THƯ PHÒNG LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 của Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương

NĂM ĐẠO BINH THƯƠNG XÓT 2018

 

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018

Ngày 8/10

Giáo Điểm Sapa: Giáo họ Hầu Thào, Giáo họ Lao Chải và Giáo điểm San 1

 

TĐCTT Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL: tường trình bao gồm hình ảnh tự chụp kèm theo dẫn giải cần thiết

 

Đã lâu lắm chúng tôi không nghe thấy tiếng gà gáy ban sáng sớm. Trong chuyến hành trình truyền giáo xuyên Việt II 2018 lần này, chúng tôi lại được nghe, nghe đến 2 lần, lần ở Giáo họ Hầu Thào rạng sáng ngày 8/10 này, và lần thứ hai vào rạng sáng ngày 21/10 ở Giáo Xứ Rạch Vọp GP Cần Thơ.

Trời về sáng mà vẫn cứ âm u và ẩm ướt làm sao ấy. Hôm nay chúng tôi có lễ sáng ở Giáo họ Hầu Thào mà là lễ tối vào lúc 7 giờ ở Nhà Thờ Sapa. Bởi thế, trong khi chờ đời dân chúng đến lĩnh quà vào lúc 6 giờ 30 phút sáng, như đã được thông báo từ tối hôm qua, qua vị đại diện của họ, vì dân chúng họ cần đi làm sau đó, phái đoàn TĐCTT chúng tôi, không ai bảo ai tự động lần lượt kéo nhau vào nhà thờ để lần Chuỗi Mân Côi trước 6 giờ, cho tới khi đông đủ mọi anh chị em thì cùng nhau dâng mình cho Đức Mẹ rồi lần thêm Chuỗi Kinh Thương Xót ngay trước khi dân chúng kéo đến.

 

Tất cả 4 ngàn MK tiền quà chúng tôi gửi về trước cho vị linh mục thừa sai Chánh Xứ Giáo Xứ Sapa được chia cho 300 hộ gia đình, mỗi hộ 300 ngàn đồng VN, bao gồm 1 hộp mì tôm và tiền mặt.

Hôm qua, chúng tôi đã tặng ở Giáo họ Sử Pán 45 phần quà sau lễ Chúa Nhật, và ở Giáo họ Thôn Lý 90 phần quà cũng sau lễ Chúa Nhật. Hôm nay, ở Giáo họ Hầu Thào, chúng tôi tặng thêm 110 phần quà nữa.

"Ngoài ra còn 2 giáo điểm cũng được tặng quà nhưng đoàn không tới được là giáo họ Hầu Chư Ngài 45 hộ gia đình và giáo họ Tả Van 10 hộ gia đình. Tổng số hộ gia đình được nhận quà là 300 hộ gia đình, mỗi phần quà trị giá 300.000đ" (email của Sơ Hoàng Hoạch ngày 10/10/2018).

 

Vì trời mờ sương nên phải chụp từng mảng gần người bằng flash mới rõ, hơn là chụp chung ở xa không rõ

anh chị em TĐCTT với đồng bào thiểu số cuối cùng đến nhận quà

Những ai đến muộn cũng vẫn còn nguyên phần quà của mình đó.

 

Điểm Tâm và Văn Nghệ Đầu Ngày

 

Các sơ MTG Hưng Hóa phục vụ ở các buôn làng cống hiến nhóm TĐCTT bữa điểm tâm phở nóng hổi trong sương mờ lạnh.

Bữa ăn nào thiếu vắng linh mục thì anh chị em TĐCTT thay nhau dâng lời nguyện trước khi hưởng dùng.

Phái đoàn chúng tôi không thể nào có được cảnh 30 anh chị em TĐCTT ngồi ăn phở ban sáng trong sương mờ lạnh ở một buôn làng Sapa như thế này: vừa ngon miệng, vừa ấm lòng, vừa tình tứ khôn tả, không thể nào tìm thấy nơi bất cứ một khu du lịch nổi tiếng nào trên thế giới nói chung, và ở khu Tiểu Sài Gòn ở Orange County California nói riêng. Chưa bao giờ phái đoàn hành trình truyền giáo xuyên Việt chúng tôi được trải qua như sáng hôm ấy, cũng như chúng tôi đã trải qua một đêm thật sự là đúng nghĩa truyền giáo nhất tại thôn Hầu Chài này, khi được ngủ qua đêm lần đầu tiên ở giữa một buôn làng anh chị em đồng bào thiểu số Sapa ấy.

