GIÁO HỘI HIỆN THẾ

_______

 THỨ SÁU 7/9/2007

TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN

 

?  "Ngay cả những chị em thân cận nhất cũng chẳng hề biết gì tới đời sống nội tâm của Mẹ"

?  "Tôi sẽ tiếp tục bị thiếu vắng Thiên Đàng – để chiếu ánh sáng cho những ai đang ở trong tăm tối trên trái đất này…”

?  Mẹ Têrêsa Calcutta: Bí Mật Cuộc Đời

 

 

 

?  "Ngay cả những chị em thân cận nhất cũng chẳng hề biết gì tới đời sống nội tâm của Mẹ"

 

Tác phẩm mới về Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta Hãy Trở Nên Ánh Sáng Của Cha

 

Thứ Tư, 5/9/2007, ngày kỷ niệm đúng 10 năm băng hà của Mẹ Têrêsa Calcutta. Vào ngày hôm trước, Thứ Ba 4/9, một tác phẩm đã được tung ra thị trường mang tựa đề: “Hãy Trở Nên Ánh Sáng Của Cha”, một tác phẩm bao gồm những gì Mẹ Têrêsa đã viết, nhưng lại là những gì chỉ được biết đến trong tiến trình phong chân phước cho Mẹ, và được vị linh mục Brian Kolodiejchuk, một trong 3 vị cộng tác viên với Mẹ mở ngành nam cho Dòng Thừa Sai Bác Ái, cũng là vị linh mục cáo thỉnh viên lo án phong chân phước và phong thánh cho Mẹ, lấy ra từ tập hồ sơ phong thánh gồm 80 cuốn sách.

 

Tác phẩm mới này đã được Cha Brian Kolodiejchuk đích thân biếu dâng Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vào cuối Buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư 5/9/2007 ở Vatican. Nhân ngày kỷ niệm 10 năm băng hà này của Chân Phước Têrêsa Calcutta, mạng lưới điện toán toàn cầu Zenit đã phỏng vấn cha về tác phẩm mới này và về đời sống nội tâm của Mẹ.

 

Vấn:    Đời sống nội tâm phi thường của Mẹ Têrêsa được khám phá ra sau khi Mẹ qua đời. Không kể các vị linh hướng của Mẹ, làm thế nào mà không một ai biết Mẹ không biết gì về đời sống này, nhất là về tình trạng khổ đau trước cơn tăm tối thiêng liêng của Mẹ?

 

Đáp:   Không ai biết được gì  về đời sống nội tâm của Mẹ, vì các vị linh hướng của Mẹ đã giữ kín những bức thư đó. Các vị linh hướng Dòng Tên có một số, một số được giữ ở tư dinh của vị tổng giám mục, và Cha Joseph Neuner, một vị linh hướng khác, cũng có một ít.

 

Những bức thư này được khám phá ra khi chúng tôi tìm kiếm những văn bản cho án phong chân phước.

 

Khi còn sống, Mẹ Têrêsa đã yêu cầu đừng phổ biến những gì về tiểu sử của Mẹ.

 

Mẹ đã xin ĐTGM Ferdinand Perier ở Calcutta đừng nói với vị giám mục khác về việc những gì đã được bắt đầu. Mẹ nói: ‘Xin đừng cho ngài biết bất cứ điều gì từ ban đầu, vì một khi người ta biết đến thuở ban đầu, thì theo như lời Mẹ được Chúa thầm nhủ cho biết, người ta sẽ chú ý tới con hơn là tới Chúa Giêsu’.

 

Mẹ vẫn nói rằng: ‘Công việc Chúa làm. Đó là việc làm của Thiên Chúa’.

 

Ngay cả những chị em thân cận nhất cũng chẳng hề biết gì tới đời sống nội tâm của Mẹ. Nhiều chị nghĩ rằng Mẹ đã sống rất thân mật với Thiên Chúa để giúp Mẹ dấn thân trước những khó khăn của hội dòng cũng như cảnh nghèo khốn về vật chất Mẹ phải chịu.

