Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đồng Công: Những Ấn Tín Thần Linh

(Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng)

 THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Cảm Nghiệm Đồng Công - Hậu chấn từ Kỷ Yếu "Đồng Công: Mùa Gặt Thương Xót"

 

Nội Dung

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư 1954

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Phát Sinh sau cuộc Vượt Thoát 1975

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Hồi Sinh sau cuộc  Khổ Nạn 1987 - 1993 

Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công: Một Sản Phẩm của Lòng Thương Xót Chúa

 

 

 

Những Ấn Tín Thần Linh

2- Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư vào Nam 1954:

 

 

Vì Đồng Công là sản phẩm thần linh của Trời Cao, nên đã được Đấng muốn nó hiện hữu trên đất nước Việt Nam cho người Việt Nam, tiếp tục tỏ mình ra nơi nó bằng các dấu ấn tín thần linh trong giai đoạn lịch sử Nẩy Sinh của nó trong thời khoảng 20 năm, từ năm 1955, khi Dòng Đồng Công bắt đầu lập cư ở Thủ Đức, cho đến năm 1975, khi anh em Dòng cần phải vượt qua để có thể "giữ lấy Dòng và để truyền giáo". Vậy đâu là những ấn tín thần linh của Thiên Chúa nơi Dòng Đồng Công khiến chúng ta không thể chối cãi và càng phải tri ân cảm tạ Ngài cũng như tin tưởng cậy trông vào Ngài hơn bao giờ hết và hơn ai hết? 

 

Những ấn tín thần linh của Thiên Chúa nơi Dòng Đồng Công trong giai đoạn nẩy sinh 20 năm này, về các cơ sở của Dòng, về các hoạt động phục vụ của Dòng, về hoạt động truyền giáo của Dòng, nhầt là về việc huấn thánh của Đấng Sáng Lập. Nếu tình trạng nảy sinh về các cơ sở của Dòng liên quan đến đức tin của Đấng Sáng Lập thì tình trạng nảy sinh về các hoạt động phục vụ, nhất là hoạt động truyền giáo của Dòng, liên quan đến đức mến của Ngài. Tuy nhiên, ấn tín quan trọng nhất và cần thiết nhất trong giai đoạn 20 năm nẩy sinh này của Hội Dòng Đồng Công chính là ở chỗ huấn thánh của Đấng Sáng Lập, bằng không tất cả những nảy sinh bề ngoài về cơ sở, cũng như về hoạt động phục vụ và truyền giáo chỉ là những phát triển tự nhiên hơn là những hoa trái siêu nhiên đậm dấu ấn tín của Thiên Chúa.

 

 

Ấn tín Thần linh trên các cơ sở của Dòng liên quan đến đức tin của Đấng Sáng Lập

 

Theo bản kê khai tài sản của Anh Cả về tài sản của Dòng trong thời gian Anh ở tù lần thứ nhất 1975-1977, thì tất cả tài sản là 14 cơ sở của Dòng Đồng Công được Anh liệt kê như sau:

@ Tại Thủ Đức giáo phận Sàigòn có 6 cơ sở: Cơ sở 1: Nhà In, tòa báo Trái Tim, Nhà Cá; Cơ sở 2: Giáo sĩ Dưỡng Đường; Cơ sở 3: Tu Viện Thánh Gia; Cơ sở 4: Trường Trung Tiểu học và Ký Túc xá;

Cơ sở 5: Đệ Tử viện; Cơ sở 6: Nhà Gà Kitô Vương.

@ Tại Tỉnh Bình Định có 4 cơ sở: Cơ sở 1: Mỹ Chánh; Cơ sở 2: Phù Mỹ; Cơ sở 3: Nhà Đá; Cơ sở 4: Qui Đức.

@ Tại Di Linh có 2 cơ sở: Cơ sở 1: Tu viện và Đồn điền Thiên Mẫu; Cơ sở 2: Dưỡng Lão Thượng.

@ Tại Đà Lạt có 1 cơ sở là Cư xá Rạng Đông.

@ Tại Phan Rí có 1 cơ sở là Tu Viện Mẹ Thăm Viếng và Trường Đồng Công ở Lương Sơn.

