SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

2015 - 2018 - 2021

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Tuần XXVI Thường Niên 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Ds 11, 25-29

"Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Ước gì toàn dân được nói tiên tri".

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.

Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: "El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại". Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: "Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi". Ông Môsê đáp lại rằng: "Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 18, 8. 10. 12-13. 14

Ðáp: Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).

Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy. - Ðáp.

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Gc 5, 1-6

"Của cải các ngươi bị mục nát".

Trích thư của Thánh Giacôbê Tông đồ.

Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi.

Ðó là lời Chúa.

 

Allluia: Ga 15, 15b

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: " Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 9, 37-42. 44. 46-47

"Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y". Nhưng Chúa Giêsu phán: "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

Suy Nghiệm Lời Chúa


Chủ đề sự sống cho Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh vẫn tiếp tục ở phụng vụ Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên Năm B hôm nay, một sự sống siêu nhiên đầy tin yêu hiệp nhất, một sự sống vô giá không gì sánh bằng, như Phúc Âm của Thánh ký Marco là bài đọc chính yếu trong phần phụng vụ lời Chúa hôm nay cho thấy.

Một sự sống siêu nhiên đầy tin yêu hiệp nhất: 

"Khi ấy, Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y'. Nhưng Chúa Giêsu phán: 'Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn'".

Thái độ và hành động có vẻ bè phái của vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu là Gioan đây cũng dễ hiểu thôi. Có thể là vì ngài muốn bảo vệ danh thánh của Thày mình, không muốn bất cứ ai lạm dụng danh thánh ấy, dù việc họ làm không có tính cách xấu xa và trục lợi, trái lại hoàn toàn tốt lành và phúc lợi, như việc "trừ quỉ" trong bài Phúc Âm hôm nay.

Tuy nhiên, thái độ và hành động của vị tông đồ trẻ nhất trong tông đồ đoàn và hầu như hiếm thấy lên tiếng như tông đồ Phêrô đây, khách quan mà nói, tự bản chất, mang tính cách thủ thân và ghen tương, như thể chỉ có người trong nhóm tông đồ của ngài mới có tư cách sử dụng danh thánh của Thày, và một khi nhân danh Thày thì các vị chắc chắn sẽ có khả năng trừ được ma quỉ hay chữa lành bệnh tật cho dân, chứ người ngoài không làm được.

Thái độ và hành động có tính cách kỳ thị và bè phái này có thể xẩy ra ở khắp mọi nơi, mọi lúc và mọi người, như đã xẩy ra trong dân Do Thái, ở trường hợp điển hình được Sách Dân Số thuật lại trong Bài Đọc 1 hôm nay, liên quan đến Gioduệ là nhân vật "tùy tùng" thân tín với vị lãnh đạo Moisen và là nhân vật sau này thay thế vai trò thủ lãnh của Moisen

"Trong những ngày ấy, Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy. Vậy có hai vị ở lại trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo tin cho ông Môsê rằng: 'El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại'. Tức thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số đông người, liền thưa rằng: 'Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi'. Ông Môsê đáp lại rằng: 'Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ'".

Ở đây, nhân vật Gioduệ trong Bài Đọc 1 hôm nay giống như tông đồ Gioan là người môn đệ thân tín với Chúa Giêsu nhất trong bài Phúc Âm hôm nay, và cả hai đã có thái độ và hành động giống như nhau. Nhưng điểm chính yếu và quan trọn hơn ở đây, qua Bài Đọc 1 hôm nay, đó là quyền năng của Thiên Chúa không bị giới hạn về nơi chốn và tác động của Thiên Chúa có thể thể hiện qua tất cả mọi người, mọi phương tiện. 

Thực tế cho thấy, trong sinh hoạt tông đồ giáo dân hay mục vụ, đôi khi, nếu không muốn nói là nhiều khi hay thường khi, xẩy ra những vụ cạnh tranh giữa nhóm này với nhóm kia, giữa hội đoàn này với hội đoàn nọ, giữa cha này với cha khác, giữa giáo xứ này với giáo xứ kia, giữa cộng đoàn này với cộng đoạn nọ..., về vấn đề tổ chức sống đạo hay mục vụ, theo khuynh hướng tranh chấp, cho rằng chỉ có mình mới làm được, chỉ có mình mới khá hơn, từ đó tỏ ra tự hào, tự mãn, chê bai nhau, hạ bệ nhau... 

Tại sao chúng ta làm việc cho Vị "Thiên Chúa là tình yêu" (1Gioan 4:8,16) mà lại kỵ nhau, mà lại đụng nhau, mà lại lỗi đức bác ái chứ? Nếu vậy thì xin hãy đặt lại vấn đề động lực nào đã thúc đẩy chúng ta dấn thân làm việc tông đồ, và mục đích tối hậu cho việc tông đồ của chúng ta là gì? Tại sao ở đây tổ chức được mà ở đó không được tổ chức, như thể chúng ta độc quyền tổ chức về Đức Mẹ, hay về Thánh Linh, hoặc về Lòng Thương Xót Chúa? Tại sao chúng ta không vui mừng khi thấy trăm hoa đua nở theo Thần Linh là Đấng "muốn thổi đâu thì thổi" (Gioan 3:8) ch!

Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã dạy cho riêng tông đồ Gioan và chung tông đồ đoàn là "Ðừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con". 

Trong câu phán dạy này của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Người xác định rằng danh thánh của Người dù uy quyền mấy chăng nữa cũng sẽ chẳng có tác dụng gì khi danh thánh của Người bị lạm dụng, nhất là bởi kẻ xấu. Thậm chí các môn đệ của Người cũng không thể nhân danh Thày mà trừ quỉ được, nếu các vị thiếu lòng tin tưởng (xem Mathêu 17:16,19-20), hay thiếu cầu nguyện (xem Marco 9:18,28-29). Ngược lại, nếu danh thánh của Người mang lại hoa trái thì bất cứ ai cũng như nhau thôi, dù là môn đệ của Người hay không. Đó là ý nghĩa của câu Người nói: "Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con".

Một sự sống vô giá không gì sánh bằng

"Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Sở dĩ có phần thứ hai này của bài Phúc Âm hôm nay là vì ở cuối phần trên ngay trước đó, Chúa Giêsu có nhắc đến hiện tượng gương mù gương xấu: "Nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn".

Theo giáo huấn của Chúa Kitô, nếu chúng ta gây gương mù gương xấu, như Kitô hữu Công giáo gian lận hơn cả người ngoại giáo, hay như linh mục xài sang hơn cả con chiên v.v., và vì thế "làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy", thì muốn tránh khỏi hình phạt bị "buộc thớt cối xay vào cổ mà xô xuống biển", chính phạm nhân gây vấp ngã cho anh chị em mình là chúng ta cần phải dứt khoát với dịp tội, với chính bản thân chúng ta trước đã, vì dịp tội ở ngay bản thân chúng ta, chứ không phải ở bên ngoài, ở thế gian, ở người nữ ăn mặc hở hang, ở tính chủ quan cố chấp của người chồng, ở tật nói dai nói dài của người vợ, ở đời sống hư thân mất nết của người con v.v.

Đó là lý do Chúa Giêsu không bảo chúng ta tránh dịp tội là xa lánh thế gian, là tránh xa người ác, mà là làm chủ bản thân mình, ở những cơ quan tiêu biểu nhất trên thân xác, đó là "tay" (làm những gì không được phép, chẳng hạn trộm cắp, thủ dâm, sờ mó vị thành niên v.v.), "chân" (đi đến những chỗ không nên đi, chẳng hạn bãi tắm là nơi khiến chúng ta có những cái nhìn tò mò gợi dục, hay đi tới những chỗ không được tới v.v. chẳng hạn ổ điếm!), và "mắt" (thấy những gì mất lòng Chúa, chẳng hạn xem phim ảnh khiêu dâm, hay nhìn người nữ một cách thèm thuồng dâm ô v.v.).

