Sinh Hoạt Sống Đạo

 

 

Thân Hữu Đồng Công

(2015-2021)

 

 

Đồng Công: Những Ấn Tín Thần Linh

(Đồng Công 70 Năm Ngọc Khánh Khai Dòng)

 THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh

Cảm Nghiệm Đồng Công - Hậu chấn từ Kỷ Yếu "Đồng Công: Mùa Gặt Thương Xót"

 

Nội Dung

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Thai Sinh: Hoài Thai 1941 và Khai Sinh 1953 

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Nẩy Sinh sau cuộc Di Cư 1954

  Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Phát Sinh sau cuộc Vượt Thoát 1975

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Hồi Sinh sau cuộc  Khổ Nạn 1987 - 1993 

Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 Những Ấn Tín Thần Linh - Đồng Công: Một Sản Phẩm của Lòng Thương Xót Chúa

  

 

 

 

Những Ấn Tín Thần Linh

5- Đồng Công Trổ Sinh sau cuộc Tử Giá 2006 - 2007

 

Nếu cuộc tử giá của Chúa Kitô bao gồm toàn thể nhân tính của Người, tức bao gồm cả hồn lẫn xác của Người, một cuộc tử giá bắt đầu từ linh hồn của Người vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh trong Vườn Cây Dầu, và kết thúc cũng ở nơi linh hồn của Người trên cây thập tự giá vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, thì Đấng Sáng Lập Hội Dòng Đồng Công, căn cứ vào những gì xẩy ra cho ngài, vào giai đoạn cuối đời của ngài, trong thời khoảng hai năm 2006 - 2007, cũng bao gồm cả hồn lẫn xác, hồn trước xác sau và kết thúc ở nơi hồn của ngài. 

 

Tuy nhiên, vì Hội Dòng Đồng Công là Sản phẩm Thần linh bởi Trời, như chúng ta đã cảm nhận được qua biết bao nhiêu là Ấn tín Thần linh trong suốt giòng lịch sử của Dòng, mà Anh Cả chỉ là vị được tuyển chọn để sáng lập và đặt nền tảng, và Đấng Quan Phòng Thần linh đã ở cùng ngài cho tới cùng, ở chỗ, đã biến ngài nên giống như Chúa Giêsu Kitô Vượt Qua, để ngài, cũng như Chúa Kitô, trở thành "một hạt lúa miến mục nát đi mới sinh nhiều hoa trái" (Gioan 12:24), mục nát đi ngay trong Thửa Ruộng Đồng Công là anh em Dòng của ngài. Do đó, cho dù ngài đã qua đi và ngay sau khi ngài qua đi, một Mùa Đồng Công đã thực sự trổ sinh, như một Ấn tín Thần linh cho thấy ngài quả thực đã được Trời Cao tuyển chọn lập nên một Hội Dòng huấn thánh cho người Việt Nam nên thánh và làm thánh, làm tông đồ cuối thời, trước hết và trên hết, ở quê hương đất nước Việt Nam chúng ta, chưa kể đến cả ở đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ.

 

Bởi thế, chúng ta tiếp tục nhận thức được Đấng Quan Phòng Thần Linh tỏ mình ra qua những Ấn tín Thần linh nơi bản thân Anh Cả như "một hạt lúa miến mục nát", cũng như nơi chung Hội Dòng của chúng ta như một Mùa Đồng Công "sinh nhiều hoa trái".

 

Ấn tín Thần linh nơi bản thân Anh Cả như "một hạt lúa miến mục nát" 

 

Đúng thế, Anh Cả đã trải qua hai năm cuối đời của Anh, 2006 - 2007 như là một cuộc Tử Giá, sau khi Anh đã trải qua cuộc Khổ Nạn với án tù chung thân nhưng được Đấng Quan Phòng Thần Linh rút ngắn lại còn 6 năm, để Anh có thể sống những ngày còn lại trên trần gian quí báu này với anh em Dòng, nhưng đồng thời cũng là thời gian tiến dần đến cuộc Tử Giá đang chờ đợi anh, để cuộc đời liên lỉ sống đức tin tuân phục và đức ái trọn hảo của Anh được kết thúc và đạt đến tột đỉnh trọn lành thánh đức, ở chỗ, "con người tội lỗi nhất" (1Timôthêu 1:15) của Anh được nên trọn tất cả những gì Chúa Giêsu đã báo trước cho vị tông đồ được tuyển chọn thay thế Người chăn dắt đoàn chiên Giáo Hội của Người: "Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và muốn đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đi đến nơi anh chẳng muốn." (Gioan 21:18) 

 

