Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đồng Công: Những Ấn Tín Thần Linh

(Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng)

 THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Cảm Nghiệm Đồng Công - Hậu chấn từ Kỷ Yếu "Đồng Công: Mùa Gặt Thương Xót"

 

Nội Dung

Dẫn Nhập

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư 1954

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Phát Sinh sau cuộc Vượt Thoát 1975

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Hồi Sinh sau cuộc  Khổ Nạn 1987 - 1993 

Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công: Một Sản Phẩm của Lòng Thương Xót Chúa

 

Dẫn Nhập

 

Kính thưa Anh Cả và Qúy Anh, là Kitô hữu, chắc không ai trong chúng ta phủ nhận rằng thời gian sẽ vô nghĩa với con người là loài tạo vật duy nhất đã được dựng nên theo hình ảnh thần linh, nếu thời gian không phải là tiến trình mạc khải thần linh của Vị Thiên Chúa Hóa Công, Đấng đã nhưng không dựng nên họ, cũng là Đấng đã ưu ái tỏ mình ra cho họ, trước hết nơi dân Do Thái theo giòng Lịch sử Cứu độ của họ, một Lịch sử Cứu độ đã lên tới tột đỉnh vào "thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), cũng là "thời sau hết" (Do Thái 1:2), nơi Ngôi Lời Nhập Thể Vượt Qua là Chúa Giêsu Kitô, để nhờ đó, qua các chứng nhân của Người dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội được Người thiết lập và sai đi (xem Mathêu 16:18, 28:19), loài người tạo vật có thể nhận biết Ngài mà được cứu độ, ở chỗ họ được hoan hưởng thực tại hiệp thông thần linh vĩnh hằng với Ngài, nghĩa là họ được đạt đến cùng đích của cuộc hành trình đức tin trần thế mau qua tạm gửi trong thời gian hiện hữu hạn định của họ!

 

Với ý thức đức tin như thế, CRM chúng ta, không còn lúc nào hơn mốc điểm thời gian 70 năm khai Dòng Đồng Công thân yêu của chúng ta 2023 này, để cùng nhau nhận biết Đấng đã muốn có một thực thể tu trì Đồng Công trên đất nước Việt Nam từ đầu thập niên 1940, khi Giáo Hội ở Việt Nam chưa được hình thành, Đấng đã thực sự hiện diện và điều hành Hội Dòng đầu tiên của người Việt Nam và cho người Việt Nam này, đến độ, nó chẳng những vẫn tồn tại qua biết bao nhiêu là gian khó, gian khổ và gian nguy, tưởng chừng như nó, theo tự nhiên, đã bị tiêu tan như là một sản phẩm thuần túy loài người, trái lại, nó còn phát triển hơn bao giờ hết về nhân sự, cơ sở, mục vụ, nhất là truyền giáo. Bởi thế chúng ta có thể khẳng định rằng Đồng Công là một sản phẩm thần linh Chúa ban cho chung Giáo Hội, cho Việt Nam và cho những tâm hồn tận hiến theo đuổi LTĐC chúng ta.

 

Nếu năm dấu vết trên thi thể của Chúa Kitô khổ nạn và tử giá là những vết tích của tội lỗi và chết chóc, thì trên thân xác phục sinh vinh hiển của Chúa Kitô, năm dấu vết tội lỗi và chết chóc này đã trở thành những ấn tín ân sủng thương xót của Người, để Người thông ban sự sống thần linh cho những ai tin tưởng vào LTXC thế nào, thì những dấu ấn tín thần linh nơi lịch sử của Hội Dòng Đồng Công cũng là những chứng từ của LTXC, để thông ban sinh lực tông đồ, mục vụ và truyền giáo cho anh em Dòng Đồng Công như vậy, nhất là cho những tâm hồn thiết tha theo đuổi LTĐC của Đấng Sáng Lập, với Đấng Sáng Lập và như Đấng Sáng Lập.

