TRUYỀN THÔNG ÐẠI CHÚNG

 

Báo Chí Hiệp Vương Quốc tỏ thái độ thù địch đối với Giáo Hội Công Giáo Rôma

 

Ông Peter Jennings, vị thư ký về báo chí cho ĐTGM Vincent Nichols ở Birmingham, đã từng bàn về những biến cố thuộc Giáo Hội Công Giáo trên thế giới từ biến cố phong thánh cho 40 vị tử đạo của Anh Quốc và Wales vào Tháng 109/1970. Ông là tác giả của một số tác phẩm, trong đó có cuốn “Giáo Hoàng ở Hiệp Vương Quốc”, một biên bản chính thức về cuộc tông du của Đức Gioan Phaolô II năm 1982. Hiện nay ông đang soạn thảo một cuốn sách về Giáo Hoàng Biển Đức và Hồng Y John Henry Newman. Sau đây là bài phỏng vấn với mạng điện toán toàn cầu Zenit.

 

Vấn:     Báo chí Hiệp Vương Quốc phản ứng ra sao với việc bầu cử Đức Biển Đức XVI?

 

Đáp:    Điều này có thể đoán được như thế nào rồi. Truyền thông Hiệp Vương Quốc hoạt động từ một chiều hướng trần tục cấp tiến và không hiểu các thứ biến cố theo quan điểm đức tin. Bởi thế nó luôn sử dụng từ ngữ “bảo thủ” và “cấp tiến” để nói đến các vị hồng y tuyển bầu trong mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng.

 

Ở một số cuộc phỏng vấn truyền hình “tại chỗ” tôi đã thực hiện từ Rôma ngay sau Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI được tuyển bầu thì vị tân Giáo Hoàng này luôn được nói đến như là ĐHY Joseph Ratzinger “tổng bảo thủ”.

 

Tôi nhấn mạnh rằng các vị hồng y, theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, đã tuyển chọn Hồng Y Joseph Ratzinger làm vị tân Giáo Hoàng chỉ vào lần bỏ phiếu thứ tư.

 

Tôi cũng giải thích là ĐHY Ratzinger, với tư cách là tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, có một vai trò rất đặc biệt trong Giáo Hội. Thế nhưng, giờ đây, là Giáo Hoàng Biển Đức, ngài gắn bó với và khuyến khích tất cả mọi Kitô hữu và Kitô hữu thuộc các truyền thống khác nhau, cũng như dân chúng thuộc các niềm tin khác nhau hay chẳng có tin tưởng gì.

 

Tôi cảm thấy mệt mỏi vào lúc tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn truyền hình toàn quốc cuối cùng của tôi vào lúc 11 giờ 45 đêm giờ Rôma thế nhưng tôi cảm thấy hân hạnh là đã trình bày Giáo Hội Công giáo một cách tích cực cho chung quần chúng ở Hiệp Vương Quốc.


Vấn:     Nhiều nhận định viên đã moi móc một thứ ý hệ chống Công giáo, chống Rôma nơi báo chí mãi từ  thế kỷ 19. Đâu là lý do cho việc thù hận này?

 

Đáp:    Những thái độ đối với Giáo Hội Công Giáo ở Hiệp Vương Quốc đã thay đổi khá hơn đáng kể trên 3 thập niên qua. Tiếc thay vẫn còn dấu vết của một thứ ý hệ chống Rôma liên kết với tính cách ngờ vực tổng quan của người Hiệp Vương Quốc đối với tất cả những gì là “ngoại quốc”.

 

Ngoài ra, việc thù hằn hiện này còn xuất phát hơn nữa từ một hoạch trình trần tục tăng phát đang chi phối giới truyền thông Hiệp Vương Quốc.


Vấn:     ĐTGM Anh Giáo ở Canterbury đã bày tỏ những lời ca tụng Đức Gioan Phaolô II, và ngài đã đến tham dự lễ đăng quang của Đức Biển Đức XVI. Phải chăng thời đại kết đã làm giảm bớt thái độ của thành phần ký giả Hiệp Vương Quốc đối với Giáo Hội Công Giáo?