Bữa phở ngon miệng và ấm lòng điểm tâm đầu ngày còn được kèm theo một mục văn nghệ bất ngờ thật hào hứng, bởi giọng ca chuyên nghiệp mai danh ẩn tích người Thượng H'Mong... Đó là giọng ca truyền cảm của anh Lồ A Me người bản địa, trước hết với bài "Sapa nơi gặp gỡ đất trời" của tác giả Bùi Chiến,

 Sau đó với bài "Cát Bụi Cuộc Đời" của tác giả Bùi Nga, bài hát này anh Me đã từng hát dự thi trong chương trình solo cùng Borero.

Không ngờ tiếng hát hấp dẫn của anh đã biến anh thành một thần tượng: được tặng hoa, được chụp chung, được tặng quà v.v.

 

Các Sơ không hát, nhưng vẫn tự động trở thành thần tượng, ở chỗ âm thầm phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô,

bao gồm cả phái đoàn TĐCTT sáng hôm 8/10/2018 ấy.

Đời tận hiến cho phu quân lý tưởng Giêsu của những cô trinh nữ khôn ngoan, như 4 nữ tu MTG Hưng Hóa này, những trinh nữ luôn

cầm đèn đức tin sáng tỏ đức mền nhờ dầu đức cậy, nên lúc nào cũng tươi cười như đang hoan hưởng trước Niềm Vui Thương Xót của Nước Trời

4 sơ MTG Phát Diệm sống đời tận hiến tu trì đang bao bọc như mời gọi một sơ Khiết Tâm Bình Cang (ở giữa) 43-45 năm về trước.

Trong khi chờ đợi xe taxi tới chở phái đoàn TĐCTT thẳng từ Giáo họ Hầu Thào lên tới Giáo họ Lao Chải, anh chị em chia sẻ cảm nghiệm và nhắc nhở nhau sinh hoạt trong ngày,

nhất là việc quyết định tặng thêm 2 ngàn Mỹ kim cho 4 xe 120 người ở Sapa Hành Hương Năm Thánh Tôn Vinh Các TTĐVN ở Nhà Thờ Chính Tòa GP Hưng Hóa để lĩnh ơn Toàn Xá.

 

Viếng Thăm Giáo họ Lao Chải và Giáo điểm San 1

Nhóm anh chị em được xe 15 chỗ chở, thay vì taxi, đã đi bộ từ ngoài vào, qua một con đường mấy trăm mét được coi như là phố chợ ở đây

Nắng có cái đẹp của nắng, sương có nét đẹp của sương

không ngờ quán vắng này lúc phái đoàn đi bộ vào lại trở thành quán đông lúc ra, bao gồm cả nhóm TĐCTT được thiết đãi bữa trưa ở đây,

nơi có bà chủ là người chị em dân tộc đã từng tu ở dòng MTG Hưng Hóa một thời

 

Chúng tôi ghé thăm Giáo họ Lao Chải, cách Nhà Thờ Sapa 10 cây số, một Giáo họ có ngôi nhà thờ được thiết dựng từ năm 1995, rộng lớn khang trang và tiện nghi hơn nguyện đường của Giáo họ Sử Pán và Giáo họ Thôn lý, những nơi chúng tôi ghé viếng thăm và tặng quà chiều hôm qua, chỉ thua Nhà Thờ Giáo họ Hầu Thào, nơi chúng tôi trọ đêm và tặng quà sáng hôm nay. Ở Giáo họ Lao Chải này, chúng tôi không tặng quà truyền giáo, vì số tiền 4 ngàn Mỹ kim chúng tôi tặng chỉ đủ cho 5 giáo họ, trong đó có 3 Giáo họ chính chúng tôi đích thân trao tặng.

Tuy nhiên, ở Giáo họ Lao Chải này, chúng tôi được dịp thăm Nhà Trẻ do các sơ MTG Hưng Hóa phục vụ, các em từ 2 đến 3 tuổi của các gia đình dân tộc thiểu số, trước khi các em được chuyển sang trường mầm non từ 3 tuổi trở lên của nhà nước ở gần đó. Các sơ chăm sóc cho các em cả ngày, bao gồm cả việc cho ăn uống, sinh hoạt và dạy dỗ về văn hóa cũng như đức tin, từ lúc bố mẹ đem đến gửi để đi làm cho tới chiều đón về sau khi nghỉ việc. Chúng tôi thấy các em thật dễ thương khi sinh hoạt, nhất là lúc các em tự động đi lấy thức ăn, xúc ăn và thu dọn sau ăn.

