GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 CHÚA NHẬT 23/9/2007

TUẦN XXV  THƯỜNG NIÊN

 

 

?  "Trong thời đại của chúng ta đây, nhân loại cần thấy được lòng thương xót của Thiên  Chúa được hiên ngang loan truyền và làm chứng cho"

?  "Chuyến viếng thăm này là một cuộc hành hương với chủ đề 'Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô', ở chỗ gặp gỡ Mẹ Maria là Đấng tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu"

?  "Giáo Hội, như Mẹ Maria, được kêu gọi để luôn luôn 'nhìn lên Chúa Kitô' hầu tỏ Người và cống hiến Người cho hết mọi người"

 

 

? "Trong thời đại của chúng ta đây, nhân loại cần thấy được lòng thương xót của Thiên  Chúa được hiên ngang loan truyền và làm chứng cho"

 

Đc Thánh Biển Đức XVI: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 16/9/2007 về Các Dụ Ngôn Lòng Thương Xót Chúa

 

Anh Chị Em thân mến!

 

Hôm nay, phụng vụ lại đề ra cho chúng ta một lần nữa để suy niệm đoạn 15 của Phúc Âm Thánh Luca, một trong những cao điểm và là một trong những đoạn cảm kích nhất trong tất cả các trang Thánh Kinh. Thật là tuyệt vời khiu nghĩ rằng bất cứ ở đâu trên khắp thế giới này cộng đồng Kitô hữu qui tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể Chúa Nhật thì vào ngày nay âm vang tin mừng về sự thật và về ơn cứu độ ấy: Thiên Chúa là tình yêu nhân hậu. Thánh ký Luca đã gom góp lại với nhau 3 dụ ngôn về lòng thương xót Chúa nơi đoạn này. Hai đoạn ngắn cũng được thấy nơi Thánh Mathêu và Marcô là những dụ ngôn về con chiên lạc và đồng bạc cắc bị mất; dụ ngôn thứ ba – dài, chi tiết và đặc thù nơi Phúc Âm Thánh Luca – là bài dụ ngôn nổi tiếng về Người Cha nhân hậu, thường được nói là “dụ ngôn người con trai hoang đàng”.

 

Nơi trang Phúc Âm này chúng ta hầu như có thể nghe thấy tiếng của Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải dung nhan Cha của Người cũng là Cha của chúng ta. Tựu kỳ trung thì đó là những gì Người đã đến thế gian, đó là nói cho chúng ta biết về Cha; là làm cho Ngài được nhận biết đối với chúng ta là những đứa con lạc đường, và làm bừng lên trong tâm can chúng ta niềm vui được thuộc về Ngài, niềm hy vọng được thứ tha và được phục hồi phẩm vị, niềm ước vọng được muôn đời sống trong nhà của Ngài, một ngôi nhà cũng là nhà của chúng ta.

 

Chúa Giêsu thuật lại 3 dụ ngôn về tình thương ấy là vì thành phần Pharisiêu và luật sĩ nói xấu về Người, khi thấy rằng Người để cho đám tội nhân đến gần Người, thậm chí Người lại ngồn ăn uống với họ (x Lk 15:1-3). Bởi vậy, Người đã giải thích, bằng ngôn ngữ thông thường của mình, rằng Thiên Chúa không muốn thậm chí một trong những người con nào của Ngài bị hư đi và linh hồn của Người cảm thấy tràn đầy niềm vui khi một tội nhân  hoán cải. Bởi thế, tôn giáo đích thực là ở chỗ có cùng một tâm tình “giầu lòng xót thương” của trái tim ấy, một trái tim xin chúng ta hãy yêu thương hết mọi người, thậm chí là những ai xa cách và những ai là thù địch của chúng ta, bắt chước Cha trên trời là Đấng tôn trọng tự do của mọi người và kèo tất cả mọi người đến cùng Ngài bằng một quyền  năng vô địch của lòng Ngài thủy chung. Đó là con đường Chúa Giêsu đã tỏ cho những ai muốn làm môn đệ của Người: “Đừng xét đoán… đừng kết án… hãy thứ tha để các con cũng được tha thứ; hãy cho đi thì các con sẽ được nhận lãnh… hãy xót thương như Cha các con trên trời là Đấng xót thương” (Lk 6:36-38). Nơi những dụ ngôn này chúng ta thấy được chính những dấu hiệu cụ thể cho tác hành hằng ngày của chúng ta là thành phần tín hữu.

