Một Di Chúc Lịch Sử 

"Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô,
và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người
là 'chương trình' tôi đã đề ra cho Giáo Hội
vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ,
kêu gọi Giáo Hội
hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử
bằng lòng nhiệt thành
thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa".

 

Đó là lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bức Thông Điệp cuối cùng của ngài, Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể - Ecclesia De Eucharistia, đoạn 6, cho thấy tất cả những gì có thể được gọi di chúc của ngài cho Kitô giáo sống ngàn năm thứ ba.

Nếu ngài là một hiện tượng, một con người chất chứa đầy những huyền nhiệm của Đấng Quan Phòng Thần Linh, thì những lời ngài bày tỏ trên đây không phải chỉ là những gì cảm nhận riêng tư của bản thân ngài, mà phải nói là một viễn tượng về tương lai của một Giáo Hội được ngài là nhân vật lịch sử được Thiên Chúa sai tới với tư cách kế nhiệm Thánh Phêrô thứ 263 và là vị Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian thứ 264 của Cộng Đồng Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng trong sứ vụ dẫn Giáo Hội "vượt qua ngưỡng cửa hy vọng" để tiến vào ngàn năm thứ ba. 

Sau một giáo triều dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội, 26 năm rưỡi (16/10/1978-2/4/2005), chắc chắn những gì ngài tuyên bố trên đây thật sự là quan trọng và khẩn trương, cần chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu thành tâm lắng nghe và nhiệt liệt hưởng ứng cùng đáp ứng, chẳng những cho thiện ích của chính mình mà còn cho toàn nhân lại trên thế giới ở một thời điểm của ngàn năm thứ ba Kitô giáo với đầy những biến động khác thường đến bất thường nữa.   

Ngay trong bài giảng khai triều của Lễ Đăng Quang ngày 22/10/1978, vị giáo hoàng "đến từ một xứ sở xa xôi", không phải người Ý sau 455 năm, là Gioan Phaolô II này đã mạnh mẽ trấn an thế giới và lên tiếng kêu gọi họ rằng: "Đừng sợ đón nhận Chúa Kitô và chấp nhận quyền năng của Người... Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô... Đừng sợ. Chúa Kitô biết 'những gì nơi con người'" (đoạn 5). Và chính ngài sau đó, trong bức Thông Điệp đầu tay của mình là Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis, ban hành ngày 3/4/1979, đã cho biết lý do đó là vì con người đang nơm nớp lo sợ chính những gì họ chế tạo ra, lo sợ chính bản thân mình, lo sợ chính Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, Người lại là chính Đấng họ cần đến để được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, khỏi tự diệt và hư vong.

Thế giới tân tiến đang sống trong lo âu sợ hãi bởi cái họ làm ra

"Con người ngày nay hình như chưa bao giờ bị đe dọa bởi cái họ làm ra như vậy, nghĩa là từ thành qủa của việc do bàn tay họ làm, và còn hơn thế nữa, của công việc do lý trí con người nghĩ ra cũng như của những khuynh hướng do ý con người muốn. Tất cả những gì do hoạt động đa diện này của con người sản xuất ra, thường bằng một đường lối không thể nào thấy trước được, rất là nhanh chóng, chẳng những nó gây nên 'sự tách biệt', ở chỗ nó thường lấy đi khỏi con người là tác nhân sản xuất ra chúng, mà hơn thế nữa, nó còn trở mặt phản lại chính con người, ít là một phần nào đó, qua những hậu quả gián tiếp nó tác dụng khi trả về cho họ. Nó được và có thể được nhắm thẳng vào con người. Điều này có thể tạo nên một màn thảm kịch chính yếu cho việc hiện hữu con người ngày nay trong một chiều kích rộng nhất và phổ quát của nó. Bởi thế, con người đang sống trong nỗi sợ hãi gia tăng. Họ sợ cái họ sản xuất ra - dĩ nhiên không phải là tất cả những cái ấy, hay hầu hết những thứ ấy, nhưng là một phần của nó, đích xác hơn là cái phần chứa đựng một thừa hưởng đặc biệt bởi tài năng và sự sáng tạo của họ - có thể phản lại chính họ tận gốc rễ; họ sợ rằng nó có thể trở thành phương tiện và dụng cụ cho một cuộc tự diệt không thể nào tưởng tượng nổi, so với tất cả những hủy hoại dữ dội và những hủy diệt bất ngờ trong lịch sử mà chúng ta biết đến thì chỉ là một bóng mờ. Điều này gợi lên một vấn đề là: Tại sao quyền năng được ban cho con người từ ban đầu để họ làm chủ trái đất (cf. Gen 1:28) lại quay ra chống lại họ, gây ra một tình trạng bất an không sao hiểu được, một nỗi sợ hãi ý thức hay vô thức, cũng như một mối nguy hiểm, mà trong những cách thức khác nhau, được truyền lan đến cả gia đình nhân loại ngày nay, và đang thể hiện dưới những phương diện khác nhau?... 

"Việc phát triển về kỹ thuật và về văn minh hiện đại, được đánh dấu bằng tình trạng dẫn đầu của kỹ thuật, đòi phải có một phát triển cân xứng về luân lý và đạo đức. Đối với ngày nay thì việc phát triển về luân lý và đạo đức này, bất hạnh thay, luôn luôn bị quên sót..." (đoạn 15).

