khi thấy cả triệu triệu anh chị em của mình, cũng như chúng ta, được cứu chuộc bằng  máu Chúa Kitô, mà lại sống chẳng biết gì về tình yêu của Thiên Chúa cả. Bởi vì, đối với mỗi một tín hữu, cũng như đối với toàn thể Giáo Hội, công việc truyền giáo vẫn phải là một việc làm trên hết, vì công việc này liên quan đến định mệnh đời đời của con người, cũng là công việc hợp với dự án nhiệm mầu và nhân hậu của Thiên Chúa.

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - “Ánh Sáng và Bóng Tối” trong Lịch Sử Giáo Hội Việt Nam

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

“L

ịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi”.

 

Trên đây là lời Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phổ biến năm 1980. Lời này được trích lại ở ngay Lời Nói Đầu cuốn “Một Số Vấn Đề Lịch Sử Đạo Thiên Chúa trong Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam”, do Viện Khoa Học Xã Hội và Ban Tôn Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1988, với mục đích “để đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào, đồng chí trong và ngoài nước… gồm các bài mở đầu và kết thúc Hội nghị… 17 bản tham luận và bài tổng thuật các ý kiến phát biểu tự do” (Ban Biên Tập, Lời Mở Đầu, trang 6, những chỗ được in nghiêng trong các câu trích dẫn ở đây là do tự ý của người viết cuốn “Ánh Sáng Thế Gian” này).

 

Thời điểm cho “những vấn đề của lịch sử của đạo Thiên Chúa ở Việt Nam được khơi dậy và trở thành đề tài nghiên cứu cho các nhà sử học và khoa học xã hội khi Tòa Thánh Vatican chủ trương phong Thánh tử đạo cho 117 vị Chân phước đã qua đời từ trước tháng 7-1862 và đã được Giáo hội tuyên phong qua nhiều lần trong vòng nửa đầu thế kỷ này” (Ban Biên Tập, Lời Mở Đầu, cùng sách trang 5).

 

Mục tiêu và nội dung của tập tài liệu này là “tham luận và thảo luận xoay quanh mấy vấn đề chính: 1) Lịch sử của giáo hội công giáo hồi thế kỷ 18-19 trong mối tương quan với việc chủ nghĩa thực dân Pháp đánh chiếm nước ta. 2) Thái độ của các vua chua Việt Nam đối với công giáo trong đó có vấn đề cấm đạo và giết đạo. 3) Truyền thống kính Chúa yêu nước, ‘Sống phúc âm trong lòng dân tộc’ của Giáo hội Việt Nam. Thông qua những vấn đề lớn đó, chúng ta đi đến một quan điểm đầy đủ thống nhất hơn về… vấn đề tương quan giữa Công giáo – dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc kể từ khi có việc truyền đạo Thiên chúa vào nước ta” (Lời Khai Mạc Của GS Phạm Như Cương, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, cùng sách trang 10; những chữ nghiêng là để nhấn mạnh ý tưởng thích hợp ở đây).

 

Địa điểm, tiến trình và nhân lực góp phần cho cuốn “Kỷ Yếu Hội Nghị Khoa Học Tại Thành Phố Hồ Chí Minh ngày 11-12/3/1988” (lời ghi ở bìa sách phía trước), đó là “tại Viện Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh… Hội nghị dành nửa thời gian để đọc Tham luận và nửa thời gian còn lại để trao đổi ý kiến tự do… nhờ sự đóng góp của hơn 130 giáo sư, tiến sĩ, cán bộ nghiên cứu Sử học và khoa học xã hội thuộc nhiều cơ quan khoa học…” (Ban Biên Tập, Lời Mở Đầu, cùng sách trang 5).

 

Chiều hướng chung của tất cả những gì được phổ biến trong tập “Kỷ yếu” này đã được nêu lên ngay câu mở của Lời Nói Đầu: “Lịch sử Giáo hội Thiên chúa giáo ở Việt Nam không thể tách rời Lịch sử dân tộc Việt Nam. Đứng từ phía Giáo hội, như thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam tháng 5-1980 từng thừa nhận: ‘lịch sử của đạo xen lẫn ánh sáng và bóng tối” (trang 5).

