GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ BẢY 15/9/2007

TUẦN XXIII THƯỜNG NIÊN

 

?  Mẹ Maria Liên Kết Bản Thân vào Hy Tế của Chúa Giêsu

?  Mẹ của Người đứng bên cây thập giá

?  Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Giải Đáp Về Việc Dinh Dưỡng Theo Kiểu Nhân Tạo

 

 

? Mẹ Maria Liên Kết Bản Thân vào Hy Tế của Chúa Giêsu

 

Thứ Bảy, 15/9/2007, Giáo Hội cử hành Lễ Mẹ Đau Thương cũng gọi là Lễ Mẹ Sầu Bi. Đức Thánh Cha Piô X là vị Giáo Hoàng chọn ngày 15/9 ngay sau Lễ Tôn Vinh Thánh Giá để kính nhớ Mẹ Đau Thương. Vấn đề được đặt ra ở đây là Lễ Mẹ Đau Thương sau Lễ Sinh Nhật Mẹ đúng 1 tuần. Nếu Lễ Mẹ Nữ Vương sau Lễ Mẹ Mông Triệu một tuần có một ý nghĩa mật thiết với nhau, như giữa Mầu Nhiệm Mân Côi thứ 4 và thứ 5 Mùa Mừng thế nào, thì Lễ Mẹ Đau Thương sau Lễ Sinh Nhật Mẹ một tuần cũng thế. Phải chăng ý nghĩa về khoảng cách một tuần gần nhau giữa Lễ Mẹ Đau Thương sau và Lễ Sinh Nhật Mẹ trước này là ở chỗ, Mẹ Maria được sinh vào trần gian là để Đồng Công Cứu Chuộc, là để “đứng kề bên thập giá Chúa Giêsu”, như Chúa Kitô xuống thế là để cứu độ trần gian vậy? Chính tên gọi Maria của Mẹ đã mang ý nghĩa là “bể khổ”. Phải chăng đó cũng là lý do giữa Lễ Sinh Nhật Mẹ 8/9 và Lễ Mẹ Đau Thương 15/9, Giáo Hội đã cử hành Lễ Thánh Danh Mẹ 13/9, một lễ Giáo Hội đã bỏ sau Công Đồng Chung Vaticanô II song đã lấy lại từ Năm Thánh 2000?

 

Nếu Trái Tim Đau Thương của Mẹ Đồng Công Maria được tiêu biểu bằng một trái tim bị lưỡi gươm đâm thâu, như lời tiên báo của vị tư tế lão thành Simêon nơi biến cố dâng Con của Mẹ Maria, thì Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một trái tim được tỏ cho loài người thấy qua 3 Thiếu Nhi Fatima Lucia, Phanxicô và Giaxinta vào ngày 13/6/1917, bị vòng gai quấn chung quanh. Trong thị kiến ngày 10/12/1925 ở Pontevedra Tây Ban Nha, Mẹ Maria cùng với Chúa hài Đồng hiện ra với chị nữ tu Lucia và cho chị biết những ai nhọn quấn quanh và đâm vào Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ đó là những tội vô ơn và lộng ngôn của những người vong ân bạc nghĩa hằng liên lỉ đâm vào mà chị cần phải làm việc đền tạ để rút những gai nhọn ấy ra. Như thế, nếu Chúa Giêsu hay Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô đã trở thành như lưỡi gươm đâm thâu Trái Tim Đau Thương Mẹ thế nào thì tội lỗi của thành phần vô ơn bội nghĩa cũng như gai nhọn xâu xé Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như thế.

 

Xin Mẹ Đồng Công Maria giúp chúng con biết hoàn tất nơi thân xác chúng con những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì nhiệm thể Người là Giáo Hội. Amen.

 

ĐTC Gioan Phaolo II trong Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 2/4/1997, về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc

1.- Regina ceali laetare, alleluia! (Hãy vui lên, hỡi Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng!)