Thế giới tân tiến đang phát triển trong một mối đe dọa bị mất đi chính mình bằng nhiều hình thức

"Bởi thế, nếu trong thời điểm của chúng ta, thời điểm đang tiến đến tận cùng đệ nhị thiên niên của kỷ nguyên Kitô giáo, tỏ ra mình là một thời điểm phát triển lớn lao, thì nó cũng được thấy như là một thời điểm của mối đe dọa đối với con người bằng nhiều hình thức... Tình trạng của con người trong thế giới tân tiến này thật sự xa rời khỏi những đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý, khỏi những đòi hỏi của công lý, và còn hơn thế nữa, của tình yêu thương trong xã hội... Ý nghĩa chính yếu của 'vương chức' và 'chủ quyền' của con người trên thế giới hữu hình mà Chính Tạo Hóa trao cho con người như công việc của họ, hệ tại việc đạo đức ưu tiên hơn kỹ thuật, con người chính yếu hơn sự vật, và tinh thần trọng hơn vật chất.

"Đây là lý do tại sao tất cả những giai đoạn của việc phát triển hiện nay phải được cẩn thận theo dõi. Mỗi một giai đoạn của việc phát triển đó, có thể nói, được rọi chiếu từ quan điểm này. Vấn đề là con người thăng tiến không phải chỉ là việc tăng bội những sự vật mà người ta có thể hưởng dụng. Nó là một vấn đề - như một triết gia hiện đại đã nói cũng như Công Đồng đã phát biểu - không phải 'có hơn' mà 'là hơn' (Gaudium et Spes, đoạn 35). Thật vậy, đã có thể thấy được một cơn nguy biến ở chỗ, trong khi việc con người làm chủ trên thế giới sự vật đang tạo nên những phát triển khổng lồ, thì họ liều mất đi những cái cốt yếu làm nên chủ quyền của mình, và bằng nhiều cách thức khác nhau, để cho nhân tính của mình lụy thuộc vào thế gian, rồi chính mình cũng trở nên một vật làm tôi phục vụ cho sự lạm dụng dưới nhiều hình thức - sự lạm dụng này thường không trực tiếp thấy được - qua toàn thể cơ cấu của cuộc sống chung, qua hệ thống sản xuất và qua áp lực từ phương tiện truyền thông xã hội. Con người không thể nào vùi dập bản thân mình hay vị trí của mình trong cái thế giới hữu hình là một thế giới thuộc về họ; họ không thể nào trở nên nô lệ cho sự vật, nô lệ cho những cơ cấu kinh tế, nô lệ cho việc sản xuất, nô lệ cho những sản phẩm riêng của mình" (đoạn 16). 

Thế giới tân tiến đang vi phạm đến quyền lợi của con người được chính mình phác họa ra

"Thế kỷ này, cho đến nay, vẫn là một thế kỷ của những hủy hoại lớn lao đối với con người, của những tàn phá vĩ đại, chẳng những về vật chất mà còn cả về luân lý, thực sự là thế, có lẽ trên hết là về mặt luân lý. Đồng ý là, về phương diện này, việc so sánh thời đại này hay thế kỷ này với thời đại khác hay thế kỷ khác không phải là một việc dễ dàng, vì điều này còn lệ thuộc vào những tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, dù không mang ra so sánh chăng nữa, người ta cũng không thể nào không nhận thấy rằng thế kỷ này, cho tới nay, vẫn là một thế kỷ mà người ta đã gây ra cho nhau nhiều bất công và khổ đau. Diễn tiến này đã được dứt khoát chế ngự chưa? Dầu sao đi nữa, về điểm này, chúng ta cũng không thể nào không nhớ lại, bằng một nhận thức và hy vọng sâu xa hướng về tương lai, một nỗ lực sáng chói đã ban sức sống cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, một nỗ lực dẫn đến việc định nghĩa và thiết lập những quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người, mà những chính quyền là phần tử trong tổ chức này buộc nhau phải cương quyết tuân hành. Cuộc dấn thân nỗ lực này đã được hầu hết mọi chính quyền hiện nay chấp nhận và ưng chuẩn, sự kiện này tạo nên một bảo đảm về quyền lợi con người, làm nó thành một nguyên tắc hoạt động cho an sinh của con người trên khắp thế giới...

"Bất chấp những luận cứ này, các quyền lợi con người vẫn đang bị vi phạm bằng nhiều hình thức, khi mà, trong thực hành, chúng ta thấy trước mắt có những trại tập trung, bạo lực, hành hạ, khủng bố, và kỳ thị dưới nhiều thể cách, thì sự kiện này phải là hậu quả của những chủ trương khác đang gặm nhấm và hầu như thường vô hiệu hóa những nền tảng nhân bản của những tổ chức và dự án hoạt động tân tiến này. Đối với hiện trạng như thế, cần phải có một trách nhiệm trong việc liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, dựa trên quan điểm về các quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con người.

"Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền gắn liền với việc thành lập Tổ Chức Liên Hiệp Quốc, chắc chắn theo mục tiêu của mình, không những bắt nguồn từ những kinh nghiệm kinh hoàng gây ra bởi Thế Chiến vừa qua, mà còn nhắm đến việc tạo nên một căn bản để liên tục điều chỉnh những dự án hoạt động, những tổ chức và những chế độ, được thực sự dựa trên quan điểm căn bản duy nhất này, tức là dựa trên tình trạng an sinh của con người - hay chúng ta cũng có thể nói là dựa trên con người trong cộng đồng - là cái mà, như một yếu tố chính yếu trong vấn đề công ích, tạo nên một tiêu chuẩn thực sự cho tất cả mọi dự án hoạt động, mọi tổ chức và mọi thể chế. Nếu xẩy ra ngược lại như thế, thì cuộc sống con người, ngay cả trong thời bình, phải gánh chịu những khổ đau khác nhau, rồi cùng với những đau khổ này, còn phát triển những hình thức khác nhau của việc thống trị, của chế độ độc tài chuyên chế, của chế độ tân thực dân và của chế độ đế quốc, làm nên một mối đe dọa cho cuộc sống hòa hợp với nhau giữa các quốc gia. Thật vậy, nó là một sự kiện quan trọng, được kinh nghiệm lịch sử xác nhận đi xác nhận lại, cho thấy là việc vi phạm đến quyền lợi của con người đi liền với việc vi phạm đến quyền lợi của các nước, nơi con người hiệp lại bằng những liên hệ có tổ chức như là một gia đình lớn hơn...