Chúng tôi đã được các sơ mời lên trên gác lầu giải khát một chút, sau khi chúng tôi nhìn vào phòng lớp của các em đang được các sơ chăm sóc, và được nghe Sơ Nga nói qua về lai lịch cùng mục đích và hoạt động của Nhà Trẻ này. Sau đó, chúng tôi xuống quan sát các em sinh hoạt, và một số chị đã bỏ giầy dép ở ngoài để vào cho các em kẹo bánh.

Chưa hết, có một số anh chị đã theo Sơ Nga dẫn đường leo lên tới tận nguyện đường của Giáo điểm San 1, ở trên đỉnh cao, vừa dốc dác vừa quanh co, càng lên cao càng mệt, đến độ có một số chị đành bỏ cuộc ngay từ đầu hay ở lưng chừng, nhưng những ai có thể vẫn cứ nhất định lên cho bằng được, càng hứng khi nhìn xuống thung lũng bên dưới và đoạn đường đã bỏ lại, nhất là khi nghĩ đến đoạn đường Núi Sọ Chúa Kitô đã bị đánh tan thây nát thịt, vô cùng yếu nhược, thế mà vẫn gồng mình vác thập giá lên cho tới tận đỉnh đồi Canvê. Cuối cùng 14 anh chị em chúng tôi cũng lên tới tận đỉnh, nơi có ngôi nguyện đường đơn sơ mộc mạc, nhưng vẫn khá hơn cả nguyện đường của Giáo họ Sử Pán chiều hôm trước, dù ở nơi đây mới chỉ là giáo điểm chứ chưa trở thành giáo họ.

 

Nhà giữ trẻ em dân tộc của Quí Sơ MTG Hưng Hóa ở Giáo họ Lao Chải

 

Sơ Nga MTG Hưng Hóa đang trình bày về nhà giữ trẻ em dân tộc dưới 3 tuổi này,

được Dòng MTG Los Angeles tài trợ mỗi năm $1,400.00 MK

Mục đích của các sơ chăm nuôi các em không phải chỉ nhắm phục vụ các em về thể lý thay cha mẹ các em trong ngày,

mà nhất là nhắm đến việc giáo dục các em theo văn hóa nhân bản, như tự chăm sóc lấy cho mình: tự xúc ăn và tự thu dọn

các chị bỏ giầy dép ở ngoài, bước vào bên trong để cho các em kẹo bánh

anh chị em TĐCTT được các sơ mời lên lầu giải khát, với yaourt và chuối của các sơ

Các em sinh hoạt như ai vậy... theo điệu nhạc và theo cử điệu được các sơ làm mẫu

(11 tấm hình ngay dưới đây từ máy của Chị Trần Kim Oanh)

 

(tấm hình ngay trên đây từ máy của Chị Tâm Huệ)

 

Leo Núi lên thăm Giáo điểm Sam 1 ở Lao Chải

Chúng em thoạt tiên có 16 người dám leo núi.

Nhưng vừa đi được chút hay cùng lắm được 1/3 lưng chừng đường thì bỏ cuộc, vì đường di dốc dác và quanh co, rất mệt.

Trên đoạn Đường Núi Sọ này, chúng em đã phải suy gẫm rằng:

chúng ta leo núi một cách thảnh thơi như thế này mà còn kêu mệt, thì Chúa Kitô vừa leo Núi Sọ vừa vác thập giá nặng thì sao,

trong khi thân xác của Người đã bị đánh bầm dập tả tơi...  

 

 

Một chuồng lợn được làm ở bên mép núi - chênh vênh giữa trời

 

Cuối cùng 14 người (14 chặng Thánh Giá) chúng em cũng lên được tận đỉnh, nơi có ngôi nhà thờ đơn nghèo cho dân bản làng địa phương.

 

Sơ Nga, Dòng MTG Hưng Hóa, người dẫn chúng em leo núi tuyên bố rằng

chưa có một phái đoàn nào đã lên tới đỉnh này, nơi có thể ngắm toàn cảnh thiên nhiên Sapa,

nhưng hôm ấy trời mờ sương nên chẳng thấy gì cũng lờ mờ.