 

Còn 2 cơ sở nữa không được Anh Cả liệt kê là Tu Viện Tiệc Ly ở Lái Thiêu và một nơi nữa ở Quận Bố Đức tỉnh Phước Long, vì bấy giờ 2 cơ sở này không thuộc về Dòng nữa. Ngoài ra, Anh Cả không liệt kê dẫy Nhà 30 gian là vì dẫy nhà này thuộc về Tu viện Thánh gia. Khi khai báo tài sản, Anh Cả liệt kê theo thứ tự thời gian, như 6 cơ sở ở Thủ Đức có từ giữa cho đến hạ bán thập niên 1950, 4 cơ sở ở Tỉnh Bình Định Giáo phận Qui Nhơn có trong thời khoảng hạ bán thập niên 1950 đến hạ bán thập niên 1960, và 4 cơ sở nữa, ở Di Linh 2, Đà Lạt 1 và Phan Rí 1 có trong thời khoảng đầu thập niên 1970. 

 

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây để thấy được ấn tín thần linh của Trời Cao đó là Anh Cả lấy tiền ở đâu để kiến thiết những cơ sở đầu tiên của Dòng ở Thủ Đức khi Dòng mới di cư vào nam, trong khi đó anh em Dòng hơn 100 người chẳng làm gì ra tiền, trái lại Anh Cả còn phải có tiền để đáp ứng nhu cầu ăn uống, may mặc và di chuyển cho bằng ấy anh em Dòng nữa.

 

Nếu không ai trong chúng ta biết được tất cả những gì là thâm cung bí sử của vấn đề lạ lùng này, ngoài một mình Anh Cả, vị cũng có thể trả lời với chúng ta rằng "Anh cũng chẳng biết nữa. Chỉ biết rằng khi cần thì tự nhiên tiền tới tay vào đúng lúc của nó sau khi xin Chúa giúp", thì chúng ta không thể nào phủ nhận được bàn tay quan phòng thần linh vô cùng huyền diệu của Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình ra nơi đức tin của vị đã được Ngài chọn để sáng lập Dòng cho Ngài. Đó là lý do chúng ta mới có thể tuyên xưng rằng: Ấn tín Thần linh trên các cơ sở của Dòng liên quan đến đức tin của Đấng Sáng Lập. 

 

Ấn tín Thần linh nơi các hoạt động phục vụ của Dòng liên quan đến đức mến của Đấng Sáng Lập

 

Khẩu hiệu của Dòng Đồng Công là "không để được phục vụ mà là phục vụ - non ministrari sed ministrare" (Mathêu 20:28). Bởi thế, những hoạt động phục vụ nào có thể, anh em Đồng Công đều tự nguyện phục vụ hay đáp ứng phục vụ. Trước hết, những hoạt động phục vụ do chính Đấng Sáng Lập chủ trương anh em Dòng cần phải đảm nhiệm, bao gồm 2 lãnh vực chính: 1- Giáo dục giới trẻ bằng cách mở các trường trung tiểu học, như ở Quận Thủ Đức Thành phố Sài Gòn từ năm 1956, ở Xã Mỹ Chánh Quận Phù Mỹ Tỉnh Bình Định từ năm 1959, ở Nhà Đá Xã Mỹ Hiệp Quận Phù Mỹ Tỉnh Bình Định 1968, và ở Lương Sơn Phan Rí 1974; ngoài ra, Dòng còn giáo dục tinh thần cho giới trẻ ở cấp đại học nữa, bằng cách mở cư xá sinh viên miễn phí, như Cư Xá Sinh Viên Rạng Đông ở Đà Lạt. 2- Chăm sóc các cha hưu dưỡng, bằng cách lập Giáo sĩ Dưỡng đường Đồng Công ở ngay sát với Nhà Mẹ cũng là Tu Viện Thánh Gia ở Thủ Đức từ năm 1956. 