Thật vậy, "khi đã về già" đây, trong trường hợp của Anh, đã ứng nghiệm ở cả 2 nghĩa: Anh vừa "già" ở đời sống trưởng thành về nhân đức trọn lành, lại vừa "già" về tuổi thọ, khi Anh đúng 100 tuổi (29/11/2006), dù Anh qua đời năm 2007, nhưng vẫn trong độ tuổi 100, chưa tròn đầy 101 tuổi (29/11/2007). Và chính lúc này, lúc Anh 100 tuổi, Anh đã "phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn". "Người khác" đây là ai, nếu không phải, trước hết và trên hết, là Đấng Quan Phòng Thần Linh, Vị "Thiên Chúa làm cho mọi sự xẩy ra vì lợi ích của những ai yêu mến Ngài, tức là cho những kẻ được Ngài kêu gọi theo như ý Ngài định" (Roma 8:28). "Người khác" đây đồng thời cũng là một tác nhân loài người nào đó, dù lành hay dữ, dù cố tình hay vô tình, được Ngài để cho hay sử dụng trong việc "thắt lưng và dẫn anh đi đến nơi anh chẳng muốn". 

 

"Nơi anh chẳng muốn" là nơi nào, nếu không phải nơi Anh "lúc còn trẻ muốn đi đâu tuỳ ý", nghĩa là tất cả những gì bất ngờ xẩy ra với Anh và cho Anh, những gì hoàn toàn trái với ý nghĩ, ý muốn và ý định tốt lành của Anh. Bằng cách nào, bằng cách "thắt lưng" cho Anh khi tìm cách lèo lái Anh để "dẫn anh đi đến nơi" của họ là chính mưu cơ của họ. 

 

Trong trường hợp của Anh vào giai đoạn cuối đời 2006 - 2007 thì thực sự Anh đã bị "người khác thắt lưng" cho bằng cách lèo lái Anh, qua âm mưu của một nhóm anh em gần gũi Anh, ở ngay bên "thắt lưng" của Anh tại Nhà Mẹ, một âm mưu muốn lèo lái Anh cho một người anh em Dòng được làm Giám tỉnh bên Chi Dòng, nhưng âm mưu này đã được Anh kịp thời khám phá ra và sa thải lập tức vào ngày 21-22/4/2006 nhóm 7 người (1 LK 12, 5 LK 13, 1 LK 14), những “pháo nách” của Anh nhưng lại âm mưu "thắt lưng" Anh bấy giờ, và sau khi sa thải nhóm 7 con người thân cận ấy, Anh đã không cho người anh em bên Tỉnh Dòng được toại nguyện làm Giám tỉnh.

 

Thế nhưng, sau đó, Anh không ngờ Anh vẫn bị người anh em bên Tỉnh Dòng đóng vai chủ mưu này, không được toại nguyện, đã bất chấp thủ đoạn "dẫn anh đi đến nơi anh không muốn" là các đấng bậc trong Giáo Hội ở Việt Nam, khiến lễ an táng của Anh là một vị Sáng Lập Dòng, một Hội Dòng Việt Nam giúp ích cho Giáo Hội ở Việt Nam rất nhiều, lại chỉ có 2 vị Giám mục, trong đó vị chủ tế và giảng lễ là Đức Cha Châu Ngọc Tri Giáo phận Đà Nẵng không hề biết gì về Anh. 

 

Thế nhưng, vị Sáng Lập Dòng chủ trương và sống bình dân như thế nào lúc còn sống thì khi chết cũng được chết một cách bình dân như vậy, giữa thành phần giáo dân và tu sĩ tầm thường, không có tính cách long trọng và hoành tráng tí nào, nhờ bởi có sự hiện diện và tham dự đông đảo của các đấng bậc vị vọng trong hàng Giáo phẩm của Hội Đồng Giám Mục bấy giờ. 

 

Anh Cả, như Chúa Kitô đã bắt đầu cuộc tử giá của Người trước hết ở Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh khi Người cảm thấy "linh hồn Thày buồn sầu đến chết đi được" (Mathêu 26:38), trước khi Người bị bắt giải đến tòa Thượng tế Caipha để bị hạch hỏi và hành hình xỉ nhục về phần xác, Anh cũng đã phải trải qua cuộc tử giá về tâm hồn trước, như được cảm nhận trên đây, mà còn phải trải qua cuộc tử giá về thân xác nữa, khi Anh đã phải được đưa đi cấp cứu vào chính ngày Lễ Quan Thày Đaminh 8/8/2006, để rồi Anh đã âm thầm ra đi, không một anh em Dòng nào bên cạnh, vĩnh viễn xa cách anh em Dòng. 

 

Khoảng 6 tháng trước khi Anh qua đời, Anh bị mắc một chứng bệnh rất lạ, đầu tiên từ đầu tới chân xuất hiện những chấm đỏ như bị rôm sẩy, lớn dần; khi đó Anh giống như người đi Vũng Tàu, tắm biển và bị cháy nắng, đen đủi, khiến cho nhiều người không nhận ra, rồi bắt đầu lột da từ đỉnh đầu cho đến gót chân. Các bác sĩ đến khám cho biết là xuất huyết dưới da, nhưng lý do thì không hiểu được. Khi da lột xong, Anh Cả lại hồng hào, trắng trẻo như trước. Nhưng chỉ được khoảng một tháng, lại bắt đầu xuất hiện những chấm đỏ và lại lột da... 