Trong khi chờ đợi người giữ cửa mở cửa vào bên trong nguyện đường, anh chị em ngắm cảnh và trò truyện ở bên ngoài

 

Chúng tôi, khi người nữ giáo dân đến mở cửa nguyện đường ra, đã tiến vào bên trong để tham quan. Và dù không có Thánh Thể, ngoài 3 Tượng Chúa Tử Giá, Mẹ Ban Ơn và Thánh Giuse trên gian cung thánh, với một bàn thờ mộc mạc và bục đọc sách Thánh, chúng tôi cũng cùng nhau viếng Chúa và hiệp lễ thiêng liêng, cầu cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu. Trước khi xuống núi, chúng tôi ghi niệm trên đỉnh cao của Giáo điểm San 1 này một hình kỷ niệm ngay trước cung thánh.

hình như sau khi mệt cười mới tươi, bởi nỗ lực hèn yếu của mình đã đạt tới mức độ quá tầm mong ước.

Thế mới ứng nghiệm Lời Chúa phán: "Các con sẽ phải sầu thương một thời, nhưng nỗi sầu thương của các con sẽ trở thành niềm vui" (Gioan 16:20)

Tuy không có Thánh Thể, anh chị em TĐCTT cũng cùng nhau lắng đọng rước lễ thiêng liêng và cầu cho dân bản xứ ở địa phương này

Cho dù leo núi vất vả, chúng tôi vẫn không quên mang quà cho các em ở giáo điểm San 1 này.

Vừa xuống núi được một chút, chúng tôi gặp anh chủ tịch ở giáo điểm này, và trao kẹo bánh của mình cho anh để anh cho các em bấy giờ đang đi học sắp tan trường

một ngôi nhà đang được cất dựng, với sự hợp tác của cả buôn làng địa phương đang nghỉ tay ăn trưa ở dốc gần đó

lên thì mệt nhưng khó ngã, xuống thì nhanh nhưng dễ ngả - xuống dốc không phanh như cuộc đời buông thả...

những "cánh đồng bằng" quanh co viền theo lưng chừng núi vừa mới được gặt hết lúa

hai phái đoàn TĐCTT: đoàn leo núi và đoàn ở lại coi trẻ em sinh hoạt rồi ăn trưa,

đua nhau kể chuyện của mình cho nhau nghe, trong khi chờ taxi đến đón xuống ăn trưa

 

Bữa Trưa ở Lao Chải

Chưa bao giờ chúng tôi có một bữa điểm tâm phở nóng trong sương mù lành lạnh như sáng mùng 8/10/2018 ở Giáo họ Hầu Chài giữa buôn làng thế nào,

thì cũng chưa bao giờ chúng tôi có một bữa trưa tại một quán ăn ở "downtown" buôn Lao Chải, giữa đồi núi thiên nhiên mát mẻ như trưa hôm cùng ngày khó quên ấy.

Sau đó, chúng tôi về lại nhà xứ Sapa trong mưa gió để sửa soạn mai lên đường, (thay vì tham quan phố Sapa, nhất là lên Hàm Rồng để ngắm toàn cảnh Sapa,

bởi trời bấy giờ âm u), rồi dùng bữa tối lúc 5 giờ 30 và lễ tối lúc 7 giờ.

 

Bữa Chiều và Trọ Đêm ở Nhà Xứ Sapa / Thắng Lợi Hotel

 

Sau khi tất cả về lại nhà xứ Sapa thì được Cha Bình chia chỗ ngủ

Chúng tôi được chia phòng ngủ cho đêm cuối cùng ở Sapa như sau: trong khi 8 anh em trong phái đoàn ở căn phòng được giành cho "Quí Cha"

thì tất cả các chị, vì thiếu chỗ ở nhà xứ, đã ra hotel ở gần nhà xứ, Hotel Thắng Lợi, thay vì trời mưa mà phải đi ở khách sạn xa như đã booked

Sau đó một số chị lợi dụng chưa tới bữa chiều vào lúc 5:30 đã thuê taxi đi tham quan một vòng Sapa,

thay cho việc tổ chức chung định lên Hàm Rồng, nơi cũng phải leo núi nhưng sẽ chẳng thấy gì vì trời mây mù.

Dầu sao 14 anh chị em đã leo núi ở Lao Chải trưa hôm nay, còn cao hơn Hàm Rồng, mà cũng chẳng thấy toàn cảnh Sapa.

