Học Hỏi Thiếu Nhi Fatima
 

Biệt tặng Phong Trào Thiếu Nhi Fatima" cho Mẹ được nhận biết và yêu mến"
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

-I-

Học Hỏi cuốn Hồi Ký Lucia

của chị Lucia

 

-II-

Học Hỏi cuốn Bí Mật Kinh Mân Côi

của thánh Louis Grignion de Montfort

 

-III-

Học Hỏi cuốn Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria

của thánh Louis Grignion de Montfort

-IV-

Học Hỏi cuốn Vinh Quang Mẹ Maria

của thánh Anphongsô Ligôri

 

 

BÍ MẬT KINH MÂN CÔI

 

 

1- Kinh Mân Côi là gì?

2- Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về Kinh Mân Côi?

3- Tại sao hiện ra ỡ Fatima 6 lần, nói gì thì nói, lần nào Mẹ Maria cũng kêu gọi phải cầu Kinh Mân Côi?

4- Tại sao Thiếu Nhi Fatima ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

5- Ai viết cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

6- Tại sao thánh Monfort đặt tên cho cuốn sách này là "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

7- Theo cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" thì Kinh Mân Côi bắt đầu từ lúc nào?

8- Thánh Đaminh đã truyền bá Kinh Mân Côi như thế nào?

9- Á Thánh Alan A La Roche đã phục hồi Kinh Mân Côi như thế nào?

10- Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Thánh Vịnh Đức Bà?

11- Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Triều Thiên Hoa Hồng?

12- Ý nghiã của Kinh Tin Kính mở đầu Kinh Mân Côi là gì?

13- Ý nghiã của Kinh Lạy Cha mở đầu mỗi chục Kinh Mân Côi là gì?

14- Ý nghiã của Kinh Kính Mừng làm nên từng chục Kinh Mân Côi là gì?

15- Tại sao Kinh Mân Côi cần có các Mầu Nhiệm Mân Côi?

16- Có bao nhiêu Mầu Nhiệm Mân Côi?

17- Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa vui là gì?

18- Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa thương là gì?

19- Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa mừng là gì?

20- Những ích lợi của Kinh Mân Côi.

21- Những giá trị của Kinh Mân Côi .

22- Kinh Mân Côi ban ơn cải thiện đời sống.

23- Kinh Mân Côi ban ơn thắng trận.

24- Kinh Mân Côi có sức khu trừ ma quỉ.

25- Tràng hạt Mân Côi được dùng để trừ qủi.

26- Phương pháp đọc Kinh Mân Côi ít chia trí.

27- Phương pháp đọc Kinh Mân Côi lấy ơn ích.

28- Phương pháp đọc Kinh Mân Côi cách tốt đẹp.

29- Phương pháp đọc Kinh Mân Côi cách cung kính.

30- Hiệp Hội Kinh Mân Côi là gì?

31- Việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi là phương thế nên trọn lành.

32- Việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi làm sung mãn thánh thiện.

33- Kinh Mân Côi là phương thế cứu rỗi.

 

 

1-            Kinh Mân Côi là gì?

               

Theo cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi", ở đoạn Bông Hồng Một, Thánh Montfort đã nói lên ý nghĩa của Kinh Mân Côi như sau:
"Kinh Mân Côi là một hòa hợp thánh hảo giữa tâm nguyện và khẩu nguyện mà chúng ta thực hiện để tôn kính cũng như để học theo những mầu nhiệm và nhân đức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong cuộc sống, sự chết và vinh quang của các Ngài".
Thánh nhân đã quảng diễn câu định nghĩa về Kinh Mân Côi trên đây như thế này:
"Kinh Mân Côi gồm có hai phần: tâm nguyện và khẩu nguyện. Tâm nguyện của Kinh Mân Côi không là gì khác ngoài sự suy ngắm các mầu nhiệm chính về đời sống, sự chết và vinh quang của Chúa Giêsu Kitô và Mẹ Thánh của Người. Khẩu nguyện của Kinh Mân Côi ở tại việc đọc 15 chục Kinh Kính Mừng, mỗi chục được bắt đầu bằng một Kinh Lạy Cha, và trong khi đọc chục kinh thì suy ngắm cũng như chiêm ngắm 15 nhân đức chính yếu mà Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã thực thi nơi 15 Mầu Nhiệm Mân Côi".
Dựa vào việc thực hành vốn được Giáo Hội hợp thức hóa, thánh nhân đã đúc kết mối hòa hợp giữa tâm nguyện và khẩu nguyện nơi Kinh Mân Côi như sau:
"Chúng ta tôn kính và suy ngắm 5 mầu nhiệm vui ở 50 kinh đầu, 5 mầu nhiệm thương ở 50 kinh thứ hai, và 5 mầu nhiệm mừng ở 50 kinh thứ ba".
 

2-            Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", Mẹ Maria đã nói gì với 3 Thiếu Nhi Fatima về Kinh Mân Côi?

 

 Theo cuốn "Hồi Ký Lucia", lần nào hiện ra với 3 Thiếu Nhi Fatima, tức trong cả 6 lần hiện ra, nói gì thì nói, Mẹ Maria cũng vẫn lập lại lời kêu gọi 3 Thiếu Nhi Fatima "hãy cầu Kinh Mân Côi". Nguyên văn lời Mẹ Maria kêu gọi từng lần hiện ra như sau:
Vào lần hiện ra thứ nhất: "Các con hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày để xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh".
Vào lần hiện ra thứ hai: "Mẹ mong muốn các con hãy cầu Kinh Mân Côi hằng ngày".
Vào lần hiện ra thứ ba: "Mẹ mong muốn các con tiếp tục cầu Kinh Mân Côi hằng ngày để tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ một mình Người mới có thể cứu giúp các con... Mỗi khi cầu Kinh Mân Côi, sau từng mầu nhiệm các con hãy đọc: 'Ôi Chúa Giêsu của chúng con, xin tha thứ cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin đem hết mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn".
Vào lần hiện ra thứ bốn, ngày 19-8-1917: "Mẹ muốn các con tiếp tục cầu Kinh Mân Côi hằng ngày".
Vào lần hiện ra thứ năm: "Hãy tiếp tục cầu Kinh Mân Côi để xin ơn chấm dứt chiến tranh".
Vào lần hiện ra thứ sáu: "Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi. Hãy luôn tiếp tục cầu Kinh Mân Côi".
 

3-            Tại sao hiện ra ở Fatima 6 lần, lần nào Mẹ cũng kêu gọi cầu Kinh Mân Côi?

               

Căn cứ vào lời Mẹ Maria trong cả 6 lần Mẹ hiện ra ở Fatima, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì thời điểm khẩn trương của thế giới, vì mối liên hệ của Kinh Mân Côi với lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, cũng như vì vai trò can thiệp của Đức Mẹ Mân Côi.
Trước hết, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì thời điểm khẩn trương của thế giới. Chính vì thế, trong những lần hiện ra thứ nhất và thứ ba, Mẹ đã kêu gọi "cầu kinh Mân Côi hằng ngày để xin ơn hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh", và lần thứ năm "hãy tiếp tục cầu Kinh Mân Côi để xin ơn chấm dứt chiến tranh".
Sau nữa, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì mối liên hệ của Kinh Mân Côi với lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ. Thật vậy, thành thực sùng kính Mẹ là gì và ở chỗ nào, nếu không phải là và ở tại nhận biết và yêu mến Mẹ. Mà còn gì tỏ ra nhận biết và yêu mến Mẹ hơn là cầu Kinh Mân Côi hằng ngày.
Sau hết, lý do Mẹ Maria không ngừng kêu gọi "cầu Kinh Mân Côi" là vì vai trò can thiệp của Đức Mẹ Mân Côi. Nếu Mẹ được nhận biết và yêu mến, đúng như ý Thiên Chúa muốn thiết lập lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ trên thế giới, thì như Mẹ nói: "nhiều linh hồn được cứu rỗi và thế giới sẽ có hòa bình".
 

4-            Tại sao Thiếu Nhi Fatima ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

               

Theo khoản Nội Qui 6c và 6e, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì mẫu gương của ngành Thiếu là Phanxicô cũng như vì tinh thần của ngành Thiếu là cầu nguyện.
Trước hết, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì mẫu gương của ngành Thiếu là Phanxicô. Thật vậy, Phanxicô là một trong ba Thiếu Nhi Fatima được Đức Mẹ hiện ra, song ngay lần đầu tiên em chỉ nghe thấy tiếng của Mẹ mà không được nhìn thấy Mẹ, cho đến khi, như Mẹ cho biết, em cần phải đọc Kinh Mân Côi, và em đã đọc gần hết một chục kinh thì được nhìn thấy Mẹ. Cả đến việc em được rỗi linh hồn, như Đức Mẹ nói, em cũng phải lần hạt Mân Côi nữa. Bởi thế, Phanxicô đã hứa: "Ôi, lạy Đức Bà yêu dấu, con sẽ đọc thật nhiều Kinh Mân Côi như Bà bảo". Thế rồi, sau đó, Phanxicô luôn luôn tìm dịp tiện, kể cả việc bỏ những cuộc chơi chung với chị Lucia và em Giaxinta, để trốn đi cầu Kinh Mân Côi một mình.
Ngoài ra, ngành Thiếu cần phải học hỏi cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì tinh thần của ngành Thiếu là cầu nguyện. Đúng thế, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện xứng với Đức Mẹ và đẹp lòng Đức Mẹ nhất. Mà ơn gọi của Phanxicô là an ủi Chúa và Mẹ bị tội lỗi loài người xúc phạm. Do đó, "cầu Kinh Mân Côi hằng ngày" là cách đền tạ Chúa Mẹ thích hợp và tuyệt vời nhất.
 

5-            Ai viết cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

 

 Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là cuốn sách được viết bởi Thánh Louis Grignion de Montfort. Thánh nhân sinh ngày 30-1-1673, tại xã Montfort, thuộc xứ Bretagne, nước Pháp, và chết ngày 28-4-1716.
Trong cuộc đời 43 năm sống trên trần thế của mình, với vai trò là một linh mục từ ngày 5-4-1700, ngoài những việc mục vụ được chỉ định, nhất là mục vụ giáo dục giới trẻ, Thánh Louis Grignon de Monfort đã lập thêm cho Giáo Hội hai dòng tu, một dòng nam là dòng Anh Em Thánh Thần, sau được đổi tên là dòng Anh Em Thiên Thần Gabiên, và một dòng nữ là dòng Con Cái Đấng Khôn Ngoan.
Ngoài ra, Thánh Nhân còn để lại cho Giáo Hội một số tác phẩm, nổi tiếng nhất là cuốn "Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria", và phổ thông nhất là cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi".
Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" là cuốn sách được Thánh Louis Grignon de Monfort, theo gương Thánh Đaminh và Á Thánh Alan de la Roche, viết ra để truyền bá lòng sùng kính Kinh Mân Côi.
Về nội dung, cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" bao gồm tất cả những gì cần biết về Kinh Mân Côi, như nguồn gốc, ý nghĩa kinh và mầu nhiệm, giá trị, công hiệu, lợi ích, cách lần hạt cho khỏi chia trí mà lại sốt sắng
Về hình thức, cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" được Thánh Nhân chia thành 50 Bông Hồng, biểu hiệu cho một chuỗi 50 kinh Kính Mừng, để trình bày tất cả phần nội dung phong phú trên đây.
 

