GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ NĂM 9/8/2007

TUẦN 18 THƯỜNG NIÊN

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: II- TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ? (17-23)

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:  II- VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA (12-20)

?  Ánh Sáng Thế Gian - Tác Nhân Truyền Giáo

 

 

?  Tông Huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI: II- TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM HÓA LÀ GÌ? (17-23)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch  

17.  Tính Cách Phức Tạp của Hoạt Động Truyền Bá Phúc Âm Hóa

 

Dĩ nhiên, trong hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội có một số yếu tố và khía cạnh cần phải được đặc biệt nhấn mạnh. Trong những yếu tố này, có một số quan trọng đến nỗi dễ hướng chiều về việc đồng hóa mình với việc truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, việc truyền bá phúc âm hóa đã có thể được định nghĩa như là việc loan báo Chúa Kitô cho những ai chưa biết Người, như là việc rao giảng, như là việc dạy giáo lý, như là việc ban Phép Rửa và các bí tích khác.

 

Bất cứ một định nghĩa không trọn và khiếm khuyết nào để cố gắng dẫn giải thực tại truyền bá phúc âm hóa hết sức phong phú, phức tạp và năng động này đều có thể làm điều này một cách liều lĩnh trong việc nghèo nàn hóa nó, thậm chí làm cho nó bị méo mó đi nữa. Trừ phi người ta cố gắng để ý đến tất cả mọi yếu tố chính yếu của việc truyền bá phúc âm hóa, bằng không, họ không thể nào thấu triệt được quan niệm về việc truyền bá phúc âm hóa.

Những yếu tố này được nhấn mạnh một cách vững chắc ở Cuộc Thượng Hội vừa rồi, và vẫn còn là chủ đề cho việc tìm hiểu thường xuyên, như thành quả từ công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới. Chúng ta hân hoan nơi sự kiện là những yếu tố này theo sát chiều hướng của những gì được truyền đạt cho chúng ta từ Công Đồng Chung Vaticanô II, nhất là từ Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Gaudium et Spes, và Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes.

 

18.  Việc Canh Tân Nhân Loại

 

Đối với Giáo Hội, truyền bá phúc âm hóa nghĩa là mang Tin Mừng cho tất cả mọi tầng lớp nhân loại, để rồi, nhờ ảnh hưởng của Tin Mừng, biến đổi nhân loại từ bên trong và làm cho nhân loại nên mới: "Giờ đây Ta làm cho mọi tạo vật nên mới" (Rev.21:5; x.2Cor.5:17; Gal.6:15). (Biệt chú của người dịch: căn cứ vào câu định nghĩa chính thức của Giáo Hội có hai phần rõ ràng này, người dịch đã cố ý dùng cụm từ “truyền bá phúc âm hóa”, thay vì dùng các chữ vẫn thường được dùng, như “truyền bá phúc âm”, một chữ chỉ diễn tả được hoạt động truyền giáo ban đầu nơi thành phần ngoài Giáo Hội Chúa Kitô, đúng như phần đầu của câu định nghĩa nói đến, hay  “phúc âm hóa”, một chữ chỉ diễn tả được hoạt động tông đồ hầu như cho thành phần đã chịu phép rửa, như ý nghĩa được đề cập đến trong phần thứ hai của câu định nghĩa). Thế nhưng, sẽ không có một tân nhân loại, nếu trước hết không có những con người mới được canh tân nhờ Bí Tích Rửa Tội (x.Rm.6:4) và nhờ cuộc sống theo Phúc Âm (x.Eph.4:23-24; Col.3:9-10). Thế nên, mục đích của việc truyền bá phúc âm hóa chính là việc cải đổi nội tâm này, và nếu cần phải diễn đạt bằng một câu nói thì cách hay nhất là nói thế này, Giáo Hội truyền bá phúc âm hóa là Giáo Hội tìm cách hoán cải, bằng nguyên thần lực của sứ điệp mà Giáo Hội công bố, lương tâm của cả cá nhân cũng như tập thể con người, những hoạt động họ làm cùng với cuộc sống và hoàn cảnh của họ.

 

19.  Và các Tầng Lớp Nhân Loại

 

Đối với Giáo Hội, vấn đề tầng lớp nhân loại cần được biến đổi không phải chỉ là việc rao giảng Phúc Âm ở những miền rộng rãi hơn trước nữa, hay cho nhiều người  hơn trước nữa, mà còn ở việc tác lực, đúng ra ở việc biến đổi, theo quyền lực Phúc Âm, tiêu chuẩn phán đoán của con người, những giá trị ấn định, những điều lợi lộc, những giòng tư tưởng, những nguồn cảm hứng và những mẫu thức sống, nghĩa là tất cả những gì tương phản với Lời của Thiên Chúa và dự án cứu độ.

 

20.  Truyền Bá Phúc Âm Hóa các Nền Văn Hóa

 

Tất cả những việc này có thể được diễn đạt bằng những lời sau đây: vấn đề là làm sao để truyền bá phúc âm hóa văn hóa cũng như những văn hóa của con người, (không phải bằng một đường lối vẽ vời vậy thôi, như đã xẩy ra trong việc hời hợt áp dụng, mà bằng một đường lối dứt khoát, sâu xa và nhắm vào chính căn gốc của chúng), theo một ý nghĩa rộng rãi và phong phú mà những từ ngữ này được đề cập đến trong hiến chế Gaudium et Spes (đoạn 53), luôn luôn lấy con người như khởi điểm của mình và luôn luôn qui về mối liên hệ giữa con người với nhau và với Thiên Chúa.

 

Do đó, Phúc Âm, từ đó có việc truyền bá phúc âm hóa, và văn hoá chắc chắn không phải là một, Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa biệt lập với tất cả mọi văn hóa. Tuy nhiên, vương quốc mà Phúc Âm loan báo được sống bởi con người là thành phần lại gắn liền với văn hóa, và việc xây dựng vương quốc không thể nào tránh được sự vay mượn những yếu tố của văn hóa hay những văn hóa nhân loại. Mặc dầu biệt lập với các văn hóa, Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa không thiết yếu phải tương khắc với những nền văn hóa này, hơn là Phúc Âm và việc truyền bá phúc âm hóa có khả năng hòa nhập tất cả chúng lại với nhau mà không bị lệ thuộc vào nhau.

           

Việc phân rẽ giữa Phúc Âm và văn hóa thực sự là một thảm kịch của thời đại chúng ta, cũng như đã xẩy ra ở những thời đại khác. Vì thế, cần phải thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm cho một cuộc hoàn toàn truyền bá phúc âm hóa văn hóa, hay đúng hơn các văn hóa. Chúng phải được tái sinh bởi việc gặp gỡ Phúc Âm. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ này sẽ không xẩy ra được nếu Phúc Âm không được loan báo.

 

21.  Tầm Quan Trọng Chính Yếu của Chứng Từ Đời Sống

 

Trước hết, Phúc Âm cần phải được rao giảng bằng việc làm chứng. Chẳng hạn một Kitô hữu, hay một số Kitô hữu, khi sống giữa cộng đồng của mình, tỏ ra có khả năng hiểu biết và chấp nhận, biết chia sẻ cuộc sống và thân phận với người khác, biết liên kết nỗ lực với tất cả mọi người để thực hiện những gì cao qúi và tốt lành. Ngoài ra, chúng ta còn cho là họ chiếu giãi đức tin của họ, một cách hoàn toàn đơn thành và tuyền vẹn, qua những giá trị xa vượt những giá trị tạm thời, cũng như họ chiếu giãi đức cậy của họ, nơi một cái gì đó không thấy được và là những gì người ta không dám mơ tưởng. Nhờ việc làm chứng không lời này, người Kitô hữu gợi lên những câu hỏi tất yếu nơi tâm trí của những ai thấy cuộc sống của họ: Tại sao họ lại như thế? Tại sao họ sống như vậy? Động lực sống của họ là gì hay là ai? Tại sao họ sống giữa chúng ta? Một chứng tá như vậy đã là một việc loan báo âm thầm Tin Mừng và là một việc loan báo rất mãnh lực và hiệu nghiệm. Ở đây chúng ta thực hiện tác động khởi đầu cho việc truyền bá phúc âm hóa. Những vấn đề trên sẽ được đặt ra, từ những người chưa được nghe loan báo về Chúa Kitô, hay từ những người chịu đạo mà không hành đạo, hoặc từ những người sống hữu danh vô thực theo lý thuyết là thành phần Kitô hữu, hay từ những người đang khổ sở tìm kiếm một cái gì đó hay một vị nào đó đánh động họ song họ chưa hoàn toàn nhận diện. Những vấn đề khác cũng sẽ được nẩy ra, sâu xa hơn và khẩn thiết hơn, những vấn đề do chứng từ ấy gợi lên, một chứng từ bao gồm việc hiện diện, chia sẻ và đoàn kết, một chứng từ là yếu tố chính yếu, nói chung, là yếu tố đầu tiên trong việc truyền bá phúc âm hóa.