 

Trong thời đại của chúng ta đây, nhân loại cần thấy được lòng thương xót của Thiên  Chúa được hiên ngang loan truyền và làm chứng cho. Đức Gioan Phaolô II yêu dấu, vị đã là một đại tông đồ của lòng thương xót Chúa, đã trực giác cảm thấy được cái khẩn trương mục vụ này. Ngài đã giành hẳn bức thông điệp thứ hai của ngài cho Người Cha nhân hậu và suốt cả giáo triều của ngài ngài đã là một vị thừa sai của lòng xót thương cho tất cả mọi quốc gia. Sau biến  cố thế thảm của ngày 11/9/2001, một biến cố đã làm lu mờ đi bình minh của thiên kỷ thứ ba, ngài đã mời gọi Kitô hữu và những con người thiên tâm hãy tin tưởng rằng tình thương của Thiên Chúa mạnh hơn hết mọi sự dữ và nơi thập giá của Chúa Kitô thế giới mới tìm được ơn  cứu độ. Chớ gì Trinh Nữ Maria, Mẹ Tình Thương, Vị chúng ta đã chiêm ngưỡng hôm qua như là vị sầu bi dưới chân thập tự giá, xin cho chúng ta tặng ân hằng tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa, và xin Mẹ giúp chúng ta biết xót thương như Cha của chúng ta ở trên trời.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 16/9/2007

 

 

TOP

 

?  "Chuyến viếng thăm này là một cuộc hành hương với chủ đề 'Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô', ở chỗ gặp gỡ Mẹ Maria là Đấng tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu"

 

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Buổi Triều Kiến Chung hằng tuần Thứ Tư 12/9/2007 về Chuyến  Tông Du Áo quốc 7-9/2007

 

Anh chị em thân mến,

 

Hôm nay, tôi muốn chú trọng tới chuyến tông du mục vụ tôi lấy làm vui mừng thực hiện mấy ngày trước đây ở Áo quốc, một xứ sở đặc biệt quen thuộc đối với tôi, vì nó sát ranh giới với quê hương của tôi và vì nhiều liên hệ tôi luôn có được với nó. Động lực đặc biệt cho chuyến viếng thăm này là việc mừng kỷ niệm 850 năm Đền Thánh Mariazell, một đền thánh quan trọng nhất ở Áo quốc, một đền thánh cũng được mộ mến bởi thành phần  tín hữu ở Hung Gia Lợi và được thăm viếng bởi nhiều khách hành hương thuộc các quốc gia láng giềng.

 

Trước hết, chuyến viếng thăm này là một cuộc hành hương với chủ đề “Hãy Nhìn Lên Chúa Kitô”, ở chỗ gặp gỡ Mẹ Maria là Đấng tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu. Tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến  ĐHY Schonborn, tổng giám mục Vienna, cũng như tất cả mọi vị giám mục Áo quốc về nhiều nỗ lực các vị đã làm trước và sau chuyến viếng thăm của tôi. Tôi cám ơn chính quyền Áo quốc và tất cả mọi vị thẩm quyền về dân  sự và quân sự đã đóng góp việc hợp tác quí báu của mình. Đặc biệt tôi muốn cám ơn ông tổng thống đã thân ái nghênh đón và đi theo tôi vào những lúc khác nhau của chuyến đi này.

 

Nơi dừng chân  đầu tiên là Mariensaule, một tháp trụ lịch sử có tượng Trinh Nữ Vô Nhiễm đứng ở trên. Ở đó, tôi đã gặp gỡ hằng ngàn giới trẻ và bắt đầu cuộc hành hương của tôi. Tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đi tới Judenplatz để kính viếng đài tưởng niệm kính nhớ biến cố Shoal.