6-            Tại sao thánh Montfort đặt tên cho cuốn sách này là "Bí Mật Kinh Mân Côi"?

 

 Sở dĩ Thánh Louis Grignion de Montfort đặt tên cho cuốn sách Ngài viết về Kinh Mân Côi là "Bí Mật Kinh Mân Côi" là vì Ngài cảm nhận được thần lực vô cùng linh hiệu của Kinh Mân Côi liên quan đến phần rỗi và sự thánh thiện của các linh hồn, trong việc truyền bá và tôn sùng kinh này, như Ngài đã chia sẻ với các thành phần độc giả ở phần mở đầu của cuốn sách như sau.
Với các vị linh mục, Thánh Nhân đã tiết lộ "Bí Mật Kinh Mân Côi" như thế này: "Con có thể chia sẻ nhiều với các cha về các ơn Thiên Chúa đã ban cho con trong việc biết được bằng kinh nghiệm những công hiệu nơi việc rao giảng Kinh Mân Côi Thánh, và những cuộc trở về lạ lùng do việc rao giảng Kinh Mân Côi này mang lại mà chính mắt con đã từng chứng kiến".
Với các tội nhân, Thánh Nhân trấn an họ bằng thần lực vô địch của "Bí Mật Kinh Mân Côi": "Nếu qúi vị trung thành đọc Kinh Mân Côi cho đến giờ lâm tử, tôi cam đoan với qúi vị là, dù tội lỗi của qúi vị có nặng đến đâu đi nữa, qúi vị cũng sẽ nhận được triều thiên vinh quang không bao giờ tàn phai. Ngay cả khi qúi vị đang cheo leo trên bờ vực thẳm hư đi đời đời, ngay cả khi một chân của qúi vị đã lọt vào hỏa ngục, ngay cả khi qúi vị đã bán linh hồn mình cho ma qủi là những tên phù thủy chuyên mê hoặc người ta bằng những xảo thuật của chúng, và ngay cả khi qúi vị trở thành một kẻ lạc đạo cố chấp như ma qủi, không sớm thì muộn, qúi vị cũng sẽ trở lại và sẽ cải thiện đời sống để cứu lấy linh hồn mình, nếu, phải, xin lưu ý đến điều tôi nói đây, nếu qúi vị đọc Kinh Mân Côi Thánh sốt sắng mỗi ngày cho tới khi chết, với mục đích là để nhận biết chân lý cũng như để thống hối và để tội lỗi của mình được thứ tha".
Với các linh hồn sốt sắng đạo đức, Thánh Nhân cho họ thấy "Bí Mật Kinh Mân Côi" ở chỗ: "Nhờ đọc Kinh Mân Côi hằng ngày và làm các việc lành, qúi vị chăm sóc cho cây (Hồng Huyền Nhiệm là 15 Mầu Nhiệm Mân Côi), tưới nước cho nó và vun đất chung quanh nó. Dần dần qúi vị sẽ thấy rằng hạt giống nhỏ bé mà tôi gửi tặng qúi vị đây, lúc này có vẻ nhỏ xíu, sẽ mọc lên thành cây vĩ đại, đến nỗi, chim trời, biểu hiệu cho các linh hồn được tiền định và chiêm niệm, đến ở và làm tổ nơi nó. Bóng của nó sẽ che phủ chúng khỏi sức nóng gay gắt của mặt trời, và chiều cao vĩ đại của nó sẽ gìn giữ chúng khỏi những hoang thú trên mặt đất. Nhưng, nhất là, chúng sẽ được ăn trái cây là chính Chúa Giêsu đáng tôn thờ của chúng ta, Đấng chúng ta tôn kính và muôn đời tôn vinh".
Với các con trẻ, Thánh Nhân cho các em thấy "Bí Mật Kinh Mân Côi" khi kể cho các em nghe câu truyện về một bé gái độ 6 hay 7 tuổi đang đọc Kinh Mân Côi thì được Đức Mẹ dẫn đến một nơi xa lạ, ở đó, bé được ăn những thứ ngon lành, nhất là được ẵm Chúa Hài Nhi vô cùng dễ thương, rồi khuyên nhủ các em rằng: "Nếu các con thi hành điều này (là đọc Kinh Mân Côi hằng ngày), các con sẽ được quyền lên trời để thấy Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nếu ý của các Ngài không muốn cho các con thấy các Ngài ở trên đời này, thì thế nào sau khi chết, các con cũng sẽ được thấy các Ngài cho đến muôn đời".
 

7-            Theo cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" thì Kinh Mân Côi bắt đầu từ lúc nào?

 

 Cuốn "Bí Mật Kinh Mân Côi" cho chúng ta thấy trong Bông Hồng thứ 2 nguồn gốc của Kinh Mân Côi. Câu truyện xẩy ra được Thánh Nhân thuật lại như sau.
"Vì Kinh Mân Côi, tự bản chất, được cấu tạo chính yếu bởi kinh của Chúa Kitô và Lời Chào Thiên Thần, đó là Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng, nên Kinh Mân Côi phải là kinh nguyện của tín hữu đã đọc qua các thế kỷ, từ thời các Thánh Tông Đồ cho tới ngày hôm nay.
"Tuy nhiên, vào năm 1214, Mẹ Hội Thánh mới đón nhận Kinh Mân Côi như hình thức hiện hành và theo cách thức mà chúng ta đang thực hành bây giờ.
"Chính Thánh Đaminh đã chuyển đến Giáo Hội Kinh Mân Côi mà Ngài đã lãnh nhận từ Thánh Nữ Đồng Trinh, như một phương thức công hiệu nhất trong việc làm cho các linh hồn theo bè rối Albigensê và các tội nhân trở lại
"... Khi thấy tội lỗi nặng nề của người ta lỗi phạm đã nên chướng ngại cho việc trở lại của những người theo bè rối Albigensê, Thánh Đaminh liền lui vào một khu rừng ở gần thành phố Toulouse để cầu nguyện 3 ngày 3 đâm liền. Trong thời gian này, Thánh Nhân chỉ khóc lóc và phạt xác khổ hạnh hơn, mong làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa Toàn Năng. Ngài đã thực hành việc khổ hạnh đến nỗi, xác của Ngài trở nên rã rời, bị ngất lịm đi.
"Vào chính lúc ấy, Đức Mẹ, cùng với ba Thiên Thần theo hầu, đã hiện ra với Thánh Nhân mà nói:
- "'Đaminh yêu dấu, con có biết Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng khí giới nào để canh tân thế giới không?
Thánh Đaminh đáp:
- "Ôi, Lạy Mẹ, Mẹ biết rõ hơn con, vì ngay sau Chúa Giêsu, Con Mẹ, Mẹ luôn là khí cụ chính yếu cho phần rỗi của chúng con.
Bấy giờ Đức Mẹ nói:
- "Mẹ muốn cho con biết rằng, trong loại trận chiến này, khí giới cần phải dùng đến bao giờ cũng là Thánh Vịnh Thiên Thần, nền tảng của Tân Ước. Do đó, nếu con muốn giảng dạy cho các linh hồn cứng lòng và đem họ về với Chúa, con hãy rao giảng Thánh Vịnh này của Mẹ".
 

8-            Thánh Đaminh đã truyền bá Kinh Mân Côi như thế nào?

 Cũng trong Bông Hồng thứ hai, Thánh Đaminh, sau khi được Mẹ Maria cho biết "Bí Mật Kinh Mân Côi", đã bằt đầu truyền bá Kinh Mân Côi như sau.
"Chỗi dậy, cảm thấy đầy an ủi và bừng lên lòng nhiệt thành muốn cải hối dân chúng ở tại miền ấy, Thánh Nhân đã đi thẳng đến Vương Cung Thánh Đường. Đột nhiên, các Thiên Thần vô hình đã đổ chuông để triệu tập dân chúng lại đó và Thánh Đaminh bắt đầu giảng dạy.
"Ngay khi Ngài vừa bắt đầu giảng, một cơn bão xẩy ra, mặt đất rung chuyển, mặt trời tối lại, đầy những sấm chớp kinh thiên động địa. Còn kinh sợ hơn nữa khi dân chúng nhìn thấy một bức hình Đức Mẹ, treo ở một chỗ rất tôn nghiêm, giơ hai cánh tay của Người lên trời, như kêu mời cuộc báo oán của Thiên Chúa đổ xuống trên họ, nếu họ không chịu khó ăn năn hối cải, không chịu cải thiện đời sống của mình và tìm đến nương tựa vào Mẹ Thiên Chúa.
"Qua hiện tượng siêu nhiên này, Thiên Chúa muốn làm cho việc sùng kính mới là Kinh Mân Côi lan rộng và làm cho kinh này được biết đến hơn nữa. Sau cùng, nhờ lời kinh cầu của Thánh Đaminh, cơn bão tố chấm dứt và Ngài tiếp tục giảng. Thánh Nhân đã dẫn giải sự quan trọng và giá trị của Kinh Mân Côi một cách hết sức nóng bỏng và lôi cuốn, đến nỗi, hầu như tất cả dân thành Toulouse yêu chuộng kinh này và bỏ đi những tin tưởng sai lầm của họ. Chỉ trong một thời gian ngắn, thành này đã cải thiện khác thường; dân chúng bắt đầu trở lại đời sống Kitô hữu và từ bỏ nếp sốùng xấu xa trước kia".
 

9-            Á Thánh Alan A La Roche đã phục hồi Kinh Mân Côi như thế nào?