 

Trong các hoạt động phục vụ, ngoài hai hoạt động chính yếu được kể đến trên đây, một liên quan đến giới trẻ là hoạt động giáo dục, và một liên quan đến giới già là hoạt động chăm sóc các cha hưu dưỡng, anh em Đồng Công còn phục vụ đáp ứng những nhu cầu ở những nơi nào cần nữa, chẳng hạn phục vụ xây cất chủng viện từ bán thập niên 1960 cho Giáo phận Đà Nẵng của ĐC Phạm Ngọc Chi cai quản từ năm 1963; phục vụ Tiểu Chủng viện Simon Hòa Đà Lạt, cuối thập niên 1960 và tin bán thập niên 1970, và phục vụ Đại Chủng Viện Minh Hòa Giáo phận Đà Lạt vào tiền bán thập niên 1970; các hoạt động phục vụ Đại học Thụ Nhân Đà Lạt vào đầu thập niên 1970, như coi đồn điền Dijrato ở Di Linh và đồn điền Đại Nga ở Bảo Lộc Lâm Đồng, như làm quản lý cho viện đại học này và coi Cư xá sinh viên Trương Vĩnh Ký Đà Lạt của họ. Nếu tính cả cho đến hiện nay, 2023, chứ không chỉ trong giai đoạn 20 năm ấy, thì Dòng Đồng Công còn được mời gọi phục vụ các cha hưu dưỡng ở một số Giáo phận, như ở Giáo phận Bùi Chu ngoài Bắc, và đi giúp mục vụ cho nhiều dòng nữ ở TGP Sài Gòn v.v.

 

Tất cả những hoạt động phục vụ này, dù tự nguyện theo chủ trương hay đáp ứng theo lời mời gọi, cũng đều xuất phát từ đức bác ái yêu thương, một đức bác ái yêu thương trước hết ở nơi Đấng Sáng Lập, bởi Ngài đã ý thức được Đức ái là bản chất của đời sống tu trì và là mục đích trọn hảo của đời sống thánh hiến, và nhờ các hoạt động phục vụ hoàn toàn vì đức ái như thế, anh em Dòng mới nên giống Chúa Kitô, Đấng "đến không để được hầu hạ mà là hầu hạ" (Mathêu 20:28), do đó nên Đức Ái mới là tinh thần chính yếu trong 3 tinh thần của Dòng Ngài lập. Như thế thì tất cả những hoạt động phục vụ của anh em Dòng Đồng Công vì bác ái yêu thương theo gương Chúa Kitô, tự bản chất của chúng, đã trở nên ấn tín thần linh của Thiên Chúa rồi vậy. 

 

Ấn tín Thần linh nơi các hoạt động truyền giáo của Dòng liên quan đến đức mến của Đấng Sáng Lập  

 

Trong các hoạt động phục vụ của Dòng Đồng Công, truyền giáo là hoạt động chính yếu nhất của Dòng, vì Dòng Đồng Công là Dòng Truyền Giáo, và Đấng Sáng Lập Dòng đã khấn truyền giáo trọn đời vào ngày 2/2/1942 để bắt đầu thi hành vai trò là Trưởng ban Truyền giáo của Giáo phận Bùi Chu, một vai trò Ngài tự nguyện xin Đức Cha cho được đảm nhiệm để bắt đầu tuyển sinh và tìm nơi lập Dòng, sau khi Ngài được soi động sáng lập Dòng ngày 4/4/1941. Vì Dòng được lập ra cho Người Việt Nam nên thánh để xứng đáng và có khả năng truyền giáo cho Việt Nam mà ngay sau khi Dòng được Đấng quan phòng thần linh đưa vào nam, Ngài đã sắp xếp cho Dòng trở thành những thợ gặt ở một vùng truyền giáo đang đầy những lúa chín.  

 

Thật vậy, Nước Việt Nam nói riêng và toàn cõi Á Châu nói chung, dân số chiếm quá một phần ba thế giới, thế mà đã gần hai ngàn năm nay, Tin Mừng của Chúa Cứu Thế chưa được mấy người đón nhận, đa số còn tin vơ thờ quấy, mà các môn đệ của Chúa - các nhà truyền giáo - đặt chân đến miền xứ này thì như muối bỏ biển! Có lẽ vì sự khẩn thiết cấp bách đó mà Chúa quan phòng đã nhờ bàn tay Từ Mẫu Maria Trinh Vương Thương Xót cho hình thành một Dòng mới có trọng trách “Truyền giáo cho dân ngoại Việt Nam và Á đông”. Đó chính là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc. Chính vì muốn “truyền giáo cho dân ngoại Việt Nam và Á đông” như thế mà Đấng Sáng Lập đã muốn nhân cơ hội quốc biến 1975 đưa cả Dòng sang lánh nạn tại một nước nào đó ở Đông Nam Á, để vừa lánh nạn vừa truyền giáo. Nhưng không ngờ Chúa lại muốn Dòng sang truyền giáo ở ngay đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ.