  

Bởi thế, CRM chúng ta cần phải chiêm ngắm món quà tặng Đồng Công bởi Trời này một cách kỹ lưỡng hơn, một món quà quí báu vẫn còn những dấu ấn tín thần linh nơi lịch sử thăng trầm chưa từng thấy của nó, qua từng mốc điểm lịch sử quan trọng của nó, bao gồm tất cả là 8 mốc điểm thứ tự như sau: Từ lúc nó được thai sinh, tức giai đoạn nó được thụ thai năm 1941 và khai sinh năm 1953 ở miền bắc Việt Nam, cho đến khi nó bắt đầu nẩy sinh vào năm 1955 ở miền nam; từ lúc nó cần phải vượt qua vào năm 1975, cho đến khi nó cùng với Đấng Sáng Lập chịu khổ nạn vào năm 1987, để rồi hồi sinh vào năm 1993; và từ lúc nó bị mục nát đi nơi Đấng Sáng Lập vào năm 2006, cho đến khi nó bắt đầu trổ sinh hoa trái vào năm 2012 và trở nên thần hiển vào năm 2023. 

 

Giờ đây, chúng ta hãy trân trọng ngắm nghía Sản phẩm Thần linh Đồng Công này, được ban tặng cho chúng ta, để tri ân cảm tạ Chúa, để rồi, càng tin tưởng vào Ngài hơn thì lại càng phục vụ Giáo Hội hơn.

 

 

 

Những Ấn Tín Thần Linh 

1- Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

 

 

 

Về mốc điểm lịch sử thai sinh của Hội Dòng Đồng Công, chúng ta thấy được những dấu ấn tín thần linh nào trong giai đoạn 13 năm đầu tiên này của Dòng chúng ta (1941-1954)?

 

Thưa có ít nhất 4 dấu ấn tín thần linh sau đây, những dấu ấn tín thường bất khả phân ly với đau khổ thử thách nhưng vẫn có thể vượt qua một cách lạ lùng bởi Đấng quan phòng thần linh, những dấu ấn tín liên quan đến ơn soi động lập dòng, đến sự kiện Đoàn Đồng Công được Giáo quyền Bùi Chu chuẩn nhận là Hội Truyền Giáo Đồng Công, đến sự kiện Hội Truyền Giáo Đồng Công được Tòa Thánh thẩm tra Hiến Pháp để thành Hội Dòng Đồng Công, và đến biến cố anh em dòng hội tụ sau khi bị giải tán để cùng nhau di cư từ bắc vào nam.

 

 

Dấu ấn tín thần linh thứ nhất liên quan đến ơn soi động lập dòng

 

Nếu ấn tín thần linh chỉ có thể xuất phát từ Trời Cao, thì ơn soi động lập dòng nơi Anh Cả chính là ấn tín thần linh đầu tiên của một hội dòng thuần túy Việt Nam tiên khởi vào thời điểm đầu thập niên 1940.

 

Như Anh Cả cho biết, đêm Thứ Năm đó rạng Thứ Sáu, ngày Giáo Hội dâng lễ kính Đức Mẹ Đau Thương theo lễ nghi trước ĐCĐVII, khoảng 3 giờ sáng, Anh thức dậy, chưa kịp than thở gì với Chúa, Mẹ, thì cái tư tưởng kỳ lạ kia chộp ngay lấy tâm trí Anh, giống cảnh tượng bác mèo nhịn đói lâu ngày rình mò chú chuột rồi vồ được. Bác mèo vừa bắt được chú chuột, tha hồ mà nhai nghiến nhai ngấu; trong giây phút, chú chuột đã biến thành đồ ăn ngon cho bác mèo. Tư tưởng “Lập Dòng” tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt suốt từ 3 giờ tới 5 giờ sáng ngày lễ Mẹ Đau Thương, tâm trí Anh hoàn toàn thụ động, bị thu hút. Dù sao, tâm trí Anh lúc đó vẫn còn thong dong, nên trí khôn và ý muốn Anh đã cưỡng lại bằng tư tưởng “Lập Dòng sao được?”. 