Trong việc tránh dịp tội này, theo tinh thần của lời Chúa huấn dụ ở phần hai trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta cần phải dứt khoát với dịp tội bằng cách "mất tay", "chặt chân", "móc mắt". Nhưng chúng ta sẽ không thể nào làm được, bởi bản tính nhiễm lây nguyên tội của chúng ta vốn đã đầy những mầm mống tội lỗi, luôn xu hướng về tội, lại còn mù quáng và yếu đuối, nếu chúng ta không tìm những sự trên trời trước hết và trên hết, đến độ dám liều mạng của mình (mới cứu được nó - Mathêu 16:25), dám đi vào con đường hẹp theo chiều hướng độc đạo: "thà... còn hơn": 

"... thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục...  thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục... thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt".

Chiều hướng giáo huấn của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay về dịp tội và việc tránh dịp tội đã được phản ảnh trong Bài Đọc 2 hôm nay, trong đó Tông Đồ Giacôbê đã khuyên chung Kitô hữu Do Thái thuở Giáo Hội còn sơ khai và riêng "những người giàu có" - "hãy than khóc kêu la" - "vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi", ở chỗ, những gì họ ham mê theo đuổi và tích trữ là của cải bạc vàng sẽ trở thành các phương tiện hành hạ họ hơn là làm cho họ hạnh phúc như lòng họ tin tưởng và đời họ vồ vập, bởi họ đã trở thành nên dịp tội cho chính họ: "mắt" của họ tham lam, "chân" của họ tìm kiếm, và "tay" của họ vơ vét, đến độ họ chỉ biết hưởng thụ hơn là chia sẻ phục vụ tha nhân!

"Này đây, hỡi những người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm. Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này, lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi".

Chỉ những ai có sự sống siêu nhiên cao cả và quí chuộng sự sống thần linh vô giá này trên hết mọi sự mới có được những cảm nhận và tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay: 


1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. 

2) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.

 

3) Dù tôi tớ Chúa quan tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy. 

 

4) Cũng xin ngăn ngừa tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao. 



Thứ Hai

 

Phụng Vụ Lời Chúa



Bài Ðọc I: (Năm II) G 1, 6-22

"Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: nguyện danh Chúa được chúc tụng".

Trích sách ông Gióp.

Một ngày nọ, con cái Thiên Chúa đến chầu truớc mặt Chúa, Satan cũng có mặt ở đó. Chúa hỏi Satan rằng: "Ngươi từ đâu đến?" Nó thưa lại rằng: "Tôi chạy vòng quanh trái đất và đi khắp mọi nơi". Chúa hỏi nó rằng: "Chớ thì ngươi có lưu ý đến Gióp, tôi tớ Ta chăng? Trên trần gian, không một ai giống như y là con người ngay thật, công chính, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh sự dữ". Satan thưa lại cùng Chúa rằng: "Ðâu có phải Gióp kính sợ Thiên Chúa cách luống công? Chớ thì Chúa chẳng che chở quanh nó, nhà cửa nó và tất cả những gì thuộc về nó đó sao? Chớ thì Chúa chẳng chúc phúc các việc tay nó làm, và sản nghiệp nó gia tăng rợp đất đó sao? Nhưng Chúa hãy giơ tay Chúa lên một chút và chạm đến tất cả những gì nó đang có, ắt nó sẽ phỉ báng Chúa nhãn tiền". Vậy Chúa bảo Satan rằng: "Ðây, tất cả những gì nó đang có đều nằm trong tay ngươi: chỉ trừ một điều là ngươi chớ chạm tay đến thân nó". Satan liền lui ra khỏi mặt Chúa.

Một ngày nọ, khi các con trai, con gái của ông Gióp đang dùng bữa uống rượu tại nhà anh cả, thì có kẻ đến báo tin cho ông Gióp rằng: "Các con bò đang kéo cày và các con lừa đang ăn cỏ bên cạnh, bỗng các người Sabêô xông đến cướp lấy hết, và dùng gươm giết các đầy tớ, chỉ một mình tôi chạy thoát về báo tin cho ông". Khi nó còn đang nói, thì một người khác đến thưa rằng: "Lửa Thiên Chúa từ trời xuống thiêu huỷ hết bầy chiên và các đầy tớ, chỉ một mình tôi thoát được về báo tin cho ông". Khi nó còn đang nói, thì một người khác đến thưa rằng: "Các người Calđêô chia làm ba toán xông vào cướp đoạt các con lạc đà, và còn dùng gươm giết các đầy tớ, chỉ một mình tôi trốn được chạy về báo tin cho ông". Nó còn đang nói, thì đây một người khác bước vào thưa rằng: "Lúc các con trai, con gái của ông đang dùng bữa và uống rượu tại nhà anh cả, bỗng có gió mạnh từ hoang địa thổi đến, hắt vào bốn góc nhà, khiến nhà sụp đổ đè chết các con ông, chỉ một mình tôi thoát được về báo tin cho ông". Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo trọc đầu, sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Từ lòng mẹ, tôi sinh ra trần truồng, thì tôi cũng sẽ trở về đó trần truồng. Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: như đẹp lòng Chúa thế nào, thì xin xảy đến như vậy: nguyện danh Chúa được chúc tụng!"

Trước mọi thảm cảnh đó, ông Gióp không hé môi xúc phạm và không thốt lời ngu dại phạm đến Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 16, 1. 2-3. 6-7

Ðáp: Xin Chúa ghé tai về bên con, và xin nghe rõ tiếng con (c. 6ab).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành! - Ðáp.

2) Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con. - Ðáp.

3) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 46-50

"Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất. Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông, Người liền dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy. Vì kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất".

Gioan lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ, và chúng con đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con".

Ðó là lời Chúa.


Image result for Lk 9, 46-50

 

Suy Nghiệm Lời Chúa


Bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, Thứ Hai Tuần XVI Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước liên quan đến lời Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ thân tín của Người biết lần thứ hai về cuộc vượt qua của Người. 

Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm hôm nay, bao gồm 2 đoạn trên và dưới, chúng ta thấy cả hai phần đều trùng hợp với hai bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho 2 Chúa Nhật vừa rồi. Phần trên của bài Phúc Âm hôm nay, về sự kiện các tông đồ tỏ ra tranh chấp nhau về ngôi thứ, trùng với Bài Phúc Âm của Thánh Ký Marco cho Chúa Nhật XXV tuần trước, và phần dưới của bài Phúc Âm hôm nay, về sự kiện tông đồ Gioan ngăn cản một người lấy danh Thày của ngài mà trừ quỉ, trùng với Bài Phúc Âm của Thánh Ký Marco cho Chúa Nhật XXVI tuần này. 

Trong bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy bản chất hết sức trần tục của các nhân vật được Chúa Giêsu cầu nguyện thâu đêm để tuyển chọn làm tông đồ của Người, ở chỗ, về nội bộ, "các mộn đệ nghĩ ngợi trong lòng rằng ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất", và về đối ngoại, cũng theo chiều hướng tranh chấp cố hữu ấy, các vị tỏ ra chuyên chế độc quyền khi "thấy một người kia lấy danh Thầy mà trừ quỷ...", các vị "đã ngăn cản nó, vì nó không theo Thầy cùng với chúng con".