 

 Á Thánh Alan, một linh mục dòng Đaminh thuộc tu viện Dinan bên Đại Anh Quốc, đã phục hồi Kinh Mân Côi bằng cách tái lập Hiệp Hội Kinh Mân Côi của Thánh Đaminh, một Hiệp Hội đã bị sa sút sau một thế kỷ tồn tại và đã đến lúc cần phải phục hồi sức sống của nó. Bí Mật Kinh Mân Côi đã thuật lại sự kiện này trong Bông Hồng thứ 4 như sau.
"Chân phước Alan bắt đầu công việc cao cả này vào năm 1460, sau khi nhận được cáo trạng của Chúa... từ Bánh Thánh đã nói với ngài khi ngài đang dâng lễ:
- 'Sao con lại có thể đóng đanh Ta một lần nữa qúùa sớm như vậy?'
"Chân phước Alan hốt hoảng hỏi Chúa:
- 'Lạy Chúa, Chúa phán như thế nghĩa là gì?'
"Chúa Giêsu trả lời:
- 'Con đã đóng đanh Ta một lần nữa rồi bởi tội lỗi của con, và Ta vẫn sẵn lòng chịu đóng đanh lại một lần nữa, để Cha Ta khỏi bị xúc phạm bởi những tội mà con thường phạm. Con đang đóng đanh Ta một lần nữa vào lúc này đây, là bởi vì con đã có đủ hiểu biết để giảng về Kinh Mân Côi của Mẹ Ta mà con lại không làm. Nếu con chuyên tâm làm điều này, con đã dạy cho các linh hồn đường ngay nẻo chính và giúp cho họ tránh khỏi sa ngã phạm tội, song con lại không làm, do đó, chính con cũng có lỗi với các tội mà họ vấp phạm.
"Sự kiện kinh hoàng này đã làm cho chân phước Alan dứt khoát rao giảng Kinh Mân Côi không ngừng... Thánh Đaminh cũng hiện ra với chân phước Alan và nói với ngài về kết quả lớn lao của việc mục vụ mà thánh nhân đã làm: Thánh nhân không ngừng rao giảng Kinh Mân Côi nên những bài giảng của thánh nhân sinh nhiều hoa trái, làm cho nhiều người trở lại trong khi thánh nhân thực hiện sứ mạng của thánh nhân. Thánh nhân nói với chân phước Alan:
- 'Đó con thấy các thành quả lạ lùng mà cha đã gặt hái được bằng Kinh Mân Côi không! Con và tất cả các kẻ nào yêu mến Đức Mẹ cũng phải làm y như vậy, để nhờ việc làm thiện hảo cho Kinh Mân Côi, con có thể lôi kéo tất cả mọi người đến với khoa học thực sự của các nhân đức'.
 

10-            Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Thánh Vịnh Đức Bà?

 

 Trong Bông Hồng thứ sáu, Bí Mật Kinh Mân Côi đã cho biết ý nghĩa, giá trị và bố cục của Kinh Mân Côi được gọi là Thánh Vịnh Đức Bà như sau.
"Ngay từ khi Thánh Đaminh thiết lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi cho đến khi chân phước Alan de la Roche lập lại việc tôn sùng này vào năm 1460, Kinh Mân Côi luôn được gọi là Ca Vịnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Tên gọi của Kinh Mân Côi như thế là vì Kinh Mân Côi có cùng con số Lời Chào Thiên Thần như số thánh vịnh trong sách Thánh Vịnh Vua Đavít. Đói với thành phần tầm thường và vô học không thể đọc các Thánh Vịnh Vua Đavít thì Kinh Mân Côi cũng mang lại lợi ích cho họ như Thánh Vịnh Đavít đối với các người khác vậy.
"Tuy nhiên, Kinh Mân Côi còn được coi như có giá trị hơn các thánh vịnh vì 3 lý do sau đây:
"Thứ nhất, vì Thánh Vịnh Thiên Thần chất chứa một hoa trái cao qúi hơn, đó là Ngôi Lời Nhập Thể, trong khi Thánh Vịnh Đavít chỉ nói tiên tri về việc Ngôi Lời sẽ đến mà thôi.
"Thứ hai, giống hệt như một vật có thật bao giờ cũng quan trọng hơn hình ảnh ám chỉ về nó, và như thân thể quan trọng hơn chiếc bóng của nó thế nào, Thánh Vịnh Đức Bà cũng cao cả hơn Thánh Vịnh Đavít là Thánh Vịnh ám chỉ Thánh Vịnh Đức Bà.
"Thứ ba, vì Thánh Vịnh Đức Bà (hay Kinh Mân Côi được hợp bởi Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng) là việc của chính Ba Ngôi Chí Thánh làm chứ không phải việc nhờ dụng cụ loài người.
"Thánh Vịnh Đức Bà hay Kinh Mân Côi được chia ra làm 3 phần, mỗi phần 50 kinh với những lý do sau đây:
1) Để tôn vinh 3 Ngôi Thiên Chúa.
2) Để tôn kính sự sống, sự chết và vinh hiển của Chúa Giêsu Kitô.
3) Để bắt chước Giáo Hội Khải Hoàn, để cứu giúp những phần tử của Giáo Hội Chiến Đấu, và để giảm bớt đau thương nơi Giáo Hội Tẩy Luyện.
4) Để bắt chước ba nhóm Thánh Vịnh được phân chia: trước hết là cho đời sống được thanh tẩy, thứ hai là cho đời sống được soi sáng, thứ ba là cho đời sống được kết hợp.
5) Và cuối cùng để ban cho chúng ta muồn vàn ân sủng trong đời sống trần gian, bình an trong giờ lâm tử và vinh quang trong nơi vĩnh phúc".
               

11-      Tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Triều Thiên Hoa Hồng?

 

Bí Mật Kinh Mân Côi, qua Bông Hồng 7, đã cho biết lý do tại sao Kinh Mân Côi được gọi là Triều Thiên Hoa Hồng như sau.
"Ngay từ khi chân phước Alan de la Roche tái lập việc tôn sùng Kinh Mân Côi thì ngôn ngữ của loài người cũng như ngôn từ của Thiên Chúa đã gọi kinh này là 'Mân Côi'. Chữ 'Mân Côi' có nghĩa là 'Triều Thiên Hoa Hồng'. Tức là mỗi lần người ta đọc Kinh Mân Côi sốt sắng là họ đội triều thiên cho Chúa Giêsu và Mẹ Maria, triều thiên 150, trong đó có 3 bông hồng đỏ và 16 bông hồng trắng. Là những bông hoa thiên đường, chúng sẽ không bao giờ tàn phai nhan sắc tuyệt vời của chúng.
"Thánh Anphongsô Rodrigue là một tu sĩ nổi tiếng của dòng Tên, thường đọc Kinh Mân Côi sốt sắng đến nỗi, thày thấy bông hồng đỏ thoát ra từ miệng thày mỗi khi thày đọc Kinh Lạy Cha, và thấy hoa hồng trắng cũng từ miệng thày mà ra mỗi khi thày đọc Kinh Kính Mừng. Những bông hồng đỏ và trắng này đều có hương sắc tương đương nhau, chỉ khác nhau về mầu sắc mà thôi.
"Bởi thế, một tràng Kinh Mân Côi là Triều Thiên Hoa Hồng lớn, và mỗi một chuỗi Kinh Mân Côi là một chùm hoa hay một Triều Thiên Hoa Hồng nhỏ mà chúng ta đội lên đầu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bông hồng là nữ vương của loài hoa, Kinh Mân Côi là hoa hồng của mọi việc tôn sùng, do đó, cũng là việc tôn sùng quan trọng nhất".
 

12-             Ý nghiã của Kinh Tin Kính mở đầu Kinh Mân Côi là gì?

 

Trong Bông Hồng thứ 11, Thánh Louis Grignion de Montfort đã cắt nghĩa ý nghĩa của Kinh Tin Kính mở đầu Kinh Mân Côi như sau.
"Kinh Tin Kính, hay Tiêu Biểu của Các Thánh Tông Đồ, được đọc khi bắt đầu lần đến cây Thánh Giá ở ngay đầu tràng chuỗi, là một bản tóm lược trọn hảo tất cả chân lý Kitô giáo...
"Kinh Mân Côi gồm chứa nhiều mầu nhiệm về Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và vì đức tin là chìa khóa duy nhất để khai mở những mầu nhiệm này cho chúng ta, nên chúng ta phải bắt đầu đọc Kinh Mân Côi bằng Kinh Tin Kính hết sức sốt sắng, càng mạnh tin bao nhiêu, Kinh Mân Côi chúng ta đọc càng đáng thưởng bấy nhiêu.
"Đức tin này phải sống động và phải được soi động bởi đức ái. Nói cách khác, để lần hạt Mân Côi cách xứng đáng, cần phải có ơn nghĩa Chúa, hay ít là phải tìm kiếm ơn nghĩa Chúa.
"Đức tin này phải vững mạnh và kiên trì, tức là, người ta không được tôn sùng theo cảm quan hay tìm an ủi thiêng liêng trong việc lần hạt Mân Côi, hoặc không được bỏ lần hạt Mân Côi vì đầu óc tràn đầy những chia trí vô ý vô tứ, những cảm nghiệm chán chường trong tâm hồn, và những mệt mỏi kiệt quệ hầu như liên lỉ nơi thân xác. Cảm xúc, an ủi, chán chường, chia trí hay chú ý liên lỉ của trí tưởng tượng đều không cần thiết; chỉ cần đức tin và ý hướng ngay lành là đủ".

13-             Ý nghiã của Kinh Lạy Cha mở đầu mỗi chục Kinh Mân Côi là gì?

 

Thánh Louis Grignion de Montfort đã diễn giải ý nghĩa của Kinh Lạy Cha là kinh mở đầu mỗi chục Kinh Mân Côi trong Bông Hồng 12, 13 và 14. Ở đây, xin trích lại tư tưởng chính của Thánh Nhân nơi Bông Hồng 12 như sau.
"Kinh Mân Côi bao gồm Kinh Lạy Cha và Lời Chào Thiên Thần là một giòng nước trong, hằng tuôn chảy từ mạch ân sủng, trong khi những kinh nguyện khác nơi các sách vở, chẳng là gì khác ngoài những tia nước nhỏ xíu cũng phát xuất từ cùng một nguồn mạch này.
"Ai đọc Kinh Lạy Cha cẩn thận, để ý từng chữ, suy niệm từng lời, đúng là người có phúc, vì họ tìm thấy mọi sự mà họ cần hay mong ước.
"Khi chúng ta đọc kinh nguyện tuyệt diệu này, chúng ta chạm đến ngay Trái Tim của Thiên Chúa lúc chúng ta gọi Ngài là Cha, Lạy Cha chúng con, một tên gọi ngọt ngào. Ngài là Cha dấu yêu nhất trong tất cả mọi người cha: toàn năng trong việc tạo dựng, diệu kỳ trong việc bảo tồn thế gian, khả ái trong sự quan phòng thần linh, và luôn vô cùng thiện hảo trong ơn cứu độ của Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta, do đó, chúng ta tất cả là anh em với nhau, và Thiên Đàng là quê hương của chúng ta, là sản nghiệp cho chúng ta thừa hưởng. Điều này đã đủ dạy cho chúng ta yêu Thiên Chúa, yêu tha nhân và đừng gắn bó với những sự ở trên đời này".

 

14-                Ý nghiã của Kinh Kính Mừng làm nên từng chục Kinh Mân Côi là gì?