Giáo Hội đã xướng lên như thế trong Mùa Phục Sinh đây, kêu gọi tín hữu hãy dự phần vào niềm vui thiêng liêng của Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Niềm hân hoan của Đức Trinh Nữ trong việc Phục Sinh của Chúa Kitô còn cao cả hơn nữa, nếu người ta xét đến việc Mẹ sâu xa tham dự vào cả cuộc sống của Chúa Giêsu.

Trong việc chấp nhận bằng tất cả tấm lòng cởi mở trước những lời của Thiên Thần Gabiên, vị truyền tin cho Mẹ rằng Mẹ sẽ trở nên Mẹ Đấng Thiên Sai, Mẹ Maria đã bắt đầu tham dự vào thảm kịch Cứu Chuộc. Việc Mẹ gắn liền với hy tế Con của Mẹ, được Simêon tiết lộ cho biết ở việc Mẹ dâng Con Mẹ trong Đền Thờ, tiếp tục chẳng những trong đoạn Phúc Âm trình thuật về việc lạc mất rồi tìm thấy thiếu nhi Giêsu 12 tuổi, mà còn suốt cả cuộc đời sống công khai của Người nữa.

Tuy nhiên, việc Đức Trinh Nữ liên kết với sứ vụ của Chúa Kitô chỉ đạt đến tột đỉnh của mình ở Giêrusalem, vào lúc Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa Kitô mà thôi. Như Phúc Âm Thứ Bốn chứng thực, Mẹ cũng đã có mặt ở Thành Thánh vào lúc có thể là thời gian cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái.

2.- Công Đồng đã nhấn mạnh đến khía cạnh sâu xa của việc Đức Trinh Nữ hiện diện ở đồi Canvê, khi nhắc nhở rằng: “Mẹ kiên trì một cách trung thành trong việc hiệp nhất với Con Mẹ cho đến chân cây Thập Giá” (Lumen Gentium, 58), và vạch ra cho thấy là cuộc hiệp nhất này “nơi công cuộc cứu độ được bộc lộ từ lúc Chúa Kitô hoài thai cho đến khi chết đi” (cùng nguồn vừa trích dẫn, 57).

Với ánh mắt được soi chiếu bằng ánh quang Phục Sinh, chúng ta hãy lặng thinh để suy niệm về việc Người Mẹ tham dự vào Cuộc Khổ Nạn cứu chuộc của Con mình, một cuộc khổ nạn được hoàn tất bằng việc Mẹ thông phần vào cuộc khổ đau của Người. Một lần nữa chúng ta hãy trở lại, nhưng giờ đây theo quan điểm của biến cố Phục Sinh, với cây Thập Giá là nơi Người Mẹ này đã chịu đựng “cùng với Người Con duy nhất của mình cơn khổ đau thống thiết của Người, bằng việc liên kết bản thân Mẹ với hy tế của Người trong lòng của Mẹ, và bằng việc sẵn lòng đồng ý với việc sát tế của hy vật được Mẹ sinh ra đó” (cùng nguồn vừa dẫn, 58).

Bằng những lời này, Công Đồng nhắc nhở chúng ta về “lòng thương cảm của Mẹ Maria”; tất cả những gì Chúa Giêsu phải chịu đựng nơi thân xác và linh hồn của Người đều dội lại nơi trái tim Mẹ, vì Mẹ sẵn lòng thông phần vào hy tế cứu chuộc của Con Mẹ và liên kết nỗi đau khổ mẫu thân của Mẹ với lễ dâng tư tế của Người.

Bản văn của Công Đồng còn nhấn mạnh rằng việc ưng thuận của Mẹ cho việc Chúa Giêsu sát tế không phải là một việc chấp nhận một cách thụ động, mà là một tác động yêu thương đích thực, một tác động Mẹ thực hiện để hiến dâng Con Mẹ như là một “hy vật” đền bù tội lỗi của tất cả nhân loại.

Sau hết, Hiến Chế Lumen Gentium đã liên kết Đức Trinh Nữ với Chúa Kitô, Đấng đóng vai trò chính yếu trong việc Cứu Chuộc, bằng cách cho thấy rằng trong việc gắn bó bản thân mình “với hy tế của Người”, Mẹ đã đóng vai trò phụ trợ cho Người Con thần linh của Mẹ.