Trước hết, về việc tranh chấp nội bộ giữa các tông đồ liên quan đến vấn đề "ai trong các ông sẽ là người cao trọng nhất", một vấn đề các vị chắc chắn biết rằng không hợp với Thày của các vị, nên các vị chỉ âm thầm với nhau mà thôi, nhưng "Chúa Giêsu thấu biết tư tưởng trong lòng các ông", và Người đã rất cảm thông với các vị, không hề khiển trách các vị gì hết, như đã thậm tệ quở trách tông đồ Phêrô đơn sơ chân thành một cách ngây thơ (xem Mathêu 16:23), trái lại, Người đã tỏ ra hết sức nhẫn nại và dịu dàng giáo huấn thành phần được Người cố ý tuyển chọn để làm chứng nhân cho Người. Bằng cách "dẫn một trẻ nhỏ tới, để đứng bên cạnh Người, và bảo các ông rằng:... kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất'".


Tại sao vậy? Tại vì chỉ khi nào các vị biết sống bé nhỏ, tức là đơn sơ dễ dạy thì các vị mới được Thiên Chúa chiếm đoạt, làm chủ và sử dụng trong việc thực hiện tất cả những gì Ngài muốn, nhờ đó, các vị mới trở thành chứng nhân đích thực của Chúa Kitô và thành chứng nhân sống động cho Người, như ý nghĩa sâu xa của lời Người khẳng định với các vị trong bài Phúc Âm hôm nay rằng: "Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy: mà hễ ai đón nhận Thầy, tức là đón nhận Ðấng đã sai Thầy".

Ở đây Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tính chất "cao trọng nhất" về sự sống thần linh, về mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, mối liên hệ với chính Người là Lời Nhập Thể Vượt Qua. Và chỉ khi nào thành phần môn đệ của Người biết sống hiệp nhất nên một với Người họ mới có thể cảm thương và phục vụ như Người, như trường hợp của chính vị lãnh đạo tông đồ đoàn Phêrô, vị đã phải tuyên xưng yêu Thày 3 lần mới được Thày trao phó cho sứ vụ chăn dắt phục vụ đàn chiên lớn nhỏ của Người (xem Gioan 21:15-17). Làm đầu là làm tôi tớ và làm tôi tớ tức là làm đầu là ở chỗ ấy, như chính Chúa Giêsu đã khẳng định trong bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XXV tuần trước: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người".

Bởi vậy, nếu có tinh thần phục vụ hơn là hưởng thụ, thành phần môn đệ của Chúa Kitô sẽ chẳng những không còn có khuynh hướng và những thái độ tranh chấp nội bộ mà còn cởi mở tiếp nhận tất cả mọi người nữa, ở chỗ, họ sẽ phản ứng theo tinh thần hợp tác như Chúa Kitô dạy: "ai không chống nghịch các con, tức là thuận với các con". 

Vì ai dấn thân phục vụ không hưởng thụ thì không thể nào xuất phát từ ma quỉ kiêu căng tự phụ hay từ bản thân vị kỷ của họ, mà từ chính Vị Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, qua tác động của cùng Vị Thần Linh đã luôn ở cùng Đấng "đến không phải để được hầu hạ mà là hầu hạ và hiến mạng sống mình cho nhiều người" (Mathêu 20:28). 


Những con người nào sống vì Chúa một cách chính trực thì biết ngay, đó là lúc họ gặp gian nan khốn khó và thử thách, lúc mà một là họ bỏ Chúa, kêu trách Chúa, hay ngược lại họ càng tin tưởng tuân theo Thánh Ý Chúa hơn, như trường hợp của nhân vật tên Gíóp trong Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật đúng là công chính trước nhan Thiên Chúa: như Thiên Chúa tuyên bố với Satan: "Trên trần gian, không một ai giống như y là con người ngay thật, công chính, kính sợ Thiên Chúa và xa lánh sự dữ". Và chính bản thân nhân vật Gióp này đã chứng thực lời Chúa nhận định về mình, cho đến độ, cho dù bỗng chốc bị mất hết của cải cùng con cái, ông cũng vẫn sống và càng sống công chính qua những cử chỉ và lời nói được Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại như sau:

"Bấy giờ ông Gióp chỗi dậy, xé áo mình ra, cạo trọc đầu, sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: 'Từ lòng mẹ, tôi sinh ra trần truồng, thì tôi cũng sẽ trở về đó trần truồng. Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: như đẹp lòng Chúa thế nào, thì xin xảy đến như vậy: nguyện danh Chúa được chúc tụng!' Trước mọi thảm cảnh đó, ông Gióp không hé môi xúc phạm và không thốt lời ngu dại phạm đến Thiên Chúa".


Tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay, được Giáo Hội cố ý chọn lọc, quả thực phản ảnh tinh thần sống đức tin siêu nhiên của nhân vật tên Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay:

 

1) Lạy Chúa, xin nghe điều chính nghĩa của con, xin để ý đến lời con kêu cứu, lắng tai nghe tiếng con thốt ra từ cặp môi chân thành!

2) Từ cái nhìn của Chúa hãy diễn ra sự phán quyết về con: vì mắt Ngài thấy rõ điều chân chính. Nếu Ngài lục soát lòng con, nếu ban đêm Ngài thăm viếng, nếu Ngài thử con trong lửa, Ngài sẽ không gặp điều gian ác ở nơi con.

3) Con kêu van Ngài, bởi Ngài nhậm lời con, lạy Chúa, xin ghé tai về bên con, xin nghe rõ tiếng con. Xin tỏ ra đức từ bi lạ lùng của Chúa, là Ðấng giải thoát khỏi bọn đối phương, những ai tìm nương tựa tay hữu của Ngài.

 



Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Ðọc I: (Năm II) G 3, 1-3. 11-17. 20-23

"Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?"

Trích sách ông Gióp.

Gióp mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: "Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: 'Con người chịu thai'. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?

"Chẳng như vậy thì bây giờ tôi được ngủ yên, và an nghỉ trong giấc điệp làm một với các vua chúa, với các quan quyền trên mặt đất, là những kẻ xây cất cho mình những lăng tẩm thanh vắng, hay là cùng với các công hầu lắm vàng nhiều bạc chất đầy nhà. Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.

"Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn? Những kẻ ấy mong chết mà lại không được chết, họ như những người đào mỏ tìm vàng. Khi họ tìm thấy nấm mồ, họ vui mừng hớn hở. Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 87, 2-3. 4-5. 6. 7-8

Ðáp: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu. - Ðáp.

2) Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế. - Ðáp.

3) Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương. - Ðáp.

4) Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 18, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, giới răn Chúa làm hoan lạc tâm can, mệnh lệnh Chúa sáng soi con mắt. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 51-56

"Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem, và sai những người đưa tin đi trước Người. Những người này lên đường vào một làng Samaria để chuẩn bị mọi sự cho Người. Nhưng ở đó người ta không đón tiếp Người, bởi Người đi lên Giêrusalem. Thấy vậy, hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?" Nhưng Người quay lại, quở trách các ông rằng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta". Và các Ngài đi tới một làng khác.

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Hôm nay, Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca lại liên quan đến vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu là Thánh Gioan lần nữa, lần này không phải chỉ riêng ngài mà còn bao gồm cả người anh Giacôbê của ngài.


Thật vậy, từ Galilêa thuộc miền bắc nước Do Thái, muốn lên Giêrusalem là thủ đô cũng chính là giáo đô của dân Do Thái ở Giuđêa thuộc miền nam của đất nước này, phải đi qua miền trung là Samaria. Đáng lẽ, theo địa dư phải nói là đi "xuống" Giêrusalem, vì từ bắc xuống nam, nhưng ở đây lại nói đi "lên" Giêrusalem, vì Giêrusalem là giáo đô của Do Thái giáo, tất cả mọi tín đồ đều phải hướng về và tiến "lên" nơi Thiên Chúa ngự này.


Thánh ký Luca đã ghi lại cuộc hành trình băng qua Samaria trung phần này của Chúa Giêsu: "Vì gần tới thời gian Chúa Giêsu phải cất khỏi đời này, Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem", nhưng vị thánh ký còn thêm: "và sai những người đưa tin đi trước Người". 

