SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

LỄ THÁNH TÂM CHÚA (Thứ 6) & KHIẾT TÂM MẸ (Thứ 7)

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

 

Thứ Sáu

 

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

 


Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm cho Phụng Vụ Chu Kỳ Năm B được lấy từ Phúc Âm Thánh Gioan (19:31-37), chứ không phải Thánh Marco, trong khi bài Phúc Âm Năm A vẫn Thánh Mathêu và Năm C vẫn Thánh Luca, vì Năm A và C có hai bài Phúc Âm thích hợp về Thánh Tâm Chúa Giêsu, một bài của Phúc Âm của Thánh Mathêu (11:25-30) về một Thánh Tâm "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Năm A) và một bài Phúc Âm của Thánh Luca (15:3-7) về Thánh Tâm yêu thương "con chiên lạc".

 

NĂM A

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

Bài Ðọc I: Ðnl 7, 6-11

"Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi".

Trích sách Ðệ Nhị Luật.

Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập. Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 6-7. 8 và 10

Ðáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người (c. 17).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. - Ðáp.

2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. - Ðáp.

3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel. - Ðáp.

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Ga 4, 7-16

"Thiên Chúa thương yêu chúng ta trước".

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta phải thương yêu nhau, vì tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Vì lẽ hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Ðiều này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta: là Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống. Tình yêu ấy là thế này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta.

Các con thân mến, nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nếu chúng ta thương yêu nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta đã được tuyệt hảo. Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế.

Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 11, 25-30

"Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói rằng: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho.

"Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng".

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

 

Phụng Vụ Lời Chúa cho Lễ Thánh Tâm Chúa cũng được Giáo Hội chia làm 3 chu kỳ A, B và C. Bài Phúc Âm Năm A nhấn mạnh đến chiều kích bản chất của Thánh Tâm Chúa Giêsu là "hiền lạnh và khiêm nhượng trong lòng"; Bài Phúc Âm Năm B, không theo Thánh Marco mà theo Thánh Gioan, nhấn mạnh đến chiều kích đớn đau của Thánh Tâm Chúa bị lưỡi đòng đâm vào; Bài Phúc Âm Năm C theo Thánh Luca theo chiều kích ước vọng của Thánh Tâm Chúa đối với con chiên lạc.

Chiều Kích Năm A với chính Thánh Tâm; Chiều Kích Năm B với tội lỗi, và Chiều Kích Năm C với tội nhân. Nhưng chiều kích năm B với tội lỗi và chiều kích Năm C với tội nhân đều lệ thuộc vào chiều kích Năm A về bản chất "hiền lành và khiêm nhượng" của Thánh Tâm Chúa, vì nếu Thánh Tâm Chúa Giêsu không "hiền lành và khiêm nhường", mà là chỉ thánh hảo và công minh thôi thì Thánh Tâm Chúa sẽ không thể nào hợp với tội lỗi và có thể chấp nhận tội nhân.

Riêng Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, ý tưởng chung và chính yếu là tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Trước hết, Bài Phúc Âm cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với những tâm hồn bé mọn, cũng như với những tâm hồn người lớn sầu khổ.

Đối với những con người bé mọn, cũng có thể gọi là các hồn nhỏ, Tình Yêu Thiên Chúa trở thành một mạc khải thần linh, mà nhờ bé mọn trước nhan Chúa, luôn khao khát Chúa và tin cậy vào Người mà họ đã cảm nhận được nơi bản thân cùng cuộc đời của họ.

Còn đối với những tâm hồn người lớn, nói gọn là hồn lớn, những tâm hồn cho mình là khôn, nên cậy sức mình, không sống nhỏ bé trước nhan Chúa, do đó đã cảm thấy mệt mỏi bên trong và nặng gánh bên ngoài, nhất là khi gặp gian nan thử thách, chống đối hiểu lầm, thất bại trái ý v.v., thì được Chúa kêu gọi đến với Người, để được bổ sức và bình an, nhờ đó sẽ chẳng những không còn cảm thấy "mệt mỏi và gánh nặng" nữa, mà trái lại, cho dù vẫn tiếp tục phải mang vác tất cả các thứ gian nan khốn khó như trước, họ lại cảm thấy "êm ái và nhẹ nhàng". Miễn là họ biết "mang lấy ách" của Chúa và "học cùng Chúa". Bằng không, họ sẽ không thể nào được hoàn toàn biến đổi như thế.

Ở đây, những hồn lớn phải làm sao biết "hoán cải và trở nên như những trẻ nhỏ" (Mathêu 18:13), ở chỗ chấp nhận mọi sự theo Thánh Ý Chúa, nơi việc vui lòng "mang ách của Chúa", theo gương "hiền lành và khiêm nhượng" của Chúa Kitô "cho dù là Con, Người đã biết tuân phục nơi những gì phải chịu" (Do Thái 5:8), "đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập tự giá" (Phliphê 2:8).

Ở Bài Đọc 1, Tình Yêu của Thiên Chúa đối với dân Do Thái là một tình yêu nhưng không và thủy chung:

"Các ngươi là một dân hiến thánh cho Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã chọn các ngươi để làm dân riêng của Người giữa mọi dân tộc trên mặt đất. Không phải vì các ngươi đông số hơn mọi dân tộc khác mà Thiên Chúa gắn bó với các ngươi và tuyển chọn các ngươi, vì thực ra, các ngươi ít số hơn mọi dân tộc khác; nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập".

