SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014

 

2015

 

Sống Đức Tin bằng Đức Cậy cho Đức Mến

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Đức Tin - Đức Cậy - Đức Mến: trong Cơ Cấu Siêu Nhiên

 

Theo Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo thì khi lãnh nhận Phép Rửa, người tân tòng được phú bẩm cho 3 nhân đức đối thần là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, nhờ đó Kitô hữu có thể sống một đời sống siêu nhiên, xứng với danh phận làm dưỡng tử của Thiên Chúa, danh phận được thông phần vào bản tính thần linh của Thiên Chúa và được sống sự sống thần linh như Thiên Chúa.

 

Đức Tin là khả năng siêu nhiên để Kitô hữu nhờ đó có thể chấp nhận "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) được chính Thiên Chúa mạc khải và được ghi lại trong Thánh Kinh, được truyền đạt bởi Thánh Truyền và được giảng dạy bởi Huấn Quyền, cho dù những sự thật đó vượt trên tầm mức của giác quan cũng như kiến thức tự nhiên của trí khôn.

 

Đức Cậy là khả năng siêu nhiên để Kitô hữu nhờ đó có thể Sống Đức Tin trung thực đúng với tất cả Sự Thật Thần Linh, ở chỗ, biết chế ngự tính mê nết xấu là mầm mống của nguyên tội, xa lánh tội lỗi, thắng vượt cám dỗ, chu toàn phận sự, chịu đựng khổ đau, bằng một tinh thần tuân phục như con trẻ  (xem Mathêu 18:3), hoàn toàn phó thác cho sự quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan và yêu thương của Chúa.

 

Đức Mến là khả năng siêu nhiên để Kitô hữu nhờ đó có thể Sống Đức Tin trong mối Hiệp Thông Thần Linh để yêu mến Thiên Chúa vô cùng toàn thiện và toàn ái hết lòng muốn, hết linh hồn, hết sức lực, và yêu thương tha nhân chẳng những như chính bản thân mình (xem Đệ Nhị Luật 6:4) mà còn yêu thương họ như Thày đã yêu thương các con (xem Gioan 15:12, 13:34).

  

Sau đây là một số hình ảnh có thể cho thấy mối liên hệ mật thiết bất khả phân ly nơi guồng máy siêu nhiên là 3 nhân đức đối thần Tin - Cậy - Mến nói chung và riêng vai trò trung gian của Đức Cậy trong mối liên kết giữa 3 thần đức này.

 

Nếu đức tin là cây đèn thì đức cậy là dầu đốt để ngọn đèn đức tin luôn cháy lửa đức mến (xem Mathêu 25:1-3).

 

Nếu đức tin là cây nho thì đức cậy là cành nho bị cắt tỉa đi để cây nho đức tin có thể trổ sinh muôn vàn trái nho đức mến (Gioan 15:1-3).

 

Nếu đức tin là hạt lúa miến thì đức cậy là cái nhân của hạt lúa miến ở trong lòng đất để hạt lúa miến đức tin trổ sinh muôn vàn bông lúa đức mến (Gioan 12:24).

 

Nếu đức tin là hạt cải thì đức cậy là cái li ti nhỏ bé nhất trong các hạt giống để hạt cải đức tin có thể trở thành một cây vĩ đại đức mến (Mathêu 13:31-32).

 

Trong giai đoạn gần sửa soạn để long trọng mừng kỷ niệm Đại Năm Thánh 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ghép ba nhân đức đối thần này với Ba Ngôi Thiên Chúa (xem Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, ở các khoản 7, 8 và 9) như sau:

 

Năm 1997 là năm được giành để biệt kính Chúa Giêsu Kitô với chủ đề Đức Tin: Sở dĩ Chúa Giêsu Kitô liên quan đặc biệt tới Đức Tin là vì Người là tột đỉnh của mạc khải thần linh (đối với Cựu Ước) và là tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa (vào thời điểm viên trọn – Galata 4:4), là đường, là sự thật và là sự sống (xem Gioan 14:6), là Đấng Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (xem Mathêu 16:16), là đối tượng của đức tin và chính là cốt lõi của đức tin;