 

Phải chăng chứng bệnh lạ cuối đời này của Anh và nơi Anh là Ấn tín Thần linh cho thấy Trời Cao đã nhận lời Anh xin và đáp ứng ước nguyện đầu đời linh mục 5/1937 của Anh, đúng 70 năm trước vào thời điểm Anh qua đi năm 2007, và Anh đã được đáp ứng trọn vẹn những gì Anh xin "cho con nhiều thánh giá", như những thánh giá đau khổ liên quan đến tâm hồn của Anh đã được kể trên, bao gồm cả "thân xác con được đầy các sự khốn khó, đau đớn", một lời nguyện cầu nguyên văn như sau: "Xin Chúa đổ trên mình con các sự khốn khó, xin Chúa ban cho con nhiều thánh giá, xin cho thân xác con được đầy sự khốn khó, đau đớn, để con mến Chúa hơn, nên giống Chúa một ngày một hơn và được kết hợp cùng Chúa cho bền chặt".

 

Anh Cả đi Bệnh viện lần thứ tư cũng là lần cuối cùng trong suốt cuộc sống khỏe mạnh trăm năm của Anh, dù Anh ăn uống và ngủ nghỉ một cách khổ chế, và khi Anh vào nhà thương lúc Nhà Mẹ đang tĩnh tâm năm. Anh bị sốt nên không phản đối khi anh em ngỏ ý đưa Anh đi Bệnh viện. Lần này Anh không đòi về như những lần trước và sức khỏe đã phục hồi sau gần một tuần nằm Bệnh viện. Thế nhưng Anh bị strock một lần nữa và lần này Bác sĩ đưa Anh vào phòng Săn Sóc đặc biệt (ICU – Intensive Care Unit). Phòng này thân nhân không được vào săn sóc, tất cả do Bác sĩ và y tá phụ trách, đảm nhận; thân nhân chỉ được vào thăm 4 lần: sáng, trưa, chiều, tối, mỗi lần khoảng 1 tiếng, thay phiên nhau, và mỗi lần chỉ được 2 người.

 

Có thể coi đây là lưỡi đòng đâm thâu vào trái tim đau khổ của Anh Cả, vì suốt cuộc đời Anh không bao giờ muốn xa đoàn em, chỉ trừ lúc Anh bị giam tù riêng thôi. Anh Cái Thiện Minh, trưởng ban y tế, đã nhờ Bác sĩ đưa lên gặp Phó Giám Đốc Bệnh viện để xin phép ngoại lệ vào thăm nuôi Anh, nhưng bị từ chối. Nhìn qua cửa kính, thấy Anh chồm người lên, nhìn quanh như muốn tìm anh em, cánh tay còn hoạt động bị cột lại vùng vẫy như muốn gọi anh em tới, khiến anh em không giữ được giọt lệ vì thương Anh.  

Mấy hôm đầu vào thăm, Anh Cả còn mở mắt và nhận biết, nhưng sau, Anh bị hôn mê, chung quanh đầy máy móc, toàn thân được gắn đầy những giây và ống ... Từ đây anh em thay nhau túc trực bên ngoài để theo dõi sự sống còn của Anh, vì thấy sự ra đi của Anh chỉ còn từng giờ. Anh Xuân thì muốn bằng mọi giá kéo dài sự sống của Anh. Anh Minh trình bày với Bác sĩ nguyện vọng đó và Bác sĩ cũng đồng ý nên tiếp tục chích thuốc cho Anh cho tới khi Anh được Chúa gọi về vào tối ngày 21-6-2007, lúc 8g15.

 

Vâng Anh Cả đã trút hơi thở cuối cùng! Anh đã ra đi trong cô đơn, không một anh em nào bên cạnh, mặc dù bên ngoài phòng Săn Sóc đặc biệt, anh em vẫn túc trực ngày đêm. Lúc Anh bị nguy kịch, các bác sĩ đang làm hồi sức cấp cứu, có một Sơ làm y tá trong phòng ra báo cho anh em biết để cầu nguyện…, không phải để níu kéo lấy sự sống của một con người mình hằng kính mến, lúc ấy, theo kiểu tính Việt Nam, đã sang tuổi 101, một độ tuổi đằng nào cũng phải ra khỏi trần gian bất cứ lúc nào, cho bằng xin phó dâng Anh cho LTXC để cầu nguyện cho anh em Dòng được tiếp tục theo đuổi Lý Tưởng Đồng Công của Anh và với Anh là nên thánh và làm thánh Việt Nam cho đến ngày cùng tháng tận của cuộc đời như Anh.       