 

Ý thức được lịch sử của Áo quốc và những liên hệ chặt chẽ của nước này với Tòa Thánh, cũng như vai trò quan trọng của Vienna nơi chính trường quốc tế, chương trình viếng thăm của tôi đã bao gồm cả những cuộc gặp gỡ vị tổng thống cộng hóa cùng phái đoàn ngoại giao. Đây là những cơ hội quí hóa để vị Thừa Kế Thánh Phêrô có cơ hội kêu gọi các vị lãnh đạo các quốc gia hoạt động cho hòa bình và việc thực sự phát triển về kin h tế và xã hội.

 

Chú trọng tới Âu Châu, tôi đã lập lại lời phấn khích của tôi trong vấn đế thẳng tiến đối với tiến trình thống nhất hiện nay dựa vào những thứ giá trị được soi động bởi gia sản Kitô giáo mà nó được thừa hưởng. Thật sự thì Mariazell là một trong những biểu hiệu cho cuộc hội ngộ về đức tin của các dân tộc Âu Châu. Làm sao chúng ta có thể quên được rằng Âu Châu có một truyền thống về tư tưởng bao gồm đức tin, lý trí và tình cảm chứ? Các triết gia nổi tiếng, cho dù ở ngoài đức tin, đã nhìn nhận vai trò chính yếu của Kitô giáo trong việc bảo trì lương tâm tân tiến cho khỏi những thứ dẫn xuất có tính cách buông thả hay bảo thủ. Bởi thế, trước tình hình hiện tại của Âu Châu, thật là thích hợp trong việc giành thời giờ cho cuộc gặp gỡ những vị lãnh đạo về chính trị và ngoại giao ở Vienna này.

 

Tôi thực hiện cuộc hành hương thực sự vào Thứ Bảy, 8/9, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria, một tên gọi đã làm nên danh xưng Mariazell. Nguồn gốc của nó được bắt nguồn  từ năm 1157, khi có một vị đan sĩ Biển Đức từ Tu Viện Thánh Lambrecht trong vùng được sai đến giảng ở đó, đã cảm nghiệm được sự giúp đỡ đặc biệt của Mẹ Maria. Vị đan sĩ này đã mang theo một bức tượng Mẹ Maria nhỏ bằng gỗ. Cái ô (“zell”) mà vị đan sĩ ấy đặt để bức tượng ấy sau đó đã trở thành một nơi hành hương, và trên hai thế kỷ vừa qua đã có một đền thánh quan trọng được xây cất lên, nơi Đức Mẹ Ban Ơn Lành cũng gọi là Magna Mater Austriae vẫn được tôn kính cho tới ngày nay.

 

Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi khi được trở lại nơi ấy với tư cách là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô nơi chốn này, một nơi chốn rất thân thương của Trung Âu và Đông Âu. Ở đó, tôi đã ca ngợi  lòng can đảm gương mẫu của hằng ngàn ngàn người hành hương, bất chấp mưa lạnh, muốn hiện diện vì biến cố vui mừng này, bằng niềm hân hoan và tin tưởng mạnh mẽ, và là nơi tôi đã cắt nghĩa cho họ về đề tài chính yếu của việc tôi thăm viếng, đó là “Hãy Nhìn lên Chúa Kitô”, một đề tài được các vị Giám Mục Áo quốc khôn khéo soạn thảo suốt giai đoạn chín tháng sửa soạn.

 

Chỉ cho tới khi chúng ta đến tới đền thánh này chúng ta mới hoàn toàn hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của đề tài nhìn lên Chúa Kitô này. Trước chúng tôi là bức tượng Đức Mẹ, một tay chỉ vào Thơ Nhi Giêsu, và ở bên trên  Mẹ, bên trên bàn thờ của ngôi đền thờ ấy, là Đấng Tử Giá. Ở đó, cuộc hành hương của chúng tôi đã tiến đến đích điểm của nó, ở chỗ, chúng tôi đã chiêm ngưỡng dung nhan của Thiên Chúa nơi Con Trẻ ở trong hai cánh tay của Mẹ Người cũng như ở nơi Con Người giang hai cánh tay của mình ra. Việc nhìn lên Chúa Giêsu bằng đôi mắt của Mẹ Maria nghĩa là gặp gỡ Thiên Chúa là Tình Yêu, Đấng đã hóa thân làm người và đã chết trên cây thập giá vì chúng ta.