 

Năm 1998 là năm được giành để biệt kính Chúa Thánh Thần với chủ đề Đức Cậy: Sở dĩ Chúa Thánh Thần liên quan đặc biệt tới Đức Cậy là vì Ngài là Đấng được sai đến để dẫn Giáo Hội vào tất cả sự thật (xem Gioan 16:13) là chính Chúa Giêsu Kitô, nhờ đó Giáo Hội có thể làm chứng cho Người (xem Gioan 15:26-27), nhất là khi Giáo Hội bị bách hại và sát hại nơi các phần tử của mình;

 

Năm 1999 là năm được giành để biệt kính Chúa Cha với chủ đề Đức Mến: Sở dĩ Chúa Cha liên quan đặc biệt đến Đức Mến vì Ngài chính là Tình Yêu (xem 1Gioan 4:8,16), Đấng đã chẳng những ban Con Một của mình cho thế gian (x Gioan 3:16) mà còn tuôn đổ Thánh Thần của Ngài vào lòng chúng ta (xem Roma 5:5) để chúng ta là con người có thể hiệp thông thần linh với Ngài.

 

Nếu Đức Tin liên quan trực tiếp đến Chân Lý Mạc Khải thì Đức Cậy liên quan đến Cảm Nghiệm Thần Linh về Chân Lý Mạc Khải qua các đau khổ thử thách để nhờ đó Kitô hữu hoàn toàn tín thác cậy trông vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất nơi Đấng Thiên Sai Cứu Thế được thấm nhuần Chân Lý Mạc Khải và trở nên viên mãn Sự Sống Thần Linh của Đức Mến.

 

Đức Tin chẳng những là tặng ân được phú bẩm vào linh hồn nơi Phép Rửa, như Ánh Sáng Sự Sống (xem Gioan 8:12) từ Thiên Chúa chiếu tỏa vào tâm hồn con người nào "chấp nhận" ánh sáng này (Gioan 1:5,11), mà còn là tác động tự do của con người trong việc đáp ứng ân ban này trong đời sống của họ, bằng việc cẩn thận vun trồng Hạt Giống Đức Tin ấy nhờ đời sống phụng vụ, một Hạt Giống Đức Tin chất chứa tất cả Chân Lý Thần Linh được họ tin tưởng bởi thế giá của Đấng Mạc Khải Thần Linh.

 

Trong bài giáo lý thứ ba ngày Thứ Tư 31/10/2012 cho Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập đến bản chất Giáo Hội của Đức Tin, một đức tin vừa là tác động lãnh nhận ánh sáng vừa chiếu tỏa ánh sáng như sau: “Một Kitô hữu để cho mình dần dần được dẫn dắt và hình thành theo đức tin của Giáo Hội – bất chấp nỗi yếu hèn của họ, các giới hạn của họ và những khó khăn của họ – thực sự trở nên một cửa sổ mở ra cho ánh sáng của vị Thiên Chúa hằng sống, một cửa sổ lãnh nhận ánh sáng này và truyền đạt ánh sáng ấy cho thế giới”.

 

Đức Tin - Đức Cậy - Đức Mến: trong Đời Sống Kitô Hữu

 

Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa bao giờ cũng là khởi nguyên, mở đầu của chúng ta, ở chỗ: "Thiên Chúa yêu chúng ta trước" (1Gioan 4:19), bao cả cả việc Ngài đã tự ý tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh thần linh của Ngài (xem Khởi Nguyên 1:26-27), và tự động hứa cứu chuộc chúng ta ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15) cho đến khi "hoàn tất" (Gioan 19:30) bằng một tình yêu "cho đến cùng" (Gioan 13:1), rồi còn tự nguyện lập Bí Tích Thánh Thể để ở cùng chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta và nên một với chúng ta. Chưa kể đến việc Ngài luôn yêu thương quan phòng mọi sự thuận lợi cho phần rỗi của chúng ta (xem Rôma 8:28), cho dù những gì được Ngài quan phòng thường gây khốn đốn cho bản tính tự nhiên làm người của chúng ta.