3.- Ở Phúc Âm Thứ Bốn, Thánh Gioan viết rằng “đứng bên Thập Giá của Chúa Giêsu có Mẹ của Người, cùng người chị em của Mẹ Người là Maria vợ Clêôpha, và Maria Mai-Đệ-Liên” (19:25). Sử dụng động từ “đứng”, theo nghĩa đen có nghĩa là “ở trên đôi bàn chân”, là “thẳng đứng”, có lẽ vị Thánh Ký này muốn cho thấy tư cách và sức mạnh được tỏ ra nơi nỗi buồn khổ của Mẹ Maria và của hai người nữ kia.

Việc Đức Trinh Nữ “thẳng đứng” dưới chân Thập Giá đã nhắc lại việc Mẹ không ngừng trung thành và can đảm phi thường khi đối diện với khổ đau. Nơi những biến cố thảm thương ở đồi Canvê, Mẹ Maria vẫn vững tin, một đức tin kiên cường qua những biến cố của đời Mẹ, nhất là trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Công Đồng nhắc lại rằng “Đức Trinh Nữ tiến tới trong cuộc hành trình đức tin của Mẹ và trung thành bảo trì việc Mẹ hiệp nhất với Con Mẹ cho đến chân cây Thập Giá” (Lumen Gentium, 58).

Chia sẻ với những cảm xúc sâu xa nhất của Người, Mẹ đã phản ngược lại những xỉ nhục ngạo mạn nhắm vào Đấng Thiên Sai bị đóng đinh, bằng sự chịu đựng và bằng một tấm lòng thứ tha, liên kết mình với lời Người nguyện cầu cùng Cha: “Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lk 23:34). Trong việc thông phần vào cảm thức phó mình cho ý muốn của Chúa Cha, qua lời cuối cùng Chúa Giêsu bày tỏ trên Thập Giá: “Lạy Cha, Con xin phó thần trí Con trong tay Cha” (Lk 23:46), Mẹ cũng đã, như Công Đồng ghi nhận, tỏ ra lòng mến yêu ưng thuận của mình “về việc sát tế của hy vật được sinh ra bởi Mẹ ấy” (Lumen Gentium, 58).

4.- Lời “xin vâng” hết mình của Mẹ Maria này đã chiếu tỏa niềm hy vọng tin tưởng nơi một tương lai huyền nhiệm, một tương lai được bắt đầu với cái chết của Người Con tử giá của Mẹ. Những lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong cuộc hành trình lên Giêrusalem là “Con Người phải chịu nhiều khổ đau, bị các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ loại trừ, rồi bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” đã vang vọng nơi trái tim Mẹ vào giờ khắc thảm thiết trên đồi Canvê, khi khơi lên niềm mong đợi và hướng vọng Phục Sinh.

Niềm hy vọng của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá chất chứa một thứ ánh sáng mạnh hơn thứ bóng tối cai trị nơi nhiều cõi lòng, ở chỗ, trong việc Hy Tế cứu chuộc được thực hiện, niềm hy vọng của Giáo Hội cũng như của nhân loại đã được phát sinh nơi Mẹ Maria.



(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ Tuần san L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ ngày 9/4/1997)
 

 

TOP

 

?   Mẹ của Người đứng bên cây thập giá


(Thánh Bênađô, Đan Viện Phụ: Sermo in dom, infra oct. Assumptionis, 14-15: Opera omnia, Edit Cistere 5/1968, 273-274)
 

Cuộc tử đạo của Đức Trinh Nữ được bày tỏ nơi lời tiên tri của Simêon cũng như trong biến cố khổ nạn thực sự của Chúa Kitô. Ông già thánh thiện đã nói về hài nhi Giêsu là: Em đã được ấn định trở thành một dấu hiệu tương khắc. Ông nói tiếp với Mẹ Maria rằng: “Và lòng của bà sẽ bị một lưỡi gươm đâm thâu”.