 

Trong Bông Hồng 15 và 16, Bí Mật Kinh Mân Côi đã cho biết về ý nghĩa của Kinh Kính Mừng làm nên từng chục Kinh Mân Côi như sau.
"Chân phước Alan de la Roche cho rằng Lời Thiên Thần chào kính Đức Mẹ có một ý nghĩa siêu việt đến nỗi không một tạo vật thuần túy nào có thể hiểu thấu, mà chỉ có Chúa Kitô, Chúa chúng ta, Đấng sinh bởi Đức Thánh Trinh Nữ Maria, mới có thể cắt nghĩa cho chúng ta mà thôi.
"Giá trị lớn lao của lời chào kính này, trước hết, ở nơi Đức Mẹ là Đấng mà lời chào nhắm tới, sau nữa, ở nơi mầu nhiệm nhập thể mà kinh nguyện này được trời cao sáng tạo, và sau hết, ở nơi tổng thần Gabiên là vị đầu tiên xướng lên.
"Lời Chào Kính của Thiên Thần này là bản tóm lược ngắn gọn nhất về tất cả những gì mà nền thần học Công Giáo nói đến Rất Thánh Trinh Nữ Maria. Lời này được chia ra làm hai phần: phần đầu diễn tả tất cả những gì làm nên sự cao cả của Đức Maria, và phần tiếp theo diễn tả tất cả những gì chúng ta cầu xin với Người cũng như mong nhận được bởi lòng từ mẫu của Người.
"Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh đã mạc khải phần nhất của lời chào này cho chúng ta, và phần sau được bà Thánh Isave thêm vào theo ơn linh ứng của Thánh Linh. Mẹ Thánh Giáo Hội đã ban cho chúng ta phần kết vào năm 430, khi lên án bè rối Nestôriô ở Công Đồng Chung Êphêsô, bằng định tín Rất Thánh Trinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa...
Mẹ đã cho thánh nữ Mêtiđê,ụ vị thánh đang cố tìm cách nào để làm đẹp lòng Mẹ hơn cách mà ngài vẫn làm, biết trong lúc thánh nhân đang suy nghĩ như thế thì ngất trí đi rằng:
"Không ai có thể làm hài lòng Mẹ hơn khi họ đọc lời chào Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Tôn đã ngỏ lời với Mẹ, để nâng Mẹ lên địa vị làm Mẹ Thiên Chúa.
"Với chữ 'Ave' (tức là tên Eve, Evà), Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa đã dùng quyền năng vô biên của Ngài để gìn giữ Mẹ khỏi mọi tội lỗi và bất hạnh của tội mà người nữ đầu tiên đã phải chịu.
"Tên 'Maria' tức là 'Nữ Ánh Sáng', diễn tả việc Thiên Chúa ban cho Mẹ đầy tràn khôn ngoan sáng suốt, như một Minh Tinh, để chiếu soi đất trời.
"Những chữ 'Đầy Ơn Phúc' nhắc cho Mẹ là Thánh Linh đã đổ xuống trên Mẹ muôn vàn ơn phúc, đến nỗi Mẹ có thể ban ơn phúc dư tràn này cho những ai nhờ Mẹ như vị Trung Gian, cầu xin ơn phúc ấy.
"Khi người ta đọc lời 'Thiên Chúa ở cùng Bà', là họ làm sống lại niềm vui khôn tả của Mẹ khi Ngôi Lời Hằng Hữu nhập thể trong lòng Mẹ.
"Khi con nói 'Mẹ có phúc hơn mọi người nữ' là Mẹ chúc tụng tình thương của Thiên Chúa Toàn Năng đã nâng Mẹ lên một mức độ hạnh phúc như vậy.
"Và với lời 'Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ' cả thiên đình cùng với Mẹ hân hoan khi thấy Chúa Kitô Con Mẹ được thờ kính và tôn vinh vì đã cứu chuộc loài người".
 

15-             Tại sao Kinh Mân Côi cần có các Mầu Nhiệm Mân Côi?

 

"Bí Mật Kinh Mân Côi" đã cho biết lý do tại sao Kinh Mân Côi cần có các Mầu Nhiệm Mân Côi trong Bông Hồng 21 như sau.
"Mầu nhiệm là một điều thiện hảo khó thấu triệt. Các việc làm của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn toàn thánh hảo và linh thiêng, vì Ngài một lúc vừa là Chúa vừa là người. Những việc làm của Rất Thánh Trinh Nữ Maria cũng rất thánh hảo, vì Người là tạo vật toàn hảo và tinh tuyền nhất của Thiên Chúa. Các việc làm của Chúa Giêsu và Người Mẹ phúc đức của Ngài có thể gọi đúng nghĩa là mầu nhiệm, vì công việc của các Đấng đầy huyền diệu, trọn hảo mọi bề và hết sức chân thực, là tất cả những gì Thánh Linh muốn tỏ cho các linh hồn đơn thành bé mọn tôn kính các mầu nhiệm này.
"Các việc làm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria cũng có thể được gọi là những bông hoa tuyệt vời; những hương sắc của những bông hoa này chỉ có kẻ nào chú ý đến mới có thể thưởng thức được mà thôi, và kẻ nào thật tình hứng thú nghiền gẫm cũng vậy.
"Đức Mẹ cũng dạy cho chân phước Alan de la Roche, nói với ngài trong một thị kiến là:
'Khi người ta đọc 150 Lời Chào Kính Thiên Thần thì kinh nguyện này vốn đã bổ ích cho họ và rất hài lòng Mẹ rồi. Thế nhưng, lợi cho họ hơn nữa cũng như làm đẹp lòng Mẹ hơn nữa, nếu họ vừa đọc vừa suy niệm về cuộc đời và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, vì sự suy niệm ấy là linh hồn của kinh nguyện này'".
 

16-             Có tất cả bao nhiêu Mầu Nhiệm Mân Côi?

 

"Bí Mật Kinh Mân Côi", cũng qua Bông Hồng 21, đã cho thấy có 15 Mầu Nhiệm Mân Côi như vẫn được hiện hành như sau.
"Thánh Đaminh đã chia cuộc đời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ ra làm 15 mầu nhiệm biểu hiệu cho các nhân đức và những hành động quan trọng nhất của các Đấng. Đây là 15 biểu đồ hay 15 bức họa với những chi tiết chỉ dẫn và phấn khích cuộc đời của chúng ta. Chúng là 15 bó đuốc soi sáng bước đường đời của chúng ta.
"Chúng là 15 bức gương soi, giúp chúng ta hiểu biết Chúa Giêsu, Mẹ Maria và cả chính mình chúng ta nữa. Chúng cũng làm bùng cháy lên ngọn lửa yêu thương trong lòng của chúng ta.
"Thực tế, đọc Kinh Mân Côi mà không suy gẫm các mầu nhiệm cứu rỗi thánh hảo thì không khác gì có xác mà không có hồn: Chất thể tuyệt hảo mà thiếu mất mô thức là sự suy gẫm, một việc suy gẫm vốn trổi vượt hơn tất cả mọi việc tôn sùng khác.
"Đây là 15 bó hoa thơm ngát của Cây Hồng Huyền Nhiệm mà những linh hồn sốt sắng như những con ong khôn lanh bay đến để hút nhụy hoa làm mật cho việc thành thực sùng kính của mình.

 

17-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa vui là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Vui như sau.
"Phần nhất của Kinh Mân Côi gồm có 5 mầu nhiệm: Thứ nhất, tổng thần Gabiên truyền tin cho Đức Mẹ; thứ hai, Đức Mẹ viếng thăm chị họ mình là Isave; thứ ba, Chúa Giêsu giáng sinh; thứ bốn, Đức Mẹ thanh tẩy và dâng Chúa Giêsu trong đền thánh; và thứ năm, Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh đang ở giữa các vị luật sĩ.
"Các mầu nhiệm này được gọi là các mầu nhiệm hoan lạc, vì niềm hoan lạc do các mầu nhiệm này mang lại cho hoàn vũ. Đức Mẹ và các thiên thần tràn ngập hân hoan khi Con Thiên Chúa nhập thể. Bà thánh Isave và thánh nhi Gioan Tẩy Giả tràn đầy hân hoan vì được Chúa Giêsu và Mẹ Maria thăm viếng. Trời đất hoan lạc khi Chúa Cứu Thế giáng sinh. Ông già Simêon thánh đức hết sức được an ủi và tràn đầy hân hoan khi ông ẵm Trẻ Thánh trong tay mình. Các luật sĩ lạ lùng bỡ ngỡ trước những đối đáp của Chúa Giêsu, và ai có thể diễn tả được nỗi vui mừng của Mẹ Maria và Thánh Giuse khi các ngài gặp được Con Trẻ Giêsu sau ba ngày lạc mất".
(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Vui như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).
 

18-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa thương là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Thương như sau.
"Phần thứ hai của Kinh Mân Côi cũng được làm nên bởi năm mầu nhiệm được gọi là 5 Mầu Nhiệm Thương Đau, vì các mầu nhiệm này diễn thuật cho chúng ta về trường hợp Chúa Giêsu nặng sầu muộn, đẫm vết thương, đầy nhục nhã, đớn đau và khổ hình.
"Mầu nhiệm thứ nhất, Chúa Giêsu cầu nguyện và hấp hối trong vườn cây dầu;
"Mầu nhiệm thứ hai, Người chịu đánh đòn;
"Mầu nhiệm thứ ba, Người chịu đội mạo gai;
"Mầu nhiệm thứ bốn, Chúa Giêsu vác cây thập giá; và
Mầu nhiệm thứ năm, Người chịu tử giá trên đồi Canvê".

(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Thương như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).

 

19-             Ý nghĩa của Mầu Nhiệm Mân Côi mùa mừng là gì?

 

Qua Bông Hồng 21, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã nói về ý nghĩa của các Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Mừng như sau.
"Phần thứ ba của Kinh Mân Côi gồm 5 mầu nhiệm được gọi là 5 Mầu Nhiệm Vinh Hiển, vì khi chúng ta ngắm đến các mầu nhiệm này, chúng ta suy niệm đến cuộc vinh thắng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
"Thứ nhất là mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô phục sinh.
"Thứ hai là mầu nhiệm Ngài thăng thiên.
"Thứ ba là mầu nhiệm Thánh Linh hiện xuống trên các Thánh Tông Đồ.
"Mầu nhiệm thứ bốn là mầu nhiệm Đức Bà Mông Triệu. Và
"Mầu nhiệm thứ năm là mầu nhiệm Đức Mẹ được tôn làm nữ vương ở trên trời."
(Thiếu Nhi Fatima tuần này cố học thuộc 5 Mầu Nhiệm Mân Côi Mùa Mừng như người Công Giáo Việt Nam vẫn ngắm chung).
 

20-             Những ích lợi của Kinh Mân Côi.