 

Đọc kỹ những gì được trình bày trong tập “Kỷ yếu” này, độc giả thấy ngay ý nghĩa của thành ngữ “ánh sáng và bóng tối” trong Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, do “Hội Nghị Khoa Học” này chứng minh và dẫn giải, những chứng minh và dẫn giải ấy có thể được tóm gọn như sau:

 

·        Thiên Chúa giáo là một sản phẩm Tây phương, được tư bản có mưu đồ thực dân mang vào thị trường văn hóa Nho giáo Việt Nam, đã gặp phải sức cạnh tranh mãnh liệt của chính quyền (Thời Phong Kiến thế kỷ 17-18 và Triều Nguyễn thế kỷ 19) cũng như của nhân dân (Phong Trào Văn Thân) Việt Nam, tuy nhiên, cho dù có vì thời thế đẩy đưa theo đạo, những người Thiên Chúa giáo cũng vẫn trung thành với quê hương dân tộc.

 

(Những hàng chữ nghiêng trong các đoạn trích dẫn sau đây là nguyên văn từ tập Kỷ Yếu duy nhất trên).

Trước hết, “Thiên Chúa giáo là một sản phẩm Tây phương, được tư bản có mưu đồ thực dân mang vào thị trường văn hóa Nho giáo Việt Nam”:

 

Đạo Kitô từ phương Tây được truyền bá sang phương Đông vào thời đại có những phát kiến lớn về địa lý; những phát kiến ấy ‘báo hiệu buổi bình minh của thời đại tư bản chủ nghĩa’ (Mác, Tư bản), đồng thời cũng khai sinh thời đại của chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là hai nước tư bản đầu tiên phát hiện những miền đất mới cũng là hai nước tư bản đầu tiên chinh phục những miền đất mới ấy. Các sắc chỉ Romanus Pontifex (giáo hoàng Roma) ngày 8.1.1454 của Giáo hoàng Nicolas V, sắc chỉ Inter Cactéra (giữa những điều khác) ngày 3.5.1494 của Giáo hoàng Alexandre VI, không thể không đưa tới kết luận rằng: Tòa thánh sử dụng quyền Chúa ban để mở mang nước Chúa dính líu với sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây ngay từ buổi bình minh của thời đại tư bản chủ nghĩa. Sự dính líu giữa Giáo hội và tư bản thực dân là có qui mô quốc tế, sự phản ứng lại mối quan hệ ấy cũng không chỉ xẩy ra ở Việt Nam. Cấm đạo bắt đầu ở Marốc 1604, ở Etiôpia 1632, ở Angiêri 1643, ở Nhật Bản 1614, ở Trung Quốc, ở Triều Tiên, ở Việt Nam…

 

Lịch sử hoạt động giáo hội ở Việt Nam là một bộ phận hoạt động của giáo hội thế giới. Việc truyền đạo vừa có mục đích tôn giáo vừa có mục đích chính trị, mục đích truyền giáo che giấu mục đích chính trị: việc mở mang nước Chúa gắn với việc bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Trong sự truyền đạo, đối với các giáo sĩ phương Tây – những người lãnh đạo giáo hội lúc đó – phụng sự Chúa thống nhất với phụng sự đất nước họ, phụng sự chủ nghĩa tư bản.

 

(GS Nguyễn Công Bình, Viện Khoa học xã hội, TP Hồ Chí Minh,

bài Người Công Giáo Việt Nam Biết Đi Về Đâu Khi Pháp Đánh Chiếm Việt Nam,

sách đang dẫn trang 30-31, 35)

 

Đạo Thiên Chúa phải là mục đích và là nỗ lực của chính quyền thực dân nhắm đến, nó là phương tiện dùng để củng cố sự xâm lăng và thống trị của thực dân. Để đóng vai trò đó, họ cần phải được giới chức tu sĩ hợp tác chặt chẽ với giới chức chính trị lãnh đạo và điều khiển: do đó, cần phải thành lập một giới tăng lữ vừa lo việc thờ phụng vừa lo việc truyền bá ảnh hưởng Thiên Chúa giáo và ảnh hưởng nước Pháp trong thuộc địa mới dưới sự kiểm soát và sẽ nhận tiền trợ cấp của chính quyền.