 

Thế nhưng, với lý trí tự nhiên và bản chất hữu hạn của một tạo vật, nhất là sau nguyên tội, con người chỉ có thể nhận biết sự hiện hữu của Ngài chứ không thể nào biết được Ngài là ai và như thế nào, nếu không được Ngài tự tỏ mình ra cho họ và ban cho họ khả năng siêu nhiên để nhờ đó họ có thể chẳng những nhận biết Ngài đúng như Ngài là, nơi bản thân "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), mà còn đáp ứng ý muốn tối cao vô cùng sâu nhiệm của Ngài, được chất chứa nơi Phúc Âm của Con Ngài, cũng như đáp ứng tác động thần linh của Ngài nơi cuộc sống chuyên biệt của từng người, hầu được hiệp thông thần linh với Ngài "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).

 

Khả năng siêu nhiên con người được Chúa ban đây chính là Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, được gọi là ba thần đức hay cũng được gọi là ba nhân đức đối thần. Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, trước hết và trên hết, là ba thần đức – theological virtues, vì trước hết và trên hết ba thần đức này là tặng ân được phú bẩm vào linh hồn người Kitô hữu tân tòng khi họ lãnh nhận Phép Rửa Tái Sinh. Tuy nhiên, Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến còn được gọi là nhân đức đối thần, (chứ không phải là nhân đức về luân lý như 4 nhân đức trụ bao gồm công bình, khôn ngoan, đại đảm, tiết độ - xem Sách Khôn Ngoan 8:7), vì đồng thời chúng cũng là những tác động nhân linh hướng về Thiên Chúa của con người và nơi con người, trong việc họ tỏ ra nhận biết Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa, đáp ứng Tác Động Ân Sủng của Thiên Chúa và hiệp thông với Tình Yêu Trọn Hảo của Thiên Chúa.

 

Như thế, nơi Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến đều có hai chiều kích bất khả thiếu và bất khả phân ly, đó là chiều kích Tặng Ân Thần Linh và chiều kích tác động nhân linh, đúng như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy: “Đức tin là hành động của bản thân – là việc đáp ứng của con người đối với việc khơi động của Thiên Chúa là Đấng mạc khải mình ra” (số 166). 

 

Chiều kích Tặng Ân Thần Linh của Đức Tin là ở chỗ Đức Tin giống như là một hạt giống (xem Mathêu 13:31) hay như là một kho tàng (xem Mathêu 13:44) chất chứa tất cả Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa, và chiều kích tác động nhân linh nơi Đức Tin là ở chỗ Kitô hữu nhận biết Mạc Khải Thần Linh này của Thiên Chúa trong Thánh Kinh, qua Thánh Truyền và nhờ Huấn Quyền.

 

Chiều kích Tặng Ân Thần Linh của Đức Cậy là ở chỗ Đức Cậy giống như một chút men được vùi trong bột (xem Mathêu 13:33) hay như là một mạch nước vọt lên sự sống đời đời (xem Gioan 14:4; 7:38) là những gì tiêu biểu cho Tác Động Ân Sủng của Thiên Chúa nơi tâm hồn Kitô hữu, và chiều kích tác động nhân linh nơi Đức Tin là ở chỗ Kitô hữu đáp ứng Tác Động Ân Sủng của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

 

Chiều kích Tặng Ân Thần Linh của Đức Mến là ở chỗ Đức Mến giống như muối đất và như ánh sáng (xem Mathêu 5:13-14), những biểu tượng cho tình yêu thương đến cùng của Chúa Kitô (xem Gioan 13:1), Đấng đã như muối đất nơi cuộc Tử Giá của Người và là ánh sáng khi Phục Sinh vinh hiển, và chiều kích tác động nhân linh nơi Đức Tin là ở chỗ Kitô hữu hiệp thông với Tình Yêu Trọn Hảo của Thiên Chúa.