 

Qua Bông Hồng 27, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã cho thấy những ích lợi của Kinh Mân Côi như sau.
"Tôi phải hiến cho qúi bạn thêm những lý do tại sao mà nhiều linh hồn cao cả đã thiết tha thực hành việc tôn sùng này; đó là vì Kinh Mân Côi khi được đọc kèm theo sự suy gẫm các mầu nhiệm của nó mang lại những ích lợi sau đây:
"1- Nó dần dần làm cho chúng ta hoàn toàn hiểu biết Chúa Giêsu hơn.
"2- Nó thanh tẩy tội lỗi làm cho linh hồn chúng ta nên thanh sạch.
"3- Nó làm cho chúng ta chiến thắng tất cả mọi kẻ thù của chúng ta.
"4- Nó làm cho chúng ta dễ dàng thực hành nhân đức.
"5- Nó làm cho chúng ta nóng nẩy kính mến Chúa.
"6- Nó làm cho chúng ta tăng tiến trong ân sủng và công đức.
"7- Nó giúp cho chúng ta những gì cần thiết để trang trải tất cả nợ nần chúng ta mắc với Chúa và với anh em mình, và sau hết, nó làm cho chúng ta thêm đủ mọi ơn lành của Chúa Toàn Năng".

 

21-             Những giá trị của Kinh Mân Côi.

 

Qua Bông Hồng 28 và 40, "Bí Mật Kinh Mân Côi" cho thấy những giá trị của Kinh Mân Côi nơi những công dụng hữu hiệu của nó như sau.
"Một ngày kia Đức Mẹ tỏ cho chân phước Alan biết rằng, sau Thánh lễ là việc tưởng niệm cao trọng và sống động nhất về cuộc thương khó của Chúa Giêsu, thì không còn một việc tôn sùng nào khác tốt lành hơn và phúc đức hơn Kinh Mân Côi, một tưởng niệm và biểu hiệu khác cho cuộc đời và cuộc thương khó của Chúa Giêsu Kitô.
"Năm 1481, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh Đaminh dòng Cathusan ở Treves mà nói với ngài rằng:
"- 'Khi nào một tín hữu đang có ơn nghĩa Chúa đọc Kinh Mân Côi theo sự suy niệm các mầu nhiệm về đời sống và cuộc tử nạn của Chúa Giêsu Kitô, mọi tội lỗi của họ sẽ trọn vẹn và hoàn toàn được thứ tha'.
"Đức Mẹ còn nói với chân phước Alan là:
"- 'Mẹ muốn cho con biết rằng mặc dầu có nhiều ân xá đi theo với việc lần hạt Mân Côi của Mẹ, Mẹ sẽ ban thêm cho ai sạch tội trọng qùi lần 50 Kinh Kính Mừng. Còn ai kiên trung trong việc sùng kính Kinh Mân Côi, đọc và suy gẫm, sẽ được tưởng thưởng; Mẹ sẽ xin cho họ hoàn toàn được tha khỏi mọi đền trả và vết tích bởi tội lỗi của họ vào lúc họ lâm chung. Đừng ngờ vực gì nữa, cho dù nó xem ra không thể nào xẩy ra. Nhưng đối với Mẹ lại dễ dàng, vì Mẹ là Mẹ của Vua Trời, Đấng gọi Mẹ Đầy Ơn Phúc. Vì Mẹ đầy ơn phúc mà Mẹ có thể tự do phân chia ân sủng cho các con cái dấu yêu của Mẹ'."
"Bởi thế, để qúi vị an tâm, tôi sẽ không nói gì hơn là dùng lời của chân phước Alan de la Roche nói rằng phép lần hạt Rất Thánh Mân Côi là gốc và là kho của vô số ơn phúc. Vì, nhờ phép lần hạt Rất Thánh Mân Côi:
"1- Các tội nhân được thứ tha.
"2- Các linh hồn khát khao được giãn khát.
"3- Những ai bị gông cùm được tháo gỡ.
"4- Những ai khóc lóc được phúc đức.
"5- Những ai bị cám dỗ được bằng an.
"6- Kẻ nghèo hèn tìm được trợ giúp.
"7- Đạo giáo được canh tân.
"8- Những ai vô tri được dẫn dắt.
"9- Kẻ sống biết đàng chế ngự tính kiêu căng.
"10- Kẻ chết (linh hồn người lành) được giảm đớn đau.
"Ngày kia Đức Mẹ nói với chân phước Alan:
"-'Mẹ muốn người ta tôn sùng Kinh Mân Côi của Mẹ để nhận được ơn và phúc của Con Mẹ trong cuộc đời cũng như trong giờ lâm chung của họ, và sau khi họ chết, Mẹ muốn họ thoát khỏi các sự ràng buộc để họ giống như vua chúa đội triều thiên, cầm vương trượng, vui hưởng vinh quang đời đời".
 

22-             Kinh Mân Côi ban ơn cải thiện đời sống

                           

Qua Bông Hồng 32, "Bí Mật Kinh Mân Côi" đã thuật lại một câu truyện Kinh Mân Côi ban ơn cải thiện đời sống như sau.
"Thánh Đaminh có một người anh em họ tên là Don Perez, cũng gọi là Pedro, một con người dẫn đầu về đời sống vô luân trầm trọng. Khi ông nghe thấy người anh em họ củụa mình đang rao giảng về những diệu kỳ của Kinh Mân Côi, và thấy rằng có một số người vì thế đã trở lại và đã cải thiện đời sống thì nói:
"-'Tôi đã tuyệt vọng về ơn cứu rỗi của mình, nhưng bây giờ tôi phải nỗ lực trở lại. Tôi phải thực sự lắng nghe con người Chúa gửi đến đây'.
"Thế là, một ngày nọ, ông đã đến nghe một bài giảng của Thánh Đaminh. Khi thánh nhân nhìn thấy ông, ngài tấn công tội lỗi hơn bao giờ hết, và tận đáy lòng, ngài xin Thiên Chúa Toàn Năng soi động người anh em họ của ngài, để người anh em họ ấy thấy được thực trạng khốn nạn là dường nào của linh hồn ông ta.
"Mới đầu, Don Perez cảùm thấy hơi sao xuyến, nhưng ông ta không dứt khoát thay đổi đời sống. Ông lại đến nghe Thánh Đaminh giảng một lần nữa, và người anh em họ của ngài, sau khi thấy con tim chai đá như của ông ta bị xúc động bởi một cái gì phi thường thì la lớn lên rằng:
"-'Ôi Chúa Giêsu, xin ban sự ấy cho toàn thể cử toạ, để họ thực sự thấy được tình trạng của một người vừa mới trở về nhà của Chúa'.
"Bấy giờ mọi người đột nhiên thấy Don Perez hoàn toàn bị bao vây bởi một băng qủi dưới hình thù những con thú dữ tợn đang cầm buộc ông ta bằng những sợi xích lớn. Dân chúng khiếp đảm đổ xô đi trốn làm cho chính Don Perez lại càng hoảng sợ hơn họ, khi ông ta thấy sao mọi người lại bỏ ông ta chạy mất như vậy.
"Thánh Đaminh nói với tất cả mọi người hãy đứng tại chỗ, rồi nói với người anh em họ của ngài là:
"-'Vô phúc thay một con người như ngươi, hãy nhận thức tình trạng hư đốn của mình và hãy gieo mình xuống dưới chân Đức Mẹ. Hãy cầm lấy xâu chuỗi Mân Côi này; hãy sùng kính lần hạt và thật lòng thống hối về tất cả mọi tội lỗi của mình, và hãy nhất tâm cải thiện đời sống'.
"Vậy Don Perez qùi gối xuống, đọc trọn một tràng hạt Mân Côi; đoạn ông ta xưng tội với hết lòng thống hối ăn năn. Thánh Đaminh truyền cho ông ta đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày, ông ta hứa làm theo như thế, và đã tự viết tên mình vào danh sách hội viên của Hiệp Hội Mân Côi.
"Khi ông ra khỏi nhà thờ, mặt mũi của ông không còn kinh khiếp nữa, mà rực rỡ như các thiên thần. Sau này ông đã kiên trì trong việc tôn sùng phép Lần Hạt Rất Thánh Mân Côi, sống một đời sống Kitô hữu thật đàng hoàng và chết một cái chết thật tốt lành".

 

23-             Kinh Mân Côi ban ơn thắng trận

 

"Bí Mật Kinh Mân Côi" đã thuật lại truyện Kinh Mân Côi ban ơn thắng trận nơi Bông Hồng 31như sau.
"Anphôngsô VIII, vua nước Aragon và Castillô, đã sống một đời sống buông tuồng, do đó, đã bị Thiên Chúa dùng cách này cách nọ trừng phạt, mà một trong những cách ấy là vua bị bại trận, và phải đến ẩn trốn ở một thành phố thuộc một trong những nước đồng minh của vua.
"Xẩy ra là thánh Đaminh bấy giờ đang ở thành ấy vào ngày Giáng Sinh rao giảng Kinh Mân Côi như ngài vẫn thường làm, minh tỏ về các ơn ích mà Kinh Mân Côi ban cho chúng ta. Một trong những điều ngài đề cập đến là ai thành khẩn đọc Kinh Mân Côi sẽ chiến thắng địch thù và sẽ chiếm lại những gì đã thất trận.
"Vua chăm chú nghe và sai người đến với thánh Đaminh hỏi những điều ngài giảng có đúng thật như vậy không? Thánh Đaminh bảo đảm với vua là không còn gì chân thật hơn như vậy, nếu vua muốn biết thực hư ra sao, vua hãy thực hành việc tôn sùng này và gia nhập Hiệp Hội Mân Côi. Vua liền dứt khoát đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày suốt cả một năm trời. Ngay Giáng Sinh năm sau đó Đức Mẹ đã hiện ra với vua, lúc vua vừa chấm dứt Kinh Mân Côi cuối cùng, mà nói:
"-'Hỡi Anphongsô, con đã phụng sự Mẹ cả một năm vừa qua, bằng cách sốt sắng đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, vậy Mẹ đến để thưởng cho con đây: Mẹ đã xin được Con Mẹ tha thứ tội lỗi cho con. Mẹ ban cho con xâu chuỗi Mân Côi này; con hãy đeo nó, Mẹ hứa với con là không một kẻ thù nào có thể hãm hại được con nữa'.
"Sau khi Đức Mẹ biến đi, vua mừng rỡ khôn tả, và hết sức phấn khởi. Vua liền đi tìm hoàng hậu để có thể cho bà biết về các đặc ân cũng như lời hứa của Đức Mẹ. Vua cầm cỗ tràng hạt đưa lên trước mắt hoàng hậu (đã bị mù), và tức thì mắt hoàng hậu lại được nhìn thấy như thường.
"Sau đó ít lâu, vua triệu tập binh lính, với sự liên kết của các đồng minh, đã tấn công địch quân một cách ác liệt. Vua bắt họ phải trả lại phần đất mà họ đã chiếm cứ, phải sửa lại những gì xúc phạm đến vua, và hoàn toàn triệt hạ họ. Thật ra, vua được may mắn đến nỗi tha hồ đánh đuổi từ mọi phía theo chiến thuật của vua, như thể hễ vua ra trận là phần thắng bao giờ cũng về tay vua.
"Điều này không có gì là lạ bởi vì vua không bao giờ xuất trận mà không qùi gối đọc Kinh Mân Côi. Vua cũng chủ trương cho tất cả mọi phần tử trong triều thần của vua gia nhập Hiệp Hội Rất Thánh Mân Côi, và cũng muốn thấy rằng các quan chức và tôi tớ của mình mộ mến Hiệp Hội.
"Hoàng hậu gia nhập Hiệp Hội và cũng bắt đầu đọc Kinh Mân Côi. Bà và chồng bà kiên trì phục vụ Đức Mẹ, sống một cuộc đời thật là thánh đức".