 

Công bố niềm tin đó cho đổng lý văn phòng của mình và cho đô đốc Bonard, Chasseloup Laubat đã viết: “Tôi muốn nền văn minh Thiên chúa có được một căn cứ lớn trong vùng đất mới chiếm của chúng ta, để tỏa chiếu trên những vùng đất còn các tập quán man rợ đó” (Thư gửi Dolarbre 14-02-1862 do A. Duchêne dẫn trong: Un ministre trop oublie: Chasseloup Laubat, tr. 201)

 

Gửi cho đô đốc La Grandière, Laubat lại viết: “Tôi muốn được thấy lan tràn ảnh hưởng Thiên chúa mà theo tôi, được kêu gọi đến để làm nền tảng cho văn minh chúng ta trong các vùng đất đó. Đối với tôi hình như một món lợi mà trời ban cho nước Pháp. Phải ở lại đây, ở các tỉnh này, không có những đám dân chống lại Thiên chúa giáo như Hồi giáo, và trong niềm hy vọng về tương lai, tôi thấy rằng chính từ Saigon tỏa đi khắp Viễn Đông ảnh hưởng hết sức tự do của xứ sở tôi…” (Thư viết tay 17-09-1865 do A Duchên dẫn cùng sách trên, trang 171)…

 

Đạo Thiên Chúa xuất phát từ Châu Âu, cách đây gần 2000 năm, đã bành trướng thế lực ra khắp thế giới với một hệ thống tổ chức có tính thế giới. Quá trình bành trướng của nó gắn liền một cách tất yếu với quá trình của chủ nghĩa thực dân Châu Âu. Chủ nghĩa thực dân Châu Âu coi đạo Thiên chúa như là một lực lượng phục vụ cho chính sách xâm lăng về tinh thần, còn đạo Thiên chúa tìm ở chủ nghĩa thực dân một chỗ dựa vật chất để truyền giáo, để bành trướng ảnh hưởng của mình. Chính vì vậy mà nó là một tôn giáo phát triển rất nhanh, rất rộng hơn bất cứ một tôn giáo nào khác, nó xâm nhập vào mọi nơi của thế giới, kể cả những nơi đã có các tôn giáo truyền thống của địa phương rất vững chắc và chống lại nó một cách quyết liệt. Năm tháng trôi đi, lịch sử nhân loại đã có nhiều đổi thay, chính sách của giáo hội Thiên chúa cũng phải thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi đó của thế giới. Nhưng xét về mặt lịch sử, trong quá trình lịch sử của nó, đạo Thiên Chúa là một ‘đế quốc tinh thần’ đã nối gót rất sớm ‘đế quốc vật chất’ và kết hợp với nhau rất bền vững.

 

(GS Hồ Sĩ Khoách, Khoa Sử, Đại Học Tổng Hợp, TP Hồ Chí Minh,

bài Tìm Hiểu Mối Liên Hệ Giữa Chính Sách Thực Dân

và Gia Tô Trong Việc Thiết Lập Thuộc Địa Pháp Ở Nam Kỳ,

 sách đang dẫn trang 200, 211-212)

 

Ở thế kỷ 17, đạo Thiên chúa đã phát triển tại Phi-lip-pin và quần đảo Mô-luy-kô (Molluque). Nửa thế kỷ 18, đạo Thiên chúa phát triển nhanh ở In-đô-nê-si-a (Indonésia) và Mã Lai (Malaisie). Tại Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, miền Nam Việt Nam, đã có mặt các cố đạo truyền giáo người Âu ngay từ năm 1554-1556 (B. Ph. Gloslier. ‘Angkor et le Cambodge au XVI siècle’, Paris, 1959. tr. 28). Nhưng đến thế kỷ 17 trở đi thì Thiên chúa giáo ở miền Nam, cụ thể là ở Đà Nẵng, Huế, Hội An đã phát triển khá mạnh. Tất cả quá trình phát triển của Thiên chúa giáo ở Đông Nam Á đều gắn liền với quá trình thực dân hóa các nước nói trên trong các thời gian sau đó. Đó là một sự thực lịch sử hay nói đúng hơn là một lịch sử của một quá khứ phức tạp không thể đổi thay. Nói về những âm mưu của chủ nghĩa thực dân lợi dụng tôn giáo và đặc biệt là Thiên chúa giáo, đồng chí Nguyễn Văn Linh có nhận định như sau: ‘âm mưu của thực dân Pháp là sử dụng đạo Thiên chúa làm tiền trạm đi xâm lược thuộc địa’ (Nguyễn Văn Linh. Về vấn đề vận động quần chúng hiện nay, tr. 23).