     

Tất cả mọi Kitô hữu được kêu gọi cho việc làm chứng này, và bằng cách ấy, họ có thể là những nhà truyền bá phúc âm hóa thực sự. Chúng ta đang đặc biệt nghĩ đến trách nhiệm phải có đối với những người di dân tại xứ sở tiếp nhận họ.

 

22.  Cần Phải Minh Nhiên Loan Báo

 

Tuy nhiên, việc làm chứng này bao giờ cũng là một việc làm chưa trọn, vì ngay cả chứng tá tốt đẹp nhất, về lâu về dài, cũng tỏ ra vô hiệu lực, nếu nó không được dẫn giải, chứng thực - điều mà Thánh Phêrô gọi là sẵn sàng "đáp lại cho người đối chất anh em về lý do anh em hy vọng" (1Pt.3:15) - và làm sáng tỏ bằng một việc loan báo rõ ràng và dứt khoát về Chúa Giêsu. Tin Mừng được loan báo bằng chứng tá cuộc sống sớm muộn cũng phải được loan báo bằng ngôn từ của cuộc sống. Nếu danh tánh, giáo huấn, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Chúa Giêsu Nazarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo thì cũng không có việc truyền bá phúc âm hóa đích thực. Lịch sử Giáo Hội, từ bài diễn từ của Thánh Phêrô vào buổi sáng của Ngày Lễ Ngũ Tuần trở đi, đã được hòa trộn và đồng hóa với lịch sử của việc loan báo này... Việc loan báo này – việc rao giảng mở đầu, việc giảng dạy hay dạy giáo lý - chiếm một vị trí quan trọng trong việc truyền bá phúc âm hóa, đến nỗi nó thường được đồng nghĩa với việc truyền bá phúc âm hóa; tuy nhiên, nó cũng chỉ là một phương diện của việc truyền bá phúc âm hóa mà thôi.

 

23.  Làm cho Con Người Chấp Nhận và Gia Nhập

 

Thực sự việc loan báo chỉ tiến đến mức độ phát triển trọn vẹn khi nó được lắng nghe, chấp nhận và đồng hóa, và khi nó làm nổi dậy một niềm gắn bó thực sự nơi con người lãnh nhận nó. Một niềm gắn bó với các chân lý mà Chúa đã mạc khải theo tình thương của Ngài; hơn thế nữa, một niềm gắn bó với chương trình sống - một cuộc sống nhờ đó được biến đổi - mà Ngài dự định. Tóm lại, một niềm gắn bó với vương quốc, tức là, với một "tân thế giới", với tân trạng của các sự vật, với tân thức của việc hiện hữu, của cuộc sống, của cuộc sống trong cộng đồng được Phúc Âm khai mở. Một niềm gắn bó như vậy, không thể nào trừu tượng và bất hội nhập, được tỏ ra một cách cụ thể bằng việc hiển nhiên ra nhập vào cộng đồng các tín hữu. Như thế, những ai, có đời sống được biến đổi, gia nhập một cộng đồng mà tự nó là một dấu hiệu biến đổi, một dấu hiệu mới mẻ của sự sống: đó là Giáo Hội, một bí tích hữu hình của ơn cứu độ (x.Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 1,9,48). Việc chúng ta gia nhập cộng đồng hội thánh, tự nó sẽ được thể hiện qua nhiều dấu hiệu khác là những gì nối dài và bộc lộ dấu hiệu Giáo Hội. Trong công cuộc truyền bá phúc âm hóa, một người chấp nhận Giáo Hội như Lời cứu độ (x.Rm.1:16; 1Cor.1:18) thường chuyển nó thành những tác động bí tích sau đây: gắn bó với Giáo Hội và chấp nhận các bí tích, những phương tiện biểu lộ và trợ giúp niềm gắn bó này bằng ân sủng thông ban.

 

24.  Rồi Trở Thành Một Tân Tông Đồ

 

Sau hết, con người đã được truyền bá phúc âm hóa sẽ đi truyền bá phúc âm hóa cho người khác. Đây là bản trắc nghiệm sự thật, là tiêu chuẩn truyền bá phúc âm hóa, ở chỗ, không được nghĩ rằng con người cần phải chấp nhận Lời Chúa và hiến mình cho vương quốc của Ngài, song lại không cần trở thành một người làm chứng và loan báo Lời Chúa, vương quốc của Chúa theo phận sự của mình.

 

Để giải quyết những quan tâm về ý nghĩa truyền bá phúc âm hóa này, cần phải nêu lên một nhận định cuối cùng, một nhận định chúng tôi cho rằng sẽ giúp làm sáng tỏ những suy tư có dính dáng đến nó.

 

Như chúng tôi đã nói, truyền bá phúc âm hóa là một tiến trình phức hợp được cấu tạo nên bởi những yếu tố khác nhau, đó là việc canh tân nhân loại, là chứng từ, là việc ra mặt rao giảng, là việc khăng khít trong lòng, là việc gia nhập cộng đồng, là việc chấp nhận những dấu chỉ, là sáng kiến tông đồ. Những yếu tố này có thể mâu thuẫn nhau, đúng hơn là loại trừ nhau. Thật ra, chúng bổ túc lẫn nhau và làm nhau nên phong phú. Mỗi một yếu tố phải luôn luôn được thấy ở trong mối liên hệ với nhau. Công lao của Thượng Hội Giám Mục vừa qua là không ngừng mời gọi chúng ta hãy liên kết những yếu tố này lại với nhau, chứ đừng làm cho chúng đối chọi nhau, để nhờ đó thấu triệt được hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội.

 

Bởi vậy chúng tôi muốn phân định nhãn giới bao quát này, bằng việc suy xét nội dung của việc truyền bá phúc âm hóa và những phương pháp truyền bá phúc âm hóa, cũng như bằng việc làm sáng tỏ cho những ai là đối tượng của sứ điệp Phúc Âm và cho cả những ai đang đảm trách rao giảng sứ điệp Phúc Âm. 

(còn tiếp)

 

TOP

 

?  Thông Điệp Redemptoris Missio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II:  II- VƯƠNG QUỐC CỦA THIÊN CHÚA (12-20)

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

 

"Chính ‘Thiên Chúa, Đấng giầu lòng thương xót’ được Chúa Giêsu Kitô tỏ cho thấy như là một người Cha: Chính Con Ngài đã biểu lộ Ngài và tỏ Ngài ra cho chúng ta nơi bản thân của Người” (Thông Điệp Dives in Mesericordia, đoạn 1: loc. cit., 1177). Tôi đã viết điều này ở đầu Bức Thông Điệp Dives in Misericordia của Tôi để trình bày cho thấy rằng Chúa Kitô là mạc khải và là hiện thân của lòng thương  Chúa Cha. Ơn cứu độ ở tại việc tin tưởng và chấp nhận mầu nhiệm của Chúa Cha và mầu nhiệm tình yêu của Ngài, một mầu nhiệm được biểu lộ và ban tặng một cách tự do trong Chúa Giêsu nhờ Thần Linh. Vương Quốc của Thiên Chúa đã được hoàn tất bằng cách ấy, một Vương Quốc được sửa soạn trong Cựu Ước, được trị đến nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và được Giáo Hội loan truyền cho tất cả mọi dân tộc, một Giáo Hội hoạt động và nguyện cầu cho Vương Quốc này được trọn vẹn và vĩnh viễn trị đến.