      

Khai sinh giữa kỷ nguyên tân tiến, giữa lúc cao trào vô thần và duy vật đầy tràn như vũ bão, Dòng Đồng Công đã được hân hạnh đón tiếp tầng lớp thanh thiếu niên xung phong gia nhập để hiến mình làm dụng cụ chinh phục các linh hồn về cho Chúa. Mặc dầu buổi sơ khai, nhân tài vật lực còn thiếu sót, các nhà truyền giáo chưa đủ số để tung ra các cánh đồng truyền giáo, nhưng thời cơ thuận tiện đã đến, đồng lúa Việt Nam, nhất là Miền Trung nước Việt đã chín mùi, một phần vì những lý do chính trị, nhân dân đua nhau quay về tìm chân lý: Phong trào tòng giáo đã dâng cao khắp Miền Nam tự do, và bột phát mạnh mẽ nhất tại bốn tỉnh miền Trung, Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định  -  Phú Yên.

      

Trước làn sóng “tòng giáo” ồ ạt đó, Toà Thánh liền đặc cử Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, một Giám Mục xuất sắc, có biệt tài tháo vát, có óc tổ chức, sở trường về hoạt động truyền giáo hợp với khẩu hiệu của ngài: “Vâng lời Thầy con thả lưới” (Laxabo rete in Verbo Tuo. Lc 5,5), làm giám mục Tông toà quản trị địa phận Qui Nhơn (5.7.1957), một địa phận có đông lương dân xin tòng giáo nhất thời đó. Địa phận Qui Nhơn lúc bấy giờ gồm bốn tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, toà giám mục đặt tại Qui Nhơn, tỉnh lỵ tỉnh Bình Định. Là Giám Mục ân nhân của Dòng Đồng Công (vì Ngài đã vận động để Dòng chóng được Toà Thánh thẩm tra Hiến pháp hồi còn đặt trụ sở tại Liên Thuỷ, Bùi Chu, Bắc Việt), đầu tháng 9-1957, Đức Cha đã tới Dòng Đồng Công tại Thủ Đức đề nghị với Bề Trên cho một số tu sĩ Dòng ra truyền giáo tại địa phận của ngài. 

 

Thấy được Ấn tín Thần Linh của Trời Cao như thế, cho dù bấy giờ Dòng mới di cư vào nam, nhân lực còn ít ỏi, kinh nghiệm truyền giáo thì chưa có, nhưng Đấng Sáng Lập cũng không thể nào không tích cực và mau mắn đáp ứng, và phái đoàn truyền giáo đầu tiên của Dòng, 1 linh mục và 2 đệ tử, lên đường vào ngày 15/10/1957 từ Thủ Đức ra Qui Nhơn. Cánh đồng Truyền giáo bao la, mà số thợ gặt lại ít, mặc dầu đã tăng cường đợt hai (4 anh hạn thệ, 1 cộng sự viên và bao gồm 5 giáo dân 1 nam 4 nữ), và  bất ngờ được tiếp viện bởi đợt 3 (với 2 anh hạn thệ), tất cả là 15 người, 1 linh mục Đồng Công, 7 tu sĩ Đồng Công, 1 đệ tử Đồng Công, 1 cộng sự Đng Công và 5 giáo dân, nhưng chưa thấm vào đâu, dầu vậy các tay thợ Truyền giáo cũng được phân chia ra các khu vực ở các xã thuộc phạm vi Truyền giáo được Dòng phục vụ, đó là 6 xã trong tổng số 15 xã thuộc quận Phù Mỹ: Xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Phong, Mỹ Tho và Mỹ Chánh.