Chúng ta không biết lý do tại sao Chúa Giêsu lại "sai những người đưa tin đi trước Người" như vậy để làm gì, chắc chỉ để dọn đường cho Người về mặt tinh thần mà thôi, chứ không phải tìm nơi trú ngụ cho thày trò của Người. Chắc cũng không phải vì Người sợ lộ chân tướng là "Đức Kitô" của Người, một thực tại thần linh vô cùng tế nhị liên quan đến cả tôn giáo lẫn chính trị bấy giờ, nên Người vẫn cấm không cho các môn đệ của Người nói ra. Mà có thể cũng là để thăm dò xem "dân chúng bảo Thày là ai?", như vấn đề được Người đặt ra trong bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần trước. Nhưng đúng nhất có thể là vì Người muốn âm thầm kín đáo lên Giêrusalem, nơi Người đã tiên báo 2 lần rằng ở đó sẽ xẩy ra cuộc vượt qua của Người, như Thánh ký Gioan (7:1-10) thuật lại trong đoạn Phúc Âm của ngài là đoạn dường như có liên quan đến bài Phúc Âm của Thánh Luca hôm nay:

"Sau đó, Đức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; thật vậy, Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do-thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do-thái gần tới, anh em Đức Giêsu nói với Người: 'Thày hãy bỏ đây mà sang miền Giuđê đi, để cả môn đệ của Thày cũng được nhìn thấy những việc Thày làm, vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu Thày làm những việc ấy, thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết'. Thật thế, anh em Người không tin vào Người. Đức Giêsu nói với họ: 'Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa. Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi'. Nói thế rồi, Người ở lại miền Ga-li-lê. Tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật".

"Những người đưa tin đi trước Người" ấy, tuy không được Thánh ký Luca xác định là ai, nhưng chắc không ai khác ngoài các tông đồ môn đệ của Chúa Kitô, trong đó có hai anh em Gioan và Giacôbê. Mục đích đi trước của các vị là gì, nếu không phải là "để chuẩn bị mọi sự cho Người", bao gồm cả miền trung Samaria là miền đất được người Do Thái cho là đã bị lai căng về về cả huyết thống lẫn tôn giáo giữa dân Do Thái chính tông và dân ngoại, xẩy ra từ thời lưu đầy của dân này. Do đó, dân Samaria hầu như bị tuyệt thông với chính ngạch Do Thái giáo ở Giêrusalem, cho dù họ cũng có cùng một niềm trông đợi Đấng Thiên Sai một cách chính thống Thánh Kinh như những người Do Thái khác ở Giuđêa hay ở Galilêa. 


Thế nhưng, Đấng Thiên Sai của dân Do Thái ấy là ai, như thế nào, hầu hết họ, (ngoại trừ người phụ nữ cùng dân làng của chị đã được diễm hạnh gặp Người một lần duy nhất ở bờ giếng Gia cóp - xem Gioan 4:28-30,39-42), có thể chưa bao giờ gặp Người hay có gặp cũng chẳng biết Người là ai. Bởi thế, chẳng lạ gì họ tỏ thái độ không nghênh đón Người khi phái đoàn của Người đến với họ, với lý do chính yếu đó là "bởi Người đi lên Giêrusalem". 


Tuy nhiên, thái độ của dân xứ Samaria này lại làm phật lòng hai trong ba môn đệ thân cận nhất của Chúa Giêsu, hai vị thừa biết Thày mình là ai, "là Đức Kitô của Thiên Chúa", như tông đồ Phêrô tuyên xưng trong Bài Phúc Âm Thánh Luca Thứ Sáu tuần trước, một Đấng cao trọng đầy quyền uy như thế mà dân này không chịu nghênh đón thì thật là lếu láo, phạm thượng, đáng chết. 


Nóng mặt lên, điên tiết lên, hoàn toàn vì Thày, "hai môn đệ Giacôbê và Gioan thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu huỷ chúng không?'" Thế nhưng, như tông đồ Phêrô, cho dù có được một niềm tin chính xác về căn tính của Thày mình là Đức Kitô, các vị tông đồ vẫn chưa nắm bắt được chính tinh thần của Người, chưa nhận diện được chân dung lưỡng diện của Người, một chân dung hết sức từ bi nhân hậu của Người, nên vẫn vấp phạm vì Người, vẫn bị Người thậm tệ quở trách, lần này Người "quay lại quở trách" hai người môn đệ nhiệt tình với Người nhưng lại tỏ ra hung dữ tàn bạo với dân chúng: "Các con không biết thần trí nào xúi giục mình. Con Người đến không phải để giết, nhưng để cứu chữa người ta".


Cho dù sống công chính và đức tin, nhưng không phải vì thế mà con người tự nhiên mất hết cảm giác khổ đau, không còn biết thế nào là lành dữ hay chân giả, như đã xẩy ra nơi trường hợp của nhân vật Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật có thể nói là tiêu biểu cho những con người khốn khổ nhất trên trần gian này, một nhân vật thậm chí còn ám chỉ đến thân phận khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô, Đấng trong Bài Phúc Âm hôm nay "cương quyết lên đường đi Giêrusalem" là đích điểm hành trình cứu thế của Người Tôi Tớ Thiên Chúa.


Cái đau khổ đến tận cùng của nhân vật Gióp này đã khiến chính bản thân sống công chính của ông cũng đã phải vô cùng não nuột "mở miệng nguyền rủa ngày mình sinh ra và nói rằng: "Hãy biến đi, ngày tôi đã sinh ra, và đêm có lời phán: 'Con người chịu thai'. Tại sao tôi không chết trong lòng mẹ? Tại sao tôi không tắt thở ngay khi mới sinh ra? Tại sao có đầu gối đỡ lấy tôi và có vú cho tôi bú?... Sao tôi không giống như thai sảo được giấu đi, để tôi không còn sống, hoặc như các trẻ không được xem thấy sự sáng. Nơi ấy kẻ hung ác hết khuấy phá, và kẻ mỏi mệt được yên nghỉ.... Người chẳng tìm được lối đi, thì Thiên Chúa lấy sự tối tăm vây bọc nó tư bề".

 Tất cả những gì trong Bài Đáp Ca hôm nay được Thánh Vịnh gia, một nhân vật tác giả được cho là Thánh Vương Đavít, một vị thánh vương trong đời sống rõ ràng là không đau khổ cùng cực bằng nhân vật tên Gióp ở Bài Đọc 1 hôm nay, nhưng vị thánh vương này lại có thể cảm nghiệm và bày tỏ một cách chính xác cái cảm nghiệm cùng khốn của nhân vật tên Gióp ấy: "Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế... Giường nằm của con kề những người đã chết... Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm...":

 

 

1) Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu.

2) Vì tâm hồn con đau khổ ê chề, và mạng sống con đã gần kề âm phủ. Con bị liệt vào số những kẻ đang bước xuống mồ, con đã trở nên như người tàn phế.

3) Giường nằm của con kề những người đã chết, như giường của người bị giết nằm trong nấm mồ, họ là những người mà Chúa không còn nhớ tới, và họ không còn được Ngài săn sóc yêu thương.

4) Ngài đã đặt con trong lỗ huyệt sâu, trong nơi u tối, trong vực thẳm. Cơn giận Chúa đè nặng trên người con, và Chúa vùi lấp con dưới sóng cả ba đào.

 

 


Thứ Tư


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) G 9, 1-12. 14-16

"Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính".

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp trả lời cùng các bạn hữu rằng: "Tôi biết thật như vậy, và biết thật con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên? Chúa xê dịch các núi đồi, và trong cơn thịnh nộ Người đánh đổ những kẻ không biết điều. Chúa khiến địa cầu chuyển động khỏi chỗ của nó, và các cột đất đều phải lung lay. Chúa truyền khiến mặt trời, thì nó không mọc lên, và Người cũng phong niêm các ngôi sao tinh tú. Chỉ một mình Chúa trải các tầng trời và bước đi trên sóng biển. Chúa tạo dựng sao bắc đẩu, sao sâm, sao mão và cung kín phương nam. Chúa tác tạo những điều trọng đại, mầu nhiệm và kỳ diệu không kể xiết.