     

Y tá ra báo cho anh em vào để ký giấy tờ. Anh Minh và vài anh cùng với Sơ y tá vào, đứng bên thi thể còn ấm của Anh để cầu nguyện cho Anh. Đồng thời, Nhà Dòng ở Thủ Đức báo tin Anh qua đời sang Tỉnh Dòng bên Mỹ và các nơi liên hệ, như Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn, Nhà Nước Việt Nam... cả các đài phát thanh như Vatican, Veritas... Sau đó, anh em xin xe Bệnh viện đưa xác Anh Cả về Nhà Dòng tại Thủ Đức. Toàn thể anh em ở nhà được báo tin trước, nên đã mặc tu phục đứng đón chờ. Thật là xúc động khi thấy người Anh Cả dấu yêu của mình vĩnh biệt toàn thể Anh Em Dòng, lủi thủi một mình nhắm mắt xuôi tay, để ra đi về Nhà Cha. 

 

Ấn tín Thần linh nơi chung Hội Dòng của chúng ta như một Mùa Đồng Công "sinh nhiều hoa trái"   

 

Nếu Chúa Kitô Vượt Qua là "phiến đá mà thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường" (Thánh Vịnh 118:22) thế nào, thì Anh Cả, dường như đã bị các đấng bậc trong Giáo Hội ở Việt Nam bấy giờ "loại bỏ" ở một nghĩa nào đó khi Anh qua đời, cũng là "hạt lúa miến mục nát đi sẽ sinh nhiều hoa trái" như vậy. Thật thế, chẳng cần phải chờ lâu la hay ở đâu xa vời, mà ngay trong khi thi thể của Anh còn đang nằm đó, chưa kịp an táng trong huyệt mộ ở nghĩa trang của Dòng, thì trong đêm cuối cùng phục tang Người Anh Cả thân yêu của mình, anh em Dòng và ít người thuộc dòng tộc của Anh canh thức bên linh cữu, đã xẩy ra một điều lạ là dù xác của Anh đã đặt ở một chỗ mấy ngày rồi mà đôi bàn tay của Anh vẫn mềm mại như tay người sống. Cả Nhà Dòng đều thấy như vậy, nhưng không hiểu được tại sao. 

 

Chưa hết, khi Chúa Giêsu tắt thở trên cây Thánh giá thì không gian xẩy ra những sự lạ, như "Đất rung đá vỡ"  (Mathêu 27:51) thế nào, thì trong ngày an táng Anh Cả cũng vậy. Những ngày trước lễ an táng, bầu trời vẫn u ám, thỉnh thoảng có mưa nhỏ cho đến chính lúc cử hành Thánh Lễ; đồng thời anh em Dòng cũng đã phải mua cả hàng ngàn áo mưa và một số dù, mỗi chiếc có thể che được 10 người. Sân Nhà Dòng có thể chứa được chừng gần 5.000 người, không kể trên bục cao, nơi đặt bàn thờ và ngày lễ, nên ban quản lý Nhà Dòng phải cố tìm thuê được một chiếc tăng thật lớn che tất cả sân nhà Dòng, nơi 200 ghế ngồi cho các linh mục đồng tế.

 

Lúc 6 giờ sáng, trời vẫn âm u và lất phất mưa bay. Khoảng 6g30, trời bắt đầu sáng dần, mây tan biến lúc nào không biết. Đến 7 giờ, chuẩn bị rước linh cữu từ Nhà Nguyện xuống trước lễ đài, mặt trời lộ hẳn, không còn áng mây nào che khuất, ánh sáng chiếu xuống làm khô hết các ghế ngồi và những chỗ ẩm ướt. Từ đó, trời nắng đẹp cho đến hết Thánh Lễ lâu chừng 1 giờ 30 phút, trừ một lần trời đe dọa mưa nhẹ, thỉnh thoảng có cơn râm, trời mát, rồi lại nắng. Cũng từ 6 giờ sáng, những người tới dự lễ an táng đã lải rải đến Nhà Dòng: có đủ mọi thành phần già trẻ, giáo dân, thân nhân của Anh, một số cựu tu sĩ, bác sĩ, y tá, phóng viên, các tôn giáo bạn, các vị sư, kể cả giới chính quyền cấp xã, Huyện và nhân viên Ban Tôn giáo TP Hồ Chí Minh, thành phần thuộc Nhà Nước đã từng cưỡng chiếm tài sản của Dòng Anh ở Thủ Đức năm 1987 bằng một âm mưu chộp bắt và kết án tù chung thân Anh ... Tất cả đều giữ thinh lặng, trật tự và trang nghiêm với vẻ thánh thiêng lạ thường.