 

Lập tức có tiếng vô hình nhưng rất chắc chắn đáp lại “Lập Dòng được, vì đã có nhiều người mới lập Dòng, như Thánh An-phong-sô lập Dòng Chúa Cứu Thế, Thánh Gioan Boscô lập Dòng Truyền giáo vv…”. Đối với Anh, từ 8 năm nay, Anh không bao giờ nghĩ tới việc lập Dòng mà chỉ nghĩ tới đi tu Dòng. Anh đã xin vào mấy Dòng, các Dòng đều đón nhận hết, nhưng sau cùng Anh thấy hợp với Dòng Châu Sơn và đã quyết định vào. Đang ôm ấp ý định ấy thì đêm Thứ Năm rạng Thứ Sáu lễ kính Mẹ Đau Thương như đã nói trên, một tiếng êm ái dịu dàng trả lời cho Anh rằng: “Mình có vào các Dòng đó cũng có thể nên thánh được. Nhưng thực sự các Dòng ấy họ không cần mình. Trái lại, đang có rất nhiều linh hồn, nhất là người Việt Nam muốn nên thánh, muốn theo Chúa đặc biệt mà không có chỗ, cũng không có người hướng đạo chỉ dẫn, họ rất cần mình,sao mình lại vào một nơi không ai cần mình mà bỏ rất nhiều linh hồn đang cần đến mình?”.

 

Rồi trong giây lát, tâm trí Anh tự cảm thấy mình hoàn toàn bất lực đối với một công trình lớn lao đó. Một tiếng lấn át, trả lời ngay rằng:“Mình chỉ là người xướng xuất, chỉ là người xung phong trước tiên rồi các người khác theo sau, họ sẽ làm hết, đâu mình có phải làm”. Thế là Anh bị chinh phục. Nhưng phút chốc, Anh thấy hiện ra trước mặt sự khó khăn đối với các Bề Trên, các linh mục nhất là với Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn, làm cho tâm hồn Anh run sợ và ngại ngùng trong việc quyết định. Đang lúc Anh cảm thấy chán ngán, thì lại có tiếng nói vô hình siêu việt vừa trả lời, vừa ban sức mạnh phá tan sự chán ngán: “Khó thật nhưng đối với Thiên Chúa thì rất dễ dàng, Chúa sẽ làm được hết”. Tiếng nói tuy vô hình nhưng rất mãnh liệt đã hoàn toàn khuất phục con người Anh, làm cho Anh đang là một con người thụ động suốt 22 năm trời, trở thành con người chủ động, tìm đường lối giúp người khác nên thánh, tìm phương pháp giải phóng người Việt Nam để Tình Yêu Chúa chiếm đoạt. Như vậy từ ngày đó (ngày 4-4-1941) cuộc sống của Anh trở nên nếp sống thật lý tưởng là lập một Dòng mới, hợp với thời đại, với dân tộc để huấn luyện người Việt-Nam làm thánh.

 

Cha giải tội thường xuyên của Anh là Cha già Huệ, Giám Đốc ĐCV đương thời. Sau khi xưng tội, Anh kể việc được ơn soi sáng lập Dòng. Nghe xong, Ngài hơi e dè, nhưng khuyên bảo phải cầu nguyện nhiều, chứ không ngăn cản gì hết. Rồi Anh trình bày việc đó với Cha già Liễn là Cha giải tội ngoại lệ của Anh. Ngài rất đồng ý và ủng hộ mọi mặt. Sau cùng, Anh bàn hỏi với Cha linh hướng là Cha Cung, Giám Đốc Trường Thử địa phận. Ngài được liệt vào hàng đạo đức, thánh thiện nhất địa phận. Ngài vừa khuyến khích, ủng hộ, vừa nâng đỡ Anh trong bước đường truyền giáo và trong lý tưởng Đồng Công. Như vậy việc bàn hỏi các Cha khôn ngoan và đạo đức thật là tốt đẹp. Anh không còn nghi ngờ gì về ơn Mẹ soi sáng lập Dòng nữa.