"... Thật thế, những mối lo âu sợ hãi rất thường gợi lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn xa vời với việc hiện thực hóa (nhân quyền) này, và, có những lúc, tinh thần của đời sống xã hội công cộng lại đi ngược một cách đau xót với 'chữ nghĩa' của nhân quyền. Tình trạng của những sự thể này đang đè nặng trên những tổ chức liên hệ sẽ phải chịu trách nhiệm đối với họ cũng như đối với lịch sử con người trong việc góp phần hình thành nó" (đoạn 17).

Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của lịch sử

"Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này, một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu: Ngài đã ban cho họ chiều kích này một cách dứt khoát - bằng một đường lối dành riêng cho một mình Ngài mà thôi, hợp với tình yêu và lòng thương vĩnh hằng của Ngài, hợp với niềm tự do của Thiên Chúa - và Ngài đã cũng ban nó bằng một lòng bao dung để chúng ta, khi xét đến nguyên tội và suốt giòng lịch sử tội lỗi của nhân loại, cũng như xét đến những lầm lẫn của trí khôn con người, ý muốn và con tim của mình, có thể bồi hồi lập lại những lời của phụng vụ thánh: 'Ôi lỗi lầm diễm phúc (happy fault)... đã làm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (Tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh)..." (đoạn 1).

"Thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu Kitô - một Con Người, Con của Trinh Nữ Maria, được nghĩ là con của Giuse Nazarét - 'để lại' cho thế giới này, cũng là một biểu hiện mới mẻ về tình phụ tử đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, một lần nữa, đến gần nhân loại, gần với mỗi một con người, khi ban cho Người 'Thần chân lý' (Jn16:13) ba lần thánh.

"Việc mạc khải này của Cha và việc tuôn đổ Thánh Linh để đóng một niêm ấn không phai nhòa trên mầu nhiệm cứu chuộc đã nói lên ý nghĩa của cây thập giá và cái chết của Đức Kitô. Vị Thiên Chúa của việc tạo dựng được mạc khải như là một Vị Thiên Chúa của việc cứu chuộc, như Vị Thiên Chúa 'trung tín với chính mình' (1Thes 5:24), cũng như trung tín với tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại và thế gian, một tình yêu Ngài đã mạc khải vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là một tình yêu không rút lui trước bất cứ một cái gì đòi Ngài phải dùng đến phép công thẳng. Bởi thế, 'vì chúng ta, (Thiên Chúa) đã làm cho Người (Con) là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor 5:21; x.Gal 3:13). Nếu Người 'thành tội lỗi', Người là Đấng không bao giờ có một tội lỗi nào, thì tỏ ra rằng tình yêu luôn luôn cao trọng hơn tất cả tạo vật, một tình yêu là chính Mình Người, vì 'Thiên Chúa là tình yêu' (Jn 4:8,16). Trên tất cả mọi sự, tình yêu vĩ đại hơn cả tội lỗi, hơn cả yếu đuối, hơn cả 'tình trạng hư hoại của tạo vật' (Rm 8:20); nó mạnh hơn cả sự chết; nó là một tình yêu luôn luôn sẵn sàng để nâng cao và tha thứ, luôn luôn sẵn sàng để đi gặp người con hoang đàng (x.Lk 15:11-32), luôn luôn mong đợi 'cuộc thể hiện của con cái Thiên Chúa' (Rm 8:18) là thành phần được kêu gọi 'đến vinh quang sẽ được tỏ hiện' (Thánh Tomas tiến sĩ). Việc mạc khải của tình yêu này cũng được diễn tả như mạc khải của lòng thương xót; và trong lịch sử của con người, mạc khải của tình yêu và lòng thương xót này đã mặc một hình thức và mang một danh hiệu: đó là Giêsu Kitô" (đoạn 9)

"Con người không thể nào sống mà không yêu thương. Họ mãi là một hữu thể không hiểu được mình, đời sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ hiện cho họ thấy, nếu họ không gặp gỡ tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và làm cho nó thành của mình, nếu họ không mật thiết liên kết với nó. Đó là, như đã nói đến, lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ'. Nếu chúng ta cần diễn tả, thì đây là chiều kích nhân loại của mầu nhiệm của việc cứu chuộc. Trong chiều kích này, con người, một lần nữa, tìm được sự cao cả, phẩm vị và giá trị thuộc về nhân tính của họ. Nơi mầu nhiệm của việc cứu chuộc, con người được 'thể hiện' một cách mới mẻ, và, một cách nào đó, được tạo dựng một cách mới mẻ. Con người được tạo dựng một cách mới mẻ! 'Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; vì anh em tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô' (Gal 3:28). Con người muốn hiểu mình hoàn toàn - không chỉ hợp với những tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, bán phần, thường nông cạn, hay ảo tưởng về hữu thể mình - họ phải đến gần Chúa Kitô, với nỗi khắc khoải và lo âu của họ, cả với nỗi yếu đuối và tội lỗi của họ, với sự sống và cái chết của họ. Như thế, họ phải vào trong Người với tất cả cái tôi riêng của họ, họ phải 'thích hợp' và đồng hóa với toàn thể thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc để tìm thấy chính mình. Nếu tiến trình sâu xa này xẩy ra nơi họ, thì họ mới sinh hoa trái, chẳng những nơi việc tôn thờ Thiên Chúa, mà còn nơi cả sự bỡ ngỡ lạ lùng về mình nữa. Con người qúi hóa là chừng nào trước mắt của Hóa Công, khi họ 'được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh), và khi Thiên Chúa 'đã ban Con duy nhất của mình' để con người 'không phải chết nhưng được sự sống đời đời' (Jn 3:16).