 

Đáp:    Không hẳn là như vậy! Truyền thông Hiệp Vương Quốc cũng tỏ ra thù địch với cả Giáo Hội Anh Quốc nữa. Thật vậy, đối với một số ký giả, vẫn còn sự tôn kính cái ưu điểm và tính cách gắn bó của Giáo Hội Công Giáo.

 

Hiện nay Hiệp Thông Anh Giáo trên khắp thế giới đang bị truyền thông tấn công kịch liệt về việc truyền chức cho những người đồng tính làm giám mục, về việc chúc phúc cho những cuộc hôn nhân đồng phái tính, và việc tấn phong nữ giới làm giám mục.

 

ĐTGM Canterbury là Tiến Sĩ Rowan Williams đang làm mọi sự có thể để ngăn ngừa Hiệp Thông Anh Giáo khỏi xẩy ra ly giáo. Ngài cần chúng ta cầu nguyện và khích lệ vào thời điểm hệ trọng này.


Vấn:     Phản ứng nào báo chí đã tỏ ra đối với những biến cố mới đây ở Rôma cho chúng ta thấy về xã hội Hiệp Vương Quốc nói chung?

 

Đáp:    Xin đừng phán đoán xã hội Hiệp Vương Quốc qua báo chí Hiệp Vương Quốc! Báo chí nó có chương trình hoạt động riêng của nó.

 

Đã có rất nhiều chú trọng rộng lớn và tích cực nơi xã hội Hiệp Vương Quốc ở mọi tầng lớp về cái chết và Lễ an táng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và về mật nghị hồng y bầu tân giáo hoàng, việc tuyển chọn và Lễ đăng quang của Giáo Hoàng Biển Đức XVI.

 

Thành phần dân chúng, không bao giờ vào một Nhà Thờ Công Giáo, đã tham dự lễ mồ cho Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cử hành trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Chad, tọa lạc ở ngay trung tâm Birmingham, vào ngày Lễ an táng ở Rôma.

 

Một người đàn bà đã nói với tôi rằng: “Tôi đã nghe ông nói về Lễ đặc biệt ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Chad trên đài phát thanh địa phương hôm trước đây. Tôi chưa bao giờ vào một Nhà Thờ Công Giáo trước đây, nhưng tôi đã rất cảm kích khi thấy truyền hình phát chiếu về Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ Rôma mà tôi muốn tham dự một điều gì đó cho ngài”.


Vấn:     Báo chí có thử thách các tôn giáo khác giống như thế hay chăng? Tại sao lại không chứ?

 

Đáp:    Thái độ của báo chí Hiệp Vương Quốc đối với Kitô giáo nói chung là tỏ ra thù nghịch.

 

Thái độ của họ với Do Thái giáo và Hồi giáo lại hoàn toàn khác hẳn, bởi việc có thể phê phán xẩy ra theo lòng thù địch và việc tường trình tiêu cực về những niềm tin này.


Vấn:     Ông có lời khuyên ra sao với các viên chức của Giáo Hội đang phải hoạt động ở một môi trường khó khăn?

 

Đáp:    Vấn đề quan trọng là những vị đại diện của Giáo Hội Công Giáo cố gắng xây dựng các mối liên hệ riêng tư với các nhân vật truyền thông chính ở tầm cấp địa phương, vùng miền và quốc gia, trong khi đó bao giờ cũng phải nhìn nhận rằng vẫn đang xẩy ra những giá trị và chương trình hoạt động khác nhau.

 

Trong mấy năm mới đây, thành phần phát ngôn viên chuyên nghiệp đã được Giáo Hội Công giáo thuê mướn và hoạt động của họ với truyền thông Hiệp Vương Quốc thật là quan trọng trong cơn khủng hoảng.