 

Cựu Ước chứng thực là Thiên Chúa đã tuyển chọn và thành hình một dân tộc cho Ngài, để mạc khải và thực thi dự án yêu thương của Ngài. Thế nhưng, đồng thời Thiên Chúa cũng là Đấng Hóa Công và là Cha của tất cả mọi dân tộc; Ngài chăm lo và cung ứng cho họ, trải rộng phúc lành của Ngài cho tất cả mọi dân nước (x. Gen 12:3); Ngài đã thiết lập giao ước với họ tất cả (x.Gen 9:1-17). Dân Yến Duyên cảm nhận được một vị Thiên Chúa cá thể và cứu độ (x. Dt 4:37, 7:6-8; Is 43:1-7), và đã trở nên nhân chứng và phát ngôn viên của Ngài cho các dân tộc. Trong giòng lịch sử của mình, dân Yến Duyên đã nhận thức rằng, việc họ được tuyển chọn có một ý nghĩa phổ quát (chẳng hạn xem Is 2:2-5, 25:6-8, 60:1-6; Jer 3:17, 16:19).

 

Chúa Kitô hiện thực Vương Quốc Thiên Chúa

 

13-       Chúa Giêsu Nazarét đã làm cho dự án của Thiên Chúa nên trọn. Sau khi nhận được Thánh Linh lúc chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ ơn gọi thiên sai của mình: Người đi khắp Galilêa “rao giảng Phúc Âm của Thiên Chúa mà nói: ‘Thời điểm đã trọn, Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến; hãy ăn năn thống hối và hãy tin vào Phúc Âm” (Mk 1:14-15; x. Mt 4:17; Lk 4:43). Việc loan báo và thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa là mục tiêu đối với sứ mệnh của Người: “Tôi được sai đến là vì mục đích này” (Lk 4:43). Nhưng đó chưa phải là tất cả. Chúa Giêsu còn là chính “Tin Mừng” nữa, như Người tuyên bố ngay khi mở màn cho sứ vụ của Người ở hội đường Nazarét, lúc Người áp dụng vào mình những lời của tiên tri Isaia về Đấng Được Xức Dầu do Thần Linh Chúa sai đi (x. Lk 4:14-21). Vì “Tin Mừng” là Chúa Kitô, nên giữa sứ điệp và sứ giả, giữa lời nói, việc làm và con người chỉ là một. Quyền năng của Người, cái bí mật hiệu năng nơi các hoạt động của Người, có được là do Người hoàn toàn đống nhất với sứ điệp Người loan báo: Người loan báo “Tin Mừng” không phải bằng những gì Người nói hay làm, mà ở chỗ Người là.

 

Tác vụ của Chúa Giêsu đã được trình thuật theo diễn tiến của những cuộc Người hành trình tại quê hương xứ sở của Người. Trước Phục Sinh, sứ vụ của Người nhắm vào dân Yến-Duyên. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy một yếu tố mới hết sức quan trọng. Thực tại cánh chung không tiêu biểu cho một “tận thế” xa vời, mà đã sát cận và hoạt động giữa chúng ta rồi. Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến (x. Mk 1:15); việc vương quốc này trị đến đã được nguyện xin (x. Mt 6:10); đức tin có thể thoáng thấy được rằng vương quốc ấy đã hoạt động nơi các dấu hiệu như phép lạ (x. Mt 11:4-5) và trừ quỉ (x. Mt 12:25-28), trong việc chọn 12 Vị (x. Mk 3:13-19), cũng như trong việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó (x. Lk 4:18). Việc Chúa Giêsu gặp gỡ Dân Ngoại cho thấy rõ ràng là vấn đề được vào Vương Quốc Thiên Chúa là do đức tin và do việc cải thiện đời sống (x. Mk 1:15), chứ không phải chỉ căn cứ vào chủng tộc.

 

Vương Quốc được Chúa Giêsu khai mở là Vương Quốc của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã mạc khải vị Thiên Chúa này là ai, Đấng mà Người thân thưa bằng một lời thân tình “Abba”, Cha (x. Mk 14:36). Thiên Chúa, như được mạc khải đặc biệt qua các dụ ngôn (x. Lk 15:3-32; Mt 20:1-16), nhậy cảm trước những nhu cầu và khổ đau của mọi người: Người là một Người Cha đầy yêu thương và thương cảm, Đấng ban ơn tha thứ và tự ý ban phát các ơn con người cầu xin cùng Ngài.

 

Thánh Gioan nói với chúng ta rằng “Thiên Chúa là tình yêu” (1Jn 4:8,16). Bởi thế, mọi người đều được mời gọi “hối cải” và “tin tưởng” vào tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa. Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ phát triển ở chỗ mọi người biết trở về cùng Thiên Chúa trong nguyện cầu thân thiết với Ngài như một Người Cha (x. Lk 11:2; Mt 23:9) và nỗ lực để làm theo ý của Ngài (x. Mt 7:21).

 

Những Đặc Tính và Đòi Hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa

 

14-       Chúa Giêsu dần dần mạc khải cho thấy những đặc tính và đòi hỏi của Vương Quốc Thiên Chúa, bằng lời Người nói, việc Người làm và bản thân của Người.

 

Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến toàn thể nhân loại, và tất cả mọi dân tộc đều được kêu gọi trở nên công dân của vương quốc này. Để nhấn mạnh đến sự kiện ấy, Chúa Giêsu đã đặc biệt đến gần những ai sống bên lề xã hội, và tỏ ra ưu ái loan truyền Tin Mừng cho họ. Khi bắt đầu mở màn cho tác vụ của mình, Người đã công bố rằng, Người được “xức dầu... để rao giảng tin mừng cho người nghèo khó” (Lk 4:18). Đối với tất cả những ai là nạn nhân bị  ruồng bỏ và khinh miệt, Chúa Giêsu tuyên bố: “Phúc cho người nghèo các con” (Lk 6:20). Hơn thế nữa, Người còn cho những người ấy cảm nghiệm thấy họ được giải phóng ngay lúc bấy giờ, bằng việc Người ở gần họ, đến ăn uống tại nhà của họ (x Lk 5:30, 15:2), đối xử với họ ngang vai với mình và như bạn hữu của mình (x. Lk 7:34), khiến cho họ cảm thấy họ được Thiên Chúa yêu thương, nhờ đó, Người tỏ cho họ thấy việc Thiên Chúa dịu dàng chăm sóc thành phần nghèo khó và tội nhân (x Lk 15:1-32).

 

Việc giải phóng và ơn cứu độ từ Vương Quốc của Thiên Chúa đến với con người theo cả chiều kích thể lý cũng như tâm linh. Có hai cử chỉ nói lên đặc tính nơi sứ vụ của Chúa Giêsu, đó là chữa lành và tha thứ. Nhiều vụ chữa lành của Chúa Giêsu tỏ cho thấy rõ ràng lòng Người hết sức thương cảm đối với tình trạng thảm não của con người, nhưng chúng cũng nói lên rằng, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ không còn bệnh tật hay khổ đau, và sứ vụ của Người, ngay từ ban đầu, là giải phóng con người khỏi những sự dữ ấy. Đối với Chúa Giêsu, các vụ chữa lành còn là dấu hiệu cứu độ về tâm linh nữa, tức là dấu hiệu của việc giải phóng khỏi tội lỗi. Bằng việc chữa lành, Người mời gọi con người tin tưởng, hoán cải và xin ơn tha thứ (x. Lk 5:24). Một khi đã tin tưởng, thì việc chữa lành lại là một thôi thúc tiến xa hơn nữa: nó dẫn đến ơn cứu độ (x. Lk 18:42-43). Những vụ giải thoát cho khỏi bị quỉ ám – là sự dữ trên hết và là biểu hiệu cho tội lỗi cũng như cho việc phản chống Thiên Chúa – là những dấu hiệu thật sự cho thấy “Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến với các người” (Mt 12:28).