Ôi Thánh Mẫu, một lưỡi gươm thực sự đã đâm thâu lòng Mẹ. Vì chỉ có xuyên qua lòng của Mẹ lưỡi gươm mới có thể đâm vào xác thịt của Con Mẹ mà thôi. Thật thế, sau khi Chúa Giêsu, Đấng thuộc về hết mọi người, nhất là thuộc về Mẹ, đã tắt thở, thì một lưỡi đòng oan nghiệt, một lưỡi đòng cũng không dung tha cho thi thể vô hồn của Người, đã đâm thủng cạnh sườn của Người. Nó hoàn toàn không chạm đến linh hồn của Người và không thể tác hại được Người, nhưng nó quả thực xuyên qua lòng của Mẹ. Vì linh hồn của Người thực sự không còn ở đó nữa, nhưng linh hồn của Mẹ không thể nào không bị xâu xé. Bởi thế việc hành hung buồn đau đã làm cho lòng Mẹ đoạn trường, và chúng con có lý để coi Mẹ còn hơn là một vị tử đạo nữa, vì tác dụng cảm xúc khổ đau nơi Mẹ đã vượt ngoài sức chịu đựng khổ đau về thể lý.

Hay là những lời này: Hỡi bà, này là Con của Bà, không phải còn hơn là một lưỡi gươm đối với Mẹ hay sao, thực sự xuyên thấu lòng Mẹ, cắt đôi linh hồn và thần trí của Mẹ hay sao? Ôi cuộc trao đổi! Tông đồ Gioan được trao phó cho Mẹ thay thế Chúa Giêsu, người tôi tớ thế chỗ cho Vị Chủ, người môn đệ thay chỗ cho sư phụ.; người con của Giêbêđê thay chỗ Con Thiên Chúa, một con người thuần túy thế chỗ cho chính Thiên Chúa. Làm sao những lời ấy lại không xuyên thấu trái tim rất yêu dấu của Mẹ được, khi mà nguyên việc chúng con tưởng nhớ đến những lời này mà thôi cũng đã làm cho lòng của chúng con đau lòng rồi, cho dù nó là tấm lòng chai đá và sắt thiếc!

Anh em ơi, đừng có lấy làm lạ là Mẹ Maria được gọi là vị tử đạo trong tinh thần. Ai lạ lùng là vì họ không nhớ những lời của Thánh Phaolô nói rằng, một trong những tội ác lớn nhất của Dân Ngoại là tội họ không có tình yêu. Điều này hoàn toàn không đúng với trái tim của Mẹ Maria; chớ gì nó cũng không đúng với các tôi tớ của Mẹ.

Có thể sẽ có người nói: “Chẳng lẽ Mẹ lại không biết trước rằng Người sẽ chết hay sao?”. Điều này không có hồ nghi gì cả. “Chẳng lẽ Mẹ lại không nghĩ rằng Người sẽ sống lại hay sao?”. Chắc chắn là thế rồi. “Và chẳng lẽ Mẹ cứ thương khóc Người Con tử giá của Mẹ ư?”. Một cách da diết. Anh em là ai và khôn ngoan của anh em ở đâu mà anh em lại tỏ ra lạ lùng về cảm xúc đớn đau của Mẹ Maria hơn là cuộc khổ nạn của Con Mẹ chứ? Vì nếu Người đã chết nơi thân xác bởi một mối tình cao cả chưa từng thấy trên đời. Thì Mẹ cũng đã chết trong tinh thần bởi một mối tình không giống như bất cứ một thứ tình yêu nào khác ngoại trừ mối tình của Người. 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ The Office of Readings, Saint Paul Editions, 1983, trang 1554-1555)

 

 

TOP

 

? Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin Giải Đáp Về Việc Dinh Dưỡng Theo Kiểu Nhân Tạo

 

Hôm Thứ Sáu, 14/9/2007, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin đã trả lời cho một số vấn nạn được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ nêu lên liên quan tới vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo. Những câu trả lời đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn trong buổi triều kiến của ĐHY Tổng Trưởng William Joseph Levada với ngài. Bản văn của các câu trả lời này được phổ biến bằng nguyên ngữ Latinh cũng như bằng tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Bồ Đào Nha. 