 

 

Dấu ấn tín thần linh thứ hai liên quan đến sự kiện Đoàn Đồng Công được Giáo quyền Giáo phận Bùi Chu chuẩn nhận là Hội Truyền Giáo Đồng Công.

 

Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn là vị giám mục tông tòa đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu (1935-1948), vị giám mục thứ 2 của Giáo Hội ở Việt Nam, sau Đức Cha Nguyễn Bá Tòng (1933-1949). Vị Chủ chiên đầu tiên của Giáo phận Bùi Chu đặc biệt ưu ái Anh Cả, đến độ ngài đã bất chấp những đơn kiện cáo của các sinh viên Triết, Thần thuộc địa phận Bùi Chu đang theo học tại ĐCV Thánh Anbêtô Nam Định, cùng với Ban Giám Đốc ĐCV Nam Định cũng gửi một thư cho ngài, tố cáo hai Thầy bày ra việc đưa các sinh viên thuộc Bùi Chu về học tại Bùi Chu mấy tháng trước đây, xin Đức Cha đừng cho hai Thầy làm linh mục. Đức Cha Hồ biết tất cả các cớ sự, nên Ngài cứ tiến hành truyền chức Năm và chức Sáu cho hai Thầy Túc và Phan. Đến ngày 22-5-1937, Đức Cha Hồ lại long trọng truyền chức Linh mục cho hai Thầy tại nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Hôm ấy là Thứ Bảy áp lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là cuộc phong chức linh mục đầu tiên của Đức Cha Hồ từ khi làm Giám mục. Nhân dịp này, Đức Cha đổi tên Thầy Phan là Thủ, TRẦN ĐÌNH THỦ, có ý nói hai tân chức sẽ là chân tay của Ngài. 

 

Tuy nhiên, sau khi Cha Thủ có ơn soi động lập Dòng thì Ngài đã tỏ ra không đồng ý với Cha Thủ mấy lần. Chẳng hạn như trước Tết Nhâm Ngọ năm 1942, Anh Cả được ĐC Đaminh M. Hồ Ngọc Cẩn, Giám Mục địa phận Bùi Chu chấp thuận cho rời ĐCV Quần Phương với nhiệm vụ Trưởng Ban Truyền Giáo trong địa phận Bùi Chu. Tuy nhiên Đức Cha muốn Anh lấy Tòa Giám Mục làm Trung Tâm Truyền giáo, trong khi đó Anh vẫn âm thầm vừa đi truyền giáo vừa tìm trụ sở truyền giáo khác, đồng thời cũng là trụ sở cho những người anh em theo đuổi LTĐC của Anh và với Anh nữa. 

 

Có tiếng là TBTG, nhưng không có trụ sở nhất định, Cha Thủ tạm trú ở Trường Thử Trung Linh. Từ đây, Cha đã đi thăm nhiều nhà giáo trong địa phận... Đang khi ở Trung Linh, Cha Thủ nhận được thư của cha xứ Dương A là cha Dụ gửi, cho biết là sẵn sàng đón Cha TBTG về xứ Dương A và nhường cho họ Đại An nội để làm trụ sở. Được thư đó, cha TBTG vui mừng và xin Đức Cha cho đi nhận họ Đại An. Vì có ý định lập Dòng do ơn Chúa soi sáng, nên một mặt Cha Thủ bắt đầu chiêu sinh, một mặt xây một ngôi nhà để vừa làm tru sở Truyền giáo, vừa làm nơi huấn luyện anh em. Về nhân sự, bấy giờ đã có một số thầy giảng, chủng sinh và thanh niên đến gia nhập. 