Mục đích Tình Yêu của Thiên Chúa nhưng không và thủy chung với dân Do Thái là để họ nhận biết và tin vào Người, bằng việc đáp ứng tình yêu thương của Ngài, ở chỗ tuân giữ lề luật của Ngài, bằng không, họ sẽ gánh chịu hậu quả bất trung của họ với tình yêu của Ngài:

"Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. Người báo oán ngay những kẻ thù ghét Người, bằng cách tiêu diệt chúng không trì hoãn, trả báo tức khắc như chúng đã đáng tội. Vì vậy các ngươi hãy tuân giữ điều răn, nghi lễ và lề luật mà ta truyền cho các ngươi hôm nay, để các ngươi thi hành".

Cho dù họ có bất trung với Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với họ, vẫn tỏ lòng xót thương họ cho đến khi họ nhận biết Ngài mà được sống, đúng như Thánh Vịnh 102 ở bài Đáp Ca hôm nay, một bài Đáp Ca bao gồm Tình Yêu của Thiên Chúa đối với cả người công chính lẫn tội nhân: "Lòng yêu thương của Chúa vẫn tồn tại, từ thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người". 

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa! Toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

2) Người đã thứ tha cho (ngươi) mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

3) Chúa thi hành những việc công minh, và trả lại quyền lợi cho những người bị ức. Người tỏ cho Môsê được hay đường lối, tỏ công cuộc Người cho con cái Israel.

4) Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Ở Bài Đọc 2, Thánh Gioan Tông Đồ, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu kêu gọi Kitô hữu hãy đáp lại tình yêu thương của Thiên Chúa đối với họ, bằng cách yêu thương nhau. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại chúng ta ở chỗ nào, một tạo vật vô cùng hèn hạ và tội lỗi bất xứng với sự toàn thiện và tình yêu vô cùng khả ái của Ngài, nếu không phải ở chỗ "Thiên Chúa chúng ta đã sai Con Một Người đến trong thế gian, để nhờ Ngài mà chúng ta được sống".

Nghĩa là ở chỗ "chính Người đã thương yêu chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta", chứ "không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa", vì chỉ khi chúng ta được Ngài yêu chúng ta mới có thể yêu mến Ngài và yêu thương anh chị em của chúng ta thôi. Và cũng chính vì Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta như thế mà chúng ta có trách nhiệm phải yêu thương nhau: "Nếu Thiên Chúa thương yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải thương yêu nhau".

Tuy nhiên, dù có được Thiên Chúa yêu trước và có nhận biết được mình được Thiên Chúa yêu, nhân loại chúng ta vẫn không thể nào yêu mến Ngài và yêu thương anh chị em của chúng ta, nếu chúng ta không có chính Thánh Linh của Ngài, Đấng được Ngài ban cho chúng ta khi lãnh nhận Phép Rửa Tái Sinh, một Thánh Thần như ấn tín chúng ta được chứng nhận là con cái của Thiên Chúa, vì chỉ những ai là con cái của Thiên Chúa mới có Thánh Thần thôi. Vì Thánh Thần là nguyên lý hiệp thông, làm cho chúng ta chẳng những nhận biết Tình yêu của Thiên Chúa mà còn được hiệp nhất nên một với Thiên Chúa, nhờ tình yêu của chúng ta kính mến Thiên Chúa bởi tác động của Thánh Thần ở trong chúng ta:

"Do điều này mà chúng ta biết chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta: là Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và chúng ta đã thấy và chứng nhận rằng Chúa Cha đã sai Con mình làm Ðấng Cứu Thế. Ai tuyên xưng Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở trong người ấy, và người ấy ở trong Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, và ai ở trong tình yêu, thì ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người ấy".

Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải chỉ hiểu một chiều, như hầu như tất cả chúng ta vẫn hiểu từ trước đến nay, đó là Thánh Tâm Chúa là tiêu biểu cho Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại tạo vật và tội lỗi chúng ta, nhưng chúng ta quên mất một chiều kích khác về Thánh Tâm Chúa, đúng hơn, Thánh Tâm Chúa Giêsu có một ý nghĩa duy nhất nhưng lưỡng diện, một mặt là tiêu biểu cho LTXC, nhưng mặt kia tiêu biểu cho chính tình yêu của con người đối với Thiên Chúa. 

 

Ở chỗ, khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã thực sự trở thành một Con Người như chúng ta: "là Thiên Chúa thật và là người thật" (Kinh Tin Kính), thành một Con Người lịch sử mang danh Giêsu Nazarét, và Con Người thật này cũng đã tỏ tình kính mến Cha trên trời của mình, bằng tất cả lòng tuân phục trọn hảo của Người, và vì thế, với Thánh Tâm Chúa Giêsu, loài người tạo vật và tội lỗi chúng ta đã có thể kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn của chúng ta, một việc tự mình chúng ta vừa bất xứng lại vừa bất khả, một lòng kính mến như Thiên Chúa là và như Ngài vô cùng xứng đáng, và như Thiên Chúa đã yêu chúng ta nơi Con của Ngài vậy. Tuyệt vời. Alleluia!

 

NĂM B

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9

"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".

Trích sách Tiên tri Hôsê.

Ðây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.

Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6

Ðáp: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng Cứu Ðộ (c. 3).

Xướng: 1) Ðây Thiên Chúa là Ðấng Cứu Chuộc tôi, tôi sẽ tin tưởng mà hành động và không khiếp sợ: vì Chúa là sức mạnh, là Ðấng tôi ngợi khen, Người sẽ trở nên cho tôi phần rỗi. - Ðáp.

2) Hãy ca tụng Chúa và kêu cầu danh Người, hãy công bố cho các dân biết kỳ công của Chúa, hãy nhớ lại danh Chúa rất cao sang. - Ðáp.