 

Vào lúc kết thúc Thánh Lễ ở Mariazell, tôi đã trao ban “sứ vụ” cho các phần tử của những hội đồng mục vụ giáo xứ, những hội đồng gần đây mới được canh tân ở khắp Áo quốc – một cử chỉ hùng hồn về giáo hội mà theo đó tôi trao phó cho sự chở che của Mẹ Maria cái hệ thống lớn lao của các giáo xứ để phục vụ mối hiệp thông và truyền giáo này.

 

Ở đền thánh ấy, tôi đã cảm nghiệm thấy được những giây phút hân hoan về tình huynh đệ với các vị giám mục của xứ sở này cũng như với cộng đồng Biển Đức. Tôi đã gặp gỡ các vị linh mục, tu sĩ, phó tế và chủng sinh, và cử hành giờ kinh tối với họ. Hiệp nhất thiêng liêng với Mẹ Maria, chúng tôi đã tán dương Chúa về việc tôn sùng khiêm tốn của nhiều con người nam nữ đã tin tưởng vào tình thương của Ngài và đã dâng hiến bản thân mình cho việc phụng sự Thiên Chúa. Những con người này, bất chấp những giới hạn về con người của mình, hay nói khác đi, bằng sự chân tình và khiêm tốn của nhân tính họ, hoạt động để cống hiến cho tất cả mọi người thấy được những gì phản ảnh sự thiện hảo và tuyệt vời của Thiên Chúa, khi theo Chúa Giêsu trên con đường nghèo khó, thanh tịnh và tuân phục, ba lời khấn cần phải được hiểu rõ ràng theo ý nghĩa Kitô học của chúng, không phải có theo cá nhân tính mà là liên hệ tính và giáo hội tính.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/9/2007

 

(xem tiếp bài dưới)

 

TOP

 

? "Giáo Hội, như Mẹ Maria, được kêu gọi để luôn luôn 'nhìn lên Chúa Kitô' hầu tỏ Người và cống hiến Người cho hết mọi người"

 

Sáng Chúa Nhật, tôi đã long trọng cử hành Thánh Thể ở Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Stephan ở Vienna. Trong bài giảng, tôi muốn diễn giải về ý nghĩa và giá trị của Chúa Nhật, để hỗ trợ cho phong trào “ Liên Minh Bênh Vực Một Chúa Nhật Tự Do”. Nhiều người và nhóm không phải Kitô giáo cũng thuộc về phong trào này. Tất nhiên, là thành phần tín hữu, chúng ta có những lý do sâu xa để sống Ngày của Chúa, như Giáo Hội đã dạy chúng ta: "Sine dominico non possumus!"  Chúng tôi không thể sống nếu không có Chúa và Ngày của Ngài, như lời tuyên bố của các vị tử đạo ở Abitene (Tunisia ngày nay) vào năm 304.

 

Cả chúng ta nữa, những Kitô hữu chúng ta ở thế kỷ 21, không thể sống nếu thiếu Chúa Nhật: Một ngày mang lại ý nghĩa cho việc làm và sự nghỉ ngơi, làm hoàn tất ý nghĩa của việc tạo dựng và cứu chuộc, thể hiện giá trị của niềm tự do và việc phục vụ tha nhân… tất cả những điều này là Chúa Nhật – không phải chỉ là một qui luật! Nếu dân chúng thuộc các nền văn minh Kitô Giáo cổ thời đã loại trừ ý nghĩa này và đã biến Chúa Nhật thành một thứ cuối tuần hay một cơ hội cho những lợi lộc trần tục và thương mại thì có nghĩa là họ chắc chắn đã muốn loại bỏ chính văn hóa của họ. 