 

Về việc làm nhà, Cha Thủ mua lại nhà thờ cũ của họ Nam Hà ngoại về làm. Đúc Cha địa phận nghe tin, nhân dịp đi kinh lý xứ Báo Đáp gần bên, Ngài đến thăm nhà đó còn đang làm dở dang tại Đại An nội. Ngài tỏ ý không bằng lòng, bắt Cha Thủ đi xuống miệt Hải Hậu. Cha Thủ và anh em cùng nhau xuống tạm trú tại họ đạo Hà Lạn. Ở xứ Hải Nhuận bên cạnh, có bà lý Luận định dâng cúng cho Cha Thủ 20 mẫu ruộng, mấy mẫu thổ cư đã có sẵn một nhà lầu 5 gian và mấy căn nhà phụ thuộc, rất tiện cho việc làm trụ sở Dòng. Nhưng Đức Cha tỏ thái độ không muốn cho lập Dòng, nên Cha Thủ quyết định xin đi coi xứ. 

 

Đức Giám Mục địa phận vốn không muốn cho Cha Thủ lập Dòng mới theo ơn soi sáng, nhưng muốn Cha lập Dòng Thánh Tâm - Dòng mà Đức Cha từng làm Bề Trên ở Huế - tại Bùi Chu, nói cách khác là cải tổ hàng Thầy giảng Bùi Chu thành Dòng Thánh Tâm như Đức Cha hằng mong ước. Cha Thủ từ chối, nên năm 1946, Đức Cha lệnh cho Cha về coi xứ Liên Thủy, thay vì Giáo xứ Dương A Cha đang phục vụ từ năm 1943, vì giáo xứ Liên Thủy sát cạnh Bùi Chu, để dễ xem xét việc lập Dòng của Cha và cũng là để quản thúc Cha theo lời một số linh mục địa phận xin với Đức Cha. 

 

Đức Cha Hồ là Chủ chiên của Giáo phận Bùi Chu vẫn phản đối việc lập Dòng của Cha Thủ, nhưng sự lạ làm nên dấu ấn tín thần linh ở đây là sau hai năm Cha Thủ phục vụ ở Giáo xứ Liên Thủy, Đức Cha cho mời Cha Thủ sang Bùi Chu dự phiên họp của Hội Đồng Tư Vấn tại Tòa Giám Mục, và chính thức tuyên bố chấp thuận cho Cha lập một Hội Đạo Đức (Pia Unio) theo Giáo luật đương thời. Đức Cha nói Cha về viết sơ qua nội qui đem sang cho Đức Cha ký ban phép. Việc này làm bớt căng thẳng tình hình trong các cha địa phận vốn phản đối việc Cha Thủ lập Dòng. Hôm ấy là ngày 15-8-1948, lễ Đức Mẹ Mông Triệu. Từ đó, Cha Thủ công khai chiêu sinh, công khai tổ chức các lễ khấn, dâng mình của anh em trong Hội Đạo Đức với danh hiệu “Đoàn Truyền Giáo Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc”, gọi tắt là “Hội Truyền Giáo Đồng Công”.

 

 

Dấu ấn tín thần linh thứ ba liên quan đến sự kiện Hội Truyền Giáo Đồng Công được Tòa Thánh thẩm tra Hiến Pháp để thành Hội Dòng Đồng Công

 

Thật vậy, Giáo Xứ Liên Thủy là nơi được ghi dấu những tháng ngày chuyển mình của Đoàn Đồng Công từ Hội Đạo Đức - Pia Unio thành Dòng Đồng Công. Không thể nào quên được giây phút vui mừng hớn hở khôn lường vào chiều ngày 26/12/1952, khi Anh Cả và anh em Đoàn Đồng Công bấy giờ đột nhiên nghe vị linh mục quản lý của giáo phận Bùi Chu là Cha Trần Đức Huân từ tòa giám mục sang báo tin rằng Đức Cha vừa nhận được văn thư của Tòa Thánh cho biết Tòa Thánh đã phê chuẩn hiến pháp dòng để Đoàn Đồng Công thành Dòng Đồng Công.