3) Hãy ca tụng, vì Người làm nên những việc kỳ diệu, hãy cao rao việc đó trên khắp hoàn cầu. Hỡi người cư ngụ tại Sion, hãy nhảy mừng ca hát, vì Ðấng cao cả là Ðấng Thánh Israel ở giữa ngươi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 3, 8-12. 14-19

"Biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người".

Trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, tôi là kẻ hèn nhất trong các thánh, nhưng đã được ơn này là rao giảng cho Dân Ngoại những sự giàu có không thể thấu hiểu được, và soi sáng cho mọi người biết cách thức phân phát mầu nhiệm đã được ẩn giấu từ muôn thuở trong Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vạn vật: khiến các chủ thần và quyền thần thiên quốc đều phải nhờ Hội thánh mới biết được sự khôn ngoan muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, thể theo dự định từ trước muôn đời mà Ngài đã thi hành trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Người, chúng ta được cậy trông và nhờ lòng tin vào Ngài, chúng ta mạnh dạn đến cùng Ngài.

Nhân vì lẽ ấy, tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.

Hoặc: 1 Ga 4, 10b

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 19, 31-37

"Tên lính đâm thủng cạnh sườn Người, và máu cùng nước chảy ra".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Bởi lẽ là Ngày Chuẩn Bị, và để tránh cho các tử thi không còn treo trên thập giá trong ngày sabbat, vì ngày sabbat là một ngày trọng đại, những người Do-thái xin Philatô cho hạ các tử thi xuống, sau khi đánh giập ống chân. Bấy giờ những người lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu. Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra. Và kẻ đã xem thấy, thì đã minh chứng, mà lời chứng của người đó chân thật, và người đó biết rằng mình nói thật để cả chư vị cũng tin. Những điều đó đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: "Không một cái xương nào của Người bị đánh giập". Và lại có lời Kinh Thánh khác rằng: "Chúng sẽ nhìn vào Ðấng chúng đã đâm thâu qua".

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

 

Còn bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Năm B là bài phúc âm về biến cố Chúa Giêsu tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến máu cùng nước chảy ra: "Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng thấy Người đã chết, nên không đánh giập ống chân Người; nhưng một tên lính lấy ngọn giáo đâm thủng cạnh sườn Người, và lập tức máu cùng nước chảy ra".  

Sự kiện cho dù đã chết mà thân xác tử giá của Chúa Kitô vẫn bị lưỡi đòng đâm vào như thế chứng tỏ là "Người đã yêu thương những ai thuộc về Người thì Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1), đến giọt máu cuối cùng, đến giọt nước cuối cùng, cả hai "máu" và "nước" đều biểu hiệu cho sự sống nơi thân thể của Người, đã hoàn toàn tiết ra hết không còn gì trong thân thể của Người nữa. 

Sự kiện "máu và nước chảy ra" ở đây cũng tiêu biểu cho việc Giáo Hội được hạ sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô như nguyên tổ Evà từ cạnh sườn của Adong trong vườn địa đường vậy, một sự kiện có thể đã được cảm nghiệm bởi Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô trong Thư Epheso: "... Chúa Kitô đã yêu thương Giáo Hội. Người đã hiến mình cho Giáo Hội, để làm cho Giáo Hội nên thánh hảo, thanh tẩy Giáo Hội trong nước bằng quyền năng lời của Người, để hiện lên trước nhan Người một Giáo Hội hiển vinh, thánh hảo và tinh tuyền, không nhăn nheo hay bất cứ sự gì như thế" (5:25-27). 

Sự kiện "máu và nước chảy ra" đây còn tiêu biểu cho chính cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, "máu" (tiểu biểu cho cuộc tử nạn) chảy ra trước "nước" (tiêu biểu cho sự sống hay Thánh Linh) chảy ra sau. Nhưng cả hai đều tiêu biểu cho tình Ngài yêu thương Giáo Hội: "máu Thày sẽ đổ ra vì các con" (Luca 22:20), "các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22). 

Tuy nhiên, vấn đề then chốt ở Bài Phúc Âm cho Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm B này là ở chỗ, "máu và nước", tiêu biểu cho "sự sống và là sự sống viên mãn" (Gioan 10:10): "sự sống" nơi "máu" Thánh Tẩy Tái Sinh, và "sự sống viên mãn" nơi "nước" Thánh Linh Quyền Năng, không thể nào "chảy ra" nếu không qua một lỗ hổng, một lỗ hổng tội lỗi, được tạo ra bởi lưỡi đòng tội nhân đâm vào. Có nghĩa là tội lỗi là cơ hội vô cùng hiếm quí và cần thiết để Thiên Chúa, qua Chúa Kitô tử giá, tỏ tất cả lòng thương xót của Ngài ra cho loài người tội lỗi, đến độ, có thể nói, tội lỗi do tội nhân vấp phạm đã mở ra lòng thương xót Chúa, nhờ đó: "Ở đâu tội lỗi tràn lan thì ở đó ân sủng còn dồi dào hơn gấp bội" (Roma 5:20).

Thánh Tâm Chúa Giêsu quả thực là biểu hiệu cho tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với chung nhân loại và riêng Giáo Hội Nhiệm Thể của Người, và chính bản thân của Người nói chung và Thánh Tâm của Người nói riêng là hiện thân của tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu tuyệt vời đã được mạc khải trong suốt Lịch Sử Cứu Độ của Dân Do Thái, như được Tiên Tri Hosêa (11:1b,3-4,8c-9) thuật lại tất cả tâm can của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất này hết sức cảm động như sau: 

"Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.... Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn... Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt". 