 

15-       Vương Quốc của Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối liên hệ loài người; Vương Quốc này dần dần phát triển ở chỗ con người từ từ biết yêu thương, tha thứ và phục vụ nhau. Chúa Giêsu tóm tắt cả Lề Luật bằng việc tập trung vào giới răn yêu thương (x. Mt 22:34-40; Lk 10:25-28): “Các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con” (Jn 13:34, x.15:12). Tình Chúa Giêsu yêu thương nhân loại được bộc lộ đến tuyệt đỉnh ở chỗ Người hiến mạng sống mình vì nhân loại (x. Jn 15:13), một tình yêu cho thấy Chúa Cha yêu thương thế gian (x. Jn 3:16). Bởi thế, bản chất của Vương Quốc Thiên Chúa là một bản chất hiệp thông tất cả loài người – hiệp thông với nhau cũng như với Thiên Chúa.

 

Vương Quốc của Thiên Chúa là một mối bận tâm của mọi người: cá nhân, xã hội và thế giới. Hoạt động cho Vương Quốc này tức là nhìn nhận và đề cao hoạt động của Thiên Chúa đang hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Vương Quốc này tức là hoạt động để giải phóng con người khỏi tất cả mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, Vương Quốc của Thiên Chúa là trọn vẹn dự án cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và hiện thực.

 

Nơi Chúa Kitô Vương Quốc Thiên Chúa được Hoàn Tất và Loan Báo

 

16-       Bằng việc phục sinh Chúa Giêsu từ trong kẻ chết, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, và nơi Chúa Giêsu, Ngài đã vĩnh viễn mở màn cho Vương Quốc của Ngài. Trong cuộc sống trần gian của mình, Chúa Giêsu là Vị Tiên Tri của Vương Quốc này; sau cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên, Người thông dự vào quyền lực của Thiên Chúa cũng như vào quyền thống trị thế gian với Thiên Chúa (x. Mt 28:18; Acts 2:36; Eph 1:18-21). Cuộc Phục Sinh làm cho sứ điệp của Chúa Kitô, hành động của Người, cũng như toàn thể sứ vụ của Người có một chiều hướng phổ quát đại đồng. Các môn đệ của Người nhận ra rằng, Vương Quốc của Thiên Chúa đã hiện diện nơi con người Chúa Giêsu, và đang từ từ được thiết lập trong con người cũng như trong thế giới qua mối giây liên kết mầu nhiệm với Người. 

 

Thật vậy, sau Cuộc Phục Sinh, các môn đệ của Chúa Kitô đã rao giảng Vương Quốc này bằng việc loan truyền Chúa Giêsu Tử Giá và Phục Sinh từ trong cõi chết. Ở Samaria, Thánh Philiphê “đã rao giảng tin mừng về Vương Quốc của Thiên Chúa và danh của Chúa Giêsu Kitô” (Acts 8:12). Ở Rôma, chúng ta thấy Thánh Phaolô “rao giảng Vương Quốc của Thiên Chúa và dạy dỗ về Chúa Giêsu Kitô” (Acts 28:31). Các Kitô hữu tiên khởi cũng loan báo về “Vương Quốc của Chúa Kitô và của Thiên Chúa” (Eph 5:5; x. Rev 11:15, 12:10), hay về “Vương Quốc của Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta” (1Pt 1:11). Việc giảng dạy của Giáo Hội sơ khai tập trung vào việc loan truyền về Chúa Giêsu Kitô là Đấng được đồng hóa với Vương Quốc Thiên Chúa. Bởi thế cho nên cần phải liên kết việc loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa (nội dung của “lời rao giảng tiên khởi” của Chúa Giêsu) với việc loan báo biến cố về Chúa Kitô (“lời rao giảng tiên khởi” của các Tông Đồ) với nhau. Hai việc loan báo này bổ xung cho nhau; làm cho nhau nên sáng tỏ.

 

Vương Quốc Thiên Chúa Liên Hệ với Chúa Kitô và Giáo Hội

 

17-       Ngày nay người ta hay nói đến Vương Quốc này, nhưng không luôn luôn theo chiều hướng thiên về việc nghĩ đến Giáo Hội. Thật vậy, có những ý nghĩ về ơn cứu độ và về việc truyền giáo, có thể được gọi là “đặt trọng tâm vào nhân loại học”, đã làm giảm mất ý nghĩa của từ ngữ, vì những ý nghĩ ấy chú trọng đến những nhu cầu trần thế. Theo quan điểm này, Vương Quốc của Thiên Chúa có khuynh hướng trở thành một điều gì đó hoàn toàn nhân bản và tục hóa; cái có giá trị chỉ là những dự án và việc đấu tranh giải phóng về phương diện kinh tế xã hội, chính trị và ngay cả văn hóa trong chiều hướng dính liền với siêu việt tính. Cả ở mức độ này đi nữa, người ta cũng thấy được rằng có những giá trị được đề cao, tuy nhiên, quan niệm ấy vẫn nằm trong phạm trù của một vương quốc nhân loại, thiếu mất các chiều kích chuyên chính và sâu xa của nó. Một quan niệm như vậy sẽ dễ dàng biến thành một quan niệm thiên về ý thức hệ thuần túy trong lãnh vực tiến bộ trần thế. Trong khi đó, Vương Quốc của Thiên Chúa lại “không thuộc về thế gian này... không bởi thế gian này” (Jn 18:36).

 

Cũng có những quan niệm cố ý nhấn mạnh đến Vương Quốc này và cho thấy đó là những quan niệm lấy “Vương Quốc của Thiên Chúa làm chính”. Họ chú trọng tới hình ảnh của một Giáo Hội không quan tâm gì đến bản thân mình, mà chỉ hoàn toàn lo việc làm chứng và phụng sự Vương Quốc này. Đó là một “Giáo Hội sống cho người khác”, giống như Chúa Kitô là “con người sống cho kẻ khác” vậy. Công việc của Giáo Hội, theo họ cho thấy, như thể đã tiến theo hai chiều hướng: một chiều hướng đề cao những giá trị về Vương Quốc của Thiên Chúa”, như hòa bình, công lý, tự do, tình huynh đệ v.v., còn chiều hướng kia là việc phát động vấn đề đối thoại giữa các dân tộc, văn hóa và tôn giáo, để nhờ việc làm cho nhau nên phong phú này, những giá trị ấy có thể giúp vào việc canh tân thế giới và giúp cho thế giới tiến đến gần Vương Quốc của Thiên Chúa hơn nữa.

 

Song song với những khía cạnh tích cực, những quan niệm này cũng thường để lộ ra cho thấy cả những khía cạnh tiêu cực nữa. Khía cạnh tiêu cực thứ nhất, đó là việc họ không nói gì đến Chúa Kitô hết: Vương Quốc họ nói đến được căn cứ “chủ yếu theo thần học”, bởi vì, theo họ, Đức Kitô là Đấng không thể nào hiểu nổi đối với những người thiếu đức tin Kitô giáo, trong khi đó, các dân tộc khác, các nền văn hóa khác và các tôn giáo khác lại có thể gặp nhau nơi cùng một thực tại thần linh duy nhất, được gọi bằng một danh xưng nào đó. Cùng một lý do ấy, họ nhấn thật mạnh đến mầu nhiệm tạo dựng, một mầu nhiệm được phản ảnh nơi tính cách đa diện của các văn hóa và niềm tin, trong khi đó, họ không đếm xỉa gì tới mầu nhiệm cứu chuộc cả. Ngoài ra, theo họ hiểu, nơi Vương Quốc của Thiên Chúa, vai trò của Giáo Hội không có là bao nhiêu, hay chẳng có giá trị gì mấy so với “khuynh hướng lấy giáo hội làm chính” xưa kia, đối với họ, chính Giáo Hội chỉ là một dấu chỉ, mà đã là một dấu chỉ thì không thể nào tránh khỏi tính cách mập mờ.