 

Ngay tối hôm đó, một phiên họp bất thường sau bữa ăn tràn đầy niềm vui về chuyện thành dòng của Đoàn Đồng Công, diễn ra tại phòng của Anh Cả để chuẩn bị cho Lễ Khai Dòng bấy giờ được quyết định vào ngày 2/2/1953. Đến chiều ngày 28/12, Anh Cả ban hành một chương trình Tuần Cửu Nhật Tạ Ơn: sáng có Thánh Lễ trọng; trưa có Chầu Thánh Thể trọng; tối có Chầu Mẹ trọng thể vào lúc 10 giờ, mỗi anh em lần trọn 1 tràng 150 Kinh Mân Côi, chưa kể mỗi người thêm 7 tràng kinh Mân Côi nữa trong suốt tuần chín ngày này.

Vào lúc 3 giờ 30 chiều ngày 28/12/1952, Đức Cha Phạm Ngọc Chi thân hành sang tận Liên Thủy để chính thức báo tin và trao cho Cha Thủ Sắc Lệnh Thành Lập Dòng của ngài như Tòa Thánh qui định. Đồng thời chính Đức Cha cũng tuyên bố cho toàn giáo phận biết ngày mùng 2 tháng 2 năm 1953 là Ngày Khai Dòng của Tân Hội Dòng Đồng Công, ngày được Cha Thủ cho ngài biết. Sắc Lệnh thành lập dòng của Đấng Bản Quyền Địa Phương là những gì cần phải làm theo qui định của Tòa Thánh trong văn thư gửi Đức Cha Phạm Ngọc Chi đề ngày 15/12/1952:

"Thưa Đức Cha, Hiến Pháp Dòng bản quốc Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc Đức Cha gửi sang Thánh Bộ thẩm sát đã được các vị Giáo Vấn xem xét cẩn thận. Nay việc kiểm duyệt đã xong. Bản luật đề nghị đã được sửa đổi như nhận thấy trong bản đính kèm đây. Một số khoản luật cũng phải viết lại theo đúng Nội Quy của Phòng Tư Vấn Thánh Bộ, như đã ghi chú trong nguyên bản. Vì Dòng thuộc Giáo Phận nên Đức Cha cứ chiếu theo chính bản đã đệ trình Đức Cha để chuẩn y Hiến Pháp Dòng mà không ngăn trở gì. Nhưng trước khi chuẩn y Hiến Pháp, xin Đức Cha ban bố Sắc Lệnh Thành Lập Dòng..."

Như thế, dấu ấn tín thần linh thứ ba liên quan đến sự kiện Hội Truyền Giáo Đồng Công trở thành Hội Dòng Đồng Công được Trời Cao niêm đóng, không phải bởi thánh giá đau khổ như thường xẩy ra, thay vào đó lại được Trời Cao niêm đóng bởi chính bàn tay thẩm quyền của Giáo Hội thay cho Chúa Kitô trên trần gian này.

Dấu ấn tín thần linh thứ tư liên quan đến biến cố anh em dòng hội tụ, sau khi bị giải tán, để cùng nhau di cư từ bắc vào nam.  