Ở Bài Đọc 2, trong Thư Epheso (3:8-12,14-19), vị tông đồ Phaolô, một "kẻ hèn nhất trong các thánh" đã bày tỏ niềm nguyện cầu của mình cho Kitô hữu Thành Êphêsô được nhờ tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô mà trở nên "con người thiêng liêng" đầy những kiến thức thần linh về mọi chiều kích của tình yêu Chúa Kitô:  

"Tôi quỳ gối trước mặt Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài là nguồn gốc mọi danh phận làm cha trên trời dưới đất. Xin Ngài chiếu theo sự giàu có vinh quang của Ngài và nhờ Thánh Thần của Ngài, thêm sức mạnh cho anh em được nên người thiêng liêng, và nhờ đức tin, anh em được Ðức Kitô ngự trong lòng anh em, làm cho anh em đâm rễ sâu và lập nền kiên cố trong đức mến, để anh em được hiệp cùng các thánh mà hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu, và cũng được biết lòng mến của Ðức Kitô vượt quá trí hiểu loài người, để anh em được sung mãn trong mọi sự viên mãn của Thiên Chúa". 

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin hoán cải con trở nên như những trẻ nhỏ của Lòng Thương Xót Chúa, để con biết nhìn hết mọi anh chị em con bằng ánh mắt của tình yêu vô cùng nhân hậu Chúa như Mẹ Maria, cho tất cả được hiệp nhất nên một trong Cha và Con và Thánh Thần. Amen.



NĂM c

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

 

Bài Ðọc I: Ed 34, 11-16

"Ta sẽ săn sóc đoàn chiên Ta và sẽ kiểm soát chúng".

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3. 4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - Ðáp.

2) (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Rm 5, 5-11

"Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người Ðối với chúng ta ".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: GA 10,14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 15, 3-7

"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải".

Ðó là lời Chúa.

 

SUY NIỆM CẢM NGHIỆM

 

Nếu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, qua phụng vụ Lời Chúa của từng chu kỳ, Năm A nhấn mạnh đến chính tình yêu của Thiên Chúa, Năm B nhấn mạnh đến tội lỗi, thì Năm C nhắm đến đối tượng tội nhân. Đối tượng tội nhân của Tình Yêu Thiên Chúa đây được Chúa Kitô nói tới trong Bài Phúc Âm Năm C hôm nay đó là con chiên lạc. Chỉ có 1 trong 100 con chiên bị lạc mà chủ chiên cũng phải vất vả tìm kiếm cho bằng được mới thôi, chứ không cậy mình đã có nhiều chiên rồi, không cần con chiên lạc ấy nữa, chẳng cần mất công tìm kiếm, thậm chí tác hại đến cả đàn chiên 99 con còn lại.

Như thế chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa vô cùng nhân hậu, không bỏ một ai: "Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình thì Người cũng muốn chứng tỏ rằng Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gioan 13:1). "Đến cùng" ở đây không phải chỉ liên hệ tới riêng chủ thể, đó là yêu đến hiến mạng sống mình vì người mình yêu (xem Gioan 15:13), mà còn yêu đến cùng ở đối tượng yêu nữa, yêu cả con chiên lạc được coi là con chiên cuối cùng, tiêu biểu trong tông đồ đoàn 12 vị ở biến cố Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trước Bữa Tiện Ly đó là người môn đệ Giuđa Íchca.

Chính vì yêu thương chung loài người tạo vật tội lỗi mà Tình Yêu đã hóa thành nhục thê, và khi đã mặc lấy nhân tính của con người rồi, Tình Yêu "đến để tìm kiếm và cứu với những gì đã hư vong" (Luca 19:10), tiêu biểu như viên trưởng ban thu thuế Giakêu lùn (xem Luca 19:1-10), hay như người phụ nữ Samaritanô sống với 6 người đàn ông không phải là chồng của nàng tại Giếng Giacóp (xem Gioan 4:7-30); hoặc như người phụ nữ tội lỗi trong thành tìm đến với Chúa để rửa chân cho Người bằng nước mắt của mình, lau chân Người bằng tóc của mình, và xức dầu thơm trên chân Người bằng dầu thơm hảo hạng (xem Luca 7:36-50), hay như người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được Người chẳng những cứu cho khỏi chết về phần xác mà còn cả phần hồn nữa (xem Gioan 8:2-11). v.v.

Đối với các con chiên lạc này nói riêng cũng như với chung đoàn chiên của mình, Thiên Chúa đích thân chăn dắt chúng, chứ không thuê bất cứ một kẻ chăn chiên nào khác, vì chẳng ai yêu chiên của mình bằng chính chủ chiên của chúng; chúng chẳng những được chủ chiên đích thực của chúng chăm sóc, bảo vệ và quan tâm đến từng con một, mà còn làm sao cho chúng được "sự sống và sự sống viên mãn hơn" (Gioan 10:10), như chính Thiên Chúa đã minh định qua miệng Tiên  Tri Êzêkiên trong Bài Đọc 1 hôm nay:

"Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính".

 

Và đó là lý do thành phần chiên của vị chủ chiên nhân lành này không thể nào không cảm nghiệm thấy những tâm tình của Bài Thánh Vịnh 22 ở bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người.

2) (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Con chiên lạc trong Bài Phúc Âm hôm nay tiêu biểu cho con người tội lỗi, đối tượng của tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng lợi dụng họ để chứng tỏ tình yêu vô đối của Người, đúng như Thánh Phalo Tông Đồ đã cảm nhận và xác tín trong Bài Đọc 2 hôm nay: "Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta".

Và chính khi Thiên Chúa yêu thương tội nhân chúng ta là Ngài thông ban cho chúng ta Thánh Thần của Ngài: "Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta", và chỉ nhờ Vị Thánh Thần này mà chúng ta mới cảm nghiệm thấy tình yêu của Thiên Chúa và mới có thể đáp lại tình yêu của Thiên Chúa như Ngài đã yêu thương chúng ta, và như Ngài là cũng như Ngài muốn.