 

Vấn:    Tác phẩm này bàn đến lời khấn âm thầm được Mẹ thực hiện vào lúc ban đầu Mẹ theo đuổi ơn gọi, lúc Mẹ đã hứa không từ chối Chúa điều gì gây ra bởi nỗi đớn đau vì tội trọng. Lời khấn này đã đóng vai trò thế nào trong đời sống của Mẹ?

 

Đáp:   Mẹ Têrêsa đã thực hiện lời khấn này vào năm 1942, đó là không từ chối Chúa bất cứ điều gì.

 

Sau đó chẳng bao lâu đã có những bức thư cảm hứng của Mẹ xuất phát từ Chúa Giêsu. Ở một trong hai bức thư, nếu không muốn nói là ở cả hai bức, khi thúc đẩy Mẹ tuyên khấn, Chúa Giêsu đã nói: ‘Chẳng lẽ con từ chối làm việc này với Cha hay sao?’

 

Bởi thế, lời khấn này là nền tảng cho ơn gọi của Mẹ. Sau đó quí vị thấy ở những bức thư cảm hứng của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm cho ơn gọi của Mẹ trở nên rõ ràng hơn.

 

Bởi thế Mẹ đã tiến bước, vì Mẹ đã biết được Chúa Giêsu muốn gì. Mẹ được tác động bởi ý nghĩ về nỗi khát vọng của Người và nỗi khổ đau của Người vì thành phần nghèo khổ không biết đến Người, nên họ không mong muốn Người.

 

Đó là một trong những gì là nồng cốt khiến Mẹ chịu đựng những thử thách của đêm tối tăm. Vì Mẹ nắm chắc ơn gọi của mình và lời khấn ấy mà ở một trong những bức thư Mẹ đã nói: ‘Tôi đã đi đến chỗ muốn hủy bỏ thì bấy giờ tôi nhớ tới lời khấn này, và nó đã làm tôi vươn lên’.

 

Vấn:    Vấn đề “đêm tối tăm” của Mẹ Têrêsa được bàn tán rất nhiều. Nó được tác phẩm của Cha diễn tả như là một “cuộc tử đạo bởi lòng mến”. Yếu tố này, tức lòng Mẹ khát khao Thiên Chúa, phần lớn đã bị mất mát. Cha có thể diễn tả điều này hay chăng?

 

Đáp:   Có một cuốn sách đáng đọc để hiểu một chút về những điều này đó là cuốn “Ngọn Lửa Nung Nấu” của Cha Thomas Dubay.

 

Trong cuốn sách này của Cha Dubay, ngài đã nói đến cái đớn đau thực sự của nỗi mất mát và một thứ đớn đau của lòng khát vọng, mà cái đớn đau của lòng khát vọng là cái gì đớn đau hơn.

 

Như Cha Dubay diễn tả, trên con đường tiến đến mối hiệp nhất chân thực với Thiên Chúa, có giai đoạn thanh tẩy được gọi là đêm tối tăm, sau đêm tối tăm này, linh hồn tiến tới giai đoạn thần hiệp và thực sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

 

Giai đoạn thanh tẩy đối với Mẹ Têrêsa dường như xẩy ra trong thời gian Mẹ được đào luyện ở Loretto.

 

Vào lúc Mẹ tuyến khấn, Mẹ nói rằng người bạn đồng hành với Mẹ hầu như là đêm tối tăm. Loại thư quí vị đọc thấy về đêm tối tăm là những bức thư tiêu biểu quí vị đọc thấy về một người nào đó trải qua đêm tối tăm.

 

Cha Celeste Van Exem, vị linh hướng của Mẹ vào lúc ấy, đã nói rằng có thể vào năm 1946 hay 1945 Mẹ đã tiến gần đến chỗ thần hiệp.

 

Sau đó, có một chi tiết cho thấy thời điểm xẩy ra những điều linh hứng và những lời Chúa thầm nhủ, thời điểm trăn trở về đức tin ngưng đọng.

 

Về sau Mẹ đã viết cho Cha Neuner để cho biết rằng: “Bấy giờ cha biết nó xẩy ra như thế nào rồi. Bấy giờ hầu như Chúa ban mình hoàn toàn cho con. Sự ngọt ngào và niềm an ủi cùng với mối hiệp nhất của 6 tháng ấy trôi qua quá mau”.