Nếu Chúa đến cùng tôi, thì tôi không trông thấy Người, và nếu Người ra đi, tôi cũng chẳng hay biết. Nếu Chúa bất chợt hỏi han, thì ai trả lời Người cho được? Hoặc ai có thể hỏi rằng: "Tại sao Chúa làm như thế?" Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi. Khi Chúa nhậm lời tôi kêu cầu, tôi cũng không chắc Người nghe lời tôi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 87, 10bc-11. 12-13. 14-15

Ðáp: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa (c. 3a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con kêu lên Chúa mọi ngày, và con giang tay hướng về phía Chúa. Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài? - Ðáp.

2) Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng? - Ðáp.

3) Phần con, lạy Chúa, con kêu lên Chúa, và tự bình minh lời nguyện của con sẽ tới tai Ngài. Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con? - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 8ab

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, những giới răn Chúa được lập ra cho tới muôn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 9, 57-62

"Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy". Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu". Người bảo một kẻ khác rằng: "Hãy theo Ta". Người ấy thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa". Một người khác thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã". Nhưng Chúa Giêsu đáp: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Bài Phúc Âm cho Thứ Tư Tuần XXVI hôm nay tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, bài Phúc Âm về cuộc hành trình của Chúa Giêsu bắt đầu tiến về Giêrusalem là đích điểm cho cuộc hành trình tỏ mình ra của Người với vai trò là Đấng Thiên Sai Cứu Thế. 


Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại 3 trường hợp liên quan đến việc theo Người, Đấng đang tiến về Giêrusalem. Trong 3 trường hợp liên quan đến việc theo Người trong bài Phúc Âm hôm nay, trường hợp 1 và 3 là do con người tình nguyện, còn trường hợp 2 do chính Người kêu gọi. 


Trường hợp tình nguyện xin theo theo Người thứ 1: "Khi ấy, đang lúc Chúa Giêsu và các môn đệ đi đường, thì có kẻ thưa người rằng: 'Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy'. Chúa Giêsu bảo người ấy rằng: 'Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu'". 


Trường hợp được Người kêu gọi đi theo Người: "Người bảo một kẻ khác rằng: 'Hãy theo Ta'. Người ấy thưa: 'Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã'. Nhưng Người đáp: 'Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa'".


Trường hợp tình nguyện xin theo Người thứ 2: "Một người khác thưa Người rằng: 'Lạy Thầy, tôi sẽ theo Thầy, nhưng cho phép tôi về từ giã gia đình trước đã'. Nhưng Chúa Giêsu đáp: 'Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa'".


Trường hợp tình nguyện xin theo theo Người thứ 1 gián tiếp liên quan đến chính cuộc hành trình về Giêrusalem của Chúa - "Dù Thầy đi đâu, tôi cũng sẽ theo Thầy"Trường hợp sau đó được Người kêu gọi đi theo Người cũng dính dáng đến Hành Trình Giêrusalem của Người, vì chính trong cuộc hành trình này mà Người đã kêu gọi một người nào đó rằng: "Hãy theo Ta". Trường hợp tình nguyện viên xin theo Người thứ 2 cũng có thể liên quan đến Hành Trình Giêrusalem của Người, vì tình nguyện viên này có thể biết được điểm đến của Người là Giêrusalem nên đã hứa "tôi sẽ theo Thầy".


Không biết trường hợp của 2 tình nguyện viên muốn theo Người có biết Hành Trình Giêrusalem của Người như thế nào hay chăng, một cuộc Hành Trình Vượt Qua chung kết của Người, rất kinh hoàng khủng khiếp đến độ chính các môn đệ tông đồ của Người đã từng theo Người cũng bị tan tác như chiên không người chăn? Hay là họ tưởng rằng với tiếng tăm lừng lẫy của Người, như họ đã từng được nghe về Người, Người sẽ được dân chúng nghênh đón một cách long trọng vinh quang như là một vị anh hùng của dân tộc, nhờ đó thành phần theo Người như họ cũng được nở mày nở mặt và được hưởng ké vinh quang của Người.


Có thể vì thế, biết được ước nguyện ngấm ngầm của họ như vậy mà Chúa Giêsu đã cảnh báo cho họ biết trước những gian nan khốn khó họ phải chịu trong việc theo Người, những gì Người chẳng bao giờ đề cập tới khi kêu gọi các tông đồ của Người trước đó. Chúng ta không biết 2 tình nguyện viên này, bao gồm cả kẻ được Người kêu gọi, phản ứng ra sao sau khi nghe thấy những gì Người nói với họ về trường hợp của mỗi người trong họ.


Thế nhưng, căn cứ vào 3 câu nói này của Chúa Kitô liên quan đến việc theo Người, chúng ta thấy rõ ràng là có 3 điều kiện bất khả thiếu để có thể theo Chúa Kitô nhất là trong cuộc Hành Trình Giêrusalem trọng đại của Người, đó là: 1- tin tưởng dù không biết đi đâu - ở trường hợp của tình nguyện viên thứ nhất: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có nơi gối đầu"; 2- dấn thân theo đuổi lý tưởng - ở trường hợp của người được Người kêu gọi theo Người: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa"; 3- trung thành không luyến tiếc trần gian - ở trường hợp của tình nguyện viên thứ hai: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa".


Những thái độ và tinh thần cần có để theo Chúa Kitô như chính Người đã khuyên dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay đều được phản ảnh nơi nhân vật tên Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật đã trải nghiệm tình trạng tận cùng khổ đau (Bài Đọc 1 Thứ Hai), đến độ đã cảm thấy mình bất hạnh hơn ai hết và hơn bao giờ hết (Bài Đọc 1 Thứ Ba), nhưng vẫn vận dụng đức tin để tiềp tục sống công chính và càng sống công chính, như chính ông đã bày tỏ trong Bài Đọc 1 hôm nay:


"Tôi biết thật là con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính. Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một. Chúa thượng trí và quyền năng, ai đối địch với Chúa mà được bằng yên?... Ai có thể hỏi rằng: 'Tại sao Chúa làm như thế?' Vậy tôi là gì mà dám trả lời với Chúa và dùng lời mà nói với Người? Dù tôi có lẽ công chính, tôi cũng không dám trả lời, một van nài cùng Ðấng phán xét tôi".


Nghĩa là nhân vật Gióp này chân nhận chỉ có Chúa mới là công chính duy nhất, ngoài ra không một tạo vật nào đáng được gọi là công chính trước nhan Ngài, và vì thế Ngài có lý của Ngài trong tất cả mọi sự, trong khi con người không công chính như Ngài không thể nào thấu hiểu được ý định vô cùng sâu nhiệm của Ngài, mà khôn nhất là hãy ngoan ngoãn tuân theo Thánh Ý của Ngài, nhờ đó họ mới có thể nhận biết Chúa mà được sống, đúng như lập luận phản đề trong Bài Đáp Ca hôm nay:

1) ... Phải chăng Chúa còn làm những điều kỳ diệu cho người đã thác, hoặc giả những người chết sẽ sống lại và ngợi khen Ngài?

 

2) Phải chăng người ta còn kể lại lòng nhân hậu Chúa trong mồ, và lòng trung thành Ngài trong nơi âm phủ? Những việc kỳ diệu của Chúa còn thấy được trong chỗ tối tăm, và ân sủng của Ngài trong nơi quên lãng?

 

3) .... Lạy Chúa, nhân sao Chúa ghét bỏ linh hồn con, nhân sao Chúa ẩn mặt xa khuất khỏi con?

