SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

2017

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXV Thường Niên Năm A và Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL




Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa

 

   Bài Ðọc I: Is 55, 6-9

"Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.

Vì tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.

Ðó là lời Chúa.

    Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18

Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).

Xướng: 1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. - Ðáp.

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. - Ðáp.

    Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a

"Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô"

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, dù tôi sống hay tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

    Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

     Phúc Âm: Mt 20, 1-16a

"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

món hàng lao động được bày bán như bị ế ẩm... nhưng lại là món hàng đắt giá nhất

 

Con người thường hay bị mắc kẹt giữa công bằng và lòng thương xót. Thậm chí ho cho rằng phải công bằng đã rồi mới thương xót sau. Nên theo họ, nếu bất chấp công bằng thì chẳng bao giờ thật sự thương xót. Thương xót mà không công bằng là nhu nhược và dung túng sự dữ. Và chính vì thế họ thường lấy chính chân lý, công lý và luật lệ là những gì giúp giải phóng và thăng hóa con người để tiêu diệt chính con người, để ném đá những nạn nhân vấp phạm.

Đúng thế, về chính tội lỗi, tự bản chất là sự dữ, thì không một ai được yêu thích và để cho nó lộng hành và gây tác hại đến công ích và từng người trong xã hội. Thế nhưng, về con người tội nhân, họ cần được thương xót, vì là loài tạo vật vô cùng hèn hạ, khốn nạn và tội lỗi như bất cứ con người nào muốn ném đá họ. 

Cho dù bản thân chúng ta có chẳng may là nạn nhân của họ, bị họ xúc phạm tới, gây thiệt hại cho chúng ta về luân lý, tâm ý hay thể lý, chúng ta lại càng phải bù đắp lại tội phạm hay sự dữ của họ gây ra bằng sự lành nữa. Ở chỗ, chẳng những đừng tát lại họ theo luật công bằng mắt đền mắt răng đền răng, trái lại còn chìa cả má kia cho họ tát nữa (xem Luca 6:29) theo đường lối lấy sự lành át sự dữ như ánh sáng xua tan tăm tối.

Đó là đường lối của Thiên Chúa, là tinh thần Phúc Âm, là những gì liên quan đến phúc đức trọn lành được Con Thiên Chúa làm người dạy cho chung con người và riêng Kitô hữu là thành phần môn đệ của Người ở Bài Giảng Trên Núi (Xem Mathêu đoạn 5 và Luca đoạn 6). Nhưng lại là những gì vượt lên trên bản tính yếu hèn, phản lại với bản năng tự vệ và bất khả với khuynh hướng công bằng trả thù rửa hận của con người.

Bởi thế mà chẳng lạ gì, qua miệng Tiên Tri Isaia, ở Bài Đọc 1 hôm nay, Thiên Chúa đã phải công nhận rằng: 

"Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cũng vượt trên đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng vượt trên tư tưởng của các ngươi thế ấy".

Quả vậy, chính vị đại tông đồ Phaolô mà có lúc còn cảm thấy bối rối, không biết phải chọn lựa thế nào cho đẹp ý Chúa nhất, khôn ngoan nhất và có lợi nhất có cả bản thân mình lẫn tha nhân. Trong Thư gừi Giáo Đoàn Philiphê ở Bài Đọc 2 hôm nay, ngài đã tự thú thế này: 

"Nếu sống trong xác thịt này đem lại cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em".

Nếu phải chọn giữa xấu và tốt thì còn dễ phân biệt, hay chọn giữa công bằng và bất công cũng không khó cho lắm, còn chọn giữa hai sự lành thì hơi khó chọn sự trọn lành hơn, như hợp của Thánh Phaolô trong Bài Đọc 2 hôm nay. Còn trường hợp trong dụ ngôn được Chúa Giêsu nói đến trong Bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến việc trả lương cho nhân viên được thuê mướn sớm muộn làm vườn nho cho chủ vườn nho thì sao? 

Dường như sự kiện hay đường lối trả lương hơi khác thường, nếu không muốn nói là kỳ cục của chủ vườn nho này xẩy ra ở giữa vùng tranh tối tranh sáng. Cả hai bên chủ tớ đều có lý của mình về vấn đề số lương ấy. Ở chỗ, nhân viên căn cứ vào công bằng, còn chủ nhân nại vào quyền ban phát của mình. 

"Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: 'Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao'? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: 'Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?' Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"

Thế nhưng, nếu vẫn cứ xét theo lý, cuối cùng phần thắng đã về chủ và nhân viên đành phải biết thân biết phận mình trước việc làm vừa công minh của chủ, ở chỗ ông chủ đã mặc cả đàng hoàng với kẻ làm thuê và họ cũng đã hoàn toàn đồng ý với chủ họ mới đi làm cho chủ, vừa nhân lành của chủ, ở chỗ ông đã sử dụng quyền sở hữu của mình để rộng lượng ban phát không chỉ căn cứ vào ở việc làm mà còn vào chính lòng của con người làm việc cho ông nữa. 

Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn của Bài Phúc Âm hôm nay quả thực đã nhìn thấu tận thâm tâm của những con người đến làm vườn nho vào giờ cuối cùng, chỉ có một giờ duy nhất và đã trả lương cho họ cũng một đồng, như ba nhóm thợ đến trước họ làm nhiều hơn họ trong ngày. 

Họ chẳng những xứng đáng được số lương đồng đều với các người thợ đến trước họ mà họ còn xứng đáng được hơn như vậy nữa, đến độ có thể nói, được chính tấn lòng vô cùng quảng đại của chủ. 

Không phải hay sao, thành phần thợ được gọi đến làm vườn nho cuối cùng trong ngày và ngắn nhất này: trước hết, họ không lười, vì cũng đã ra đứng đợi để được thuê ngay từ đầu ngày như thành phần thợ được thuê đầu tiên; sau nữa, họ đã tỏ ra nhẫn nại đợi chờ để được thuê mướn đi làm, chứ không chán nản bỏ về, cho dù món hàng lao động của họ được bày bán như bị ế ẩm; chưa hết, họ phải chịu đựng cái nhìn khinh bỉ của khách qua đường, cho họ là bất tài bất lực, vô dụng, chẳng ai thèm thuê, đồ bỏ; sau hết, khi được may mắn thuê mướn, họ không hề mặc cả gì, không đòi hỏi, đi làm liền, làm gì cũng được, hoàn toàn cho chủ, để chủ toàn quyền sai khiến chỉ bảo.

Chính vì thành phần thợ làm vườn nho vào giờ cuối cùng và ngắn ngủi này quả thực đã biết thân phận tôi tớ của mình trước nhan Thiên Chúa (xem Luca 1:38) và trước Lòng Thương Xót Chúa (xem Luca 1:48), mà họ mới có thể vang lên tâm tình của Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay: "Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người". 

1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được. 

2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa.

3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi kẻ kêu cầu Người cách thành tâm. 



Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 1, 1-6

"Ai thuộc dân Chúa, hãy lên Giêrusalem và xây cất nhà Chúa".

Khởi đầu sách Esdra.

Năm thứ nhất triều đại Kyrô vua nước Ba-tư, để ứng nghiệm lời Chúa đã phán bởi miệng Giêrêmia, Chúa giục lòng Kyrô vua nước Ba-tư, và ông truyền công bố bằng lời rao và sắc chỉ trong khắp nước rằng: "Ðây là lệnh của Kyrô vua nước Ba-tư: Chúa là Chúa Trời đã ban cho ta mọi nước trên mặt đất, chính Người truyền dạy ta phải xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem trong nước Giuđêa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Người? Xin Thiên Chúa của nó ở cùng nó. Nó hãy lên Giêrusalem trong xứ Giuđêa, và xây cất nhà của Chúa là Thiên Chúa Israel, chính Người là Thiên Chúa ngự ở Giêrusalem. Và tất cả những người khác đang cư ngụ bất kỳ nơi nào, thì từ nơi mình ở, hãy giúp họ bằng vàng bạc, của cải và súc vật, đừng kể những gì tình nguyện dâng cho đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem.