 

Bởi vậy Mẹ Têrêsa đã trải qua 6 tháng sâu xa hiệp nhất, sau những lời Chúa thầm nhủ và trạng thái thần hiệp. Mẹ đã được ở trong trạng thái hiếp nhất biến đổi thực sự. Tới lúc bấy giờ đêm tối tăm mới trở lại. 

 

Tuy nhiên, bấy giờ đêm tối tăm Mẹ trải qua là đêm tối tăm trong mối hiệp nhất với Thiên Chúa – bởi vậy không phải là Mẹ đã được hiệp nhất rồi lại đánh mất nó đi.  Mẹ mất đi niềm an ủi của mối hiệp nhất và cảm thấy trăn trở giữa nỗi khổ đau mất mát và nỗi sâu xa khát vọng, một nỗi khát khao thực sự.

 

Như Cha Dubay đã nói: ‘Có những lúc chiêm niệm là một cái gì hoan lạc, song cũng có những lúc nó là một khát vọng mãnh liệt’. Thế nhưng, nơi trường hợp của Mẹ Têrêsa, ngoại trừ một tháng vào năm 1958, Mẹ đã không có niềm an ủi của mối hiệp nhất này.

 

Mẹ đã nói trong một bức thư rằng: ‘Không đâu thưa Cha, con không lẻ loi một mình, con có đêm tối của Người, con có nỗi khổ của Người, con kinh khủng khát khao Thiên Chúa. Yêu và không được yêu, con biết con có Chúa Giêsu trong mối hiệp nhất liên lỉ, vì tâm trí của con gắn chặt vào Người và chỉ vào một mình Người mà thôi’.

 

Cảm nghiệm tối tăm của Mẹ trong mối hiệp nhất là những gì rất họa hiếm nơi các thánh nhân, vì đối với hầu hết các vị, cuối cùng là mối hiệp nhất không còn bị tăm tối nữa.

 

Bởi thế, tình trạng khổ đau của Mẹ, theo ngôn từ của thần học gia Đaminh là Cha Reginald Garrigou-Lagrange, có tính cách đền bồi, chứ không phải thanh tẩy về tội lỗi riêng của Mẹ. Mẹ được hiệp nhất với Chúa Giêsu bằng m ột đức tin và đức mến đủ để, bằng cảm nghiệm của mình, thông phần với Chúa Giêsu trong Vườn Cây Dầu và trên thập tự giá.

 

Mẹ Maria đã nhận định là nỗi khổ đau ở Vườn Cây Dầu còn kinh hoàng hơn nỗi khổ đau ở trên cây thập tự giá. Nên giờ đây chúng ta hiểu được nhận định này từ đâu mà có, vì Mẹ hiểu được nỗi khát vọng của Chúa Giêsu đối với các linh hồn.

 

Vấn đề quan trọng ở đây đó là mối hiệp nhất, và như Carol Zaleski đã vạch ra trong bài viết của mình ở tờ First Things, loại thử thách này là một thứ thử thách mới. Nó là một thứ cảm nghiệm tân thời đối với các vị thánh trong vòng 100 năm qua, khi phải trải qua cái cảm giác là con người không còn tin tưởng gì và tôn giáo không phải là những gì chân thực.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 4/9/2007

 

(xin xem tiếp phần dưới)

 

TOP

 

?     "Tôi sẽ tiếp tục bị thiếu vắng Thiên Đàng – để chiếu ánh sáng cho những ai đang ở trong tăm tối trên trái đất này…”

 

Tác phẩm mới về Mẹ Chân Phước Têrêsa Calcutta Hãy Trở Nên Ánh Sáng Của Cha

 

Vấn:    Tên gọi “Hãy Trở Nên Ánh Sáng Của Cha” của tác phẩm này là lời yêu cầu Chúa Giêsu ngỏ cùng Mẹ Têrêsa. Tình trạng khổ đau cứu chuộc của Mẹ đối với kẻ khác trong cơn tăm tối cùng tận như thế có liên hệ như thế nào với đoàn sủng đặc biệt của Mẹ?