 

(GS Mặc Đường, Viện Khoa học xã jội TP Hồ Chí Minh,

bài Người Việt Nam Thiên Chúa Giáo

Ở Miền Nam Nước Ta Từ Thế Kỷ 17 Đến Thế Kỷ 19,

sách đang dẫn, trang 79-80)

 

Về mối quan hệ giữa thương nhân và nhà truyền giáo, Sử gia Trần Tam Tỉnh người công giáo đã tóm lược vị trí của Hội truyền giáo Paris và vai trò của vị giám mục đầu tiên ở Việt Nam như sau: “Hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris được thành lập trong những điều kiện bấy giờ được sự ủng hộ của triều đình Pháp ở Versailles và của những thương nhân trong Công ty Đông Ấn Độ. Những vị giám mục này đã nhanh chóng đi vào con đường phục vụ những tên lái buôn. Đức cha Pallu, vị giám mục đầu tiên ở Việt Nam đã được bổ nhiệm làm cố vấn và báo cáo viên cho Công ty Đông Ấn Độ, khuyến khích công ty ‘tiến hành sự nghiệp quang vinh nhằm làm cho những tên man rợ đổi đạo và đóng ấn dấu của Thánh vào những hoạt động thương mại của công ty, làm như thế vừa tăng trưởng nhà thờ, vừa làm giầu cho nước Pháp’” (Trần Tam Tỉnh Eglise Catholique au Viet Nam. Des Chrétiens du Việt Nam relisent l’histoire de leur Eglise. Foi et Developpement 31. Novembre 1975, tr. 1)….

 

Chúng ta đã thấy vai trò của Alexandre de Rhode trong việc thành lập Hội truyền giáo ngoại quốc Paris, tạo điều kiện cho việc mộ những giáo sĩ người Pháp đi truyền đạo ở phương Đông không qua sự kiểm soát của người Bồ. Nhưng người đầu tiên có tư tưởng nhất quán và có những hoạt động kiên trì để đề ra việc xâm chiếm Nam kỳ và nước ta có lẽ là giám mục Adran. Trong tờ trình của ông ngày 5-5-1787 gửi về cho nhà vua Pháp để vạch con đường phát triển của nước Pháp ở phương Đông, ông đã viết: “Một căn cứ Pháp ở Nam kỳ chắc chắn sẽ tạo ra một phương tiện để đối lập lại ảnh hưởng lớn lao của nước Anh… với những tài nguyên chắc chắn hơn và những việc trợ đỡ xa hơn là trông chờ ở châu Âu, để có thể khống chế trên tất cả những biển Trung Quốc, những quần đảo, cuối cùng là để làm chủ tất cả thương mại ở phần đất này trên thế giới” (Philippe Heduy. Lanessan Peincipes de la Colnoisation. Alcan Paris 1894. Nguyễn Văn Trung có trích dẫn. Xem Chủ nghĩa thực dân Pháp. Thực chất và huyền thoại. Nam Sơn Sài Gòn. 1963, tr. 36)

 

(GS Lê Văn Sáu,

bài Bức Tranh Lịch Sử Và Những Người “Tử Vì Đạo” Được Phong Thánh Hôm Nay, sách đang dẫn, trang 89 và 94)

 

Như vậy, quá trình hoạt động của Hội truyền giáo nước ngoài và quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân phương Tây, quả thật là có mối quan hệ khá chặt. tất nhiên, các giáo sĩ có thể bám vào lập trường đức tin và lợi ích quốc gia để giải thích những việc làm của họ. Nhưng ngay vì lợi ích quốc gia mà nội bộ các phái bộ giáo sĩ phương Tây cũng không thể có được một sự dung hòa. Vả lại, không thể có chủ nghĩa yêu nước chân chính trong những con người chủ tâm hay đồng lõa ở những mức độ khác nhau với hành vi cướp nước. Cho nên, nếu lúc bấy giờ, các giáo sĩ có gặp phải sự chống đối nào đấy, kể cũng là điều tự nhiên.