Lạy Chúa Thánh Thần là mạch nước vọt lên sự sống đời đời,/

nơi Giáo Hội của Chúa Kitô,/

cũng như nơi từng Kitô hữu chúng con/ là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội,/

khi chúng con lãnh nhận các Bí Tích Thánh,/

cách riêng Bí Tích Thánh Tẩy tái sinh,/ và Bí Tích Thêm Sức nhân chứng.

 

Chúa là Đấng Phù Trợ khác,/

được Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha/ và từ Cha sai đến với chúng con,

để dẫn chúng con vào tất cả sự thật là chính Chúa Kitô,/

là ý nghĩa Lời Người dạy,/ và là tinh thần Người đã sống,/

nhờ đó chúng con mới có thể/

đạt đến tầm vóc toàn hảo của Chúa Kitô/ là Đầu trong Nhiệm Thể Giáo Hội,/

và chính vì Chúa Kitô sống trong chúng con như thế,/

chúng con mới có thể trở thành một Chúa Kitô Khác/ - Alter Christus./

 

Xin Chúa hãy đến để canh tân bộ mặt trái đất/ là chính văn hóa của con người,/

một thứ văn hóa chết chóc,/ như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nhận định,/

 và thậm chí còn là một thứ văn hóa tận số,/ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác,/

nhất là trong Mùa Đại Dịch Covid-19 toàn cầu hiện nay,/

một cái vạ kinh hoàng gây ra bởi tội lỗi của nhân loại./

 

Chớ gì bộ mặt trái đất được Chúa canh tân,/

nhờ hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội Chúa Kitô,/

một hoạt động chứng nhân tông đồ tràn đầy Niềm Vui và Hy Vọng bất khả thiếu,/

cho một thế giới đang âm u mịt mù tăm tối đầy bất an hiện nay:/

Một Niềm Vui và Hy Vọng/ 

được kết tinh bởi các Hoa Trái Thần Linh của Chúa,/

cũng như bởi các Phúc Đức Trọn Lành của Chúa Kitô;/

Một Niềm Vui và Hy Vọng/

 được trổ bông bởi tác động thần linh quyền năng của Chúa,/

nơi Kitô hữu chúng con/ là nhân chứng trung thực và sống động của Chúa Kitô./

 

 

 

 

Thứ Bảy

 

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Hc 24, 1-2. 5-7. 12-16. 26-30

"Ðức Maria là toà sự khôn ngoan".

Trích sách Huấn Ca.

Ðức Khôn ngoan ngợi khen chính mình, được ca tụng trong Thiên Chúa, được ngợi khen giữa dân mình. Ðức Khôn ngoan mở miệng trong cộng đoàn Ðấng Tối Cao, được ngợi khen trước mặt uy quyền Người: "Ta phát xuất từ miệng Ðấng Tối Cao, ta được sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Ta hoạt động trên trời để ánh sáng được chiếu toả khắp nơi; và như mây trời, ta bao trùm cả vũ trụ. Ta cư ngụ trên trời cao, và ngai toà của ta được đặt trên tầng mây.

"Bấy giờ Ðấng Tạo thành muôn vật phán dạy ta, Ðấng dựng nên ta nghỉ ngơi trong nhà ta, và bảo ta rằng: "Hãy ở trong nhà Giacóp; hãy hưởng cơ nghiệp trong Israel; hãy đâm rễ trong những người ta chọn!"

"Ta được tạo dựng từ nguyên thuỷ, trước muôn đời. Ðến muôn đời ta vẫn chẳng giảm suy. Ta phục vụ trong đền thánh trước mặt Người. Và như thế, ta đứng vững ở Sion, ta cũng nghỉ ngơi trong thành thánh và uy quyền ta ở trong Giêrusalem. Ta ở mãi trong một dân được trọng vì, trong lãnh địa, trong cơ nghiệp của Thiên Chúa. Ta ở lại trong đại đoàn các Thánh.

"Tất cả những ai yêu thích ta, hãy đến cùng ta, và các người sẽ được no đầy hoa quả của ta. Vì tinh thần của ta thì ngọt hơn mật ong, và gia nghiệp của ta thì ngọt hơn cả tàng ong. Người ta sẽ nhớ đến ta muôn đời. Những ai ăn ta sẽ còn đói, và những ai uống ta sẽ còn khát. Ai nghe ta sẽ không phải hổ ngươi, và những ai thi hành các việc của ta sẽ không mắc tội".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8

Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).

Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.

2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.

3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.

4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

"Thiên Chúa đã chọn chúng ta trong Chúa Kitô trước khi tạo dựng thế gian".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Chúa đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Chúa trong tình yêu thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Phúc Âm: Lc 2, 41-52

"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".

Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.

Ðó là lời Chúa.

 

Chia sẻ 1

 

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, trước kia chỉ là Lễ Trái Tim Mẹ Maria hay Lễ Khiết Tâm Đức Mẹ, nhưng từ khi Chị Lucia, một trong 3 Thiếu Nhi Fatima còn "sống ở thế gian lâu hơn để làm cho Mẹ đưoọc nhận biết và yêu mến" (Mẹ nói với Lucia ở Fatima 13/6/1917) đệ trình lên Đức Thánh Cha Piô XII bức thư ngày 12/10/1940, trong đó, có 2 thỉnh nguyện chính: 1- xin Đức Thánh Cha hiệp cùng với hàng giáo phẩm trên thế giới hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria; 2- xin ngài thiết lập Lễ Trái Tim Mẹ (đã được phép cử hành ở địa phương bấy giờ), thành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cho chung Giáo Hội hoàn vũ.