Các trưởng tộc thuộc chi họ Giuđa, Bêngiamin, các tư tế, các thầy Lêvi và mọi người được Chúa thúc giục trong lòng, đều vùng dậy tiến lên, để xây cất đền thờ Chúa ở Giêrusalem. Toàn thể dân chúng sống trong vùng lân cận cũng tiếp tay giúp họ vàng bạc, của cải, súc vật, những đồ quý, không kể những gì họ tự ý dâng cúng.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).

Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ; bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.

2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.

4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Gc 1, 21

Alleluia, alleluia! - Anh em hãy khiêm nhu nhận lãnh lời giao ước trong lòng; lời đó có thể cứu thoát linh hồn anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 16-18

"Ðặt đèn trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy sự sáng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Không ai thắp đèn rồi lấy hũ che lại, hay đặt dưới gầm giường: nhưng đặt nó trên giá đèn, để những ai đi vào đều thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì kín nhiệm mà không bị tỏ ra, và không có gì ẩn giấu mà không bị lộ ra cho người ta biết. Vậy các ngươi hãy ý tứ xem các ngươi nghe thế nào! Vì ai có, sẽ được cho thêm; còn ai không có, cả điều mình tưởng có cũng sẽ bị lấy đi".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Đã có càng thêm - không có càng mất

 

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp liền với bài Phúc Âm Thứ Bảy Tuần trước, Tuần XXIV Thường Niên.

 

Thật vậy, ngay sau khi nói với đám đông dân chúng tuốn đến nghe Người và Người đã giảng dạy họ bằng dụ ngôn người gieo giống trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước, Chúa Giêsu, trong bài Phúc Âm hôm nay, liền giảng tiếp vỏn vẻn trong 3 câu Phúc Âm như là những gì liên hệ với nhau bất khả phân ly trong cùng một bài giảng của Người, đó là:

 


"Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất."


Đúng thế, dụ ngôn người gieo giống trong bài Phúc Âm Thứ Bảy tuần trước liên quan đến 4 loại thính giả, và 3 câu Phúc Âm hôm nay có liên hệ hết sức mật thiết với nhau ở chỗ: "Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe". Thế nhưng tại sao Chúa Giêsu lại ghép cách thức nghe lời Chúa với việc thắp đèn lên cho sáng tỏ chứ? 


Phải chăng ở đây Chúa Giêsu có ý nói rằng Chúa là người gieo giống, là Đấng rao giảng hạt giống lời Chúa, chẳng còn muốn gì hơn là làm sao cho lời của Người sinh hoa kết trái nơi con người, nơi những người nghe lời của Người, mà "lời Chúa là đèn soi chân con bước, là ánh sáng dẫn lối con đi" (Thánh Vịnh 119:105), thì cũng có nghĩa là Người muốn thắp lên trong mỗi một con người ngọn đèn lời của Người, nếu họ biết lắng nghe và đáp ứng lời của Người, nhờ đó, lời của Người cho dù đầy sâu nhiệm "bí ẩn" cũng sẽ "trở nên hiển hiện", dù lời của Người như có vẻ "che giấu" trong tâm hồn của mỗi một người nghe lời của Người, cũng sẽ trở nên cụ thể trước mặt mọi người qua đời sống chứng nhân của họ, như "được đưa ra ánh sáng" vậy. 

 

 

 

"Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng" ở đây còn có nghĩa là con người ta không thể che giấu được những gì ở trong lòng mình là nguồn mạch tất cả những gì là xấu xa tội lỗi mà họ muốn giấu nhưng lại cứ lộ ra bởi lòng đầy nên mới trào ra ngoài miệng. Người ta có thể căn cứ vào lời nói và việc làm hay phản ứng của chúng ta để biết chúng ta thuộc hạng người nào, trình độ tu đức đức tin tới đâu, có thực sự sống lời Chúa hay chăng, thuộc thành phần theo đạo hay đạo theo v.v.

 

 

 

Đó là lý do cũng trong cùng Bài Phúc Âm hôm nay, ngay sau đó, Chúa Giêsu đã vừa nhắc nhở vừa cảnh giác thành phần Kitô hữu môn đệ của Người rằng "hãy để ý tới cách thức anh em nghe". Nếu chúng ta coi trọng lời Chúa, đặt lời của Người trên hết mọi sự ở thế gian này, không có gì quan trọng như Lời Người, giành thời giờ hằng ngày để nghiền gẫm, thưởng thức Lời của Người, nhờ đó Lời Người sẽ biến đổi con người chúng ta nơi những gì chúng ta phán đoán, chọn lựa, phát biểu, tác hành và phản ứng, và như thế, chúng ta trở nên thành phần "đã có lại được cho thêm", càng trở nên dồi dào với các hoa trái thiêng liêng bất diệt vô cùng phong phú xuất phát từ Lời Chúa.

 

 

 

Trái lại, nếu chúng ta để cho các công việc hằng ngày của chúng ta úp lên trên Lời Chúa là ánh sáng cần soi tỏ trong cuộc đời của chúng ta, để cho các lo toan bận bịu phụ thuộc (cho dù cần đến đâu chăng nữa) của chúng ta (so với Lời Chúa) lấn át Lời Chúa, ưu tiên hơn Lời Chúa, thì chúng ta sẽ chẳng biết đâu mà phán đoán cho đúng, chọn lựa cho khôn, tác hành cho khéo và phản ứng cho đẹp, để rồi tất cả những gì chúng ta làm cho dù được lợi lãi cả mà mất linh hồn thì không phải chúng ta thực sự là thành phần mà "ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất" đúng như lời Chúa Giêsu cảnh báo trong câu cuối cùng của bài Phúc Âm hôm nay hay sao?

 


Nếu biết lắng nghe, chấp nhận và đáp ứng lời của Chúa, như một mảnh đất tốt, thì mảnh đất nhân tính tốt của con người lắng nghe ấy sẽ trở sinh hoa trái, như thể "ai đã có (lời Chúa), thì được cho thêm (hoa trái)", trái lại, thành phần nghe lời Chúa như một vệ đường hay như sỏi đá hoặc như bụi gai, thì lời Chúa Giêsu kết luận ở cuối bài Phúc Âm hôm nay đã khẳng định: "còn ai không có (ám chỉ lời Chúa chẳng công hiệu gì nơi họ như thể họ chẳng có lời Chúa, chẳng hề nghe lời Chúa), thì ngay cái họ tưởng là có (như đức tin họ lãnh nhận khi lãnh nhận Phép Rửa, như việc lành phúc đức họ làm là những gì họ tưởng là có), cũng sẽ bị lấy mất (như người đầy tớ đưc trao cho một nén chẳng sinh lợi nên bị tước luôn - xem Mathêu 25:28-29)". 


Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay không còn được trích từ Tân Ước nữa mà trở lại với Cựu Ước. Bài Đọc 1 cho năm lẻ được trích từ Cựu Ước đã tạm chấm dứt ở Thứ Bảy Tuần 20 Thường Niên, sau đó Bài Đọc 1 cho năm lẻ này được trích từ Tân Ước suốt 4 tuần lễ liền, từ Tuần 21 đến hết Tuần 24 Thường Niên. 


Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay được trích từ Sách Tiên Tri Êzêkiên, với 6 câu đầu tiên của sách này, trong đó vị tiên tri đây, một trong 4 vị tiên tri chính trong loạt các sách về tiên tri của Cựu Ước, trước hết cho biết thoáng qua về thời điểm cùng bối cảnh vị tiên tri bắt đầu thực hiện vai trò ngôn sứ của mình: "Ngày mồng năm tháng tư năm thứ ba mươi (vào năm thứ năm kể từ khi vua Jehoiachin bị đi đày), lúc tôi đang ở giữa những người lưu đày, bên bờ sông Côva", sau nữa cho biết một chút xíu về xuất xứ của vị tiên tri là "tư tế Êzêkiên, con ông Budi, trong xứ Canđê, bên bờ sông Cova. Ở đó, tay Chúa đặt trên ông", và sau hết về "thị kiến Thiên Chúa cho xem" khi "trời mở rađược vị tiên tri thuật lại như sau:


"Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh; ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh".


Thị kiến này có liên hệ gì tới ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay hay chăng? Tất nhiên là có, bởi vì Giáo Hội đã chọn thì không thể nào không có lý do và chẳng có liên hệ gì với nhau giữa các bài đọc cho phụng vụ lời Chúa hôm nay hay các ngày khác. Phải chăng hiện tượng "một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh" đây ám chỉ Thánh Linh, như hiện tượng Hiện Xuống ở đầu đoạn 2 Sách Tông Vụ, một biến cố cũng có gió, có lửa v.v?


Phải chăng hình ảnh "ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh" đây ám chỉ 4 Phúc Âm, Tin Mừng của Thiên Chúa được thông đạt cho trần gian bằng ngôn ngữ loài người: "chúng trông giống như người ta", và được loan truyền cho khắp cõi địa cầu ở bốn phương: "có bốn mặt (hướng về bốn phương) và bốn cánh (truyền đạt đông tây nam bắc)"? 


Nếu đúng như thế thì rất hợp với ý của Thiên Chúa trong việc sai Con của Ngài là Lời nhập thể vào trần gian để gieo hạt giồng thần linh trên trái đất này, với mục đích soi sáng cho trần gian tăm tối, qua thành phần chứng nhân môn đệ của Người nói riêng và qua Giáo Hội là ánh sáng muôn dân - lumen gentium (nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Chung Vaticanô II) nói chung, như Người đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng". 


Những ai sống theo lời Chúa, đến độ được lời Chúa soi dẫn và chi phối cùng biến đổi thì đời sống của họ sẽ ít là tránh được những điều tiêu cực như được nhắc đến trong Bài Đáp Ca hôm nay: 


1- Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, 


2- Không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã. Coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời,

 

           

3- Cho vay không đặt lãi, chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay. Phàm ai làm những điều này không hề nao núng chuyển lay bao giờ.



Thứ Ba


 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 6, 7-8. 12b. 14-20

"Họ hoàn tất việc xây cất nhà Chúa và mừng lễ Vượt Qua".

Bài tích sách Esdra.

Trong những ngày ấy, (Vua Ðariô viết thư cho các vị tư lệnh vùng ở bên kia sông Euphrate mà nói rằng:) "Hãy để cho vị thủ lãnh người Do-thái và các kỳ lão của họ xây cất đền thờ của Thiên Chúa, để đền thờ của Thiên Chúa được xây cất chính nơi cũ. Ta cũng ra lệnh về việc các ngươi phải làm với các bậc Kỳ cựu Do-thái, để tái thiết nhà Thiên Chúa: là phải lấy của trong kho nhà vua, nghĩa là tiền nộp thuế của miền bên kia sông Euphrate, và cẩn thận phân phát cho những người ấy, để công việc không bị trì hoãn. Ta là Ðariô ra sắc chỉ này, ta muốn mọi người ân cần tuân giữ".

Các kỳ lão người Do-thái xây cất đền thờ và công việc tiến hành nhanh chóng, nhờ lời sấm của tiên tri Khác-gai và tiên tri Dacaria, con ông Ađđô: họ xây cất và hoàn thành theo lệnh Chúa Israel truyền dạy, và theo lệnh các vua nước Ba-tư là Kyrô, Ðariô và Artaxerxê. Họ hoàn tất việc xây cất nhà Thiên Chúa ngày mồng ba tháng Ađar, năm thứ sáu triều vua Ðariô. Vậy con cháu Israel, các tư tế, các thầy Lêvi, và những người lưu đày còn sống sót, đều vui mừng hiến thánh nhà Thiên Chúa. Trong lễ cung hiến nhà Thiên Chúa, họ dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu, bốn trăm con chiên, và để làm lễ đền tội cho cả dân Israel, họ cũng dâng mười hai con dê theo số các chi tộc Israel. Rồi họ cắt đặt các thầy tư tế theo phẩm trật và các thầy Lêvi theo cấp bậc, để giúp việc đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, như đã chép trong sách của Môsê.

Những con cái Israel lưu đày về mừng lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy tư tế và Lêvi, tất cả như một, đều được thanh tẩy, tất cả đều trong sạch, để sát tế mừng lễ Vượt Qua cho toàn thể dân lưu đày và cho anh em tư tế của họ và chính mình họ.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5

Ðáp: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa" (c. 1).

Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. - Ðáp.

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc của Chúa tiến lên. - Ðáp.

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 18

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 8, 19-21

"Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: "Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy". Người trả lời với họ rằng: "Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Tình Nghĩa Thần Linh

 

m nay, Thứ Ba Tuần XXV Thường Niên, bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cũng rất ngắn ngủi, chỉ có 3 câu, tiếp ngay sau Bài Phúc Âm hôm qua về chiều hướng lời Chúa nơi con người thắp sáng trần gian, và có liên hệ với bài Phúc Âm hôm qua về ý nghĩa của nó, về mối liên hệ đích thực giữa Người với những ai giữ lời Chúa, đó là bài Phúc Âm trong đó Chúa Kitô khẳng định về mối liên hệ thiêng liêng với Người:

 

"Khi ấy, mẹ và anh em Chúa Giêsu đến tìm Người, nhưng vì đám đông, nên không thể đến gần Người được. Người ta báo tin cho Người rằng: 'Có mẹ và anh em Thầy đứng ở ngoài muốn gặp Thầy'. Người trả lời với họ rằng: 'Mẹ và anh em Ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành'".

 

Đúng thế, qua câu khẳng định về tình nghĩa thiêng liêng với Người này, Chúa Giêsu chẳng những không phủ nhận mối liên hệ tự nhiên về huyết nhục, nhất là đối với Người Mẹ của Người, mà còn đề cao Mẹ của Người hơn nữa, như muốn nhấn mạnh rằng Mẹ Maria của Người chẳng những có phúc vì đã được thụ thai và cưu mang Người (xem Luca 11:27) là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), là "Con Thiên Chúa", là "Con Đấng Tối Cao" (Luca 1:32,35), mà còn "có phúc vì đã tin" (Luca 1:45), tin phục những gì đã truyền đạt cho Mẹ. 

 

Chính "đức tin tuân phục" (Roma 1:5) của Mẹ mới làm và đã làm cho Mẹ nên một với Con của Mẹ, mới làm cho Mẹ xứng đáng đồng công cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Con Mẹ và với Con Mẹ, nhất là khi Mẹ đứng kề bên Thánh Giá của Người (xem Gioan 19:25). Mẹ là đệ nhất môn đệ của Con Mẹ, là môn đệ tuyệt hảo nhất của Con Mẹ đúng như Con Mẹ mong muốn, ở chỗ Mẹ là "người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành". 