 

Về phương diện thực hành, trong mỗi tác động siêu nhiên của mình, Kitô hữu đều thể hiện 3 nhân đức đối thần này, điển hình nhất ở những trường hợp chính yếu sau đây: thi hành phận sự, thử thách cám dỗ, xa lánh dịp tội, sa phạm tội lỗi, ăn chay hãm mình, chịu đựng khổ đau, chiêm niệm cầu nguyện, cử  hành phụng vụ, hoạt động tông đồ.

 

Trong trường hợp thi hành phận vụ, Kitô hữu tin tưởng rằng khi bắt đầu lãnh nhận một sứ vụ nào đó, có thể do trúng cử hay được ủy nhiệm hoặc được soi sáng, thì sứ vụ họ cần phải thực hiện ấy chính là những gì Thiên Chúa muốn họ làm, cho dù sứ vụ ấy có quá sức của họ nhưng họ vẫn cậy trông vào ơn theo bậc Chúa ban, để "ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mathêu 6:10) nơi bản thân và cuộc đời của họ, bằng tất cả tấm lòng mến yêu phục vụ hết mình của họ.

 

Trong trường hợp thử thách cám dỗ, Kitô hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa để xẩy ra như vậy để xem lòng họ trung kiên với Ngài là Thiên Chúa chân thật duy nhất (xem Gioan 17:3) ra sao, bởi thế, bằng niềm cậy trông vào "ơn Cha đủ cho con" (2Corintô 12:9), họ có thể vì yêu mến Ngài thắng vượt được tất cả mọi chước cám dỗ và từng chước cám dỗ nguy hiểm, cho "quyền năng (của Chúa) lên đến chỗ tuyệt hảo nơi nỗi yếu hèn (của họ)" (2Corintô 12:9).

 

Trong trường hợp xa lánh dịp tội, Kitô hữu tin tưởng rằng con người là tạo vật không được thử thách quyền phép Đức Chúa Trời (xem Mathêu 4:7; Đệ Nhị Luật 6:16), thế nhưng, để có thể xa tránh dịp tội là những gì không phải ở ngoài họ như gương mù (xem Mathêu 18:7) mà ở ngay chính bản thân của họ (xem Mathêu 5:29-30) là nơi vốn sẵn có mầm mống tội lỗi với đầy những đam mê nhục dục và tính mê nết xấu, khiến họ có thể sa ngã phạm tội bất cứ lúc nào, con người vốn hết sức hèn yếu của họ chỉ còn biết trông cậy vào Thần Chân Lý để có thể "khôn như rắn và chân thật như bồ câu" (Mathêu 10:16), nhờ đó, nhờ lòng trung thành mến yêu của họ, Thiên Chúa thật s là Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ và đáng tôn th trên hết mọi sự đối với họ.

 

Trong trường hợp sa phạm tội lỗi, Kitô hữu tin tưởng rằng, dù họ có vô tình hay cố ý phạm tội chăng nữa, Thiên Chúa vẫn là Đấng thấu suốt mọi sự, biết họ vô cùng mù quáng và yếu đuối, hoàn toàn "lầm không biết việc mình làm" (xem Luca 23:34), nên họ, như đứa con hoang đàng phung phá (xem Luca 15:21), mới dám trông cậy vào Lòng Thương Xót Chúa mà trở về với Đấng vẫn "yêu thương những kẻ thuộc về mình cho tới cùng" (Gioan 13:1), yêu thương từng "con chiên lạc" của Ngài (xem Luca 15:4), để tình yêu vô cùng nhân hậu của Ngài có thể chiếm đoạt được con tim mến yêu đáp trả của họ.