 

Đấy là mấy sự lạ như Ấn tín Thần linh cho thời điểm an táng Anh. Ấn tín Thần linh tiếp theo ngay sau đó mới quan trọng hơn và lạ lùng hơn nữa, khi Anh là "hạt lúa miến (chưa kịp) mục nát đi" trong và cho Thửa Ruộng Đồng Công là anh em Dòng "sinh nhiều hoa trái", đó là Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, vị Tổng Giám Mục khi vừa được bổ nhiệm phục vụ TGP Sài Gòn đã tỏ ra lạnh lùng với anh em Dòng, vì khi vừa gặp anh em Dòng đại diện lần đầu tiên, ngài đã thẳng thừng cho biết Dòng Đồng Công là Dòng của Cha Thủ, không phải là Dòng của Giáo Hội và của TGP Sài Gòn, bởi bấy giờ trong công hàm của TGP này không có hồ sơ gì về Nhà Dòng. Tuy nhiên, vào ngày 24/6/2007, ngày lễ Thánh Quan thày Gioan Baotixita của ngài, tức 3 ngày sau biến cố Anh Cả qua đời, ngài là vị chủ chiên của TGP Sài Gòn, bao gồm cả Dòng Đồng Công, đáng lẽ phải là chủ tế và giảng lễ an táng cho Cha Thủ nhưng lại vắng mặt, nhưng bù lại ngài đã ký Sắc Lệnh phê chuẩn Hiến Pháp Dòng mà anh Tổng vụ Xuân đã đệ trình mấy tháng trước. 

 

Đến đây chúng ta lại thấy sự quan phòng thần linh vô cùng huyện diệu của Chúa về bản Hiến Pháp Dòng then chốt khiến Vị Hồng Y có quyền dẹp bỏ Hội Dòng Đồng Công đang từ tâm trạng thiếu thiện cảm sang thiện cảm. Câu chuyện về bản Hiến Pháp Dòng then chốt này đã xẩy ra như sau: Ngày 25-1-1983, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ký Tông hiến ”Sacrae Disciplinae Leges” (tạm dịch là Những Điều Luật Huấn Thánh), công bố Bộ Giáo Luật mới đã được soạn lại theo Quyết Nghị của Công Đồng Vaticanô II. Các Dòng tu trong Giáo Hội được khuyến khích sửa lại Hiến Pháp Dòng theo chỉ dẫn của Giáo Luật mới. Anh Cả rất sẵn sàng sửa lại Hiến Pháp Dòng cho hợp với Giáo Luật mới. Anh đã cùng anh Giản viết lại Hiến Pháp bằng La Ngữ. Chỉ trong vài ba tháng, Hiến Pháp mới đã được hoàn thành và được gửi sang Rôma xin phê chuẩn.

 

Để việc gửi đi này được chắc chắn, không sợ thất lạc ..., Anh Cả đã cho gửi qua Chi Dòng tại Hoa Kỳ, để Chi Dòng chuyển tới Tòa Thánh. Được một linh mục Việt Nam làm việc ở Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Thủ Đô Hiệp Chủng Quốc khuyên nên gửi bản Hiến Pháp Dòng tới Tòa Sứ Thần để nhờ chuyển sang Rôma là bảo đảm nhất. Chi Dòng đã làm như vậy và bản Hiến Pháp đã được gửi đến Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc (tức Bộ Truyền giáo) an toàn, vì Dòng ĐC tại Việt Nam vẫn còn lệ thuộc Thánh Bộ này

 

Sau khi duyệt xét cẩn thận bản Hiến Pháp của Dòng ĐC bằng La Ngữ, Thánh Bộ Truyền giáo đã gửi lại Chi Dòng Hoa Kỳ, kèm theo những chỉ dẫn rất tỉ mỉ phải sửa chữa cho hợp với Giáo Luật mới. Đồng thời Thánh Bộ yêu cầu dịch Hiến Pháp Latinh đã được Bộ sửa chữa sang tiếng Anh rồi gửi lại Thánh Bộ để phê chuẩn. Chi Dòng đã nhờ một Cha giáo rất giỏi La ngữ tại Đại Chủng viện Notre Dame, thành phố New Orleans, nơi anh em ĐC đang theo học Thần học, xin dịch bản Hiến Pháp ĐC La ngữ mà Bộ Truyền giáo đã sửa chữa sang Anh văn. Bộ cũng lưu ý là từ lần sau gửi Hiến Pháp sang Rôma thì gửi bản bằng tiếng Anh, chứ không gửi bản bằng tiếng Latinh sang nữa.

 

Sau đó, Chi Dòng gửi bản HP La ngữ được Thánh Bộ Truyền giáo sửa chữa về Việt Nam, xin Anh Cả cho sửa lại theo chỉ dẫn của Bộ, rồi gửi sang Tòa Thánh lần nữa để được châu phê. Nhưng không hiểu sao Anh Cả chưa cho làm như Thánh Bộ yêu cầu. Trong khi chờ đợi Anh Cả sửa chữa và gửi lại, Anh Piô M. Nguyễn Quang Đán, khi làm Giám Tỉnh Tỉnh Dòng ĐC Hoa Kỳ, đã dịch bản Hiến Pháp Anh ngữ sang tiếng Việt để tạm dùng. Bản dịch Hiến Pháp mới tiếng Việt cũng được đưa về Việt Nam và Anh Cả đã chấp thuận cho dùng tuy chưa được Tòa Thánh chính thức phê chuẩn.