 

Mẹ không thể nào có thể "đem ra thực hành" lời Chúa nếu không "nghe lời Thiên Chúa", như khi Mẹ nghe thấy câu trả lời của Thiếu Nhi Giêsu Con Mẹ 12 tuổi trong đền thờ sau 3 ngày lạc mất, một lời mà Mẹ không nắm bắt được ý nghĩa của nó (xem Luca 2:50), nhưng Mẹ vẫn lấy "đức tin tuân phục" để "xin vâng" như trong Biến Cố Truyền Tin (xem Luca 1:38), hay như khi Mẹ chứng kiến thấy những dấu lạ Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời của Mẹ, nhưng Mẹ vẫn lưu giữ tất cả những sự ấy mà suy niệm trong lòng, chẳng hạn như sự kiện ba chiêm tinh vương gia đông phương đến bái thờ Hài Nhi Giêsu Con Mẹ (xem Luca 1:19). 

 

Bởi thế, Mẹ thật sự là Mẹ của Chúa Kitô, Lời Nhập Thể cả về phương diện thể lý lẫn phương diện thiêng liêng. Nếu về phương diện tự nhiên, Mẹ đã hạ sinh nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét thuộc giòng dõi Đavít, thì về phương diện siêu nhiên, nhờ đức tin tuân phục của Mẹ, Mẹ đã thụ thai Lời Nhập Thể và Lời Nhập Thể đã chiếm đoạt Mẹ, biến Mẹ thành phương tiện thông ban ơn cứu độ, một ơn cứu độ trước tiên được thông ban cho thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, qua lời chào đầy Thánh Linh của Mẹ (xem Luca 1:41-44), và sau đó, cũng nhờ lời chuyển cầu thần thế của Mẹ, bằng vai trò trung gian môi giới, Chúa Giêsu lần đầu tiên đã tỏ mình ra cho các môn đệ của Người ở tiệc cưới Cana làm cho các vị tin vào Người (xem Gioan 2:1-11).

 

Chính nhờ tâm hồn của đầy "đức tin tuân phục" của Mẹ mà chẳng những tâm hồn đầy ân phúc của Mẹ thực sự là Đền Thờ cho Chúa Thánh Thần ngự trị, mà nhờ đó cả thân xác trọn đời trinh nguyên của Mẹ nữa cũng đã hoàn toàn trở thành Đền Thờ vô cùng xứng đáng cho Lời Nhập Thể ẩn ngự trong suốt 9 tháng mở đầu cho cuộc sống trần gian của Người. 

 

Đền Thờ ở tôn giáo nào cũng thế, cũng có tính cách linh thiêng. Đối với dân Do Thái, Đền Thờ chính là nơi Thiên Chúa ngự. Thế nhưng, vì tội lỗi của họ bất trung với Thiên Chúa, với những gì Ngài muốn, được thể hiện qua lề luật Ngài ban, mà Đền thờ Giêrusalem về thể lý đã bị tục hóa và phá hủy bởi dân ngoại, cho đến khi Thiên Chúa muốn tái thiết nó lại, qua trung gian của một vị vua chúa dân ngoại, như trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay cho thấy: 

 

"Trong những ngày ấy, (Vua Ðariô viết thư cho các vị tư lệnh vùng ở bên kia sông Euphrate mà nói rằng:) 'Hãy để cho vị thủ lãnh người Do-thái và các kỳ lão của họ xây cất đền thờ của Thiên Chúa, để đền thờ của Thiên Chúa được xây cất chính nơi cũ. Ta cũng ra lệnh về việc các ngươi phải làm với các bậc Kỳ cựu Do-thái, để tái thiết nhà Thiên Chúa: là phải lấy của trong kho nhà vua, nghĩa là tiền nộp thuế của miền bên kia sông Euphrate, và cẩn thận phân phát cho những người ấy, để công việc không bị trì hoãn. Ta là Ðariô ra sắc chỉ này, ta muốn mọi người ân cần tuân giữ'".

 

Việc tái thiết Đền Thờ Giêrusalem theo ý định của Thiên Chúa được tiến hành một cách xuông sẻ nhờ sự hợp tác tích cực của dân Ngài, sau khi họ nhận biết lỗi lầm của họ mà trở về cùng Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ, bằng việc họ nhận biết những gì Ngài muốn và nhiệt thành hưởng ứng cùng chủ động đáp ứng ý muốn của Ngài, theo đúng như luật dạy, về tiêu cực, liên quan đến "lễ đền tội cho cả dân Israel", cũng như, về tích cực, liên quan đến việc "cắt đặt các thầy tư tế theo phẩm trật và các thầy Lêvi theo cấp bậc, để giúp việc đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem", như Bài Đọc 1 hôm nay cho thấy:

 

"Các kỳ lão người Do-thái xây cất đền thờ và công việc tiến hành nhanh chóng, nhờ lời sấm của tiên tri Haggai và tiên tri Giacaria, con ông Addo: họ xây cất và hoàn thành theo lệnh Chúa Israel truyền dạy, và theo lệnh các vua nước Ba-tư là Kyrô, Ðariô và Artaxerxê. Họ hoàn tất việc xây cất nhà Thiên Chúa ngày mồng ba tháng Ađar, năm thứ sáu triều vua Ðariô. Vậy con cháu Israel, các tư tế, các thầy Lêvi, và những người lưu đày còn sống sót, đều vui mừng hiến thánh nhà Thiên Chúa. Trong lễ cung hiến nhà Thiên Chúa, họ dâng một trăm con bò, hai trăm con cừu, bốn trăm con chiên, và để làm lễ đền tội cho cả dân Israel, họ cũng dâng mười hai con dê theo số các chi tộc Israel. Rồi họ cắt đặt các thầy tư tế theo phẩm trật và các thầy Lêvi theo cấp bậc, để giúp việc đền thờ Thiên Chúa ở Giêrusalem, như đã chép trong sách của Môsê. Những con cái Israel lưu đày về mừng lễ Vượt Qua ngày mười bốn tháng thứ nhất. Các thầy tư tế và Lêvi, tất cả như một, đều được thanh tẩy, tất cả đều trong sạch, để sát tế mừng lễ Vượt Qua cho toàn thể dân lưu đày và cho anh em tư tế của họ và chính mình họ".

 

Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa tâm tình của dân Do Thái đối với Thành Thánh Giêrusalem, giáo đô của Do Thái giáo và là biểu tượng cho đức tin của dân Do Thái nơi Thiên Chúa, Đấng ngự trong Đền Thờ Giêrusalem là tâm điểm của thành này và làm nên chính thành này:  

 

1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang đứng nơi cửa thành rồi. 

2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc của Chúa tiến lên. 

 

3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Ðavit. 

 

Ngày 26: Thánh Cosma và Ðamianô tử đạo

Thánh Cosma và Ðamianô là hai anh em sinh đôi vào khoảng thế kỷ III trong miền Egée thuộc Ả Rập. Hai anh em mồ côi cha từ thuở nhỏ, nhưng được người mẹ thật đạo đức giáo hóa. Lớn lên, cả hai đều theo học y khoa và trở nên những lương y tài giỏi, phương pháp của các ngài là vừa chữa trị vừa cầu nguyện. Mặc dù ngày đêm tận tình giúp đỡ các bệnh nhân, nhưng không bao giờ các ngài đã nhận một món tiền thù lao, vì thế danh tiếng và đạo đức các ngài đồn thổi khắp nơi.

 

Thời đó cũng là lúc hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô đang bách hại Giáo Hội, nên các ngài bị bắt và dẫn đến trước mặt quan Lydia. Các ngài đã không sợ sệt nhưng còn hiên ngang xưng mình là Kitô hữu. Lydia truyền đánh đòn các ngài rồi xích tay chân và quăng xuống biển, nhưng Chúa đã cứu sống các ngài. Tức giận, quan liền truyền đốt một đống lửa lớn và đẩy hai vị vào, nhưng lạ thay hai thánh vẫn bình tĩnh vừa đi dạo vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy. Chứng kiến phép lạ tỏ tường ấy, nhiều người đã được ơn trở lại.