"Trong thực tế, danh hiệu làm chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng ở nơi giá trị và phẩm vị của con người đó là Phúc Âm, nghĩa là: Tin Mừng. Nó cũng được gọi là Kitô giáo. Sự bỡ ngỡ lạ lùng này, còn là một niềm xác tín và chân thực - nơi những gốc rễ sâu xa nhất của nó, nó cũng là sự chân thực của đức tin, song trong một đường lối kín đáo và huyền nhiệm, nó làm sống động mọi phương diện nhân bản đích thực - gắn liền với Chúa Kitô. Nó cũng sửa lại vị thế của Chúa Kitô - tức quyền lợi công dân riêng biệt của Người - trong lịch sử của con người (man) và của nhân loại (mankind)..." (đoạn 10).

Giáo Hội quan tâm đến ơn gọi trong Chúa Kitô của con người

"Cuộc hiệp nhất này của Chúa Kitô với con người tự nó là một mầu nhiệm. Từ mầu nhiệm này sinh ra "một con người mới", được kêu gọi để tham phần vào sự sống của Thiên Chúa (x.2Pt 1:4), được tân tạo trong Chúa Kitô cho mình đầy ân sủng và chân lý (x.Eph 2:10; Jn 1:14,16). Cuộc hiệp nhất của Chúa Kitô với con người là một quyền năng và là nguồn mạch của quyền năng, như Thánh Gioan đã nói rất gọn sáng trong phần nhập đề Phúc Âm của mình: '(Lời) đã ban quyền năng để trở nên con cái Thiên Chúa' (1:12). Con người được biến đổi nội tại bởi quyền năng này, một quyền năng như nguồn mạch của một sự sống mới không biến mất và qua đi song tồn tại đến sự sống muôn đời (Jn 4:14). Sự sống này là hoàn kết cho ơn gọi của con người, một sự sống được Chúa Cha hứa ban và hiến cho mỗi một con người nơi Chúa Giêsu Kitô, Người Con hằng sống duy nhất của Ngài đã nhập thể và sinh bởi Trinh Nữ Maria 'khi thời gian nên trọn' (Gal 4:4). Bằng một đường lối nào đó, nó là cuộc hoàn trọn của 'định mệnh' mà Thiên Chúa  từ đời đời đã sửa soạn cho con người. 'Định mệnh thần linh' này đang tiến triển, bất chấp tất cả mọi khôn thấu, mọi nan giải, mọi quanh co và rẽ lượn của 'định mệnh con người' trong thế giới thời gian. Thật thế, cho dù sự sống trong thời gian có phong phú đến đâu đi nữa, tất cả định mệnh này cũng không thể nào tránh được việc cần phải tiến đến ranh giới của sự chết cũng như đến mục tiêu hủy hoại của thân xác con người, mà vượt khỏi mục tiêu ấy chúng ta mới thấy được Chúa Kitô. 'Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta... sẽ không bao giờ phải chết' (Jn 11:25-26). Trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đanh và được đặt nằm trong mồ để rồi phục sinh, 'hy vọng phục sinh của chúng ta được tỏ rạng... một hứa hẹn sáng sủa cho cuộc bất tử' (lễ cầu cho kẻ chết, kinh tiền tụng I), bằng một đường lối là, nhờ việc thân xác chết đi, con người có thể chia sẻ với toàn thể tạo vật hữu hình cái nhu yếu mà vật chất bị lụy thuộc. Chúng ta có ý định và đang cố gắng thấu triệt cho càng sâu xa hơn ngôn ngữ của sự thật mà Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại đã chiếu sáng lên trong câu 'Chính thần linh ban sự sống, chứ xác thịt chẳng lợi lộc gì' (Jn 6:63). Bất chấp tất cả những dấu hiệu bề ngoài, những lời này diễn tả một xác nhận cao cả nhất về con người - một xác nhận về thân xác được Thần Linh ban cho sự sống.