 

18-       Đó không phải là Vương Quốc của Thiên Chúa như Mạc Khải đã tỏ cho chúng ta biết. Vương Quốc này không thể nào tách lìa với Chúa Kitô hay với Giáo Hội.

 

Như đã nói tới, Chúa Kitô chẳng những loan báo về Vương Quốc này, mà chính Vương Quốc này còn được thể hiện và nên trọn nơi Người nữa. Điều này xẩy ra chẳng những qua lời Người nói và việc Người làm: “Trên hết, ... Vương Quốc này được biểu lộ nơi chính con người của Đức Kitô, Con Thiên Chúa cũng là Con Người, Đấng đến ‘để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mk 10:45)” (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 5). Vương Quốc của Thiên Chúa không phải là một quan niệm, một tín lý hay là một hoạch định muốn cắt nghĩa sao cũng được, mà trước hết là một con người, dưới dung nhan và danh xưng Giêsu Nazarét, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 22). Nếu Vương Quốc này tách khỏi Chúa Giêsu sẽ không còn là Vương Quốc của Thiên Chúa như Người mạc khải nữa. Hậu quả sẽ là việc làm mất đi ý nghĩa về Vương Quốc này, một vương quốc có thể bị biến đổi thành mục tiêu thuần nhân loại hay mục tiêu theo ý thức hệ, và hậu quả cũng còn là hình ảnh méo mó về căn tính của Chúa Kitô, Đấng không còn là Vị Chúa một ngày kia sẽ làm chủ tất cả mọi sự nữa (x. 1Cor 15:27).

 

Cũng thế, người ta không được phép tách Vương Quốc Thiên Chúa khỏi Giáo Hội. Đúng thế, Giáo Hội không phải là cùng đích của chính mình, vì Giáo Hội phải hướng về Vương Quốc của Thiên Chúa mà Giáo Hội là hạt mầm, là dấu chỉ và là dụng cụ. Tuy nhiên, dù biệt lập khỏi Chúa Kitô và Vương Quốc này, Giáo Hội cũng phải liên kết bất khả phân ly với cả Chúa Kitô và Vương Quốc Thiên Chúa. Chúa Kitô đã ban cho Giáo Hội là Thân Thể của Người tất cả các ơn ích và phương tiện cứu độ. Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội, làm cho Giáo Hội sống động bằng các tặng ân và đặc sủng của Ngài, thánh hóa, dẫn dắt và không ngừng canh tân Giáo Hội (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 4). Bởi thế mới có một mối liên hệ duy nhất và đặc biệt, trong đó bao gồm cả tác động của Chúa Kitô và của Thần Linh thực hiện ở bên ngoài giới hạn hữu hình của Giáo Hội, mối liên hệ làm cho Giáo Hội đóng một vai trò chuyên biệt và cần thiết; vì mối liên hệ đặc biệt với Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như với Vương Quốc của Chúa Kitô này mà Giáo Hội có “sứ mệnh loan truyền và khai mở Vương Quốc của Thiên Chúa cũng như  Vương Quốc của Chúa Kitô nơi mọi dân nước” (ibid. 5).

 

19-       Thực tại của Vương Quốc này phải được hiểu theo quan điểm toàn diện ấy. Vương Quốc của Thiên Chúa chắn chắn cần phải đề cao các giá trị nhân bản cũng như những giá trị đáng gọi là “của phúc âm”, vì chúng gắn liền với “Tin Mừng”. Thế nhưng, việc đề cao hằng được Giáo Hội ôm ấp này không được tách khỏi hay phản lại với những công việc khác, như việc loan báo Chúa Kitô và Phúc Âm của Người, cũng như việc thiết lập và xây dựng những cộng đồng là những gì làm hiện thực và linh hoạt hình ảnh sống động của Vương Quốc ấy. Người ta bởi thế không nên sợ bị rơi vào một hình thức “lấy giáo hội làm chính”. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, vị đã xác nhận có “một mối liên kết sâu xa giữa Chúa Kitô, Giáo Hội và việc truyền bá phúc âm hóa” (Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đoạn 16: loc. cit., 15), cũng là vị nói rằng, Giáo Hội “không lấy chính mình làm cùng đích, mà chỉ hết lòng lo sao cho mình được hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, ở trong Chúa Kitô và sống cho Chúa Kitô, cũng như hoàn toàn thuộc về con người, ở giữa con người và sống cho con người” (Diễn Từ khai mạc Khóa Ba Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 14-9-1964: AAS 56 – 1964 – 810).

 

Giáo Hội Phục Vụ Vương Quốc Thiên Chúa

 

20-       Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa một cách hiệu nghiệm và cụ thể. Điều này được thấy đặc biệt nơi việc Giáo Hội giảng dạy, đó là lời mời gọi cải hối. Việc rao giảng là việc đầu tiên và căn bản Giáo Hội làm để Vương Quốc này được trị đến nơi cá nhân cũng như nơi xã hội loài người. Ơn cứu độ cánh chung được bắt đầu ngay từ bây giờ ở nơi sự sống mới trong Chúa Kitô: “Những ai tin tưởng vào Người, những ai tin vào danh Người thì Người ban cho họ khả năng trở nên con cái của Thiên Chúa” (Jn 1:12).

 

Giáo Hội bởi thế mới phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa, bằng việc thiết lập các cộng đồng và đặt nền móng cho các Giáo Hội tân lập riêng, cũng như bằng việc hướng dẫn các Giáo Hội mới này tới một đức tin và đức ái trưởng thành hướng đến người khác, trong việc phục vụ cá nhân cùng xã hội, và trong việc hiểu biết cùng tôn trọng những cơ cấu tổ chức của loài người.

 

Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc lan truyền khắp thế giới “các giá trị Phúc Âm”, là biểu hiện Vương Quốc này và là những gì giúp cho con người chấp nhận dự án của Thiên Chúa. Thực tại sơ khởi về Vương Quốc Thiên Chúa thật sự cũng có thể được thấy bên ngoài giới hạn của Giáo Hội, ở các dân tộc khắp nơi, qua việc họ sống “các giá trị Phúc Âm” và cởi mở trước hoạt động của Thần Linh, Đấng thổi lúc nào và ở đâu tùy ý của Ngài (x. Jn 3:8). Thế nhưng, phải nói ngay là, chiều kích tạm thời này của Vương Quốc Thiên Chúa vẫn bất toàn cho tới khi được liên hệ với Vương Quốc của Chúa Kitô hiện diện nơi Giáo Hội và vươn tới tầm mức viên trọn cánh chung (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntandi, đoạn 34: loc. cit., 28).

 

Nhiều chiều kích của Vương Quốc Thiên Chúa (xem Ủy Ban Thần Học Thế Giới, Các Đề Tài Giáo Hội Học Chọn Lọc vào Dịp Kỷ Niệm 20 Năm Kết Thúc Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 7-12-1985, đoạn 10: “The Eschatological Character of the Church: Kingdom and Church”) cũng không làm suy yếu các nền tảng và mục đích của hoạt động truyền giáo, trái lại, còn làm kiên cường và nới rộng các hoạt động này nữa. Giáo Hội là một bí tích cứu độ của toàn thể nhân loại, và hoạt động của Giáo Hội không chỉ hạn hẹp nơi thành phần chấp nhận sứ điệp của Giáo Hội mà thôi. Giáo Hội là một năng động trong việc nhân loại hành trình tiến về chung cuộc của Vương Quốc Thiên Chúa, là dấu chỉ và là cổ động viên cho các giá trị Phúc Âm (Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mạc Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium et Spes, đoạn 39). Giáo Hội đóng góp vào việc loài người lữ hành trở về cùng dự án của Thiên Chúa qua chứng từ của mình, cũng như qua các hoạt động, như đối thoại, đề cao nhân bản, dấn thân cho công lý và hòa bình, cho việc giáo dục con người và việc chăm sóc bệnh nhân, cho việc trợ giúp người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, khi thực hiện những hoạt động này, Giáo Hội bao giờ cũng đặt ưu tiên cho những thực tại siêu việt và linh thiêng là những cơ bản của việc cứu độ cánh chung.