 

Sau cùng, Lydia ra lệnh cho quân lính đem hai ngài đi chém đầu, nhưng trước khi can đảm lãnh nhận cái chết, hai ngài đã ngước mắt cầu xin Chúa tha tội cho những kẻ đã hành hạ mình. Hôm ấy là ngày 26/9/297.



Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Esd 9, 5-9

"Thiên Chúa không bỏ rơi chúng tôi trong cảnh nô lệ".

Trích sách Esdra.

Tôi là Esdra, khi dâng lễ tế ban chiều, tôi vùng dậy khỏi cơn âu sầu, áo trong áo ngoài đều rách hết, tôi quỳ gối xuống, giơ tay lên Chúa là Thiên Chúa tôi mà thưa rằng: "Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay.

"Và hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba-tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tb 13, 2. 3-4. 6. 7. 8.

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời (c. 1b).

Xướng: 1) Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. - Ðáp.

2) Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác. - Ðáp.

3) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. - Ðáp.

4) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. - Ðáp.

5) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Ga 2, 5

Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 1-6

"Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: "Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ". Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi.

Ðó là lời Chúa.

 


Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Thiên Chúa muốn tỏ mình ra qua con người, dù họ là ...

 



Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư Tuần XXV Thường Niên, không tiếp nối bài Phúc Âm hôm qua, mà bỏ qua hết 34 câu còn lại của đoạn 8 Phúc Âm Thánh ký Luca, một khúc phúc âm bao gồm 3 sự kiện chính yếu sau đây: 

1- Chúa Giêsu dẹp yên bão tố khi được các môn đệ đáng thức lúc Người ngủ trên thuyền (câu 22-25), một sự kiện đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên; 

2- Người ra tay trừ quỉ cho một người trần truồng ở Gerasene (câu 26-39), một sự kiện cũng đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên; và 

3- Người chữa lành người đàn bà loạn huyết 12 năm và hồi sinh đứa con gái của vị trưởng hội đường (40-56), một sự kiện cũng đã được Phúc Âm Thánh Mathêu thuật lại cho ngày Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên.

Bài Phúc Âm hôm nay bao gồm 6 câu đầu của đoạn 9 Phúc Âm Thánh Luca, liên quan đến biến cố Chúa Giêsu sai 12 tông đồ "đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân", một biến cố cũng đã được Phúc Âm của Thánh ký Mathêu thuật lại cho Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên

Tuy nhiên, nếu bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên liên quan đến bài đọc 1 được trích từ Sách Khởi Nguyên (44:18-21,23-29;45:1-5): Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XIV Thường Niên, thì bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay liên quan đến Sách Esdra / Ezra

Nguyên văn nội dung của bài Phúc Âm hôm nay như thế này: "Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai Tông đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật. Ðoạn Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người bảo các ông rằng: 'Khi đi đàng, các con đừng mang gì cả, chớ mang gậy và bị, bánh và tiền, cũng đừng mặc hai áo. Các con vào nhà nào, thì hãy ở lại đó, và đừng rời khỏi nơi ấy. Những ai không tiếp đón các con, thì khi rời bỏ thành đó, các con hãy giũ cả bụi chân lại, để làm chứng tố cáo họ'. Các ông liền đi rảo khắp các làng mạc, rao giảng Tin Mừng, và chữa lành bệnh tật khắp nơi".


Chỉ có trong Phúc Âm Thánh Luca mới có hai lần Chúa Kitô sai đi: lần đầu Người sai 12 tông đồ như trong bài Phúc Âm hôm nay (9:1-6) và lần hai Người sai 72 môn đệ (xem Luca 10:1-20). Nếu để ý chúng ta thấy hai thành phần được Người sai đi rất khácx nhau ít là ở mấy điểm chính yếu sau đây: 1- trong khi 72 môn đệ được sai đi cứ từng cặp 2 người một, (phải chăng đó là lý do chúng ta mới thấy 2 môn đề đi về làng Emmau với nhau được Thánh ký Luca thuật lại - 24:13-35), còn 12 tông đồ thì không cần; 2- trong khi các tông đồ được Chúa Giêsu ban cho quyền trừ quỉ và chữa lành thì 72 môn đệ lại không được Người chính thức ban cho quyền này khi các vị được sai đi như các tông đồ.


Về quyền trừ quỉ (liên quan đến phần hồn) và chữa lành (liên quan đến phần xác) là những gì xuất phát từ Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô, Đấng cứu độ con người cả hồn lẫn xác, bằng cuộc Vượt Qua sự chết mà vào sự sống của Người, hoàn toàn chiến thắng tội lỗi (do ma quỉ) và sự chết (do tội lỗi của loài người). Ơn Cứu Độ cả hồn lẫn xác của con người này được Chúa Kitô thông ban cho Giáo Hội của Người để Giáo Hội thay Người ban phát cho các linh hồn qua các Bí Tích Thánh, và quyền ban phát các Bí Tích Thánh cũng là thông ban Ơn Cứu Độ này của Chúa Kitô chỉ ở nơi các tông đồ cùng các vị thừa kế của các ngài là hàng giáo phẩm của Giáo Hội trên khắp thế giới qua giòng thời gian.


Tuy có quyền trừ quỉ đấy nhưng nếu bản thân của chính các vị tông đồ không thánh thiện thì các ngài cũng chẳng trừ được quỉ, như đã từng xẩy ra (xem Marco 9:18-19,28-29). Đúng thế, nếu các tông đồ còn ham mê thế gian trần tục vốn thuộc về vương quốc của ma quỉ, hay còn ham danh tranh giành nhau theo tinh thần kiêu căng tự phụ của ma quỉ, thì các ngài thuộc về ma quỉ và là tay sai của ma quỉ thì làm sao các ngài có thể trừ được chính ma quỉ là chủ tể của các ngài chứ. Đó là lý do, trong Bài Phúc Âm hôm nay, vì việc truyền giáo là việc của Thiên Chúa nên những ai được sai đi truyền giáo phải hoàn toàn tin tưởng vào Ngài, hơn là vào những cái phụ thuộc vật chất và quá quan tâm đến những gì thứ yếu hơn những cái chính yếu là Nước Chúa.

Nguyên văn Bài Đọc 1 hôm nay về lời nguyện của tư tế Esdra / Ezra như sau: "Lạy Chúa, con hổ ngươi thẹn thuồng không dám ngước mặt lên cùng Chúa: vì những sự gian ác của chúng con chồng chất trên đầu chúng con, và tội lỗi chúng con cao lên tới trời. Kể từ thời cha ông chúng con cho tới ngày nay, tội lỗi chúng con đã quá nhiều, và vì sự gian ác của chúng con, nên chúng con, vua chúa, tư tế của chúng con, bị trao vào tay vua các dân ngoại, bị gươm đao, bị lưu đày, bị cướp bóc và bị thẹn mặt như ngày nay. Và hiện giờ đây, Chúa vừa tạm ban cho chúng con một chút lòng thương xót, là để cho chúng con sống sót phần nào, và cho chúng con một nơi ẩn náu trong chốn thánh của Chúa, để soi sáng mắt chúng con, và ban cho chúng con một chút sự sống trong cảnh nô lệ của chúng con, vì chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba Tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem".

Đâu là ý nghĩa liên kết giữa bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 hôm nay? Ý nghĩa liên kết giữa bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay là ở chỗ Thiên Chúa muốn tỏ mình ra qua con người, dù họ là thành phần được chính Ngài sai đi rao giảng với "sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và chữa lành các bệnh tật" được Người ban cho, như 12 tông đồ trong Bài Phúc Âm, hay dù họ là thành phần dân phản loạn tội lỗi bị lưu đầy phải chịu đựng thân phận nô lệ đầy khổ nhục: "chúng con là nô lệ mà Thiên Chúa không bỏ rơi chúng con trong cảnh nô lệ, nhưng Chúa đã khiến các vua Ba Tư thương xót chúng con, mà cho chúng con còn sống để chúng con xây cất nhà Thiên Chúa chúng con, tu bổ những nơi hoang tàn, và cho chúng con một chỗ ở trong xứ Giuđêa và tại Gierusalem", như dân Do Thái trong Bài Đọc 1 hôm nay.