 

Sau khi được bầu làm Tổng Phục Vụ Dòng thay Anh Cả, Anh Gioan M. Đoàn Phú Xuân đệ trình bản Hiến Pháp mới tiếng Việt cùng với bản Anh ngữ đã được sửa chữa theo chỉ dẫn của Thánh Bộ Truyền Giáo lên Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục Sài Gòn xin phê chuẩn theo Giáo Luật mới thay vì gửi sang Rôma.

 

Đức Hồng Y đã nhờ một linh mục chuyên môn Giáo Luật xem xét và yêu cầu Dòng ĐC sửa lại đôi chút về thứ tự các chương trong bản Việt ngữ. Anh TPV Xuân đã cho sửa lại Hiến Pháp mới lần chót rồi đệ trình lên Tòa Tổng Giám Mục. Khoảng 6 tháng sau, đúng ngày lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Bổn Mạng mình (24-6-2007), Đức Hồng Y đã ký Sắc Lệnh phê chuẩn Hiến Pháp mới Dòng Đồng Công theo thỉnh nguyện của Dòng. Sắc Lệnh này được ký 3 ngày sau khi Anh Cả qua đời. Sắc Lệnh này được in ở trang đầu Hiến Pháp, các ấn bản năm 2013 và 2017, phát cho mỗi anh em đã khấn Dòng.

 

Căn cứ vào diễn tiến xẩy ra của 2 sự việc liên quan đến Bản Hiến Pháp then chốt của Dòng này: trước hết là sự kiện Anh Cả qua đời tối ngày 21/6/2007, và ngày 24/6/2007 Dòng của Anh được Giáo quyền Nhà Mẹ chuẩn nhận Hiến Pháp Dòng, như thể công nhận Dòng Cha Thủ Lập là Dòng của Giáo Hội và Nhà Mẹ của Dòng ở trong TGP Sài Gòn thuộc thẩm quyền của vị chủ chiên đương nhiệm bấy giờ là ĐTGM Phạm Minh Mẫn, thì dường như sau 3 ngày Anh Cả đã “sống lại”, qua việc Anh chuyển cầu cho Dòng trước Thánh Nhan Chúa, Đấng đã chọn Anh lập Dòng mà bấy giờ Anh không còn trực tiếp ở cùng anh em Dòng nữa về thể lý, nhưng trong mầu nhiệm các thánh cùng thông công, Anh vẫn tiếp tục ở với Dòng của Anh hơn bao giờ hết và giúp Dòng của Anh một cách thần lực hơn khi Anh còn ở với anh em Dòng.

 

Biến cố Giáo quyền Nhà Mẹ của Dòng công nhận Bản Hiến Pháp là bước quan thiết nhất cần phải có, để nhờ đó mới có một Mùa thụ phong linh mục dồi dào chưa từng có, vì cánh đồng truyền giáo bao rộng của Giáo Hội ở Việt Nam đang chờ Thời Điểm Đồng Công, với một lực lượng thừa sai sẽ được chính các Đấng Bản quyền địa phương mời gọi đến phục vụ, như anh em THĐC đã chứng kiến thấy qua hai hành trình 2017 và 2022.

 

Thật vậy, anh em THĐC HK/HN, thuộc tổ chức THĐC được Anh Cả thành lập ngày 27/4/1974 ở Việt Nam, và ở Hoa Kỳ đã được Anh Giám Tỉnh tiên khởi của Chi Dòng là Bano Kiên công nhận bằng văn thư đề ngày 16/12/1982, đã thực hiện 2 chuyến về Việt Nam, chuyến năm 2017 và 2022, cách nhau 5 năm. Chuyến năm 2017 theo chiều hướng Về Nguồn Đồng Công và chuyến năm 2022 có tính cách Truyền Giáo Đồng Công. Trong cả 2 chuyến, nhất là chuyến 2022 từ bắc vô nam, THĐC đã được phúc đến tận nơi thăm quý anh em thừa sai của Dòng đang phục vụ ở các khu vực truyền giáo được Đấng bản quyền địa phương mời gọi, đã có được những ấn tượng sau đây: 

 

1- Càng truyền giáo Đồng Công càng gia tăng số lượng linh mục, chứ không khó khăn vất vả như hồi Anh Cả còn sống vào giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970, cứ phải di chuyển Nhà Mẹ đi đến chỗ nào, điển hình nhất là từ Thủ Đức thuộc TGP Sài Gòn, ra Giáo phận Qui Nhơn thời Đức Cha Hoàng Văn Đoàn, OP, nơi có thể cho phép dòng tự đào tạo linh mục. Vì nhu cầu linh mục phải được chính Dòng đào tạo, khẩn trương và quan trọng đến độ đã trở thành như mục đích, khiến Nhà Mẹ như “bị” biến thành một phương tiện để có được thành phần anh em linh mục do Dòng đào tạo. Chính Anh Cả, trong cuốn LTĐC I đã than phiền với Đức Mẹ về tình trạng đảo lộn này như sau: “Mẹ để cho cái Nhà Mẹ Đồng Công không bằng cái tổ chim, vì tổ chim đâu có dễ di chuyển như vậy. Từ Liên Thủy, Bắc Việt vào Võ Tánh được hơn tuần lễ thì đi về Trịnh Hoài Đức, Biên Hòa; ở đây hơn một tuần thì đi xuống Mỹ Tho; sau một tuần lại đến Sa-Đéc. Đóng ở Sa-Đéc khoảng 3 tháng sau lại xuống Cù Lao Giêng; ở đây chưa được một năm lại đi Thủ Đức. Từ Thủ Đức vừa chuyển ra Mỹ Chánh chừng 3 tháng lại phải đi. Nhưng đi đâu bây giờ?”.