 

Đáp:   Trong thập niên 1950, Mẹ đã phó mặc và chấp nhận tình trạng tối tăm này. Cha Neuner (một trong những vị linh hướng của Mẹ) đã giúp Mẹ hiểu được nó bằng việc liên kết tình trạng tối tăm này với đoàn sủng của Mẹ, đó là việc làm giãn cơn khát của Chúa Giêsu.

 

Mẹ thường nói rằng cái nghèo khổ nhất đó là cảm thấy không được yêu thương, không được chấp nhận, không được chăm sóc, và đó chính là những gì Mẹ đã nếm trải trong mối liên hệ của Mẹ với Chúa Giêsu.

 

Tình trạng khổ đau đền bồi của Mẹ, hay khổ đau cho kẻ khác, là yếu tố Mẹ sống đoàn sủng của Mẹ đối với thành phần nghèo nhất trong các người nghèo.

 

Bởi vậy, đối với Mẹ, nỗi khổ đau này chẳng những đồng hóa với tình trạng bần cùng về thể lý và vật chất mà còn cả ở lãnh vực nội tâm nữa, Mẹ đã đồng hóa mình với thành phần không được yêu thương, thành phần lẻ loi cô độc, thành phần bị bỏ rơi hất hủi.

 

Mẹ đã từ bỏ tình trạng sáng tỏ nội tâm của mình cho thành phần sống trong tăm tối, khi nói rằng: “tôi biết rằng đó là những cảm giác duy nhất”.

 

Trong một bức thư ngỏ cùng Chúa Giêsu, Mẹ đã viết thế này: “Giêsu ơi xin  nghe con nguyện cầu – nếu đẹp lòng Chúa – nếu nổi đớn đau và khổ đau của con – tình trạng tăm tối và tách biệt của con hiến cho Chúa được một giọt Ủi An – thì Chúa Giêsu của con ơi, xin hãy làm cho con những gì Chúa muốn nhé – bao lâu Chúa muốn, không cần để ý gì tới cảm giác và nỗi Đớn Đau của con.

 

“Con là của riêng Chúa. Xin hãy in ấn trên linh hồn con và đời sống con những khổ đau của tâm can Chúa. Đừng để ý gì tới những cảm giác của con – Thậm chí đừng lưu tâm gì tới nỗi đớn đau của con.

 

“Nếu tình trạng con lìa xa Chúa mà lại mang kẻ khác đến cùng Chúa, và nơi tình yêu và tình bạn của họ – Chúa cảm thấy hân hoan vui thỏa - thì tại sao, Chúa Giêsu ơi, con lại không hết lòng muốn chịu đựng tất cả những gì con đang trải qua – chẳng những hiện nay mà còn đến vô cùng bất tận nữa, nếu có thể được như vậy’.

 

Trong một bức thư gửi cho các chị em của mình, Mẹ đã làm tỏ tường hơn đoàn sủng của hội dòng, khi viết: ‘Hỡi các con yêu quí của Mẹ,  không có khổ đau, công việc của chúng ta chỉ là công tác xã hội, rất tốt và hữu ích, nhưng nó không phải là công việc của Chúa Giêsu Kitô, không phải là yếu tố cứu chuộc – Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta bằng việc chia sẻ đời sống của chúng ta, sự cô đơn của chúng ta, cuộc khổ ải và chết chóc của chúng ta.

 

“Tất cả những cái ấy Người đã ôm lấy vào mình, và đã gánh vác chúng trong đêm tăm tối nhất. Chỉ nhờ trở nên một với chúng ta mà Người đã cứu chuộc lại.

 

“Chúng ta cũng được phép làm như thế: Tất cả tình trạng lẻ loi cô độc của thành phần Nghẻo Khổ, chẳng những cảnh nghèo khổ về Vật Chất của họ, mà còn cả cảnh cơ cực bần cùng về tinh thần của họ cũng cần phải được cứu vớt nữa, và chúng ta cần phải thông dự vào tình cảnh đó, nên hãy nguyện cầu khi các con cảm thấy khó khăn – ‘con muốn sống trong thế giới xa lìa Thiên Chúa này, thế giới rất lìa xa ánh sáng của Chúa Giêsu đây, để giúp đỡ họ – để ôm vào mình một điều gì đó từ nỗi khổ đau của họ’”.