Đúng thế, theo kinh nghiệm tu đức, "Thiên Chúa là thần linh" (Gioan 4:24) và vô cùng "trọn lành" (Mathêu 5:48) ở chỗ "thương xót" (Luca 6:36), chẳng những tỏ mình cho con người bằng việc truyền giáo, bằng các chứng từ của thành phần tông đồ sống giữa lòng đời, bằng lời rao giảng trong nhà thờ của các vị chủ chăn, hay trong các buổi chia sẻ sống đạo của các hội đoàn công giáo tiến hành, mà còn qua cả những lầm lỗi của cá nhân con người, nơi những hậu quả khổ đau con người phải chịu bởi lỗi lầm của họ gây ra, nếu bấy giờ, nhờ khổ đau họ nhận biết mình, từ đó, như tư tế Ezra trong Bài đọc 1 hôm nay, họ nhận biết tình thương của Thiên Chúa đối với họ, Đấng đã biến đổi sự dữ họ làm thành sự lành cho họ.

Đôi khi để thanh tẩy họ, một con người đầy đam mê nhục dục và tính mê nết xấu nói chung, nhất là thanh tẩy họ khỏi những thứ giả hình hay trá hình một cách tinh khéo đến độ, như thành phần luật sĩ và biệt phái Do Thái, họ tiếp tục sống trong gian ác, sống hâm hâm dở dở chỉ đáng mửa ra (xem Khải Huyền 3:15), ở chỗ cứ tưởng mình là kẻ công chính, thánh hảo, từ đó đâm ra tự phụ tự mãn, tự cao tự đại, kiêu căng tự ái và khinh người v,v, Thiên Chúa đã phải thương tình thẳng tay trừng trị họ, thậm chí như thể Ngài đầy họ xuống tận âm phủ (xem Mathêu 23:33), để cho linh hồn này cảm thấy trạng thái cùng cực của một kẻ bị bỏ rơi vô cùng khốn nạn, sau đó, tận thâm cung thức tỉnh của họ, Ngài lại mang họ lên, đúng như cảm nhận của Bài Đáp Ca hôm nay: 

1) Chúa trừng phạt, rồi lại tha thứ. Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. 

2) Bởi vì thế, Chúa đã phân tán các ngươi giữa các dân tộc không nhìn biết Chúa, để các ngươi tường thuật các việc kỳ diệu của Người, để các ngươi làm cho họ biết rằng ngoài Người ra, không có Thiên Chúa toàn năng nào khác. 

 

3) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. 

 

4) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. 

 

5) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. 



Thứ Năm


 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kg 1, 1-8

"Các ngươi hãy xây cất đền thờ và như thế sẽ đẹp lòng Ta".

Khởi đầu sách Tiên tri Khác-gai.

Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều đại vua Ðariô, có lời Chúa sai tiên tri Khác-gai đến nói với Giorôbabel, con trai ông Giosêđec, thầy cả thượng phẩm những lời sau đây: "Ðây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: "Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa". Và có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai phán rằng: "Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?" Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng". Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh". Chúa phán như vậy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. - Ðáp.

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con, bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 7-9

"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.

Ðó là lời Chúa.



Suy Niệm Cảm Nghiệm


Con Cáo Hêrôđê

Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên Giáo Hội đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu có nội dung về biến cố Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bị chém đầu với lời mở đầu của quận vương Hêrôđê liên quan đến danh tiếng của Chúa Giêsu:  Phụng Vụ Lời Chúa - Tuần XVII Thường NiênHôm nay, Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cũng lập lại lời của vị quận vương này về danh tiếng của Chúa Giêsu liên quan đến cái chết của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả. 

Tuy nhiên, trong khi Phúc Âm Thánh Mathêu bao gồm cả tiến trình xẩy ra việc lấy thủ cấp của vị thánh này và chỉ nói vỏn vẻn đến cảm nhận của quận vương Hêrôđê, thì Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay lại không thuật lại tất cả diễn tiến xẩy ra biến cố ấy, nhưng bao gồm cả các cảm nhận khác cùng với cảm nhận của chính quận vương Hêrôđê về Chúa Giêsu:

"Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại'; còn kẻ khác lại nói: 'Ông Êlia đã hiện ra'; kẻ khác nữa nói rằng: 'Một tiên tri thời xưa đã sống lại'. Nhưng Hêrôđê thì nói: 'Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?' và vua tìm cách gặp Người".

Trước hết, chúng ta thấy rằng, nhờ Phúc Âm của Thánh ký Luca chúng ta có thể suy ra là cảm nhận của quận vương Hêrôđe trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu có thể đã bị ảnh hưởng bởi cảm nhận của một vị quần thần nào đó của vua: "vì có kẻ nói rằng: 'Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại'", và vua chỉ lập lại cảm nhận ấy như là cảm nhận của vua về Chúa Giêsu thôi: "Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ" (14:2)

Qua cảm nhận này của quận vương Hêrôđê, người ta có cảm tưởng là vị quận vương này vừa đánh trống vừa ăn cướp, đúng là một "con cáo" (Luca 13:32) muốn "tìm giết" cả Người nữa, như Người đã được một số người biệt phái mật báo cho biết sau này (xem Luca 13:31). Còn trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, ông ta lại có vẻ khách quan hơn, thiện chí hơn và tỏ ra thân thiện hơn với Chúa Giêsu: "Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân... 'Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?' và vua tìm cách gặp Người".

Ở đây, trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca, vị quận vương Hêrôđê này chỉ tỏ ra thắc mắc mà thôi, chứ không suy diễn rồi đi đến quả quyết chủ quan một cách hống hách ngang tàng như trong bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, và chính vì thắc mắc nên ông mới muốn "tìm cách gặp Người". 

Không ngờ, ước nguyện muốn được gặp Người của ông cuối cùng cũng đã được đáp ứng, khi tổng trấn Philatô, nghe biết Chúa Giêsu gốc gác thuộc về miền Galilêa là vùng thuộc thẩm quyền của ông, đã giải giao Người cho ông, và khi nghe thấy thế ông đã tỏ ra "hết sức vui mừng để gặp Người", nhưng ông đã hoàn toàn thất vọng khi gặp Người, bởi ông chỉ muốn "xem Người làm một phép lạ nào đó", mà không được toại nguyện nên ông cùng đám vệ binh của ông đã tỏ ra khinh chê nhạo báng Người (xem 23:6-12). 

Phải chăng Kitô hữu chúng ta đôi khi cũng chỉ muốn "tìm cách gặp Người" như quận vương Hêrôđê này để được "xem Người làm một phép lạ nào đó", ở chỗ Người ban cho chúng ta những điều chúng ta xin Người, nhất là trong cơn gian nan khốn khó hoạn nạn của chúng ta, cần được cứu vớt nhanh bao nhiêu có thể, lạ bao nhiêu có thể theo lòng mong ước chủ quan thiển cận của chúng ta, nhưng xin mãi mà Người vẫn im lìm chẳng nhúc nhích gì, khiến chúng ta cảm thấy chán ngán Người, xa lánh Người và thậm chí chối bỏ Người cùng nguyền rủa Người?

Thái độ của quận vương Hêrôđê theo Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, và thái độ tương tự của không ít Kitô hữu trong chúng ta như thế, đã bị Thiên Chúa cảnh báo và khuyên giục qua Tiên Tri Haggai trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay thế này:

"Ðây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: 'Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa'. Và có lời Chúa dùng tiên tri Haggai phán rằng: 'Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?'. Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: 'Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng'. Chúa các đạo binh phán như thế này: 'Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh'". 