"Giáo Hội sống những thực tại này; Giáo Hội sống nhờ sự thật về con người này, một sự thật làm cho họ vượt ra ngoài những ranh giới của tình trạng tạm bợ, đồng thời, cũng giúp cho họ nghĩ về tất cả mọi sự được đặc biệt yêu mến và quyến luyến trong những chiều kích của tình trạng tạm bợ này, một tình trạng ảnh hưởng đến đời sống của con người cũng như đến sự sống tâm linh con người, một sự sống được tỏ ra không thôi khắc khoải theo những lời của Thánh Augustinô: 'Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con cho chính Chúa, nên lòng của chúng con khắc khoải cho đến khi đuợc nghỉ yên trong Chúa' (Tự Thú, I,1). Trong nỗi khắc khoải tự nhiên này, một nỗi khắc khoải làm rung động và thổn thức lên cái sâu xa nhất nơi con người: đó là việc tìm kiếm chân lý, là nhu cầu khôn nguôi đối với sự thiện, là niềm đói khát tự do, là nỗi hoài mong sự mỹ, và là tiếng nói của lương tâm. Tìm kiếm con người đúng như họ là với 'con mắt cùa chính Chúa Kitô', Giáo Hội càng ngày càng nhận thức được rằng Giáo Hội là bảo quản viên (the guardian) của một kho tàng cao trọng mà Giáo Hội chẳng những không được làm cho nó thất thoát đi mà còn phải làm cho nó liên tục tăng phát lên nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu phán: 'Ai không thu tích với Ta là kẻ phá tán' (Mt.12:30). Kho tàng nhân loại này được làm giầu bởi một mầu nhiệm khôn tả của việc làm con cái thần linh (x.Jn.1:12), cũng như bởi ơn được 'thừa nhận làm con cái' (Gal.4:5) nơi Người Con duy nhất của Thiên Chúa, nhờ Người Con này chúng ta kêu Thiên Chúa 'Abba, Cha ơi' (Gal 4:6; Rm.8:15), cũng là một động lực mạnh mẽ, trước hết, làm cho Giáo Hội tập trung lại và mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội. Nhờ động lực này, Giáo Hội hiệp nhất với Thần Linh của Chúa Kitô, đó là Thánh Linh được Đấng Cứu Chuộc hứa ban và tiếp tục thông ban, và cuộc hiện xuống của Ngài, như được tỏ ra trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, kéo dài cho đến muôn đời. Những quyền năng của Thần Linh (Rm.15:13; 1Cor.1:24), những tặng ân của Thần Linh (Ls.11:2-3;Acts 2:38) và những hoa trái của Thánh Linh (Gal 5:22-23) được mạc khải nơi con người là như thế. Giáo Hội ngày hôm nay đây, với một nhiệt tình mạnh mẽ hơn và với một chú tâm thánh hảo, như đang lập lại rằng: 'Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Linh!' Hãy đến! Hãy đến! 'Hãy chữa lành những vết thương đau của chúng con, hãy tái tạo sức mạnh cho chúng con; Xin hãy đổ sương sa của Ngài xuống trên cơn khô khan của chúng con; Xin Ngài hãy tẩy rửa hết những dấu vết lầm lỗi của chúng con; Xin Ngài hãy uốn lòng ý của chúng con cho khỏi bị cứng cỏi; Xin Ngài hãy làm tan đi nỗi đông lạnh và làm ấm lại niềm lạnh lẽo; Xin Ngài hãy dẫn dắt những bước đi cho khỏi sai đường lạc lối' (ca tiếp liên Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống).

"Lời kêu cầu Thần Linh này, với chủ ý thực sự là xin cho được Thần Linh, là câu trả lời đối với tất cả mọi 'chủ trương duy vật' của thời buổi chúng ta. Những chủ trương duy vật này chính là cái đã sinh ra rất nhiều hình thức không thể nào làm con tim nhân loại được thỏa mãn. Lời kêu cầu này đang vang vọng nơi nhiều lãnh vực khác nhau, và như đang sinh hoa trái bằng nhiều cách thức khác nhau..." (đoạn 18). 

Mẹ Đấng Cứu Chuộc -
Redemptoris Mater trong đời sống của Giáo Hội.

Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater” của ngài là bức Thông Điệp thứ 6 trong 14 văn kiện có tầm mức giá trị giáo huấn quan trọng nhất đối với thẩm quyền giảng dạy của một vị Giáo Hoàng, được ban hành ngày 25/3/1987. Nội dung của bức Thông Điệp Thánh Mẫu này, ngoài phần mở và phần kết, còn được chia làm 3 phần, thứ tự như sau: Mẹ Maria trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô, Người Mẹ Thiên Chúa ở Tâm Điểm của  Giáo Hội Lữ Hành, và Vai Trò Môi Giới Từ Mẫu. Riêng trong phần thứ ba, chương cuối cùng trong 3 chương của phần này, ngài giành để nói tới việc ngài mở Năm Thánh Mẫu, từ ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ngày 7/6/1987 đến ngày Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8/1988. Sau đây là mấy đoạn tiêu biểu có thể tổng tóm đại quan nội dung của bức Thông Điệp Thánh Mẫu “Mẹ Đấng Cứu Chuộc” này của ngài, một bức thông điệp có một nội dung liên hệ hết sức mật thiết với Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis.

“Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc chiếm một vị thế đặc biệt nơi dự án cứu độ, vì ‘khi tới thời gian viên trọn thì Thiên Chúa đã sai Con mình, hạ sinh bởi người nữ, hạ sinh theo lề luật, để cứu chuộc những ai lệ thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được ơn làm nghĩa tử. Và vì anh chị em là con mà Thiên Chúa đã sai Thần Linh Con Ngài đến với tâm can của chúng ta, để vang lên ‘Abba! Lạy Cha’ (Gal 4:4-6).