 

Vấn 1:           Phải chăng việc cung cấp đồ ăn và thức uống (dù bằng phương tiện tự nhiên hay nhân tạo) cho một bệnh nhân ở trong ‘tình trạng thực vật’ là điều bắt buộc phải làm theo luân lý, trừ khi nào thân xác của bệnh nhân không thể tiêu thụ đồ ăn và thức uống, hay việc cung cấp đồ ăn và thức uống cho bệnh nhân nếu thực hiện sẽ gây ra tình trạng khó chịu trầm trọng về thể lý?

 

Đáp:   Đúng thế. Việc cung cấp đồ ăn và nước uống, cho dù bằng phương tiện  nhân  tạo, theo nguyên tắc, là cách thức bình thường và tương xứng để bảo trì sự sống. Bởi thế, đó là điều buộc phải thi hành cho tới độ và cho tới lúc chứng tỏ việc cung cấp đồ ăn thức uống này hoàn thành mục đích xứng hợp của mình, tức là việc thủy dưỡng và sinh dưỡng bệnh nhân. Như thế mới tránh được tình trạng đau khổ và chết chóc vì đói và thiếu nước.    

 

Vấn 2:             Nếu việc dinh dưỡng và thủy dưỡng đang được cung cấp bằng phương tiện nhân tạo cho bệnh nhân ở trong ‘tình trạng thực vật trường kỳ’, thì có được chấm dứt những việc cung cấp này hay chăng, khi các vị y sĩ thẩm định, theo luân lý, người bệnh ấy sẽ không bao giờ phục hồi ý thức?

 

Đáp:   Không. Người bệnh ở trong ‘tình trạng thực vật trường kỳ’ là một con người theo phẩm vị làm người căn bản, bởi thế, cần  được lãnh nhận việc chăm sóc bình thường và tương xứng bao gồm, theo nguyên tắc, việc cung cấp đồ ăn thức uống cho dù bằng phương tiện nhân tạo”.

 

Kèm theo những câu trả lời này, bản Anh ngữ còn được ghi chú như sau: “Khi nói rằng việc cung cấp đồ ăn và thức uống là trách nhiệm bó buộc về luân lý ‘theo nguyên tắc’, Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin không loại trừ những gì có thể xẩy ra là, ở những nơi xa xôi hay ở những trường hợp cực bần cùng, vấn đề cung cấp theo nhân tạo đồ ăn và thức uống về thể lý là những gì bất khả thực hiện, và bởi thế ‘ad impossibilia nemo tenetur’. Tuy nhiên, trách nhiệm cần phải cung cấp những việc trị liệu tối thiểu sẵn có vẫn phải được thi hành, cũng như việc nếu có thể tìm kiếm phương tiện cần thiết để thích đáng hỗ trợ sự sống. Cũng không loại trừ trường hợp mà, vì những biến chứng xẩy ra, người bệnh không thể nào tiêu thụ đồ ăn và thức uống, khiến cho việc cung cấp này hoàn toàn trở thành vô dụng. Sau hết, không tuyệt đối loại trừ những gì có thể xẩy ra là, ở một số hiếm trường hợp, vấn đề dinh dưỡng và thủy dưỡng nhân tạo có thể trở thành gánh nặng thái quá cho người bệnh hay có thể gây ra tình trạng khó chịu trầm trọng về thể lý, chẳng hạn, gây ra những biến chứng bởi việc sử dụng phương tiện như thế.

 

“Tuy nhiên, những trường hợp ngoại lệ này không làm suy xuyễn một chút nào qui chuẩn đạo lý tổng quát, theo đó, việc cung cấp đồ ăn và thức uống, cho dù bằng phương tiện nhân tạo, bao giờ cũng thay cho ‘phương tiện tự nhiên’ để bảo trì sự sống, chứ không phải là một thứ ‘chữa trị liệu pháp’. Vì thế, cần phải coi việc sử dụng nó là những gì ‘bình thường và xứng hợp’, cho dù ‘tình trạng thực vật’ có kéo dài đi nữa”.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo VIS ngày 14/9/2007

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