 

Và đó là những gì tóm gọn điều tôi cho là câu tâm niệm của Mẹ: “Nếu tôi đã từng được trở nên một vị Thánh – thì tôi tin rằng tôi sẽ là một vị thánh của ‘tối tăm’. Tôi sẽ tiếp tục bị thiếu vắng Thiên Đàng – để chiếu ánh sáng cho những ai đang ở trong tăm tối trên trái đất này…”

 

Đấy là cách thức Mẹ hiểu về tình trạng tối tăm của Mẹ. Nhiều điều Mẹ nói làm sáng tỏ hơn và mang một ý nghĩa sâu xa hơn đối với những gì giờ đây chúng ta biết được về những điều ấy.


Vấn:    Vậy Cha nói sao với những ai gọi cảm nghiệm của Mẹ là cuộc khủng hoảng về đức tin, là Mẹ thực sự chẳng tin tưởng vào Thiên Chúa, hay tình trạng tối tăm của Mẹ một cách nào đó được hiểu là dấu hiệu bất ổn về tâm lý?

 

Đáp:   Nó không phải là một cuộc khủng hoảng về đức tin, hay Mẹ thiếu đức tin, mà là Mẹ bị thử thách về đức tin khi Mẹ trải qua cảm nghiệm là Mẹ không tin tưởng vào Thiên Chúa.

 

Cuộc thử thách này đòi hỏi một mức độ cao về nhân bản, bằng không Mẹ không thể chống trả nổi. Mẹ sẽ bị nghiêng ngả mất quân bình.

 

Như Cha Garrigou-Lagrange đã nói, có thể xẩy ra những cảm giác dường như xung khắc với nhau cùng một lúc.

 

Như Carol Zaleski nhận định là có thể có được “niềm vui khách quan Kitô Giáo”, trong khi đó lại bị thử thách hay chẳng cảm thấy được đức tin. 

 

Không có vấn đề hai con người ở đây, mà là một con người duy nhất với những cảm giác ở các mức độ khác nhau.

 

Chúng ta thực sự có thể chịu đựng thánh giá một cách nào đó – nó đớn đau và nhức nhối, và chỉ vì chúng ta có thể sống đời sống thiêng liêng mà thánh giá vẫn không hết đớn đau, song người ta vẫn có thể hân hoan vì người ta đang sống với Chúa Giêsu. Đây không phải là những gì giả tạo.

 

Đó là cách thức và là lý do tại sao Mẹ đã sống một cuộc đời tràn đầy vui tươi.


Vấn:    Là vị cáo thỉnh viên cho án phong thánh của Mẹ, Cha nghĩ khi nào chúng ta có thể gọi Mẹ là Thánh têrêsa Calcutta?

 

Đáp:   Chúng tôi cần một phép lạ nữa – chúng tôi đã xem xét một số, nhưng chẳng có gì sáng tỏ cho lắm. Đã có một phép lạ cho việc phong chân phước rồi, song chúng tôi đang đợi chờ phép lạ thứ hai.

 

Cò lẽ Thiên Chúa đã đợi chờ cho cuốn sách này xuất hiện trước, vì dân chúng biết rằng Mẹ Têrêsa thánh thiện nhưng vì tính cách bình thường và giản dị nơi việc bộc lộ của Mẹ, họ đã không hiểu nổi thánh thiện ra sao?

 

Tôi đã nghe về hai vị linh mục nói chuyện với nhau vào một ngày kia. Có vị nói ngài không phải là người ái mộ Mẹ Têrêsa cho lắm, vị ngài nghĩ Mẹ chỉ là con người đạo hạnh, sốt sắng, và thực hiện những việc làm đẹp đẽ, đáng ca ngợi, thế nhưng, khi ngài nghe về đời sống nội tâm của Mẹ, mọi sự đã thay đổi đối với ngài.

 

Giờ đây chúng ta đã có được ý nghĩ về cách thức Mẹ tăng trưởng đời sống thiêng liêng, và đến nay thì những tính chất sâu xa của Mẹ đang được tỏ hiện một cách nào đó.

 

Một khi phép lạ xẩy ra thì cũng cần phải mất đến mấy năm nữa, cho dù Đức Giáo Hoàng có muốn đẩy mạnh tiến trình chăng nữa.