“Bằng những lời ấy của Thánh Phaolô, những lời được Công Đồng Chung Vaticanô II sử dụng để bắt đầu việc bàn đến Đức Trinh Nữ Maria (xem Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, đoạn 52, và toàn chương 8), tôi cũng muốn bắt đầu việc chia sẻ của tôi về vai trò của Mẹ Maria trong mầu nhiệm của Chúa Kitô cũng như về sự hiện diện chủ động và gương mẫu của Mẹ trong đời sống của Giáo Hội. Vì chúng là những lời tôn tụng chung cả tình yêu của Chúa Cha, sứ vụ của Chúa Con và tặng ân của Thần Linh, vai trò của người nữ sinh ra Đấng Cứu Chuộc, và thiên chức làm con cái thần linh của riêng chúng ta, trong mầu nhiệm ‘thời gian viên trọn’ (thời điểm theo Galata 4:4 và nội dung của toàn đoạn Thánh Kinh Tân Ước này thì việc Con Thiên Chúa đến trần gian cho thấy rằng thời gian đã đạt tới giới hạn của nó theo lời Chúa hứa ban Đấng Thiên Sai)” (khoản số 1).  
  
“Giờ đây, theo đường hướng của Công Đồng Chung Vaticanô II, tôi muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện đặc biệt của Người Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội của Người. Vì đây là một chiều kích cốt yếu xuất phát từ Khoa Thánh Mẫu Học của Công Đồng này… 

“... những gì Công Đồng đã nói về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, trong mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội của Người, một đề tài là tất cả những gì được bức Thông Điệp này bàn tới. Ở đây chúng ta chẳng những nói về vấn đề tín lý của đức tin mà còn về sự sống của đức tin nữa, tức về ‘linh đạo Thánh Mẫu’ chân thực, theo chiều hướng của Thánh Truyền, và nhất là thứ linh đạo Công Đồng huấn dụ chúng ta sống (x Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, 66-67). Ngoài ra, linh đạo Thánh Mẫu, như việc tôn sùng tương xứng của nó, còn có được một nguồn mạch rất dồi dào phong phú từ kinh nghiệm lịch sử của những cá nhân cũng như của những cộng đồng Kitô hữu khác nhau ở các dân tộc và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Về khía cạnh này, tôi xin nhắc đến, trong số những chứng nhân và các bậc thày về linh đạo, hình ảnh Thánh Louis Marie Grignion de Montfort (xem cuốn “Luận về Lòng Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria - Traite de la varie devotion a la sainte Vierge”. Thánh Montfort có lẽ liên hệ với Thánh Anphongsô, tác giả cuốn “Le glorie di Maria - Vinh Quang Mẹ Maria”), vị đã đề ra việc tận hiến cho Chúa Kitô nhờ tay Mẹ Maria, như là một phương tiện cho Kitô hữu sống trung thành với những lời hứa quyết rửa tội của họ. Tôi hân hoan nhận thấy rằng trong cả thời đại của chúng ta đây cũng không thiếu những dấu hiệu mới của thứ linh đạo và lòng tôn sùng này”. (khoản số 48)

“Nhân loại đã thực hiện những khám phá kỳ diệu và đã chiếm được những thành quả phi thường nơi các lãnh vực khoa học và kỹ thuật. Nó đã đạt được những thăng tiến lớn lao trên con đường tiến bộ và văn minh, để rồi, trong thời gian gần đây, người ta có thể nói rằng nó đã thành công trong việc gia tốc nhịp độ của lịch sử. Thế nhưng, việc biến đổi cốt yếu, việc biến đổi có thể được gọi là ‘chính cống’, là những gì hằng liên lỉ theo sát cuộc hành trình của con người, và qua tất cả mọi biến cố của lịch sử, đồng hành với mỗi người và mọi người. Nó là cuộc biến đổi từ ‘gục ngã’ đến ‘chỗi dạy’, từ chết đến sống. Nó cũng là một thách đố liên lỉ đối với lương tâm của con người, một thách đố cho việc nhận thức về tất cả lịch sử của con người, đó là một thách đố trong việc đi theo con đường ‘không gục ngã’, bằng những cách thức vốn cũ mà hằng mới, cũng như đi theo con đường ‘lại chỗi dạy’ nếu bị ngã gục.

“… Giáo Hội thấy Người Mẹ Diễm Phúc của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô cũng như nơi chính mầu nhiệm của Mẹ. Giáo Hội thấy Mẹ Maria gắn bó sâu xa với lịch sử của nhân loại, với ơn gọi vĩnh hằng của con người theo dự án quan phòng Thiên Chúa giành cho họ từ đời đời. Giáo Hội thấy Mẹ Maria, một cách từ mẫu, hiện diện nơi và chia sẻ vào nhiều vấn đề phức tạp ngày nay là những gì đang bủa vây đời sống của cá nhân, gia đình và quốc gia; Giáo Hội thấy Mẹ hỗ trợ dân Kitô Giáo trong cuộc tranh đấu liên lỉ giữa thiện và ác, để bảo đảm là dân này ‘không gục ngã’, hay nếu có ngã gục thì ‘lại chỗi dạy’”. (khoản 52).


M
ột Di Chúc đầy Di Sản

Trên đây là những trích dẫn chính yếu từ hai bức Thông Điệp - Đấng Cứu Chuộc Nhân TrầnMẹ Đấng Cứu Chuộc - có thể nói là tiêu biểu liên quan đến những gì được coi là di chúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, những đoạn đã cho thấy chẳng những bối cảnh của một thế giới loài người ở vào cuối thiên kỷ thứ hai và đầu thiên kỷ thứ ba Kitô giáo, một thế giới càng văn minh và càng duy nhân bản con người càng cảm thấy sợ hãi và trở nên bạo loạn hơn bao giờ hết, mà còn cả vai trò của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần trong việc giải thoát cả một lịch sử loài người đang chênh vênh ngả nghiêng đến đảo điên ngay trên bờ vực thẳm văn hóa sự chết tự diệt, Đấng vẫn sống trong Giáo Hội của mình và dìu dắt Giáo Hội bằng bàn tay từ mẫu của Mẹ Người.