 

Sau Lễ Thành Lập Dòng ngày 2/2/1953 vừa được mấy ngày, an ninh khu vực nhà Dòng bên Giáo họ Trung Lễ bắt đầu bị đe dọa. Ban ngày việc đi lại trong khu vực còn tương đối dễ dàng, anh em sinh hoạt không gặp trở ngại mấy. Nhưng về đêm, ôi thôi, súng đạn nổ ran sát cạnh nhà Tập. Anh em Tập sinh cũng như các em Đệ tử nhỏ không thể ngủ yên trong nhà được. Anh Cả buộc lòng phải để Tập sinh và các em Đệ tử sang ngủ nhờ bên Tu viện Khiết Tâm, cạnh Tòa Giám Mục. Chiến tranh càng ngày càng gần và gay gắt hơn, ban đêm anh em bên Liên Thủy cũng không ngủ yên được, phải đi ngủ nhờ bên Khiết Tâm như các Tập sinh. Hằng ngày, sau khi dùng bữa tối, anh em kéo nhau đi. Sáng hôm sau, anh em tham dự Thánh Lễ rồi về nhà học tập và công tác như thường. Tình trạng này kéo dài mãi cho tới gần ngày anh em bị giải tán (tháng 7, 1954). Trong thời kỳ này, ban đêm, khu vực nhà Dòng Liên Thủy-Trung Lễ gần như bị bỏ trống, ngoại trừ Anh Cả và ba bốn anh em trông coi; có đêm chỉ còn một mình Anh Cả đi lại coi nhà (x. LTĐC I tr. 224), sau mới biết mấy anh kia sợ quá, leo lên mái nhà ẩn nấp.

 

Tháng 6, 1954, chiến tranh trên toàn quốc Việt Nam đến ngày khốc liệt nhất. An ninh trong khu vực tỉnh Bùi Chu hầu như không còn gì bảo đảm. Anh Cả buộc phải giải tán anh em. Thật vậy, đột ngột sáng ngày 1 tháng 7, 1954, một anh em từ Bùi Chu về báo tin Anh Cả: “Cả nhà Bùi Chu: Đức Cha, cha Huân, các cha cùng toàn thể anh em Khiết Tâm đang đêm cùng với quân đội và Ban Hành chánh rút đi hết rồi! Khiết Tâm chỉ còn sót mấy người ở lại”. Tin này làm cho Anh Cả coi như bị sét đánh bên tai, không còn muốn làm gì nữa. Anh đã than thở với Mẹ: “Thất vọng hoàn toàn rồi, Mẹ ơi!” (x. LTĐC I tr. 232). 

 

Tuy thế, bề ngoài Anh Cả vẫn giữ được bình tĩnh, chỉ thấy Anh ăn ít (Anh đã quen ăn ít nay lại ăn ít hơn) và ít nói dù có nhiều anh em đến bên. Đối với anh em, tin đó đương nhiên làm cho nhiều người xôn xao, lo lắng, nghĩ rằng, nếu Tòa Giám mục đã bị bỏ trống, thì mình cũng không thể ở lại đây được. Anh em chỉ biết cầu nguyện và chờ đợi lệnh truyền của Anh Cả. Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ rất cẩn thận, Anh Cả quyết định cho anh em giải tán về quê, vì Anh nghĩ rằng, “về nhà quê, có cha, mẹ, anh chị em, chú bác họ giữ cho. Nếu ở lại đây, sẽ bị bắt hết” (x. sđd tr.235). 

 

Thế là ngày 5-7-1954, Anh hội họp tất cả anh em tại Liên Thủy khoảng trên 100 người, nhắn nhủ đôi lời cần thiết, rồi tuyên bố giải tán anh em đợt I. Anh không nói rõ tên những anh em phải ra đi, cũng như không nói số người bao nhiêu. Nhưng anh em hiểu ý Anh Cả, nên quá nửa số anh em đã ra đi trong buồn sầu và nước mắt! (x. sđd. Tr. 235).  Ngay sáng hôm sau, 6-7-1954, thấy nguy hiểm cấp bách, Anh Cả lại hội anh em, tuyên bố giải tán toàn Dòng! Thêm khoảng 20 anh em nữa bất đắc dĩ phải ra đi cũng trong nước mắt và buồn sầu, chỉ còn lại chừng 30 anh em yếu bệnh không đi được, phải ở lại.Một số anh em vì không muốn về quê, nên đã ra ở với các gia đình giáo dân tại các làng Liên Thủy, Trung Lễ, Phú An, Trung Linh, Hạ Linh xin làm con nuôi, tôi tớ hoặc người giúp việc… để có thể thỉnh thoảng về thăm Anh Cả tại Liên Thủy (sđd. Tr. 235). Về việc giải tán này, Anh Cả đã ghi lại cảm nghĩ: “Thật là cảnh chia ly đau xót, xáo trộn, vô trật tự, chỉ vì muốn giữ Đức Tin, muốn yêu Chúa, muốn nên thánh thôi; nhưng cũng là để làm trọn ý định của Chúa, Mẹ” (sđd. I, tr. 236).  