 

Vấn:    Từ khi Mẹ băng hà thì hội dòng của Mẹ ra sao?

 

Đáp:   Hội dòng này đã thêm được cả gần 1000 nữ tu nữa, từ khoảng 3,850 vào lúc Mẹ qua đời hôm nay đã lên tới 4,800, và chúng tôi cũng có thêm 150 nhà nữa ở 14 quốc gia khác.

 

Việc Thiên Chúa làm vẫn tiếp tục xẩy ra.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch theo tín liệu được Zenit phổ biến ngày 5/9/2007

 

 

TOP

 

? Mẹ Têrêsa Calcutta: Bí Mật Cuộc Đời

Ðộng lực nào đã làm cho Mẹ Têrêsa Calcutta trở thành biểu hiệu bác ái Kitô giáo giữa thế giới Ấn giáo?

Đây là một bí mật được Cha Brian Kolodiejchuk, một trong 3 vị cộng tác mở ngành nam cho Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa, cũng là vị linh mục cáo thỉnh viên phong thánh cho Mẹ, đã nghiên cứu (hồ sơ phong thánh gồm 80 cuốn sách), khám phá và tiết lộ cho biết trong cuộc phỏng vấn với Màn Điện Toán Zenit như sau.

Vấn     Mẹ Têrêsa đã làm cho thế giới ngưỡng phục bằng việc Mẹ dấn thân cho thành phần nghèo nhất trong các người nghèo. Điều này làm sao có thể xẩy ra đối với một phụ nữ yếu đuối lại đi ra các đường phố ở Calcutta cũng như trên thế giới để băng bó các vết đau của những người cùi lở và chăm sóc “những kẻ vất vưởng” ở những xã hội tân tiến?

Đáp     Tôi nghĩ cái chìa khóa để mở đời sống của Mẹ chính là sự kiện Mẹ là một phụ nữ hoàn toàn say yêu Chúa Giêsu. Chúng đã thấy các bản viết thời Mẹ còn trẻ, trong đó Mẹ nói rằng Chúa Giêsu là mối tính đầu của Mẹ. Mẹ đã nói chẳng khác gì như một đứa con gái phải lòng. Đối với thì việc Mẹ hiến thân cho thành phần bần cùng nhất, thành phần nghèo khổ nhất trong các người nghèo, là một đáp ứng của ơn gọi ấy. Ngay cả trong những giây phút tăm tối, Mẹ cũng tin rằng đó là một ơn gọi chân thực phát xuất từ Chúa Giêsu. Mẹ thâm tín về câu Mẹ thường nói “Việc làm của Thiên Chúa”. Mẹ cảm thấy mình là cái bút của Thiên Chúa, là dụng cụ của Ngài.

Vấn     Mỗi một cuộc phong chân phước đều là một sứ điệp đối với thế giới. Vậy sứ điệp Giáo Hội đang gửi cho thế giới đây là gì khi loan báo việc phong chân phước cho Mẹ Têrêsa?

Đáp     Sứ điệp chính yếu của Mẹ là tình yêu, tình yêu với Thiên Chúa, không phải chỉ với tha nhân. Vào lúc Mẹ cảm thấy tiếng gọi thành lập hội dòng Thừa Sai Bác Ái, Mẹ cảm thấy một cơn thử thánh nội tâm dữ dội; đó là một cảm nghiệm thiêng liêng Mẹ không cảm thấy an ủi. Tuy nhiên, cũng trong những lúc bị thử thách ấy, chính tình yêu đã dẫn Mẹ đến việc đáp lại sứ vụ của Mẹ. Có lần, khi công khai tuyên dương Mẹ, Thủ Tướng Ấn Độ là Indira Gandhi đã nói những lời đại khái như sau: “Trong thế giới hôm nay, một thế giới yêu cuồng sống vội, con người ta dễ quên đi những điều thiết yếu. Mẹ Têrêsa dạy cho chúng ta rằng tình yêu là những gì thiết yếu nhất”.