 

24-             Kinh Mân Côi có sức khu trừ ma quỉ   

               

Trong Bông Hồng 33, "Bí Mật Kinh Mân Côi" thuật lại một câu truyện về Kinh Mân Côi có sức khu trừ ma qủi như sau.
"Khi thánh Đaminh đang giảng về Kinh Mân Côi ở gần Carcassone thì người ta mang đến cho ngài một người theo bè rối Albigensê bị qủi ám. Thánh Đaminh làm phép trừ qủi trước mặt một đám rất đông dân chúng; có thể tới cả trên 12 ngàn người đến nghe ngài giảng. Ma qủi ám vào người đó đã bị thánh nhân bắt buộc phải ép mình trả lời những câu hỏi của ngài. Chúng nói rằng:
"1- Có 15 ngàn qủi trong thân xác của con người đáng thương này, vì người này đã chống đối 15 Mầu Nhiệm Mân Côi.
"2- Chúng tiếp tục chứng thực rằng việc rao giảng Kinh Mân Côi làm chúng sợ hãi và khiếp đảm đến tận đáy hỏa ngục, và thánh nhân là người chúng thù ghét nhất trên đời, vì các linh hồn ngài giật ra khỏi tay chúng, nhờ việc tôn sùng phép Lần Hạt Rất Thánh Mân Côi.
"3- Rồi chúng còn tỏ ra cho biết thêm một số điều khác nữa.
"Thánh Đaminh quàng cỗ tràng hạt của ngài chung quanh cổ của người lạc giáo Albigensê và bắt ma qủi phải nói cho ngài biết ai trong số các thánh ở trên trời làm chúng sợ nhất, và vì thế ai là vị được người ta kính yêu nhất. Nghe thế, chúng kêu gào quái đản đến nỗi hầu như mọi người đều ngã xuống đất, hồn vía lên mây. Bấy giờ, với tất cả tinh quái của mình, để khỏi phải trả lời, ma qủi khóc lóc than van một cách thảm thiết đến nỗi làm cho nhiều người tự nhiên cũng khóc theo...
"Thánh Đaminh không phải là người dễ bị lung lay, bởi những lời năn nỉ của bọn thần khốn khổ này. đã nói với chúng rằng ngài sẽ không buông tha cho chúng, cho tới khi chúng trả lời câu hỏi của ngài. Bấy giờ chúng nói rằng chúng nói nhỏ vào tai thánh nhân cho một mình thánh nhân nghe thôi. Thánh nhân liền nhấn mạnh rằng chúng phải trả lời một cách rõ ràng và to tiếng. Thế là ma qủi câm lặng không nói một tiếng nào, hoàn toàn không coi lệnh truyền của thánh Đaminh ra gì cả. Vậy thánh nhân qùi gối xuống cầu cùng Đức Mẹ...
"Ngay sau khi thánh nhân chấm dứt lời nguyện cầu, một ngọn lửa chói sáng thoát ra từ lỗ tai, lỗ mũi và cửa miệng của người lạc giáo Albigensê. Tất cả sợ run người lên, song lửa không phương hại đến ai cả. Bấy giờ ma qủi mới kêu lên:
"-'Đaminh ơi, tụi này van xin ngươi mà, vì cuôỉc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô, công nghiệp của Mẹ Thánh Ngài và của tất cả các thánh, hãy để cho chúng tôi ra khỏi thân xác người này mà không cần phải nói năng gì cả - vì các thiên thần sẽ trả lời cho câu ngươi hỏi bất cứ lúc nào ngươi muốn. Lại nữa, tụi này toàn là những tên láo khoét mà? Ngươi cũng muốn tin tụi này hay sao? Thôi xin đừng hạnh hạ tụi này nữa; hãy thương đến tụi này đi".
Sau khi trả lời cho ma qủi xong, thánh Đaminh qùi xuống cầu xin với Đức Mẹ, và chỉ có một mình ngài bấy giờ được thấy Đức Mẹ dùng chiếc gậy vàng Người cầm trong tay đập vào người bị qủi ám mà truyền cho ma qủi phải trả lời câu hỏi của thánh nhân.
"Bấy giờ ma qủi rên lên:
"- 'Ôi Bà là kẻ thù của tụi tôi, là tai họa và là hủy diệt của tụi tôi, sao Bà lại từ trời xuống để hành hạ tụi tôi quá sức như vậy? Ôi Đấng Bầu Cử của các tội nhân, Bà là Đấng đã giật họ ra khỏi cửa hỏa ngục, Bà là đường vững chắc đưa về trời, chẳng lẽ chúng tôi phải bỏ mình đến nỗi nói ra tất cả sự thật và tự thú trước mọi người ai là người làm cho tụi tôi phải hổ ngươi và hư mất? Ôi khốn cho tụi tôi là chúa của sự tối tăm!
"'Hỡi các ngươi là Kitô hữu, hãy nghe cho kỹ đây: Mẹ của Chúa Giêsu Kitô toàn năng là Người có thể cứu các tôi tớ của Người cho khỏi sa hỏa ngục. Người là mặt trời phá tan bóng tối gian ác và tinh quái của tụi tao. Chính Người chỉ tên điểm mặt những mưu đồ của tụi tao, phá tan những cạm bẫy và vô hiệu hóa các chước cám dỗ của tụi tao'.
"'Dầu lưỡng lự, tụi tao cũng phải nói rằng, không một linh hồn nào thành thực làm tôi Người mà lại bị hư đi như tụi tao. Một ánh mắt của Người ngước lên nhìn Chúa Ba Ngôi cũng đủ vượt trên tất cả mọi lời cầu nguyện, mọi ước vọng và mọi hứng khởi của tất cả mọi thần thánh'.
"'Tụi tao sợ Người hơn tất cả các thánh trên trời hợp lại, và tụi tao hoàn toàn chào thua trước những tôi trung của Người. Nhiều Kitô hữu, đáng lẽ bị trầm luân như chúng tao nghĩ, nhờ kêu cầu người trong giờ lâm tử của họ, đã được cứu bởi sự can thiệp của Người'
"'Ôi, nếu Maria không dùng quyền năng của Người chống lại tụi tao và phá đổ các mưu đồ của tụi tao, thì tụi tao chắc chắn sẽ chiến thắng Giáo Hội và tiêu diệt nó từ lâu rồi; và tụi tao đã làm cho các dòng tu trong Giáo Hội lầm lạc và băng hoại rồi'.
"'Giờ đây tụi tao cũng bị buộc phải nói ra cho các ngươi biết điều này nữa là: không ai kiên trì đọc Kinh Mân Côi mà bị hư mất, vì Người xin cho các tôi tớ của Người ơn thực lòng ăn năn thống hối các tội lỗi của họ, nhờ đó, họ được hưởng ơn tha thứ và tình thương của Thiên Chúa'".
"Bấy giờ thánh Đaminh bảo tất cả mọi người đọc Kinh Mân Côi thật chậm và thật sốt sắng, bởi đó, một sự lạ đã xẩy ra là, mỗi một Kinh Kính Mừng mà thánh nhân cùng dân chúng đọc chung với nhau thì một nhóm ma qủi xuất ra từ thân xác khốn khổ của người đó, dưới hình dạng những cục than đỏ lòm.
"Khi bọn qủi ám đã xuất ra hết, và người lạc giáo cuối cùng đã hoàn toàn trở lại bình thường, thì Đức Mẹ (bấy giờ vẫn còn ở đấy) ban phép lành cho đám đông, làm cho họ cảm thấy hân hoan vui sướng.
"Một số lớn các người lạc giáo đã trở lại khi thấy phép lạ này và ra nhập Hiệp Hội Rất Thánh Mân Côi".
 

ï 25-             Tràng hạt Mân Côi được dùng để trừ qủi

 "Bí Mật Kinh Mân Côi" qua Bông Hồng 27 đã kể lại việc tràng hạt Mân Côi được dùng để trừ qủi như sau.
"'Hãy mặc lấy khí giới của Thiên Chúa' (Eph.6:11). Cũng thế, qúi bạn hãy trang bị khí giới của Thiên Chúa là Kinh Mân Côi, và qúi bạn sẽ đạp nát đầu ma qủi, cũng như sẽ khắc phục được mọi chước cám dỗ của hắn. Đó là lý do tại sao ngay cả tràng hạt Mân Côi mà thôi cũng là điều dễ sợ đối với ma qủi rồi, và đó cũng là lý do tại sao các thánh đã dùng tràng hạt để trói buộc qủi ma cũng như để xua đuổi chúng ra khỏi thân thể của những người bị chúng ám...
"Chân phước Alan kể rằng có một người đàn ông ngài biết đã thử đủ mọi việc tôn sùng mà không làm sao thoát được các tà thần ám vào mình. hết nước, ông mới nghĩ đến việc đeo tràng hạt Mân Côi vào cổ, điều này đã làm ông nguôi ngoai nhiều lắm. Ông đã khám phá ra rằng, mỗi lần ông bỏ tràng hạt ra là ma qủi lại hành hạ ông dữ dội. Thế là ông dứt khoát đeo tràng hạt cả ngày lẫn đêm. Từ đó, ma qủi không bao giờ trở lại với ông nữa, vì hắn không thể nào chịu nổi sợi giây xích khủng khiếp này. Chân phước Alan cũng làm chứng là ngài đã giải cứu cho một số đông người bị qủi ám bằng cách đeo tràng hạt quanh cổ của họ.
"Cha Jean Amat, dòng Đaminh, vào một đêm nọ, lúc đang giảng đại phúc cho mùa chay ở Aragon, thì có một em gái bị qủi ám được đem đến cho ngài. Sau khi làm phép trừ qủi cho em mấy lần không xong, ngài lấy cỗ tràng hạt đeo vào cổ của em. Ngài khó khăn lắm mới làm được như vậy xong, thì em gái bắt đầu kêu gào dữ dội: 'Hãy bỏ chúng ra. Hãy bỏ chúng ra. Những hạt này hành hạ tôi!' Thương hại em gái, cuối cùng vị linh mục bỏ cỗ tràng hạt ra.
"Đêm hôm sau, ngay khi cha Amat đang ở trên giường thì những tên qủi đã ám em gái điên cuồng giận dữ tìm cách tấn công cha. Thế nhưng, với cỗ tràng hạt cuốn trong bàn tay mà chúng không làm sao giật khỏi cha được. cha đã dùng để quật chúng tơi bời và đánh chúng chạy mất, trong khi miệng cha kêu cứu: 'Thánh Maria Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, xin đến cứu giúp con'
"Ngày hôm sau, đến nhà thờ, ngài gặp em gái đáng thương vẫn còn bị qủi ám, và một trong những tên qủi đang ở nơi em bắt đầu cười và nói diễu cợt rằng: 'Này đại ca, nếu đại ca dám bỏ cỗ tràng hạt đi thì tụi này sẽ cho đại ca biết tay!' Bấy giờ vị linh mục tốt lành không chần chờ quàng ngay cỗ tràng hạt vào cổ em gái mà nói: 'Nhân danh tên Thánh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Mẹ Thánh của Người, và bằng quyền năng của phèp lần hạt Rất Thánh Mân Côi, ta truyền cho ngươi, hỡi các tà thần, hãy ra khỏi thân thể của em gái này', lập tức chúng bó buộc phải nghe theo và buông tha em gái".
 