 

Có những lúc Giáo Hội Công Giáo và truyền thông cùng nhau hoạt động một cách tốt đẹp và có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc truyền bá phúc âm hóa. Đây là điều luôn ở trong tâm trí của tôi khi tôi trích dẫn hay thực hiện một cuộc phỏng vấn truyền thông.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, theo tài liệu được Zenit phổ biến ngày 23/5/2005

 

Tòa Thánh với vấn đề nạn khiêu dâm đối với giới trẻ

 

Hôm Thứ Năm 19/5/2005, trong một cuộc họp báo ở Rôma, một bản tường trình thứ tư về nạn khiêu dâm ở Ý quốc đã được phổ biến. Bản tường trình này cho biết có 2/3 thanh thiếu niên, tuổi từ 15 đến 18, đã có được những tài liệu về in ấn hay trên mạng điện toán toàn cầu liên quan tới vấn đề truyền thông khiêu dâm. Bản tường trình này còn cảnh giác là con số trẻ em vị thành niên càng ngày càng tăng đang bị khai thác trên những mạng điện toán toàn cầu về truyền thông khiêu dâm.

 

Về vấn đề thương mại nạn truyền thông khiêu dâm này, như loại truyền hình trả tiền, các băng hình và mạng điện toán toàn cầu khiêu dâm là những gì tạo nên số lượng thương mại nhiều nhất ở lãnh vực kỹ nghệ này, cộng với cả những thứ điện thoại truyền hình lưu động đang thông phần vào nạn truyền thông khiêu dâm này.

 

Trước nạn truyền thông khiêu dâm tràn lan như thế, Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Truyền Thông Xã Hội đã phổ biến một văn kiện với tựa đề: “Nạn Truyền Thông Khiêu Dâm và Bạo Lực nơi Vấn Đề Truyền Thông Xã Hội: Một Đáp Ứng Mục Vụ”.

 

Tổ chức thực hiện và phổ biến bản tường trình trên đây là Eurispes, một Giáo Hoàng Học Viện Nghiên Cứu về Chính Trị, Kinh Tế và Xã Hội hoạt động từ năm 1982 nơi lãnh vực huấn luyện và nghiên cứu về chính trị, kinh tế và xã hội.

 

ĐTGM John Foley, chủ tịch của Hội Đồng Tòa Thánh Đặc Trách Truyền Thông Xã Hội, trong cuộc họp báo tường trình trên đây, đã nhìn nhận những khía cạnh tích cực của một thế giới đang phát triển về các phương tiện truyền thông xã hội, nhưng cũng công nhận rằng nó thường được sử dụng như một phương tiện để “tạo nên những mẫu thức hành động mới là những gì không phải lúc nào cũng xây dựng phẩm vị con người”.

 

“Hy vọng rằng cuộc nghiên cứu mới nhất này của Eurispes sẽ góp phần vào việc hình thành những người công dân hữu trách chẳng những sống trong một cơ cấu truyền thông pháp lý bảo vệ giới trẻ mà còn hành sử việc tự chế và phán đoán khôn ngoan để có thể làm tiêu ma thị trường của thành phần phổ biến nạn truyền thông khiêu dâm”.

 

Theo vị TGM chủ tịch này thì Eurispes đã “thực hiện một việc đóng góp đáng kể trong việc làm sáng tỏ vấn đề tràn lan đáng lo ngại về một thứ ô nhục như nạn truyền thông khiêu dâm là những gì đáng tiếc lại được coi như lợi ích. Trong bối cảnh ấy thì thành phần bị tổn thương nhất là trẻ em và giới trẻ, thành phần đã bỏ ra nhiều giờ trước màn ảnh truyền hình và lục lội các mạng điện toán toàn cầu”.

 

Bởi thế, vị TGM này nhận định cần phải có “một phương pháp giáo dục thực sự về vấn đề này nơi gia đình, nơi học đường cũng như nơi xã hội, kêu gọi trách nhiệm cá nhân của thành phần chuyên môn hoạt động ở lãnh vực truyền thông, bằng cách thiết lập những khoản luật đặc biệt về đạo lý được tác động bởi việc tôn trọng nhân phẩm, công ích và hướng về việc phát triển con người”.

 

Vì “nạn truyền thông khiêu dâm làm bại hoại những liên hệ về con người; nó phát xuất từ việc khai thác con người, tạo nên những thái độ phản xã hội, làm tiêu ma cảm quan luân lý và không thể dẫn đến những liên hệ trưởng thành vì nó theo chiều hướng cái tôi và tạo nên một thứ lệ thuộc thực sự”.

 

Theo ngài, chúng ta được kêu gọi để phản ứng “trước một thứ đe đọa như thế đối với việc hình thành lkạnh mạnh con người”. Tuy nhiên, “thái độ của chúng ta không được là một thái độ kiểm soát và lên án mà thôi”, trái lại, chúng ta phải “đáp ứng vấn đề này bằng việc thiết lập một cuộc đối thoại liên tục với thế giới truyền thông, với những ngành kỹ nghệ điện ảnh liên quan tới vấn đề phổ biến các thứ thái độ và các thứ thời trang, với các thẩm quyền quốc gia, nhất là với quần chúng, nhờ đó nó có thể được sáng suốt nhận định và chọn lựa”.

 

Tòa Thánh Vatican với Hội Nghị Thượng Đỉnh về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội

Đức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch hội đồng Tòa Thánh về Các Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội đã lãnh đạo một phái đoàn đại biểu đến tham dự hội nghị ở Geneva Thụy Sĩ này, một hội nghị nhắm đến việc nêu lên những chính sách cụ thể để thắng vượt khoảng cách về kỹ thuật giữa các quốc gia trên thế giới, và đã ngỏ lời vào hôm Thứ Năm 11/12/2003.


Thưa Ngài Chủ Tịch,
Quí Tôn Vị Đại Biểu:

Tòa Thánh chúng tôi rất hoan hỉ thấy rằng Cuộc Thượng Nghị Thế Giới về Thông Tín Xã Hội này được tổ chức dưới sự bảo trợ của vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, và chúng tôi cũng lấy làm biết ơn Khối Viễn Thông Quốc Tế đã tình nguyện xung phong đứng ra tổ chức buổi gặp gỡ này.

Như quí vị đã biết, Tòa Thánh chúng tôi chú trọng nhất đến những vấn đề được chất chứa nơi lãnh vực nhân bản và luân lý của việc thông tín xã hội.

Bởi vậy, chúng tôi đặc biệt tri ân đối với việc thỏa thuận liên quan đến “Những Chiều Kích Đạo Lý về Vấn Đề Thông Tín Xã Hội” (Nos 56-59) trong bản Tuyên Ngôn Các Nguyên Tắc.

húng tôi nghĩ rằng hầu hết con người nam nữ thiện tâm đều đồng ý rằng “tất cả mọi người hoạt động trong lãnh vực Thông Tín Xã Hội phải tỏ ra hành động thích hợp cùng với những biện pháp ngăn ngừa những lạm dụng của ICT, chẳng hạn như những hành vi bất hợp pháp hay những hành vi khác bị chi phối bởi chủ nghĩa chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại cùng tiùnh cách bất dung nhượng, hận thù, bạo động, tất cả mọi hình thức bạo hành trẻ em, kể cả việc lạm dụng tình dục trẻ em và dùng trẻ em khiêu dâm, việc buôn bán và khai thác con người.

Trong mối quan tâm đáng khen của chúng ta trong việc làm cho kiến thức hiểu biết cùng kỹ thuật truyền thông được nhiều người hưởng dụng nhất, tôi hy vọng rằng chúng ta cần phải nhớ ba nền tảng luân lý căn bản về truyền thông, đó là tầm mức quan trọng trổi vượt của sự thật, phẩm vị của con người, và việc cổ võ công ích.

Theo chiều hướng này, việc có thể học hỏi hiểu biết là vấn đề thiết yếu cho việc phát triển một xã hội lành mạnh, trong đó tất cả mọi người công dân đều được hiểu biết rõ ràng và trở thành chủ động, hợp với phẩm giá của họ cũng như xứng với công ích.

Tất cả chúng ta quyết tâm bỏ đi những trường hợp có thứ kiến thức hiểu biết và những thứ kỹ thuật cùng chương trình truyền thông có thể đi đến chỗ làm tăng thêm những mức chênh lệch vốn đã có.