     

Riêng ở xã Mỹ Chánh nổi tiếng với trường Trung Học Toàn Mỹ của Dòng Đồng Công, trường trung học đầu tiên và duy nhất vào thời đó ở Quận Phù Mỹ để giáo dục cho giới trẻ. Ngày 13 tháng 7 năm 1959, văn phòng trường trung học Toàn Mỹ, một danh xưng ám chỉ đến Đức Maria Toàn Mỹ (Tota pulchra), mở cửa bắt đầu ghi danh nhận học sinh lớp đệ thất (tức lớp 6). Được 5 niên khóa (1959-1960, 1960-1961, 1961-1962, 1962-1963, 1963-1964), vì chiến sự mỗi lúc một gia tăng, trường phải đóng cửa ngày 29-9-1964, và được mở lại vào năm 1968. Trong thời khoảng 1968-1974, các lớp không dạy đủ các môn học theo chương trình nhà nước, mà có thể gọi là bổ túc văn hoá thì đúng hơn, và số học sinh chỉ trên dưới 300 em, cả nam lẫn nữ.  

 

Cho dù không còn Toàn Mỹ, nhưng Toàn Mỹ cũng vẫn tồn tại nơi lòng người, trong lòng của các em học sinh một thời được thụ huấn bởi các vị thừa sai Đồng Công. Thật vậy, biết bao nhiêu năm nhìn lại, nhiều cậu bé học sinh Toàn Mỹ năm xưa đến từ những làng quê nghèo túng, cứ hết giờ học lại phải cắt cỏ chăn trâu, vất vả phụ giúp gia đình, lúc này đã thành ông nội, ông ngoại ở thành phố có cuộc sống ổn định; con cái học hành thành đạt kỹ sư, tiến sĩ, không ít người đang sống ở các nước văn minh Âu, Mỹ. Đôi khi thầy trò cũ gặp nhau được nghe tiếng nói của con tim: “Không có Toàn Mỹ chúng con không có ngày nay”. 

 

Ấn tín Thần linh nơi việc huấn thánh của Đấng Sáng Lập  

 

Nếu tất cả những gì hợp với đức tin và đức ái đều đẹp lòng Chúa, như các hoạt động phục vụ và truyền giáo của anh em Dòng Đồng Công như được đề cập đến trên đây, nghĩa là được Chúa chấp nhận, như Ngài đóng dấu Ấn tín Thần linh của Ngài trên các hoạt động của họ, như là việc của Ngài, thì càng là Ấn tín Thần linh nơi việc huấn thánh của Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công. Bởi vì, Vị Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu còn muốn gì hơn nơi loài tạo vật được Ngài dựng nên theo hình ảnh của Ngài và tương tự như Ngài là con người, nếu không phải là muốn họ được thánh hóa, được nên giống Ngài, nhờ đó họ xứng đáng được hiệp thông thần linh với Ngài là mục đích Ngài dựng nên họ, nhất là những ai được trở nên thành phần con cái thừa nhận của Ngài trong Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài.

 

Tuy nhiên, chính vì việc huấn thánh cho Người Việt Nam nên thánh và làm thánh này của mình, mà Đấng Sáng Lập Dòng đã phải chịu đựng biết bao nhiêu là đau đớn, bởi thấy một số anh em Dòng của Ngài lơ là với LTĐC, đặc biệt là không ít anh em (kể cả những tâm hồn tưởng là 'thánh sống') bỏ ra không theo đuổi LTĐC của Ngài nữa, nhất là những anh em Dòng (vào bè với nhau) muốn thay đổi nếp sống tu trì bình dân, nghèo khổ, phục vụ của Đồng Công như Ngài chủ trương theo tinh thần Phúc Âm cùng gương Chúa, Mẹ và Các Thánh, một chủ trương hoàn toàn ngược lại với các dòng tu ngoại quốc đàn anh, trong tâm trí của những người anh em cấp tiến này, có vẻ giầu sang hơn, trí thức hơn và thế giá hơn Đồng Công. Chưa kể đến một ít trường hợp anh em Dòng mưu toan không muốn Ngài làm Tổng Giám đốc nữa, muốn hạ bệ ngài, thậm chí âm mưu lừa đảo Ngài và trả thù Ngài vào những ngày cuối đời của Ngài. 