 

(Nguyễn Khắc Thuần, Khoa lịch sử, đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh,

bài Sự Truyền Bá Và Tiếp Nhận Thiên Chúa Giáo Ở Việt Nam,

sách đang dẫn trang 120-121)

 

Sự dính líu giữa Giáo hội với chủ nghĩa thực dân phương Tây vốn không thuộc về bản chất của sự truyền giáo: đó là sự dính líu mang tính chất thời đại lúc bấy giờ, thời đại của sự phát sinh và phát triển của chủ nghĩa tư bản, đã xẩy ra từ cuối thế kỷ XV, ở bình diện thế giới, giữa Giáo hội với các thế lực tư sản phương Tây, nhất là từ sau những phát kiến địa lý

 

Sự dính líu của Giáo hội La Mã và của Hội Thừa sai Paris với cuộc thực dân của các thế lực tư sản phương Tây như đã trình bày ở trên, hẳn là đã không hoàn toàn phát xuất từ bản chất thiêng liêng và nhân ái của sự truyền giáo, song lịch sử của Tây Âu từ cuối thế kỷ XV đã đặt ra cho Giáo hội La Mã cũng như Giáo hội Pháp một khả năng duy nhất là phải thỏa hiệp với các thế lực tư sản để có thể thực hiện được sứ mạng truyền giáo. Sự dính líu đó mang tính cách lịch sử và thời đại, thời đại mà chủ nghĩa tư bản đang lớn mạnh và đang tiến tới chi phối mọi hoạt động của thời đại kể cả hoạt động tôn giáo...

 

Trong quá trình xâm lược và bình định Việt Nam, ở đâu thực dân Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ tận tình của các giáo sĩ của Hội Thừa sai Paris. Về phương diện này, vẫn có thể kể trường hợp Pellerin, Lefèbre và sau đó là Retord, Puginier và khá nhiều giáo sĩ khác. Có thể nói mà không sợ quá đáng là sự giúp đỡ của các giáo sĩ Pháp đã giúp thực dân Pháp vượt qua rất nhiều khó khăn và hoàn thành thuận lợi cuộc xâm lược và bình định Việt Nam…

 

Sự dính líu của việc đạo ở Việt Nam với cuộc xâm lược của Pháp như đã trình bày ở trên đã khiến sự truyền đạo vào Việt Nam được coi như là một cánh tay đắc lực của thực dân Pháp và giáo dân bị coi như kẻ đồng lõa với kẻ xâm lược. Vấn đề có thể không hoàn toàn như vậy, song trong tình thế hiện thực ấy, không có cái gì để thanh minh cho được.

 

(GS Nguyễn Văn Kiệm, Đại học Sư phạm Hà Nội,

bài Nói Thêm Về Những Nguyên Nhân Dẫn Tới

Sự Cấm Đạo Của Nhà Nguyễn,

sách đang dẫn, trang 12, 17, 20 và 22)

 

Chính vua Pháp – Napoléon I khi nói về “Hội truyền giáo nước ngoài” vào năm 1804, cũng xác nhận mối quan hệ hữu cơ giữa hoạt động truyền giáo và sự xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây: “Hội truyền giáo nước ngoài sẽ rất có ích cho tôi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Tôi sẽ cử các giáo sĩ đi điều tra tình hình ở các xứ. Tấm áo của họ sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu những mưu đồ chính trị và thương nghiệp” (Jean Scout Canale – Afrique noire, Paris, 1958, p. 120)

 