Trong trường hợp ăn chay hãm mình, Kitô hữu tin tưởng rằng Chúa Kitô là Đấng vô tội nhưng ngài vẫn chay tịnh suốt 40 đêm ngày, mục đích là để dạy cho con người biết rằng con người sống không nguyên bởi bánh mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (xem Mathêu 4:4; Đệ Nhị Luật 8:3), và hành động Kitô hữu hy sinh từ bỏ trong việc ăn chay hãm mình không phải là hành động tự diệt nhưng là một hành động họ chẳng những tỏ ra hy vọng cậy trông vào một cuộc phục sinh vinh hiển cánh chung, mà còn mến yêu một cái gì bất biến hơn là tạm bợ, đó là sự sống đời đời, một "sự sồng viên mãn" (Gioan 10:10) nhờ đó vọt lên từ cõi lòng khao khát của họ (xem Gioan 4:14).

 

Trong trường hợp chịu đựng khổ đau, Kitô hữu tin tưởng rằng, dù đau khổ tự bản chất của nó là sự dữ, nhất là đau khổ do chính tội lỗi của họ gây ra như hậu quả tất yếu phải đền bù, nhưng tất cả đều đã được bao gồm nơi Thánh Giá của Con Thiên Chúa Làm Người, Đấng đã gánh vác và tử giá cho phần rỗi của chung nhân loại và của riêng họ, nhờ đó, trông cậy vào quyền năng Phục Sinh của Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, họ sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi đau khổ do tội họ gây ra để đền tội và hoán cải, nhất là vui lòng chịu đựng hết mọi đau khổ xẩy đến cho họ như một thứ cắt tỉa cho họ như cành nho đã sai trái càng sai trái hơn (xem Gioan 15:2), để sự sống thần linh của Chúa Kitô trở nên viên mãn (xem Gioan 10:10) nơi lòng mến yêu của họ.   

 

Trong trường hợp xẩy ra thiên tai, Kitô hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất một cách hoàn toàn tốt đẹp ngay từ ban đầu cho con người là loài được dựng nên theo hình ảnh của Ngài, thế nhưng, bởi nguyên tội, thiên nhiên tạo vật cũng đã bị biến đổi (xem Khởi Nguyên 3:17-18), đến độ đã phải đớn đau quằn quại mong chờ thời điểm tỏ hiện tình trạng tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa (xem Roma 8:19-22), thế nhưng họ vẫn hoàn toàn trông cậy rằng trong chính sự dữ gây ra bởi thiên nhiên ấy, Thiên Chúa sẽ mang lại phần rỗi cho chính các nạn nhân cũng như cho những ai cần đến Lòng Thương Xót Chúa hơn một cách nào đó, để qua những gian nan khốn khổ không ai muốn này, họ nhận biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, qua việc chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa, nếu họ là nạn nhân trong cuộc, hay bằng việc cứu trợ những anh chị em đang bị thảm họa thiên tai đáng thương của họ.

 

Trong trường hợp xẩy ra nhân tai, Kitô hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa là Chủ Tể Lịch Sử loài người, Đấng mà theo dự án cứu độ vô cùng nhân hậu của Ngài đối với những ai được Ngài kêu gọi theo ý định của Ngài (xem Roma 8:28), luôn khôn ngoan quan phòng mọi sự, cho dù là chiến tranh, khủng bố, tự tử, phá thai, triệt sinh an tử hay triệt sinh trợ tử, đầu độc thực phẩm, tức tất cả những gì là văn hóa chết chóc của một thế giới càng văn minh con người càng bạo loạn và hư vong, nên họ vững vàng cậy trông vào tối thượng quyền toàn năng của Thiên Chúa, đã được thể hiện nơi Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, kẻ lành và kẻ dữ, nhờ đó họ vẫn luốn mến yêu sống yêu thương trong chân lý (caritas in veritate) và chân lý trong yêu thương (caritas in veritatem), bằng cách lấy lành thắng dữ theo đúng như đường lối và công cuộc cứu độ của Thiên Chúa nơi lịch sử loài người, "để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Corinto 15:28).