 

Sau hết, Giáo Hội phục vụ Vương Quốc của Thiên Chúa bằng việc chuyển cầu của mình, vì Vương Quốc này, tự bản chất, là tặng ân và là việc làm của Thiên Chúa, như các dụ ngôn trong Phúc Âm cũng như lời kinh Chúa Giêsu dạy nhắc nhở chúng ta. Chúng ta phải cầu xin cho được Vương Quốc này, đón nhận Vương Quốc này và làm cho Vương Quốc này lớn lên trong chúng ta; thế nhưng, chúng ta cũng phải cùng nhau hoạt động để Vương Quốc này được đón nhận và phát triển nơi tất cả mọi dân nước, cho đến lúc Chúa Kitô “trao về cho Thiên Chúa là Cha Vương Quốc này” để “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cor 15:24,28).

 (còn tiếp)

 

TOP

 

 

? Ánh Sáng Thế Gian - Tác Nhân Truyền Giáo

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

N

ếu hiện tượng Kitô Giáo, cho đến nay, sau gần 2000 năm (ở Ấn Độ), 1500 năm (ở Ả Rập và Trung Hoa) và gần 500 năm (ở Á Đông), hầu như vẫn chưa hoàn toàn và dễ dàng thấm nhập được vào Á Châu, một lục địa phát xuất ra các đạo giáo lớn trên thế giới, chính yếu là do vấn đề trục trặc nơi đường lối truyền bá phúc âm hóa, như việc hội nhập văn hóa chẳng hạn, thì tại sao lại xẩy ra hiện tượng nghịch đảo, đó là hiện tượng Kitô Giáo đã thực sự thấm nhập vào toàn thể Âu Châu, đến nỗi đã biến đại lục này trở thành một Châu Kitô Giáo, đã trở thành văn hóa chung của các dân nước Châu Âu, giờ đây lại là một đại lục đang bị phá sản Đức Tin khủng khiếp nhất?

 

Thực tế cho thấy, nếu hạt giống được đem gieo trong một mảnh đất còn hoang vu chưa có gì, dễ mọc lên hơn nơi mảnh đất đã có gốc rễ của các cây khác thế nào, thì lịch sử cũng hiển nhiên cho thấy hạt giống Đức Tin Kitô Giáo đã dễ dàng mọc lên ở Âu Châu hơn ở Á Châu như vậy.

 

Như thế, nếu “hạt cải” (Mt 13:31-32) nhỏ bé Đức Tin Kitô Giáo được gieo vãi ở Âu Châu vào thiên niên kỷ thứ nhất đã thực sự “mọc lên thành một cây lớn nhất trong các cây” (có thể so sánh về cả dân số, địa dư và tầm hoạt động xã hội sâu rộng của dân Kitô Giáo với các đạo giáo khác), thì việc đại lục này bị rung gốc (bởiø phong trào Cải Cách từ thế kỷ 16), bật gốc (bởi Cách Mạng Kỹ Nghệ, nhất là Cách Mạng Pháp từ thế kỷ 18) hay đang mất gốc (bởi trào lưu “văn hóa tử vong” khủng khiếp ở vào cuối thế kỷ 20 này) Kitô Giáo của mình hiện nay không thể cho rằng nguyên nhân là do Đức Tin Kitô Giáo đã lỗi thời, hay do Đức Tin Kitô Giáo đã không có sức làm cho con người Kitô hữu đứng vững trước thời cuộc, trước những biến đổi của lịch sử.

 

Nếu “xem quả biết cây” (Mt 7:20), “cây tốt thì sinh trái tốt..., một cây xấu không thể sinh trái tốt” (Mt 7:17-18) thế nào, thì một cây cổ thụ gần 2000 năm như Kitô Giáo ở Châu Âu, một cây cổ thụ đã phát triển tầm vóc hoàn toàn của mình, đến nỗi đã sinh hoa kết trái dồi dào, cả về phương diện truyền giáo lẫn phương diện văn minh vật chất thế giới như thế, mà tự nhiên lại trở nên khô héo, tàn tạ và đang dần dần chết đi, (đúng hơn là đang bị thối rữa corruption/decay), về văn hóa một cách hết sức lạ lùng và thảm thương, phải kết luận là không phải do bởi chính bản chất thần linh của Hạt Giống Đức Tin, một hạt giống một khi đã được gieo xuống đất thì lệ thuộc vào đất và đồng hóa với người nghe (xem Mt 13:19,20, 22), mà là do bởi khí hậu (hoàn cảnh) bị nhiễm độc quá nặng (trào lưu tục hóa secularism), đến nỗi đã làm cho đất đai (lòng người) trở nên cằn cỗi (“vì sự dữ tăng lên mà tình yêu nơi hầu hết ra nguội lạnh”- Mt 24:12 - tinh thần khô đạo indifferentism), tức tình trạng “muối đã ra nhạt” (Mt 5:13). Đó là lý do chính Âu Châu ngày nay, hơn bao giờ hết, cần phải được tái truyền bá phúc âm hóa nữa vậy.

 

Còn đối với Á Châu, nơi phát xuất ra các đạo có tiếng trên thế giới, như Do Thái Giáo Judaism (2000 BC) ở Do Thái, Ấn Giáo Hinduism (1500 BC) và Phật Giáo Buddhism (6 BC) ở Ấn Độ, Bái Hỏa Giáo Zoroastrianism ở Ba Tư (1000 BC), Lão Giáo hay Đạo Giáo Taoism (6 BC) và Khổng Giáo hay Nho Giáo Confucianism (6 BC) ở Trung Hoa, Nhật Giáo Shintoism (6 BC) ở Nhật Bản v.v., nếu Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và thượng trí, biết trước được mảnh đất này đã đầy những mầm mống và gốc rễ đạo đức sâu xa như thế, khó có thể gieo hạt giống Đức Tin Kitô Giáo, như lịch sử thực tế đã cho thấy, (điển hình nhất là trường hợp Do Thái Giáo là đạo gần Kitô Giáo nhất, cho đến nay, cũng vẫn không chịu chấp nhận Đấng Thiên Sai Giêsu Kitô), thì tại sao Ngài lại không thực hiện việc gieo Hạt Giống Thần Linh là việc “Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Jn 1:14) trước khi tất cả những đạo này xuất hiện, mà lại chính thức ra tay khởi sự làm công việc vô cùng quan trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của toàn thể loài người này nói chung và dân Á Châu nói riêng, chỉ sau khi những đạo giáo nổi tiếng ấy đã ăn rễ thật sâu vào mảnh đất Á Châu, vào lòng dân Châu Á?

 

Phải chăng đây là mầu nhiệm tỏ mình ra của Thiên Chúa? Trong bài chia sẻ giáo lý vào thứ tư hằng tuần của mình, ngày 11/3/1998, trước khi khai mạc Cuộc Thượng Hội Giám Mục Á Châu một tháng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trấn an con cái mình về mầu nhiệm tỏ mình ra của Thiên Chúa ấy như sau:

 

·        “Khi chúng ta đối diện với một vương quốc của Thiên Chúa trên thế giới mà lại chậm rãi phát triển, chúng ta đặt lại vấn đề tin tưởng đối với dự án của Cha nhân hậu, Đấng hướng dẫn mọi sự bằng một đức khôn ngoan siêu việt. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy khâm phục ‘sự nhẫn nại’ của Chúa Cha, Đấng thích ứng tác động biến đổi của mình với tính chất trì trệ của bản tính con người đã bị tội lỗi làm thương tổn. Việc nhẫn nại này đã được tỏ hiện ở trong Cựu Ước, qua một lịch sử dài, một lịch sử sửa soạn cho Chúa Giêsu đến. Việc nhẫn nại này tiếp tục được tỏ hiện cả sau Đức Kitô, trong cuộc tiến triển của Giáo Hội Người (x.2Pt.3:9)”.