 




Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) G 19, 21-27

"Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống".

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp nói: "Hỡi các bạn hữu của tôi, ít ra các anh cũng thương xót tôi, thương xót tôi, vì tay Chúa chạm đến tôi. Tại sao các anh như Thiên Chúa bắt bớ hành hạ tôi vậy, và tại sao các anh no chán thịt tôi? Có ai ghi chép giùm lời tôi, có ai viết nó vào sách, dùng bút sắt ghi trên lá chì, hay dùng đục chạm vào đá?

"Vì tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14

Ðáp: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh (c. 13).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Chúa". - Ðáp.

2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. - Ðáp.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Pr 1, 25

Alleluia, alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh em. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 1-12

"Sự bằng an của các con sẽ đến trên người ấy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.

"Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lk 10, 1-12

 

 

Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Hôm nay, Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên, bài Phúc Âm của Thánh ký Luca tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua thuật lại về Hành Trình Giêrusalem của Chúa Giêsu. Trong cuộc hành trình này, như bài Phúc Âm hôm qua cho biết, xẩy ra 3 trường hợp liên quan đến việc theo Chúa Kitô. Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sự kiện "Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới".

Chúng ta không biết được rằng trong số 72 người nữa này nơi thành phần môn đệ của Chúa Kitô có 3 người ở bài Phúc Âm hôm qua hay chăng, trong đó có 2 người tình nguyện theo Chúa và 1 người được Người kêu gọi. Và chúng ta cũng không biết được rằng thành phần 72 môn đệ này có thường trực ở với Người như 12 tông đồ hay chăng, hay tùy họ muốn theo sát Người hay chăng theo hoàn cảnh của họ. 

Có thể là không, bằng không thì cũng mệt cho các nữ môn đệ của Người lắm trong việc phục dịch hằng ngày của các bà các chị (xem Phúc Âm Thứ Sáu Tuần XXIV Thường Niên - Luca 8:2-3). Vả lại, phái đoàn đông đảo của Chúa Giêsu gần cả trăm người (12 tông đồ + 72 nam môn đệ + 3 nữ môn đệ + "nhiều người khác nữa hỗ trợ các vị bằng phương tiện của mình" - Luca 8:3) đi đâu cũng bất tiện, cũng rầm rộ, cũng phiền phức, không hợp với tính cách âm thầm của Chúa Giêsu. 

Nhưng có thể biết được lý do chính yếu mà Người đã phải chọn thêm 72 người môn đệ nữa là vì: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người". Có một điều không thể bỏ qua ở đây là cùng với Thánh ký Mathêu và Thánh ký Marco, Thánh ký Luca có thuật lại về cuộc truyền giáo của 12 tông đồ ở đầu đoạn 9, như ngài thuật lại về cuộc truyền giáo của 72 môn đệ ở đầu đoạn 10 trong bài Phúc Âm hôm nay. 

Sở dĩ Giáo Hội không chọn đọc đoạn Phúc Âm của Thánh ký Luca về sự kiện 12 tông đồ được sai đi truyền giáo là vì Giáo Hội đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô về cùng một sự kiện này ở Thứ Năm Tuần Thứ IV Thường Niên, cũng như đã chọn đọc bài Phúc Âm của Thánh ký Mathêu cũng sự kiện này ở Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên. 

So sánh với cuộc truyền giáo của 72 môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay và cuộc truyền giáo của 12 tông đồ ở đầu đoạn 9 cùng Phúc Âm Thánh ký Luca, chúng ta thấy mấy điểm khác nhau chính yếu sau đây: 

1- Không thấy nói Chúa Kitô chính thức ban quyền trừ quỉ và chữa lành cho 72 môn đệ này, như Người đã làm điều ấy cho 12 tông đồ, dù sau cuộc truyền giáo trở về các môn đệ cũng thuật lại cho Người biết rằng họ đã nhân danh Người mà khu trừ được ma quỉ (xem Luca 10:17). Quyền trừ quỉ bởi thế mới thuộc quyền các vị thừa kế các tông đồ là các vị giám mục, mà nếu cần các vị giám mục có thể chỉ định một linh mục nào đó làm việc này thay ngài.

2- Không thấy nói Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng từng cặp như Người sai 72 môn đệ đi từng 2 người một trong bài Phúc Âm hôm nay. Chắc vì thế đã trở thành thói quen cho thành phần môn đệ, như trường hợp 2 môn đệ cùng nhau đi về làng Emmau (xem Luca 24:13), trong đó có một người tên là "Cleopas" (Luca 24:18). Tuy nhiên, nhóm 12 tông đồ cũng có 1 cặp luôn đi với nhau sau biến cố Chúa Kitô phục sinh và thăng thiên, đó là cặp Tông Đồ Phêrô và Gioan (xem Gioan 20:1-10; 21:20-23; Tông Vụ 3:1-10, 4:1-22).

3- Không thấy nói Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi rao giảng về chủ đề gì như chủ đề được các tông đồ ra đi loan báo là "Triều đại Thiên Chúa" (Luca 9:2), nhưng mục đích của các môn đệ được sai đi là để "gặt lúa của Người", tức là để làm cho những gì đã được các vị tiên tri trong Cựu Ước (nhất là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả) gieo vãi nơi dân chúng về một Đấng đến sau, Đấng Thiên Sai, được dân chúng nhận biết và chấp nhận, như dân chúng đã cảm nhận được phần nào về Người là một vị đại tiên tri, như bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên tuần trước cho thấy.

Ngoài 3 điểm chính yếu khác nhau này, hai cuộc truyền giáo của 12 tông đồ trước và 72 môn đệ sau, theo Phúc Âm Thánh ký Luca này, có những điểm giống nhau về cách thức truyền giáo liên quan đến hành trang các vị cần phải mang theo "đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép", cũng như liên quan đến nơi trú ngụ các vị có thể ở: "Vào nhà nào... các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có... đừng đi nhà này sang nhà nọ", nhất là đến phản ứng của các vị nếu các vị không được tiếp đón: "Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi".

Cuộc sai thành phần 72 môn đệ này ra đi rao giảng trong bài Phúc Âm hôm nay quả thực liên quan đến Hành Trình Giêurusalem của Chúa Giêsu, một cuộc Hành Trình đầy gian nan khốn khó hướng về biến cố Vượt Qua của Người, nên ngay từ đầu Người đã cảnh báo 72 môn đệ của Người rằng: "Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng", và ở gần cuối bài Phúc Âm có câu Người bảo 72 môn đệ cảnh tỉnh những nơi không tiếp nhận các vị, đó là câu: "các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần'. Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".

Thật vậy, "Nước Thiên Chúa đã đến gầnđây là gì, nếu không phải là ơn cứu độ sắp được hoàn tất nơi Chúa Giêsu Kitô ở Giêrusalem, nơi mà Người cùng các tông đồ đang tiến "đến gần" để thực hiện, để tỏ hết mình ra cho dân chúng như thể Nước Thiên Chúa đã đến rồi vậy. Tuy nhiên, Giêrusalem là nơi Người tỏ hết mình ra ấy lại không nhận biết Người và không chấp nhận Người đến độ Người đã phải khóc thương nó (xem Luca 19:41), nên Người đã ám chỉ đến số phận của thành này khi nói: "Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".


"Nước Thiên Chúa đã đến gần" ám chỉ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô để tiêu diệt sự chết và phục hồi sự sống cho loài người đây dường như đã là viễn tượng được nhân vật công chính tên Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay hằng ấp ủ trong lòng, một niềm tin và hy vọng nhờ đó ông ta mới có thể chấp nhận mọi gian nan khốn khó, mới có thể chịu đựng và thắng vượt, và cuối cùng đạ công khai đề cập tới như sau: "Tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày sau hết tôi sẽ từ bụi đất sống lại, da sẽ bọc lại thân tôi, và trong xác thịt, tôi sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tôi. Chính tôi sẽ nhìn thấy Người và mắt tôi sẽ trông thấy, chớ không phải ai khác: niềm hy vọng ấy đã chất chứa trong lòng tôi".