Như Tòa Thánh vẫn hằng chủ trương là việc bảo vệ tư sản, kể cả tài sản về kiến thức, có phận sự xã hội căn bản trong việc phục vụ công ích cho gia đình nhân loại, do đó, phải có những bộ phận bảo toàn, cho dù điều này có khác với lý lẽ của thị trường cũng như với luật kiếm lợi kinh tế cấp thời.

Việc phát triển cần phải được hiểu hoàn toàn theo chiều hướng nhân bản, làm thăng hóa một cách cụ thể phẩm vị và sáng kiến của cá nhân con người.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong bài diễn từ ngỏ cùng vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng như với Ủy Ban Quản Trị về Việc Điều Hợp của Liên Hiệp Quốc (ngày 7/4/2000), đã nói về “một thứ cảm quan đang phát triển nơi tình đoàn kết quốc tế” hiến cho cơ cấu Liên Hiệp Quốc “một cơ hội chuyên nhất để góp phần vào việc toàn cầu hóa tình đoàn kết, bằng việc phục vụ như là một nơi hội ngộ cho các Quốc Gia cũng như cho xã hội dân sự, và là điểm giao liên của những khuynh hướng và nhu cầu khác nhau”.

Đại biểu tôi đặc biệt chú trọng tới vai trò của truyền thông cũng như của các ICT trong việc bảo trì và kiến tạo hòa bình. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc Thượng Nghị này sẽ kết thúc bằng việc tất cả chúng ta thực hiện một cuộc dấn thân hăng say hướng về hòa bình. Nó chỉ là một khía cạnh duy nhất của khả năng lớn lao của ICT cho thiện ích song có lẽ là khía cạnh khẩn trương nhất.

Trong những ngày này đây, chúng ta không thể xây dựng một nền hòa bình bền vững mà lại thiếu sự hợp tác của các tổ chức truyền thông đại chúng. Chúng có thể góp phần vào văn hóa đối thoại, tham dự, đoàn kết và hòa giải mà nếu không có những thứ này hòa bình không thể nào nẩy sinh.

Nếu hòa bình là tình trạng hiện hữu khi mỗi người được đối xử theo phẩm giá và được dịp phát triển toàn diện con người mình, việc góp phần can đảm của việc truyền thông đại chúng, thay vì mang đặc tính bạo động, vô luân và có tính cách hời hợt, có thể nuôi dưỡng một thứ sử dụng cởi mở và trân trọng đối với những ICT trong việc kiến tạo sự tương kiến và tương kính tốt đẹp hơn, cũng như có thể nuôi dưỡng mối liên hệ tốt đẹp hơn giữa các dân tộc thuộc những văn hóa khác nhau, các ý hệ và tôn giáo khác nhau.

Kỹ thuật là một phương tiện: Chúng ta có trách nhiệm khi sử dụng nó để, trong thời đại truyền thông này, việc tìm kiếm sự thật và tự do đích thực được tiến triển nơi tất cả mọi dân tộc.

Xin cám ơn Ngài Chủ Tịch.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Tòa Thánh được Zenit phổ biến ngày 14/12/2003.
 

Chuyên Viên Truyền Thông là “những tác nhân hòa bình”

Chúa Nhật hôm nay là Ngày Thế Giới Truyền Thông, trước khi nguyện kinh Lạy Nữ Vương buổi trưa, Đức Thánh Cha đã lập lại chủ đề cho Sứ Điệp Ngài viết và gửi cho thế giới “Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội Phục Vụ Nền Hòa Bình Chân Chính theo Chiều Hướng Bức Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế” của Đức Giáo Hoàng Chân Phước Giaon XXIII ban hành năm 1963. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định trong tình hình thế giới hiện nay, “lại càng cần phải làm sao để thực hiện vai trò của phương tiện truyền thông đại chúng trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, một thế giới hòa bình được xây dựng trên sự thật, công lý, yêu thương và tự do. Thật vậy, chớ gì phương tiện truyền thông xã hội thực hiện việc góp phần sáng giá cho hòa bình, bằng cách phá đổ những chướng vật của ngờ vực, bồi đắp việc hiểu biết và tương kính, chưa hết, còn cả việc nuôi dưỡng hòa giải và tình thương nữa. Vì ơn gọi và nghề nghiệp của mình các chuyên viên truyền thông đại chúng cũng được kêu gọi để trở thành những tác nhân hòa bình”.