 

Có thể vì chủ trương nên thánh và làm thánh của Ngài cho anh em Dòng của Ngài theo cửa hẹp của Phúc Âm, không hợp với khuynh hướng tự nhiên vốn xu hướng về đường rộng của con người, dù là những tâm hồn tu trì, nhất là vào thời buổi thế giới càng ngày càng văn minh tân tiến, khi mà các dòng tu đang chuyển mình thích nghi đến độ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng đời sống tu trì và ơn gọi tận hiến, mà Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công đã dứt khoát "mở sổ khấn" vào năm 1968, để những anh em nào cảm thấy không thể theo đuổi LTĐC thì tự động rút lui, còn những ai ở lại thì phải dứt khoát nên thánh và làm thánh, ở chỗ hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa - Mẹ như một trẻ thơ ở mọi nơi, trong mọi lúc và hết mọi sự.

 

Cũng chỉ vì LTĐC là nên thánh và làm thánh trước hết và trên hết mà Anh Cả đã có những chọn lựa và quyết định dứt khoát với những gì tác hại đến LTĐC, căn cứ theo nguyên tắc Phúc Âm: "được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào có ích chi?" (Mathêu 16:26), hay không hợp với LTĐC, cũng dựa vào huấn dụ trọn lành của Chúa Kitô: "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài" (Mathêu 6:33). Sự kiện Anh Cả đóng cửa trường Trung Tiểu Học cùng Ký Túc Xá Đồng Công Thủ Đức cuối niên khóa 1969-1970 là một thí dụ điển hình nhất chứng thực chủ trương Anh Cả muốn anh em Dòng của Anh nên thánh và làm thánh trước, cho dù ngôi trường này đang nổi tiếng nhất miền nam Việt Nam và đang là một nguồn kinh tài của Dòng. 

 

Nếu những gì hợp với ý Chúa và đẹp lòng Chúa đều là Ấn tín Thần linh của Ngài, đều là việc của Ngài, thì việc Đấng Sáng Lập Đồng Công huấn thánh cho anh em Dòng của mình nên thánh và làm thánh theo ơn gọi của chung Kitô hữu, nhất là theo LTĐC hợp với tinh thần Phúc Âm và gương của Chúa - Mẹ cùng các thánh, thật sự là Ấn tín Thần linh chính yếu nhất trong các Ấn tín Thần linh của Dòng Đồng Công, và đồng thời cũng là Ấn tín Thần linh chi phối tất cả các Ấn tín Thần linh khác nơi Dòng Đồng Công vậy.

 

Ấn tín Thần linh này thậm chí còn rạng ngời hơn nữa, ở chỗ, trong khi đường lối huấn thánh của Đấng Sáng Lập ngặt nghèo như vậy, hoàn toàn nghịch lại với khuynh hướng hưởng thụ của tuổi trẻ, nhất là lúc chính Đấng Sáng Lập bị án tù chung thân, rồi xuống 20 năm, khiến Dòng Đồng Công kể như tàn rụi, ấy thế mà chính giới trẻ chưa tu lại kéo nhau đến tìm hiểu thăm dò, và giới trẻ đã tu trong Dòng bấy giờ, dù mới là tuyển sinh hay đệ tử sinh hoặc thỉnh sinh hay tập sinh, vẫn bất chấp mọi gian khổ và gian nguy nhất định tu chui cho tới cùng, mới cả là một phép lạ chứ không còn là một sự lạ nữa.

 

Sau thời gian Anh Cả đi tù về lần 2 năm 1993, ơn gọi Đồng Công gia tăng đến độ lớp khấn XVII hơn 100 người, không đủ chỗ ở trong Dòng, phải chia ra làm nhiều nơi ở ngoài Dòng mới đủ. Bấy giờ anh em Dòng ở Hoa Kỳ cứ nghe thấy anh em Dòng ở Việt Nam lên tới 500 – 600, không biết lấy tiền ở đâu để sống. Trong khi các Dòng có đời tu trì thoải mái hơn Đồng Công đang bị khủng hoảng ơn gọi thì Đồng Công ngặt nghèo hơn lại dồi dào ơn gọi hơn ở đâu hết, thì không phải là Ấn tín Thần linh hay sao?