 

Về điều thỉnh nguyện thứ 1, Đức Thánh Cha Piô XII, vị giáo hoàng sau này đã tuyên bố Tín Điều Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời ngày 1/11/1950, đã hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 31/10/1942; và về điều yêu cầu thỉnh nguyện thứ 2, theo ý của ngài, Bộ Phượng Tự đã ban hành văn kiện ngày 4/5/1944 về việc thiết lập lễ này theo đúng danh xưng mới cho toàn thể Giáo Hội, nhưng cử hành vào ngày 22/8 hằng năm, cho tới năm 1969, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, Lễ Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã được chuyển vào Thứ Bảy ngay sau Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

 

Đúng thế, nếu bài Phúc Âm Năm B về biến cố Chúa Kitô tử giá bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn khiến "máu cùng nước chảy ra", mà bấy giờ Chúa Kitô đã chết không còn biết đau đớn gì nữa, thì người đau thay Chúa, đau cái đau của Chúa, đau cái đau với Chúa và đau cái đau như Chúa bấy giờ chính là Mẹ Maria, Người Mẹ duy nhất của Người trên trần gian, và cũng là người Mẹ kính mến Người không thể nào tượng tượng nỗi, một tình yêu như vô biên đến độ càng làm cho Mẹ đau cái đau đã được vị tư tế lão thành Simeon, đã tiên báo 33 năm về trước khi Hài Nhi Giêsu được Mẹ cùng với bõ Giuse dâng ở trong Đền Thánh sau 40 ngày vào đời, diễn tả như thể bị "lưỡi gươm đâm vào lòng" (Luca 2:35). 

 

Tuy nhiên, bài Phúc Âm cho ngày Lễ Dâng Con ấy Giáo Hội lại không sử dụng lại cho Lễ Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria mà là một bài Phúc Âm khác cũng của Thánh ký Luca (2:41-51) về biến cố Mẹ Maria tìm thấy Người Con Thiếu Nhi Giêsu 12 tuổi của Mẹ trong Đền Thánh sau 3 ngày Mẹ lạc mất Người. 

 

"Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: 'Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây, đã đau khổ tìm Con'. Người thưa với hai ông bà rằng: 'Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?' Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói".

 

Cụm từ "sau 3 ngày" này phải chăng ám chỉ đến thời gian Chúa Giêsu khổ nạn và tử giá nằm trong mộ đá cho tới khi Người sống lại từ trong kẻ chết, một thời gian Mẹ mãnh liệt tin tưởng Con Mẹ chắc chắn sẽ phục sinh và trông đợi Người, nhưng cũng là thời gian Mẹ cảm thấy như mất đi lẽ sống vì Con Mẹ không còn ở với mẹ hay mẹ ở với Con Mẹ như khi Người còn sống nữa. Ba ngày lạc mất Con Mẹ cũng thế. 

 

Nếu Mẹ yêu mến Chúa đến độ không thể nào sống thiếu Chúa và sống mà không có Chúa thì Con Mẹ là chính "hiện thân của bản thể Cha" (Do Thái 1:3), là Thiên Chúa thật, là tất cả của Mẹ tự nhiên không còn ở với Mẹ nữa, Mẹ chẳng khác nào như chết đi vậy. Trong thời gian lạc mất con này Mẹ quả thực cảm thấy lòng Mẹ như thể bị gươm sắc đâm vào, vô cùng nhức nhối. Bởi thế, không lạ gì, khi vừa gặp thấy Con, Mẹ bản tính vốn ít nói đã như thể không cầm được lòng mình lên tiếng trách yêu Người như thể bày tỏ cho Người biết nỗi "đau khổ tìm Con" của Mẹ.

 

Cho dù "không hiểu lời Người nói", thế nhưng, như bài Phúc Âm hôm nay ghi nhận, "Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng". Đây là chi tiết thứ hai liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Bởi vì Trái Tim Mẹ là tiêu biểu cho đức tin của Mẹ, ở chỗ, lòng Mẹ vẫn tin cho dù trí Mẹ không hiểu, và Mẹ luôn có thái độ lắng nghe, bằng cách "ghi nhớ ... trong lòng" từng lời và mọi lời của Chúa, để Mẹ nhờ đó có thể đáp ứng ý Chúa ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự một cách mau mắn và xác đáng đẹp lòng Chúa mọi bề.

 

Ở đây, theo chiều hướng Fatima, thì Trái Tim Mẹ ở đây không phải là Trái Tim Đau Thương, Trái Tim 7 Sự (bi 7 lưỡi gươm đâm vào), hoặc Trái Tim Trinh Khiết hay gọi tắt là Khiết Tâm Mẹ, mà là Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Nếu Trái Tim Mẹ tiêu biểu cho đức tin tuân phục của Mẹ thì "Vô Nhiễm Nguyên Tội" tiêu biểu cho tình trạng "đầy ơn phúc" ngay từ lúc hoài thai của Mẹ, một tình trạng "đầy ân phúc" nhờ đức tin tuân phục của Mẹ mà mức độ "đầy" không bao giờ vơi (Mẹ không bao giờ phạm một tí lỗi lầm nào), trái lại, càng "đầy" cho tới khi sức tự nhiên của Mẹ không thể nào chịu đựng được nữa nếu quyền năng của Chúa buông Mẹ ra thì Mẹ liền chuyển (transition) từ đời này sang đời sau.

 

Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội nơi Mẹ từ lúc hoài thai trong lòng thai mẫu là nhờ Mẹ được hưởng trước ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Con Mẹ, được gìn giữ khỏi mọi hậu quả và tì vết nguyên tội, như thể, Mẹ được bài đọc 1 (Isaia 61:9-11) diễn tả "Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi và choàng áo công chính cho tôi, như tân lang đầu đội triều thiên, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo".