 

Cảm nghiệm thần linh của một cuộc đời đổi thay

Lễ an táng của ký giả Domenico del Rio đã diễn ra ngày 28/1/2003, người đã qua đi năm 76 tuổi, một ký giả được đồng nghiệp cho là một trong những phóng viên nhật báo hay nhất ở Vatican. Ông sinh ở Rôma, đi tu Dòng Capuchin, chịu chức linh mục và đi khắp thế giới như một nhà truyền giáo. Tuy nhiên, lòng nhiệt thành của ông đối với Giáo Hội đã khiến ông có một tinh thần chỉ trích gắt gao, đến nỗi, sau Công Đồng Chung Vaticanô II, ông đã xin hồi tục, để rồi, sau khi được Tòa Thánh tha phép, ông đã lập gia đình. Là ký giả cho tờ La Repubblica, ông đã cay cú phê bình các chuyến tông du hải ngoại của Đức Thánh Cha, cho rằng động lực của những chuyến đi này là do bởi “khuynh hướng vinh thắng” hơn là để truyền bá phúc âm hóa. Bởi thế, năm 1985, Văn Phòng Báo Chí Vatican đã không cho phép ông được cùng đi với Đức Thánh Cha đến Mỹ Châu Latinh. “Hình phạt” này, như ông cắt nghĩa với đồng nghiệp của ông, đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gặp riêng ông sau vụ này, và qua cuộc gặp gỡ ấy, ông đã khám phá ra con người của Đức Giáo Hoàng. Từ đó trở đi, ông đã bỏ giờ ra tìm hiểu cuộc đời của Đức Thánh Cha, bằng cách viết 5 cuốn sách, cuốn cuối cùng là “Karol Cả” (Karol the Great) sắp được xuất bản ở Ý.

Luigi Accattoli, phóng viên cho tờ Corriere della Sera và là bạn thân của ông đã đến thăm ông một tuần trước khi ông chết ở Bệnh Viện Gemelli Rôma. Vì ông không muốn cho bạn bè biết ông đang nằm nhà thương, Accattoli đã hỏi ông rằng ông có điều gì muốn nhắn với họ hay chăng. Ông liền trả lời: “nói với Đức Giáo Hoàng! Tôi xin anh nói với ĐGH rằng tôi cám ơn Ngài. Tùy anh làm sao có thể nói với Ngài điều này. Nói với Ngài rằng tôi hết lòng cám ơn Ngài về việc Ngài đã giúp tôi tin tưởng. Tôi có rất nhiều điều ngờ vực và nhiều cái khó tin. Tôi đã được sức mạnh đức tin của Ngài trợ giúp. Thấy việc Ngài tỏ lòng tin rất mãnh liệt mà tôi cũng được mạnh sức. Tôi đã nhận được sức hỗ trợ này khi thấy Ngài cầu nguyện. Khi Ngài ‘phó mình trong tay Thiên Chúa’, việc phó mình này hiển nhiên đã cứu được mọi sự cho Ngài vậy”.

 