Ngoài ra, đời sống của Mẹ đầy những tấm gương yêu thương những người khác nữa, chẳng những người nghèo mà còn tất cả những người Mẹ gặp, như chị em dòng Thừa Sai Bác Ái, dân chúng đến thăm Mẹ. Thật vậy, Mẹ Têrêsa để lại cho chúng ta sứ điệp là hãy làm những điều thông thường bằng tình yêu phi thường. Khi Mẹ nói với người Mẹ gặp, Mẹ bảo rằng thái độ ấy không phải là thái độ chỉ sống với người nghèo: người ta phải bắt đầu yêu thương các phần tử gia đình của mình, thành phần cần lời khích lệ. Người ta phải bắt đầu bằng yêu thương một người họ biết, một con người có thể cần đến một lá thư, người ta phải bắt đầu yêu thương bằng nở một nụ cười với người thiếu thốn. Tuy nhiên, chúng ta còn có thể thấy đức tin cũng là một trong những nhân đức nổi bật của Mẹ, bởi vì, bằng không, người ta không thể nào yếu như thế được, từ sáng cho tới khuya, ngủ ba bốn tiếng một đêm, từng ngày sống hiến mình cho thành phần thiếu thốn nhất.

Vấn     Điều gì đã là thách đố lớn nhất trong tiến trình phong chân phước?

Đáp     Có hai cái khó khăn đặc biệt. Khó khăn thứ nhất đó là việc thu thập hay tìm kiếm tất cả mọi tín liệu có thể, vì việc này nhắm đến vấn đề thu thập tài liệu, chứng từ, sự kiện từ dân chúng trên khắp thế giới. Trong tiến trình này, chúng tôi đã thu thập được trên 8 ngàn văn kiện, 80 bộ tài liệu bao gồm các chứng từ và bài viết. Tiến trình này cũng thu thập được các chứng từ của 113 người về đời sống của Mẹ, nhân đức và tiếng tăm thánh đức của Mẹ.

Tuy nhiên, có cả bao nhiêu trăm con người vì không đến được đã gửi chứng từ của họ tới. Chúng tôi không chỉ mãn nguyện thực hiện công việc bất khả thiếu mà thôi. Chúng tôi đã làm nhiều hơn mức tối thiểu, vì làm thế mới hiểu được con người Mẹ hơn nữa. Vấn đề khó khăn thứ hai là việc viết “positio”, tức bản văn chất chứa tất cả mọi chứng từ, việc làm, văn kiện được ghi nhận để làm nền tảng phong chân phước của Mẹ. Vì có quá nhiều tài liệu mà nó không phải là một chuyện dễ làm tí nào cả. Chúng ta đã có thể tin tưởng vào một nhóm người rất tốt, bao gồm linh mục, nữ tu và giáo dân, thiện nguyện viên, nhóm người đã làm cho mọi sự của việc làm này khả đạt.

Vấn     Cha có khám phá ra những khía cạnh của Mẹ Têrêsa còn kín ẩn khi cha thực hiện công việc nghiên cứu khổng lồ này chăng?

Đáp     Chúng ta cần biết là tính cách giản dị của Mẹ đã thực sự che đậy một chiều sâu rất ít người biết tới hay nghĩ ra. Khi Mẹ bắt đầu hội dòng Thừa Sai Bác Ái vào năm 36 tuổi, Mẹ đã cho thấy nơi các bản viết của Mẹ mức độ trưởng thành lạ lùng về đời sống thiêng liêng. Chúng ta biết rằng một con người nổi tiếng khắp thế giới về thánh đức và có một sức thu hút phi thường thì phải có một cái gì đó. Thế nhưng, cái đó là cái gì? Đó là cái bí mật của Mẹ. Nội tâm của Mẹ, đời sống thiêng liêng của Mẹ, tình yêu thương của Mẹ ngay cả trong những cơn thử thách, giờ đầy đã được tỏ lộ.

Vấn     Trong những tháng gần đây vấn đề “đêm tối tăm” đã được đề cập tới, một thứ đêm tôí tăm mà Mẹ Têrêsa, như những nhà thần bí, đã trải qua trong những giai đoạn quan trọng của đời sống Mẹ. Đêm tối tăm này xẩy ra như thế nào?