Trong khi chờ đợi bữa chiều với các em học sinh người dân tộc nội trú ở Sapa,

Cha Chánh Xứ Phạm Thanh Bình chia sẻ hai vấn đề then chốt

1- Vấn đề xây dựng cơ sở tương lai cho Giáo Phận với kinh phí lên tới 2 triệu MK,

2- Và vấn đề dự án giáo dục cho giới trẻ người dân tộc thiểu số ở Sapa

Lễ khởi công xây dựng Nhà Mục vụ và Khuôn viên nhà thờ Sapa dự trù sẽ được thực hiện vào ngày 30/10/2018

 

 

Lấy thức ăn xong, nhóm TĐCTT chia nhau ngồi dùng bữa chiều xen kẽ với các em học sinh

Bữa chiều hôm nay giữa nhóm TĐCTT và các em học sinh dân tộc H'Mong

còn được giúp vui bởi các giọng ca nam nữ thật hồn nhiên duyên dáng của các em nữa.

Sau bữa chiều, Chị Bùi Thị Hoa giúp và dạy các em nữ bới tóc

Trước Thánh lễ 7:30 tối và cả sau Thánh lễ, quán kỷ vật ở đầu nhà xứ được anh chị em TĐCTT chiếu cố khá đậm đà.

 

Thánh Lễ Tối ở Nhà Thờ Sapa

 

Tối hôm ấy, Nhóm TĐCTT lần đầu tiên được dự lễ ở Nhà Thờ Sapa, ngôi nhà thờ một trời một vực so với năm 2006 là năm gia đình người viết ghé tham quan vùng du lịch Sapa nổi tiếng và vào dự lễ chiều. Bấy giờ, sau lễ, không ai bảo ai trong khách Công giáo du lịch, đều tự động xếp hàng vào nhà xứ để đóng góp tiền bạc cho việc tái thiết ngôi thánh đường chẳng khác nào tượng chịu nạn vậy.

 

Sapa By Night - Sapa về đêm!

Sapa là một giáo điểm truyền giáo có thể nói là đặc biệt nhất trong cánh đồng truyền giáo Việt Nam nói chung và trong các giáo điểm truyền giáo của Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2016 và 2018 nói riêng. Tại sao vậy?

Trước nhất, tại vì giáo điểm Sapa này, cách Hà Nội 400 Km và Tòa Giám Mục Hưng Hóa 360 km, bắt đầu có từ năm 1902, ở một vùng trời thiên nhiên duyên dáng, đã trở thành một vùng trời du lịch phồn hoa và giầu thịnh, chứ không như các giáo điểm truyền giáo khác, vừa xa xôi hẻo lánh, vừa vắng vẻ và bần cùng khốn khổ, như ở các nơi khác ngay trong tỉnh Lao Cai, một tỉnh cực bắc ở Miền Thượng Du Bắc Việt bao gồm cả Thị Trấn Sapa này.

Sau nữa, tại vì giáo điểm truyền giáo Sapa này liên hệ mất thiết bất khả phân ly với vùng trời du lịch nổi tiếng ấy như thế nên đã thu hút cả các phái đoàn tông đồ truyền giáo từ các nơi tới, để vừa truyền giáo vừa tham quan thiên nhiên mỹ miều, chứ không lưu ý tới hay ít quan tâm đến nhiều giáo điểm truyền giáo khác ở rải rác xa xôi khó đến trong Hạt Lao Cai (trừ Sapa cũng nằm trong cùng địa bàn của giáo hạt này) thuộc Giáo Phận Hưng Hóa.

Sau hết, tại vì anh chị em đồng bào thiểu số người H'Mong ở giáo điểm Sapa này, cho dù sống giữa vùng trời du lịch, và một số sống bằng nghề hướng dẫn viên du lịch, hay bán quà cho khách du lịch, nhưng họ vẫn không bị lai căng mất giống, vẫn nghèo khổ, nhất là vẫn có một nền văn hóa có thể nói còn hơn người Kinh của chúng ta, ở chỗ vẫn ngay thẳng thật thà, đơn sơ chất phác, không tham lam tranh giành.

 

 

xin xem tiếp

TĐCTT Hành Trình Truyền Giáo Xuyên Việt 2018 - Ngày 9/10: Sáng từ Sapa... trưa ghé Lào Cai... chiều về Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa

cần xem lại

Ngày 7/10: Giáo Điểm Sapa - Giáo Xứ Sapa và Giáo họ Sử Pán cùng Giáo Họ Thôn Lý

Ngày 6/10: Ghé Hà Nội và Trọ ở Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa