Mầu Nhiệm Thánh Hóa
úng thế, tất cả những gì được Thiên Chúa dựng nên trong 6 Ngày, tự bản chất của chúng và trong con mắt thần linh vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa toàn năng, đều "tốt đẹp" (Gen 1:4,10,18,21,25, nhất là câu chung kết 31) "Thiên Chúa nhìn hết mọi sự Ngài đã làm, Ngài đều thấy chúng rất tốt đẹp". Thế nhưng, dầu sao, tự bản chất của mình, cho dù "tốt đẹp", bởi thân phận là tạo vật hữu hạn và bất toàn, không phải là Thiên Chúa hay như Thiên Chúa Hóa Công là Đấng vô hạn và toàn hảo, loài tạo vật có hồn thiêng bất tử và có tự do chọn lựa là loài người vẫn không thể nào đạt được cùng đích của mình là Thiên Chúa, là hiệp thông thần linh với Ngài, là nên một với Ngài.
Con Người - Hình Ảnh Thần Linh
Quả thực chính vì mục đích duy nhất và tối hậu của Thiên Chúa là Đấng Hóa Công đã dựng nên loài người là để loài người được muôn đời hiệp thông thần linh với Ngài trong cõi vĩnh hằng. Đó là lý do Ngài đã dựng nên con người linh ư vạn vật theo hình ảnh thần linh và tương tự như thần linh (xem Gen 1:26-27), nhờ đó con người mới có thể hiệp thông thần linh với Ngài. Như thế, cũng có thể nói, ở một nghĩa nào đó, như Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, loài người, tự bản chất, ngay từ đầu, khi còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Col 1:15), là phản ánh vinh quang Thiên Chúa (cf. Heb 1:4).
Vì được dựng nên theo hình ảnh thần linh và tương tự như thần linh như thế mà ngay từ ban đầu, tận thâm tâm của mình, qua nữ nguyên tổ Evà, con người đã có sẵn ước vọng “nên như Thiên Chúa” (Gen 3:5), một ước vọng tự bản chất của nó chẳng những hoàn toàn vô tội mà còn rất hợp với ý muốn của Thiên Chúa trong việc Ngài tạo dựng nên con người để con người “nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành”, nhờ đó được hiệp thông thần linh với Ngài. Tuy nhiên, trong việc chiếm đạt ước vọng chính đáng, sâu xa và mãnh liệt này của mình, một ước vọng nếu không có nơi mình, đời sống con người sẽ trở thành bất định, vô nghĩa và không hơn gì muông thú, con người đã bị thất sách, bị hớ, ở chỗ tỏ ra “dục tốc bất đạt”, muốn đốt giai đoạn, tưởng mình có thể tự làm được, bằng cách, nghe theo cám dỗ của ma quỉ, giơ tay hái trái từ cây biết lành biết dữ, bất chấp lệnh cấm của Chúa.
Dầu sao, có thể nói, “nguyên tội” cũng là cái “test” giành cho Thiên Chúa, như “trái cấm” là cái “test” giành cho con người. Không phải hay sao, qua nguyên tội, nói theo kiểu loài người, Thiên Chúa đã biết được rằng loài được dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài quả thực muốn nên giống như Ngài, và cái bộ phận được gọi là “ước vọng thần linh” do Ngài khôn ngoan cài đặt nơi con người có lý trí suy xét và tự do chọn lựa ấy đã hoàn toàn “work”. Thế là Thiên Chúa đã bắt tay ngay vào việc đáp ứng ước vọng muốn nên giống như Ngài này của con người, bằng cách hứa ban cho họ một Vị Cứu Tinh, Đấng là Đường qua Mầu Nhiệm Nhập Thể để họ có thể thấy Ngài và đến cùng Ngài (cf. Jn 14:6), là Sự Thật qua Mầu Nhiệm Tử Giá để họ được thánh hóa trong chân lý (cf. Jn 17:19), và là Sự Sống qua Mầu Nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên để họ được tràn đầy Thánh Thần mà hiệp thông thần linh với Ngài (cf Jn 20:22; Lk 24:49; Acts 1:5, 2:4).
Người Con - Hiện Thân Thần Linh
Nếu chủ đích của Thiên Chúa dựng nên loài người là để ở cùng loài người (x Rev 21:3) thì nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngài quả thực đã hiện thực ước muốn thần linh hợp với bản tính “là tình yêu” (1Jn 4:8,16) này của Ngài, khi Ngài trở thành “Emmanuel - Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23 – Is 7:14; Jn 1:14). Và nếu Thiên Chúa ở cùng loài người là để loài người được thông phần sự sống thần linh của Ngài và với Ngài thì Ngài quả thực đã thực hiện điều ấy nơi "Lời hóa thành nhục thể" (Jn 1:14) trong bụng dạ của Mẹ Maria, một đường lối mà chỉ có Thiên Chúa vô cùng toàn thiện và khôn ngoan mới nghĩ ra, một cách thức đã làm cho đệ nhất thần trời là Luxiphe cùng với 1/3 ngụy thần theo hắn bị tẩu hỏa nhập ma choáng váng đến mất cả chỗ đứng của mình trên trời (x Rev 12:4,8), một đường lối đã biến một Đấng Hóa Công hằng hữu trở thành con cái của một con người (phụ nữ) có một bản tính thấp hèn vô cùng so với Thiên Chúa và một bản tính so với loài thần thiêng như trời với đất.
Thật ra, là Đấng vô cùng khôn ngoan và toàn năng, Thiên Chúa có thể tạo dựng nên một loài tạo vật còn siêu hơn, còn cao cả hơn loài thần thiêng là loài có một bản tính tự nhiên sáng láng trên trời nữa. Chẳng hạn, như ngài đã tạo dựng nên một đệ nhất tạo vật về ân sủng là Mẹ Maria "đầy ân phúc" (Lk 1:28). Thế nhưng, Thiên Chúa vô cùng thượng trí và toàn năng vĩnh viễn sẽ không thể nào và sẽ không bao giờ có thể tạo dựng nên một tạo vật nào hơn được nữa, khi "tạo dựng" nên một "Giêsu", Đấng "là người thật", đồng bản thể với loài người, và là "Thiên Chúa thật" (Kinh Tin Kính), đồng bản thể với Cha. Trong việc "tạo dựng" nên Con Người Giêsu này, "tạo dựng" nên Nhân Vật Lịch Sử có một không hai vô tiền khoáng hậu này, Thiên Chúa đã hoàn thành Dự Án Thần Linh của Ngài, khi Ngài vào lúc lịch sử mở màn đã dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài (x Gen 1:26-27), một hình ảnh thần linh nơi loài người ấy, cho dù đã bị méo mó và bôi bẩn bởi nguyên tội, cũng đã đạt đến tuyệt đỉnh và tuyệt hảo nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, Đấng là "phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Heb 1:3).
Thế nhưng, tất cả Dự Án Thần Linh muốn thông ban sự sống vĩnh phúc này của Thiên Chúa chỉ được bắt đầu "khi thời gian viên trọn" (Gal 4:4), nơi biến cố Truyền Tin, một biến cố đã trở thành Mầu Nhiệm Truyền Tin, Mầu Nhiệm về Con Người Giêsu, bởi quyền phép Thánh Linh, được “tạo dựng” nên trong bụng dạ của một Trinh Nữ (x Is 7:14), để nhờ xác thịt của loài người nơi chính bản thân mình, như phương tiện thần linh, như bí tích linh thánh, Lời Nhập Thể nơi Con Người Giêsu ấy có thể thông ban sự sống thần linh của Thiên Chúa cũng là của Người là Thiên Chúa ra cho loài người ở Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Có thể nói, Ngày Thứ 7, sau 6 Ngày Tạo Dựng nên muôn loài tạo vật vô hình và hữu hình, Thiên Chúa chân thật duy nhất Ba Ngôi đã tạo dựng nên một Ngôi Vị Thần Nhân, Đấng "là Thiên Chúa thật và là người thật".
Sáu Ngày Tạo Dựng - Tột đỉnh: Ngày Thứ 7
Ngày thứ 7: Đấng Cứu Tinh được sai đến... (Gen 3:15) - thế là có một buổi tối (nguyên tội) và một buổi sáng (nhập thể), đó là ngày thứ 7, "ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con" (Ps 2:7), "Ngày Thiên Chúa đã lập nên" (Ps 118:24).
Đúng thế, tuy thuộc về lãnh vực siêu nhiên, lãnh vực ân sủng, Thiên Chúa Hóa Công cũng thực hiện Ngày Thứ 7 theo kiểu mẫu tự nhiên của 6 Ngày Tạo Dựng đầu, cũng "từ tối tăm ra ánh sáng lạ lùng" (1Pt 2:9). Theo chiều hướng này, Phụng Vụ đại lễ của Giáo Hội cũng được cử hành bắt đầu từ Lễ Vọng như ở các Đại Lễ Giáng Sinh hay Đại Lễ Phục Sinh chẳng hạn, hoặc từ chiều Thứ Bảy cho Lễ Chúa Nhật hằng tuần. Và Ngày Thứ 7 này kéo dài một thời khoảng từ khi "tội lỗi đột nhập vào thế gian và cùng với tội lỗi có cả chết chóc" (Rm 5:12), tức kể từ lúc hai nguyên tổ mở mắt ra thấy mình trần truồng và lẩn trốn (x Gen 3:7-8), cho tới "thời sau hết" (Heb 1:2), thời của giây phút "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý" (Jn 1:14), "để ai tin vào Người thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời" (Jn 3:16).
Nguyên tội không phải chỉ là hành động tội lỗi bề ngoài ở chỗ tỏ ra bất tuân lệnh của Thiên Chúa Hóa Công Tối Cao mà còn chính ở nơi tâm hồn của con người không tin tưởng Thiên Chúa cho bằng tin tưởng ma quỉ (x Gen 3:2-6,13). Thế nhưng, Thiên Chúa Tối Cao chẳng những không ra tay trừng phạt con người là loài tạo vật dám tỏ ra khinh khi coi thường Ngài và coi trọng ma quỉ hơn Ngài mà còn tỏ ra yêu thương tha thứ cho họ và tự hứa cứu độ họ (x Gen 3:15). Và theo lịch sử cứu độ, Ngài đã tỏ hết Lòng Thương Xót của Ngài ra nơi Lời Nhập Thể, Đấng đã mặc lấy bản tính hư hoại của họ để có thể trở nên đáng thương hơn cả nhân loại đáng thương, nhờ đó họ có thể nhận biết Ngài là Tình Yêu, một tình yêu vô cùng nhân hậu mà tin yêu Ngài và trở về với Ngài để được hiệp thông thần linh muôn đời với Ngài đúng như mục đích Ngài tạo dựng nên họ.
Có thể nói tất cả Lịch Sử Cứu Độ chính là Ngày Thứ 7. Trong Ngày Thứ 7 này, Thiên Chúa đã ra tay thánh hóa loài người hay thần linh hóa loài người là loài tạo vật được Ngài dựng nên theo hình ảnh thần linh của Ngài và tương tự thần linh như Ngài. Để thực hiện việc thánh hóa loài người này hay thần linh hóa loài người này, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho chung loài người qua một dân tộc được Ngài tuyển chọn đặc biệt, đó là dân Do Thái, bằng việc Ngài kêu gọi các vị tổ phụ của họ, tự động lập giao ước với các vị (xem Gen 12:2-3,26:4,28:14), và trung thành hiện thực giao ước của mình với miêu duệ của các vị (xem Lk 1:54-55). Ở chỗ Ngài đã đem họ vào thừa hưởng mảnh đất Ngài đã hứa, nhất là ban cho họ Đấng Thiên Sai, Vị sẽ tiếp tục ngai báu Đavít tổ phụ của mình mà cai trị trong Nhà Giacóp đến muôn đời (2Sam 7:12-13,16; Lk 1:32). Theo nội dung của Mạc Khải Cựu Ước thì qua suốt giòng Lịch Sử Cứu Độ, từ nguyên tội cho tới biến cố Truyền Tin là biến cố đánh dấu "thời diểm viên trọn" (Gal 4:4), Thiên Chúa đã tỏ mình ra là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, ngoài Ngài ra không còn một chúa nào khác, bởi thế, thành phần dân được Ngài tuyển chọn không được ngoại tình với bất cứ một tà thần hay ngẫu tượng nào, trái lại, phải kính mến Ngài trên hết mọi sự, với tất cả tấm lòng, tất cả linh hồn và tất cả sức lực của mình (x Deut 6:4-5).
"Cả hai nên một xác thịt" - Tột đỉnh: "Lời đã hóa thành nhục thể"
Trong việc tạo dựng nên trời đất muôn vật, cả vô hình là thế giới của các thần thiêng lẫn hữu hình là thế giới thuộc thời gian, Mạc Khải Thánh Kinh nói chung và Sách Khởi Nguyên nói riêng không hề nói đến sự kiện loài thần thiêng được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài, giống trường hợp của loài người. Thật ra, về bản tính tự nhiên, theo hình thức của hữu thể, thiên thần là loài thiêng liêng cũng giống như "Thiên Chúa vô hình" (Col 1:15). Nếu ngày tạo dựng thứ nhất Thiên Chúa dựng nên "ánh sáng" chính là loài thần thiêng thì bản tính là "ánh sáng" của các vị quả là hình ảnh của "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn 1:5). Thế nhưng, vì loài tạo vật thiêng liêng vô hình cũng giống như Thiên Chúa này, tự bản chất chỉ là loài thuần linh chứ không phải Thần Linh theo đúng nghĩa nhất, một loài thuần linh hoàn toàn khác với Thiên Chúa, ở chỗ, dù thiêng liêng vô hình, thiên thần vẫn không ở khắp mọi nơi và thông biết mọi sự như Thiên Chúa, trong khi đó, vì "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24), Ngài ở khắp mọi nơi và thông biết hết mọi sự, Ngài ở trong mọi sự và mọi sự ở trong Ngài, nhất là Ngài ở trong linh hồn của thành phần công chính có ơn nghĩa với Ngài bằng ân sủng của mình. Đó là lý do, Lời nhập thể mới là "ánh sáng thật" (Jn 1:9), "ánh sáng thế gian... ánh sáng sự sống" (Jn 8:12), vô cùng khác với bản tính "ánh sáng" nơi loài thần thiêng của ngày tạo dựng thứ nhất.
Loài người, về bản tính tự nhiên, thật sự là thua kém loài thần thiêng thuần linh cả một trời một vực. Thế mà, Mạc Khải Thánh Kinh lại minh định là loài được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài (x Gen 1:26-27). Vậy loài người là hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa ở chỗ nào? Tất nhiên không phải ở chỗ thiêng liêng như bản tính thiên thần, dù loài người có hồn thiêng theo bản chất giống như thiên thần. Loài người có cả hồn thiêng lẫn xác thể. Chẳng những thế, vì có xác thể nên có cả hai phái nam và nữ nữa. Vậy thì loài người là hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa chắc chắn phải có liên hệ chẳng những đến toàn bản tính của con người bao gồm cả hồn lẫn xác của họ, mà còn đến phái tính nam nữ của họ nữa. Câu 27 của Sách Khởi Nguyên đoạn 1 đã cho thấy rõ chi tiết quan trọng này: "Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của mình, theo hình ảnh thần linh Ngài đã dựng nên họ; Ngài đã dựng nên họ có nam có nữ". Ở đoạn 2, Sách Khởi Nguyên cho biết thêm sự kiện người nữ xuất thân từ thân xác của con người (x Gen 2:21-22), và sở dĩ người nữ được Thiên Chúa dựng nên cho con người và trực tiếp từ thân xác của con người, là vì "con người ở một mình không tốt" (Gen 2:18) và vì tất cả loài thú vật đều "tỏ ra không phải là đồng bạn tương xứng với con người" (Gen 2:20).
Bởi thế, tận thâm tâm của mình (deep down), một thâm tâm được biểu hiệu qua hình ảnh say ngủ (x Gen 2:21), con người vẫn liên lỉ tìm kiếm một đối tượng thật sự và hoàn toàn xứng hợp với mình, cho đến khi thấy được chính bản thân mình nơi người nữ được Thiên Chúa dựng nên cho mình, mà hết sức hớn hở hân hoan thốt lên rằng: "cuối cùng (at last) thì đây (mới) là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (Gen 2:23). Sách Khởi Nguyên, ngay sau khi thuật lại việc Thiên Chúa xe duyên kết nghĩa cho cặp vợ chồng nguyên tổ này và đã chẳng những cho biết phản ứng nhận biết mình của con người, mà còn cả thái độ yêu thương giữa họ với nhau nữa: "Đó là lý do tại sao người nam lìa bỏ cha mẹ mình để gắn bó với vợ mình, và cả hai người đã trở nên một thân thể (body)/ xác thịt (flesh)" (Gen 2:24). Như thế, tất cả cốt lõi của sự kiện con người là hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa còn liên quan mật thiết đến cả ngôi vị cá nhân của con người lẫn mối hiệp thông liên bản ngã giữa họ với nhau, một mối hiệp thông xuất phát từ vị Thiên Chúa duy nhất hiệp thông Ba Ngôi.
Căn cứ vào diễn tiến và sự kiện được Mạc Khải Thần Linh cho biết về những gì liên quan tới phái tính và thân xác của con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa trên đây, chúng ta thấy con người thật sự là hình ảnh của Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể và tương tự như Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Giáo Hội. Đúng vậy, sự kiện con người có cả hồn lẫn xác, nhưng chỉ là một ngôi vị duy nhất, đã là hình ảnh báo trước và đạt đến tột đỉnh nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể: Chúa Kitô có hai bản tính những chỉ có một ngôi vị duy nhất; và sự kiện con người và vợ mình đã trở nên một thân thể hay một xác thịt là những gì tương tự như và đạt đến tột đỉnh nơi "Mầu Nhiệm Cao Cả" là cuộc hiệp nhất nên một Nhiệm Thể giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Người (xem Eph 5:23,31-32). Đó là lý do hôn nhân Kitô giáo chẳng những là biểu hiệu cho mà còn tham dự vào Mầu Nhiệm Cao Cả giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, bằng không nó sẽ mất hết ý nghĩa và giá trị chân thực của mình. Như thế, con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa thực sự đạt đến tột đỉnh của mình nơi "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gen 1:14), mầu nhiệm Thiên Chúa Tạo Hóa kết duyên với loài người tạo vật nơi cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria.
"Trần truồng không biết xấu hổ" - Tột đỉnh: "Không biết đến nam nhân"
Loài người là hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa không phải chỉ ở phương diện thụ động, mà còn ở cả phương diện chủ động, tức là họ phải làm sao để có thể phản ảnh Thiên Chúa, đến độ để Thiên Chúa có thể sống động nơi mình, để Ngài có thể hoàn toàn tỏ mình ra nơi bản thân mình, đúng như ơn gọi của mình là hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài. Ngay từ ban đầu, khi mới được tạo dựng nên, con người chẳng những vốn "tốt đẹp" trước ánh mắt của Thiên Chúa Hóa Công như mọi loài tạo vật khác (Gen 1:31), mà còn được ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, một tình trạng ân sủng được Mạc Khải Thánh Kinh diễn tả là "trần truồng không biết xấu hổ". Ở chỗ, họ đơn sơ vô tội như trẻ nhỏ, ngây thơ trong trắng như thiên thần; không biết đến đam mê nhục dục là gì cho dù có thân xác, không có tính mê nết xấu trong tâm hồn; trí khôn thông minh sáng suốt thông biết mọi sự thuộc về mình, có thể đặt tên cho muông thú (x Gen 2:19-20); cuộc sống được tự do hoan hưởng tất cả mọi tài năng bẩm sinh thiên phú cùng với những ước muốn và cảm thức thần tiên như vườn địa đàng của mình (x Gen 2:16); lương tâm còn lành mạnh tinh tường, biết đâu là lành dữ, như được thấy ở câu trả lời đầu tiên của nữ nguyên tổ Evà với con rắn cám dỗ (x Gen 3:2-3).
Tuy nhiên, tình trạng công chính nguyên thủy "trần truồng không biết xấu hổ" này của tổ tông loài người chỉ tồn tài và kéo dài cho tới khi "mắt của cả hai người mở ra và thấy mình trần truồng" (Gen 3:7). Tức là cho tới khi họ "biết lành biết dữ" sau khi ăn cây Chúa cấm (x Gen 3:6): "lành" là ở chỗ theo ý Chúa, và "dữ" là ở chỗ theo ý mình. Nguyên nhân sâu xa khiến nhị vị nguyên tổ sa ngã phạm tội chính là vì các vị không tin tưởng Thiên Chúa cho bằng tin vào lời dối trá của con rắn cám dỗ:
· "Adong và Evà, bị Satan gian dối dụ dỗ, khi hái lấy trái cây huyền nhiệm chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa, đã thay thế lý lẽ của việc tin tưởng vào Tình Yêu bằng lý lẽ của ngờ vực và tranh đấu; thay thế lý lẽ của việc chấp nhận và tin tưởng trông đợi nơi Đấng Khác bằng lý lẽ hấp tấp chiếm đoạt và làm theo ý riêng của mình (cf Gen 3:1-6), để rồi cảm nghiệm thấy một cảm giác bất an và bất định" (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Sứ Điệp Mùa Chay 2010).
Thế nhưng, nguyên nhân gần hay trường hợp đưa họ đến chỗ dễ dàng sa ngã phạm tội là vì họ không biết hay không chịu kiêng cữ, dù họ đang lành mạnh chứ không bị một triệu chứng tiêu cực nào về tâm linh cần phải tuân giữ luật kiêng cữ:
· "Ở những trang đầu tiên của Thánh Kinh, Chúa đã truyền lệnh cho con người phải kiêng cữ ăn trái cấm: 'Người được tự do ăn hết mọi cây trong vườn này; thế nhưng ngươi không được ăn cây biết lành biết dữ, vì ngày nào người ăn nó người sẽ phải chết' (Gen 2:16-17). Bình luận về chỉ thị này của Chúa, Thánh Basiliô nhận định rằng: 'việc chay tịnh đã được truyền khiến ở Vườn Địa Đường', và 'như thế Chúa đã ban giới luật đầu tiên này cho Adong'. Bởi vậy thánh nhân đã kết luận: ’Người không được ăn là một thứ luật chay tịnh và kiêng cữ' (cf. Sermo de jejunio: PG 31, 163, 98)". (Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI: Sứ Điệp Mùa Chay 2009).
Theo chiều hướng liên lỉ nhắc nhở của các vị tiên tri đối với dân Do Thái về việc họ phải trung thành với "Thiên Chúa là Chúa duy nhất" của họ (x Deut 6:4), không được tôn thờ ngẫu tượng bằng hành động ngoại tình với các tà thần và bất trung với Vị Thiên Chúa của giao ước, của yêu thương, thì ngay từ ban đầu, qua nguyên tội, hai nguyên tổ quả thực đã ngoại tình với Satan, với gian dối, nên đã đánh mất sự sống thần linh, đã bị thất sủng với Thiên Chúa, và đã làm hoen ố và méo mó đi hình ảnh thần linh nơi mình. Đó là lý do, con người vướng mắc nguyên tội chỉ có thể chẳng những lấy lại hình ảnh thần linh vô cùng cao quí cho mình, mà còn đạt đến tột đỉnh của tình trạng "trần truồng không biết xấu hổ", nơi "người nữ" có miêu duệ đạp nát đầu con rắn cám dỗ mà thôi (x Gen 3:15). Bởi vì, "người nữ" này, ngay từ giây phút vừa hiện hữu trên trần gian, đã được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi mọi hậu quả của nguyên tội và được cho hưởng trước ơn cứu độ của Chúa Kitô. Ngoài ra, "người nữ" này tỏ ra xứng đáng được "Chúa ở cùng" (Lk 1:28), vì luôn sống trong tình trạng "đầy ân phúc" (Lk 1:28), liên lỉ "được ơn nghĩa với Chúa" (Lk 1:30). "Người nữ" siêu việt được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa này sở dĩ luôn "đầy ân phúc" và "được ơn nghĩa với Chúa" là vì "người nữ" này hằng lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa (x Lk 2:19,51;11:28; Mk 3:34-35), bằng đức tin tuân phục (x Lk 1:38,45), với tất cả tấm lòng của mình đối với Thiên Chúa Tối Cao Chí Thánh Khả Ái trên hết mọi sự của "người nữ" này, đến độ "người nữ" này đã sống một cuộc đời nữ nhân "không biết đến nam nhân" (Lk 1:34) khi được Tổng Thần Gabiên truyền tin thụ thai Con Thiên Chúa.
"Không biết đến nam nhân" ở đây cho thấy "người nữ" này hoàn toàn nhận biết Thiên Chúa chân thật duy nhất và Thiên Chúa đã trở thành tất cả của "người nữ" ấy và cho "người nữ" ấy. Có thể nói tất cả "kiến thức của Thiên Chúa", tức Thiên Chúa biết mình thế nào thì "người nữ" này cũng nhận biết Ngài như thế với tất cả khả năng loài người "đầy ân phúc" của mình, nghĩa là những gì Thiên Chúa biết về Ngài cũng được hoàn toàn trọn vẹn phản ảnh và hiện thực nơi "người nữ" "không biết đến nam nhân" này. Nếu "nước" được Tiên Tri Isaia (11:9) sánh ví như "kiến thức của Thiên Chúa", thì "người nữ" đầy "kiến thức của Thiên Chúa" này cũng chẳng khác gì như một mặt "nước" "đầy ân phúc" (Lk 1:28), đầy sự sống thần linh là kiến thức về Thiên Chúa (x Jn 17:3). Bởi thế chúng ta mới thấy được tất cả những gì đã xẩy ra ở Mầu Nhiệm Tạo Dựng được Sách Khởi Nguyên trình thuật ngay những câu đầu tiên đã đạt đến tột đỉnh của mình nơi biến cố Truyền Tin.
Đúng thế, nếu trước khi trời đất muôn loài được tạo dựng, Mạc Khải Thánh Kinh cho biết "tối tăm bao phủ vực thẳm, trong khi đó một luồng gió mạnh thổi trên nước. Bấy giờ Thiên Chúa phán 'hãy có ánh sáng' liền có ánh sáng… Rồi Thiên Chúa phán ‘Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta, tương tự như chúng ta" (Gen 1:2-3,26), thì nơi biến cố Truyền Tin, "nước" đây là hình ảnh "một trinh nữ ở Nazarét... tên Maria" (Lk 1:27) "không biết đến nam nhân" (Lk 1:34), cũng đã được "gió" là hình ảnh quyền phép Đấng Tối Cao thổi qua / "bao phủ" (Lk 1:35), để nhờ đó xuất hiện một "ánh sáng chiếu trong tăm tối... ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Jn 1:5,9), đó là “Người Con phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha” (Heb 1:3):
· "Chúa Thánh Thần, Đấng không sản sinh một ngôi vị thần linh nào, đã trở thành phong phú nhờ Mẹ Maria là con người Ngài đã hiệp hôn. Chính với Mẹ, trong Mẹ và từ Mẹ Ngài đã sản sinh một kiệt tác là Vị Thiên Chúa làm người" (Thánh Long Mộng Phố - Louis de Montfort: Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria, đoạn 20).
Lịch Sử Loài Người - Tột đỉnh Biến Cố Truyền Tin
Cho dù Mạc Khải Thần Linh của Thiên Chúa đạt đến tột đỉnh nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, thế nhưng, về phía nhân loại, lịch sử loài người quả thực đã đạt đến tuyệt đỉnh nơi Biến Cố Truyền Tin. Sau đây thứ tự là 6 lý do chính yếu, liên quan tới thời gian (1), tới con người (2), tới Chúa Cha (3), tới Chúa Con (4), tới Thánh Thần (5) và tới Mẹ Maria (6).
1. Vì biến cố lịch sử này làm cho thời gian nên viên trọn. Thật vậy, thời gian chỉ là những gì vô nghĩa nếu loài người không hiện hữu, nhờ đó thời gian mới có thể biến thành những gì được gọi là lịch sử. Và lịch sử của loài người cũng chỉ là một cái xác vô hồn, hoàn toàn vô nghĩa và chẳng có một giá trị gì, nếu nó không được thần linh hóa, để trở thành Lịch Sử Cứu Độ, chất chứa Mạc Khải Thần Linh, một mạc khải được diễn tiến trong Ngày Thứ Bảy sau 6 Ngày Tạo Dựng, một Ngày Thánh hướng về Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần được Thiên Chúa hứa ban (x Gen 3:15) và đạt đến tột đỉnh nơi Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thiên Sai của Dân Do Thái cũng chính là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần.
2. Vì biến cố lịch sử này làm cho con người được sự sống viên mãn hơn. Ở chỗ, nếu không có con người không có lịch sử thế nào thì nếu không có Lời Nhập Thể cũng không có con người như thế. Bởi vậy, con người không phải chỉ là đối tượng của Mạc Khải Thần Linh mà còn là chính cơ hội cho, phương tiện của, đường lối để Mạc Khải Thần Linh được tỏ hiện. Đó là lý do chung tạo vật và riêng loài người "được dựng nên (chẳng những) nhờ Người (mà còn) cho Người" (Col 1:16). Và lịch sử của con người chính là chứng nhân của Mạc Khải Thần Linh và là nơi (không gian) của Mạc Khải Thần Linh. Về bản tính của mình, con người đã bị lây nhiễm nguyên tội, nhưng bản tính của con người vẫn không bị hủy diệt (destroyed) mà chỉ bị hư hoại (corrupted), như cục pin bị hết điện hay mất điện, chứ không phải cục pin hoàn toàn bị hỏng, không xài được nữa, như "muối đã ra nhạt" (Mt 5:13), một cục pin vì thiếu điện như thế bởi vậy vẫn có thể sử dụng khi được charge điện thế nào, thì Đấng "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì bị mất mát / thất lạc" (Lk 19:10) cũng đã charge Thánh Thần cho con người như vậy (x Jn 1:33; Lk 12:49), khi Người mặc lấy nhân tính của họ để hóa thân làm người như họ.