 

Trong trường hợp chiêm niệm cầu nguyện, Kitô hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Đấng biết tất cả những gì họ ước nguyện và cần thiết hơn cả chính bản thân của họ nhận thức về họ (xem Mathêu 6:8), bởi thế, tác động cầu nguyện chiêm niệm của họ đó là việc trầm lắng cậy trông tận tuyệt phó mình cho Đấng là Cha của họ ở trên trời, để Ngài có thể hoàn toàn quyết định và sử dụng theo ý định tối cao vô cùng thiện hảo của Ngài, cho "Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" (Mathêu 6:9-10), nơi cuộc đời của một người con liên lỉ nỗ lực yêu mến Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất hết lòng muốn, hết linh hồn và hết sức lực của họ (xem Đệ Nhị Luật 6:10).

 

Trong trường hợp cử hành phụng vụ, Kitô hữu tin tưởng rằng mục đích Thiên Chúa dựng nên loài người là để ở cùng loài người nơi Lời Nhập Thể (xem Gioan 1:14) và để loài người có thể hiệp thông thần linh với Ngài nhờ Thánh Thần của Ngài (xem 2Corinto 13:13), và Thiên Chúa đã thực hiện mục đích này qua phụng vụ của Giáo Hội, một phụng vụ chẳng những cho thấy sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa mà còn tác động thần linh của Ngài nơi những ai cử hành phụng vụ hay lãnh nhận Ngài nơi các Bí Tích Thánh bằng tất cả niềm khao khát của lòng cậy trông, nhờ đó sự sống thần linh của Chúa Kitô như nhựa sống của Thân Nho truyền sang cho từng cành nho (xem Gioan 15:5) khiến Tình Yêu của Thiên Chúa trổ sinh muôn vàn hoa trái cứu độ các linh hồn nơi lòng yêu mến của họ. 

 

Trong trường hợp hoạt động tông đồ, Kitô hữu tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng thiện hảo vô cùng đáng kính đáng mến trên hết mọi sự, Đấng đã yêu thương con người đến ban Con Một Mình (xem Gioan 3:16) và đã không dung than cho Con Một mình (xem Rm 8:32), vì muốn hết mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (xem 1 Timôthêu 2:4), nhờ đó con người được hiệp thông thần linh với Ngài đúng như ý định tạo dựng của Ngài, bởi thế là Kitô hữu họ cần phải làm sao để trở thành nhân chứng tông đồ cho Tình Yêu Thiên Chúa, một Tình Yêu vô cùng nhân hậu đã rạng ngời tỏ hiện nơi cuộc Vượt Qua của Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bất chấp mọi gian nan khốn khó gây ra bởi thế gian, vì họ hoàn toàn trông cậy vào Đấng đã chiến thắng thế gian (xem Gioan 16:33) và được toàn quyền năng trên trời dưới đất (xem Mathêu 28:18), và vì yêu mến Đấng đã yêu thương họ và đã hiến mạng cho họ (xem Galata 2:20), họ cũng sẵn sàng thí mạng sống mình cho phần rỗi của nhân loại, "để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự" (1Corintô 15:28).

 

Ý thức Đức Tin - Cảm nghiệm Đức Cậy - Sự sống Đức Mến

 

Tóm lại, tất cả những gì Kitô hữu chúng ta là con cái của Thiên Chúa, là môn đệ của Chúa Kitô, là chi thể của Giáo Hội suy nghĩ, phán đoán, chọn lựa, phát biểu, tác hành, phản ứng, tránh lánh, chịu đựng v.v. đều phải làm sao thực sự biểu hiện ý thức đức tin và được thực hiện bằng cảm nghiệm đức cậy để có thể tỏ hiện sự sống đức mến.

 

Nếu Đức Tin liên quan đến Thần Linh thì Đức Cậy liên quan đến nhân linh, đến bản thân hay tâm linh của con người do nguyên tội vốn hết sức mù quáng và hèn yếu của họ nhiều hơn, vì con người, cho dù đã chấp nhận Mạc Khải Thần Linh khi lãnh nhận Phép Rửa, vẫn cảm thấy chới với trong đời thường mỗi khi phải áp dụng Ý Thức Đức Tin của mình vào những trường hợp phi thường theo quan phòng thần linh, vượt trên tất cả mọi ý nghĩ (dù khôn ngoan nhất), ý thích (dù vô tội và lợi ích nhất) và ý muốn (dù tốt lành nhất) của con người tự nhiên.