26-             Phương pháp đọc Kinh Mân Côi ít chia trí.

 

                Trong Bông Hồng 50, "Bí Mật Kinh Mân Côi" cho thấy một phương pháp để đọc Kinh Mân Côi ít chia trí như sau.
"Để được như vậy, (tức để cầm hãm trí tưởng tượng và giảm thiểu những phân tâm), chúng ta phải thêm một hay vài lời vào mỗi Kinh Kính Mừng (tùy theo mỗi chục kinh, và điều này sẽ giúp nhắc cho chúng ta về mầu nhiệm chúng ta đang tưởng nhớ. Một hay hai lời này phải được thêm vào sau chữ 'Giêsu...' và trước những chữ 'Con lòng Bà gồm phúc lạ'. Chẳng hạn:
Chục 1: "Giêsu nhập thể Con lòng Bà..."
2: "Giêsu thánh hóa..."
3: "Giêsu giáng sinh nghèo hèn..."
4: "Giêsu được thánh hóa..."
5: "Giêsu, thánh trên hết các thánh..."
6: "Giêsu trong cơn sầu thảm..."
7: "Giêsu bị tra tấn..."
8: "Giêsu đội triều thiên gai..."
9: "Giêsu vác thánh giá..."
10 "Giêsu chết trên thập giá..."
11 "Giêsu sống lại từ trong kẻ chết..."
12 "Giêsu lên trời..."
13 "Giêsu làm Mẹ tràn đầy Thánh Linh..."
14 "Giêsu đưa Mẹ lên trời..."
15 "Giêsu đội triều thiên cho Mẹ..."
 

27-             Phương pháp đọc Kinh Mân Côi lấy ơn ích.

 

Cũng trong Bông Hồng 50, "Bí Mật Kinh Mân Côi" còn hướng dẫn thêm một phương pháp đọc Kinh Mân Côi để lấy ơn ích như sau.
"Trước tiên hãy đọc:
"'Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần'.
"Rồi thực hiện tác động hiến dâng việc lần hạt Mân Côi (trước khi đọc mấy kinh mở đầu chuỗi Mân Côi)
"'Con xin hiệp chính mình con với các thánh trên trời, và với tất cả các người lành dưới thế; con xin hiệp chính mình con với Chúa, lạy Chúa Giêsu của con, để chúc tụng Thánh Mẫu của Chúa cách xứng đáng và để chúc tụng Chúa trong Người và bởi Người. Con xin từ bỏ tất cả những lo ra chia trí có thể quấy rối con đang khi con lần hạt Mân Côi này để tôn kính đức tin mà Mẹ đã sống trên trần gian và xin Mẹ cho chúng con được chia sẻ với đức tin của Mẹ. Ôi Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa Kinh Lạy Cha để thờ lạy Chúa trong sự duy nhất của Chúa và để nhận biết Chúa như khởi nguyên và là cùng đích mọi sự. Lạy Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, chúng con xin dâng lên Chúa 3 Kinh Kính Mừng để cám ơn Chúa về tất cả những ơn Chúa đã ban cho Mẹ Maria, cũng như những ơn Chúa đã ban cho chúng con nhờ lời cầu bầu của Mẹ'".
Sau đó, ngắm từng Mầu Nhiệm Mân Côi bằng tâm tình cầu nguyện hơn là lập lại câu tưởng nhớ suông như thói quen vẫn làm. Chẳng hạn:
"Chục thứ nhất:
"Ôi Chúa Giêsu, chúng con xin dâng Chúa chục kinh thứ nhất này để tôn kính việc nhập thể của Chúa; vì mầu nhiệm này và nhờ Thánh Mẫu Chúa cầu bầu, xin ban cho chúng con ơn khiêm nhượng thẳm sâu. (Kết thúc chục Kinh Kính Mừng thì nguyện kết). Xin ơn Mầu Nhiệm Nhập Thể đổ xuống hồn con để làm cho nó sống thật khiêm nhượng" (hay đọc lời nguyện Fatima như Mẹ dạy 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13-7-1917 vẫn thường đọc: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội...")
Chục thứ sáu:
"Ôi Chúa Giêsu, chúng con dâng Chúa chục kinh thứ sáu này để tôn kính cuộc Hấp Hối Tử Nạn của Chúa trong vườn cây dầu; vì mầu nhiệm này và nhờ Thánh Mẫu Chúa cầu bầu, xin ban cho chúng con ơn hết lòng đau đớn tội lỗi và ơn biết vâng theo Thánh Ý Chúa cách trọn hảo. (Kết thúc chục Kinh Kính Mừng thì nguyện kết). Xin ơn Chúa Hấp Hối Tử Nạn trong vườn cây dầu đổ xuống hồn con để làm cho con thật lòng thống hối và hoàn toàn vâng theo ý Chúa" (hay đọc lời nguyện Fatima như Mẹ dạy 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13-7-1917 vẫn thường đọc: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội...")
"Chục thứ mười một:
"Ôi Chúa Giêsu, chúng con dâng Chúa chục kinh mười một này để tôn kính việc Chúa Phục Sinh Khải Hoàn; vì mầu nhiệm này và nhờ Thánh Mẫu Chúa cầu bầu, xin ban cho chúng con một đức tin sống động. (Kết thúc chục Kinh Kính Mừng thì nguyện kết). Xin ơn Phục Sinh đổ xuống hồn con để làm cho con thật lòng trung tín". (hay đọc lời nguyện Fatima như Mẹ dạy 3 Thiếu Nhi Fatima ngày 13-7-1917 vẫn thường đọc: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội...")
 

28-                 Phương pháp đọc Kinh Mân Côi cách tốt đẹp.

 

Qua Bông Hồng 44, Bí Mật Kinh Mân Côi cho biết về phương pháp đọc Kinh Mân Côi một cách tốt đẹp như sau.
"Trước khi bắt đầu mỗi chục kinh, hãy thinh lặng đôi chút, và hãy chiêm ngắm mầu nhiệm mà qúi bạn sắp sửa kính nhớ trong chục kinh đó. Hãy luôn luôn nhớ xin Chúa Toàn Năng, vì mầu nhiệm này và nhờ lời cầu bầu của Thánh Mẫu, một trong những nhân đức nổi bật nhất của mầu nhiệm ấy, hay một trong những nhân đức mà qúi bạn cần đặc biệt
"Cẩn thận tránh hai điều nguy hiểm mà hầu hết người ta gặp phải khi đọc Kinh Mân Côi. Điều thứ nhất là không xin ơn gì cả... Điều lầm lạc lớn thứ hai là không có chủ ý gì hơn ngoài chủ ý đọc cho xong nhanh bao nhiêu có thể... Tôi xin qúi bạn hãy điều chỉnh tốc độ rất dễ xẩy ra khi đọc kinh, bằng cách đôi khi ngưng lại một chút, khi qúi bạn đọc kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng. Vào mỗi lần ngưng lại như thế, tôi đều đánh dấu thập, như qúi bạn sẽ thấy.
"Lạy Cha chúng con ở trên trời + chúng con nguyện danh Cha cả sáng + Nước Cha trị đến + Ý Cha thể hiện + dưới đất cũng như trên trời + Xin Cha cho chúng con hôm nay + lương thực hằng ngày + và tha nợ chúng con + như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con + Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ + Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
"Kính mừng Maria đầy ơn phúc + Đức Chúa Trời ở cùng Bà + Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ + và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ.
"Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời + Cầu cho chúng con là kẻ có tội + khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
"Thoạt tiên qúi bạn sẽ thấy khó thực hiện những chỗ ngắt này, vì thói quen đọc hấp tấp vội vã của mình; thế nhưng, một chục kinh mà qúi bạn đọc một cách chăm chú theo thể thức kia còn qúi hơn cả ngàn Kinh Mân Côi được đọc một cách hoàn toàn cẩu thả, chẳng có ngắt nghỉ hay suy nghĩ gì ráo trọi".
 

29               Phương pháp đọc Kinh Mân Côi cách cung kính.

 

Bí Mật Kinh Mân Côi đã cho biết về phương pháp đọc Kinh Mân Côi cách cung kính trong Bông Hồng 45 như sau.
"Tôi xin thêm là Kinh Mân Côi phải được đọc một cách cung kính nữa. Như thế có nghĩa là Kinh Mân Côi phải được đọc, cung kính bao nhiêu có thể, bằng cách qùi gối, hai tay chắp lại lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân, dĩ nhiên nằm đọc ở trên giường hay nếu đang di chuyển, họ có thể vừa đi vừa đọc. và nếu cơn bệnh không cho phép qùi gối, họ có thể ngồi hay đứng mà đọc. Cũng có thể đọc Kinh Mân Côi ngay khi làm việc, nếu phận sự hằng ngày giữ chân người ta ở tại công việc, vì công việc tay chân không luôn luôn gây trở ngại cho khẩu nguyện.
"Dĩ nhiên, vì linh hồn có giới hạn của nó, và chỉ có thể làm được bấy nhiêu đó thôi, khi chúng ta để ý đến việc chân tay, chúng ta không thể nào chỉ chuyên chú vào những sự thiêng liêng, chẳng hạn như cầu nguyện. Nhưng, như thế không phải là chúng ta không có giá trị trước mặt Đức Mẹ, và Người sẽ thưởng cho thiện chí của chúng ta hơn là những tác động bề ngoài.
"Tôi nghĩ rằng qúi bạn nên chia Kinh Mân Côi của qúi bạn ra làm 3 phần, và đọc mỗi một nhóm mầu nhiệm (là 5 chục kinh) vào một lúc khác nhau trong ngày. Làm như vậy sẽ tốt hơn là đọc cả một tràng 15 chục luôn một lúc".

 

30-                 Hiệp Hội Kinh Mân Côi là gì?