 

Lý do Anh Cả coi trọng việc Dòng tự đào tạo linh mục Dòng là vì, theo Anh làm linh mục thì phải thánh thiện, nên Anh chọn lựa rất cẩn thận và tự huấn luyện thật kỹ lưỡng. Chương trình học và việc huấn luyện cho Đại Chủng Sinh ĐC có thể tóm gọn như sau: Triết, Thần học đều theo sát với Sắc lệnh “Optatam Totius” (số 13, 14) của CĐ Vaticanô II, như Triết kinh viện và La ngữ, mà hầu hết các Chủng viện Miền Nam đã bỏ. Riêng La ngữ, theo CĐ Vaticanô II, là tiếng nói chính thức của Giáo Hội Latinh đã dùng qua bao thế kỷ cho tới ngày nay. Như vậy, người con trung thành của Giáo Hội lại khinh thường học La ngữ sao được? Đó là mấy điểm trong chương trình học thuộc ĐCV, Anh Cả muốn lưu ý các Bề Trên Tổng Quyền, các sinh viên, các linh mục Dòng. Còn các môn khác đã được ghi trong HP, TL Dòng. Ba lớp linh mục đầu đều đã học 2 năm triết, 4 năm Thần, và được huấn luyện về Tu Đức và đức tính rất cẩn thận, kỹ lưỡng; lớp nào cũng được nghe ít nhất 120 bài huấn đức về nhân đức cần thiết cho đời linh mục, hầu như mỗi lớp đều được huấn luyện lại, từ đời sống nội tâm, ba Lời Khấn Dòng, từ bỏ mình, khiêm nhượng v.v... nhất là được cho biết kỹ về tính nết người Việt Nam. Như Anh Cả nói, về phần Anh, Anh cho như thế là chương trình đào tạo linh mục Đồng Công đã trọn vẹn 100%.

 

Thật vậy, sau khi Anh Cả qua đi, số lượng linh mục của Dòng gia tăng rất mạnh và rất nhanh, ngay tại TGP Sài Gòn là nơi khi Anh còn sống đã phải chuyển Nhà Mẹ Dòng, vào giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1970  ra Giáo phận Qui Nhơn, nhất là Nhà Đá hết sức nguy hiểm, để có thể tự đào tạo linh mục Dòng. Thật vậy, nguyên trong thời hai vị TGM TGP Sài Gòn là Đức Phạm Minh Mẫn (1998-2014) và Đức Bùi Văn Đọc (2014-2018), Dòng đã gần 200 vị linh mục do 2 vị chủ chiên này phong chức cho: Đức Phạm Minh Mẫn, sau khi đã công nhận Hiến Pháp của Dòng đã thiện cảm với Dòng hơn bao giờ hết và đã truyền chức cho Dòng từ 70 đến 80 linh mục, còn Đức Bùi Văn Đọc, quen biết với anh em Dòng ở Đà Lạt thời tiền bán thập niên 1970, khi anh em Dòng phục vụ Tiểu Chủng viện Simon Hòa, Đại Chủng viện Minh Hòa, Cư Xá Sinh Viên Rạng Đông của Dòng, Cư xá Sinh viên Trương Vĩnh Ký của Đại Học Thụ Nhân Đà Lạt, và làm quản lý cho đại học này, nên rất quí mến anh em Dòng, vì thế, trong 4 năm ngắn ngủi ngài phục vụ TGP Sài Gòn, ngài đã truyền chức cho Dòng từ 80 đến 90 Lm. 

 

Cũng có thể những năm bội thu thụ phong linh mục Đồng Công này, theo quan phòng thần linh vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, là để d trữ cho những năm mất mùa thụ phong ngay sau đó, như đang thực sự xẩy ra, với cả gần 100 anh em đã học xong và đang chờ thời cơ... thiên định trong tinh thần tận hiến Đồng Công.