Bởi thế, chỉ có những ai thành tâm tìm kiếm Chúa, phụng sự Ngài bằng tất cả tấm lòng của mình, được tiêu biểu như việc xây đền thờ cho Ngài ngự trị trong lòng mình và để Ngài hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình, mới có được những tâm tình của bài Đáp Ca hôm nay mà thôi:

1) Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

2) Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con, bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. 

 

3) Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa.  



Thứ Sáu


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm I) Kg 2, 1b-10

"Còn một ít lâu nữa, Ta sẽ làm cho đền thờ này đầy vinh quang".

Trích sách Tiên tri Khác-gai.

Năm thứ hai triều đại vua Ðariô, đến ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng: "Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng: "Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm. Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ, hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi, khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các ngươi đừng sợ".

Vì Chúa các đạo binh phán như thế này: "Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Ðấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 42, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Hãy cậy trông Ðức Chúa Trời, vì con còn ca tụng Chúa, Ðấng cứu thể diện và là Thiên Chúa của con (c. 5bc).

Xướng: 1) Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi tay người độc ác, điêu gian! - Ðáp.

2) Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con, cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức? - Ðáp.

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 94, 8ab

Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 18-22

"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm


Căn Tính Thần Linh nơi Nhân Vật Lịch Sử Giêsu Nazarét

Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên, trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Marco của Chúa Nhật XXV đầu tuần vừa rồi, cũng như trùng với bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cho Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên. 

Cả 3 bài Phúc Âm đều thuật lại sự kiện dân chúng nói chung và các môn đệ nói riêng cảm nhận về căn tính của Chúa Giêsu: "Phần các con, các con bảo Thày là ai?". Ở Phúc Âm của Thánh ký Marco thì câu trả lời của vị đại diện tông đồ đoàn bấy giờ là Thánh Phêrô đã thưa ngắn nhất: "Thày là Đức Kitô" (8:29), và ở Phúc Âm của Thánh ký Mathêu câu trả lời của ngài lại dài nhất: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (16:16), còn ở bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay câu trả lời của ngài vừa phải, hòa hợp giữa 2 câu trả lời ngắn dài trên đây: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".

Câu trả lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô được 3 Phúc Âm trong bộ Phúc Âm Nhất lãm thuật lại hơi khác nhau về văn tự, nhưng nội dung vẫn như nhau. Ở chỗ "Thày là Đức Kitô" (Phúc Âm Thánh Marco), cho dù "Đức Kitô" ấy "của Thiên Chúa" (Phúc Âm Thánh Luca) hay là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Phúc Âm Thánh Mathêu). Bởi vì, tự bản chất "Đức Kitô" phải là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bằng không, không phải là "Đức Kitô". 

Tuy nhiên, theo mạc khải thần linh, "Đức Kitô" này, "Đức Kitô" được chung dân chúng cảm nhận như là một vị đại tiên tri, như Gioan Tẩy Giả hay như Elia, cũng như được riêng các tông đồ tuyên xưng đúng như căn tính của Người, đúng như sự thật nơi nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này, lại có một dung nhan lưỡng diện, chẳng những có mặt phải mà còn có cả mặt trái nữa.

Vậy nếu mặt phải của dung nhan lưỡng diện này của "Đức Kitô" là gì, nếu không phải là "Con Thiên Chúa hằng sống" (Phúc Âm Thánh Mathêu), thì mặt trái của dung nhan Người là gì, nếu không phải là Đấng Vượt Qua, như cả 3 Phúc Âm Nhất lãm này cho thấy, hay trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay thuật lại: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại". 

Chính mặt trái nơi dung nhân của "Đức Kitô" này đã khiến cho chung dân Do Thái, đặc biệt là thành phần thày dạy lề luật của họ là luật sĩ và biệt phái, nhất là Hội Đồng Đầu Mục Do Thái lãnh đạo trong dân, thậm chí bao gồm cả thành phần môn đệ thân tín nhất của "Đức Kitô" là các tông đồ, tất cả đều vấp phạm vì Người, tức không nhận ra Người, đến độ phản nộp Người, chối bỏ Người, lên án Người, thách đố nhạo báng Người xuống khỏi thập giá để họ tin Người quả thực là Đấng Thiên Sai (xem Mathêu 27:39-42; Marco 15:29-32; Luca 23:35).

Thật vậy, làm sao dân Do Thái nói chung và các tông đồ môn đệ của Người nói riêng có thể nhận ra Người và chấp nhận Người được, nếu qua lời tiên báo về cuộc vượt qua của Người lần thứ nhất này trở thành hiện thực, khi mà một "Đức Kitô" khôn ngoan giảng dạy và quyền năng chữa lành ấy lại có một dung nhan thật trái khuấy, hoàn toàn bị biến dạng trông vô cùng ghê rợn, đến độ Người không còn dung nhan hình hài gì nữa (xem Isaia 52:14), thậm chí Người còn trở nên như sâu bọ đất không còn là người (xem Thánh Vịnh 22:7), một sự thật quá ư là phũ phàng và vô cùng bất xứng với danh phận vô cùng uy nghi cao cả và thiện hảo của một Đấng Thiên Sai, "Con Thiên Chúa hằng sống".

Trong đời sống tu đức cũng thế, theo bản tính và khuynh hướng tự nhiên, không ai trong loài người nói chung và Kitô hữu nói riêng lại yêu thích đau khổ thử thách, trái lại, còn tìm cách xa lánh và tiêu diệt nó bao nhiêu có thể. Bởi thế, ai cũng sung sướng khi được may lành và chúc phúc trong cuộc sống, cũng như nơi mọi việc mình làm, nhất là khi được ơn an ủi lúc mới bước chân vào đường trọn lành hay khi mới tĩnh tâm xong v.v. Thế nhưng khi đụng độ với đau khổ, tức khi giáp mặt với một "Đức Kitô" khổ nạn và tử giá đầy thương tích vô cùng khủng khiếp và ghê rợn, mới biết được cường độ đức tin của chúng ta mạnh mẽ tới đâu, mức độ đức cậy của chúng ta vững chắc tới chừng nào, và nhiệt độ đức mến của chúng ta sốt nóng tới bao nhiêu!

Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, qua Tiên Tri Haggai, Thiên Chúa muốn cho dân của Ngài hãy tái thiết đền thánh Giêrusalem, một Đền Thánh nguy nga lộng lẫy ngày xưa đã hoàn toàn bị tàn rụi nhưng vẫn cần phải tiếp tục trở thành nơi cho Ngài tỏ vinh hiển của Ngài ra cho các dân nước trên thế giới:

"Ai trong các ngươi trong số người còn sót lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì nữa đó sao?... Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Ta sẽ làm rung chuyển trời đất, biển khơi và đất liền. Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động và các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về, rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ vinh quang. Chúa các đạo binh phán. Bạc là của Ta, vàng là của Ta. Vinh quang của Đền Thờ lúc này sẽ rạng ngời hơn khi trước, Chúa các đạo binh phán; tại nơi này Ta sẽ ban tặng bình an - sấm ngôn của Chúa các đạo binh".

Nếu đền thờ Giêrusalem được Chúa Giêsu ám chỉ là thân xác của Người bị bàn tay dân Do Thái phá hủy đi trong cuộc khổ giá và tử nạn của Người, nhưng đền thờ Thánh Thể của Người đó sẽ được tái thiết còn hiển vinh hơn trước bằng cuộc phục sinh của Người (xem Gioan 2:18-21), thì lời sấm ngôn trên đây trong Sách Tiên Tri Haggai ở Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay không phải là lời tiên báo về cuộc vượt qua của "Đức Kitô" hay sao, về thân xác khổ nạn cùng tử giá và phục sinh của Người hay sao? Và tâm tình cùng ước nguyện của Người không được phản ảnh qua Bài Đáp Ca hôm nay hay sao?

1) Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi tay người độc ác, điêu gian! 

2) Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con, cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức? 

 

3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. 

 

4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. 



Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm I) Dcr 2, 1-5. 10-11a

"Này đây Ta đến và ngự giữa ngươi".

Trích sách Tiên tri Dacaria.

Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: "Ông đi đâu?" Người ấy đáp: "Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu". Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: "Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: "Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó". Chúa lại phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Gr 31, 10. 11-12ab. 13

Ðáp: Chúa sẽ gìn giữ chúng ta như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình (c. 10d).

Xướng: 1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. - Ðáp.

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. - Ðáp.

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ. - Ðáp. 

Alleluia: Tv 114, 13cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 44b-45

"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.

Ðó là lời Chúa.



Suy Niệm Cảm Nghiệm


Thân phận của một Đức Kitô đích thực


Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên hôm nay về hình thức cũng không tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua ở cùng đoạn 9 của Phúc Âm Thánh ký Luca, nhưng về nội dung lại có tính cách liên tục và đồng nhất

Thật vậy, Giáo Hội đã không chọn đọc đoạn Phúc Âm về điều kiện làm môn đệ của Chúa Kitô (9:23-27), về biến cố biến hình trên núi (9:28-36), và về sự kiện Người trừ quỉ cho một bé trai (9:37-43a), tương tự như Giáo Hội đã bỏ 2 trong 3 biến cố này ở Phúc Âm Thánh ký Marco trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên đầu tuần này, mà chỉ lấy đoạn Phúc Âm về lời Chúa Giêsu tiên báo lần hai cuộc vượt qua của Người. 

 

Đúng thế, bài Phúc Âm hôm nay của Thánh ký Luca là bài Phúc Âm ghi lại lời Chúa Giêsu tiên báo lần thứ hai về cuộc vượt qua của Người: 

 

"Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: 'Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời'. Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy".


Như đã cảm nhận về dung nhan lưỡng diện của "Đức Kitô" trong bài Phúc Âm hôm qua, một dung nhan có bộ mặt trái rất ư là kinh hoàng khiến cho chính vị trưởng tông đồ đoàn là Thánh Phêrô cũng phải vấp phạm. Bởi thế, sau khi tiết lộ về mầu nhiệm vô cùng bí mật này, Người chỉ dám tiết lộ sau khi đã thấy được đức tin thật chính xác của thành phần môn đệ tông đồ của Người, và Người cũng đã phải tìm cách củng cố cho đức tin của các vị nữa, bằng cách Người đã tỏ vinh quang của Người ra cho các vị một cách rạng ngời, qua việc Người biến hình trên núi cao,  ám chỉ cuộc phục sinh khải hoàn của Người, như cả 3 Phúc Âm Nhất lãm đều thuật lại sau lần tiết lộ đầu tiên ấy.

 

Trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay cũng thế, trước khi Người báo trước cuộc vượt qua của Người lần thứ hai, một mầu nhiệm chưa thể nào thấu hiểu và chấp nhận được đối với trí khôn phàm nhân của các tông đồ, cũng như nhất là đối với tâm thức của các vị về một Đấng Thiên Sai đầy quyền năng giải phóng vẫn thường thấy trong Lịch sử Cứu Độ của Dân Do Thái, Người cũng phải lợi dụng: "Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ..." v mầu nhiệm ấy, một mầu nhiệm quan trọng đến độ Người đã nhấn mạnh với các tông đồ rằng: "các con hãy ghi vào lòng những lời này...".

 

Phần các tông đồ, thành phần đã từ bỏ mọi sự mà theo Người, không biết có phải hoàn toàn vì lý do trần tục hay chăng, ở chỗ các vị hy vọng sau này có thể được vẻ vang bởi các vị đã trở thành chân tay thân tín của chính Đấng Thiên Sai đầy uy quyền của Thiên Chúa, như các vị đã có lần tranh nhau ngôi thứ, được Thánh ký Marco thuật lại trong bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXV Thường Niên Năm B? Cho dù không hoàn toàn như thế, nhưng đứng trước một mầu nhiệm siêu việt ấy, Phúc Âm hôm nay đã cho biết: "các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy".

 

Phụng Vụ Lời Chúa nói chung và các bài Phúc Âm nói riêng (nhất là hôm qua và hôm nay đều về lời tiên báo cuộc vượt qua liền nhau) cho ngày thường trong Tuần XXV Thường Niên này, từ Thứ Hai tới hôm nay cuối tuần, dường như đều hướng về chung nhân tính của Chúa Kitô và riêng thân xác của Người. Bởi đó, các Bài Đọc 1 cho năm lẻ của tuần này, được trích từ các sách Cựu Ước khác nhau (Sách Tư Tế Ezra cho Thứ Ba và Thứ Tư, và Sách Tiên Tri Haggai cho Thứ Năm và Thứ Sáu tuần này), đều có liên quan đến Đền Thờ Giêrusalem, biểu hiệu cho thân xác của Người. 

 

Hôm nay cũng thế, Sách Tiên Tri Giacaria được Giáo Hội chọn đọc tiếp tục theo chiều hướng này. Nếu Tiên Tri Êzêkiên ở Bài Đọc 1 cho Thứ Hai đầu tuần vừa rồi nói về chung Thành Thánh Giêsurusalem thì cũng thế, Tiên Tri Giacaria hôm nay, Thứ Bảy cuối tuần, lại trở về với Thành Thánh Giêrusalem, một biểu tượng ám chỉ cộng đồng dân Chúa, cộng đồng "tín hữu", cộng đồng của những ai tin vào Ngài, bất kể họ là dân Cựu Ước (Do Thái) được Ngài tuyển chọn, hay dân Tân Ước (dân ngoại) thuộc mọi dân tộc trên thế giới, tất cả đều trở thành một dân duy nhất, như dự án thần linh cứu độ của Ngài là chỉ có một thân thể duy nhất được gọi là Nhiệm Thể Chúa Kitô:

 

"Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: 'Ông đi đâu?' Người ấy đáp: 'Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu'. Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: 'Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: 'Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó'. Chúa lại phán: 'Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi'".


Bài Đáp Ca hôm nay, một phần trong phụng vụ lời Chúa mỗi ngày, cũng được Giáo Hội chọn đọc theo chiều hướng chung của phụng vụ lời Chúa theo ngày, hoàn toàn hợp với Bài Phúc Âm hôm nay về lời tiên báo cuộc vượt qua của Chúa Kitô và Bài Đọc 1 hôm nay về kích thước của Thành Thánh Giêrusalem như tiên báo trước hình ảnh về một cộng đồng dân Chúa đại đồng được thiết lập nhờ cuộc vượt qua của Chúa Kitô:

 

1) Hỡi các dân tộc, hãy nghe lời Chúa, hãy công bố lời Chúa trên các đảo xa xăm; hãy nói rằng: Ðấng đã phân tán Israel sẽ quy tụ nó lại, và sẽ giữ nó như mục tử chăn dắt đoàn chiên mình. 

 

2) Vì Chúa đã giải phóng Giacóp, giờ đây với cánh tay mạnh mẽ hơn, Người cứu thoát nó. Chúng sẽ đến và ca hát trên núi Sion, chúng sẽ đổ xô về phía hạnh phúc của Người. 

 

3) Bấy giờ người trinh nữ sẽ hân hoan nhảy mừng, các thanh niên và các cụ già cũng làm y như thế; Ta sẽ biến đổi tang chế của chúng thành niềm hân hoan, sẽ an ủi chúng và cho chúng hết đau khổ.