Những con người sống công chính như nhân vật tên Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay phải công nhận rằng họ là thành phần sống trước nhan Chúa, bằng tất cả tấm lòng khao khát thần linh và hoàn toàn tin tưởng cậy trông vào duy một mình Thiên Chúa của họ, đúng như tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:

 

 

1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Chúa".

2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Ngài trong thịnh nộ, Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con.

3) Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa.




Thứ Sáu

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) G 38, 1. 12-21; 39, 33-35

"Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?"

Trích sách ông Gióp.

Từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời ông Gióp rằng: "Sau khi ngươi đã sinh ra, ngươi có ra lệnh cho bình minh, và chỉ chỗ cho rạng đông không? Ngươi có cầm giữ các phần cuối cùng trái đất, và xua đuổi khỏi địa cầu bọn gian ác không? Mặt đất trở nên như đất sét có đóng ấn và trải ra như chiếc áo. Bọn gian ác bị tước mất sự sáng, và cánh tay giơ cao bị bẻ gẫy.

"Ngươi có xuống tận đáy biển, và đi bách bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và ngươi có nhìn thấy tối tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không? Nếu ngươi đã hiểu biết, hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm ở nơi đâu, để ngươi dẫn dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường lối nhà chúng? Bấy giờ ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết rõ số ngày đời ngươi không?"

Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: "Con nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên miệng con. Con đã nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không nói thêm gì nữa".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 138, 1-3. 7-8. 9-10. 13-14ab

Ðáp: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời (c. 24b).

Xướng: 1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con. - Ðáp.

2) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài. - Ðáp.

3) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con. - Ðáp.

4) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 129, 5

Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 13-16

"Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.

"Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.

"Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for Lk 10, 13-16


Suy Nghiệm Lời Chúa

 


Trong bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên hôm nay, một bài phúc âm liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu vẫn nói với 72 môn đệ trước khi sai các vị đi. Tuy nhiên, đối tượng được Người nói đến ở đây không phải là chính các môn đệ, mà là đến chính các nơi không tiếp nhận tin mừng của Người, một tin mừng được các môn đệ của Người loan báo về Người và thay Người. Thật vậy:


"Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: 'Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Không biết có phải Chúa Giêsu sai 72 môn đệ của Người đến các thành được Người đề cập đến ở đây, trong bài Phúc Âm hôm nay hay chăng, mà dường như Người đã biết trước phản ứng tiêu cực của các thành ấy đối với sứ điệp được các môn đệ của Người truyền đạt, nên Người đã phải lên tiếng như ngăm đe các thành ấy trước? 


Thường không phải thế, bởi trong các thành được Người nhắc đến là Capharnaum ở Galilêa là nơi Người thường xuyên lui tới để gặp gỡ và giảng dạy cho dân chúng trong các hội đường, mà Người lại đã rời miền bắc Galilêa, băng qua miền trung Samaria (theo bài Phúc Âm Thứ Ba tuần này) để xuôi nam về Giêrusalem, thì ở đây Người ám chỉ đến những nơi chính Người đã hiện diện và tỏ mình ra trước đó, những nơi theo Người cho biết, chính vì sự hiện diện và tỏ mình ra của Người cho họ mà họ sẽ bị luận phạt nặng nề hơn các thành trong quá khứ, bởi họ không nhận biết và chấp nhận Người trong khi các thành quá khứ không được diễm phúc thấy Người và nghe Người. 


Vương quốc của Thiên Chúa cho dù được chính Người mạc khải cho biết qua lời giảng dạy, uy thế hay quyền năng phép lạ của Người, hay qua thành phần môn đệ của Người, được Người tin tưởng sai đi, đều có giá trị như nhau, đến độ, như Người khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay về vai trò "thừa sai" nặng ký đại diện của các vị: "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

Sở dĩ 72 môn đệ của Chúa Kitô có một vị trí ngang nhiên ngang hàng với Chúa Giêsu trong việc rao giảng như thế là vì các vị được chính Người tuyển chọn và sai đi, do đó, bất cứ ai không nghe các vị là không nghe Người, bất cứ ai coi thường khinh dể các vị là khinh dể coi thường Người là Đấng đã sai các vị, và gián tiếp khinh dể coi thường chính Thiên Chúa là Đấng đã sai Người. 

Tính cách đại diện của các vị này, tự bản chất, có giá trị ở chỗ thừa hành quyền bính giảng dạy, cho dù các vị về tư cách bất xứng, nhất là khi các vị lại còn gây gương mù gương xấu cho chính thành phần được mình giảng dạy và khuyên bảo. Bởi vậy, tác dụng giảng dạy của các vị có đạt được thành quả bao nhiêu một phần nào còn tùy vào đời sống gương mẫu chứng nhân của các vị. 


Nếu "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy", thì hình ảnh nhân vật tên Gióp trong Bài Đọc 1 hôm nay, nhân vật được Thiên Chúa dạy bảo cho biết cái giới hạn của tạo vật như ông về kiến thức cùng quyền lực của con người trước kiến thức thần linh và quyền lực thần linh của Thiên Chúa:

"Ngươi có xuống tận đáy biển, và đi bách bộ dưới vực thẳm không? Cửa tử thần có mở ra cho ngươi và ngươi có nhìn thấy tối tăm không? Ngươi có xem xét chiều rộng địa cầu không? Nếu ngươi đã hiểu biết, hãy chỉ mọi sự cho Ta. Sự sáng ở đàng nào và sự tối tăm ở nơi đâu, để ngươi dẫn dắt cả hai đến địa giới của chúng, và hiểu biết đường lối nhà chúng? Bấy giờ ngươi có biết ngươi sẽ sinh ra không? Và ngươi có biết rõ số ngày đời ngươi không?"


Thế nhưng, chính nhờ biết mình mà nhân vật tên Gióp được chính Thiên Chúa chứng nhận với Satan là công chính, đã thân thưa cùng Thiên Chúa rằng: "Con nói lơ đãng, thì con trả lời thế nào được? Con để tay trên miệng con. Con đã nói một lần, chớ chi con đừng nói! Và lần thứ hai, con không nói thêm gì nữa". Như thể nhân vật tên Gióp này đã trở thành cảm hứng cho vị thánh vịnh gia thốt lên những tâm tình tràn đầy xác tín thần linh trong Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Lạy Chúa, Ngài thăm dò và biết rõ con, Ngài biết con, lúc con ngồi, khi con đứng. Ngài hiểu thấu tư tưởng con tự đàng xa, khi con bước đi hay nằm nghỉ, Ngài thấy hết, Ngài để ý tới mọi đường lối của con.

2) Con đi đâu để xa khuất được thần linh của Chúa? Con trốn đâu cho khỏi thiên nhan Ngài? Nếu con leo được lên trời, thì cũng có Ngài ngự đó; nếu con nằm dưới âm phủ, thì đây cũng có mặt Ngài.

3) Nếu con mượn đôi cánh của hồng đông, và bay đến cư ngụ nơi biên cương biển cả, tại nơi đây cũng bàn tay Chúa dẫn dắt con, và tay hữu Ngài nắm giữ con.

4) Chính Ngài đã nặn ra thận tạng con, đã dệt ra con trong lòng thân mẫu. Con ngợi khen Ngài đã tạo nên con lạ lùng như thế, vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền.

 




Thứ Bảy


Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (Năm II) G 42, 1-3. 5-6. 12-16

"Giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó chính con trách thân con".

Trích sách ông Gióp.