 

Không xa Vienna cho lắm là Tu Viện ở “Heiligenkreuz”, tu viện Thánh Giá, và tôi cảm thấy hân hoan đến  viếng thăm cộng đồng đan sĩ Xi-Tô đang triển nở này, một cộng đồng đã hiện hữu cả 874 năm liên tục! Sát cạnh với tu viện  ấy là Đại Học Viện Triết Lý và Thần Học mới được ban cho tước hiệu “Giáo Hoàng Học Viện”. Nói với những đan sĩ ấy, tôi đã nhắc lại giáo huấn quan trọng của Thánh Biển Đức về Thần Vụ, khi nhấn mạnh tới giá trị của việc cầu nguyện như là việc chúc tụng và tôn thờ xứng với Thiên Chúa đối với vẻ đẹp và sự thiện hảo vô cùng của Ngài.

 

Không gì được coi trọng hơn việc làm linh thánh này – theo Luật Biển Đức (43:3) – nhờ đó, tất cả đời sống, với thời gian làm việc và nghỉ ngơi của nó, sẽ được qui về phụng vụ và hướng lên Thiên Chúa. Cho dù là việc học hỏi thần học cũng không thể được tách rời đời sống thiêng liêng và đời sống cầu nguyện, như Thánh Bênađô ở Claivaux, tổ phục của dòng Xi-Tô, mạnh mẽ chủ trương. Việc hiện diện của Thần  Học Viện cạnh tu viện cho thấy mối hiệp nhất giữa đức tin và lý trí, giữa con tim và bộ óc.

 

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi xẩy ra với hệ thống các tổ chức thiện nguyện. Tôi muốn tỏ ra niềm cảm mến của tôi với nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi, những người làm việc không công phục vụ tha nhân của mình, trong cộng đồng giáo hội cũng như trong cộng đồng dân sự.

 

Việc thiện nguyện không phải chỉ là “làm việc”: trước hết nó là một lối sống được bắt đầu từ con tim, từ một cách ưu ái nhìn đời, và nó khuyến khích chúng ta “trả lại” và chia sẻ các tặng ân chúng ta đã nhận được với tha nhân của chúng ta. Theo chiều hướng ấy, tôi đã phấn khích một lần  nữa nền văn hóa hoạt động bác ái.

 

Hoạt động thiện nguyện không được coi như là việc trợ giúp “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa” đối với các tổ chức quốc gia và công cộng, mà như là một sự hiện diện đáng khen và luôn cần thiết để chú trọng tới những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội và để cổ võ một lối nhân cách hóa các chương trình trợ giúp xã hội. Ngoài ra, không có vấn đề không ai lại không thể trở thành một thiện nguyện viên hết. Chắc chắn là ngay cả thành phần túng thiếu nhất và con người thiếu may mắn nhất cũng có nhiều điều để chia sẻ với người khác bằng việc cống hiến phần của mình trong việc xây dựng một nền văn minh yêu thương.

 

Tóm lại, tôi lập lại lòng biết ơn của tôi với Chúa về chuyến viếng thăm hành hương nào ở Áo quốc. Điểm chính yếu vẫn là một đền Thánh Mẫu, ở đó, tôi đã có thể sống cảm nghiệm giáo hội mãnh liệt, như tôi đã có một tuần trước đó ở Loreto với giới trẻ Ý quốc. Ngoài ra, ở Vienna và Mariazell, tôi đã có thể thấy được thực tại sống động, trung thành và khác nhau của Giáo Hội Công Giáo, một thực tại hiện diện đông đảo ở những biến cố được ấn định theo lịch trình.

 

Thật là một sự hiện diện hân hoan và rạng ngời của một Giáo Hội, như Mẹ Maria, được kêu gọi để luôn luôn “nhìn lên Chúa Kitô” hầu tỏ Người và cống hiến Người cho hết mọi người; một Giáo Hội là thày và là chứng từ của một tiếng “xin vâng” quảng đại cho sự sống ở từng chiều kích của nó; một Giáo Hội thực thi truyền thống 2 ngàn năm của mình phục vụ cho một tương lai hòa bình và phát triển xã hội thực sự cho toàn thể gia đình nhân loại.


Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 13/9/2007

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