 

 Trong Bông Hồng 5, Bí Mật Kinh Mân Côi đã nói về các loại phần tử của Hiệp Hội Kinh Mân Côi như sau.
"Thật ra chỉ có một Hiệp Hội Kinh Mân Côi duy nhất, dành cho thành phần sẵn lòng đọc đủ 150 Kinh Mân Côi mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy lòng mộ mến của những người đọc Kinh Mân Côi, chúng ta có thể chia họ ra làm 3 loại hội viên:
"Hội viên thường trực là người đọc đủ 150 Kinh Mân Côi mỗi tuần; hội viên vĩnh viễn là người đọc đủ 150 Kinh Mân Côi mỗi năm; hội viên thường nhật là người đọc đủ 150 Kinh Mân Côi mỗi ngày".
Trong Bông Hồng 4, Bí Mật Kinh Mân Côi cho biết Hiệp Hội Kinh Mân Côi được thánh Đaminh sáng lập và sau 100 năm đã bị suy yếu cho đến khi được á thánh Alan de la Roche tái lập.
Trong Bông Hồng 30, Bí Mật Kinh Mân Cội còn kể ra các đặc ân của Hiệp Hội Kinh Mân Côi này, nhất là đã liệt kê các ân xá mà Hiệp Hội nói chung và các phần tử gia nhập Hiệp Hội nói riêng được Giáo Hội ban cho, như Đức Thánh Cha Innôcentê XI tái xác nhận ngày 31-7-1679 và được tổng giám mục Balê công bố trong tháng 9 cùng năm đó. Bí Mật Kinh Mân Côi đã nhấn mạnh đến một đặc ân riêng biệt của Hiệp Hội này không phải chỉ ở chỗ Hiệp Hội được Giáo Hội ban cho nhiều ân xá nhất trong các hội đoàn, Hiệp Hội này còn được chính các Đức Thánh Cha gia nhập để làm gương cho con cái của mình nữa.

 

31-             Việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi là phương thế nên trọn lành.

 

Trong Bông Hồng 24, Bí Mật Kinh Mân Côi đã nói đến việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi là một phương thế nên trọn lành như sau.
"Các thánh luôn lấy đời sống của Chúa Giêsu làm mục tiêu học hỏi chính yếu của mình, các ngài dùng việc suy ngắm các nhân đức và đau khổ của Người làm cách thức giúp các ngài đạt đến mức toàn thiện Kitô giáo...
"Tất cả các Kitô hữu có cùng một đức tin và cùng tôn thờ một Chúa, cùng hy vọng vào một vinh phúc trên trời. Họ có cùng một Đấng Trung Gian duy nhất là Đức Giêsu Kitô, do đó, họ tất cả phải bắt chước mô phạm thần linh của mình, bằng việc suy gẫm các mầu nhiệm về đời sống, nhân đức và vinh quang của Người.
"Thật là lầm to khi cho rằng chỉ có linh mục, tu sĩ và những ai xa lánh sự nhộn nhịp thế gian mới cần phải suy ngắm các chân lý đức tin và các mầu nhiệm về đời sống của Chúa Giêsu Kitô. Nếu các linh mục và tu sĩ có bổn phận suy ngắm về các chân lý của đạo thánh để sống xứng đáng đến cùng ơn gọi của mình, thì giáo dân cũng có cùng một bổn phận như vậy. Vì hằng ngày họ phải đương đầu với những hiểm nguy thiêng liêng có thể làm họ mất linh hồn. Vì vậy, họ phải trang bị cho mình những việc suy niệm thường xuyên về cuộc đời, về các nhân đức và đau thương của Chúa Giêsu, là những gì tuyệt vời được cô đọng trong 15 Mầu Nhiệm Mân Côi".

 

32-             Việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi làm sung mãn thánh thiện.

 

Trong Bông Hồng 25, Bí Mật Kinh Mân Côi còn cho biết việc suy niệm Mầu Nhiệm Mân Côi làm sung mãn thánh thiện như sau.
"Sẽ chẳng bao giờ có ai hiểu được sự sung mãn thánh thiện lạ lùng được chất chứa trong các kinh và các Mầu Nhiệm Mân Côi. Việc suy niệm các mầu nhiệm về sự sống và sự chết của Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế là nguồn mạch trổ sinh những hoa trái kỳ diệu nhất cho những ai thực hành điều này.
"Ngày nay người ta muốn có những điều đánh động và gây cho linh hồn ấn tượng sâu đậm. Thế nhưng, trong lịch sử thế giới, sẽ không có điều gì cảm kích hơn kỳ tích về đời sống, sự chết và vinh hiển của Chúa Cứu Thế được chứa đựng trong Kinh Mân Côi. Qua 15 mầu nhiệm, các cảnh chính về đời sống của Người được phô diễn trước mắt chúng ta. Làm gì có những kinh nguyện tuyệt vời và cao trọng hơn Kinh Chúa Dạy và Lời Chào Thiên Thần? Tất cả ước vọng và nhu cầu của chúng ta đều được thấy diễn tả ở hai kinh này.
"Suy niệm về các mầu nhiệm và kinh nguyện Mân Côi là một việc dễ nhất trong các kinh nguyện, vì những nhân đức khác nhau của Chúa Giêsu Kitô và những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Người, khi suy niệm, làm tươi mát và củng cố tâm trí chúng ta cách lạ lùng, giúp chúng ta khỏi bị chia trí.
"Những mầu nhiệm này, với người thông hiểu, là nguồn mạch của các tín điều căn bản nhất, với những kẻ đơn thành, là cách dẫn giải rõ ràng và dễ hiểu biết. Chúng ta phải học suy niệm hình thức dễ dàng này trước khi tiến tới bậc suy niệm cao nhất...
"Nếu qúi bạn muốn thực sự tiến đến độ cao của đời sống cầu nguyện một cách hoàn toàn nghiêm chỉnh mà không bị ma qủi lừa đảo, như hắn từng làm nơi những kẻ cầu nguyện, hãy đọc trọn một tràng Mân Côi mỗi ngày, hay ít là 50 kinh.
"Nhờ ơn Chúa, qúi bạn đã tiến cao trong đời cầu nguyện, cứ giữ lấy việc đọc Kinh Mân Côi, nếu muốn ở mãi mức độ này và nếu qúi bạn muốn nhờ Kinh Mân Côi để càng ngày càng sống khiêm hạ hơn. Vì, chẳng có ai đọc Kinh Mân Côi hằng ngày lại trở thành một kẻ lạc đạo chính hiệu hay bị ma qủi lừa đảo cả. Đây là lời phát biểu mà tôi sẵn lòng lấy máu mình ký để làm bảo chứng.
"Nếu qúi bạn đang ở trong tình trạng chiêm niệm chủ động hay tình trạng thâm trầm cầu nguyện, tức các bạn đang ở vào tình trạng luôn đặt mình trước nhan Chúa và yêu mến Ngài, qúi bạn càng không có lý do để bỏ đọc Kinh Mân Côi. Kinh Mân Côi sẽ là một sự trợ giúp tuyệt vời cho qúi bạn khỏi sợ mất mức độ tâm nguyện hay bị cản bước tiến thiêng liêng của qúi bạn.
"Qúi bạn sẽ thấy rằng Kinh Mân Côi đúng là chiếc thang Giacóp với 15 bậc, nhờ đó, từng bậc một, qúi bạn sẽ đi từ nhân đức này đến nhân đức kia, từ ơn soi sáng này đến ơn soi sáng kia. Như thế, không sợ nguy hiểm bị lầm lạc, qúi bạn sẽ dễ dàng đạt đến tầm vóc của Chúa Giêsu Kitô".
 

33-             Kinh Mân Côi là phương thế cứu rỗi.

 

Trong Bông Hồng 29, Bí Mật Kinh Mân Côi cho Kinh Mân Côi là một phương thế cứu rỗi như sau.
"Con Thiên Chúa xuống thế gian không ngoài lý do là để cứu rỗi các linh hồn. Người đã khống chế vương quốc Satan bằng việc thiết lập Giáo Hội. Nhưng, chúng đã vùng lên và nhào tới tấn công các linh hồn, bằng lạc thuyết Albigensê, bằng ghen hận, bằng nổi loạn, và bằng những tội lỗi xấu xa mà chúng gieo rắc khắp thế giới, vào thế kỷ 11, 12 và 13.
"Chỉ có những biện pháp thẳng tay mới có thể chặn đứng được những băng hoại ghê gớm này và mới khắc phục được quyền lực của Satan. Rất Thánh Trinh Nữ là Nữ Hộ Thân của Giáo Hội đã ban cho chúng ta một phương thế thần hiệu nhất để ngăn cản cơn giận của Con Người, để tiêu diệt lạc thuyết và để cải tiến nền luân lý Kitô giáo, ở nơi Hiệp Hội Kinh Mân Côi. Phương thế này quả là thần hiệu khi nó phục hồi Đức Ái, hồi phục việc năng chịu các Bí Tích, các phép đã được sùng mộ từ những thế kỷ vàng son đầu tiên của Giáo Hội, và nó cũng cải tiến cả nền luân lý Kitô giáo.
"Đức Giáo Hoàng Lêô X đã nói trong tự sắc của ngài rằng Hiệp Hội này được thành lập để tôn vinh Thiên Chúa và Rất Thánh Trinh Nữ, như một bức tường ngăn chặc các sự dữ đang bùng nổ trong Giáo Hội.
"Đức Giáo Hoàng Grêgory XIII nói rằng Kinh Mân Côi từ trời ban cho chúng ta những phương cách để ngăn cản cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và để cầu khẩn sự can thiệp của Đức Mẹ.
"Đức Giáo Hoàng Julêô III nói Kinh Mân Côi được Thiên Chúa linh ứng để nhờ các ân huệ của Đức Mẹ mà Thiên Đàng mở ra cho chúng ta một cách dễ dàng hơn.
"Đức Giáo Hoàng Phaolô III và Thánh Giáo Hoàng Piô V nói rằng Kinh Mân Côi được ban cho các tín hữu để họ có thể dễ dàng sống bằng an và ủi an trong tâm thần".
 

Mẫu Gương Lần Hạt Mân Côi của
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
 

 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chẳng những có thói quen lần hạt đủ 15 Mầu Nhiệm Mân Côi hằng ngày, ngài còn tổ chức và chủ tọa những buổi lần hạt chung với đoàn chiên của mình vào các Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng ở các nơi mỗi khi có thể, được ghi nhận như sau:
Ngày 7-10-1995 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Patrick ở New York;
Ngày 4-5-1996 tại Vương Cung Thánh Đường Mẹ Mông Triệu ở giáo phận Como Nước Ý;
Ngày 5-10-1996 và 3-5-1997 tại Đại Thính Đường Phaolô VI tại Rôma;
Ngày 7-6-1997 tại Đền Thánh Đức Mẹ Ludzmierz ở Ba Lan;
Ngày 5-7-1997 tại Sân Thánh Damascô ở Vatican;
Ngày 2-8-1997 và 6-9-1997 tại khuôn viên sân ở Castek Gandolfo, nơi ngài nghỉ hè.
Ngày 6-12-1997 tại Đại Thính đường Phaolô VI.