Trường hợp giáo sĩ Marchand (Cố Du) càng là một minh chứng ông này đã tích cực giúp đỡ Lê Văn Khôi nhằm lập nên một vương quốc Thiên chúa giáo, độc lập với nhà Nguyễn nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nước Pháp. Điều này, chính Marchand đã tự bộc lộ trong một bức thư như sau: “Nhờ ơn Thượng đế mà những người nổi loạn thắng cuộc thì chúng ta có thể hy vọng được trông thấy vương quốc An Nam này hoàn toàn biến thành một quốc gia công giáo” (Jacquenot. Vie de l’abbé Marchand, missionnaire apostolique et martyr). Như vậy, xu thế dấn thân sâu vào việc đời của các giáo sĩ truyền đạo tới mức có sự gắn bó mỗi ngày một mật thiết với âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây là điều có thực, không thể phủ nhận.

 

(Huỳnh Lứa, Viện Khoa học xã hội, TP Hồ Chí Minh,

bài Do Đâu Mà Có Việc Cấm Đạo Thiên Chúa Trong Các Thế Kỷ XVII, XVIII và XIX, sách đang dẫn trang 173, 174)

 

Sau nữa, “Thiên Chúa giáo… đã gặp phải sức cạnh tranh mãnh liệt của chính quyền (Thời Phong Kiến thế kỷ 17-18 và Triều Nguyễn thế kỷ 19) cũng như của nhân dân (Phong Trào Văn Thân) Việt Nam” (xem nhận định có ba phần, mà đây là phần 2, ở trang 153).

 

·        Về lý do bắt đạo trong Thời Phong Kiến thế kỷ 17 và 18:

 

Ở Việt Nam vào thế kỷ 17, Khổng giáo và thờ cúng tổ tiên chiếm ưu thế tuyệt đối trong tín ngưỡng của nông dân và Phật giáo đại thừa với những qui định rộng rãi là tín ngưỡng của giai cấp phong kiến cầm quyền. Mặt khác, ở Việt Nam ở thế kỷ 17 đã có một vị trí rất quan trọng về kinh tế và quân sự ở khu vực Đông Nam Á, tài nguyên Việt Nam lại giầu có. Vì vậy, thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào cuối thế kỷ 16 đã chú ý đến Việt Nam và sau này trong thế kỷ 18, 19 nhiều nước thực dân châu Âu, như Hà Lan, Pháp… đều chú ý đến Việt Nam. Tham vọng chiếm Việt Nam của thực dân Bồ và Tây ban Nha vào thế kỷ 17 được thể hiện qua những thủ đoạn lợi dụng các giáo sĩ Dòng Tên để xâm nhập vào nước ta – nơi có những tín ngưỡng tương đối rộng mở hơn những nước có đạo Hồi và Phật giáo Tiểu thừa (Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện). Ngày 18 tháng 1 năm 1615, thực dân Bồ đưa tầu buôn đổ bộ lên cảng Đà Nẵng và dùng hai vị linh mục dòng Tên Francisco Busomi và Diégo Carvalho để thực hiện âm mưu nói trên. Tuy trước đó đã có những linh mục dòng Dominica đến truyền giáo ở vùng Đà Nẵng, nhưng lịch sử truyền giáo ở Việt Nam lại được kể từ khi xuất hiện ở đây hai linh mục Dòng tên này. Chỉ hai năm sau, dưới thời Sãi Vương, năm 1617 từ trung tâm truyền giáo của Dòng tên ở Ma-cao (Trung Quốc) đã đến Đà Nẵng khi linh mục khác là Francisco Barilo và Francisco Pina. Linh mục Dòng tên Pina là người giảng đạo bằng tiếng Việt đầu tiên, người thày dạy tiếng Việt cho cố đạo Alexandre de Rhodes (G. Taboulet. La geste francaise en Indochine, T. I, Paris 1955, tr. II). Năm 1624 (ngày 19 tháng 12) cố đạo Alexandre de Rhodes và Gabriel Matos cùng giáo sĩ khác (trong đó có một linh mục người Nhật rất giỏi chữ Hán) đã đổ bộ lên Đà Nẵng để mở rộng việc truyền giáo. Năm 1627, Alexandre de Rhodes cùng linh mục Padro Marquet mở rộng việc truyền giáo ra miền Bắc. Năm 1630, Chúa Trịnh đã ra lệnh cấm đạo và trục xuất hai linh mục nói trên (A. de Rhodes. Divers voyages et missions, de A. De Rhodes de la Chine et autres royaumes de l’ Orient, Paris, 1653, tr. 17 – 33).  Đó là lệnh cấm đạo Thiên chúa đầu tiên ở Việt Nam. Alexandre de Rhodes phải từ bỏ Việt Nam đến Ma Cao và hơn 6 năm sau khi giám mục Busomi thuộc địa phận Huế – Đà Nẵng – Hội An qua đời, Rhodes mới trở lại miền Nam Việt Nam thay thế Busomi. Lúc đó, ở Đàng trong, mà chủ yếu là ở Đà Nẵng – Huế – Hội An, tín đồ Thiên chúa giáo đã có đến 12.000 người (E. Veuillot. La Cochinchine et le Tonkin, Paris, 1859, tr. 110, tr. 140, 141, tr. 111, 119). Ngày 3 tháng 7 năm 1645, Chúa Nguyễn Phúc Lan ra lệnh cấm đạo và trục xuất giáo sĩ Dòng tên nhưng linh mục Dòng tên Alexandre de Rhodes lại được tín dùng. Trước đó một năm, 1644, chúa Nguyễn đã ra lệnh hành hình người Thanh niên tín đồ Thiên chúa giáo 19 tuổi tên là André Trung (cũng sách vừa dẫn). Cuối năm 1645, Alexandre de Rhodes bị kết án hành hình và được nhiều quan lại Việt Nam quen biết cứu được tội chết để trục xuất về La Mã (cũng sách vừa dẫn). Mặc dù vậy, công việc truyền giáo vẫn được phát triển vào những năm cuối thế kỷ 17 và giáo phận Thiên chúa ở Huế – Đà Nẵng –Hội An trở thành một trung tâm truyền giáo lớn ở nước ta thời đó.