 

(Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, 18/3/1998)

 

Thật vậy, việc truyền  bá phúc âm hóa trước hết và trên hết là việc của Thiên Chúa, (hơn là của loài người chúng ta với tư cách là cộng sự viên, là người thừa sai), mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính, Đấng chẳng những sinh động trong Giáo Hội nói chung và qua các nhà truyền giáo nói riêng, mà còn hiện diện nơi tất cả những gì là tốt lành trên thế gian này và tác động trong cả những người được truyền bá phúc âm hóa nữa.

·        Việc truyền bá phúc âm hóa sẽ không bao giờ khả dĩ nếu không có tác động của Chúa Thánh Thần... Chính ‘nhờ quyền lực của Thần Linh’ (Lk.4:14), Người đã trở về Galilêa và bắt đầu rao giảng ở Nazarét, áp dụng vào trường hợp của Mình lời tiên tri Isaia: ‘Thần Linh Chúa ở trên tôi’. Và Người đã công bố: ‘Hôm nay đoạn Sách Thánh này đã nên trọn’ (Lk.4:18, 21; x. Is. 61:1). Với các môn đệ, thành phần Người sắp sai đi, khi thở hơi trên họ, Người đã phán: ‘Các con hãy nhận lấy Thánh Thần’ (Jn.20:22).

 

Thật vậy, chỉ sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, các tông đồ mới ra đi cho đến tận cùng trái đất, để mở màn cho công cuộc truyền bá phúc âm hóa cao cả của Giáo Hội. Thánh Phêrô đã cắt nghĩa biến cố này như là việc hoàn tất lời tiên tri Joel: ‘Ta sẽ đổ thần linh của Ta xuống’ (Acts 2:17)...

           

Chính Chúa Thánh Thần, Đấng mà hôm nay, cũng như ở vào lúc khai sinh Giáo Hội, tác hành nơi mọi nhà truyền bá phúc âm hóa để mặc cho Ngài chiếm đoạt và dẫn dắt. Chúa Thánh Thần đặt nơi miệng lưỡi họ những lời mà họ không thể tự mình có được, đồng thời, Chúa Thánh Thần sửa soạn tâm hồn người nghe biết cởi mở và chấp nhận Tin Mừng cùng với vương quốc được loan báo.

           

Những kỹ thuật truyền bá phúc âm hóa thì tốt, thế nhưng, ngay cả đến những kỹ thuật tân tiến nhất cũng không thể nào thay thế được tác động êm ái của Thần Linh. Việc trang bị toàn vẹn nhất nơi một nhà truyền bá phúc âm hóa cũng sẽ không gây tác dụng gì, nếu không có Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì biện chứng hùng hồn nhất cũng không có tác hiệu gì nơi tâm hồn con người. Không có Ngài thì những dự án được phác họa ra dù có cao kiến mấy chăng nữa, dựa trên căn bản về xã hội cũng như về tâm lý đi nữa, cũng chẳng mấy chốc sẽ trở thành vô giá trị.

 

Chúng ta đang sống trong Giáo Hội ở vào một thời điểm hồng phúc Thần Linh. Người ta ở khắp nơi đang cố gắng nhận biết Ngài hơn, như Sách Thánh cho thấy về Ngài. Họ lấy làm sung sướng theo ơn tác động của Ngài. Họ đang qui tụ chung quanh Ngài; họ muốn để mặc cho Ngài dẫn dắt họ. Bởi vậy, nếu Thần Linh của Thiên Chúa giữ một địa vị nổi bật trong cả cuộc sống của Giáo Hội, thì Ngài sống động nhất là nơi sứ mệnh truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội. Cuộc khai mở long trọng vào buổi sáng ngày Lễ Ngũ Tuần, theo ơn linh ứng của Thần Linh, không phải là một biến cố bất ngờ xẩy ra đâu.

 

Phải công nhận rằng, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc truyền bá phúc âm hóa: chính Ngài là Đấng thôi thúc mỗi một cá nhân trong việc loan báo Phúc Âm, cũng chính Ngài là Đấng ở trong thâm tâm người nghe để làm cho lời cứu độ được chấp nhận và hiểu biết (x. sắc lệnh Ad Gentes, 4). Thế nhưng, cũng có thể nói rằng, Ngài là mục đích của việc truyền giáo: Một mình Ngài tạo nên tạo vật mới, tạo nên nhân loại mới, qua việc truyền bá phúc âm hóa, bằng một mối hiệp nhất trong đa diện là những gì việc truyền bá phúc âm hóa muốn đạt được trong cộng đồng Kitô hữu. Nhờ Chúa Thánh Thần, Phúc Âm thấu nhập vào lòng thế giới, vì chính Ngài là Đấng khiến cho người ta nhận ra những dấu chỉ thời đại - những dấu chỉ Thiên Chúa muốn - mà trong giòng lịch sử việc truyền bá phúc âm hóa muốn tỏ ra cho thấy và lợi dụng.

 

... Chúng Tôi kêu gọi tất cả các nhà truyền bá phúc âm hóa, bất kể là ai, hãy tin tưởng và sốt sắng cầu nguyện không ngừng cùng Chúa Thánh Linh, và hãy khôn ngoan để Ngài, như Đấng tác động tối thượng, hướng dẫn các dự án của họ, các sáng kiến của họ và hoạt động truyền bá phúc âm hóa của họ.”

 

(ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Truyền Bá Phúc Âm Evangelii Nuntiandi, đoạn 75)

 

·        Thần Linh tỏ mình một cách đặc biệt trong Giáo Hội cũng như nơi các phần thể của Giáo Hội. Tuy nhiên, việc hiện diện và hoạt động của Ngài có tính cách phổ quát, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874f). Công Đồng Chung Vaticanô II nhắc lại rằng, Thần Linh đang hoạt động trong lòng mọi người, qua những ‘hạt giống Lời Chúa’, được thể hiện nơi những khởi động của con người – bao gồm cả những khởi động về tôn giáo – cũng như nơi những nỗ lực của con người trong việc đạt tới sự thật, sự thiện và chính Thiên Chúa (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 11, 15; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93).

 

Thần Linh ban cho loài người ‘ánh sáng và sức mạnh để đáp ứng ơn gọi cao cả nhất của mình’; nhờ Thần Linh, ‘bằng đức tin, nhân loại đạt tới viêïc chiêm ngưỡng và nếm hưởng mầu nhiệm của dự án Thiên Chúa’; thật vậy, ‘chúng ta buộc phải tin rằng Thánh Linh ban cho mọi người cơ hội để được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua một cách chỉ có Thiên Chúa biết’ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 10, 15, 22). Giáo Hội ‘biết rằng nhân loại được Thần Linh Thiên Chúa liên tục khơi động và vì thế không bao giờ lại hoàn toàn dửng dưng với các vấn đề tôn giáo’, và ‘con người bao giờ ... cũng muốn biết được cái ý nghĩa của đời sống, hoạt động và cái chết của mình’ (Ibid. đoạn 41). Như thế, Thần Linh ở ngay chính nguồn gốc của việc con người vấn nạn về cuộc sống và tôn giáo của họ, một việc vấn nạn có những lúc nổi lên không phải chỉ bởi các trường hợp liên quan đến chúng gây ra mà còn bởi chính cấu trúc nơi con người của họ (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 875f). 

 

Việc Thần Linh hiện diện và hoạt động có tác dụng chẳng những nơi cá nhân mà còn nơi cả xã hội lẫn lịch sử, nơi cả các dân tộc, các văn hóa và tôn giáo nữa. Thật thế, Thần Linh là nguồn gốc của các lý tưởng, cũng như của công việc cao quí là những gì mang lại lợi ích cho loài người trong cuộc hành trình của họ qua giòng lịch sử: ‘Bằng việc quan phòng khôn ngoan, Thần Linh Thiên Chúa hướng dẫn diễn tiến của các thời đại và canh tân bộ mặt trái đất’ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 26). Chúa Kitô Phục Sinh ‘hiện nay đang hoạt động nơi cõi lòng con người bằng sức mạnh của Thần Linh Người, chẳng những bằng việc khơi lên ước vọng hướng đến một thế giới mai sau, mà còn làm sinh động, thanh tẩy và vững chắc những khát vọng cao quí thúc đẩy gia đình nhân loại làm cho đời sống của mình thành một đời sống nhân bản hơn và hướng toàn thể trái đất về đích điểm này’ (ibid. đoạn 38, xem cả đoạn 93). Cũng chính Thần Linh là Đấng gieo ‘các hạt giống Lời Chúa’ hiện diện nơi các tập tục và văn hóa khác nhau, sửa soạn cho chúng được toàn vẹn trong Chúa Kitô (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 17; Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 3, 15).