 

Hỡi Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria là nơi con nương náu và là đường đưa con đến với Thiên Chúa muôn đời. Amen.

 

Bài khác về cùng Lễ Mẹ nặng tính cách lịch sử và chiếu kích Thánh Mẫu Fatima như sau:

 

Giáo Hội cử hành Lễ Nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, ngay sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đồng thời Lễ Nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria cũng kết thúc toàn bộ 4 Lễ Trọng về Sự Sống Hiệp Thông Thần Linh đầu Mùa Thường Niên hậu Mùa Phục Sinh: 1- Lễ Thánh Thần Hiện Xuống, 2- Lễ Chúa Ba Ngôi, 3- Lễ Mình Máu Chúa Kitô và 4- Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.  

Thật ra, ở mỗi Lễ Trọng trong 4 Lễ Trọng về Sự Sống Hiệp Thông Thần Linh này, nếu để ý, chúng ta cũng thấy được, ở từng Lễ, Mẹ Maria "đầy ơn phúc" nghĩa là đầy Sự Sống Hiệp Thông Thần Linh này rồi.  

Ở Lễ Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Mẹ Maria "đầy ơn phúc", ở chỗ Mẹ đã được Ngài bao phủ (xem Luca 1: 35), để nhờ đó Mẹ đã xứng đáng và có thể cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa Làm Người là Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ, Đấng là "Sự Sống" (Gioan 14:6). Ngoài ra Mẹ còn là Mẹ của Giáo Hội nữa, nên Giáo Hội cử hành Lễ Mẹ Giáo Hội ngay hôm sau, Thứ Hai sau Chúa Nhật Thánh Thần Hiện Xuống. 

Ở Lễ Trọng Chúa Ba Ngôi, Mẹ Maria "đầy ơn phúc" ở chỗ, Mẹ hoàn toàn phản ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa: Mẹ là Con của Thiên Chúa Ngôi Cha, "Chúa ở cùng Mẹ" (Luca 1:28), là Mẹ của Thiên Chúa Ngôi Con, Đấng Mẹ đã "thụ thai và hạ sinh" (Luca 1:31), và là Bạn của Thánh Thần Ngôi Ba, "Quyền Năng Đấng Tối Cao", nhờ Ngài mà Mẹ "hạ sinh Con Thiên Chúa" (Luca 1:35). 

Ở Lễ Trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Mẹ Maria "đầy ơn phúc" ở chỗ, chính huyết nhục của cung dạ trinh nguyên, như bánh và rượu trên bàn thờ, "bởi quyền phép Chúa Thánh Thần" (Mathêu 1:20), đã hóa nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Kitô thế nào, cũng làm nên Thánh Thể Chúa Kitô như vậy - Cung dạ hay lòng dạ của Mẹ quả thực là Lò sản xuất Thánh Thể, "quả phúc của lòng Mẹ" (Luca 1:42)! 

Ở Lễ Trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Mẹ Maria "đầy ơn phúc" ở chỗ, Trái Tim Mẹ đã nên một với Trái Tim Chúa, bất khả phân ly, nhất là khi Trái Tim Chúa bị đâm sau khi Người đã tắt thở trên thập tự giá, không còn biết đau đớn gì nữa, thì bấy giờ Trái Tim Mẹ đã đau cái đau của Chúa, đau cái đau với Chúa và đau cái đau thay Chúa, nhờ đó, chính lúc đớn đau chuyển bụng ấy, Mẹ đã sinh ra Giáo Hội Chúa Kitô. 

Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria được Đức Thánh Cha Piô XII thiết lập vào năm 1944 (ngày 4 tháng 5), để tưởng nhớ biến cố ngài hiến dâng toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo Hội vào ngày 31/10/1942. Cả việc hiến dâng và việc ngài thiết lập Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đều để đáp ứng thỉnh nguyện của Nữ Tu Lucia, một trong thiếu nhi Fatima thụ khải còn sống sót, viết gửi ngài ngày 24/10/1940.  

Đầu tiên, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria được Đức Thánh Cha Piô XII ấn định vào ngày 22/8 hằng năm, nhưng sau Công Đồng Chung Vaticanô II trong thập niên 1960, tức từ sau năm 1970, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria đã được chuyển sang ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu cho đúng nghĩa hơn, và giành ngày 22/8 cho Lễ Đức Mẹ Nữ Vương, sau lễ Mẹ Mông Triệu 1 tuần, và ngày 31/5 vốn giành cho lễ Mẹ Nữ Vương được giành cho Lễ Mẹ Thăm Viếng là lễ trước đó vào ngày 2/7, một thời điểm không thích hợp với tiến trình biến cố trong Phúc Âm, ở chỗ, Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả ngày 24/6 mà mãi đến mùng 2/7 Đức Mẹ mới đến thăm viếng, nên phải chuyển Lễ Mẹ Thăm Viếng vào trước Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan 24/6 và sau lễ Truyền Tin ngay 25/3 mới hợp tình hợp lý. 

Giáo Hội cử hành lễ nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria chứ không phải Lễ Trái Tim Mẹ một cách tổng quát vậy thôi. Vì chính Mẹ Maria hiện ra ở Fatima đã sử dụng cụm từ "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ" vào 2 trong 6 lần Mẹ hiện ra với 3 thiếu nhi Fatima thụ khải, đó là vào lần thứ 2, ngày 13/6, khi Mẹ tỏ cho 3 em thấy Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, và vào lần thứ 3, ngày 13/7, khi Mẹ tuyên bố "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới". Chưa hết, vào 2 lần hiện ra sau đó với riêng Chị Nữ Tu Lucia, lần nhất vào ngày 10/12/1925 để xin đền tạ "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ", và lần sau vào ngày 13/6/1929 để xin hiến dâng Nước Nga cho "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ". 