 

(GS Mặc Đường, Viện Khoa học xã jội TP Hồ Chí Minh,

bài Người Việt Nam Thiên Chúa Giáo

Ở Miền Nam Nước Ta Từ Thế Kỷ 17 Đến Thế Kỷ 19,

sách đang dẫn, trang 64-65)

 

Lẽ dĩ nhiên, khi nói đến chính sách mở rộng cửa này của các tập đoàn Trịnh, Nguyễn, chúng ta không nên loại trừ một sự thực là ngay từ đầu, trong thâm tâm, các tập đoàn phong kiến thống trị – cả Trịnh lẫn Nguyễn – đều không ưa đạo Thiên chúa vì giáo lý của đạo này đối nghịch với những tín điều của Nho giáo – hệ tư tưởng chính thống, nền tảng chính trị và đạo đức của nhà nước phong kiến – nó phủ định Nho giáo, phủ định việc thờ cúng tổ tiên – một tập tục, một truyền thống lâu đời của dân tộc. Có điều là, trong thế kỷ đầu, việc truyền đạo chưa mở rộng đến mức đe dọa làm lung lay trật tự xã hội phong kiến, chưa bộc lộ sự dính dáng trực tiếp với âm mưu xâm lược của chủ nghĩa thực dân phương Tây, và điều quan trọng hơn cả là cả hai tập đoàn phong kiến đều muôùn lợi dụng sự buôn bán này để tăng cường tiềm lực kinh tế và quân sự nhằm đối phó với đối phương.

 