3. Vì biến cố lịch sử này xẩy ra "vào thời sau hết đây, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con, Đấng Ngài đặt làm thừa tự tất cả mọi sự và bởi Người Ngài trước tiên đã tạo nên vũ trụ" (Heb 1:2): Đấng mà nơi Người, Thiên Chúa đã nói hết tất cả mọi sự về "dự án ... được thực hiện khi thời gian viên trọn, tức là làm cho tất cả mọi sự trên trời dưới đất dưới quyền lãnh đạo của Chúa Kitô" (Eph 1:9-10), một qui tụ thực sự đã xẩy ra vào ngay giây phút Lời Nhập Thể, giây phút thần tính và nhân tính của Lời Hằng Hữu trở nên một Ngôi Vị duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, cho dù Mầu Nhiệm Vượt Qua để hoàn thành công cuộc qui tụ này của Người chưa xẩy ra trong thời gian như một tiến trình trọn vẹn của Mầu Nhiệm Nhập Thể.
4. Vì biến cố lịch sử này xẩy ra "khi thời gian viên trọn Thiên Chúa đã sai Con mình sinh bởi một người nữ, sinh ra theo lề luật để cứu những kẻ lụy thuộc lề luật, để chúng ta được hưởng thân phận làm dưỡng tử" (Gal 4:4): Chúa Kitô là tột đỉnh Mạc Khải Thần Linh - Người là Đấng Thiên Sai của Dân Do Thái, đích điểm nhắm đến của Lịch Sử Cứu Độ trong Mạc Khải Thánh Kinh Cựu Ước. Và biến cố lịch sử này còn chất chứa Mầu Nhiệm Nhập Thể: "Lời đã thành nhục thể và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (" (Jn 1:14): Chúa Kitô là tất cả Mạc Khải Thần Linh - Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần và thông ban Ơn Cứu Độ qua Giáo Hội Nhiệm Thể Người như Bí Tích Hiệp Thông.
5. Vì nơi biến cố lịch sử này Thánh Thần được tuôn đổ tràn đầy trên nhân loại, qua hình ảnh "Quyền Phép Đấng Tối Cao sẽ bao phủ" (Lk 1:35) trên "trinh nữ Maria" để tạo thành nên một Ngôi Vị Thần Nhân là "Con Trẻ thánh sinh ra được gọi là Con Thiên Chúa" (Lk 1:35), Đấng đến để "làm phép rửa trong Thánh Thần" (Jn 1:33), tức để tái sinh nhân loại mà Người "là trưởng tử của một đàn em đông đúc" (Rm 8:29) vào sự sống thần linh, và là một "sự sống viên mãn hơn" (Jn 10:10), Vị Thánh Thần cũng đã được Thiên Chúa Hóa Công và là Vị Thiên Chúa của Giao Ước trong Lịch Sử Cứu Độ hứa "tuôn đổ xuống cho toàn thể nhân loại" (Joel 3:1) nói chung và "trên Nhà Israel" (Ez 39:29) nói riêng, "vào những ngày ấy" (Joel 3:2), "vào thời điểm viên trọn Thiên Chúa sai Con Ngài đến sinh bởi một người nữ" (Gal 4:4).
6. Vì biến cố lịch sử này còn cho thấy một “người nữ” (Gen 3:15) là Đệ Nhất Tạo Vật về ân sủng, vượt trên cả loài thần thiêng trên trời, được "Chúa ở cùng" (Lk 1:28), Đấng thậm chí ngay cả ở trong chính thân xác của người nữ này khi Lời hóa thành nhục thể bởi quyền phép Thánh Linh, nhờ đó, nơi người nữ "đầy ân phúc" ấy, nhân loại đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần ngay trong Biến Cố Truyền Tin đã đạt tới tột đỉnh tầm mức được thần linh hóa của mình, ở chỗ được hiệp thông thần linh cả linh hồn lẫn thân xác với Thiên Chúa Hóa Công, một hiệp thông thần linh với trọn vẹn bản tính loài người này thực sự là cùng đích mà con người đã được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài.
Tóm lại, truyền tin là giây phút tuyệt đỉnh của lịch sử nhân loại vì đó là giây phút tột đỉnh của MẠC KHẢI THẦN LINH, giây phút Tất Cả Thực Tại Thần Linh LÀ Cha và Con và Thánh Thần được tỏ hiện, giây phút "SỰ SỐNG đã trở nên hữu hình" (1Jn 1:2), đến độ, loài người hữu hạn vô cùng thấp hèn có thể trở thành Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tự Hữu, Hiện Hữu, Hằng Hữu.