 

(ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, 28)

 

·        Như thế, Thần Linh, Đấng “thổi đâu thì thổi” (x.Jn 3:8), Đấng ‘đã hiện diện trong thế gian trước khi Chúa Kitô được vinh hiển’ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội Ad Gentes, đoạn 4), và là Đấng ‘tràn đầy thế gian, ... nắm giữ tất cả mọi sự lại với nhau (và) biết những gì phải nói’ (Wis 1:7), đã mở rộng cái nhìn của chúng ta để suy nghĩ về hoạt động của Ngài ở mọi thời và mọi nơi (xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 53: loc. cit., 874). Tôi thường nhớ đến sự việc này, một sự việc đã hướng dẫn Tôi trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với các thành phần dân chúng khác nhau. Mối liên hệ của Giáo Hội với các tôn giáo khác phải tỏ ra một lòng tôn trọng lưỡng diện: ‘Tôn trọng con người, nơi việc họ cần đến những giải đáp cho các vấn đề sâu xa nhất của cuộc đời họ, và tôn trọng tác động của Thần Linh nơi con người’ (Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo, tại Madras, ngày 5/2/1986: AAS 78 – 1986 – 767; xem Sứ Điệp gửi Dân Chúng Á Châu, Manila, ngày 21/2/1981, 2-4: AAS 73 – 1981 – 392f; Diễn Từ ngỏ với các Đại Biểu của Các Tôn Giáo Khác, Tokyo, ngày 24/2/1981, 3-4: Insegnamenti IV/I – 1981 – 507f). Bỏ ra ngoài những cắt nghĩa sai lạc, thì việc gặp gỡ liên tôn ở Assisi là để chứng thực cho thấy niềm xác tín của Tôi về ‘mọi lời cầu nguyện chân thực đều được Chúa Thánh Thần tác động, Ngài là Đấng hiện diện nhiệm mầu nơi hết mọi cõi lòng con người (Diễn Từ ngỏ với Các Vị Hồng Y và ngày 22/12/1986, đoạn 11: AAS 79 – 1987 – 1089).

 

Cũng cùng một Vị Thần Linh này là Đấng đã hoạt động trong việc Nhập Thể và trong đời sống, trong cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, và là Đấng hoạt động trong Giáo Hội. Thế nên, Ngài không phải là một vị thay thế cho Chúa Kitô, cũng không phải là vị điền vào chỗ trống, đôi khi được cho là xẩy ra, giữa Chúa Kitô và Ngôi Lời. Bất cứ những gì Thần Linh làm phát sinh nơi cõi lòng con người cũng như nơi lịch sử của các dân tộc, nơi các nền văn hóa cũng như nơi các đạo giáo, đều giúp vào việc sửa soạn cho con người đón nhận Phúc Âm (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, đoạn 16), và chỉ có thể được hiểu liên quan đến Chúa Kitô, Lời nhập thể bởi quyền năng của Thần Linh, ‘để như một con người toàn vẹn, Người cứu lấy tất cả loài người và qui tụ tất cả mọi sự lại với nhau’ (xem Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium et Spes, đoạn 45; xem Thông Điệp Dominum et Vivificantem, đoạn 54: loc. cit., 876).

 

Ngoài ra, hoạt động phổ quát của Thần Linh cũng không được tách khỏi hoạt động riêng biệt của Ngài trong Thân Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Thật vậy, bao giờ cũng là Thần Linh hoạt động, cả khi Ngài ban sự sống cho Giáo Hội và thúc đẩy Giáo Hội loan báo Chúa Kitô, cũng như khi Ngài gieo mầm và làm nẩy nở các tặng ân của Ngài nơi tất cả mọi người cũng như mọi dân tộc, khi hướng dẫn Giáo Hội khám phá ra những tặng ân ấy, nuôi dưỡng những tặng ân ấy và tiếp nhận bằng việc đối thoại. Mọi hình thức hiện diện của Thần Linh phải được đón nhận với lòng tôn kính và tri ân, song Giáo Hội có trách nhiệm trong việc nhận thức về việc hiện diện này, một trách nhiệm được Chúa Kitô ban Thần Linh của Người cho để dẫn dắt Giáo Hội vào tất cả sự thật (x. Jn 16:13).

 

(ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, 29)

 

·        Thời đại của chúng ta đây, theo đà nhân loại đang tiến triển và không ngừng tìm kiếm, cần phải có một cuộc phục hưng hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Những chân trời và cơ hội truyền giáo đang rộng mở hơn bao giờ hết, Kitô hữu chúng ta được kêu gọi can đảm làm việc tông đồ bằng lòng tin tưởng nơi Thần Linh. Ngài là tác nhân chính của việc truyền giáo!

 

Lịch sử nhân loại đã cho thấy có nhiều khúc quanh chính đã kích thích việc dấn thân truyền giáo, và Giáo Hội, được Thần Linh dẫn dắt, đã luôn luôn hết mình đáp ứng tại những khúc quanh này một cách khôn ngoan. Không thiếu gì những thành quả đã gặt hái được. Cách đây không lâu, chúng ta đã mừng kỷ niệm một ngàn năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa của dân Rus’ và dân Slav, nay chúng ta lại đang sửa soạn cử hành để mừng kỷ niệm năm trăm năm của công cuộc truyền bá phúc âm hóa Mỹ Châu. Cũng thế, chúng ta vừa tưởng niệm một trăm năm của công việc truyền bá đầu tiên tại một số quốc gia ở Á Châu, Phi Châu và Đại Dương Châu. Ngày nay Giáo Hội phải đương đầu với các thách đố khác và tiến tới những giới tuyến mới, cả về việc truyền giáo ban đầu ad gentes cũng như  về việc tân truyền bá phúc âm hóa cho những dân nước đã nghe loan truyền về Chúa Kitô. Ngày nay, tất cả mọi Kitô hữu, cả Giáo Hội riêng cũng như Giáo Hội hoàn vũ, đều được kêu gọi có cùng một lòng dũng cảm đã phấn khích các nhà truyền giáo trong quá khứ, và có cùng một tấm lòng sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Thần Linh.

 

(ĐTC Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc Redemptoris Missio, 30)

 

·        “Theo chiều hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II, các Nghị Phụ Thượng Hội Giám Mục Á Châu đã chú ý tới tác động phong phú và đa dạng của Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục gieo vãi các hạt giống chân lý nơi tất cả mọi dân tộc, mọi tôn giáo, văn hóa và triết lý của họ (xem các văn kiện Propositio, đoạn 11; Ad Gentes, đoạn 4 và 15; Lumen Gentium, đoạn 17; Gaudium et Spes, đoạn 11, 22 và 38; Redemptoris Missio, đoạn 28)”.

 

(ĐTC Gioan Phaolô II, Tôâng Huấn  Giáo Hội Tại Á Châu Ecclesia in Asia, 15)

 

Chính vì Thánh Thần là tác nhân và là động lực truyền giáo mà Ngài đã trực tiếp can thiệp, ở chỗ “đã không cho phép” và “ngăn cản” (Acts 16:6-7) thực hiện việc truyền bá phúc âm hóa tại Tiểu Á ngay từ đầu..., cho “đến thời điểm viên trọn” (Gal 4:4-5) theo nhiệm ý của Thiên Chúa. Biết đâu “thời điểm viên trọn” cho việc truyền bá phúc âm hóa Âu Châu là thiên niên kỷ thứ nhất, Phi Châu là thiên niên kỷ thứ hai thì Á Châu là thiên niên kỷ thứ ba thì sao?

 

(còn tiếp)

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