Hình ảnh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ khác với hình ảnh Trái Tim Đau Thương của Mẹ. Ở chỗ, hình ảnh Trái Tim Đau Thương Mẹ có 7 lưỡi gươm đâm vào, ám chỉ lời ông Simeon nói về Con Trẻ khi Mẹ dâng Người trong Đền Thờ (xem Luca 2:35). Còn hình ảnh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, như Mẹ tỏ ra cho Chị Lucia thấy, là một trái tim bị cuốn một vòng gai, ám chỉ các tội vô ơn bội nghĩa của Kitô hữu đối với Ơn Cứu Chuộc vô giá của Chúa Kitô đã ban cho họ, hằng liên lỉ đâm vào xâu xé tấm lòng của Mẹ thương Người Con Giêsu của Mẹ và thương con cái Chúa. 

"Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ" chất chứa 1 ý nghĩa "đầy ơn phúc" lưỡng diện: một đàng Mẹ "đầy ơn phúc" vì Mẹ được "Chúa ở cùng" (Luca 1:28), nên ngay từ khi đầu thai trong lòng thai mẫu, Mẹ đã được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi nhiễm lây nguyên tội, nghĩa là được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đàng khác, chính Mẹ cũng phải ở cùng Chúa nữa mới tiếp tục "đầy ơn phúc", vì trái tim biểu hiệu cho lòng Mẹ, cho đức tin tuân phục của Mẹ, ở chỗ Mẹ đã "xin vâng" (Luca 1:38), nên Mẹ đã được người chị họ tuyên tụng "em có phúc vì đã tin" (Luca 1:45). 

Như thế, "Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội", như Mẹ đã tuyên bố ở đầu Bí Mật Fatima phần 2, có nghĩa là Kitô hữu: 

 1- "Hãy tin tưởng cậy trông nơi Mẹ, vì, như Mẹ Maria nói với riêng thiếu nhi Fatima thụ khải Lucia ngày 13/6/1917 rằng: "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương nàu và là đường đứa con đến cùng Thiên Chúa". 

2- Hãy hiến mình cho Mẹ, như Thánh Long Mộng Phố (Louis Monfort) đã việt trong cuốn Thành Thật Sùng Kính Mẹ của ngài từ đầu thế kỷ 18, một phương pháp đã được chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thực thi, khi ngài lấy khẩu hiệu giáo phẩm của mình là "totus tuus" ở đoạn 233 trong tác phẩm này.   

3- Hãy noi gương bắt chước Mẹ, để nhờ đó, trở thành một đạo binh dàn trận của Mẹ, như Mẹ cho thấy trong thị kiến phần 3 Bí Mật Fatima, trong đó, một đoàn Kitô hữu, bao gồm từ giáo hoàng trở xuống giáo dân, đủ mọi thành phần dân Chúa, bao gồm cả vị "giám mục mặc áo trắng", (ám chỉ ĐTC Gioan Phaolô II bị ám sát ở Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13/5/1981), sau khi đã tiến lên một ngọn núi dốc đứng bằng đức tin mãnh liệt của mình, đã bị hạ sát bởi một đám lính, ngày dưới chân cây Thánh Giá cao lớn trên đỉnh núi dốc đức này, một cái chết như Mẹ đã chịu trong Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ khi Mẹ "đứng kề Thánh Giá Chúa Giêsu" (Gioan 19:25).

4- Hãy đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ vào các Thứ Bảy Đầu Tháng, không chỉ 5 ngày tối thiểu như Mẹ xin để được hưởng những ơn đặc biệt Mẹ chuyển cầu cho chúng ta vào trong giờ lâm tử, mà còn để cảm thương với Mẹ và như Mẹ về Ơn Cứu Độ vô giá của Chúa Kitô đã bị coi thường và trở thành vô ích với "nhiều linh hồn bị hư đi vì không có ai hy sinh cầu nguyện cho họ" (Mẹ Marai 19/8/1917), nhờ đó, cùng Mẹ và trong Chúa, cứu "các linh hồn cần đến LTXC hơn" (Mẹ Fatima 13/7/1917).

Chúng ta có thể tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội vào chính ngày Lễ Mẹ Thứ Bảy hôm nay, với bản kinh của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort) ở cái link Kinh Tận Hiến , hay bằng một câu vắn tắt nào bằng tất cả tấm lòng của mình là đủ, Hay bằng lời nguyện "totus tuus" của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Để cụ thể hóa và hấp dẫn hóa việc tận hiến quan trọng và khẩn thiết hơn bao giờ hết vào chính lúc này đây, lúc satan đang dồn tất cả quyền lực hỏa ngục để cướp giật vô số các linh hồn bao nhiêu có thể, con người nhỏ bé, tội lỗi và bất lực chúng ta không thể nào chống lại chúng, nếu không chạy vào trong "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đem con đến cùng Thiên Chúa", như Mẹ nói với chung 3 thiếu nhi Fatima thụ khải và riêng Lucia ngày 13/6/1917, xin được  phổ biến ngay dưới đây là 2 tấm post cards, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tùy nghi mỗi người sử dụng.

Xin Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria luôn là nơi cho TĐCTT chúng ta nương náu và là đường đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa nhé, nhất là trong Thời Điểm Thương Xót hiện nay. Amen!

Totus Tuus, prayer said by Pope John Paul II (With images ...Da Mihi Animas: Totus Tuus: The Key to St. Pope John Paul the Great