 

2- Thành phần linh mục thừa sai trẻ đầy sức sống Đồng Công, thuộc các lớp chịu chức sau này, từ lớp XII đến lớp XV, như THĐC được gặp mặt và nói chuyện năm 2022, sau khi đã cùng với Đấng Sáng Lập trải qua cuộc khổ nạn Đồng Công 1987-1993, nên đã, đang và sẽ trở thành những tay chuyên nghiệp cho một Mùa Gặt Thương Xót Nước Trời trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội ở Việt Nam, một cánh đồng bao gồm 3 miền chính yếu đó là Miền Thượng Du Bắc Việt với 3 giáo phận Hưng Hóa, Bắc Ninh và Lạng Sơn; Miền Tây Nguyên Trung Phần với 2 giáo phận là Kontum và Buôn Mê Thuột, và Miền Hậu Giang Nam Việt, với 3 giáo phận là Mỹ Tho, Cần Thơ và Long Xuyên. Anh em linh mục thừa sai Đồng Công đang hiện diện và đắc lực phục vụ ở từng giáo phận trong mỗi miền này, đến độ, anh em THĐC đã thấy được những cuộc biến hình tuyệt vời kỳ diệu ở một số khu vực truyền giáo tiêu biểu, như tại Giáo xứ Văn Thạch ở Giáo phận Bắc Ninh, Giáo họ Hạ Lũng ở Giáo phận Lạng Sơn, Giáo họ Tam An ở Giáo phận Kontum, Giáo xứ Xẻo Tam ở Giáo phận Long Xuyên, và Giáo điểm Mỹ An ở Giáo phận Mỹ Tho.

 

Tất nhiên, "hoa trái" truyền giáo được trổ sinh từ "hạt lúa miến mục nát đi" là Anh Cả, Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công chúng ta, Đấng được ơn linh ứng sai anh em Dòng đi "để giữ lấy Dòng và để truyền giáo", không thể nào không kể đến Ngày Thánh Mẫu ở Hoa Kỳ, một Ngày Thánh Mẫu hằng năm, từ năm 1978, liên tục diễn ra tại trụ sở của Tỉnh Dòng là thành phố nhỏ Carthage tiểu bang Missouri, miền trung Hoa Kỳ, một NTM hằng năm, từ đại năm Thánh 2000, qui tụ khoảng 50 ngàn người.

 

Trong số thành phần tham dự NTM hằng năm, bao gồm cả anh chị em lương dân, anh chị em thuộc các tôn giáo khác, đặc biệt là đông đảo giới trẻ, nhất là thành phần anh chị em Tin Lành trong thành phố Carthage của trụ sở Tỉnh Dòng Đồng Công đã được hoán cải một cách vô cùng lạ lùng, từ tấm lòng họ vốn kỳ thị và thái độ tẩy chay Mẹ Maria của họ, không biết từ bao giờ, họ đã tỏ ra thái độ và hành động tích cực chẳng những nhiệt thành hợp tác mà còn tự nguyện phục vụ khách hành hương Việt Nam về nhiều phương diện trong NTM, như cho đậu xe ở khu nhà thờ của họ, cho ở trọ trong nhà hay ngoài sân của họ, cho uống nước mát khi cung nghinh Tượng Mẹ Fatima Thánh Du quốc tế về gần tới nơi bị mệt, cung cấp chuyên chở đi Walmart mua sắm gần đó.

 

NTM ở Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ quả thực là một Ấn tín Thần linh của Trời Cao, vì chính khi anh em Dòng, sau mấy năm đầu tổ chức, muốn xin thôi với Đức Cha Bernard Law, nhưng không được ngài đồng ý, vì Đấng Quan Phòng Thần Linh đã muốn biến khu vực 40 mẫu của Tỉnh Dòng Đồng Công Hoa Kỳ này thành một cánh đồng truyền giáo tại đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ. Đồng Công đúng là một Ấn tín Thần linh của LTXC và của Mẹ Đồng Công Thương Xót cho Mùa Gặt Thương Xót khẩn trương trong thời điểm "thế giới ngày nay cần đến LTXC biết bao!" (ĐTC GP II - Balan bài giảng cung hiến Đền Thờ LTXC ở Krakow Balan ngày Thứ bảy 17/8/2002).

 

Tóm lại, chính Hoa Trái Đồng Công, “những việc lạ lùng trước mắt chúng ta do Thiên Chúa làm” (Thánh Vịnh 118:23), nơi anh em Dòng cũng như nơi việc truyền giáo của anh em Dòng cho người Việt Nam ở cả trong nước lẫn hải ngoại, đã chứng thực cho thấy Anh Cả vẫn ở cùng anh em Dòng và hoạt động với anh em Dòng, bằng mối hiệp thông thần linh và lời chuyển cầu của Anh, Vị Sáng Lập của chúng ta, Vị Sáng Lập thật sự đã được Trời Cao tuyển chọn như là một Ấn tín Thần linh ở nơi đoàn em theo đuổi LTĐC của Anh, với Anh và như Anh là nên thánh và làm thánh cho phần rỗi của dân nước Việt Nam thân yêu của anh cũng là của chúng ta!

 

 

Mùa Phục Sinh - Lễ Lòng Thương Xót Chúa 16/4/2023

THĐC tâm phương Đaminh Maria cao tấn tĩnh