 

Khi biết được tin chắc chắn đất nước bị chia đôi như các báo chí đã đăng tải, ngày 1-8-1954, Anh Cả đã tuyên bố nhất định di cư vào miền Nam. Đồng thời Anh cho báo tin anh em khắp nơi tụ họp về Liên Thủy, xin giấy phép “đi tìm thân nhân” để có thể ra Hải Phòng, xuống tàu vào Nam. Chỉ trong vài ngày anh em đã về Liên Thủy hầu hết. Ai cũng phải sang Bùi Chu xin cấp giấy Thông hành, nếu không có giấy, không được ra khỏi phủ,huyện hay tỉnh. Đó là điều luật mọi công dân, nhất là trong xã hội chủ nghĩa phải biết. Sự lạ làm nên dấu ấn tín thần linh ở đây là trong mấy ngày đầu tháng 8, 1954, anh cán bộ ngồi Văn phòng thuộc Ủy Ban Tiếp thu thị trấn Bùi Chu, ký giấy cho anh em rất dễ dàng mà không hạch sách gì hết. Có người còn cho biết trong ba ngày liền (mồng 2, 3 và 4 tháng 8, 1954) ăn mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng bào được tự do đi lại trong nước, không ai hỏi giấy tờ gì cả. Vì thế, Anh Cả cũng như anh em, tuy vẫn mang giấy thông hành sẵn, nhưng không bị khám xét, hạch hỏi giấy tờ trong mấy ngày đó. Sang ngày 5-8-1954, các trạm canh gác lại bắt đầu kiểm soát giấy tờ người đi lại. Anh Cả và anh em cũng chỉ bị một trạm hỏi giấy tờ một lần sau khi qua đò Ninh Giang, trước khi vào miền Hải Phòng. 

 

Ngày 10-8-1954, khoảng 9 giờ sáng, Anh Cả và tất cả anh em có mặt tại Hải Phòng đều cùng dân chúng xuống tàu “Ville de Hai-Phong” (của hãng Denis Frères, người Pháp) để vào Nam. Sau ba ngày lênh đênh trên biển cả, đúng 3 giờ chiều ngày 13 tháng 8, 1954, tàu cập bến Bạch Đằng, Sàigòn, bỏ neo đậu lại. Anh em sung sướng tạ ơn Chúa, Mẹ vì đã đưa đoàn con bé nhỏ Đồng Công đến nơi bình an. Mọi người trên tàu đều hớn hở vui mừng, reo hò vang lên cả một góc trời. Những anh em bị say sóng cũng cảm thấy dễ chịu, tươi tỉnh hẳn lên. Lúc này một trận mưa thật lớn đổ xuống, vì đang là mùa mưa tại miền Nam. Đây là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa đối với các con Mẹ ĐC, vì 3 giờ chiều ngày Thứ Sáu, 13 tháng 8 là chính ngày, chính tháng và chính giờ kỷ niệm Mẹ Ly Trần. Anh em cảm thấy ơn Mẹ phù trợ đặc biệt và thiết tha yêu mến Mẹ hơn.