Mục Đích của Truyền Thông là Sự Thật và Tình Đoàn Kết

Hôm nay, 25/3/2003, ngày thứ hai của đại hội Hội Đồng Tòa Thánh về Truyền Thông Xã Hội, Đức Thánh Cha đã gặp các vị phụ trách và liên hệ của hội đồng này. Trước hết, ĐTC nhắc nhở đến ý nghĩa của lễ này với sứ vụ của hội đồng đây, ở chỗ, lễ trọng mừng kỷ niệm biến cố Truyền Tin, “khi mà Tin Mừng ơn cứu độ của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô được Thiên Thần Gabiên loan báo cho Mẹ Maria”, cho thấy nhiệm vụ của hội đồng này cần phải làm cho tin mừng ấy “càng hiện diện một cách hiệu nghiệm hơn nơi thế giới truyền thông”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha nói tới quyền lực của các phương tiện truyền thông tân tiến với mục đích của chúng như sau: “Không ai có thể chối cãi được rằng các phương tiện truyền thông ngày nay đang tạo được một ảnh hưởng mãnh liệt nhất và rộng rãi nhất, trong việc hình thành và truyền đạt dư luận quần chúng ở cấp địa phương, quốc gia và hoàn vũ. Khi nghĩ đến sự kiện này, chúng ta nhớ lại một đoạn trong Thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Êphêsô: ‘Chớ gì hết mọi người nói lên điều chân thật với tha nhân của mình, vì chúng ta đều là chi thể của nhau’. Những lời này của Thánh Tông Đồ tóm gọn một cách xứng hợp với những gì phải là hai mục đích căn bản của các phương tiện truyền thông xã hội, đó là việc làm cho sự thật được biết đến nhiều hơn và việc tăng thêm tình đoàn kết trong gia đình nhân loại”. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông 37 của Ngài, một sứ điệp Ngài đã khai triển nội dung của nó theo nhan đề của một trong những bức thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan XXIII, đó là “Hòa bình dưới thế”, một thông điệp kêu gọi: “’Công bình và vô tư’ trong việc sử dụng ‘các phương tiện để cổ võ và truyền bá sự hiểu biết nhau giữa các quốc gia’… Trong Sứ Điệp của mình, Tôi đã lưu ý là cái trách nhiệm chính yếu về luân lý của tất cả mọi phương tiện truyền thông là tôn trọng và phục vụ sự thật”.

Sau hết, Ngài đã kết luận khi hướng đến một viễn ảnh sáng ngời của xã hội loài người nhờ phương tiện truyền thông xã hội thế này: “Thật vậy, sự thật và tình đoàn kết là hai phương tiện hiệu nghiệm nhất có thể thắng vượt hận thù, giải quyết xung khắc và loại trừ bạo động. Chúng cũng là những gì bất khả thiếu trong việc tái thiết và củng cố những mối liên hệ hỗ tương nơi vấn đề thông cảm, tin tưởng và cảm thương là những gì liên kết mọi cá nhân, dân tộc và quốc gia lại với nhau, bất kể nguồn gốc chủng tộc hay văn hóa của họ. Tóm lại, sự thật và tình đoàn kết là những gì cần thiết nếu nhân loại muốn thành đạt trong việc xây dựng một nền văn hóa sự sống, một thứ văn minh yêu thương, một thế giới hòa bình”.

 

ĐTC gửi sứ điệp cho Hội Nghị Nghiệp Đoàn Báo Chí Công Giáo Ý.

19/4/2002 Thứ Sáu, Hội nghị với 3000 ký giả tham dự viên này được tổ chức tại Rôma hôm nay, về chủ đề “Những Trẻ Em Nam và Truyền Thông Xã Hội”. Trong sứ điệp của mình, ĐTC đã viết như sau:

“Đối với những trẻ em nam, truyền hình thường trở thành những gì được các em căn cứ, với những giá trị và tác hành bất xứng hợp, những gì mang lại cho việc phát triển của các em một ảnh hưởng không tốt, nhất là khi các em ngồi nhiều giờ trước màn ảnh TV, một thứ màn ảnh tạm thời thay thế cho sự hiện diện của cha mẹ.

“Bởi thế, cần phải cống hiến những sản phẩm vừa có khả năng về sư phạm và những giá trị luân lý đạo đức, vừa chứa đựng tính cách tế nhị và những gì khẩn thiết về giáo dục cho các trẻ em nam.

“Việc cấm đoán trẻ em coi (TV) chưa đủ (còn cần phải phổ biến) những chương trình góp phần vào việc phát triển con người, phát triển cảm quan thiện hảo, phát triển khả năng bày tỏ một cách đúng đắn những khía cạnh khó khăn nhất của cuộc sống nữa… (nhất là) những chân lý về đạo giáo có khả năng giải đáp cho những vấn nạn sâu xa nhất vốn là yếu tố tăng trưởng và phát triển của con người”.