Ngay trong huấn từ trưa Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh, 3/4/2005, tức sau khi ngài qua đời mới được 15 tiếng đồng hồ, bài huấn từ được ngài dọn sẵn cho Kinh Lạy Nữ Vương bấy giờ, ngài còn kêu gọi theo chiều hướng di chúc cho Giáo Hội như sau (những chữ đậm do người viết tự ý nhấn mạnh):

  • “Chúa Kitô phục sinh đã hiến ban cho nhân loại, một nhân loại có những lúc dường như bị lạc mất và bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, cái tôi và sợ hãi, tặng ân tình ngài yêu thương, một tình yêu tha thứ, hòa giải và phục hồi tinh thần hy vọng. Đó là một tình yêu hoán cải tâm can và ban phát an bình. Thế giới này cần phải hiểu biết và chấp nhận Lòng Thương Xót Chúa biết bao!.. Lạy Chúa, Đấng đã tỏ tình yêu thương của Chúa Cha qua Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa ra, chúng con tin tưởng vào Chúa và tin tưởng lập lại cùng Chúa hôm nay rằng: Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng nơi Chúa, xin thương xót chúng con và toàn thế giới... Phụng vụ trọng thể của Lễ Truyền Tin là lễ sẽ được cử hành ngày mai, (biệt chú, năm 2005, Lễ Truyền Tin trùng vào Thứ Sáu Tuần Thánh nên được dời vào ngày 4/4/2005, Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh) đưa chúng ta đến việc chiêm ngưỡng mầu nhiệm vĩ đại của tình yêu nhân hậu xuất phát từ Thánh Tâm Chúa Giêsu này bằng ánh mắt của Mẹ Maria.”

Tóm lại, quả thực di chúc của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba Kitô giáo chính là và quả thực là:

  • "Việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô, và việc cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người là 'chương trình' tôi đã đề ra cho Giáo Hội vào lúc rạng đông của đệ tam thiên kỷ, kêu gọi Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử bằng lòng nhiệt thành thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa".

Ở đây, chúng ta thấy những yếu tố chính trong lời di chúc “cho Giáo Hội” này bao gồm 3 yếu tố  hay 3 tác động chính yếu, thứ tự đó là:

  • Giáo Hội chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô;

  • Giáo Hội cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người;

  • Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm.

Thế nhưng đâu là hướng đi cho lời di chúc này, bao gồm cả tính chất nội tâm (trước) lẫn chiều hướng truyền giáo (sau), đúng như vị di chúc mong muốn? Chính Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong giáo triều dài lâu của mình từ hậu bán thế kỷ 20 sang thập niên đầu của thế kỷ 21, đã sửa soạn sẵn sàng cho những gì ngài muốn di chúc tối khẩn ấy.

Trước hết, qua những gì ngài đã thực hiện, nhất là vào những năm cuối giáo triều của ngài. Chẳng hạn, việc ngài mở Đại Năm Thánh 2000, hướng về Mầu Nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm cho thấy dung nhan của Vị Thiên Chúa yêu thương. Sau đó, ngài mở Năm Mân Côi (2002-2003) để cùng Mẹ chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, một Emmanuel - Vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Vị Thiên Chúa chẳng những hóa thân làm người nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể mà còn ở với loài người giữa lòng Giáo Hội cho đến tận thế nơi Bí Tích Thánh Thể. Do đó, sau Năm Mân Côi, ngài đã mở Năm Thánh Thể (2004-2005). Chưa hết, sau Đại Năm Thánh 2000, ngài bắt đầu loạt bài Giáo Lý về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh, từ 3/2001 cho tới khi ngài qua đời mà vẫn chưa xong, một loạt bài giáo lý thiên về nội tâm theo chiều hướng chiêm ngưỡng dung nhan Chúa.

Tuy nhiên, mục đích Giáo Hội cần phải chiêm ngưỡng dung nhan Chúa, một tác động có tính cách nội tâm và chiêm niệm này, chính là để Giáo Hội có dồi dào sinh lực thần linh hơn nữa trong việc hoàn thành sứ vụ truyền giáo bất khả thiếu làm nên bản chất của mình (x Sắc Lệnh về Truyền Giáo Ad Gentes - Cho Muôn Dân, 2).

Bởi thế, để bế mạc Đại Năm Thánh 2000, ngài đã ban hành bức Tông Thư Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ, một bức Tông Thư có một nội dung "ra khơi" truyền giáo: "duc in altum - nước sâu thả lưới" (Lk 5:4), một bức Tông Thư thật sự có một liên hệ mật thiết với bức Thông Điệp về truyền giáo của ngài năm 1990, "Sứ Vụ của Đấng Cứu Chuộc - Redemptoris Missio", một bức thông điệp nguyên cái nhan đề của nó cũng đã cho thấy liên quan tới bức Thông Điệp đầu tiên của ngài: "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis", Đấng đến giải thoát con người thời đại khỏi nỗi lo âu tự diệt vong, qua Giáo Hội của Người là bí tích cứu độ và cũng là dụng cụ hiệp nhất nhân loại (x Hiến Chế Lumen Gentium, 1), nơi duy nhất lịch sử nhân loại tìm thấy "vui mừng và hy vọng - gaudium et spes" (nhan đề của Hiến Chế về Giáo Hội Mục Vụ).