Đáp     Hoa trái thiêng liêng phát xuất từ hy sinh, từ thập giá. Trước khi được soi động thực hiện công cuộc của mình, Mẹ đã trải qua đêm tối tăm rồi. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng “đêm tối tăm” này, nỗi khổ đau nội tâm này, là hoa trái của việc Mẹ hiệp nhất với Chúa Kitô, như đã từng xẩy ra nơi Thánh Têrêsa Avila hay Thánh Phaolô Thánh Giá. Một mặt là mối hiệp nhất với Chúa Giêsu và tình yêu liên kết. Mà vì được hiệp nhất với Chúa Kitô, Mẹ đã hiểu được nỗi khổ đau của Chúa Kitô khi Người kêu lên từ thập giá: “Chúa Trời ơi, Chúa Trời ơi, sao Chúa lại bỏ rơi tôi?”.

Tuy nhiên, “đêm tối tăm” này, nỗi đau khổ này, còn được gây ra bởi việc tông đồ nữa, bởi tình yêu tha nhân nữa. Vì yêu mến Chúa Kitô, Mẹ cũng hiểu được nỗi khổ đau của kẻ khác, hiểu được nỗi cô đơn của họ cũng như tình trạng họ xa cách Thiên Chúa. Bởi thế, “đêm tối tăm” của Mẹ Têrêsa là vì chiều kích lưỡng diện mà tình yêu của tu sĩ nam nữ cảm thấy, trước hết là tình yêu “phu thê”, tình yêu của Mẹ với Chúa Kitô, tình yêu dẫn Mẹ đến chỗ liên kết với những khổ đau của Người, và sau đó, là tình yêu “cứu chuộc”, tình yêu dẫn đến chỗ thông phần vào việc cứu độ, vào việc loan truyền cho kẻ khác tình yêu của Thiên Chúa, để họ khám phá ra ơn cứu độ nhờ nguyện cầu và hy sinh. Bởi thế, đêm tối tăm là một cuộc thử thách yêu thương hơn là một cuộc thử thách đức tin. Mẹ không chịu khổ bởi không cảm thấy được tình yêu Chúa Giêsu cho bằng Mẹ chịu khổ vì lòng Mẹ mong ước Chúa Giêsu, lòng mẹ khao khát Chúa Giêsu, khao khát yêu thương. Mục đích của hội dòng này chính là việc làm cho Chúa Giêsu giản cơn khát thập giá bằng tình chúng ta yêu mến Người và việc chúng ta dấn thân cho các linh hồn. Mẹ không những chia sẻ cảnh nghèo khổ về thể lý và vật chất với người nghèo, Mẹ còn cảm thấy nỗi khát khao, cảnh bị bỏ rơi của thành phần này nữa. Thật vậy, cái nghèo khổ lớn nhất không phải là không được yêu mà là bị loại bỏ.

Vấn     Có một số nhật báo hay cơ quan thông tin đã cố gắng phủ nhận đặc tính lạ lùng của việc chữa lành là việc mở cửa cho tiến trình phong chân phước cho Mẹ Têrêsa Calcutta. Câu chuyện này thật sự ra sao?

Đáp     Đó là trường hợp của một phụ nữ Ấn Độ tên là Monika Besra, người đã được chữa lành vào ngày 5/9/1998, ngày kỷ niệm đệ nhất chu niên Mẹ Têrêsa qua đời. Một đàng chị phụ nữ này bị chứng tubercular meningitis. Đàng khác, chị lại có một cái bướu lớn ở bụng phát xuất từ buồng trứng bên phải. Cái bướu này đã biến mất ngoài mọi giải thích của y khoa, như ủy ban khoa học đã chứng thực khi khảo sát trường hợp này. Thực sự là chứng tubercular meningitis có thể chữa được, như một số nhật báo nói, bằng tác dụng của thuốc men. Tuy nhiên, như thế lại không phải là một phép lạ. Phép lạ ở đây là việc chữa lành này đột nhiên xẩy ra, trong vòng một đêm, và là một việc chữa lành khỏi chỗ xưng không thể cắt nghĩa nổi.
 

Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch theo tài liệu của Zenit được phổ biến ngày 20/12/2002

 

 

TOP

 

GIÁO HỘI HIỆN THẾ