Tuy nhiên, ngay trong thế kỷ XVII, các thương nhân và giáo sĩ đều đã vừa buôn bán và truyền đạo vừa tìm cách can thiệp vào nội tình chính trị của đất nước, lợi dụng những mâu thuẫn và sự tranh chấp giữa các phe phái phong kiến Trịnh - Nguyễn để thủ lợi cho mình. Họ giúp cho bên này chống lại bên kia, hoặc giúp cho bên kia chống lại bên này: người Bồ Đào Nha thì mở xưởng đóng tầu và đúc súng, cung cấp vũ khí cho chúa Nguyễn đánh chúa Trịnh, còn người Hà Lan thì cung cấp súng đạn cho Chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn. Chính sự chia nhau can thiệp vào nội tình chính trị của nước ta giữa thương nhân và giáo sĩ các nước (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp) mà nhiều khi không thực hiện lời hứa giúp đỡ, cùng với sự tranh chấp quyền lợi, tố cáo lẫn nhau giữa các Hội truyền giáo (Dòng Tên, Dòng Đaminh, Hội Truyền giáo nước ngoài) đã dẫn đến sự bất bình và nghi kỵ của các tập đoàn phong kiến thống trị Việt Nam vốn đã không ưa giáo lý đạo Thiên Chúa. Kết quả là vào những thập kỷ đầu thế kỷ XVII, nhiều vụ cấm đạo đã nổ ra cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài: năm 1630, ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh ra lệnh trục xuất Alexandre de Rhodes; còn ở Đàng Trong thì năm 1664 và những năm sau đó, Chúa Nguyễn liên tiếp ra lệnh cấm đạo và sát đạo rất gắt gao.

 

Như vậy phải nói rằng, vào nửa thế kỷ đầu thế kỷ XVII những vụ cấm đạo, sát đạo nổ ra một phần do chính sách nghiệt ngã, cận thị của các tập đoàn phong kiến nhưng một phần – có thể là quan trọng hơn – do sự dấn thân vào việc đời một cách không đứng đắn của các giáo sĩ các nước…

 

Trong các thế kỷ XVII, XVIII, mặc dù các nhà nước phong kiến liên tục tiến hành nhiều cuộc cấm đạo (1630, 1644, 1658, 1663, 1665, 1668, 1700, 1712, 1737, 1744, 1750, 1765, 1773, 1785) nhưng sự truyền giáo vẫn không ngừng phát triển, số người theo đạo vẫn ngày một đông ra. Có thể giải thích tình hình này tự sự đổ vỡ, bế tắc của xã hội kéo dài qua các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Lúc bấy giờ, chế độ phong kiến ở nước ta đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng dẫn tới các cuộc chiến tranh giành giật giữa các tập đoàn phong kiến diễn ra triền miên. Chiến tranh và thêm vào đó là sự bóc lột, hà hiếp của bọn cường hào ác bá đã đẩy các tầng lớp nhân dân lao động vào cảnh chết chóc, đói nghèo, lầm than, bế tắc. Tình hình đó khiến họ không còn tin tưởng vào các chế độ phong kiến, thậm chí họ mất cả lòng tin vào các tín điều Nho giáo, cương thường đạo lý phong kiến – đạo lý “quần thần” không còn mang tính chất linh thiêng đối với họ nữa, vua chúa không còn là những thần tượng đầy uy lực như ngày xưa. Trong khi quần chúng nghèo khổ đang bị bế tắc trong cuộc sống hiện tại thì giáo lý đạo Thiên chúa đến với họ như nước uống đến với người đang khát. Họ bỗng có được một Đức Chúa để được cứu rỗi, và sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp trên nước Chúa, trên thiên đường. Điều đó đem lại cho họ một sự an ủi tinh thần to lớn. Do đó bất chấp mọi cấm đoán, họ vẫn tin theo Chúa, trong khi vua quan không còn là “tối thượng” đối với họ nữa. Chính điều này đã làm lung lay đến tận gốc những cơ sở tư tưởng và đạo đức của nền thống trị phong kiến, đe dọa cả trật tự xã hội phong kiến, gây nên sự lo ngại hết sức to lớn cho giai cấp phong kiến cầm quyền. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà các sắc dụ cấm đạo của các vua triều Nguyễn đều mở đầu bằng các câu đại loại như “Gia-tô tả đạo. Tả đạo ấy mê hoặc lòng người, rất có hại cho phong hóa v.v.”.

 

(Huỳnh Lứa, Viện Khoa học xã hội, TP Hồ Chí Minh,

bài Do Đâu Mà Có Việc Cấm Đạo Thiên Chúa Trong Các Thế Kỷ XVII, XVIII và XIX, sách đang dẫn trang 170-171 và 174- 175)

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