Ông Gióp thưa lại cùng Chúa rằng: "Con biết Chúa làm nên mọi sự, và không một tư tưởng nào giấu được Chúa. Ai là kẻ mê muội che khuất được ý định của Chúa? Vì thế, con nói bậy về những điều vượt quá sự thông biết của con. Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó, chính con trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro".

Sau này Chúa giáng phúc cho ông Gióp nhiều hơn lúc ban đầu. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái. Ông còn sinh được bảy trai ba gái. Người con gái thứ nhất ông đặt tên là Nhật, người thứ hai tên Hương, và người thứ ba tên Bình. Trong khắp nước, không tìm thấy thiếu nữ nào xinh đẹp như các con gái của ông Gióp. Thân phụ của các cô cũng chia phần gia tài cho các cô như những anh em trai. Sau đó, ông Gióp còn sống được một trăm bốn mươi năm nữa, và nhìn thấy con cháu đến bốn đời. Khi cao niên đầy tuổi, ông đã qua đời.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 66. 71. 75. 91. 125. 130

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu (c. 135a).

Xướng: 1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

2) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

3) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. - Ðáp.

4) Theo chỉ dụ Chúa mà vũ trụ luôn luôn tồn tại, vì hết thảy vạn vật đều phải phục vụ Ngài. - Ðáp.

5) Con là tôi tớ Chúa, xin Chúa dạy dỗ con, để con hiểu biết những lời Ngài nghiêm huấn. - Ðáp.

6) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 10, 17-24

"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".

Ðó là lời Chúa.

Related image

 

Suy Nghiệm Lời Chúa



Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên hôm nay ghi lại thành quả của cuộc truyền giáo vừa được 72 môn đệ thực hiện theo bài sai được ban hành bởi Thày của các vị là Chúa KitôĐấng đã nhắc nhở họ về hạnh phúc thật mà các vị cần phải trân trọng hơn cả chính thành quả truyền giáo. 


Hạnh phúc về thành quả  truyền giáo vừa được 72 môn đệ gặt hái: "Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: 'Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con'".


Hạnh phúc thật các vị cần phải trân trọng hơn cả thành quả truyền giáo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". 


Ở đây Chúa Giêsu không phủ nhận niềm vui của 72 môn đệ về điểm chính yếu được các vị thuật lại cho Người nghe là "cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Thật ra, ngay trước khi nghe các môn đệ thuật lại Người cũng "đã thấy" nên Người cũng công nhận quả thật "Satan từ trời sa xuống như luồng chớp". Bởi vì Người biết khả năng của các môn đệ Người tới đâu và có thể làm được ra sao, với những gì Người đã trang bị cho họ, như: "quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con".


Theo tâm lý tự nhiên bình thường của các bậc thày phàm nhân khác thì Người có thể sẽ lên tiếng khen các vị: "Thế à. Các con của thày giỏi quá. Các con đã làm cho danh thày được rực rỡ hơn bao giờ hết khi các con nhân danh thày để trừ quỉ. Danh thày của các con mà... Những gì thày trang bị cho các con quả là công hiệu khôn lường ... ". 


Ở đây, Chúa Giêsu chẳng những không vênh vang vì danh oai phong uy lực của Người, về những gì Người đã trang bị cho các môn đệ, và Người cũng không vồn vã khen các môn đệ của mình như để kích động tinh thần của họ để họ tiếp tục ở với Người và cộng tác làm việc phụng sự Người, trái lại, Người hướng các môn đệ lên cao hơn, vượt thoát những thành công trần thế tầm thường. 


Bởi đó, Người đã nhắc nhở các vị rằng: "Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". 


Đúng thế, hạnh phúc thật là vinh danh Chúa ở trên trời, chứ không phải ở nơi những gì con người làm được một cách vẻ vang, nhưng đôi khi chúng lại trở thành dịp tội khiến con người bị ảo tưởng đâm ra tự phụ và cuối cùng mất lòng Chúa, mất hết mọi sự, hỏng hết mọi sự, dù là những sự tự bản chất của nó tốt lành. 


Nếu con người chỉ tìm vinh danh Chúa trên trời thì họ đã được hiệp thông thần linh với Người ở ngay đời này và được Ngài chúc phúc, được Ngài ở cùng như cả Thiên Đàng ở với họ, đúng như ý nghĩa của câu Chúa nói "tên các con đã được ghi trên trời". Bởi vì, nhờ đó, dù chưa lên trời, mắt của họ cũng "được xem những điều các con xem thấy..." và tai của họ "nghe những điều các con nghe thấy".


Phải chăng đó là lý do bài Phúc Âm không chấm dứt ở chỗ ấy, nhưng được tiếp theo bởi những lời Chúa Giêsu chúc tụng Cha Người trên trời đối với những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ tiêu biểu nơi thành phần môn đệ của Người là những con người qua họ Cha của Người đã tỏ mình ra cho họ thấy qua chính bản thân Người:

 


"Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: 'Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết"


Tinh thần đơn sơ bé nhỏ để Thiên Chúa có thể tỏ mình ra theo tinh thần của Bài Phúc Âm được phản ảnh trong bài Đọc 1 cho năm chẵn hôm nay, qua thái độ nhận biết mình trước nhan Thiên Chúa: "Con biết Chúa làm nên mọi sự, và không một tư tưởng nào giấu được Chúa. Ai là kẻ mê muội che khuất được ý định của Chúa? Vì thế, con nói bậy về những điều vượt quá sự thông biết của con. Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa. Bởi đó, chính con trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro".

 

 

Cảm nghiệm thần linh nơi nhân vật tên Gióp được Chúa khen với Satan là công chính, và về phần mình ông cũng đã chứng thực mình quả là công chính, bất chấp mọi gian nan thử thách hầu như vô cùng khốn khổ cùng bất hạnh nhất trên trần gian này, hầu như vô tiền khoáng hậu, chưa có ai và chẳng có ai thuần túy loài người đã trải qua như ông, đó là cảm nghiệm, như ông cuối cùng tự thú: "Trước kia con nghe tiếng Chúa, còn giờ đây mắt con nhìn thấy Chúa". Nghĩa là trước kia con tin vào Chúa nhờ nghe, giờ đây con còn được Chúa tỏ mình ra cho nữa nên con mới thấy Chúa, nhờ chính đức tin tuân phục của con, ở chỗ, cho dù con có chất ngất đau thương, đồng thời con cũng đã phản ứng tự nhiên theo bản tính xác thịt của loài người, nhưng con cũng đã "trách thân con, và ăn năn sám hối trong bụi tro".

 

 

Bài Đáp Ca hôm nay cũng chất chứa cảm nghiệm thần linh này nơi nhân vật tên Gióp của Bài Đọc 1 hôm nay, một nhân vật công chính liên lỉ sống trước nhan Chúa bằng tất cả lòng tin tưởng của mình, bất chấp khổ đau và cám dỗ: "Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu" (câu họa). Chúng ta có thể sắp xếp lại (kèm theo một chút dẫn giải được in nghiêng ở trong ngoặc) thứ tự 5/6 câu Đáp Ca hôm nay theo cảm nghiệm thần linh của nhân vật tên Gióp này như sau:

 

6) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng (qua những gian nan khốn khổ) và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm (như Gióp theo bản tính tự nhiên)

 

2) Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài (mục đích của gian nan thử thách).

 

3) Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ (Thiên Chúa công minh bao giờ cũng khôn ngoan hơn loài người).

 

5) Con là tôi tớ Chúa, xin Chúa dạy dỗ con, để con hiểu biết những lời Ngài nghiêm huấn (con người chỉ cần biết phận mình thì sẽ nhận biết Ngài).

 

1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài (và sẽ trở nên khôn ngoan như Ngài nhờ đức tin tuân phục trung kiên của mình).