 

Như thế, về phía con người, như Đức Tin, Đức Cậy chẳng những là một tặng ân của Thiên Chúa, là tài năng siêu nhiên được Thiên Chúa phú bẩm cho con người nơi Phép Rửa, mà còn là tác động của con người hướng về Chúa, một tác động nhân bản trong việc nhận biết mình vô cùng bất xứng và bất lực nếu không có Thánh Thần là Quyền Lực từ trên cao (xem Luca 1:35, 24:49) trợ giúp trong việc nguyện cầu cũng như trong việc chịu đựng tất cả mọi gian nan khốn khó vì Đức Tin, nhờ đó họ mới có thể tuyệt đối tin tưởng tín thác vào Đấng Quan Phòng Thần Linh toàn năng và toàn ái. 

 

Nếu Đức Tin liên quan đến Mạc Khải Thần Linh và Đức Cậy liên quan đến Ân Sủng Thần Linh thì Đức Mến liên quan đến Hiệp Thông Thần Linh. Ở chỗ, Thiên Chúa là Tình Yêu vô cùng nhân hậu và toàn năng hoàn toàn chiếm đoạt và làm chủ con người Kitô hữu, một con người, bằng một Đức Tin tuân phục (xem Roma 1:5), đã hoàn toàn Cậy Trông tin tưởng phó phác vào Ngài, để Ngài toàn quyền định đoạt về họ theo như ý muốn tối cao vô cùng khôn ngoan và toàn thiện của Ngài, và tùy nghi sử dụng họ như đã sử dụng người Tỳ Nữ Xin Vâng của Ngài là Trinh Mẫu Maria đầy ân phúc (xem Luca 1:28).

 

Đức Cậy còn giúp cho con người Kitô hữu trở nền bần cùng thiêng liêng, không còn ham ước một sự gì thuần tạo vật trên trần gian này nữa ngoài chính Thiên Chúa tối cao, Đấng là khát vọng duy nhất của họ, là thần tượng tuyệt đối của họ, là lương thực hằng ngày của họ, đến độ họ sống không thể thiếu Ngài là hồn sống bất diệt của họ. Mẹ Maria đã sống Đức Cậy ở chỗ "không biết đến nam nhân" (Luca 1:34), và ở chỗ nhận biết tình thương Thiên Chúa đã "thương đến phận thấp hèn tôi tớ của Ngài" (Luca 1:48), Đấng "cho người đói khó no đầy ơn phúc" (Luca 1:53), mà đệ nhất tạo vật về ân sủng là chính Mẹ "đầy ân phúc" (Luca 1:28).

 

Như thế, nếu chiều kích tin tưởng phó thác của Đức Cậy liên quan đến Đức Tin thì chiều kích bần cùng thiêng liêng và khao khát thần linh của Đức Cậy liên quan đến Đức Mến. Hai chiều kích bất khả thiếu và bất khả phân ly này của Đức Cậy là những gì cho thấy trình độ tu đức cao nhất nơi Kitô hữu, thành phần hiếm hoi trong việc đạt tới giai đoạn Thần Hiệp, giai đoạn cầu nguyện chiêm niệm và nội tâm sâu xa, đến độ họ có thể hiên ngang và mãnh liệt nói như Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư gửi Giáo Đoàn Roma (8:35-39), một câu nói bao gồm cả 3 thần đức cũng là ba nhân đức đối thần Tin - C ậy - M ến:

 

"Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (36) Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. (37) Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta. (38) Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, (39) chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta" (bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Phụng Vụ Các Giờ Kinh).

 

Bài này đã được Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp phổ biến

trong số báo Tháng 9/2015