Sau đây là những văn kiện chính yếu liên quan trực tiếp tới lời di chúc "duc in altum - nước sâu thả lưới" của Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaolô II:

  • Giáo Hội “chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”: Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến- Tertio Millennio Adveniente”, ban hành ngày 10/11/1994, để dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, cử hành 2000 Năm Mầu Nhiệm Nhập Thể, bằng việc chiêm ngưỡng dung nhan của Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần”, Vị Thiên Chúa hóa thân làm người.

  • Giáo Hội “cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Người”: Tông Thư “Kinh Mân Côi Trinh Nữ MariaRosarium Virginis Mariae“, ban hành ngày 16/10/2002, vì “Việc lần hạt Mân Côi không là gì khác ngoài việc cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô” (trích tông thư đoạn 3), dung nhan Chúa Giêsu Thánh Thể, như được giảng dạy và huấn dụ trong Thông Điệp "Giáo Hội Sống Bởi Thánh Thể - Ecclesia de Eucharistia", ban hành ngày17 tháng 4 năm 2003.

  • “Giáo Hội hãy ra chỗ nước sâu của đại dương lịch sử thực hiện cuộc tân truyền bá phúc âm hóa”: Tông Thư “Vào Lúc Mở Màn Cho Một Tân Thiên Kỷ - Novo Millennio Ineunte”, ban hành vào chính ngày bế mạc Đại Năm Thánh 2000 là Lễ Hiển Linh 6/1/2001, một thời điểm bế mạc có tính cách hướng ngoại, một chiều hướng chính yếu của bức Tông Thư về sứ vụ truyền giáo là bản chất của một Giáo Hội như thành xây trên núi không thể che khuất (x Mt 5:14) để tỏa chiếu “ánh sáng muôn dân – lumen genmtium.

Nhân dịp Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng đáng được gọi là Đại Gioan Phaolô, vị được phong chân phước phá kỷ lục bởi chính vị thừa kế mình, một sự kiện, như chính Thánh Lễ An Táng cho ngài, chưa từng xẩy ra trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta hãy nhìn lên ngài như là một “dấu chỉ thời đại” Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng Thần Linh và là Chủ Tể Lịch Sử loài người muốn tỏ ra vào cuối thiên kỷ thứ hai và đầu thiên kỷ thứ ba Kitô giáo, để nhờ nhận biết dấu chỉ thời đại này của Trời Cao, chung Giáo Hội và riêng Kitô hữu chúng ta có thể đáp ứng những gì Thiên Chúa muốn qua di chúc của "tia sáng phát ra từ Balan" (Thánh Faustina: Hồi Ký, 1732) này, một di chúc đã được chính vị Giáo Hoàng Totus Tuus của Lòng Thương Xót Chúa giảng dạy và huấn dụ trong những văn kiện liên hệ....

Vị giáo hoàng thừa nhiệm của Đức Gioan Phaolô II đã quả thực tiếp nối những gì được vị tiền nhiệm của mình di chúc "duc in altum - nước sâu thả lưới". Thật thế, trước hết, trong 5 năm đầu giáo triều của mình, ngài đã dẫn riêng Giáo Hội và chung con người thời đại sâu xa hơn trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng những sự kiện sau đây: 1- ngài đã tiếp tục (từ bài 132 ngày 4/5/2005) cho xong loạt bài giáo lý (166 bài) về việc cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của vị tiền nhiệm; 2- ngài đã tiếp nối loạt bài giáo lý vào các ngày Thứ Tư hằng tuần này bằng loạt bài giáo lý về Giáo Hội hiệp thông tông truyền liên quan tới đời sống và giáo huấn đặc biệt là của các vị thánh từ thời tông đồ; 3- ngài đã ban hành 3 bức Thông Điệp đầu tiên thiên về nội tâm và tu đức: Thiên Chúa là Tình Yêu - Deus Caritatis est ngày 25/12/2005, Đức Cậy Cứu Độ - Spe Salvi ngày 30/11/2007 và Yêu Thương trong Chân Lý - Caritas in Veritate ngày 29/6/2009; 4- ngài đã xuất bản tác phẩm "Giêsu Nazarét" gồm 3 tập, tập nhất ngày 13/4/2007 về đời sống công khai của Chúa Giêsu, tập hai ngày 10/3/2011 chính yếu về cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, và tập ba về đời thơ ấu của Chúa Giêsu trong một tương lại gần. Ngoài ra, cũng theo chiều hướng nội tâm này, ngài đã triệu tập 2 Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới thường lệ, lần XI về Thánh Thể (2-23/10/2005) và lần XII về Lời Chúa (6-26/10/2008).

Sau nữa, sang đến năm thứ 6 giáo triều của mình, ngài đã tiến sang việc truyền bá phúc âm hóa, trước hết bằng tự sắc “Ubicumque et Semper - Ở Hết Mọi Nơi và Mãi Mãi" ban hành ngày 21/9/2010 để thiết lập Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách Cổ Võ Việc Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa , và sau nữa bằng việc xuất bản tác phẩm Ánh Sáng Thế Gian, ngày 23/11/2010, một tác phẩm chất chứa những cảm nhận của ngài về riêng Giáo Hội và về chung một thế giới nhất là Tây phương cần phải được truyền bá Phúc Âm hóa. Chưa hết, ngài còn thông báo cho biết Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới Thường Lệ XIII vào năm 2012 chủ đề sẽ là "Nova evangelizatio ad christianam fidem tradendam – Tân truyền bá phúc âm hóa để truyền đạt đức tin Kitô giáo”.