Như thế, truyền tin là giây phút tuyệt đỉnh của lịch sử nhân loại vì đó là giây phút thời gian chạm tới / vươn tới / đạt tới vĩnh cửu:
· "Vì mầu nhiệm này, lịch sử nhân loại không còn rơi vào tình trạng băng hoại nữa, nhưng có một ý nghĩa và một hướng đi: một cách nào đó, lịch sử nhân loại đã được thai nghén với vĩnh cửu" (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Triều Kiến Chung Thứ Tư 26/11/1997)
· "Trong việc trở thành con người, Lời Thiên Chúa đã mang lại một đổi thay sâu đậm nơi chính thân phận của thời gian. Chúng ta có thể nói rằng nơi Chúa Kitô thời gian nhân trần đã được tràn đầy vĩnh cửu. Cuộc biến đổi này chạm đến định mệnh của tất cả nhân loại, vì 'bởi việc Nhập Thể của mình, Người, Con Thiên Chúa, bằng một cách nào đó, đã liên kết mình với mỗi một con người' (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 22)". (Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: Triều Kiến Chung Thứ Tư 10/12/1997).
Truyền tin là giây phút tuyệt đỉnh của lịch sử nhân loại vì đó còn là giây phút mầu nhiệm con người được nên trọn và sáng tỏ:
· “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên đã là hình bóng của Adam sẽ đến, là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới tột điểm nơi Người. Là ‘hình ảnh của Thiên Chúa vô hình’ (Col 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Adam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người. Sinh bởi trinh nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” (Công Đồng Chung Vaticanô II: Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, đoạn 22)
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là Mầu Nhiệm Nhập Thể đã diễn ra như thế nào trong giây phút tột đỉnh của lịch sử loài người là Biến Cố Truyền Tin?
Nếu nhờ mô thể là lời truyền phép Thánh Thể mà bánh và rượu là chất thể của Thánh Thể trở nên Mình Thánh và Máu Thánh Chúa Giêsu Thánh Thể thế nào thì Mầu Nhiệm Nhập Thể là cốt lõi và là mô thể của Biến Cố Truyền Tin chỉ là một sự kiện lịch sử bề ngoài cũng hóa biến cố này thành Mầu Nhiệm Truyền Tin như thế. Có thể nói, nơi Biến Cố Truyền Tin, Mẹ Maria chính là Điểm Hẹn Thần Linh cho cuộc Hội Ngộ Thần Linh giữa Thiên Chúa và loài người - tất cả con người tuyệt đối vô nhiễm và trinh nguyên của Mẹ là Cung Thánh Thần Linh cho cuộc Nhiệm Hôn Lời Nhập Thể giữa Thiên Chúa và loài người.
Biến Cố Truyền Tin thực sự là Mầu Nhiệm Truyền Tin, vì nơi biến cố Truyền Tin này, xẩy ra một cuộc Giao Duyên Thần Linh tuyệt vời, lần đầu tiên và vô tiền khoáng hậu trong lịch sử loài người, giữa Thiên Chúa và loài người, tức liên quan tới Mạc Khải Thần Linh về phía Thiên Chúa, cũng như liên quan tới việc Đáp Ứng Thần Linh về phía loài người là Mẹ Maria.
Vậy, trước hết, chúng ta hãy đọc lại trọn vẹn bài Phúc Âm của Thánh Ký Luca (1: 26-38) trình thuật về biến cố Truyền Tin:
· “Tháng thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là Nazaret, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc nhà Đavít, và tên trinh nữ là Maria. Vào nơi bà ở, thiên thần nói: ‘Vui lên! Hỡi Đầy ơn phúc! Chúa ở cùng người!’ Nhưng lời đó đã làm bà xao xuyến lắm, và bà suy tính lời chào đó có nghĩa gì. Và thiên thần nói với bà: ‘Maria, đừng sợ! vì người đã đắc sủng nơi Thiên Chúa. Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Yêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng Tối cao, và Chúa Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai Đavit cha Ngài; và Ngài sẽ làm vua trên nhà Yacob cho đến đời đời, và vương quyền của Ngài sẽ vô cùng vô tận!’ Maria thưa với thiên thần: ‘Điều ấy sẽ làm sao được? vì việc phu thê tôi không nghĩ đến!’ Đáp lại, thiên thần nói với bà: ‘Thánh thần sẽ đến trên người, và quyến năng Đấng Tối cao trên người rợp bóng; bởi thế mà trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa! Kìa Êlisabet trong hàng thân thích của người cũng đã mang thai con lúc tuổi đã già, cái thai nay đã là sáu tháng nơi một kẻ đã từng mang tiếng là son sẻ hiếm hoi! Vì với Thiên Chúa, nào có gì lại là không có thể!’ Maria mới nói: ‘Này tôi là tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài!’ Và thiên thần đã từ giã bà đi ra”. (bản dịch của linh mục Nguyễn Thế Thuấn, CSsR)
|